TÌM HIỂU LỜI NÓI VÀ NGHI THỨC GIAO TIẾP CỦA
NGƯỜI NAM BỘ QUA TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH
Ths. Huỳnh Thị Lan Phương
PGs.Ts. Nguyễn Văn Nở
(Bài đã đăng trên tạp chí Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, số 12 (196), 2014, từ trang 29 đến trang 39)
1. MỞ ĐẦU
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là bức tranh sống động tái hiện chân dung xã hội Nam bộ những năm đầu thế kỉ XX. Trên từng trang viết của mình, Hồ Biểu Chánh đã lưu lại dấu ấn văn hóa một thời của xứ sở phương Nam. Dõi theo mọi sinh hoạt, quan sát cách ăn nếp ở, lắng nghe từng tiếng chào, câu nói của người dân miền đồng bằng sông nước, Hồ Biểu Chánh đã nhận ra những gì còn đọng lại qua năm tháng, làm nên lối sống, cốt cách con người Nam bộ. Với ngòi bút tả chân, Hồ Biểu Chánh đã tái hiện những nét riêng trong văn hóa giao tiếp của cư dân vùng đất mới trong nửa đầu thế kỉ XX. Khai thác vấn đề theo hướng này chính là nhận diện giá trị hiện thực ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh từ các yếu tố văn hóa. Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh không dừng lại ở những giá trị văn chương mà còn là pho tư liệu văn hóa sống động, được xây dựng bằng hình tượng nghệ thuật đặc sắc.
2. LỜI NÓI VÀ NGHI THỨC GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ QUA TIỂU THUYẾT CỦA HỒ BIỂU CHÁNH
Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, văn hóa giao tiếp của người Nam bộ thể hiện rõ nét nhất qua lời ăn tiếng nói và nghi thức giao tiếp.
2.1. Lời ăn tiếng nói của người Nam bộ
2.1.1. Người Việt khi mới gặp nhau, lời giao tiếp chính là câu chào hỏi. Tục ngữ có câu ”Lời chào cao hơn mâm cỗ”, thể hiện quan niệm coi trọng việc chào hỏi. Chào hỏi là phép lịch sự trong giao tiếp. Sự chào hỏi nói lên nhân cách, đạo đức con người qua ứng xử. Chào hỏi còn bộc lộ tình cảm, sự trân trọng, tôn kính dành cho đối tượng giao tiếp. Chính vì thế, chào hỏi trở thành nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, ở mỗi miền khác nhau, chào hỏi mang một đặc điểm riêng. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, việc chào hỏi thể hiện lối sống cộng đồng, gợi lên đặc trưng văn hóa nông nghiệp: sống bằng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Khi chào hỏi, người Nam bộ quan tâm nhiều đến đối tượng được chào hỏi, chú ý tìm hiểu, quan sát, đánh giá (tuổi tác, quê quán, cha mẹ, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình…). Kiểu câu hỏi với nội dung như: ”Cháu thuở nay may tiệm nào? Cháu ở đâu? Cháu năm nay mấy tuổi? Đã có chồng con gì hay chưa? Cha mẹ còn đủ hay không? Bà già cháu bây giờ ở đâu? Cháu tên gì? Cháu ở Sóc Trăng mà ở làng nào?” (Hồ Biểu Chánh, Thiệt giả giả thiệt, 1997, tr 11-12), v.v.. đã trở nên quen thuộc. Hỏi như thế đối với người nước ngoài có thể bị xem là tò mò, thiếu tế nhị, là khai thác đời tư người khác. Nhưng đối với người Việt, nhất là dân Nam bộ thì rất bình thường. Người Việt muốn biết rõ về nhau khi bắt đầu tạo mối quan hệ. Bởi càng hiểu nhau càng dễ có cách ứng xử phù hợp, mối quan hệ thắt chặt nhau hơn. Biết nhau cũng được xem là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Tâm lí ấy đã thành phổ biến, làm nên lối sống, cách giao tiếp của người Nam bộ. Nó cũng chính là yếu tố dẫn đến thói quen tự giới thiệu hoặc giới thiệu về một người khác khi giao tiếp. Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không đợi hỏi đã chủ động tự giới thiệu, để các thành viên trong cuộc giao tiếp biết rõ về nhau. Bá Hỉ là cháu của bà Hội đồng Chánh, dắt bạn đến chơi nhà dì, gặp ông Hội đồng Chánh liền giới thiệu ngay: ”Người bạn cháu đây là Mông Xừ Lê Vĩnh Thái du học bên Pháp, thi đậu tú tài đã hai khóa rồi, mới về chừng một tháng nay”(Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm,1997, tr 18).
Hỏi tỉ mỉ về gia đình của khách thể giao tiếp là một thói quen không thể thiếu của người Nam bộ. Ngay cả khi đã biết rất rõ về hoàn cảnh, lai lịch của đối tượng giao tiếp, người ta vẫn hỏi. Như thể có hỏi rồi mới quen được. Có hỏi để đối phương được cơ hội bày tỏ thì việc giao tiếp sẽ tiến triển thuận lợi. Đã biết quá rõ về cảnh ngộ éo le, đầy đau khổ của mẹ con Lí Ánh Nguyệt, Lê Văn Đó mới tìm cách đến chuộc Thu Vân về nuôi. Thế nhưng, gặp được Thu Vân, Lê Văn Đó vẫn hỏi những câu như: “Cháu năm nay mấy tuổi; Cha mẹ cháu là ai; Cháu biết cha mẹ cháu ở đâu hôn” (Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa, 1988, tr 286). Dường như anh ta hỏi mà không quan tâm đến việc khách thể có trả lời hay không. Có cũng được, mà không cũng chẳng sao. Bởi anh ta còn biết nhiều hơn người đang phải nói cho anh ta biết. Nhưng chính nhờ những câu hỏi đôi khi bâng quơ ấy mà đứa trẻ khốn khổ, lâu nay chỉ sống trong sự đày đọa, giữa những con người hung ác, không có tình thương và sự chân thành, bỗng cảm thấy được yên tâm, thân thiện với một ông già xa lạ. Nó có thể nằm cạnh Lê Văn Đó mà ngủ ngon lành, sau những giây phút chạnh lòng, “cặp mắt nó ướt rượt” (Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa, 1988, tr 287), vì bị gợi nhớ đến tình cảnh buồn tủi, đau thương. Biết rồi vẫn hỏi được quan niệm là phép lịch sự khi xã giao. Nhân vật Thứ Tiên trong Nợ tình đã khẳng định như thế: “thấy cô đứng đó tự nhiên tôi biết cô mạnh nhưng theo điệu xã giao lịch sự hễ gặp nhau phải hỏi thăm sức khỏe vậy mà” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 10).
Khi chưa quen, người Nam bộ hay hỏi cho biết. Đã biết rồi thì rất quan tâm đến cuộc sống, chú ý đến cả tâm trạng của đối tượng giao tiếp. Có những lời chào hỏi bộc lộ tình cảm chân thành, nỗi lo lắng của chủ thể dành cho khách thể giao tiếp. Ánh Nguyệt (Ngọn cỏ gió đùa) đi viếng mộ cha, về đến nhà gặp ông ba Cửu, một ông lão hàng xóm, “ông thấy nàng cặp mắt đỏ chạch” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 144) đã hỏi thăm ngay: ”Cháu có chuyện chi mà coi bộ sầu não dữ vậy? Ông Cử có nhắn nói chừng nào ổng xuống rước cháu hay không?” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 144). Bao giờ họ cũng sẵn lòng chia sẻ cảm thông và muốn được làm gì đó để giúp đỡ. Lời giao tiếp bây giờ là lời an ủi hay động viên, chia sẻ: ”Đời nầy thiên hạ họ giả dối lắm; tại cháu tưởng họ biết nhơn nghĩa như cháu nên cháu mới lầm họ đó đa. Còn cháu kêu trời làm chi? Nếu trời đất mà ở công bình thì đâu có chuyện như vậy. Thôi, cháu đừng có buồn, hãy rán lam lụ làm ăn mà nuôi con...” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 145)
Người Việt, trong đó có người Nam bộ, xem việc xưng hô phù hợp là điều rất cần thiết. Do đó họ cần biết tuổi tác, địa vị, trình độ, lai lịch của đối tượng họ đang giao tiếp để xưng hô cho đúng nhằm tránh thất lễ hay vô tình tạo điều khiếm nhã.
2.1.2. Trong quá trình giao tiếp, lời giao tiếp của người Việt, nhất là người miền Bắc, thường có đặc điểm vòng vo. Điều này do tính tế nhị hình thành. Lời giao tiếp tế nhị, ý tứ “là sản phẩm của lối sống trọng tình và lối tư duy coi trọng các mối quan hệ…Nó tạo nên một thói quen đắn đo cân nhắc kĩ càng khi nói năng” (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr 282). Cũng vì quá cân nhắc cho nên dẫn đến vòng vo. Riêng với người Nam bộ thì có khác hơn. Dân Nam bộ vốn có tính thẳng như ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy, không cần rào đón, văn hoa. Khi có việc, cần tạo lập mối quan hệ, cần trao đổi thương lượng hay bàn bạc điều gì đó liên quan đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày là họ đi thẳng vào vấn đề ngay lúc mới được gặp nhau. Kể cả chuyện hôn nhân hệ trọng cả đời người. Họ suy tính xong là nói thẳng với đối tượng điều cần trao đổi, không có sự dè dặt, vòng vo, giấu giếm. Nhiều nhân vật người Nam bộ được Hồ Biểu Chánh miêu tả trong tác phẩm có cách nói năng rất thẳng thừng. Lòng dạ của họ không khó nhận biết, dù chỉ mới lần đầu giao tiếp: ”Vợ tôi chết mấy năm nay, tôi tính cưới vợ khác, nhưng chưa thấy chỗ nào vừa con mắt…Tôi muốn cưới cô này phứt cho xong…Thiệt bà già cô giầu hay không?” (Hồ Biểu Chánh, Đoạn tình, 2001, tr 81).. Phải chăng Hồ Biểu Chánh muốn cho độc giả nhận ra chân tướng của một trí thức thực dụng, xem tình yêu, hôn nhân như một cách để vụ lợi. Tác giả để cho nhân vật bác sĩ Huỳnh nói hết những gì hắn nghĩ. Tính cách nhân vật bộc lộ từ lời giao tiếp.
Tuy nhiên, không hẳn là thế vì có những trường hợp nhân vật không thuộc tip người xấu cũng giao tiếp bằng những lời mang đặc điểm tương tự. Tình cảm nam nữ là chuyện rất khó nói ra, thế mà Trọng Quý (Kẻ làm người chịu) chẳng cần đắn đo, không chút ngập ngừng. Anh ta cứ mặc sức mà trải lòng, mong muốn Tố Nga thấu rõ, chỉ sau đôi lần gặp gỡ: ”…gia tài sự nghiệp của tôi đó, cô muốn dùng thế nào tôi cũng sẵn lòng mà làm cho vừa ý cô luôn luôn miễn là cô được vui vẻ sung sướng mà thôi. Cô xin phá hôn thú phứt đi. Hễ có án Tòa phá hôn thú cô ngày nào thì tôi cưới cô ngày nấy. Từ nhỏ chí lớn tôi ăn học bên Tây, tôi mới về xứ nên nói tiếng Việt Nam còn lôi thôi lắm. Tôi không biết chuốt ngót lời nói như người ta, song bụng của tôi thiệt thà, tánh của tôi chắc chắn lắm. Tôi nói sao thì tôi làm vậy. Xin cô đừng ái ngại chi hết. Như cô chê tôi chưa xứng đáng thay thế cho thầy Lê Phùng Xuân mà kết tóc trăm năm với cô, thì xin cô nói thiệt cho tôi biết, đặng tôi khỏi trông mong nữa…” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 158-159). Lời trao gửi tình cảm nam nữ là một dạng lời giao tiếp phổ biến trong cuộc sống đời thường, có muôn nghìn cách thể hiện nhưng có lẽ ít ai nói thẳng như Trọng Quý.
Không chỉ thích nói ngay những điều muốn nói, người Nam bộ còn hay nói thẳng những gì cần nói. Hai mẹ con Thu Vân (Chút phận linh đinh) trong lúc ngặt nghèo, lưu lạc đến lò gạch của Hội đồng Đạt để kiếm việc làm, được bà Sáu, một thợ làm gạch nghèo khổ nhưng tốt bụng giúp đỡ, cho về ở chung trong chòi của mình. Khi mới tới nơi, nhìn cảnh xơ xác, tiêu điều, Thu Vân đã thấy ngao ngán, xót xa. Chị ta không giấu được nỗi lo và nói thẳng với bà Sáu: ”Tối chỗ đâu mà ngủ”, “Cái chõng nhỏ quá ngủ sao đủ” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 108). Biết rằng Thu Vân lo lắng một cách chính đáng, đó là những chuyện mà chủ, khách sẽ phải đối mặt. Tính trước để khỏi phải lo sau. Nhưng chỉ mới tới, chưa quen nhau lắm, chủ nhà lại tốt bụng như thế, mà buông mấy lời thẳng thừng quá, dễ tạo cho người khác có suy nghĩ Thu Vân được giúp còn chê khen, kén chọn. Không khéo có thể chạm vào nỗi đau về sự nghèo khổ, túng thiếu của gia chủ!
Trong cái nhìn của Hồ Biểu Chánh, người Nam bộ rất tin tưởng ở đạo lí làm người, tin vào lẽ phải, tin ở luật nhân quả và cũng tin tưởng lẫn nhau. Cho nên, họ nhận thấy nói năng không cần thiết phải chú ý dè dặt, giữ kẽ. Dường như người Nam bộ nghĩ rằng sống tốt sẽ được người khác tốt với mình. Với họ, cốt là ở sự chân thành chứ không phải kiểu cách, lễ nghi bên ngoài, không cần phải cân nhắc từng lời nói khi giao tiếp. Và cũng không muốn nói khác những gì mình đang nghĩ. Không thể sống hai mặt, quan niệm ứng xử này là một trong những yếu tố góp phần hình thành thói quen nói năng thẳng như ruột ngựa của người Nam bộ.
Tuy nhiên, cũng có lúc người Nam bộ nói vòng vo, ngay cả người nông dân chân chất, quê mùa, bộc trực cũng vòng vo khi đưa lời giao tiếp đến khách thể tiếp nhận. Những lúc cần bày tỏ việc khó nói, đi kèm với lời giao tiếp là cử chỉ bẽn lẽn, lúng túng, ngượng ngập. Anh Cu trong Con nhà nghèo, sang nhà Cai tuần Bưởi với ý định ngõ lời xin cưới cô Tư Lựu, anh ta không dám nói ngay, vòng vo đủ chuyện không liên quan đến việc mình muốn nói, nhưng thái độ của anh ta thì không giấu nổi cái vẻ khác thường: ”miệng cười ngỏn ngoẻn”, ”cúi mặt xuống một tay vịn cây cột, một tay gãi đầu mà đáp rằng: xuống chơi chứ có chuyện chi đâu” (Hồ Biểu Chánh, 1997, tr 20). Tuy nhiên, khi bắt được cơ hội thuận lợi, được đối tượng giao tiếp mở lối là chủ thể giao tiếp liền đi thẳng vào vấn đề. Được Thị Tố khuyên lập gia thất để ổn định cuộc sống, lập tức anh Cu không còn ngại ngần, vòng vo nữa, mà nói ngay vào vấn đề bằng những lời thật tình: “Năm nay tôi cũng cưới đa. Nếu anh Hai chị Hai thương tôi, gả cô Tư Lựu cho tôi thì tôi cưới” (Hồ Biểu Chánh, 1997, tr 22). Anh Cu đã vòng vo vì anh ta xem việc mình muốn nói là rất hệ trọng, chuyện tình cảm lứa đôi, chuyện quyết định tương lai đời mình. Và hơn nữa, với đối tượng đang giao tiếp, anh ta rất nể trọng, quý mến, xem như bậc trên. Tâm lí đó khiến anh ta phải dè dặt. Nếu đến là nói ngay thì việc muốn nói sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa. Sự cung kính với đối tượng giao tiếp cũng sẽ theo đó mờ nhạt hẳn. Như thế, thói quen vòng vo trong giao tiếp của người Nam bộ là có nguyên nhân sâu xa, nó thể hiện tính tế nhị và sự tôn trọng nhau. Vòng vo nhưng không thiếu thẳng thắn, rạch ròi. Khác với người miền Bắc, chủ ý vòng vo, người miền Nam thường vòng vo do tình huống bắt buộc. Vì thế, khó giấu vẻ lúng túng, vụng về.
2.1.3. Việc vận dụng từ khẩu ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng góp phần thể hiện thành công nét đặc trưng lời giao tiếp của người Nam bộ: tự nhiên, gần gũi với cuộc sống đời thường và có đôi chút suồng sã, thiếu trau chuốt. Nghe những câu đối đáp giữa các nhân vật trong tác phẩm Từ hôn, sẽ dễ dàng cảm nhận điều nói trên:
Thích mốc khỉ họ, chớ thích nỗi gì. (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 39)
Sao lại không thích?
Trái với chủ nghĩa tôi chớ sao
Mốc xì! Chủ nghĩa gì khéo bày đặt! (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 30)
Ngay cả nhân vật thuộc tầng lớp có học thức, như thầy giáo Bính trong Lời thề trước miễu, khi giao tiếp cũng dùng lời lẽ tự nhiên đến mức thông tục: ”Thôi lỡ một lần tôi thất kinh rồi. Lạy ông lạy cha tôi không dám nữa đâu.” (Hồ Biểu Chánh, 2006, tr 128)
Các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ưa dùng ngữ khí từ (cha chả, bất nhơn dữ hôn, trời đất, khốn nạn dữ hôn, đa, há,...) khi bộc lộ những bất bình, suy nghĩ, hay lo lắng trước một thực tế không như mong muốn: ”Cha chả, chòi nhỏ quá như vầy mẹ con tôi ở đây thì cực cho bà lắm, bà Sáu há?” (Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, 1988, tr 108), hay: ”Khốn nạn dữ hôn! Sao không lo làm ăn, để đi làm cái nghề nhục nhã như vậy” (Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa, 1988, tr 232). Vì thế lời ăn tiếng nói khi giao tiếp không chỉ tự nhiên mà còn đậm chất Nam bộ.
Tự nhiên quá, dễ dẫn đến thô thiển. Ít dè dặt, dễ thành ra suồng sã. Sự xuất hiện những từ khẩu ngữ có tính chất thô tục, thô lỗ khá phổ biến trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Nó có nguyên nhân từ thói quen đơn giản, dễ dãi khi dùng lời trong giao tiếp của người Nam bộ. Nhất là khi lời nói phát ra từ cửa miệng của những kẻ hung dữ, xấu xa, không có nhân cách tốt:
“Hả! Mày nói sao? Cái léo mẹ tiên tổ mày, mày hư, mày thúi, mày làm đĩ lấy trai ở đâu cho có chửa, bụng thè lè, rồi bây giờ mày nói xán xã cho cháu tao hả? Cháu tao như rồng như phụng, còn mày là quân ăn mày, mày rửa đít cho nó cũng chưa được, sao mày dám nói như vậy?” (Hồ Biểu Chánh, Nợ đời, 1936, tr 39)
Có thể nghĩ rằng Hồ Biểu Chánh muốn diễn tả thật cụ thể, sống động tính cách của những nhân vật phản diện. Bởi cách nói năng như trên không thể xem là giao tiếp có văn hóa, lịch thiệp. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, có những nhân vật tiêu biểu cho loại người tốt, người chuộng nhân nghĩa, đạo đức ở đời, như bà Hương quản Tồn trong Cha con nghĩa nặng vẫn có lúc nói năng bằng lời thô tục khi giao tiếp. Biết tin con trai, bỏ nhà đi mấy năm nay, giờ có vợ, bà buông lời miệt thị: ”Đồ đĩ đâu đó, chớ người tử tế ai mà thèm nó. Tao có dặn hễ nó có tới thì lấy chổi cùn quét mà quơ nó ra, đừng cho nó vô nhà’’ (Hồ Biểu Chánh, 2005, tr 95). Bà Hương Quản Tồn nói thế trong khi tức giận đứa con hư hỏng. Với hoàn cảnh của bà, lời thô tục, nặng nề có tác dụng làm hả hê cơn thịnh nộ. Những lúc đó con người như mất ý thức tự chủ trước lời nói. Họ còn đâu sự bình tĩnh để nghĩ đến nói năng sao cho có văn hóa trong giao tiếp. Lê Văn Đó trong Ngọn cỏ gió đùa cũng vậy. Bản tính anh ta hiền lành, chất phác, nói năng thường vụng về nhưng vẫn là những lời nhẹ nhàng, chân chất. Thế nhưng, khi gặp chuyện quá bất bình, phải dồn nén cơn tức giận từ lâu, đã đến lúc cần phản ứng để đối phó với một kẻ độc ác, tham lam, vô liêm sỉ như Đỗ Cẩm, lời thô lỗ được phát ra như một vũ khí chống trả đối phương quyết liệt: ”Mầy là quân ăn cướp, quen thói ngược ngạo hoài. Giựt một nén bạc rồi chưa đủ hay sao, mà còn ào ào nữa hử? Lấp lửng tao đập nát đầu, chớ không phải chơi đâu” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 298).
Người Nam bộ nói năng ít văn hoa, cầu kì nhưng khi đã muốn cầu kì thì lại có cách nói khác hẳn người Bắc bộ. Người Bắc bộ cầu kì như để đánh bóng lời nói, sao cho thật êm tai người nghe, nhằm đạt hiệu quả giao tiếp. Người Nam bộ có khi không nghĩ đến chuyện “nói cho vừa lòng nhau” vẫn dùng những lời rất bóng bẩy, quá cao xa, sáo rỗng, màu mè, thậm chí có tính cải lương. Nghe Thuần (Đoạn tình) khuyên nên đi lấy chồng, Cô Vân đã đáp lại:”Em hiểu ý anh rồi…Anh sợ em nói hay mà làm không hay, rồi hóa ra dở tệ…Cám ơn anh…Em có đức tin về nghị lực của em. Mà ví dầu nghị lực ấy không đủ sức chịu nổi cái chủ nghĩa tối cao kia, có phải sụm giữa đường đi nữa, thì em sẽ lập thế mà cứu vớt cái thân danh của em,…” (Hồ Biểu Chánh, 2001, tr 104). Trong thực tế, người Nam bộ tuy có đôi chút màu mè khi nói năng, thậm chí hay sáo rỗng đến mức cải lương nhưng không phải ai cũng vậy và lúc nào cũng thế. Qua hư cấu của nhà văn, cùng những hạn chế trong việc xây dựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, đặc điểm lời giao tiếp nói trên lại trở thành phổ biến. Thế nhưng, nó thể hiện phần nào dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Bởi tác giả chỉ thường tái hiện lời giao tiếp cầu kì, hoa mĩ ở những thời điểm của buổi sơ giao, khi nhân vật được đặt trong quan hệ công việc, quan hệ tình cảm có ẩn ý vụ lợi hay giữa những người có chức sắc hoặc sang trọng giàu có.
2.1.4. Người Nam bộ có tính khiêm tốn, khi giao tiếp lại giữ thái độ nể nang, tôn trọng khách thể cho nên họ cũng thường nói những lời nhún mình. Với một đối tượng giao tiếp là người có tuổi tác, địa vị, bằng cấp hay quyền lực cao, chủ thể càng nhún mình. Tuy nhiên, giữa những người không có sự chênh lệch lớn về tuổi tác, vị trí xã hội… khi giao tiếp vẫn có cách nói nhún mình. Cẩm Vân trong Kẻ làm người chịu, là một cô gái sớm mồ côi cha mẹ nhưng xinh đẹp, thuộc gia đình khá giả, có của ăn của để. Làm bạn với Tố Nga, cô không hề thấp kém gì hơn. Thế nhưng, cô đã nhận lời kết nghĩa chị em cùng Tố Nga bằng câu trả lời thật khiêm nhường, nhún mình: ”Phận em hèn mọn quá, nếu cô sẵn lòng chiếu cố thì em rất đội ơn, chớ em đâu dám đèo bòng” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 49). Đối với người Việt, nói như thế không phải là khách sáo hay bị xem là giả dối trong giao tiếp. Đó chính là phép lịch sự, cách nói tế nhị, thể hiện sự quý trọng, tôn kính người mình giao tiếp. Hơn nữa, người Việt rất tinh tế, luôn nhận thức rõ: càng khiêm tốn càng được kính trọng.
Tuy nhiên, cách nói năng trịch thượng, ba hoa khoác lác không hề thiếu vắng trong giao tiếp của người Nam bộ. Nó xuất hiện như một sự đối lập với cách nói nhún nhường, tế nhị. Nó là sản phẩm tất yếu của lối sống trong xã hội có sự phân biệt lớn về giàu nghèo, sang hèn. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh kiểu giao tiếp bằng lời trịch thượng thường phát ra từ các nhân vật phản diện, đại diện cho những trí thức, quan lại xấu xa vô đạo đức như Vĩnh Thái (Khóc thầm), Hải Yến (Ngọn cỏ gió đùa),…Hồ Biểu Chánh ghi lại hiện tượng trên như một mặt trái của văn hóa giao tiếp ở Nam bộ trong thời buổi giao thời, Á- Âu lẫn lộn.
2.2. Nghi thức giao tiếp của người Nam bộ qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
2.2.1. Gắn liền với lời giao tiếp luôn có những nghi thức đi kèm. Theo Trần Ngọc Thêm, “Người Việt Nam có một hệ thống nghi thức lời nói rất phong phú. Trước hết đó là sự phong phú trong hệ thống xưng hô tiếng Việt…” (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr 283) Cách xưng hô của người Việt vô cùng phong phú. Bởi người Việt không chỉ sử dụng đại từ nhân xưng để xưng hô mà còn huy động các từ chỉ chức danh, nghề nghiệp, quan hệ họ hàng. Ngoài ra, còn có cả hệ thống biến thể của từ xưng hô, dành cho ngôi thứ ba (ảnh, chỉ, cổ, bả, ổng, thẳng, cỏn, thẩy…). Đối với người Nam bộ, cách xưng hô có phần đặc biệt hơn. Người Nam bộ, phổ biến nhất là ở nông thôn, không gọi tên mà gọi bằng thứ, có khi ghép thứ vào tên để xưng hô (Hai Nghĩa, Ba Nhân – Con nhà nghèo; Hai Sửu – Khóc thầm; Ba Giai – Cha con nghĩa nặng; Hai Phục, Hai Hùng, Ba Có – Nợ đời, …). Cha, Mẹ cũng gọi con bằng thứ: “Ba à, con ra đây cho thầy con hỏi một chút, con” (Hồ Biểu Chánh, 2006, tr 10). Nam nữ quen nhau, thời điểm còn phải giữ kẽ, cũng xưng hô theo thứ (Hải Đường gọi Túy Nga là cô Ba – Đóa hoa tàn; Trọng Quý gọi Tố Nga là cô Hai- Kẻ làm người chịu). Cách xưng hô này có lẽ xuất phát từ quan niệm kiêng cử. Dần dần được xem như là biểu hiện của sự tôn trọng, gần gũi giữa các đối tượng giao tiếp. Chính nó đã tạo nên đặc điểm riêng trong văn hóa giao tiếp của người Nam bộ. Ngoài ra, ở Nam bộ còn có những từ xưng hô không thấy phổ biến trong giao tiếp ở những nơi khác. Tiêu biểu là từ qua, từ bây. Bây vừa chỉ số ít (một người), vừa chỉ số nhiều (hai người hoặc hơn hai người), nhằm diễn đạt mối quan hệ giữa những người thân thiết, gần gũi hay có cảm tình nhau, có khi để thể hiện sự chênh lệch thứ bậc, tuổi tác giữa hai đối tượng giao tiếp. Người hô muốn chứng tỏ mình lớn hơn, quyền uy hơn đối tượng đang giao tiếp, như lời của bà Hương quản Tồn, trong Cha con nghĩa nặng, nói với con gái và rể: ”Tao nói cho vợ chồng bây biết: Ngày nào tao chết, bây cũng đừng cho thằng quỷ đó hay; nếu bây cãi lời tao, bây cho nó về đây, nè, tao bứt néo đa. . “ (Hồ Biểu Chánh, 2005, tr 96)
Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, tiếng Pháp đã thâm nhập dần vào sinh hoạt, giao tiếp của người Việt Nam. Nó âm thầm Tây hóa cách xưng hô của người Việt khi giao tiếp. Hồ Biểu Chánh đã tái hiện chân thật hiện tượng này. Cặp từ xưng hô: moa – toa và cả biến thể của nó (mỏa), thường xuyên xuất hiện trong giao tiếp của giới trí thức, dân thành thị:
“ Toa muốn thanh tịnh thì vô trong vườn bách thú mà ngồi.
Rồi. Chúa nhật trước mỏa đi rồi. Mỏa đi sớm lắm, mà vô đó mới ngồi chưa được năm phút đồng hồ thì kế thiên hạ ào vô rần rần đờn ông, đờn bà, con nít, săng đá, mạch lô đủ hết, họ coi chim, chọc khỉ, làm mỏa rối chí quá, mỏa ghét mỏa đi về” (Hồ Biểu Chánh, Từ hôn, 1988, tr 34).
Cách xưng hô của người Nam bộ cũng rất linh hoạt. Cách xưng hô thường thay đổi theo tình cảm, nhận thức và tâm trạng của chủ thể giao tiếp. Đang ôm ấp trong lòng bao nỗi uất ức vì bị đuổi ra khỏi nhà ông Thiên hộ một cách vô lí, lại tiếp tục chịu đựng nhiều đắng cay tủi nhục, Lí Ánh Nguyệt (Ngọn cỏ gió đùa) oán hận Lê Văn Đó. Vì thế, khi tình cờ gặp mặt Lê Văn Đó, bao nỗi căm giận như bật ra qua cách xưng hô gay gắt, nặng nề, đầy vẻ khinh miệt: ”Ờ! Mi là Thiên Hộ hả? Sao mi dám trách ta không lo làm ăn? Ta lo sao nữa, hử? Ta nghèo khổ vô ở đợ với mi, ta làm việc gì quấy đâu mà mi nhục mạ ta rồi đuổi ta ra.” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 232). Đến khi hiểu được phần nào về lòng tốt của Lê Văn Đó, có chút niềm tin ở con người nhân đức này thì Lí Ánh Nguyệt thay đổi cách xưng hô: ông – tôi, một kiểu xưng hô có sắc thái trung hòa, chưa thân mật nhưng không còn gay gắt như lúc đầu mới gặp: “Ông không đuổi tôi nữa phải hôn? Tội nghiệp tôi lắm ông ơi! Ông làm ơn cho tiền tôi đặng tôi chuộc con tôi. Tôi nhớ nó quá…” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 241)
2.2.2. Nhân vật Bạch Yến trong Từ hôn cho rằng: ”Con người nhờ có lễ nghi nên trong đường giao thiệp mới có vẻ thanh cao tao nhã chớ” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 18). Phải chăng vì thế mà đối với người Nam bộ, nghi thức lời nói còn hướng đến các cách nói lịch sự, tao nhã. Người Nam bộ cũng có thói quen nói những lời: cám ơn, xin lỗi, không dám, có gì đâu, làm ơn,…khi giao tiếp. Việc sử dụng các từ trong hệ thống trên luôn linh hoạt, sao cho hợp hoàn cảnh và đối tượng. Khi cần thể hiện phép lịch sự, người Nam bộ không có sự phân biệt đối tượng giao tiếp. Một người sang trọng, nhiều tiền của như nhân vật Ba Lân trong Lời thề trước miễu, đi tìm nhà anh rể, gặp người bồi giúp việc vẫn hỏi bằng lời tôn trọng, với tiếng “xin lỗi” mở đầu nghe thật lịch sự: ”Xin lỗi anh, không biết có phải căn nhà này là nhà của thầy Hai Bính….” (Hồ Biểu Chánh, 2006, tr 83)
Trong giao tiếp của người Nam bộ, để thể hiện sự tôn trọng, kính nể khách thể giao tiếp, trước các lời thoại thường có xuất hiện từ “bẩm”,”thưa”. Như các trường hợp tiêu biểu sau:
“Bẩm bà, chưa
Bẩm bà, ảnh ngồi dưới nhà bếp.” (Hồ Biểu Chánh, Kẻ làm người chịu, 1988, tr 26)
Hoặc
“Cô em gốc ở đâu
Thưa ông, con ở Vĩnh Long” (Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, 1988, tr 130)
Cách nói năng như trên thể hiện thái độ lễ phép, lịch sự khi quan hệ giữa chủ thể và khách thể là quan hệ giữa người dưới với người trên (xét về tuổi tác, địa vị, thứ bậc, vai vế). Tuy nhiên, có những trường hợp, quan hệ tuổi tác theo chiều ngược lại nhưng vì sự chênh lệch sang hèn, địa vị… cách nói đó vẫn được áp dụng. Phó lí Thâu (Khóc thầm) là người đứng tuổi, đáng bậc cha, chú nhưng vì Thu Hà là chủ đất, nên người tá điền lớn tuổi ấy lúc giao tiếp vẫn luôn miệng “thưa”,” dạ” một cách lễ phép:
“Chú đi đâu đó chú Phó lí?
Thưa cô, hôm tháng Giêng tôi đong lúa ruộng còn thiếu 50 giạ …” (Hồ Biểu Chánh, 1997, tr 150)
Nghi thức lời nói như trên cũng chỉ phổ biến ở thời kì có sự phân biệt giai cấp, lễ nghi phong kiến còn chi phối nặng nề cuộc sống xã hội. Hồ Biểu Chánh tái hiện chân dung xã hội hiện đại nhưng bóng dáng của nề nếp phong kiến vẫn chưa mất.
2.2.3. Lời chào hỏi của người Nam bộ bao giờ cũng có cử chỉ, thái độ đi kèm. Nó xuất hiện như một cách thuyết minh thêm cho lời chào và ngẫu nhiên trở thành nghi thức được thực hiện như thói quen. Trước khi trao lời giao tiếp, người Nam Bộ có thói quen giở nón cúi đầu chào (đối với đối tượng lớn hơn hoặc mới quen), hoặc chỉ giở nón (đối với đối tượng ngang hàng hoặc nhỏ hơn): ”Bá Hỉ vô khỏi cửa ngõ rồi, thấy hai chị em Thu Hà đứng dựa cây lý bên tay mặt thì giở nón mà chào và nói . . .” (Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, 1997, tr 18). Khách thể giao tiếp cũng đáp lại bằng cử chỉ: ”Thu Hà cúi đầu và đáp…” (Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, 1997, tr 18).
Ngoài động tác“cúi đầu” còn có cử chỉ “chấp tay” và “xá”, có khi “lạy”, được thực hiện lúc mới gặp nhau và cả khi từ giã. Thể Phụng trong Ngọn cỏ gió đùa, khi từ giã thầy về nhà đã: ”chấp tay cúi đầu xá thầy” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 307). Đây là cử chỉ cung kính dành cho người lớn hơn, hoặc có vị trí cao hơn. Cung kính như thế tất yếu hàm chứa sự quý mến, trân trọng. Khác hẳn cái lạy chào của ông cháu Lê Văn Đó (Ngọn cỏ gió đùa) dành cho quan Bố Từ Hải Yến, một người quyền cao chức trọng mà họ chưa hề quen biết. Cái lạy chào lúc đó chỉ mang tính lịch sự đối với kẻ bề trên, chắc hẳn có sợ mà không kính: ”Ông cháu bước vào lạy quan Bố hai lạy, rồi khoanh tay đứng ngay trước mặt ngài, ông thì nhướng mắt ngó ngay, cháu lại sợ nên cúi mặt” (Hồ Biểu Chánh, 1988, tr 373). Mà làm sao có thể kính được với một kẻ học rộng quyền cao nhưng lòng dạ xấu xa, ăn ở bạc tình. Mang tiếng là cha mẹ dân nhưng hắn chưa hề làm việc gì có lợi cho dân. Đứa con thơ dại, đang mang trong người dòng máu của hắn, hắn còn nhẫn tâm không nhìn nhận, lại toan hãm hại, vì sợ liên lụy đến danh dự bản thân. Lê Văn Đó hiểu rõ đối tượng đang giao tiếp nên anh ta lạy chào nhưng không kính mà cũng chẳng sợ.
Bắt tay là một cử chỉ có lẽ phổ biến trong giao tiếp người Nam bộ từ khi có sự du nhập của văn hóa phương Tây. Có những lúc, cử chỉ này xuất hiện như để thay cho lời giao tiếp. Tiệc tan, hay buổi họp mặt đến lúc phải kết thúc, từ giã nhau người ta dùng cái bắt tay để nói thay lời tạm biệt: ”Mấy ông mấy cô bắt tay từ giã nhau” (Hồ Biểu Chánh, Tân Phong nữ sĩ, 1997, tr 133). Cũng có khi, nhận ra tri âm tri kỉ, người ta bắt tay để bộc lộ cảm xúc, bày tỏ thâm tình. Cái bắt tay lúc đó diễn tả tình cảm đạt hơn lời nói: ”… Nếu vậy thì từ rày tôi có hai người bạn thiết: gái thì chị Thanh Lệ, còn trai thì là anh. Cô Tân Phong đứng dậy bắt tay Hạo Nhiên rồi bắt tay Thanh Lệ…” (Hồ Biểu Chánh, Tân Phong nữ sĩ, 1997, tr 139). Mới gặp nhau, người ta cũng bắt tay nhau để tỏ tình thân mật, thể hiện thiện chí giao tiếp. Anh em trong gia đình lâu ngày mới được gặp nhau, cũng bắt tay để tỏ tình thân mật. Cử chỉ bắt tay để chào nhau lúc sơ ngộ hay khi chia tay, thường xuất hiện ở thành thị, hoặc trong giao tiếp giữa những người có học thức, giới quyền quý. Sự hiện diện của nó làm tăng thêm dáng dấp hiện đại của xã hội Nam bộ vào những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
3. KẾT LUẬN
Văn hóa là những gì do con người làm ra. Nó sẽ đọng lại phần tinh tế nhất, sau thử thách, gạn lọc của thời gian. Nó phát triển theo nhận thức của chính đối tượng làm ra nó. Giao tiếp của người Nam bộ được tái hiện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chính là giá trị văn hóa mang nhiều nét tinh tế. Bởi nó hình thành từ trong lối sống, cách ăn, nếp ở của người Nam bộ. Và cũng là thói quen, tập quán trong quan hệ giữa người và người. Nó đã trở thành những mặc ước bất thành văn của con người trong cộng đồng. Đặc điểm giao tiếp của người Nam bộ được hình thành từ cái nôi văn hóa dân tộc. Mặc dù có gợi lên nét riêng, gắn với lối sống, tâm hồn của những con người Nam bộ phóng khoáng, bộc trực nhưng không vì thế mà hoàn toàn khác biệt với nếp ăn, cách nói, hình thức quan hệ của con người Việt Nam nói chung. Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã làm sống lại đời sống văn hóa Nam bộ ở một thời kì đầy biến động, nhiều xáo trộn dữ dội nhưng những gì làm nên bản sắc văn hóa của vùng đất vẫn còn nguyên vẹn. Đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là cách đi tìm lại các giá trị văn hóa truyền thống của một thời đã qua, cách đây không lâu nhưng dễ bị lãng quên do tác động của lối sống hiện đại. Chính vì thế càng tìm hiểu, càng phát hiện thêm nhiều giá trị đặc sắc ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
-------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Biểu Chánh, 1997, Thiệt giả giả thiệt, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ.
2. Hồ Biểu Chánh, 1997, Khóc thầm, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ.
3. Hồ Biểu Chánh, 1998, Ngọn cỏ gió đùa, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
4. Hồ Biểu Chánh, 1988, Nợ tình, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
5. Hồ Biểu Chánh, 2001, Đoạn tình, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ.
6. Hồ Biểu Chánh, 1988, Kẻ làm người chịu, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền
Giang.
7. Hồ Biểu Chánh, 1988, Chút phận linh đinh, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền
Giang.
8. Hồ Biểu Chánh, 1997, Con nhà nghèo, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ.
9. Hồ Biểu Chánh, 1988, Từ hôn, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
10. Hồ Biểu Chánh, 2006, Lời thề trước miễu, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa Sài
Gòn.
11. Hồ Biểu Chánh, 1936, Nợ đời, Sài Gòn, Nxb Đức Lưu Phương.
12. Hồ Biểu Chánh, 2005, Cha con nghĩa nặng, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa
Sài Gòn.
13. Hồ Biểu Chánh, 2006, Đóa hoa tàn, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
14. Hồ Biểu Chánh, 1997, Tân phong nữ sĩ, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ TP.
Hồ Chí Minh.
15. Hồ Biểu Chánh, 1997, Cư kỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí
Minh.
16. Hồ Biểu Chánh, 1997, Đại nghĩa diệt thân, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ
TP. Hồ Chí Minh.
17. Hồ Biểu Chánh, 1988, Thầy thông ngôn, Tiền Giang, Nxb Tổng hợp Tiền
Giang.
18. Mai Ngọc Chừ, 2009, Văn hoá & Ngôn ngữ phương Đông, TP. Hồ Chí Minh,
Nxb Phương Đông.
19. Nguyễn Văn Nở, 2012, Phong cách học tiếng Việt, Cần Thơ, Nxb Đại học Cần
Thơ
20. Huỳnh Thị Lan Phương, 2006, Đời sống văn hóa ở nông thôn Nam bộ trong
một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 (413),
Hà Nội.
21. Trang Quang Sen, Phan Tấn Tài, Nguyễn Văn Nở, 2006, Hồ Biểu Chánh người
mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, TP. Hồ Chí Minh, Nxb Văn nghệ.
22. Trần Ngọc Thêm, 2004, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh,
Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.