HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Ðỗ Nương Báo Oán
Chương I I - BA GIỒNG ANH-KIỆT

Vùng Nam-Việt mà hồi trước người ta gọi là Gia-Định, phía Tây nằm nhằm vàm sông Cửu-Long. Vì đất thấp-thỏi, sình lầy nên nước sông Cửu-Long từ trên nguồn đổ xuống tới đây thì tràn ngập, rồi phải quanh-co theo chỗ thấp để tìm đường mà chạy ra biển.

Tại địa-thế như vậy nên sông Cửu-Long tới đây mới phân ra hai ngả chánh: Tiền-Giang và Hậu-Giang. Mỗi ngã còn kềm vô số rạch ngòi, lớn nhỏ chung nhau rút nhau đưa ra Nam-Hải.

Tuy miền Tây xứ Nam-Việt đất sình lầy song có nhiều chỗ ở giữa đồng thấp-thỏi đó rải-rác lại nổi lên mấy giồng cát cao-ráo không bao giờ nước ngập tới. Vì vậy nên xưa nay nhơn-dân thường tụ-tập cất nhà trên mấy giồng thành thử giồng nào cũng trù-mật, đông-đảo thạnh-vượng.

Trong tỉnh Mỹ-Tho bây giờ hai phía có giồng:

1)-phía Tân-Hiệp;

2)-phía Bình-Đại.

Phía Tân-Hiệp gồm tới ba cái giồng nằm gần nhau. Ấy là gịồng Trấn-Định tại Tân-Hiệp Củ-Chi, giồng Cánh-Én nằm tại ranh tỉnh Tân-An, giồng Thuộc-Nhiêu nằm dài theo qnan-lộ Trung-Lương xuống Cai-Lậy.

Trong đất Nam-Việt, các giồng đều có dân-cư đông. Vì vậy nên mỗi giồng đều có sự tích riêng, lại nảy sanh một vài nhơn-vật có danh nêu vào lịch-sử trong khoảng hai thế-kỷ sau nầy.

Mà giồng nào cũng không có danh bằng ba cái giồng nầy. Sử có ghi chép ba giồng nầy gọi là vùng „Tam Phụ”. Thường nhơn nói nôm-na thì gọi là xứ “Ba Giồng”.

Nhơn-dân Ba Giồng bình thường thì già trẻ đều cậm-cụi làm ruộng làm rẫy, song họ âm-thầm ung-đúc một hào-khí mạnh-mẽ vô cùng, Hằng ngày họ ngó ra cánh đồng Tháp Mười tịch-mịch minh-mông nằm phía sau giồng rồi họ rèn tập chí-hướng cũng viễn-vông quảng-đại như quaug-cảnh họ quen thấy đó.

Trong lúc quan Lưu-Thú Long-Hồ là Tống-Phước-Hiệp gom binh tuyển tướng đi bình loạn Tây-Sơn thì ở giồng Thuộc-Nhiêu có một người tên là Đỗ-Thanh-Nhân giàu-có rân-rát hơn hết trong vùng. Người học văn vừa đủ dùng, nhưng võ-nghệ thì có danh lắm.

Năm nầy Thanh-Nhân mới có 42 tuổi, khí-lực cường-tráng, tánh nết thẳng ngay, dám nói dám làm, không kiêng không vị. Vợ hiền mới mất cách hai năm trước, để lại cho người một đứa con gái tên là Đỗ-Thanh-Xuân, năm nay mới 17 tuổi, nhưng mà hình vóc cao-lớn vậm-vỡ, dường như gái 20 tuổi.

Thanh-Xuân giống cha, tiếng nói rổn rảng, bộ đi gọn-gàng, tâm-chí cang-cường, tánh ý cương-quyết. Tuy là phận gái song ít ưa vá may nấu nướng, lại ham tập cung kiếm, đao thương, chơi thì thích chạy nhảy nhậm lẹ như con trai, làm thì chịu xốc vác mạnh-mẽ như người lớn.

Thanh-Nhân không có con trai mà dòm thấy tâm-chí với tánh-tình của Thanh-Xuân như vậy thì trong bụng mừng thầm. Người nghĩ trai hay gái cũng vậy, miễn có tài có chí là hơn, bởi vậy khi Thanh-Xuân được 15 tuổi rồi thì người bắt đầu dạy con tập võ-nghệ, tập côn, tập quyền, tập cung, tập kiếm, tập đủ ban hết. Đến nay Thanh Xuân giỏi nhứt là cái tài bắn tên với tài phi kiếm không ai bì kịp.

Từ khi Thanh-Nhân thất ngẫu, người buồn nên thường hay giao du đặng khuây lãng. Người giao trâu bò, ruộng rẫy cho gia-dịch chăm nom.

Người khuyên con ở nhà cứ luyện tập võ-nghệ hằng ngày, khi thì lên Biên-Trấn, khi thì qua Long-Hồ kiếm người có tài có chí mà kết bạn. Mỗi lần người đi chơi, người vắng mặt đến cả tháng. Mà hễ trở về thì người thường rước về đôi ba người bạn để cùng nhau, hoặc bàn luận cổ kim, hoặc tập duyệt võ-nghệ.

Thanh-Nhân có sẵn cơm tiền nên quen tánh hào phóng. Trong vùng Ba Giồng ai bị hoạn-nạn nếu người hay thì nguời giúp đỡ luôn luôn. Còn những người nào lớn tuổi thông hiểu việc đời thì người hay mời đến nhà đãi ăn uống đặng đàm-luận chơi cho rộng thêm kiến-thức. Cách cư xử của người như vậy khiến cho mọi người trong xứ Ba Giồng, từ già chí trẻ ai cũng cảm mến.

Lần nầy Thanh-Nhân đi chơi bên Long-Hồ về nhà, người có rước về hai người khách. Ấy là ông Nhiêu-học Trần-Minh-Giám, một nhà nho-học lỗi-lạc tuổi đã 60 mà trí vẫn còn sáng-suốt, với cậu Lê-Văn-Quân, một võ-sĩ mạnh-mẽ, tuổi lối 40, máu nóng đương đầy đủ.

Thanh-Xuân hay cha về vội-vã ra cửa tiếp mừng. Thanh-Nhân giới-thiệu con cho hai ông khách biết rồi kêu gia-dịch biểu làm vịt làm gà mà đãi khách.

Trong lúc chủ khách ngồi ăn cơm chiều thì Thanh-Xuân ra vô chăm-nom mà nhắc người nhà rội thịt[1] và châm rượu. Thanh-Nhân kêu con lại mà nói: “Con đã trộng tuổi rồi, võ thì con đã lão luyện được vài nghề, còn văn thì con chưa hề biết tới. Vì vậy nên cha rước ông Nhiêu về đây đặng dạy cho con biết sử kinh, biết đạo làm người đối với cha mẹ, với anh em, với vua chúa, với thầy bạn, với đất nước, với quần-chúng. Vậy con phải bái ông Nhiêu đây và kỉnh ông là bực sư-phụ của con. Kể từ ngày mai ông sẽ bắt đầu dạy con học chữ. Con phải cố-gắng chẳng nên tưởng văn nhu-nhược mà chê bai. Làm tướng, dầu nam dầu nữ cũng vậy, có võ mà cũng phải có văn đặng gồm đủ cang nhu mới khỏi thiếu sót, chớ có võ mà không có văn thì hay bạo-ngược, còn có văn mà không có võ thì thường yếu-ớt”.

Thanh-Xuân bái ông Nhiêu Giám.

Thanh-Nhân nói tiếp: “Còn anh Lê-Văn-Quân đây cha rước anh về đặng coi nếu có thể được thì anh chỉ giùm cho các anh trai trẻ trong vùng luyện tập võ-nghệ. Con phải kính theo hàng thúc-bá. Sáng mai con dượt võ thử cho anh xem đặng có chỗ nào sơ-siển thì anh chỉ giùm cho con”.

Thanh-Xuân cũng bái Lê-Văn-Quân y theo lời cha dạy.

Ăn cơm rồi chủ khách mới bàn tới thời-cuộc. Theo tin-tức lóng nghe bên Long-Hồ thì cả ba người đều hay bọn Nguyễn-Nhạc khởi binh Tây-Sơn đánh lấy thành Qui-Nhơn rồi thừa thắng chúng hoành-hành cả một vùng từ Bình-Thuận ra Quảng-Ngãi. Còn phía Bắc thì binh tướng của Chúa Trịnh đã xâm phạm đất Bố-Chánh (Quảng-Bình) và đương hăm-dọa kinh-thành Thuận-Hóa. Ông Tống-Phước-Hiệp tom góp binh các trấn trong Gia-Định được hơn 5.000 người đã khởi-hành gần nửa tháng rồi, quyết ra đàng ngoài dẹp loạn Tây-Sơn và nếu Triều-đình cần dùng thì sẽ đi thẳng ra Phú-Xuân tiếp viện với binh Triều mà đánh với Chúa Trịnh.

Thanh-Nhân cũng như hai người khách chỉ nghe có bấy nhiêu đó mà thôi, chớ chưa hay Chúa Nguyễn đã bỏ ngôi mà vào Quảng-Nam với cung quyến, và binh tướng Trịnh đã chiếm kinh-thành Phú-Xuân rồi.

Tuy vậy mà nhắc tin-tức được nghe đó rồi thì Thanh-Nhân nói: “Đường từ Huế vô đây xa-xôi cách trở. Tin-tức mình nghe đó có lẽ đã cũ cả tháng rồi. Hiện nay tình-hình thế nào mình không thể biết được. Theo ý tôi thì tôi sợ e tình-hình càng thêm nguy-ngập chớ không thể êm-dịu đâu. Tôi sợ nguy-ngập là vì tôi nghĩ từ Quảng-Ngãi vô Bình-Thuận chỗ nào cũng có quan quân trấn-thủ. Tại sao bọn Tây-Sơn chiếm được hết cả vùng như vậy? Có lẽ binh Tây-Sơn đông và mạnh hơn binh trấn-thủ bội phần, chúng nó đã phá tan binh triều rồi, nên chúng nó mới hoành hành, đoạt thành, chiếm đất được. Nếu thiệt thế lực của Tây-sơn mạnh-mẽ như vậy thì chắc gì quan Lưu-Thú của mình với 5.000 sĩ-tốt mà thắng Tây-Sơn cho nổi”.

Lê-Văn-Quân nói: “Việc đó tôi hiệp ý với anh. Tôi cũng sợ binh của mình ra đánh đàng ngoài khó thành-công được”.

Ông Nhiêu Giám nói: “Hai chú trẻ tuổi mà sao hai chú lại nhút-nhát quá vậy ? Phàm đánh giặc mà thắng được là nhờ chiến-lược của tướng chỉ-huy, nhứt là nhờ tinh-thần chiến-đấu của binh-sĩ chớ đâu phải nhờ binh đông. Huống chi binh Tây-Sơn là binh ô hợp, còn binh của Triều-đình là binh có huấn-luyện, có kỷ-luật. Huống chi Tống Lưu-Thú là người lão-thông binh-pháp, ngài cầm binh thì vững-vàng, hai chú khỏi lo thất-bại”.

Quân lắc đầu cãi lại:

-     Chúng tôi lo-ngại không phải vô cớ đâu ông Nhiêu. Binh Gia-Định lão rồi, lại mấy năm nay ăn chơi không có ra trận, tôi sợ tinh-thần chiến-dấu mất hết. Hơn nữa, phải kéo đi đường bộ ra tới đàng ngoài, tướng-sĩ đều mỏi-mệt. Dầu quan Lưu-Thú có giỏi cho mấy đi nữa, dùng binh mệt mà đánh với binh khỏe chắc gì mà thắng được.

-     Kéo binh đi đường xa có lẽ quan Lưu-Thú biết phép mà dưỡng sức cho sĩ-tốt chớ. Trời mát thì đi, trời nắng với ban đêm thì cho nghỉ, mỗi ngày đi một khoảng đường vừa sức vậy thôi. Đi đúng theo binh-pháp dạy thì tướng-sĩ có mệt mỏi đâu.

-     Còn lương-thực nữa, làm sao mà tiếp-tế cho đầy đủ ?

-     Cầm binh tự nhiên phải tổ-chức cơm gạo và thuốc men cho sĩ-tốt trước rồi chớ. Có lẽ trước khi khởi-hành, quan Lưu-Thú đã có sắp đặt cho thuyền chở cơm gạo, mắm muối ra Phước-Hải, Cù-My mà chực sẵn để tiếp-tế dọc đường cho binh-lính khỏi đói chớ. Làm tướng mà không biết lo quân-nhu với quân-y thì ai dám giao binh-đội cho mình chỉ-huy.

Thanh-Nhân đợi hai người bàn cãi với nhau xong rồi, người mới chen vô mà hỏi: “Ví như binh Tây-Sơn thừa thắng kéo ra chiếm luôn Quảng-Nam rồi chận đèo Hải-Vân, còn phía ngoài thì binh Trịnh vào tới Thuận-Hóa, hai đầu đánh dồn lại, gặp trường-hợp như vậy Chúa Nguyễn với Triều-đình làm sao mà thoát thân ?”.

Ông Nhiêu Giám đáp:

-     Còn đường biển.

-     Triều-đình có thủy-quân hay không ?

-     Chắc phải có chớ.

-     Ví như Chúa Trịnh hoặc bọn Tây-Sơn có thủy-quân họ chận đường thì làm sao ?

-     Thì đánh.

-     Dầu chiến-thắng đi nữa, rồi đi đâu? Từ Quảng-Ngãi trở về, Tây-Sơn đã chiếm hết rồi.

-     Vô thẳng trong nầy đặng nhờ đạo binh của Tống Lưu-Thú tiếp-ứng.

Thanh-Nhân ngồì suy-nghĩ một hồi rồi mới nói:

-     Tôi thấy nguy… Nguy to. Mà tôi sợ rồi đây đất Gia-Định của mình cũng không yên được. Ví như Chúa Trịnh cậy oai-quyền của vua Nhà Lê mà chiêu-dụ bọn Tây-Sơn, binh trong với binh ngoài liên-hiệp mà đánh ép lại. Chúa Nguyễn chỉ còn cái nước cờ vào đất Gia-Định rồi nhứt diện chiêu binh mộ tướng tổ-chức cuộc phòng-thủ đàng trong, nhứt diện lập kế làm cho Tây-Sơn với chúa Trịnh nghịch nhau, đánh nhau đặng hai đàng đều giảm sức rồi mình thừa cơ đem binh tinh-nhuệ trở ra đàng ngoài mà khắc-phục Thuận-Hóa. Nước cờ đã nguy lắm rồi. Tôi thấy bây giờ chỉ còn cái nước xuất tướng và bền chí săn-sóc mấy con chốt rồi lần lượt ủi nó tới mà phá bên địch thì mới có thể giải nguy được.

Ông Nhiêu Giám với Lê-Văn-Quân đồng khen Thanh-Nhân có mưu-lược, có khiếu đại-Thần, có tài an dân giúp nước.

Được khen, Thanh-Nhân đắc chí mới nói tiếp: “Đó là việc tôi đoán thử nghe chơi. Có chi chắc-chắn đâu mà hai ông khen. Nhưng mà có một điều tôi dám nói quả-quyết là mặc dầu thời-cuộc day trở thế nào, vùng Gia-Định nầy cũng không an-ổn được. Ví như Chúa Nguyễn thất Thuận-Hóa chạy vào đây hiệu-triệu dân chúng cần-vương và tổ-chức lực-lượng để nghinh địch, chúng ta là phận râu mày lại ông cha ta nhờ nhà Nguyển mà khai-thác được đất Gia-Định, không lẽ chúng ta đành khoanh tay ngồi ngó để cho Chúa ta phải tiêu-vong. Ví như mạng Trời khiến Tây-Sơn hoặc Chúa Trịnh dứt nhà Nguyễn thì chúng ta chọn người tài đức của ta mà phò rồi mượn cớ báo thù cho chúa Nguyễn mà phấn khởi hào-khí của muôn dân: tổ-chức cơ-sở tự-trị cho đất Gia-Định. Chúng ta phải làm sao mà gìn-giữ đất nước của ông cha ta đã dày công khai-thác, chớ không lẽ chúng ta cúi đầu cong lưng bái phục chúa Trịnh hay là Tây-Sơn và đem dâng cho họ hưởng sự-nghiệp của ông cha ta xây-dựng. Không thể được… Không bao giờ tôi chịu cái thói rày đây mai đó. Tôi thậm ghét cái thứ chong-chóng tùy theo chiều gió mà quây. Thà là tôi xưng vương trong đất Gia-Định, rồi tôi chinh phạt Tây-Sơn với họ Trịnh, chớ tôi không chịu yểm cựu nghinh tân. Dầu họ có ban quyền cao tước trọng mà dụ tôi đi nữa, tôi cũng không thèm. Tôi nói thiệt, thà đánh với kẻ thù mà chết, chớ tôi không chịu phản chủ đặng sống”.

Ông Nhiêu Giám cười mà nói: “Chú nầy nuôi chí hướng vĩ-đại quá. Mà nghĩ cũng phải, nếu loạn-ly không còn tôi chúa gì nữa, thì ai cũng như nấy, ai mạnh thì hơn. Nếu mình có tài có đức mình đánh dẹp được cái lũ kiến chòm ong thì mình làm vua, can gì phải phục-tùng kẻ khác”.

Thanh-Nhân nói: “Nếu muốn mưu đại-sự cần phải đắc nhơn-tâm. Vậy để tôi dọ ý người trong vùng nầy coi họ nghĩ thế nào, rồi mình sẽ liệu lượng. Đất Ba Giồng dân-cư đông-đảo, hạng người cường-tráng từ 20 tới 40 tuổi, kể cũng quá 500. Nếu số người hiệp ý đồng-tâm với mình, thì mình huấn luyện mà gây thành một lực-lượng, tuy không mạnh lắm, song cũng đủ cho mình bắt đầu hoạt-động rồi lần lần bành trướng ra cho lớn được. Bữa nay mùng 10, để tôi viết tờ rồi sai người đi khắp ba cái giồng mời mấy ông trí-thức với hết thảy anh em cường-tráng buổi chiều rằm tựu lại nhà tôi ăn uống một bữa và luôn dịp bàn luận mà quyết-định thái-độ để đối-phó với thời-cuộc. Tôi sẽ làm trâu làm bò mà đãi anh em một bữa đăng nói chuyện chơi. Tôi mời chắc anh em không nỡ từ”.

Thanh-Nhân biểu gia-dịch dọn chỗ cho khách nghỉ rồi cậm-cụi ngồi viết tờ mời dự tiệc, viết luôn ba bổn đặng để cho mỗi giồng một bổn.

Sáng bữa sau, Thanh-Nhân cho kêu ba người trộng tuổi ở trong xóm lại giao cho mỗi người một tờ mời tiệc bữa rằm, dặn mỗi người đi một giồng trình tờ cho mấy ông chủ xóm xem và cậy mấy ông truyền giùm lời mời lại cho hạng trí-thức với hạng cường-tráng nhớ ngày rằm đến ăn uống rồi chung lo việc nước.

Ba người lãnh tờ đi rồi, Thanh-Nhân kêu con thay y-phục ra võ-trường tập-dượt cho khách xem.

Thanh-Xuân vưng lời cha, mặc áo chẹt quần vắn, vác cung thương đao kiếm ra võ-trường, tướng-mạo dạn-dĩ mạnh-mẽ, không sụt-sè ái-ngại chi hết.

Lê-Văn-Quân với ông Nhiêu Giám ra võ-trường thấy một cái sân bằng phẳng, rộng lớn minh-mông, dầu năm bảy trăm ngươi tựu lại đó cũng không chật. Hai người trầm-trồ khen ngợi Thanh-Nhân khéo sắp-đặt võ-trường để duyệt binh-đội cũng được, chớ không phải để tập võ-nghệ mà thôi.

Thanh-Xuân ra dượt một đường quyền rồi tiếp đi luôn một đường roi không có chỗ nào cho Lê-Văn-Quân chê được. Đi thêm một đường song kiếm nữa, bộ Thanh-Xuân chẳng khác nào như phụng múa, tấn thối lẹ-làng như chớp nháng, lưỡi kiếm lại qua vùn-vụt không thấy kịp. Chừng gần rồi vừa múa vừa phóng liên-tiếp hai ngọn kiếm vào cái bia dựng xa hơn 100 thước thì hai cây kiếm đều ghim ngay hường tâm hết cả hai.

Lê-Văn-Quân và ông Nhiêu Giám khen nức-nở, khen tài con rồi khen cha khéo tập rèn.

Thanh-Nhân biểu con dượt bắn luôn. Thanh-Xuân cầm cây cung với 5 mũi tên. Thanh-Nhân chỉ cây chuối cách xa lối 300 thước biểu con dượt bắn luôn. Thanh-Xuân không cần đứng mà nhắm, cứ đi qua đi lại hễ đứng lại thì ráp tên bắn liền, mà cả 5 cây tên đều ghim vào mình cây chuối không trật một phát nào hết.

Lê-Văn-Quân thất kinh bước lại khen Thanh-Xuân: “Tài của nương-nương đáng làm thầy thiên-hạ. Võ-nghệ như vầy thì còn ai dám xưng thầy cho nương-nương thọ giáo”.

Mấy bữa rồi Lê-Văn-Quân gặp Thanh-Nhân, nói chuyện cùng nhau thì biết Nhân là một võ-sĩ, nhưng không hiểu tài-nghệ đến bực nào. Nay thấy tài của Thanh-Xuân rồi mới biết Thanh-Nhân không phải là tay tầm thường, bởi vậy anh ta kiêng nể cả cha con, không dám khoe võ-nghệ nữa.

Thanh-Nhân hiểu ý nên không mời Quân tập dượt, muốn để êm đặng sau cậy Quân thay thế mà tập võ cho hạng thanh-niên trong giồng.

Buổi chiều ông Nhiêu Giám bắt đầu dạy Thanh-Xuân học chữ.

Ba người cầm tờ đi mời dự tiệc lần-lượt trở về nói rằng các ông chủ xóm đều hứa sẽ điểm mục mà chuyển đạt lời mời và chắc bữa rằm hết thảy đều đến không ai từ chối.



[1] Cho thêm thịt