ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG
TIỂU THUYẾT
HỒ
BIỂU CHÁNH
Ths. Huỳnh
Thị Lan Phương
(Bài đã
đăng trên tạp chí Khoa học Đại học
Cần Thơ, số 36C, 2015, từ trang 50 đến
trang 55)
1. Tự
sự là một phương thức tái hiện
chân dung cuộc sống sinh động, chân thật, khách
quan. Nghiên cứu về tự sự, ngoài
việc tìm hiểu nghệ thuật kể, cũng như
những yếu tố bên trong đã chi phối đặc
điểm và chất lượng của các ngôi kể, còn
phải chú ý đến điểm nhìn trần thuật.
Điểm nhìn thể hiện vị trí quan sát, góc nhìn,
tầm nhận thức để khám phá sự kiện,
sự việc và con người của người kể
chuyện.Cái nhìn nghệ
thuật của nhà văn về cuộc sống, con
người thể hiện rõ nhất thông qua điểm
nhìn trần thuật. Hơn nữa: “Không thể có nghệ thuật nếu không có
điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan
tâm và đặc điểm của chủ thể trong
việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị
của sáng tạo nghệ thuật một phần không
nhỏ là do đem lại cho người thưởng
thức một cái nhìn mới đối với cuộc
sống. Sự đổi thay của nghệ
thuật bắt đầu từ đổi thay
điểm nhìn.”[1]. Điểm nhìn trần
thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thể
hiện tư tưởng, lập trường của nhà
văn trước cuộc sống. Đồng
thời, nó cũng cho thấy ý thức cách tân trong nghệ
thuật tự sự của tác giả. Chọn cách
kể chuyện theo hình thức
truyền thống, với người kể chuyện theo
ngôi thứ ba hàm ẩn nhưng Hồ Biểu Chánh vẫn
có thể tạo nên những điểm nhìn trần
thuật mang yếu tố hiện đại. Khai thác vấn đề ở phương
diện này sẽ có thêm cơ sở để khẳng
định những đóng góp to lớn của tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh đối với quá trình
hiện đại hóa tiểu thuyết Việt
2. Căn
cứ vào cách nhận thức khách thể và nội dung
vấn đề được nhận thức, có
thể chia ra nhiều dạng điểm nhìn trong nghệ
thuật trần thuật: điểm nhìn không gian;
điểm nhìn thời gian; điểm nhìn bên trong;
điểm nhìn bên trên, điểm nhìn bên ngoài… Hình thức
tự sự với người kể chuyện theo ngôi thứ ba hàm ẩn thường
tạo nên cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống và
con người mang tính chủ quan, bởi chỉ có điểm
nhìn trần thuật đơn tuyến của
người kể chuyện (điểm nhìn bên trên). Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã
đạt được tính chân thật, sinh động
trong việc tái hiện bức tranh cuộc sống;
thể hiện cái nhìn khách quan về cuộc đời.
Đó là nhờ ở sự kết hợp
khéo léo nhiều dạng điểm nhìn trần thuật và
sự dịch chuyển điểm nhìn linh hoạt trong
nghệ thuật kể chuyện.
2.1 Điểm
nhìn đơn tuyến
Điểm
nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh chủ yếu là
điểm nhìn bên trên nhân vật. Đó là
điểm nhìn của người kể chuyện,
cũng là điểm nhìn
đơn tuyến (câu chuyện chỉ được
nhận thức, đánh giá qua ý thức chủ quan của
một người kể). Các nhà
lí luận còn gọi đó là điểm nhìn biết trước. Điểm nhìn này chưa tạo
được tính dân chủ cao trong mối quan hệ
giữa nhà văn và công chúng. Cái nhìn về cuộc sống
dễ bị áp đặt theo nhận thức chủ quan
của người kể chuyện. Từ điểm nhìn
bên trên nhân vật, người kể chuyện nhìn thấy
tất cả. Thấy tỉ mỉ mọi sự kiện,
hiện tượng, cảnh vật, hành động
diễn ra xung quanh nhân vật. Thấy cả tâm can nhân
vật. Và như thế, người kể chuyện
cũng có cơ hội thuận lợi để chủ
động điều khiển mạch chuyện, chi
phối số phận nhân vật.
Chúng
ta dễ dàng nhận biết điểm nhìn trần
thuật từ người kể chuyện trong tiểu
thuyết Hồ Biểu Chánh do người kể
chuyện không chỉ kể, mà còn thường xuyên bộc
lộ cảm xúc, phát biểu suy nghĩ, trực tiếp
bình luận trong quá trình kể. Được sự hỗ trợ từ tác
giả, anh ta có vẻ muốn độc
quyền thể hiện tư tưởng và quan
niệm của nhà văn. Hồ Biểu Chánh để cho
người kể chuyện trong Ngọn cỏ gió
đùa toàn quyền nói thay mình những nhận thức về xã hội
bất công đương thời, về anh nông dân nghèo Lê
Văn Đó: ”Những người
từng biết nhơn tình ấm lạnh, những
người từng trải thế đạo kì khu, ai
gặp cảnh thê thảm như vầy chắc sau cũng
oán hận vận thời hoặc trách nhà giàu sang không
thương xót kẻ nghèo hèn, hoặc thảm cảnh
cơ hàn mà đau lòng rơi lụy. Lê Văn Đó tuy có
sức mạnh chớ không có trí sáng, từ nhỏ tới
lớn biết cực mà thôi, chớ không biết
sướng, nên tưởng phận mình thì phải
chịu cực, phải nhịn đói, bởi vậy nó
gặp cảnh như vầy, mà không biết giận,
lại cũng không biết buồn.”[2]. Từ
điểm nhìn của người kể chuyện, tác
giả thể hiện những nhận thức về
sự bất công trong xã hội đương thời:
người giàu hiếp đáp nhũng nhiễu
người nghèo; người nghèo làm lụng vất
vả, hiền lành lương thiện nhưng chịu bao
thảm cảnh. Bi kịch cuộc đời sinh ra từ
chỗ con người thiếu lòng nhân ái, thiếu sự
cưu mang, che chở cho nhau, nhất là từ phía
người giàu.Trong cảm quan của một nhà văn có
địa vị sang trọng, dù đã cố gắng
gần gũi chia sẻ với bao nỗi nhọc nhằn
của những con người quanh năm cày sâu cuốc
bẫm, Hồ Biểu Chánh vẫn để lại
một khoảng cách nhất định đối với
người nông dân. Ông còn nhìn họ như những kẻ
ít học. Họ thật thà, chân chất đến ngờ
nghệch, ngây ngô. Tác giả để cho người
kể chuyện nhấn đi, nhấn lại tính cách
khờ khạo quê mùa, thô kệch đến đáng
thương của Lê Văn Đó. Cái nhìn của nhà văn
về người nông dân Nam bộ (Lê Văn Đó – Ngọn cỏ gió đùa, Cai
tuần Bưởi- Con nhà nghèo,
Trần Văn Sửu – Cha con
nghĩa nặng…) đều được đặt
từ điểm nhìn của người kể chuyện,
do đó thể hiện rõ tính chủ quan của tác giả
khi đánh giá sự vùng lên và vai trò của người nông
dân Nam bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ
quyền sống chính đáng của họ.
Từ
điểm nhìn của người kể chuyện, tác
giả còn thể hiện đời sống nội tâm
của nhân vật: ”Tâm sự
của Thu Hà tràn trề không thể kể xiết.
Tưởng lấy chồng là kết bạn với
một người nam nữ đồng tâm đồng
chí, khinh lợi, khinh danh, đặng chung chí, hiệp
lực mà dìu dắt đồng bào tấn bộ. Nào dè
tưởng tượng đó là giấc chiêm bao, nào dè người
chồng học giỏi nói hay đó cũng như
người khác. Mới một bữa đầu thì
hiểu lấy chồng đặng cho người ta ôm
ấp… Thu Hà đương
ngổn ngang trong long…”[3]. Kể về nhân vật theo điểm nhìn của người
kể chuyện, cho nên trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh nội tâm nhân vật chưa được
khắc họa một cách tự nhiên, sinh động,
sắc sảo. Nội tâm nhân vật
được diễn tả thông qua tri nhận của
người kể chuyện. Nó mang
yếu tố chủ quan của người kể
chuyện. Tâm lí tiếp nhận của người
đọc do đó không tránh khỏi bị tác động
ít nhiều bởi người kể chuyện.
Điểm
nhìn của người kể chuyện biết hết,
thấy hết trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh
thường lộ. Mặc dù tác giả
đã tạo ra hình thức khá đặc biệt, có vẻ
như đặt điểm nhìn vào nhân vật nhưng
vẫn không thể giấu được đó là
điểm nhìn cuả người kể chuyện.
Trường hợp sau thể hiện hiện
tượng vừa nêu: ”Anh ta thấy cô tuy mặc áo vải quần vải
song đầu có choàng khăn lụa mới, chơn có mang
guốc gù ngà, tay lại xách một gói áo quần bùm sùm,
trong lòng phát nghi nên hỏi nữa rằng: Cô đi với
ai?”[4]. Rõ ràng, người kể chuyện đang kể
tất cả những gì anh ta
thấy về nhân vật
Bạch Tuyết, từ quần áo trên người
đến guốc ở chân và cả gói hành lí bùm sùm. Hơn thế nữa,
người kể chuyện biết nhân vật Chí
Đại (anh ta) cũng
thấy các chi tiết đó, còn biết Chí Đại
đang trong lòng phát nghi nên
hỏi nữa…Như thế, tác giả đặt
điểm nhìn ở người kể chuyện nhưng
vì có cụm từ anh ta thấy khiến cho có vẻ
như điểm nhìn đã chuyển sang nhân vật Chí
Đại. Nên hiểu anh ta thấy chính là điểm nhìn
được trần thuật chứ không phải là
điểm nhìn trần thuật, sẽ dễ dàng nhận
ra đoạn văn trên thể hiện điểm nhìn
từ người kể chuyện.
Nhân
vật chính, thể hiện tư tưởng của nhà
văn trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là con
người đạo lí, nghĩa khí. Đó là kiểu nhân vật hành động,
lấy sự việc trong những tình huống có sự
kiện cụ thể để bộc lộ quan
điểm, cách nhận thức hay tính cách. Kể
chuyện bằng điểm nhìn bên trên hay bên ngoài lại
phù hợp với kiểu nhân vật như trên. Có những
lúc tưởng chừng tác giả không cần phải thay
đổi điểm nhìn, để kể chuyện theo điểm nhìn của nhân vật. Ý thức cá nhân trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh hãy còn mờ nhạt. Vì
thế, nhu cầu từ tâm trạng nhân vật mà nhìn ra
để bộc lộ nỗi lòng riêng tư, thầm kín
chưa được phổ biến nhiều.
2.2 Điểm
nhìn đa tuyến
Điểm
nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh không hoàn toàn đơn tuyến. Trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, không chỉ có
điểm nhìn trần thuật từ người kể
chuyện. Vẫn có những lúc Hồ
Biểu Chánh chuyển điểm nhìn cho nhân vật trong tác
phẩm. Ở Ngọn
cỏ gió đùa, cuộc sống với đầy
bất công, phi lí không chỉ được tái hiện qua
lời kể, lời bình của người kể
chuyện mà nó càng trở nên nhức nhối hơn, làm nhói
lòng người đọc khi được cảm
nhận từ phía nhân vật trong tác phẩm. Có những
lúc người kể chuyện như hoá thân vào nhân vật
Lê Văn Đó, để tạo điểm nhìn từ nhân
vật: ”Thân
mình nghèo khổ họ đánh mình thì họ không có tội
còn mình đánh lại họ thì mình phải ở tù! Cuộc
đời trông thấy bắt nát ruột ứa gan! Thân
phận kẻ nghèo nghĩ thiệt là chí khổ”[5]. Tự sự theo
phương thức truyền thống có cách tân, (kể
chuyện bằng ngôi thứ 3 nhưng từ điểm
nhìn của nhân vật), dù không phải là người
đầu tiên thực hiện (Nguyễn Du là người sáng
tạo nên hình thức tự sự này trong Truyện
Kiều), Hồ Biểu Chánh tỏ ra có sự lúng túng. Ví dụ vừa nêu thể hiện cảm nhận
tinh tế, sâu sắc về cuộc đời của nhân
vật Lê Văn Đó. Nhân vật
hiểu đời, nhận thức rõ bất công, mạnh
dạn bộc lộ bất bình. Điều
đó không logic với những tính cách của Lê Văn
Đó vốn được khắc hoạ ở phần
trước. Trang 19 và trang 21, người kể
chuyện liên tục nhắc đến sự khờ
khạo, ngờ nghệch của anh ta: ”Lê Văn Đó tuy có sức mạnh chớ không có trí
sang…bởi vậy nó gặp cảnh như vầy, mà không
biết giận, lại cũng không biết buồn”[6];
hay ”Thảm thương Lê
Văn Đó vì tánh tình dốt nát thiệt thà, nên thân khổ
nhục đến nước này mà cũng chưa biết
buồn, chưa biết oán”[7]. Thế thì,
thật bất ngờ và chưa hợp lí khi con
người ngờ nghệch ấy bỗng dưng có
được cái nhìn sâu sắc về hiện thực
cuộc sống trong xã hội đương thời.
Anh ta đột ngột biết căm hận sự
đời đen bạc, bất công.
Mặc dù
thế, vẫn có những trường hợp, Hồ
Biểu Chánh tỏ ra đã chắc tay
khi dịch chuyển điểm nhìn trần thuật
từ người kể chuyện sang nhân vật. Thông qua
điểm nhìn của nhân vật Thuần (Đoạn tình), Hồ
Biểu Chánh đã thể hiện thành công tâm sự
thầm kín của nhân vật: ”...Thấy hình
dạng cô, nghe câu chuyện cô nói tự nhiên tôi phải so
sánh trong trí. Hễ so sánh thì quấy lắm, hại lắm
cô hiểu không?...Tôi sợ lắm, tôi lo
lắm, bởi tôi sợ, tôi lo, nên lần trước tôi
nài nỉ xin cô lấy chồng…Cô có chồng thì hoặc may
tôi mới yên lòng yên trí được.”[8]. Nhân
vật Thuần đã nhìn vào chính cõi lòng sâu kín của mình. Anh ta nhận ra tình cảnh đầy trớ trêu
của mình. Anh ta biết con tim mình
đang thổn thức trước tình yêu nhưng anh ta
phải chạy trốn tình yêu đang mãnh liệt ấy. Vì hiểu được, trong hoàn cảnh của
anh, yêu cô Vân là trái đạo lí, là lỗi đạo làm
chồng với Hoà. Từ điểm nhìn của nhân
vật, Hồ Biểu Chánh cho thấy con người cá
nhân đã có ý thức sống cho tình cảm của chính mình
nhưng luôn bị giằng xé, trăn
trở bởi đạo lí làm người, bởi bổn
phận gia đình. Con người cá nhân không thể
sống cho cái “tôi”. Đó là thông điệp mà
ông muốn gửi đến độc giả qua nhân
vật.
Hơn thế, Hồ Biểu Chánh
còn linh hoạt dịch chuyển điểm nhìn qua
nhiều nhân vật để tạo sự đối
thoại, tranh biện, nhằm khơi gợi ở
người đọc những băn khoăn, thắc
mắc, suy nghĩ về quan niệm sống, về
đạo lí ở đời được tác giả
đặt ra. Tác giả để cho các nhân
vật trong Ông Cử lần
lượt thể hiện cái nhìn về cuộc
đời đầy đau khổ. Ông Cử,
Tấn Sĩ Càng mỗi người nhận ra những
nỗi khổ, cái đau khác nhau của cuộc sống
trần thế. Kẻ thì buồn cho “phận côi cút”,
người thì nghiệm ra: “cái kiếp của con người là kiếp khổ…hoặc
khổ vì li biệt, hoặc khổ về cơ hàn,
hoặc khổ về gia đình, hoặc khổ về xã
hội, hoặc khổ về vật chất, hoặc
khổ về tinh thần, hoặc khổ về danh
hoặc khổ về bịnh hoạn”[9]. Tác giả còn
đặt vào nhân vật ông Cử một nhận thức
mang đậm triết lí của Phật Giáo:
”Tạo hóa chia loài
người thành nhiều hạng….hạng nào cũng
phải loi ngoi trong biển trầm luân”[10]. Tác giả đặt vấn đề từ
nhiều góc nhìn khác nhau của nhân vật để
nhận chân sự việc, chân lí cuộc sống. Có điểm nhìn của nhân
vật từng trải, lăn lộn
trường đời, nếm nhiều cay đắng,
phũ phàng của cuộc sống (Ông Cử). Lại có điểm nhìn của người
trẻ tuổi, học giỏi, thành đạt, giàu có
nhưng bị thiếu thốn tình cảm gia đình
(Tấn sĩ Càng). Bố trí nhiều góc
nhìn như thế nhà văn không ngoài mục đích thể
hiện khách quan những cảm nhận về cuộc
đời. Ai cũng thấy rằng
cuộc đời chồng chất những đau
khổ. Ai cũng có thể chịu khổ, bất
kể già trẻ, sang hèn, có học hay thất học. Phải chăng Hồ Biểu Chánh muốn truyền
bá những tư tưởng của Phật giáo. Ông
muốn đưa ra một giải pháp giúp con người
thoát khổ, thoát nạn là tìm nơi thanh tịnh để
tu niệm Phật pháp mà di dưỡng tinh thần, tìm
về chốn cực lạc để cứu rỗi tâm
hồn. Đi theo triết lí nhà Phật,
Hồ Biểu Chánh không ít băn khoăn trăn trở. Do
đó, ông phải để cho nhiều nhân vật cùng nhìn
vào sự việc, để mỗi người nhìn rõ
một phương diện riêng. Từ
điểm nhìn của nhiều nhân vật, ông tạo nên
được cái nhìn khách quan, sâu sắc hơn về
cuộc đời, về lẽ sống ở đời.
Để rồi, người đọc nhận ra quan
niệm nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm trong tác
phẩm chính là: lánh đời đi tu. Nhưng đó chỉ là hướng giải thoát
đối với người cao tuổi, sau khi hoàn thành
bổn phận đối với gia đình, không còn
điều kiện kể đóng góp cho xã hội nữa,
như trường hợp của Ông Cử (Ông Cử).
Người trẻ tuổi như Tấn
Sĩ Càng dù thấy đời nhiều đau khổ
vẫn phải vượt qua nỗi buồn, lấy
mục đích cống hiến cho xã hội làm lẽ
sống để tiêu biến cái buồn. Hay như một trường hợp khác, còn
trẻ tuổi như Xuân Hương (Một đời tài sắc)
mà muốn chọn con đường đi tu, thì phải
tu tại gia, để có thể tiếp tục làm tròn
bổn phận đối với gia đình. Rõ ràng,
Hồ Biểu Chánh đã tiếp biến tư
tưởng Phật giáo sao cho phù hợp với quan
niệm sống cho bổn phận. Tương tự,
kết hợp điểm nhìn của hai nhân vật Lý
Thị Đằng và Phan Thanh Nhản (Dây oan),
cùng với điểm nhìn của người kể
chuyện, nhà văn đưa ra quan điểm về
việc tu sao cho đúng với lẽ đạo. Ông
chủ trương tu hành chân chính là biết chú trọng cái
tâm của con người. Tâm chưa sáng, lòng chưa
sạch bụi trần , còn vướng
vào tục luỵ, tham lam vật chất, làm điều
không hợp đạo lí chưa thể gọi là tu. Hay nói
cách khác, dù theo quan điểm Phật
giáo hay Nho giáo, bao giờ Hồ Biểu Chánh cũng
đề cao đạo đức của con người.
Với ông, sống có đạo lí là lẽ
sống đẹp nhất.
Sự
kết hợp nhiều điểm nhìn như đã trình bày
cho thấy hình thức tự sự trong tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh có nét đặc biệt. Tác giả
không theo một hình thức tự sự
duy nhất (lịch sử tự sự của văn
học viết Việt
3. Nói
đến điểm nhìn trần thuật tức là nói
đến nơi phát ra cái nhìn nghệ thuật về
cuộc sống con người mà nhà văn đã sắp
đặt theo dụng ý của mình. Hay nói cách khác, là nơi gửi ống kính quan sát
của nhà văn. Nhưng ống kính
ấy sẽ hướng vào đâu, tức điểm rơi [11] của cái nhìn là đâu?
Đó cũng là một vấn đề
cần được xác định. Bởi nó giúp
người đọc nhận ra đâu là nội dung
trọng điểm của văn bản tự sự. Điểm rơi
ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chính là sự
kiện, sự việc trong câu chuyện và hành động
của nhân vật. Vì thế chúng ta không
còn ngạc nhiên khi thấy tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh đầy ắp những sự kiện, ngổn ngang
bao sự việc và chồng chất những hoạt
động của nhân vật. Cốt
truyện được tạo nên nhờ sự xâu
chuỗi khéo léo các sự kiện, sự việc. Tính cách của nhân vật cũng được
gợi lên từ hành động nhiều hơn là thông qua
đời sống nội tâm.
Ngoài
ra, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thường
đặt điểm rơi của cái nhìn vào các sự
kiện diễn ra ở thời điểm không cách xa
thời gian trần thuật. Do đó câu chuyện
được kể ở thì hiện tại hoặc quá
khứ gần. Những câu chuyện
được kể trong tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh đúng là những chuyện
đời nay là sự thường có trước mắt
ta luôn [12]. Bởi thế giới nhân vật làm nên
câu chuyện đều là những con người của
đương thời. Đó là những tá điền
nghèo khổ, nạn nhân của chính sách điền
địa thời phong kiến và
thực dân nửa phong kiến thế kỉ XIX,
đầu thế kỉ XX; những quan lại, viên
chức dưới chính phủ bảo hộ, đội
ngũ làm tay sai cho Pháp ở đầu thế kỉ XX; những
trí thức Tây học, sản phẩm tất yếu
của xã hội được mệnh danh là đang
thực hiện văn minh khai hoá trước năm 1945, v.
v. . Những sự kiện, sự việc
được kể đều xoay quanh đời
sống, sinh hoạt của những con người
đương thời nói trên. Ngay
cả khi kể về sự kiện lịch sử,
điểm nhìn trần thuật cũng thường
hướng về thời điểm lịch sử
gần nhất, buổi đầu chống Pháp (Đại
nghĩa diệt thân), hay xa hơn nữa cũng
thuộc về thế kỉ XIX (Ngọn cỏ gió đùa, Hai vợ).
Độc giả đương thời và cả
độc giả ngày nay đều có thể lấy kinh
nghiệm sống của mình để lí giải cho bao
vấn đề được thể hiện trong
tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, đều có thể
nhận thấy dường như cái được
kể trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh là
những gì ta đã nghe thấy đâu đây, trong cuộc
sống hằng ngày, trước mắt. Đồng
thời cũng là những gì ta nên tiếp tục suy
ngẫm vì nó rất thiết thực. Nói
tóm lại, tìm hiểu điểm rơi của cái nhìn
trần thuật giúp chúng ta nhận diện rõ nét tính thời sự [13] của
trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
Từ đây, chúng ta cũng có thể
khẳng định tác phẩm của Hồ Biểu Chánh
có đầy đủ tính chất của tiểu
thuyết hiện đại. Vì đó là những truyện đương thời
[14].
4.
Với hình thức tự sự theo ngôi thứ ba nhưng
từ nhiều điểm nhìn, tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh đã tái hiện khách quan, sinh động
hiện thực xã hội đương thời. Hơn
thế, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn tạo
được sức cảm hoá cao, khuyến khích con
người đi vào lối sống hướng thiện,
trừng ác. Không chỉ ngày trước, thời tác
phẩm mới ra đời, mà ngay cả hôm nay, sức
cảm hoá ấy không hề giảm sút. Có thể khẳng
định: tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có sức
sống lâu bền trong lòng công chúng. Bởi Hồ Biểu
Chánh đã tạo được hình thức kể
chuyện đầy thú vị và cũng rất Nam bộ.
Chúng ta có thể thấy rõ, chính hình thức tự sự
đã góp phần làm nên đặc điểm của
văn bản tự sự ở tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh: Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là
những câu chuyện của đương thời,
của cuộc sống đời thường,
được tái hiện chân thật, khách quan, tỉ
mỉ.
Chú thích
[1] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ
điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo
dục, tr 113.
[2] Hồ Biểu Chánh (1988), Ngọn cỏ gió đùa, NXB
Tổng hợp Tiền Giang, tr 19.
[3] Hồ Biểu Chánh (1997), Khóc thầm, NXB Văn nghệ
thành phố Hồ Chí Minh, tr 58.
[4] Hồ Biểu Chánh (1988), Ai làm được, NXB
Tổng hợp Tiền Giang, tr 45.
[5] Hồ Biểu Chánh (1988), Ngọn cỏ gió đùa, NXB
Tổng hợp Tiền Giang, tr 22.
[6] Hồ Biểu Chánh (1988), Ngọn cỏ gió đùa, NXB
Tổng hợp Tiền Giang, tr 19.
[7] Hồ Biểu Chánh (1988), Ngọn cỏ gió đùa, NXB
Tổng hợp Tiền Giang, tr 21.
[8] Hồ Biểu Chánh (2001), Đoạn
tình, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr 146.
[9] , [10] Hồ Biểu Chánh (1988), Ông cử ( in chung với tác
phẩm Lòng dạ đàn bà),
NXB Tổng hợp Tiền Giang, tr 186.
[11]
Từ dùng của TĐS, trong Lí
luận văn học (2008), tập 2, NXB ĐHSP, tr 107.
[12] Lời của Nguyễn Trọng
Quản, ghi trong Lời tựa
Truyện thầy Lazarô Phiền, in trong Khảo về tiểu thuyết (1996), Vương
Trí Nhàn, NXB Hội nhà văn, tr 21.
Hồ Biểu Chánh (2005), Một đời tài sắc,
NXB Phụ nữ.
[13] Từ dùng của Trần Đình
Sử, trong Thi pháp Truyện
Kiều (2002), NXB Giáo dục, tr135.
[14] Từ dùng của Trần Đình
Sử, trong Thi pháp Truyện
Kiều (2002), NXB Giáo dục, tr134.