Ý Hướng chủ yếu trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh

Nguyễn Khuê

N

hư chúng ta đã biết, Hồ Biểu-Chánh để lại một sự nghiệp văn-chương phong-phú và đa diện: thi-ca, tiểu-thuyết, tuồng-hát, biên khảo, báo chí, dịch thuật. Nhưng trước sau ông vẫn là một nhà tiểu-thuyết và dành gần trọn đời để viết loại này, viết một cách say mê cho đến những ngày cuối cùng. Nói tới ông, người ta nghĩ ngay đến một nhà tiểu thuyết, phần đóng góp quan-trọng nhất của ông cho nền văn học nước nhà là tiểu-thuyết với một số lượng lớn lao ít người sánh kịp. Bởi vây, để tổng kết, chúng tôi sẽ lần lượt xét đến ý-hướng của Hồ Biểu-Chánh khi viết tiểu-thuyết, giá-trị tiểu-thuyết của Hồ Biểu-Chánh và địa vị của ông trong văn-học-sử.

Hồ Biểu-Chánh viết nhiều loại tiểu-thuyết: phiêu lưu, phong-tục, lịch-sử, xã-hôi, ái-tình … Tuy nhiên, đọc tác phẩm của ông, người ta thấy hai ý-hướng rõ-rệt: ý-hướng phong-tục và ý-hướng luân-lý.

I. Ý-HƯỚNG PHONG-TỤC

Trong Đời của tôi về văn nghệ, Hồ Biểu-Chánh cho biết ngay từ lúc mới bắt đầu viết tiểu-thuyết ông đã cố tâm viết loại tả chân về phong-tục. Theo cái nhìn của chính tác giả, Ai làm được là tiểu-thuyết nửa diễm-tình nửa phong-tục; Cay đắng mùi đời, là truyện phong-tục và phiêu lưu; Tỉnh mộng, Tiền bạc bạc tiền, Thầy thông ngôn, Chút phận linh đinh, Kẻ làm người chịu, Vì nghĩa vì tình, Cha con nghĩa nặng, Khóc thầm, Con nhà nghèo, Con nhà giàu đều là những truyện phong-tục đến trăm phần trăm. Ông quan sát và mô tả phong-tục tạp-quán, nếp sống của nhiều giới trong xã hội miền Nam thời Pháp thuộc. Thế nên, trong Bảng lược-đồ văn-học Việt-nam, Thanh lãng đã xếp ông vào ý-hướng phong-tục[1].

Vấn-đề đặt ra là Hồ Biểu-Chánh đã có thái độ như thế nào trong khi ghi nhận các phong-tục và mô-tả hình-ảnh xã-hội đương thời. Do sự tiếp xúc với nền văn minh Tây-phương từ cuối thế-kỷ trước, đến tiền-bán thế-kỷ này, xã-hội Việt Nam tiến hóa rất mau, cách sinh-hoạt và phong-tục ở chốn thị-thành có những biến đổi quan trọng, chỉ sau lũy tre xanh mới còn giữ nhiều tập-tục lề-lối cũ. Phô bày thực-trạng gia-đình và xã-hội, Hồ Biểu-Chánh không nhằm đả phá những cái cũ và hô hào mọi người theo mới như Tự lực văn-đoàn. Đối với ông, cái cũ cũng như cái mới đều có những hay, dở riêng của nó. Chẳng hạn về vấn đề hôn-nhân, ông cho người ta thấy thái độ khắc-khe tàn-nhẫn hoặc sự tính toán vụ lợi của cha mẹ trong việc định vợ gả chồng cho con cái, rồi ở đoạn kết ông đặt vào miệng họ những lời hối hận muộn-màng, sau khi con cái của họ hoặc đã phải chịu biết bao ê-chề đau-khổ, hoặc đã chết một cách thảm thương. Ông Hương-sư Sắc, sau cái chết của Phong, ăn-năn bảo vợ: “Thôi, bà đừng có buồn nữa. Cũng tại nơi mình bắt chước thói đời, có con lại dạy dỗ nó lại tập cho nó quen tánh ham giàu ham sang, bội tình bội nghĩa, nên bây giờ nó phải chết về tánh ấy, nghĩ chẳng lạ gì….”[2] . Ông Hội-đồng Đạt khi nhìn nhận Thu-Vân là dâu, đã buột miệng: “Thiệt là dâu hiền! Đáng quá! Vậy mà thuở nay tôi ghét vợ chồng nó chớ!...”[3]. Bà Cả Kim khi biết Thanh-Nguyên chính là cháu nội của mình và vợ chồng Như-Thạch đã chết vì sự cố chấp của bà, hay đúng hơn vì chế-độ gia-đình hep-hòi và thành-kiến xã-hội nghiêm-khắc, đã thở dài thốt ra: “Tại tôi hết thảy!”[4]. Hồ Biểu-Chánh chủ-trương trai gái phải được tự do kết hôn. Tình yêu mới là yếu tố quan-trọng của hôn nhân, còn sự giàu nghèo, sang hèn, bất đồng tín-ngưỡng, chênh-lệch học thức không phải là những trở ngại (như trường hợp Lê, Thiên-Hương trong Sống thác với tình; Túy Nga trong Đóa hoa tàn, Quý trong Mẹ ghẻ con ghẻ, v.v….). Trai gái yêu nhau, nếu lỡ có thai hoặc chung sống với nhau trước khi cưới hỏi, cha mẹ không nên quá nghiêm-khắc khiến con cái phải chiu khổ sở (như Chút phận linh đinh, Tại tôi). Mặt khác, tự do hôn-nhân còn tránh được sự ngoại tình (như Dây oan).

 Thế nhưng, nếu căn cứ vào những nhận xét nêu trên mà bảo Hồ Biểu-Chánh có khuynh-hướng cải-cách thì quả thật chưa hiểu ông. Ông phơi bày tệ trạng của chế-độ gia-đình cũ không phải để lên án, để phá bỏ. Không nhất thiết phải thoát-ly đại gia-đình mới tìm thấy hạnh-phúc như Nhất-linh chủ trương trong Đoạn-tuyệt. Với Hồ Biểu-Chánh, chỉ cần sự hồi tâm, sự khoan-dung, sự thay đổi thái-độ của bậc làm cha mẹ thì đại gia-đình có ngay cảnh thuận-hòa vui vẻ: “Ông Hội-đồng nhìn con ngó cháu, trong lòng thơ-thới ngoài mặt tươi-cười. Nhiều khi ông nói nhỏ một mình: -Hạnh- phúc như vầy mà mười mấy năm nay mình không biết hưởng”[5].

Hơn thế nữa, theo ông, vợ chồng không cần phải có tình trước, chỉ do mối mai cưới hỏi mà về sau cũng thương yêu nhau (như trường hợp vợ chồng Quảng-Giao trong Một chữ tình). Để cho con cái được hoàn toàn tự do lựa chọn người bạn đời nhiều khi không tránh khỏi lầm lạc, gặp phải người bất xứng (như Cúc trong Hai khối tình).

Về sự mê tín dị đoan, ông không chủ-trương bài-trừ, trái lại đã mặc-nhiên biểu-lộ sự tin-tưởng khi để cho các nhân-vật của ông gặp tai-nạn vì ra đi nhằm các ngày nguyệt kỵ (như Thị Xuân trong Chúa tàu Kim qui, Xuân-Sơn trong Sống thác với tình), hoặc để cho những lời tiên đoán của thầy bói (như Ba Lân trong Cười gượng) và những lời mách bảo của đồng cốt (như cô xác cậu Tư trong Chút phận linh đinh, xác ông Bình trong Một đời tài sắc) trở thành sự thật.

Trên một bình-diện rộng hơn, đối với phong-tục nước nhà nói chung, Hồ Biểu-Chánh muốn duy trì và bồi đắp nền luân-lý đạo-đức cổ truyền. Đây chúng ta hãy nghe lời của một thanh-niên tân-học: “Toa nói trúng lắm. Moa cũng thấy cái làn sóng vô luân-lý, vô giáo-dục này nó càng lên mạnh thêm hoài, nếu không ai tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn khắp trong nước rồi cái xã-hội Việt Nam, khi xưa tôn-trọng đạo-đức nên được cao-thượng cứng-cỏi, sẽ thành ra một xã-hội hỗn-độn tham-lam, nên phải thấp-hèn yếu-ớt. Nền luân-lý xưa của chúng ta đã xiêu ngã, bây giờ cần phải bồi đắp lại cho mau, phải tập cho người mình có cái óc tấn-thủ cho cứng-cỏi, có cái chí lập gia-đình cho vững-chắc, có cái lòng ái-quốc nồng-nàn, thì họa may mới khỏi hổ với thiên hạ”[6]

Bởi vậy, có thể nói Hồ Biểu-Chánh là một tiểu-thuyết gia có khuynh hướng bảo thủ. Song ông bảo thủ một cách sáng suốt, ông muốn duy-trì những giá-trị truyền thống, nhưng cũng sẵn lòng chấp nhận những cái mới không ngược lại tinh-thần cố-hữu của dân-tộc.

II. Ý-HƯỚNG LUÂN-LÝ

Ý-hướng luân-lý của Hồ Biểu-Chánh biểu lộ rõ-rệt ở câu truyện và cách trình bày nhân-vật. Trước hết, tiểu-thuyết của ông thường nặng tính chất luân-lý. Người ta chỉ cần đọc những nhan đề như Vì nghĩa vì tình, Cha con nghĩa nặng, Cư kỉnh[7], Nợ đời, Bức thơ hối hận … cũng có thể biết chủ đích luân-lý của tác phẩm. Hầu hết truyện của ông đều dẫn đến một kết cục có hậu, thiện bao giờ cũng thắng ác đúng theo sự tin-tưởng của nhiều người: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” hay “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”. Lại nữa, lòng thương người, sự rộng lượng, sự tu thân lập chí, sự hiếu hạnh, sự cải tà qui chánh của các nhân-vật và cả những lời giảng giải luân-lý của tác giả dầy dẫy trong truyện.

Trong hai ý-hướng nêu trên, ý-hướng phong-tục chỉ là thứ yếu, ý-hướng luân-lý mới là chủ yếu. Thật vậy, tác giả đã triệt để áp dụng quan niệm “văn dĩ tải đạo” và chính ông đã hơn một lần xác nhận. Trong tập ký-ức Đời của tôi về văn nghệ, tác giả cho biết chủ ý của ông là “Viết tiểu-thuyết để cảm hóa đặng lần-lần dắt quần-chúng trở về đường chánh-đại quang-minh”. Ở bài “Uống trà ngon nhắc chuyện cũ” đưa vào truyện Bức thơ hối-hận, ông viết: “Phải viết đặng ghi cái hay cái dở của nhơn-tình thế-thái về khoảng đời trụy lạc mà để lại cho em cháu đời sau được biết chỗ thấp chỗ cao. Phải viết đặng chỉ đường vạch nẻo cho con cháu trong nhà ngó thấy”[8]. Trong Lời di chúc để lại cho con cháu, tác-giả một lần nữa lại viết: “…hồi làm quan thì ta chăm nom giúp đỡ người nghèo nên ta được tiếng thương dân, mà viết tiểu-thuyết ta cũng cố giữ vẹn đạo hiếu nghĩa và luôn luôn binh vực hạng bình-dân nghèo-hèn, nên ta được thiện-cảm của quần-chúng”.

Có thể nói tính-chất luân-lý bao trùm mọi loại tiểu-thuyết của ông. Ông viết tiểu-thuyết phong-tục cũng chỉ nhằm đạt chủ-đích luân-lý. Thế nên, nếu cần phải xác định một ý-hướng làm nền tảng cho sự sáng-tác của Hồ Biểu-Chánh thì đó chính là ý-hướng luân-lý và ông là một nhà văn đạo lý.



[1] THANH-LÃNG, Bảng lược đồ văn-học Việt-nam, tr.766-767, NXB Trình Bày, 1967.

[2] Thầy Thông ngôn, (Sài-gòn, nxb Bốn Phương, 1953, BBT), tr 139.

[3] Chút phận linh đinh, (Sài-gòn, nxb Lửa Hồng, 1956, BBT), tr.187.

[4] Tại tôi, (Sài-gòn, nxb Phan Yên, 1953, BBT) tr.231.

[5] Chút phận linh đinh, (Sài-gòn, nxb Lửa Hồng, 1956, BBT), tr.219.

[6] Đoạn tình, (Sài-gòn, nxb Phương Nam, 1953, BBT), tr.26-27.

[7] Do câu “Cư kính (kỉnh) nhi hành giản” trong Luận ngữ (Ung dã, thiên VI, chương I)

[8] Bức thơ hối hận, (Sài-gòn, nxb Lửa Hồng, 1957, BBT), tr.10

-------------

Nguồn: Chân Dung Hồ Biểu Chánh, NXB TP HCM, tr. 254, 1998.

In lại: Hồ Biểu Chánh, người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, NXB Văn Nghệ, 2006.


©2007 hobieuchanh.com