HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Cha Con Nghĩa Nặng

10 - RỂ HIỀN CỨU CHA VỢ


Vừa mới tảng sáng, ngọn lúa sương dầm ướt ướt, dưới hào vịt tắm loi ngoi. Đàn bà gánh bông súng ra chợ, hai thùng nặng nhún xuống nhún lên.

Thằng Tý về nhà nói với ông ngoại nó rồi, bây giờ nó trở xuống chòi ruộng mà kiếm cha, bộ đi chẳm hẳm sắc mặt nghiêm trang.

Đi ngang qua cửa ngõ bà Hương quản, nó dòm vô, thấy con Quyên đứng trước sân, nó châu mày cúi mặt mà đi tuốt. Chẳng hiểu nó nghĩ thế nào, đi được vài chục bước rồi, nó lại lộn trở lại, và đứng ngoài lộ mà ngoắc em nó.

Con Quyên lật đật chạy ra, chừng tới gần rồi nó hỏi rằng: “Anh đi đâu sớm dữ vậy, anh Hai?”. Thằng Tý bước xít lại một bên và nói nhỏ rằng:

-          Cha về.

-          Hả! Anh nói giống gì mà cha về?

-          Nhỏ nhỏ vậy. Qua nói: Cha về.

-          Cha ai?

-          Cha mình chớ cha ai.

-          Húy! Trời ơi! Cha còn sống hay sao? Vậy sao họ nói chết?

-          Còn sống.

-          Cha bây giờ ở trên nhà ông ngoại phải hôn? Để em lên thăm cha.

-          Cha sợ họ thấy, nên không dám lên Giồng Ké. Bây giờ cha ở dưới chòi ruộng của qua.

-          Em đi xuống dưới. Chòi ruộng ngó thấy kia, phải hôn? Anh đi xuống dưới hôn?

-          Qua đi đây.

-          Em đi với.

-          Không được. Em đi thì bà Hương quản với cậu ba Giai nghi, rồi khó lòng lắm.

-          Ủa! Nghi thì nghi chớ. Cha tôi chết đi sống lại không cho tôi đi mừng cha tôi sao?

-          Cha phải ẩn mặt, bởi vậy không nên cho người ta biết.

-          Em có cho ai biết đâu? Bà với cậu còn ngủ hết. Để em đi xuống gặp cha một chút xíu, rồi em về liền.

-          Để thủng thẳng sau rồi em thăm. Bây giờ qua mắc dắt cha đi kiếm chỗ mà trốn.

-          Còn phải trốn hay sao?

-          Ừ.

-          Nếu cha phải trốn, thì em phải thăm cha liền bây giờ, chớ để cha đi mất nữa, rồi em làm sao gặp mặt cho được.

-          Em đừng cãi lời qua. Em đi đây đố khỏi trong làng họ hay hết.

-          Không ai hay đâu mà anh sợ.

Con Quyên vụt đi trước, không thèm kể lời anh nó ngăn cản. Thằng Tý không biết liệu làm sao, túng thế phải đi theo, và đi và nói lầm bầm rằng: “Tưởng là nói cho em biết đặng em mừng vậy thôi; ai dè em đòi đi. Phải hay hồi nãy ta đi tuốt cho êm”.

Con Quyên day lại cười và nói rằng: “Đi riết, anh Hai. Em nghe nói em mừng quá. Cha về hồi nào? Làm sao anh gặp được? Ông ngoại hay rồi hay chưa?”.

Thằng Tý phải thuật sơ chuyện cha nó về hồi hôm đó lại cho em nó nghe. Con Quyên nghe khúc đầu thì vui lắm, đến chừng nó hiểu vì cớ nào mà cha nó phải kiếm chỗ ẩn mặt thì nó đã hết vui mà lại có sắc lo. Nó suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-          Hồi trước anh khai với quan, anh nói Hương hào Hội giết má, chớ không phải cha, thế thì cha có tội gì đâu mà phải trốn?

-          Tuy qua khai như vậy, song quan họ nghi cho cha. Bấy lâu nay họ không kiếm cha là vì họ tưởng cha chết rồi. Nếu bây giờ cha ra mặt thì họ phải bắt họ nạp chớ.

-          Chuyện đã lâu rồi mà hại gì.

-          Lâu mau gì cũng vậy chớ. Chuyện án mạng dễ lắm sao.

Khi hai anh em đi gần tới chòi, con Quyên thấy dạng một người ngồi trong thì nó chạy riết vô, sụp mé bờ ướt hết một ống quần. Trần Văn Sửu thấy thằng Tý trở xuống mà lại có một đứa con gái đi trước, biết là con Quyên, nên lật đật ra mừng con.

Sự cha con gặp nhau đây, tình thương chan chứa, lòng mừng bâng khuâng, nhớ nỗi biệt ly, vui hồi tái hiệp, ngẩn ngơ ngơ ngẩn, cười khóc khóc cười, không có ngòi bút nào mà tả cái cảnh bi hoan nầy cho tường tất được.

Trần Văn Sửu nhìn con Quyên rồi hỏi rằng:

-          Anh Hai con cho con hay, phải hôn?

-          Thưa, phải.

-          Dữ quá! Đi mười mấy năm bây giờ con nó lớn hết. Còn thằng Sung nó bao lớn?

-          Nó chết lâu rồi, còn đâu mà cha hỏi.

-          Chết hồi nào?

-          Chết năm cha đi lận mà.

Trần Văn Sửu ngồi cúi đầu suy nghĩ. Anh ta châu mày thở ra rồi hỏi nữa rằng: “Hương hào Hội bây giờ còn mạnh giỏi giàu có hay không?”. Con Quyên day lại ngó anh nó. Thằng Tý bước tới nói rằng:

-          Hương hào Hội nghèo mạt, bán hết đất rồi trốn đi đâu mất lâu rồi, cha à.

-          Sao vậy?

-          Tại con chớ sao. Con khai nó giết má, quan họ bắt giam hết mấy tháng. Nó mướn thầy kiện, lại lo đầu nầy đầu kia tốn hao lung quá. Chừng quan thả nó ra nó về nhà bán đất rồi trốn mất, bỏ vợ con ở lại mấy năm nay nghèo hết sức.

-          Tội nghiệp vợ con nó dữ hôn! Nó quấy chớ vợ con nó có can phạm gì đâu, mà trời hành phạt như vậy. Còn hồi đó làng tổng họ có kiếm bắt cha hay không?

-          Có chớ. Con quên dặn trước con Quyên nên nó nói lộn xộn họ nghi cha, rồi họ kiếm cha dữ quá. May họ xí được giấy thuế thân của cha đâu phía dưới vàm Nàng Âm, rồi lại có người chết trôi tắp trên vàm Vũng Liêm, ông ngoại nói người đó là cha nên họ mới thôi kiếm.

Trần Văn Sửu ngồi thở ra rồi chậm rãi nói rằng: “Cha phải tỏ thiệt cho hai con biết: Hồi đó cha giết má con chớ không phải Hương hào Hội. Thiệt cũng tại Hương hào Hội nên mới gây ra việc đó. Nhưng mà má con chết ấy là việc rủi, chớ không phải cha cố ý giết. Cha đương tức giận, mà má con lại làm dữ với cha, má con làm quá, cha cuồng trí, dằn không được, cha xô một cái mạnh, má con té, mà rủi đụng nhằm cạnh ván, nên bể đầu chết liền”.

Trần Văn Sửu vừa nói dứt lời, thì có một người bước vô chòi. Anh ta lật đật đứng dậy, mắt ngó dớn dác. Thằng Tý với con Quyên day lại, thấy cậu ba Giai đứng chần ngần giữa chòi thì kinh tâm loạn trí, mặt mày tái xanh, mở mắt nhìn cậu trân trân, mà không nói được một tiếng.

Không phải tình cờ mà cậu ba Giai đến đây. Số là khi con Quyên đi với anh nó rồi, cậu thức dậy cậu thấy vắng mặt nó, cậu mới hỏi thăm mấy đứa ở. Thằng Học thưa với cậu rằng, nó mới thấy con Quyên đi với thằng Tý. Cậu Ba bước ra lộ, cậu thấy hai anh em con Quyên đi xa xa, cậu bèn nom theo. Hai anh em nó mắc nói chuyện, nên bất ý không thấy cậu. Chừng vô chòi rồi cha con mắc mừng nhau, mắc chuyện vãn với nhau, nên không đề phòng, bởi vậy cậu vô tới chòi mà không hay.

Cậu ba Giai thấy mấy cha con sợ sệt thì hỏi rằng: “Làm giống gì đây?”. Cậu lại chỉ Trần Văn Sửu mà hỏi tiếp rằng: “Còn người nầy là ai?”.

Trần Văn Sửu với thằng Tý bối rối quá, kiếm không được lời mà đáp. Có một mình con Quyên nó tỉnh trí chút đỉnh, nên nó bước tới chấp tay thưa rằng: “Thưa cậu Ba, người nầy là cha ruột của em”.

Cậu ba Giai chưng hửng, cậu cúi đầu mà chào, rồi đứng nhìn không nháy mắt. Cách một hồi cậu nói rằng: “Vậy sao người ta nói đã chết rồi, mà bây giờ lại về đây được? Sao mà may dữ vậy? Chuyện sao đâu thuật lại chi tôi nghe một chút thử coi”.

Trần Văn Sửu và sợ sệt và bợ ngợ, nên hỏi con rằng: “Cậu đây là ai?”.

Cậu ba Giai rước mà đáp rằng: “Tôi đây là ba Giai, con của bà Hương quản. Kể từ ngày hôm qua thì tôi là con rể, chớ không phải ai xa lạ đâu mà phòng ngại. Tôi không phải như người ta. Có việc gì xin tỏ thiệt cho tôi biết với”.

Trần Văn Sửu chảy nước mắt và nói rằng: “Vừa mới về tới, tôi hay con tôi nó thương phận tôi, nó không giận hờn chi hết, mà hai đứa nó lại gần có vợ có chồng, thì tôi đã quyết trốn đi biệt, không cho chúng nó gặp mặt. Chẳng dè trời khiến hai đứa nó gặp tôi hết thảy, mà cậu cũng gặp nữa, vậy thì tôi còn giấu mà làm gì. Cậu Ba ngồi lại đây, tôi nói thiệt hết cho mà nghe”.

Trần Văn Sửu nắm tay cậu ba Giai kéo lại cái sập, biểu cậu ngồi, rồi anh ta ngồi một bên. Thằng Tý với con Quyên cũng đứng xớ rớ gần đó. Trần Văn Sửu thủng thẳng thuật lại chuyện của anh ta lại cho con rể nghe. Anh ta không giấu một mảy may nào hết, tại sao mà anh ta giận đánh vợ, vợ rủi ro thế nào mà chết, vợ chết rồi anh ta sợ bỏ chạy đi đâu, anh ta trốn chỗ nào bao lâu, anh ta tính lội sông làm chi, gần chết chìm may nhờ có ghe của ai vớt. Khi ghe củi vớt rồi mới chở anh ta về Ba Động. Anh ta ở đó làm củi hơn một năm, rồi đi theo họ qua miệt Long Vĩnh. Trót ba năm trường anh ta ở trong rừng ngủ trong bụi, tấm thân lao khổ, trong trí buồn rầu, lớp ăn năn về nỗi giết vợ, lớp đau đớn về nỗi bỏ con. Nhiều khi anh ta muốn tự vận mà chết phứt cho rồi, đặng cho dứt cái kiếp phong trần khốn nạn, ngặt vì một nỗi sợ con thơ không hiểu, tưởng cha nó là đồ sát nhơn, hai lo vì trẻ dại bơ vơ, thân côi cút không nơi nương dựa. Vì vậy mà phải lăn lóc cho qua ngày tháng, đặng sau lén về mà săn sóc con. May có nhờ một người Thổ ở Kế Sách tên là Sơn Rùm, qua Vĩnh Long đốn củi, bị thiên thời mà chết. Anh ta mới lấy giấy thuế thân của người ấy rồi lần lên Bon Bót ở đợ mà chờ thời. Anh ta ở chung lộn với Thổ trong mấy sốc Bon Bót, Cầu Kè hơn tám năm, học nói tiếng Thổ và ăn mặc cũng như Thổ. Năm nay anh ta nhớ con quá, nên lén về xứ mà thăm; vừa đi tới cửa ngõ bà Hương quản, may gặp Hương thị Tào với thằng Tý mới nom đi theo đó.

Cậu ba Giai ngồi chăm chỉ mà nghe, còn thằng Tý với con Quyên đứng rưng rưng nước mắt. Trần Văn Sửu thuật chuyện của mình rồi, thấy con rể lặng lẽ không nói chi hết, thì anh ta nói tiếp rằng: “Tôi nghe bà Hương quản tính cưới con gái tôi cho cậu Ba, nên tôi phải thuật rõ ràng việc của tôi cho cậu hiểu. Phận tôi hèn hạ mà lại thêm mang cái tội sát nhơn. Tôi nói cho cậu thương, thiệt tôi không dè con tôi ở nhà mà được như vầy, chớ phải mà tôi hay trước, thì tôi đã chết rồi, cho khỏi lở dở việc của con tôi, và cho khỏi nhọc lòng cậu”.

Cậu ba Giai đứng dậy đáp rằng: “Thưa cha, tuy chưa có lễ cưới, song việc hôn nhơn của hai trẻ cũng đã gần thành rồi. Vậy xin phép cha cho con kêu bằng cha cho khỏi thất lễ. Theo mấy lời cha mới nói sau đó, thì dường như cha ăn năn sự cha về đây mà thăm con, và cha nghi con thấy cha nghèo khổ lại có tội, mà hết thương con cha nữa. Thưa cha, con đã nhứt định kết tóc trăm năm với con cha đây, là vì con mến tánh nết, con trọng nhơn nghĩa của nó, nên con không kể việc chi khác hết. Thiệt, con biết nó mấy tháng nay, nó tưởng nó không còn cha mẹ, té ra ngày nay nó còn cha, nó mừng bao nhiêu thì con mừng bấy nhiêu. Dầu cha nó mà đui hay cùi đi nữa, con cũng phải kính trọng, chớ lẽ nào con dám khinh khi phụ bạc. Huống chi cha nghèo mà cha biết thương con, cha mang tội sát nhơn, mà ai lâm cảnh như cha, cũng đều mang tội ấy hết thảy, thế thì cha có hổ thẹn chỗ nào đâu mà cha ngại. Con đứng trước mặt cha và trước mặt vợ con đây, con xin nói lớn lên rằng: Con kính phục cha như cha ruột con vậy, và con sẽ dạy vợ con phải hết lòng thương yêu cha là người thiệt thà mà có tánh khoan dung đến nỗi việc phải oán mà không nỡ cố oán, bền dạ thương con đến nỗi lúc hiểm nguy mà cũng không quên chúng nó”.

Ba cha con Trần Văn Sửu nghe mấy lời ấy thì động lòng, nên khóc hết thảy. Cậu ba Giai đợi cho Trần Văn Sửu lau nước mắt rồi, cậu mới nói nữa rằng:

-          Bây giờ con xin mời cha về nhà con, đặng con thưa việc nầy lại cho má con hay.

-          Tôi đi sao được. Tôi phải trốn chớ nếu ở đây làng tổng họ thấy họ bắt tôi còn gì.

-          Trốn đi đâu? Cha trốn hoài cho tới chết hay sao?

-          Tôi là người có tội, thì tôi phải chịu như vậy, chớ biết làm sao bây giờ?

Con Quyên nghe cha tính trốn, thì trong bụng nó không an, nên đứng ngó cậu ba Giai, dường như muốn hỏi cậu coi bây giờ phải làm thế nào. Cậu ba Giai châu mày gãi đầu mà suy nghĩ một chút rồi cậu hỏi Trần Văn Sửu rằng:

-          Từ ngày má chết cho tới bây giờ đã được mấy năm rồi?

-          Hơn mười một năm.

-          Nếu vậy thì cha khỏi lo ai bắt cha nữa.

-          Sao vậy?

-          Hồi tôi ở Sài Gòn, tôi có làm việc thầy kiện mấy năm, nên tôi biết luật chút đỉnh. Theo luật hình, ai phạm tội tiểu hình thì trong năm năm, còn ai phạm tội đại hình thì trong mười năm, nếu bắt không được thì thôi, khỏi bị xử nữa.

Con Quyên nghe như vậy thì mừng quá, nên bước tới ngó cậu ba Giai mà hỏi rằng:

-          Cha tôi phạm về tội đại hình hay tiểu hình?

-          Đại hình, nhưng mà qua mười năm nên cũng khỏi.

-          Cha chả, nếu thiệt như vậy thì cha ở đây với mình được rồi. Cậu nói đó mà chắc hôn?

-          Tôi biết chắc như vậy. Mà nếu muốn chắc ý nữa, thì cha về nhà tôi rồi tôi dắt lên Vĩnh Long đặng hỏi trạng sư lại. Tôi liều ít trăm đồng bạc tôi mướn vô Tòa lục giấy tờ mà coi. Như thiệt quả Tòa không buộc tội nữa được, thì trạng sư dắt cha vô quan Biện lý mà trình diện, rồi xin hủy tờ lục tống. Còn như Tòa buộc tội nữa được, thì tôi sẽ lập thế khác mà cứu cha, không có sao đâu mà sợ. Thôi, bây giờ mấy đứa mình dắt cha về nhà tôi. Nè, mà chuyện chưa biết là thế nào, về nhà nên phải kín miệng, đừng cho trẻ ở trong nhà biết cha là ai. Để mình tính yên việc rồi, mình sẽ cho thiên hạ biết.

-          Giấu ai thì giấu, chớ với bà mình cũng giấu nữa thì kỳ quá.

-          Không. Về phần má tôi thì để tôi nói cho.

-          Cậu nói thì nghe cũng kỳ. Tôi muốn thà để tôi lạy mà thưa thiệt với bà thì tốt hơn.

-          Em muốn như vậy cũng được. Thôi, hai đứa mình đồng thưa với má.

Cậu ba Giai day qua mà xin Trần Văn Sửu đi. Trần Văn Sửu khóc và nói rằng: “Mấy con thương cha, nên lo cho cha, thiệt cha cám ơn lắm. Song cha xét lại dầu Tòa xả tội cho cha đi nữa, cha cũng không vui sướng gì. Cha đã làm má mấy con chết, biết chừng nào cha mới hết nhớ sự ấy được mà cha vui? Cha tưởng nếu Tòa không đày cha, thì cha phải hành phạt cái xác của cha cho cực khổ đáo để, hoặc may cha mới chuộc cái tội sát nhơn ngày trước được. Thôi, mấy con hãy về, để cha đi thì phải hơn”.

Trần Văn Sửu cứ đòi đi, mà thằng Tý với con Quyên khóc quá, còn cậu ba Giai thì theo năn nỉ hoài, anh ta không nỡ đoạn tình, nên phải ép mình mà đi với mấy con về nhà bà Hương quản.

Khi vô tới sân, thằng Tý dắt cha nó đi dựa vách tường mà xuống nhà dưới; trẻ ở thấy người lạ theo hỏi thì nó nói người ấy đến xin ở mướn. Trẻ trong nhà thấy người ấy bộ tướng cùn khổ, thì tưởng thiệt như vậy nên không gạn hỏi việc chi nữa.

Còn cậu ba Giai với con Quyên đi cửa giữa mà vô nhà trên, thấy bà Hương quản ngồi một mình trên bộ ván thì a lại lạy bà. Bà lấy làm kỳ, bà hỏi muốn nói việc chi, thì cậu ba Giai to nhỏ thuật chuyện của cha vợ lại cho mẹ ruột nghe.

Bà Hương quản nghe rõ đầu đuôi, rồi bà biểu kêu Trần Văn Sửu lên cho bà thấy mặt. Trần Văn Sửu ở dưới nhà dưới, cóm róm bước lên xá bà. Bà gặc đầu và cười và nói rằng: “Bầy trẻ nó tính như vậy thì phải lắm. Thôi ở đây chớ đi đâu làm chi. Ở đây rồi sáng mai thằng Giai nó dắt đi Vĩnh Long nó tính giùm chuyện cho”.

Trần Văn Sửu ứa nước mắt và đáp rằng: “Bà cũng biết thương tôi nữa, thì tôi còn gì mà cãi”.

Sáng bữa sau cậu ba Giai dắt Trần Văn Sửu đi lên Vĩnh Long. Thằng Tý không chịu rời cha nó, nên nó cũng đi theo.

Con Quyên ở nhà trông đứng trông ngồi, hễ nghe xe chạy ngang thì nó lật đật ra cửa mà dòm.

Mấy cha con ở trên Vĩnh Long tới ba bữa rồi mới về. Khi vô tới cửa, cậu ba Giai thấy con Quyên thì cậu cười và nói rằng: “Chuyện xong rồi hết, quan Biện lý có cho một cái giấy chứng chắc không buộc tội cha nữa”. Con Quyên mừng quýnh, nó cười mà chảy nước mắt. Thằng Tý cũng hớn hở thuật chuyện lăng xăng cho bà với em nghe. Cả nhà đều vui vẻ, kẻ cười người nói om sòm, duy có một mình Trần Văn Sửu được khỏi tội mà anh ta đứng chần ngần, mặt mày coi buồn thảm lắm.

Ăn cơm rồi, thằng Tý với con Quyên mới dắt cha nó về Giồng Ké. Hương thị Tào không hay trẻ nhỏ làm việc gì hết, nên ông thấy rể ông bước vô thì sắc mặt ông không được vui. Thằng Tý thuật câu chuyện lại cho ông ngoại nó nghe. Chừng ông hay bà Hương quản với cậu ba Giai cũng thương Trần Văn Sửu, mà Tòa cũng không buộc tội nữa, thì ông mừng, ông nói rằng: “Có phước quá!”. Cách một hồi, ông lại nói với rể rằng: “Con vợ mầy hồi trước nó khốn nạn lắm nên trời khiến nó chết như vậy đó. Chớ phải nó ăn ở tử tế như người ta, ngày nay con trai con gái nó nên hết, thì nó sung sướng biết chừng nào!”.

Trần Văn Sửu cúi lạy cha vợ và nói rằng:

-          Thưa cha, con xin cha tha tội cho con.

-          Không. Nó ở theo thói trâu chó, mầy giết nó thì phải lắm, có tội gì đâu.

Trần Văn Sửu cảm động, nên khóc như mưa.

Hương thị Tào, con Quyên và thằng Tý thấy vậy cũng khóc hết thảy.

Chòm xóm nghe Trần Văn Sửu còn sống, lại được Tòa tha tội nữa, nên đã trở về nhà rồi, thì rủ nhau đến mà thăm. Người thì khen có phước, kẻ thì mừng con nên, mà chẳng có ai biết Trần Văn Sửu nhờ cái lòng thương con nên mới còn sống được đó, và sắp con dầu không nhờ cha mà nên, song cũng chẳng hề quên ơn sanh thành dưỡng dục.

Cách vài ngày bà Hương quản Tồn cho mời Hương thị Tào với Trần Văn Sửu xuống nhà bàn tính, rồi bà chủ trương việc gả con Quyên cho cậu ba Giai và cưới con gái của Hương giáo Cân cho thằng Tý.

HẾT, An Trường 1929