1. “ Nam bộ”, một cách gọi nghe thật thân thương quen thuộc. Nhưng nó có từ lúc nào? Có lẽ ít ai chú ý đến điều này. Thời Gia Long, nước ta được chia làm ba khu vực, gồm có Bắc thành, Kinh thành và Gia Định thành. Về sau, năm 1834, Minh Mạng đặt tên mới là “kỳ”, bao gồm Nam kỳ, Bắc kỳ, Kinh kỳ và Trung kỳ. Nam Kỳ có sáu tỉnh nên thường được gọi là “lục tỉnh Nam kỳ”. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, vẫn duy trì tên gọi cũ, tách ra thành nhiều tỉnh (21 tỉnh). Mặc dù không chỉ là sáu tỉnh nhưng nhân dân ta vẫn quen gọi Nam kỳ là lục tỉnh. Thế nhưng nói đi lục tỉnh lại có nghĩa là đi về miền Tây. Trong suy nghĩ của người dân, lục tỉnh là vùng đất phía tây Nam của Tổ quốc. Từ tháng 5 năm 1945 mới bắt đầu xuất hiện từ “bộ”, thay thế cho từ “kỳ”. Như thế Nam bộ được hiểu là Nam kỳ trước đó.
Nam bộ vốn là vùng đất mới. Lưu dân vào Nam lập nghiệp thường bỏ lại phía sau tất cả những tập tục, thói quen trong mọi sinh hoạt. Dù đến một xứ sở “lạ lùng”, con người khi đã quen với cuộc sống mới thì cũng dần dần hình thành nên những tập tục, lối sống mới sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội hiện có. Viết về nông thôn Nam bộ, có lẽ Hồ Biểu Chánh không chú ý thể hiện đời sống văn hoá nhưng ngòi bút tả chân của ông đã không bỏ sót một vấn đề nào của hiện thực xã hội đương thời. Nhờ vậy, một số nét văn hoá “miệt vườn” từng hình thành và phổ biến trên vùng đất Nam bộ được tái hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Hơn thế, Hồ Biểu Chánh còn kịp thời nhận ra sự giằng co quyết liệt giữa hai lối sống cũ và mới do chịu ảnh hưởng của hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây đang diễn ra ở Nam bộ vào những năm đầu thế kỉ XX.
2. Đồng bằng Nam bộ chằng chịt những sông ngòi, kênh rạch. Nơi đây đất thấp, có nhiều sình lầy, dừa nước mọc ven sông rất nhiều. Người dân Nam bộ có thói quen làm nhà dọc theo hai bên sông, chất liệu được lấy từ cây lá có sẵn. Nhà lá rất phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây, nhất là ở nông thôn. Chất liệu đơn sơ nhưng qua bàn tay lao động khéo léo của con người, nhà lá vẫn mang những nét “đặc thù” thể hiện lối “kiến trúc miệt vườn”: “... Nhà ba căn, cột bằng cây bần, nóc lợp lá xé, cửa cặp lá chằm, vách gài bằng tre, trước sân một bên vắt một đống rơm, một bên trồng một cây me, sau hè chuối lá xiêm xơ rơ ít bụi, mía xanh dịu lố xố mấy giồng. Cái nhà đó là nhà Cai tuần Bưởi” (Con nhà nghèo, trang 7). Trong “Cha con nghĩa nặng”, tác giả một lần nữa giới thiệu đến người đọc ngôi “nhà lá ba căn xịch xạc” của anh nông dân Trần Văn Sửu, tất cả đều gợi lên đời sống ở một xứ nông nghiệp.
Nói về trang phục của người Nam bộ thời này, Hồ Biểu Chánh tỏ ra có sự quan sát rất cẩn thận. Ông thường miêu tả tỉ mỉ trang phục của các nhân vật. Người giàu thường ăn mặc như cô Ba Nhân (Con nhà nghèo): “mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu đội khăn màu bông hường, chân đi giày thêu nhung đỏ...” (trang 178). Một người đứng tuổi như ông Chánh Bái (Tại tôi) lại có cách ăn mặc trang trọng hơn: “Ông mặc một cái áo xuyến đen dài, vai vắt khăn bàn lông, chân mang giày hàm ếch” (trang 3). Hương hào Hội (Cha con nghĩa nặng), một kẻ giàu có háo sắc, đến nhà tá điền để làm chuyện bất chính trong bộ y phục “áo vải trắng, quần lãnh đen” (trang 39). Anh nông dân Trần Văn Sửu, một lòng yêu thương vợ, mơ ước có nhiều tiền để có được cuộc sống đầy đủ như mọi người “bận quần hàng áo nhiễu đi giày đi dép...” (trang 43). Đôi nét mờ nhạt, nhưng những chi tiết nêu trên đã gợi lên hình ảnh của cuộc sống lặng lẽ, khép kín ở nông thôn Nam bộ, một cuộc sống gắn liền với nền văn hoá vật chất của vùng đồng bằng sông nước, chuyên nghề trồng lúa.
Nam bộ đất đai phì nhiêu, tôm cá cũng dồi dào, ăn không hết mà không thể bán nên người dân nghĩ cách làm mắm để ăn dần. Nhà nào thường cũng có mắm dự trữ quanh năm. Từ đó có thói quen “ăn mặn uống đậm” và người Nam bộ còn đúc kết thành một kinh nghiệm: “Ăn cơm mắm, thấm về lâu”. Viết về cuộc sống ở vùng đất phương Nam mà không đề cập đến vấn đề này là bỏ qua một nét văn hoá “ẩm thực” đặc sắc mang sắc thái “miệt vườn”. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, nét văn hoá ấy từng hiện diện trong nhiều tác phẩm, dù nhạt nhoà nhưng đó vẫn là những chấm phá độc đáo làm cho bức tranh nông thôn tăng thêm phần sinh động, gần gũi. Nông dân đi làm đồng thường mang cơm gói để ăn trưa, thức ăn thiệt đơn giản nhưng đậm đà hương vị đồng quê: mắm sống. Tác phẩm “Cha con nghĩa nặng” đã gợi đến chi tiết này. Anh Trần Văn Sửu gặt xong một công lúa, leo lên bờ ngồi nghỉ “phành gói cơm ra mà ăn. Một tay cầm con mắm sặc, một tay bốc cơm nguội, trên đầu trời nắng, dưới chơn lấm bùn mà anh ta ăn cơm coi bộ ngon lắm. Ăn hết cơm rồi, bèn bước lại cái vũng gần đó bụm tay múc nước mà uống...”. Những lúc có việc phải đi xa, lương thực mang theo dọc đường cũng là cơm nắm với mắm sống. Bà Thủ Thành (Chúa tàu Kim Quy) chuẩn bị thức ăn mang theo cho chồng để lên huyện: “Cơm chín rồi bèn vắt làm hai vắt, giở hũ mắm móc vài con mắm sặc, lấy lá chuối gói lại rồi trao cho chồng xách lên huyện...” (trang 25). Bất ngờ có khách ghé nhà, sống giữa đồng hoang sông vắng, lấy gì để thết khách? Mắm lại là món ăn duy nhất, quý nhất mà người nông dân có thể sẵn sàng để tiếp khách. Sau khi thoát khỏi nhà ngục, vượt qua một chặng đường rừng hoang vắng, Thủ Nghĩa (Chúa tàu Kim Quy) gặp được nhà của một bà lão nông dân. Nghe nói Thủ Nghĩa đã qua mấy ngày đói khát, bà “lật đật vô buồng bưng rá cơm nguội ra thì còn được vài chén, bèn để trên sập rồi trở vô móc ít con mắm lóc nhỏ đem ra cho Thủ Nghĩa ăn.” (Trang 44) Ăn cá mắm là thói quen được hình thành do môi trường tự nhiên ở Nam bộ. Người nông dân đã tận dụng lương thực có sẵn để tạo nên nguồn dinh dưỡng, ngon bổ tiện lợi. Cứ thế mà bao lớp người đến đây đều có thói quen như thế, dần dần tạo nên một nét văn hoá miệt vườn và sông nước.
Đã từ lâu, đất Nam bộ được xem là nơi giàu của cải nhưng nghèo chữ nghĩa. Từ thời mở đất lưu dân đa phần là ít học và nghèo nàn. Bởi cái lo trước mắt là cái ăn, cái mặc còn học hành thi cử là chuyện quá xa vời. Hơn nữa, điều kiện học hành rất khó khăn, và học làm gì ở vùng đất xa kinh thành, nơi “khỉ ho cò gáy” này. Thời bấy giờ vẫn còn quan niệm học để làm quan mà cái nhìn của người dân đối với quan lại đầy thành kiến và đối lập. Người dân lại thường có tâm trạng mặc cảm tự ti “Gối rơm theo phận gối rơm”. Vì vậy, họ thích làm ăn sinh lợi hơn là học. Qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chúng ta cũng bắt gặp tâm lí này ở nhiều nhân vật kể cả những nhân vật nhà giàu, có tiền của, đủ điều kiện vẫn không thích cho con học nhiều, tiêu biểu là cha mẹ của Bác Ái (Một chữ tình) Họ không muốn cho học cao hơn nữa “Đi Tây làm gì? Thi đậu rồi, thôi đi cưới vợ mà làm ăn. Như có muốn làm việc quan thì đi, bằng không thì ở nhà coi làm ruộng cũng được” (trang 20). Chính vì thế mà đến giữa thế kỉ XIX sĩ phu Nam bộ chẳng được bao người, Thế nhưng chớ vội nghĩ họ là những người chỉ biết cầu tiền mà không cầu tiến. Chẳng qua họ không có điều kiện và cái lo trước mắt chính là chuyện “cơm áo gạo tiền”. Qua “Thầy thông ngôn” hay “Con nhà nghèo”, Hồ Biểu Chánh đã cho thấy những gia đình khá giả hoặc có tư tưởng cầu tiến cũng tạo điều kiện cho con ăn học để được thành đạt. Những thanh niên có chút học vấn, dù chỉ làm thông ngôn hay được nhậm chức quan kinh lý như Thầy Thông Phong hoặc Kinh lý Hai đều được mọi người trong làng ngưỡng mộ, tấm tắc ngợi khen. Tuy nhiên, nhìn chung nông thôn Nam bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh vẫn còn chìm ngập trong bóng tối của sự dốt nát. Không có bóng dáng của trường học kể cả trường làng. Không có hình ảnh của thầy giáo dạy học, kể cả thầy đồ. Trẻ thơ chưa được cắp sách đến trường. Những đứa trẻ như Tí, Quyên, thằng Mau, thằng Được... đã phải vật lộn với chuyện mưu sinh từ thuở nhỏ.
Nông thôn Nam bộ không chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo một cách nặng nề như nông thôn Bắc bộ hay Trung bộ. Nơi đây ít có những hủ tục lâu đời. Do đó, người đọc không hề bắt gặp cảnh phạt vạ được nói tới trong “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng hay đám kiện cáo, ẩu đả vì tranh giành ngôi thứ giữa đình làng như trong “Việc làng” của Ngô Tất Tố. Tuy nhiên, ngòi bút sắc nhọn của ông đã tập trung phanh phui nhiều mặt tiêu cực trong lối sống, tập tục của người dân Nam bộ. Nam bộ không phải là thánh địa của Nho giáo, cho nên cuộc đời của người phụ nữ ít bị ràng buộc một cách phi lí vào những lễ nghi phép tắc. Thế nhưng, chế độ đa thê và hôn nhân áp đặt được phổ biến ở nông thôn thời bấy giờ cũng đủ sức phá hoại hạnh phúc của bao người, đem đến không ít bi kịch cho người phụ nữ. Qua “Cay đắng mùi đời”, “Nợ đời”, “Thầy Thông ngôn”, “Cười gượng”, “Con nhà nghèo”... chúng ta nhận thấy quan niệm cổ hủ, lạc hậu về hôn nhân đang hoành hành cuộc sống ở nông thôn Nam bộ không ít. Chế độ đa thê đã dẫn đến quan hệ vợ cả, vợ lẽ trong đại gia đình. Hệ quả tất yếu của nó là sự nảy sinh tính ích kỉ, đố kị thôi thúc con người làm nhiều điều bất nhân thất đức. Có những người sinh ra lắm thủ đoạn, mưu mô độc ác như người vợ lẽ trong tác phẩm “Cay đắng mùi đời”, vì ghen ghét vợ cả, mong muốn chiếm trọn gia tài nhà chồng, đã nhẫn tâm mang một đứa bé ngây thơ còn đỏ hỏn vứt đi chỉ vì nó là con bà vợ cả. Để được vị trí xứng đáng trong đại gia đình, có những người vợ lẽ tán tận lương tâm đến mức đem tráo con cho người khác để được con trai (vợ lẽ của Cai tổng Luông trong tác phẩm “Nợ đời”), mặc cho tương lai của con ruột do mình đẻ ra thế nào cũng được.
Trong bức tranh chung về cuộc sống gia đình, Hồ Biểu Chánh đặc biệt nói đến những cuộc hôn nhân áp đặt, vụ lợi. Đó là hôn nhân dưới hình thức gả bán, đổi chác, hoàn toàn chỉ dựa vào tiền bạc, công danh, địa vị. Thầy thông Phong (Thầy thông ngôn) cưới cô Hồng Như Hoa chẳng qua vì gia tài và danh giá của gia đình ông Cai tổng Luông. Việc làm ấy là kết quả của lối giáo dục phi đạo đức từ phía cha mẹ anh ta. Bà Hương sư từng ân cần dặn con trước lúc đi xa “Xuống Cà Mau con cứ làm quen với hàng phủ, huyện hoặc cai phó tổng; hễ con thấy ông nào có con gái thì con phải rán làm cho ổng thương đặng ổng gả con cho.” (trang 17). Đồng tiền đã chi phối hôn nhân với một sức mạnh không nhỏ, nếu không muốn nói là ghê gớm. Vì tiền mà mẹ con bà Cả Hoàng và cậu tú tài Tô Hồng Xương đã bất chấp cương thường đạo lí, ruồng bỏ, xua đuổi gia đình Hảo, giữa lúc Hảo đang bụng mang dạ chửa. Khiến mẹ con Hảo phải khổ sở trăm điều.
Hiện thực được miêu tả trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã gợi lên cho người đọc sự liên tưởng đến không khí căng thẳng trong các gia đình người dân Nam bộ thời này. Khi mà cha mẹ vẫn luôn muốn thể hiện quyền uy tối cao của mình trong gia đình. Con cái có bổn phận phải chấp nhận sự định đoạt của cha mẹ nhất là chuyện hôn nhân. Bà cả Kim (Tại tôi) đã từ đứa con trai duy nhất và yêu thương nhất của mình vì đã dám tự ý quyết định chuyện hôn nhân để rồi đôi vợ chồng trẻ ấy phải rơi vào bế tắc, chết oan uổng, bỏ lại con thơ bơ vơ không người thân nương tựa. Tất cả những hiện thực trên xuất phát từ quan niệm sống cổ hủ của người phương Đông. Hôn nhân không nhất thiết phải có tình yêu thật sự. Sự vừa lòng của cha mẹ, thuận ý của họ tộc là trên hết. Dần dần điều này đã dẫn đến thói quen mang tính chất tiêu cực: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Quan niệm ấy vẫn được tồn tại ở Nam bộ, nhất là ở nông thôn vào những năm đầu thế kỉ XX và kéo dài rất lâu về sau này. Những người theo tân học, có tư tưởng phóng khoáng, thích tự do thế mà vẫn chấp nhận “tập tục” ấy. Không phải ngẫu nhiên Hồ Biểu Chánh để cho Kinh lí Hai thốt ra những lời chân thành nhất với cha mẹ lại là: “Áo mặc sao qua khỏi đầu, bề nào con cũng chờ lệnh cha với má” (trang 323). Hồ Biểu Chánh không có dụng ý tấn công vào thành luỹ của chế độ đại gia đình. Ông cũng không chủ trương đấu tranh đòi quyền tự do trong tình yêu hay thể hiện khát vọng của tuổi trẻ. Ông chỉ phê phán mặt tiêu cực, mặt hạn chế của quan niệm, lối sống vốn hình thành từ lâu trong các gia đình người dân Nam bộ. Quan niệm này của Hồ Biểu Chánh được duy trì trong suốt cuộc đời viết văn của ông. Kể cả lúc tiểu thuyết “Tự lực văn đoàn” ra đời, mọi vấn đề từ tình yêu tự do đến việc đấu tranh chống lễ giáo phong kiến, chống chế độ đại gia đình đều được đưa ra giải quyết.
Hồ Biểu Chánh thường viết về những câu chuyện thông gian, ngoại tình hay cưỡng hiếp phụ nữ hoặc phản bội trong tình yêu. Có cả chuyện ghen tuông và án mạng xảy ra từ đó. Tấn Thân hãm hiếp Thị Xuân (Chúa tàu Kim Quy); Thị Lựu ngoại tình với Hương hào Hội (Cha con nghĩa nặng); Vĩnh Thái thông gian với vợ Hương hào Điều (Khóc thầm). Dưới cái nhìn của Hồ Biểu Chánh đó là những hiện tượng tất yếu nảy sinh trong xã hội có “làn sóng vô luân lí, vô giáo dục” đang lớn mạnh thêm hoài. Đó cũng là hành vi không thể dung thứ trong quan niệm của tác giả. Những chi tiết trên gợi lên một bức tranh xã hội có đời sống văn hoá chưa thể nói là phát triển. Hơn nữa, còn nhiều tính chất phức tạp.
Viết về nông thôn Nam bộ vào những năm đầu thế kỉ XX, khi đề cập đến thực trạng văn hoá, Hồ Biểu Chánh còn phản ánh sự giằng co giữa hai lối lối sống cũ và mới đang diễn ra khá gay gắt. Trước thế kỉ XX, nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá phong kiến mang đậm bản sắc Đông Nam Á. Tư tưởng phương Đông đã ăn sâu vào phong tục tập quán và tâm trí của con người. Thế mà đầu thế kỉ XX, có sự du nhập của văn hoá phương Tây và sự hình thành của lối sống tư sản, mọi giá trị cổ truyền của dân tộc bị thay đổi. Nhiều nhà nho đã căm giận, tỏ ra bực tức, muốn hét to lên vì bất lực:
Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ
Giương mắt trông chi buổi bạc tình”
(Tú Xương)
Nhưng dù căm tức, dù bực bội đến đâu họ vẫn phải sống với nó, phải thích nghi với nó. Dần dần lại bình thường hoá trước cái xấu, cái lố lăng của phương Tây của xã hội tư sản. Cuối cùng, chính những người nệ cổ nhất, những nhà nho bảo thủ nhất cũng phải chạy theo lối sống mới, phải học lối sống mới. Điều này khiến cho những ai nặng tình với đất nước dân tộc đều ngao ngán, không khỏi lo lắng. Tản Đà xót xa thốt ra những lời ảo não: “Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ru”
Cùng mang tâm trạng của những trí thức có tâm huyết, Hồ Biểu Chánh thấy rằng “cái làn sóng vô luân lí, vô giáo dục này nó càng lên mạnh thêm hoài, nếu không đi tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn ngập khắp trong nước rồi cái xã hội Việt Nam khi xưa tôn trọng đạo đức nên được cứng cỏi, sẽ thành ra một xã hội hỗn độn tham lam nên phải thấp hèn yếu ớt” (Đoạn tình, trang 29). Vấn đề này đã ám ảnh nhà văn suốt đời cầm bút. Vì thế, trong bức tranh muôn màu muôn vẻ ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chúng ta còn nhận ra hiện thực của buổi đầu hội nhập văn hoá phương Tây tại vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Sự hội nhập ấy đang phổ biến khắp thành thị miền Nam, đồng thời cũng lan toả đến tận chốn làng quê. Có biết bao điều cần quan tâm, cần duyệt xét lại, con người dễ dàng sa ngã, hư hỏng do dự “xui khiến” của “thị dục” thấp hèn. Trong “Cư kỉnh” cô Tuý là một thiếu nữ con nhà tử tế nhưng vì bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết tình ái lãng mạn- sản phẩm của nền văn hoá đương thời, đã tự huỷ cuộc đời, phá vỡ tương lai.
Đầu thế kỉ XX, ý thức phong kiến vẫn còn cơ sở để tồn tại dù đã suy yếu, ý thức tư sản chưa đủ sức để kiềm toả ý thức phong kiến. Cho nên dù rất muốn, con người vẫn còn e ngại, chưa mạnh dạn, dứt khoát để đến với cái mới. Tình trạng đắn đo, giằng co trong việc lựa chọn một lối sống thích hợp là vấn đề bức xúc của con người trong xã hội. Thông qua tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, chúng ta có thể nhận ra điều đó. Các nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã không ít người chạy theo lối sống tự do, tự do yêu đương, tự do quyết định hôn nhân... nhưng rồi phần lớn đều thấy rằng trở về với quan niệm sống trước kia của cha ông thì mới tìm được hạnh phúc trọn vẹn, tuy nhiên cần phải gạt bỏ những mặt tiêu cực bảo thủ của quan niệm cũ. Sống hoàn toàn theo mới hay khư khư với quan niệm cũ cũng đều không tốt đẹp. Đấy là vấn đề mà Hồ Biểu Chánh cũng như con người của thời đại luôn trăn trở. Với “Một chữ tình”, Hồ Biểu Chánh đã chứng minh đây là một giai đoạn mà con người nhận ra rằng: lối sống mới có sức quyến rũ thực lạ kì, tự do cá nhân rất phù hợp với hoàn cảnh của xã hội trên con đường tư sản hoá. Nhưng khi thực thi không phải là chuyện dễ dàng. Tâm lí e dè, ngại ngùng đã cản trở con người của thời đại đến với cái mới. Thế thì phải quay về với lối sống cũ, dù có miễn cưỡng, vẫn cảm thấy dường như dễ chịu hơn. Quảng Giao và Bác Ái (Một chữ tình) là hai thanh niên theo Tây học, xuất thân từ các gia đình phú nông ở nông thôn. Sau khi học đã thành tài, Bác Ái có trở về nông thôn sinh sống. Trong hai người: một người tán thành tình yêu hôn nhân tự do (Bác Ái), một người đề cao hôn nhân theo quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy (Quảng Giao). Bác Ái đã sống theo quan niệm mình. Nhiều lần, qua thực tế chàng thấy quan niệm ấy là đúng. Chàng còn được sự ủng hộ của Xuân Hoa, cô bạn gái mà chàng đã thầm yêu say đắm. Thế nhưng, kết cuộc Quảng Giao không cần có tình yêu trước hôn nhân vẫn xây đắp được hạnh phúc gia đình, dần dần tình yêu được nẩy nở và lớn thêm mãi. Ngược lại, Bác Ái chỉ đeo đuổi mãi một mối tình vô vọng. Cuối cùng sống trong cô đơn, buồn tủi, chán chường. Cách giải quyết vấn đề như thế, một mặt thể hiện quan niệm đạo đức của Hồ Biểu Chánh. Mặt khác, phản ánh quá trình chuyển đổi trong lối sống của người dân Nam bộ, từ lối sống chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá phương Đông sang lối sống theo phương Tây. Nông thôn được xem là thành luỹ cuối cùng của Nho giáo, do đó quá trình đến với cái mới tại đây có nhiều vật vã, trăn trở hơn so với thành thị. Thanh Lãng có nhận xét: “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bức truyền thần ghi lại một bộ mặt của một thời.” Thời đó, theo ông, là thời “Văn minh mới đang làm nát dần cái cuộc sống êm đềm lặng lẽ của đồng quê” [2, 240].
3. Tóm lại, đời sống văn hoá ở nông thôn Nam bộ hiện lên trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có nhiều tính chất phức tạp. Đó là một nền văn hoá được sản sinh từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lớn dần trong xã hội trên đường tư sản hoá. Đồng thời nền văn hoá ấy cũng chi phối mạnh mẽ nền kinh tế, xã hội đương thời. Đầu thế kỷ XX, không riêng gì Nam bộ, xã hội Việt Nam có nhiều biến động dữ dội, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hoá. Mọi giá trị truyền thống đều bị duyệt xét lại, mọi cái mới còn đang bị hoài nghi... Là một trí thức tân học nhưng Hồ Biểu Chánh còn nặng lòng với đạo đức phong kiến. Do đó, khi đề cập đến những vấn đề về văn hoá của xã hội đương thời, Hồ Biểu Chánh không chủ trương đả phá cái cũ, hô hào mọi người đi theo cái mới như những nhà văn của nhóm “Tự lực văn đoàn” sau này. Theo ông, cần phải dung hoà cũ mới. Có thực hiện được điều này, hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Ông đã chứng minh bằng nhiều trường hợp cụ thể trong các tác phẩm của mình, tiêu biểu nhất là tác phẩm “Chút phận linh đinh”. Tuy còn mang tính chủ quan nhưng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh vẫn là một bức tranh sống động, khắc sâu những dấu ấn văn hoá của một thời, thời kì đất nước đau đớn chuyển mình sang một giai đoạn mới, giữa cơn giông bão của những ngày mất nước.
------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Khuê (1974), Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng, Sài Gòn.
2. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Trình Bầy, Sài Gòn.
3. Phong Lê (2005), Tiểu thuyết mở đầu thế kỉ XXI trong tiếng trình văn học Việt Nam từ tháng 8- 1945, TC Văn học số 9.
4. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ, NXB TP Hồ Chí Minh.
5. Sơn Nam (1984), Đất Gia Định xưa, NXB TP Hồ Chí Minh.
6. Nhiều tác giả (1988), Địa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, tập 2, NXN Văn học TP. Hồ Chí Minh.
7. Phan Quang ( 1985), Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Cửu Long và Tp HCM.
8. Trần Hữu Tá (1988), Một vài cảm nghĩ nhân đọc lại tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, in trong “Ngọn cỏ gió đùa”, NXB Tổng hợp Tiền Giang.
9. Lê Ngọc Trà (2005), Lí luận và văn học, NXB Trẻ.
---------------------------------------
Thạc Sĩ Huỳnh Thị Lan Phương
---------------------------------------
Nguồn: tạp chí “Nghiên cứu văn học” số 7 (413), tháng 7 - 2006, trang 36 - 43.)