HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Ðại nghĩa diệt thân
Chương 08

Buổi sớm mơi đó, mặt trời mọc dọi ánh nắng sông sáng loà.

Thị Dần tính Ðạt đi về Bến Tranh đã hai đêm một ngày rồi sao bặt tin. Nàng ngồi tại cửa, mặt ngó xuống sông mà trông Ðạt. Ghe xuồng qua lại không ngớt, nhưng không thấy ghe lườn của Ðạt trở qua. Nàng nhớ hôm Ðạt sửa soạn ra đi chàng có nói nếu cha mẹ xuôi thuận để cho chàng đi lính thì chàng sẽ trở qua liền. Ðến bữa nay mà chàng chưa qua, nàng phát nghi vì hai lẽ nầy; một là cha mẹ không bằng lòng cho chàng đi lính giúp Tây nên bắt ở nhà, hai là Ðạt thương nhớ vợ con nên kiếm chước đặng thoát thân mà bỏ rơi nàng.

Nếu vì lẽ thứ nhứt mà Ðạt không trở qua thì nàng không giận Ðạt được. Nhưng đối với Ðạt nàng cư xử trọn tình, mà đối với cha mẹ Ðạt nàng cũng giữ đủ lễ nghĩa. Vậy thì cha mẹ không cho đi lính được thì ở ngoài nầy với nàng đặng đi giăng câu kéo lưới kiếm ăn cũng đủ ấm no vui sướng. Còn nếu vì lẽ thứ nhì mà Ðạt cút mất, Ðạt xảo trá mà gạt gẫm nàng, cử chỉ đó nàng không thể tha thứ được. Nàng phải trị tội phản bội, tội gạt cho nàng che chở dưỡng nuôi gần trót tháng, rồi bỏ nàng mà không nói một tiếng cám ơn.

Mà vì lẽ nào cũng vậy, nếu Ðạt không trở qua thì sẽ òn ỷ[1] với ông Ðội Tồn nói với quan Tây dắt lính đi bắt Ðạt đem về mà trị tội, vì Ðạt đã có thú thiệt với nàng rằng Ðạt có chưn trong đoàn nghĩa binh của Thủ Khoa Huân và có tham dự trong cuộc phục kích tại Bình Cách hôm nọ.

Thị Dần suy nghĩ tới đó bỗng thấy Ðạt chèo ghe lườn đương ghé vào bến ngay cửa nàng. Nàng mừng, lật đật đứng dậy, chạy riết ra mé sông, níu mũi ghe và lấy sợi dây mà buộc vô trụ, vừa làm vừa cười vừa nói:

- Tôi trông anh dữ quá. Sáng nay mà cũng chưa thấy anh trở ra, tôi tưởng anh gạt tôi đặng anh cút luôn chớ.

Ðạt cười mà nói:

- Cút đi đâu?

Dần cũng cười mà nói nho nhỏ:

- Em trông không được em giận, nên mới hồi nảy đây em cậy ông Ðội sai lính kiếm bắt anh.

Ðạt lên bờ và hỏi:

- Bắt chi vậy?

- Bắt làm chi anh biết mà.

Hai người dắt nhau đi vô nhà. Dần nóng nảy nên không đợi Ðạt ngồi, nàng vụt hỏi liền:

- Trong nhà chịu cho anh đi lính hay không?

- Ông già rầy quá. Ông nói nếu qua theo Tây thì ông từ qua, không nhận qua là con nữa.

- Chết được! Mất hy vọng rồi. Bây giờ anh tính làm sao đây?

- Ông già đi Sài Gòn rồi, đi hồi xế hôm qua ông lên dọ tin tức cụ Thủ Khoa.

- Có bà con với cụ Thủ Khoa hay sao?

- Không có. Tại ổng thích cụ Thủ Khoa lắm. Bạn nhà nho mà. Ông cứ buộc qua phải bền chí kháng chiến. Thà chết hay là bị bắt bị đày như cụ Thủ Khoa chớ không được đầu giặc mà mang tiếng bán dân bán nước. Nếu qua cãi lời thì đừng về nhà nữa, đừng cho thấy mặt.

- Cha nói gắt như vậy, mà anh tính cãi lời hay sao mà anh trở ra đây?

- Cha đi rồi, hồi hôm qua than thở phận qua với mẹ, có vợ và em qua ngồi nghe. Qua nói rằng nếu qua không đi lính đặng có ông Ðội che chở, thì qua sẽ bị bắt bị tù, hoặc bị bắn. Bởi vậy qua phải bỏ xứ mà đi xa ở gần đây không được. Mẹ nói thà đi lính ngoài nầy thì còn gần gũi viếng thăm được, chớ đi xa rồi làm sao. Vợ với em qua cũng đồng ý như mẹ, bởi vậy hồi khuya qua đi không ai cản trở.

- Em rất cám ơn anh vì em biết chắc tại anh yêu em nên anh mới nghịch ý cha mà trở ra đây ở với em. Em hứa chắc nếu anh không chịu đi lính, anh ở đây mà làm ăn với em, thì em cũng bảo hộ cho thân anh an ổn và chăm nom cho anh sung sướng mãn đời, để đáp tình anh nặng nề với em.

- Qua trở ra đây vì qua quyết định đi lính đặng nhờ ông Ðội nâng đỡ cho qua lên Cai lên Ðội đặng qua cứu dân giúp nước. Người ta nói đầu Tây là phản quốc. Qua muốn đầu Tây mà cứu quốc thử coi được hay không cho biết.

- Nếu anh chịu đi lính thì càng hay, để em đi chợ về nấu cơm cho anh ăn rồi sẽ tính.

- Nếu ở nhà còn cá tôm cũ thì ăn sơ được mà, cần gì phải đi chợ thất công.

- Ðồ cũ thì còn, có trứng vịt nữa.

- Vậy thì đủ rồi. Ði chợ làm chi.

Thị Dần đi nấu cơm, để cho Ðạt nằm nghỉ.

Ăn cơm xong, vợ chồng bàn tính với nhau một hồi. Thị Dần mới đi một mình qua thành trả lời cho ông Ðội hay rằng Ðạt chịu đi vô lính và hỏi chừng nào Ðạt qua được. Ông Ðội nói sáng mai ông sẽ nói chuyện với ông quan ba và ông biểu Ðạt trưa bữa đó thì qua lãnh y phục qua làm việc liền.

Bận về Dần đi thẳng ra chợ kiếm đồ mua đặng dọn bữa cơm chiều đãi Ðạt ăn ngoã nguê, mừng cho Ðạt sắp bỏ cảnh đời oán hận để bước vào cảnh đời hiệp hoà, mà cũng mừng cho nàng từ đây chắc chắn được người thành thiệt thương yêu nàng, thương yêu đến nỗi dám hy sinh tình cha con, quên lửng tình non nước.

Về đến nhà nàng thuật mấy lời của ông Ðội Tồn dặn cho Ðạt nghe, nói bữa trưa sau Ðạt qua lãnh áo quần, thì làm lính liền.

Ðạt biểu Dần chiều nấu cơm ăn sớm đặng chàng đi giăng câu một đêm chót rồi giải nghệ. Dần xin với Ðạt cho nàng đi theo chơi một lần, để kỷ niệm trường hợp vợ chồng gặp gỡ nhau. Ðạt vui lòng đem theo nàng ra sông cái, lúc đêm khuya, có một người bạn yêu để cùng nhau thưởng thức cảnh thú gió trăng trời nước.

Dần lo nấu cơm, Ðạt thay đồ đặng xuống ghe soạn lại đường câu tay lưới.

Ăn cơm rồi mặt trời còn cao, nhưng Dần muốn đi sớm đặng ra sông cái chơi. Ðạt cũng tính đi sớm đặng thừa nước ròng kéo lưới bắt tôm càng và luôn dịp cá nhỏ để móc mồi mà giăng câu. Dần khép hết cửa sau cửa trước, gởi nhà cho bà già ở một bên, rồi theo Ðạt xuống ghe ngồi cho Ðạt chèo ra vàm.

Nước đã ròng hết nửa sông. Bên núi cù lao Bông có hai chiếc ghe lớn trương buồm chạy rề rề theo một chiều với giọt nước. Bầy cò trắng đậu trên ngọn đám bần rạch[2] xanh um, chẳng khác nào thợ trời vẽ một bức tranh tô màu biếc, rồi chấm những điểm xem cho đẹp.

Tuy Dần là gái không có học, nhưng bổn tánh có ít nhiều lãng mạn, nên thấy cảnh như vậy nàng phới động tình yêu. Thình lình nàng nói: „Anh Ðạt ơi bây giờ em hết muốn để cho anh đi lính. Em muốn rán câu lưới dành dụm cho có một số tiền, rồi em bán nhà châm tiền vô nửa, để bù đổi với họ lấy một chiếc trộng trộng, có mui có bánh lái, có hai chèo, vợ chồng mình ở luôn dưới ghe, ban đêm giăng câu kéo lưới, sáng mai ghé chợ bán tôm cá, rồi chèo ra sông cái đậu dưới bóng cây mà ngủ. Vợ chồng mình sống tự do, sống với trời nước, em chắc sống như vậy khoẻ trí hơn là sống chung với loài người. Anh nghĩ sao?“

Ðạt cười ngất mà nói:

- Em muốn một ngày kia người ta gọi qua là „ngư ông“ còn gọi em là „ngư bà“ phải hôn?

- Gọi gì cũng được miễn vợ chồng mình sống chung với nhau một cõi thì thôi.

- Không được qua không thích như em vậy.

- Vậy chớ anh thích giống gì?

- Qua muốn làm ông Ðội ông Quản. Qua muốn lập công danh cho rực rỡ. Sống giữa đời loạn ly, người có chí lập công danh, không khó. Nếu mình không biết thừa cơ hội may mắn thì uổng lắm vậy.

- Thiệt anh có chí đó hay sao?

- Nếu không thiệt qua biểu em đi nói với ông Ðội hồi trưa làm chi.

- Anh Ðội có hứa hễ anh vô lính chừng vài tháng ảnh xin cho làm Cai. Anh kiếm thế lập công, tự nhiên sẽ được lên Ðội. Vậy thì không khó gì.

- Em phải rán o bế ông Ðội làm sao cho anh lên chức Ðội mau mau thì người ta kêu em là bà Ðội.

Thị Dần cười.

Ðạt chèo khỏi vàm một khoảng xa, tới cái vịnh, mới ghé lại dưới bụi bần, biểu Dần buộc ghe vào gốc bần. Chàng cởi áo và ôm tay lưới nhảy xuống mé sông mà kéo. Mặt trời chen lăn, Dần ngồi trên ghe coi Ðạt kéo lưới. Kéo một vạt rồi Ðạt lại ghé mà đổ tôm cá cho Dần lựa. Dần thấy tôm cá nhiều thì ham quá, thầm tiếc hôm trước không dè đặng đi theo mà phụ với chồng.

Ðạt kéo ba vạt lưới[3] thì tôm cá đã bộn rồi, trời cũng đã tối. Chàng leo lên ghe mà dẹp lưới, bắt cá nhỏ mà móc mồi vô đường câu, rồi chèo ghe đi kiếm chỗ giăng câu. Dần lựa tôm càng cá lớn bỏ vô rộng, còn tép với cá vặt thì bỏ vô rổ mà đựng.

Ðạt giăng câu xong thì leo lên ghe nằm dựa bên vợ mắt ngó mặt trăng lu mờ, miệng hát ngêu ngao vui vẻ, dường như quên nước non bị xâm chiếm, quên cụ Thủ Khoa bị lao tù, quên ông cha già giận hờn, quên bà mẹ với vợ cùng em lo sợ.

Chừng một canh thì Ðạt lần ghe đi thăm câu một lần mỗi lần được năm bảy cá lớn, cá sủ[4] , cá chẻm, cá út, cá ngác, cá trê. Gỡ cá bỏ vào ghe thì Dần bắt đem vào rộng. Dần được thưởng thức cái thú giăng câu kéo lưới thì nàng toại chí vô cùng, bởi vậy tuy ngủ không yên, song nàng vui nên không biết mệt.

Ðến đầu canh năm, Ðạt thấy tôm cá đã nhiều rồi nên cuốn câu mà về. Ghe chèo cục kịch, Dần nằm dựa be ghe mơ màng, đã được vui chơi, lại có tôm cá nhiều, nên quên mệt mỏi.

Về tới bến mà trời chưa rạng đông. Ðạt biểu Dần buộc ghe lên mà nghỉ, đợi sáng rồi sẽ lựa tôm cá đặng bán bớt một mớ, còn bao nhiêu thì để dành mà ăn.

Ðạt tắm rửa rồi thay đồ khô rồi nằm nghỉ. Dần lò mò bắt một con cá với ít con tôm lên kho nướng đặng ăn cơm khuya.

Lúc ăn cơm Ðạt dặn Dần phải để mấy con cá chẻm riêng ra, đặng trưa đem ra ông Ðội. Hễ đi lính rồi thì sợ hết câu, lưới gì nữa được. Vậy sáng có đem cá tôm ra chợ mà bán thì nên để dành một mớ mà ăn ít bữa.

Dần nói đi lính thì đi, có lẽ năm ba bữa nữa xin phép với ông Ðội đi câu lưới một đêm kiếm cá tôm mà ăn và chia cho ổng chắc ổng chịu lắm.

Tảng sáng Dần lo bưng tôm cá ra chợ bán đặng mua thịt rau mắm muối mà ăn. Ðạt thì lo giặt tay lưới và soạn đường câu đặng phơi mà cất.

Ðến trưa Ðạt mặc quần áo mới đi qua thành mà nhập ngũ. Dần xách giỏ cá chẻm đi theo đặng cho ông Ðội Tồn.

Khi ra đi, Ðạt ngó chiếc ghe lườn đậu dưới bến, chàng then thẹn trong lòng, thẹn vì bỏ chiếc ghe là bạn cố cựu đặng bước qua con đường mới, mặc áo lính của người ta ban cho để sống với cảnh đời lạ, mà hôm kia cha mình gọi là sống nhục nhã.

Rượu đã rót lỡ rồi, vậy phải uống. Chưn đã bước vào đường mới rồi, vậy phải đi, không thể trở lại được. Ðạt cúi mặt lầm lũi mà đi với Dần không dám ngó chiếc ghe nữa.

Ông Ðội Tồn ngồi trong nhà thấy Ðạt với Dần bước vô thì ông mừng rỡ nói với Ðạt:

- Qua mừng cho em. Qua nói chuyện với ông quan ba hồi sớm mơi thì ổng chịu cho em làm Cai liền, chớ không phải làm lính, em sẽ được mang lon sẽ dẫn đầu một tốp lính đi tuần.

- Thưa ông tại sao mới vô mà được làm Cai?

- Qua nói em biết mặt biết nhà mấy người trong đoàn nghĩa binh của Thủ Khoa Huân hết thảy. Vì vậy nên ông quan ba định cho em làm Cai đặng em vui lòng đi kiếm những người đó rủ họ về đặng đi lính như em. Người nào có chức phận trong đoàn nghĩa binh hồi trước thì ổng cho làm Ðội hoặc làm Quan miễn là hứa tận tâm giúp binh đội của Tây đem an ninh trở lại trong làng trong xóm thì thôi.

Dần hỏi ông Ðội:

- Làm Cai được ở bên nhà em hay là phải ở bên nầy?

- Phải ở bên thành chớ. Có trại sẵn mỗi người ở một căn.

- Cha chả! Rồi nhà cửa và ghe lưới mới thì làm sao đây?

- Thì kiếm người mà bán lại cho họ, cũng như anh hồi trước vậy.

Ðến xế Ðội Tồn dắt Ðạt lên trình diện với ông quan ba. Ông phát quần áo, cho đóng lon Cai khuyên trung thành mà giúp ông cho đắc lực thì ông sẽ cho mang lon Ðội.

Thế thì đây nghĩa binh Võ Minh Ðạt của cụ Thủ Khoa Huân đã biến thành chú Cai Võ Minh Ðạt trong quân đội mã tà của nước Tây.

Trong lúc ở nhà Ông Nhiêu Võ Minh Giám, con trai của ông không kể lời nghiêm huấn, không màng cỏ cây đất nước của tổ tiên xây dựng rất dày công, nó bỏ hết đặng ra đầu giặc mà lãnh áo quần chức tước. Thằng con trai của ông bước vào đường nhơ nhuốc thúi hôi, vậy mà bà vợ ông không có một lời gián can, nàng dâu với con gái của ông cũng thuận tùng, không ngăn cản. Ông Nhiêu nằm co trong mui ghe cho Tư Ðịnh với ông Thới chèo đi. Ông thầm vái người ta chở cụ Thủ Khoa lên Sài Gòn đặng tha bổng cụ, rồi ông sẽ hiến kế liên hiệp các đoàn nghĩa binh dưới quyền thủ lãnh của cụ, chỉ dùng kế, ấy mới mong kháng chiến thành công, chớ huy động lẻ tẻ sẽ bị giặc lần lượt tiêu diệt hết.

Ghe qua tới Bến Lức phải đậu nghỉ mà chờ nước lớn. Có ghe người ta đậu nhiều. Hai người chèo lo nấu cơm. Ông Nhiêu ra trước mũi ngồi chơi. Ông nghe mấy người trong hai chiếc ghe đậu gần đó họ nói chuyện với nhau, thì là cách ít bữa trước Tây dùng tàu chiến chở binh lính xuống Nhựt Tảo vây đoàn nghĩa binh của cụ Nguyễn Trung Trực mà đánh tan hết. May cụ Nguyễn với vài chục bộ hạ thoát khỏi vòng vây rồi xuống thuyền nhỏ qua phía Tiền Giang mà ẩn núp.

Ông Nhiêu nghe tin ấy càng thêm buồn. Tháng trước cụ Thủ Khoa Huân thất bại. Tháng nầy cụ Nguyễn Trung Trực cũng bại nữa. Bây giờ chỉ có cụ Trương Công Ðịnh với cụ Thiên Hộ Dương mà một cụ cheo leo dưới mé biển, một cụ cheo leo trong đồng hoang, không liên lạc được, không tiếp ứng được, thì rồi đây cũng phải chết nữa. Dầu cụ Thủ Khoa được thả về, nếu triều đình không giúp binh lương khí giới, thì muốn cử đồ đại sự tưởng cũng không dễ gì.

Ghe đi hai ngày ba đêm mới tới Chợ Lớn, Ông Nhiêu chỉ đường cho Tư Ðịnh chèo thẳng ra Xóm Dầu. Ông lên bờ hỏi thăm nhà của ông Nhiêu Lạc là bạn cũ. Nhờ có người ta chỉ nên ông tìm được. Anh em đã cách biệt nhau vài ba mươi năm, nay gặp nhau lại thì mừng rỡ vô cùng

Ông Nhiêu Lạc nhờ vợ con giỏi nghề buôn bán nên gia tư dư dã, nhà cửa đang hoàng, bề ăn ở sung sướng. Ông hối gia dịch nấu nước sôi cho mau đặng ông chế trà ngon mà đãi khách. Lúc uống trà đàm đạo ông Lạc hỏi ông Giám lên Sài Gòn thăm nhau mà còn có việc chi nữa hay không.

Ông Giám thuật công việc của cụ Thủ Khoa cho ông Lạc nghe và nói ông lên đặng kiếm thế hỏi thăm coi Tây xử tội cụ Thủ Khoa cách nào mà chở cụ lên Sài Gòn. Ông Lạc cũng là một nhà nho, nên nghe cụ Thủ Khoa Huân cứu quê hương đất nước mà ông mang họa thì ông động lòng mời ông Giám đem hành lý lên nhà ông mà ở, rồi đợi ông đi hỏi thăm, ở trên nhà đặng anh em đàm đạo cho thỏa để ghe đậu đó mà chờ ít bữa.

Ông Giám thấy bạn thiệt tình, lại nhà cửa rộng rãi nên xuống ghe lấy áo quần, dặn ông Thới với Tư Ðịnh ở đó chờ. Ông chỉ 20 quan tiền mà biểu lấy đó mua thịt và cá mà ăn, hết gạo thì mua gạo.

Ông Lạc dắt ông Giám đi hỏi thăm cụ Thủ Khoa, đi đến 5 ngày mới gặp được người thạo việc nói cụ Thủ Khoa ở trong khám, nhưng hai ông không thể nào đi vô thăm được.

Ông Giám nghỉ ở đây hoài mà không gặp cụ Thủ Khoa được thì không ích gì, bởi vậy ông cậy ông Lạc ở trên nầy thế cho ông mà chăm nom cụ Thủ Khoa. Nếu có tin gì lạ thì viết thơ mướn người bơi xuồng xuống Tịnh Giang mà cho ông hay, tiền tổn phí ông sẽ chịu hết. Ông Lạc chịu giúp. Ông hứa chắc ông sẽ hết lòng lo cho cụ Thủ Khoa cũng như bạn lo vậy.

Ông Nhiêu Giám mới yên lòng từ giã bạn xuống ghe mà về. Bận về cũng đi một vòng quanh, tới nhiều chỗ cũng đậu chờ nước xuôi, nên cũng mất 3 ngày mới tới Tịnh Giang.

Vợ con ông Nhiêu Giám hay ông về thì hết thảy đều ra bến mà mừng ông. Thị Trâm với Thi Ðậu lo đem hành lý vô nhà, bà Nhiêu hỏi ông kiếm có gặp cụ Thủ Khoa hay không. Ông buồn nên nói cụt ngủn:

- Tôi với ông Nhiêu Lạc đi hỏi thăm đến 5 ngày mới hay chúng nhốt cụ trong khám. Mình làm sao vô đó được mà gặp cụ. Nghĩ ở trển nữa thì làm khách cho ông Nhiêu Lạc chớ không ích gì nên tôi về, ông Lạc hứa ổng sẽ chăm nom nếu có việc chi lạ ổng sẽ sai người đem thơ xuống cho tôi hay.

Ông Nhiêu không thấy Ðạt mà chừng vô nhà cũng không thấy nên ông hỏi bà:

- Thằng Ðạt đi đầu Tây rồi phải không?

- Nó đi ra ngoài Mỹ.

- Thì đi theo làm tôi mọi cho giặc rồi.

- Nó ở nhà nó sợ người ta bắt, nên phải đi câu đi lưới mà ẩn núp chớ sao.

- Bà tin dữ! Nó đi hại dân, đi bán nước chớ câu lưới gì. Ừ để thủng thẳng rồi bà coi mà. Nó muốn sống với cái danh phản quốc, chớ không chịu chết với cái danh trung nghĩa. Nó sẽ bị chúng phân thây nó cho mà coi. Nó không chịu chết mà cũng phải chết, lại chết thúi hôi, chết còn bị người ta chửi rũa.

Bà Nhiêu thấy ông giận, bà không dám bào chữa cho con nữa. Bà đi luôn xuống nhà dưới. Ông Nhiêu lên võng mà nằm. Ông dòm qua tình cảnh, ông thấy chỗ lu mờ, chỗ đen chỗ tối. Hai nhóm kháng chiến mạnh mẽ đã tiêu tan rồi. Còn hai nhóm cheo leo có thể duy trì nổi hay không? Không có súng đạn như người ta, thì chắc cũng bị người ta tiêu diệt nữa. Ðã vậy mà dân tình lại yếu ớt không được nhứt tâm nhứt trí. Trên Sài Gòn người ta đã xu hướng theo giặc nhiều rồi. Tốp theo đặng làm quan, tốp theo đặng buôn bán, tính làm giàu, không kể gì quốc gia. Thậm chí thằng con trong nhà nó cũng xu hướng đổi lòng. Thế thì còn mong gì nữa!

Kiểm điểm tình hình ông Nhiêu ứa nước mắt.


[1] năn nỉ

[2] Thủy liễu, loại cây mọc dựa bờ nước, bông trắng, trái tròn và giẹp, loại trái nhỏ là bần ổi, loại trái lớn là bần dĩa, vị chua và chát.

[3] một lần kéo lưới là một vạt

[4] một trong những loại cá lớn nhứt của sông lớn. Trọng lượng cá lớn trên 10 kg.