|
|
Lời giới thiệu:
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Nam bộ và cũng là của cả nước. Tiểu thuyết của ông luôn luôn tiêu biểu cho những vấn đề luân lý- đạo đức như tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình bằng hữu.
Về phương diện tư tưởng, Hồ Biểu Chánh là một người "thủ cựu". Ông chủ trương truyền bá nhân nghĩa nho giáo: "sản xuất mấy chục pho tiểu thuyết, viết kịch bản, làm phú thi, hay lập báo chí, luôn luôn tôi vẫn đuổi theo cái mục đích duy nhứt là thành thân với thủ nghĩa" (Nguyễn Khuê, 1998).
Trong những năm đầu Hồ Biểu Chánh đã biết tìm con đường riêng cho mình bằng cách phát huy kinh nghiệm truyền thống, khai thác những nguồn cảm hứng nghệ thuật phù hợp với khẩu vị của bạn đọc phổ cập và rộng rãi hơn rất nhiều nhà văn có cách viết cao xa, bay bướm (Nguyễn Văn Trung).
Không phải là ông không biết cái luồng gió Âu hóa thổi vào xứ ta lâu rồi, nhưng ông cho rằng "luân lý bao giờ cũng là luân lý, dầu có cảm nhiễm cái phong tục Âu Mỹ nhiều hay ít, dân tộc ta cũng không thể vày đạp cái luân lý tổ phụ của ta được"
Hồ Biểu Chánh còn là nhà tiểu thuyết phong tục: tiểu thuyết của ông là một bức tranh phong tục phong phú và đặc sắc của mảnh đất phương Nam, với nhiều giai tầng xã hội trong một xã hội đang chuyển động cũ mới. Từ những vụ "cưỡng bách hôn nhân", "tiền dâm hậu thú", "môn đăng hộ đối", "giành gia tài", những phong tục dị đoan, ngoại tình, thông dâm án mạng, điền chủ - tá điền, niềm tin tôn giáo ... cho đến cái tục gọi bằng "nôm"...
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là một bộ lịch sử phong tục Nam bộ hồi xưa, được tái hiện qua tiểu thuyết.
Xét về đủ mọi phương diện, Hồ Biều Chánh là một nhà tiểu thuyết lớn của Nam bộ và của cả nước. Chúng ta phải xác định lại cho đúng vị trí của ông trong lịch sử văn học
(T.S. Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học). Trích từ Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ 20.
|
|
Hồ Biểu Chánh
Tác phẩm văn học:
64 tiểu thuyết,
12 tập truyện ngắn và truyện kể,
2 truyện dịch,
12 tác phẩm hài kịch và ca kịch,
5 tập thơ và truyện thơ,
8 tập ký,
28 tập khảo cứu-phê bình.
Ngòai ra, còn có nhiều bài diễn thuyết.
An Tất Viên, nơi an nghỉ cuối của Hổ Biểu Chánh
|