HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Ðoạn tình
Chương 11

Ngày lụn tháng qua, trót hơn một năm rồi cô Vân không dám lên Sài Gòn, vì sợ gặp mặt cô Hòa thì phải thẹn lòng hổ mặt, nhứt là sợ gặp Thuần, rồi Thuần khêu gợi lửa tình phừng lên lần nữa, mà sanh chuyện lôi thôi. Cô cứ xẩn bẩn ở nhà, hằng ngày chăm lo thờ mẹ đặng phôi pha cái vết thương tâm, canh khuya cô buồn thì mượn thú cầm thi mà nâng cao tình tứ.

Tuy những lời than thở của Thuần hôm nọ nó còn văng vẳng bên tai cô hoài, tuy cái cảnh dan díu với Thuần vẫn cũng còn phảng phất trong trí cô hoài, nhưng từ ngày đoạn tình đặng cách biệt nhau, Thuần đã không gởi thơ lại cũng không làm cách gì để tỏ ý thấy mặt cô nữa.

Hôm tháng trước, nhân dịp ăn thôi nôi cho bé Hảo, cô Hòa có gởi thơ mời và trong thơ có trách cô Vân về sự lạt lẽo tình chị em, không chịu lên chơi nữa. Cô Vân hồi âm, trong thơ cô mượn cớ bận việc nhà nên không thể đi được.

Ðoạn tình đặng chống vững gia đình cho Thuần là người yêu, đoạn tình đặng giữ vẹn danh dự cho mình là gái có học thức. Nhớ tới hai ý nghĩa cao thượng ấy, thì cô Vân thường đắc chí thoả lòng, mừng thầm đã tránh khỏi nhuốc nhơ, mà lại còn làm được một việc đại nghĩa. Bây giờ tâm hồn cô Vân an ổn bình tĩnh, tâm hồn ấy phát ra làm cho giọng đờn của cô trong veo, làm cho câu văn của cô thanh nhã.

Một buổi chiều cô thấy trời trong gió mát, cô mới bước ra hàng ba[1] rồi nằm trên ghế xích đu dựa cửa nhà ngó ra sân. Chim bay về ổ kêu nhau chéo chét; gió thổi đầu nhành lay lá phất phơ. Mặt trời chen lặn nhuộm mấy cụm cây ở hướng tây ra màu hồng hồng, ao sen nước đầy, đưa những đoá hoa lên trên cao nên coi lố xố.

Cô Vân nằm ngắm cảnh rồi động tình. Cô vô trong nhà lấy cây đờn kìm ôm ra, rồi nằm mà đờn khúc "Ðoạn tình", là khúc cô đặt ra trong đêm trước. Cô vừa đờn vừa ngâm nho nhỏ như cô không muốn cho người khác nghe. Khúc đoạn tình cô ngâm như vầy:

Biển ái vừa xao động,

Giựt mình em đoạn tình,

Kiếp trần dầu giấc mộng,

Em khỏi thẹn gương trinh.

Biển ái vừa xao động,

Dằn lòng anh đoạn tình,

Dần dần im lượn sóng,

Anh chống vững gia đình.

Gia đình, danh dự đều tròn,

Tâm hồn thơ thái, nước non rõ ràng,

Tiếng ngâm với giọng đờn to nhỏ,

Xét lòng em rất vui lòng.

Cô Vân ngâm vừa tới đó, thì có người trạm làng thường bữa đi phát thơ, bước lên thềm mà trao cho cô một tờ nhựt báo với một phong thơ lớn và nặng. Cô tỏ lời cám ơn, miệng chúm chím cười rất hữu duyên.

Người trạm xây lưng trở xuống sân, vừa đi vừa nói:

- Bữa nay ai gởi thơ cho cô mà dán cò nhiều dữ.

- Thơ nặng nên phải dán cò nhiều chớ sao.

Người trạm nói tự nhiên, chớ không có ý muốn biết thơ của ai làm chi. Cô Vân cũng đáp tự nhiên, cô chưa hiểu thơ của ai, và thơ nói chuyện gì mà viết nhiều, nên nặng quá lệ thường như vậy. Người trạm đi rồi, cô liền dựng cây đờn dựa cánh cửa rồi cầm bao thơ mà coi. Cô thấy tuồng chữ đề bao, lại thấy con dấu đóng trên cò là con dấu của nhà thơ Sài Gòn, thì cô nghiêm sắc mặt, nghi trong lòng, nên thủng thẳng mở bao thơ rất kỹ lưỡng.

Trong bao có một bức thơ viết dày hai trương giấy với một tập giấy nhỏ đóng bìa đẹp đẽ bằng giấy màu khói nhang. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối, nhưng mà cô xem bức thơ thì thấy rõ ràng chữ Thuần viết và ký tên, còn tập giấy nhỏ thì ngoài bìa đề bốn chữ "Ðoạn tình nhựt ký".

Cô chau mày ngẫm nghĩ. Có lẽ cô nghi bức thơ và tập nhựt ký nầy có chứa nhiều câu chuyện làm mất sự an ổn bình tĩnh của cô hay sao, nên cô suy nghĩ rồi xếp mà đút hết vô bao lại, cô không chịu đọc. Cô để bao ấy trong lòng rồi cô với lấy cây đờn mà đờn nữa, đờn đặng quên bớt lo lắng.

Trời tối, trong nhà đốt đèn đã lâu rồi mà cô cứ nằm hoài. Bà chủ Hào, là mẹ cô Vân, bước ra hỏi:

- Bửa nay trạm đã phát nhựt trình rồi hay chưa? Sao con không đọc cho má nghe?

Chừng ấy cô Vân mới chịu thôi đờn và lấy cái bao thơ với tờ nhựt trình mà đi vô nhà.

Dựa cửa sổ bên tay trái có lót một bộ ván cẩm lai[2], trước bộ ván có cái ghế ghi[3] để trầu nước cho bà chủ dùng. Ban ngày bà chủ thường ngồi tại đó; ban đêm bà chủ cũng nằm tại đó mà nghe con đọc nhựt trình hay là đọc truyện.

Cô Vân đi thẳng vào phòng riêng của cô mà để cái bao thơ trên bàn viết rồi cầm tờ nhựt báo trở ra. Thấy mẹ nằm sẵn trên bộ ván cẩm lai, lại cũng có sẵn cái đèn trên ghế nghi, cô mới đi lại đó ngồi đọc nhựt trình cho mẹ nghe.

Bà chủ chưa được 50 tuổi, sức còn khoẻ mạnh, tóc còn đen huyền. Bà nằm nghe con đọc, mắt ngó con mặt vui vẻ ôn hòa, bộ không lo buồn về việc gì hết.

Cô Vân đọc hết mục thời sự rồi qua tiểu thuyết. Bà chủ thấy con đọc mà trí dường như lo ra, bà tưởng con mệt, nên biểu thôi, để sáng mai sẽ đọc tiếp. Bà uống nước rồi bà đi vô phòng mà nghỉ. Cô Vân kêu người ở đóng cửa rồi cô bưng cái đèn đem vô phòng riêng của cô mà để trên bàn viết. Thấy phong thơ cô cầm lên đưa gần đèn mà xem ngoài bao thơ nữa. Xem bao mà cô không chịu mở ra mà đọc thơ, cô bỏ lại trên bàn, vặn đèn lu lu, rồi qua giường nằm, gác tay qua trán, cặp mắt lim dim.

Bây giờ trong nhà vắng teo. Chỉ ngoài đường có tiếng dế gáy réo rắt, và đàng xóm có tiếng chó sủa xa xa mà thôi. Cô Vân trong trí bứt rứt khó chịu, bởi vậy cô nằm một hồi rồi cô vụt đứng dậy đi lại bàn viết ngồi vặn đèn sáng loà và mạnh dạn rút bứt thơ và tập nhựt ký trong bao kính thơ ra.

Cô xem bước thơ trước, thơ viết như vầy:

Cô Vân ôi!

Bức thơ nầy tới tay cô thì tôi xa cách quê hương đã ngàn dặm rồi, dầu cô có tội nghiệp cho gia đình của tôi, hay là cô có lo sợ về bước phiêu lưu của tôi, cô cũng không biết làm sao mà cản đường tôi được.

Tại sao mà tôi phải bỏ vợ con lìa xứ sở?

Tâm sự của tôi dài lắm, khó viết ra cho hết được.

Từ ngày đôi ta quyết định phải phân ly đặng bảo toàn danh dự, chống vững

gia đình, thì tôi liền mở một tập "Ðoạn tình nhựt ký" để ghi chép niềm riêng của tôi, khi nào trong lòng tôi cảm xúc. Nay tôi gởi tập ấy lại đây cho cô. Cô xem rồi thì cô sẽ thấu hiểu tâm hồn của tôi trong khoảng một năm nay, mà cô cũng sẽ rõ biết tại cớ nào tôi đoạn tình đoạn nghĩa.

Cô Vân ôi, đêm nọ cô vừa lăm le hạnh phúc cho tôi thấy rồi cô liền lấy lại mà khuyên tôi hai điều: 1. Phải trọng danh dự. 2. Phải yêu gia đình. Tuy tôi đau đớn lung lắm, nhưng vì tôi trọng cô, tôi yêu cô quá nên tôi phải ép lòng mà vâng lời cô liền.

Danh dự thì tôi đã lo tròn, giữ cho cô, mà cũng giữ cho tôi nữa.

Còn gia đình.... Là cái gốc của xã hội, là mục đích của luân lý, là cái tôi kính trọng từ lúc còn thơ ngây mà cũng là cái tôi đã phí nhiều công phu mới gây dựng ra được, có lẽ nào tôi lại đành xô cho nó sập ngã. Ngặt vì cảnh gia đình của tôi nó nghịch tình nghịch ý thái quá, tôi ráng đã hết sức rồi, không còn thể giữ gìn cho vững chắc nữa được, bởi vậy tôi phải chịu thất ước với cô. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi. Tôi đã xét kỹ rồi, tôi không làm theo lời cô khuyên được, chẳng phải là lỗi tại nơi tôi, mà chính là tại người bạn nội trợ của tôi, thiếu gia đình giáo dục, không biết đạo làm vợ, nên đã không làm cho tôi hưởng hạnh phúc mà, lại còn làm cho tôi phải chịu phiền não đêm ngày.

Ðêm đôi ta đàm luận với nhau ngoài mé biển, cô đã công nhận phụ nữ của nước ta phần nhiều thiếu gia đình giáo dục, rồi cô tỏ ý muốn lập nhà trường chuyên dạy về khoa ấy, dạy cho nhi nữ Việt Nam biết đạo làm vợ, biết đạo làm mẹ, đặng chừng xuất giá thì có đủ tài đủ đức mà xây dựng nền hạnh phúc cho gia đình, làm cho gia đình vững bền, vui vẻ. Tôi ước trông cô đừng đổi cái hảo ý ấy, cô ráng thực hiện các lý tưởng mà cô đã bày tỏ với tôi năm ngoái, được như vậy thì sau nầy gia đình nhờ lắm, xã hội nhờ nhiều.
Thôi, tôi viết mấy hàng nầy để lại cho cô, gọi là lễ từ biệt nhau, từ biệt mà trong trí tôi chẳng bao giờ quên hình dạng cô, chẳng bao giờ hết kính mến cô, là bạn tri âm tri kỷ trăm năm của tôi.

Thuần kính thơ.


Ban đêm trời mát, nhưng mà cô Vân đọc thơ rồi thì cô toát mồ hôi.

Gia đình của anh Thuần đã tan nát rồi! Anh Thuần đi đâu? Chị Hòa liệu thế nào? Hai đứa nhỏ ra làm sao? Ấy là mấy câu cô Vân tự hỏi thầm trong trí, hỏi mà không đáp ứng[4], chỉ nhìn ngọn đèn, nước mắt chảy ròng ròng.

Theo lời nói trong thơ, thì tại vợ chồng không đồng tâm hiệp ý, nên gia đình mới tan rã. Nhưng mà vợ chồng ở với nhau đã năm, sáu năm, đã có hai mặt con, vì cớ gì anh Thuần đành đoạn tình chồng vợ, đành dứt nghĩa cha con như vậy? Cô Vân suy nghĩ rồi muốn biết cái duyên cớ ấy nên cô lau nước mắt và dở tập "Ðoạn tình nhựt ký" của Thuần ra mà đọc:

Ðoạn Tình Nhựt Ký

10. Mars- Mấy bữa trước lượn sóng tình dồn dập ầm ầm, nung nấu trong tâm can tôi, nó làm cho tôi nằm hay ngồi cũng cứ bâng khuâng tư lự, khó chịu hết sức.
Ðêm hôm qua, chịu không được nữa, tôi mới mổ phứt nhọt[5] kín ấy cho rồi. May quá! Nhờ cô Vân có diệu thuật, cô sẵn có thuốc để trị bịnh tình của tôi, cô liền đâm nhỏ hai hoàn linh dược mà rắc vào cái vết thương tâm của tôi. Hai hoàn linh dược ấy cô đặt hiệu một hoàn là "gia đình", một hoàn là "danh dự".

Thuốc thiệt là hay! thuốc rắc rối, tuy vết thương tâm chưa lành liền được, song sự đau đớn đã tiêu hết. Bữa nay lòng tôi an tĩnh, trí tôi thơ thái vô cùng, ngó vợ biết vui nhìn con biết cảm.

Gia đình!... Danh dự!...

Sống trong cái đời thiên hạ đều trọng kim tiền hơn luân lý, đều ham sự vui sướng hơn mùi đạo đức. Sống trong cái buổi thiên hạ đều lo tranh đấu mà đoạt cho được kim tiền, để mua sự vui sướng, giày đạp hết thảy đạo đức luân lý dưới chân. Thấy đời như vậy, tôi chán ngán quá, tính kiếm chỗ mà trốn, đặng khỏi nghe những việc trái tai khỏi gặp những điều gai mắt. Tôi suy nghĩ kỹ lưỡng rồi, tôi nhứt định gây dựng gia đình để vui với vợ con mà dẹp mối buồn riêng. Lập cuộc thương mại để hội trí đặng hết nhớ các việc nào khác.

Ái tình quý báu gì, hay ho gì mà say mê, để nó dắt đường cho mình đi, rồi nó làm mình gần phải sa ngả!

Tiết trinh với trung tính là hai đức lớn của đàn bà con gái. Phụ nữ mà thiếu hai đức ấy thì chẳng có giá trị gì hết. Cô Vân biết giữ tiết trinh của cô, biết giữ trung tín với bạn, rõ ràng cô là gái cao thượng.

Hôm qua cô lấy lời chánh đáng mà khuyên tôi. Tôi chịu nghe theo, thiệt là may lắm. Nếu tôi để ái tình bừng lên; nó chà đạp đạo nghĩa, thì thấp hèn hơn cô Vân nhiều lắm vậy.

Tôi rất cám ơn cô Vân vạch dùm con mắt cho tôi thấy đường phải mà đi. Mà tôi cũng mừng cho tôi biết dừng trước, khỏi lạc vào nẻo quấy.

Từ rày tôi chẳng dám quên cô Vân, tôi phải nhớ cô luôn luôn, nhớ đặng kính đức của cô, nhớ đặng vững chí của tôi.

15 Avril- Hồi chiều tôi ngồi dưới bóng cây xoài lớn mà ngắm xem kỳ hoa đua nở trong vườn. Ngọn gió hiu hiu, mùi hoa ngào ngạt, làm cho tôi cảm xúc. Tôi nhớ hồi năm ngoái, cũng một buổi chiều như vậy, tôi ngồi nói chuyện với cô Vân tại vườn hoa nầy. Những lời cô khuyên tôi phải đổi tánh ý đặng vợ chồng hòa thuận, vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Giọng cô nói nó thanh cao làm sao, dáng cô ngồi nó đẹp đẽ biết chừng nào, bây giờ tôi tưởng tượng lại mà trong lòng tôi vui vẻ vô cùng.

Tôi đương sung sướng cảnh hoa thơm gió mát, tôi đương suy niệm câu ý vị cao thâm, rồi tâm hồn tôi mê mẩn dường như thoát khỏi cõi trần. Vợ tôi ở trong nhà đi ra hồi nào tôi cũng không hay, thình lình kêu tôi mà nói lớn: „Mình! Cơm dọn rồi nãy giờ, sao không chịu vô mà ăn, để nguội lạnh hết„. Mấy lời ấy làm tôi giựt mình, rồi giấc mộng khoái lạc của tôi vỡ tan... Cô Vân biến mất... Uổng hết sức!

2. Mai.- Bữa nay chúa nhựt, tôi ở nhà.

Trí rảnh rang, rồi sinh buồn bực khó chịu quá.

Hồi chiều tôi ra hoa viên xách nước tưới cây chơi, đặng giải muộn. Vợ tôi ngồi trên thềm cửa, tay bồng bé Hảo mà nựng nịu, lại có bé Hậu ôm bắp vế đứng một bên, mẹ hôn con, con cười ngả ngớn, cảnh xem phải cảm xúc.

Tôi đứng ngó vào cảnh mẹ con dan díu ấy, tự nhiên tôi bồi hồi trong lòng. Tôi muốn chung hưởng chút đỉnh cái mùi gia đình, thân ái, nên thủng thẳng tôi đi vô, rồi tay tôi vịn vai vợ tôi, miệng tôi chúm chím cười, tôi cúi xuống mà hôn bé Hảo.

Vợ tôi chau mày không vui, rồi lại lấy tay mà xô cái đầu tôi dang ra và nói: „Ê! Làm giống gì vậy nào! Hôn con nhỏ sổ gò mà cho mà coi. „

Mấy lời ấy làm cho sự vui của tôi hoá ra buồn liền, chẳng khác nào thùng nước đổ vào ngọn lửa mới phát cháy. May lúc ấy nhờ có bé Hậu chạy lại ôm cánh tay tôi mà nói: "Ba hôn con nữa chớ". Tôi lật đật bồng bé Hậu mà hôn trơ trất, mượn tình cha con nồng nàn để thế cho tình vợ chồng lợt lạt.

Tại sao vợ tôi không muốn cho tôi hưởng chút mùi hạnh phúc trong gia đình?

Tôi phải tìm hạnh phúc khác mà hưởng hay sao?

Ngồi nhựt ký việc nầy, tôi ứa nước mắt?

Mạng số gì mà muốn vui vẻ lại không thể vui vẻ được.

5. Juin.- Ðêm nay trời mưa rỉ rả từ hồi mới đỏ đèn. Tôi ngồi trong thơ phòng mà xem xét lại mấy cuốn sổ thâu xuất của hãng tôi đã đem về hồi tối. Tôi đương chăm chỉ dò mấy hàng số. Vợ tôi bước vô. Tôi hay, nhưng vì trí mắc chăm lo công việc tôi đương làm, nên tôi không lưu tâm đến. Vợ tôi đi lại cái ghế xích đu mà nằm.

Thình lình vợ tôi hỏi: „Mấy tháng nay chị Vân không đến nhà mình nữa, tại sao, mình?“ Tôi chưng hửng, ngước mặt lên mà đáp: „Sao mình lại hỏi tôi?“

„Tôi chắc mình hiểu, nên tôi mới hỏi chớ sao? „. „Làm sao mà tôi hiểu được. „

„ Thiệt mình không hiểu hay sao? „ „... Không“

Vợ tôi đứng dậy ngó tôi, thấy tôi cứ xem xét sổ sách, thì bỏ đi ra, mà sắc mặt đầm đầm. Tại sao vợ tôi lại hỏi tôi về sự cô Vân mấy tháng nay không đến nhà? Vợ tôi ghen với cô Vân hay sao? Nếu ghen thì tại sao trong ba tháng nay không nói động đến cô Vân, đợi tới bây giờ mới hở môi? Mấy đứa ở trong nhà kẻ vạch hay sao? Hay là hồi sớm mai chị Quý ra thăm rồi đặt điều sao đó?

Juin.- Ba bữa rày trí tôi không an... Nếu vợ tôi ghen cô Vân, thì nhục cho thái độ cao thượng của cô lắm.

Cô Vân đã khổ tâm lo chống vững gia đình cho tôi. Nếu cô không được thưởng công, mà lại còn phải mang tiếng xấu, thì tội nghiệp cho cô, mà cũng hổ cho tôi lắm.

Không được. Tôi không cho ai được phép nói nhục cô Vân, là người tôi trọng, mà ai cũng phải kính.

9 Juin.- Không thể ôm ấp cái điều nghi hoặc trong lòng được nữa, nên tối nay tôi thấy vợ tôi nằm một mình trong phòng khách đàn bà, tôi bèn hỏi: „ Tại sao cô Vân không lên chơi nữa, mà bữa hổm mình lại hỏi tôi?“ Vợ tôi ngồi dậy, rồi cười lạt mà đáp: „Tôi hỏi mình là vì tôi nghi hôm tôi sanh, chị Vân lên chơi với tôi, mình chọc ghẹo chị, làm cho chị phiền nên chị không lên nữa chớ gì. Phải vậy hay không?“ „Mình coi giá trị của tôi rẻ quá.“ „Thứ đàn ông thấy đàn bà con gái cũng như bươm bướm thấy ngọn đèn, cứ bu vô, kể gì là phải quấy.“ „Té ra mình sắp tôi theo hạng hạ lưu kia, thấy ai cũng ve hết thảy hả?“ „Hạ lưu hay là thượng lưu cũng vậy.“ „Cha chả! Bây giờ mình nghĩ tôi kết tình với cô Vân nữa à?“ „Không. Mình làm sao kết tình với chị Vân được mà tôi nghi. Tôi làm chị em với chỉ thuở nay, tôi biết rõ tánh chỉ, nên tôi tin chỉ lắm, tôi có nghi bậy như vậy đâu. Tôi nghi là nghi mình trổ tài dê với chỉ, mình làm cho chỉ buồn nên chỉ không thèm tới nhà ta nữa chớ.“ „Nhục tôi quá“ „Nhục chỗ nào?... Tôi hỏi mình, vậy chớ mình có bụng muốn chị Vân hay không mình nói thiệt đi. „

Vợ tôi hỏi câu đó mà chong mắt ngó tôi lườm lườm.

Tôi bối rối hết sức, không biết phải trả lời thế nào. Nếu tôi chối, thì tôi là người chồng giả dối. Nếu tôi chịu thiệt tôi yêu cô Vân thì niềm vợ chồng sẽ ra làm sao?

Tôi chau mày lưỡng lự. Vợ tôi hối thúc: „Tôi mới hỏi mình có bụng muốn chị Vân hay không? Trả lời đi. „ Tôi nghiêm sắc mặt mà đáp: „Không phải tôi muốn cô Vân. Vì tôi là người có giáo dục hoàn toàn, cô đồng tâm hiệp ý với tôi, nên tôi yêu cô, yêu mà tôi kính, chớ không phải tôi muốn.“ Vợ tôi nói: „Hừ! Thứ đàn ông thúi, thấy ai cũng muốn hết. Muốn tới chị Vân, đố khỏi bị chị mắng mà mang xấu.“ Tôi rùn vai rồi bỏ đi qua thơ phòng.

Yến tước khởi tri hồng hộc chí![6]

18 Aout.- Trót hai tháng nay, tuy vợ tôi không nhắc tới cô Vân nữa. Song cứ ghen gió ghen mây, theo kiếm chuyện gây gổ với tôi hoài, gây chuyện quá vãng[7] rồi gây hờ chuyện tương lai, làm cho gia đình buồn tanh, buồn đến nỗi tôi thất chí, hết muốn lo việc thương mại nữa.

Cảnh đời như vậy có thú vị gì đâu mà quyến luyến.

Hôm nay sao trong trí tôi nẩy ra cái ý muốn hoặc chết phứt cho rồi đặng thoát khỏi cái vòng khổ não về tâm hồn, hoặc cạo đầu đi tu đặng xa các thói đê tiện ở trần tục. Tôi nghĩ như vậy mà tôi thấy hai đứa con của tôi còn ngây thơ, thì tội nghiệp cho chúng nó quá, nên tôi không đành chết, mà cũng không nỡ đi tu.

Tôi buồn quá cô Vân ôi! Cái đời của tôi thuở nay tôi hưởng hạnh phúc có một vài phút đồng hồ mà thôi, là lúc đôi ta phát biểu ái tình cùng nhau đêm nọ trong thơ phòng đó. Hưởng hạnh phúc được bao nhiêu đó, nghĩ thiệt là ít lắm.

Cô Vân ôi, tôi khổ tâm lắm, cô có biết giùm cho hay không?... Vì gia đình, vì danh dự mà tôi phải chịu đau đớn buồn thảm như vầy... Cái giá của thái độ thanh cao thiệt là mắc, muốn mua cho được nó, phải tốn không biết bao nhiêu nước mắt, phải mất không biết bao nhiêu giấc ngũ.

Tôi buồn rầu, chớ chi có người tri kỷ ở gần mà khuyên giải, có lẽ khuây lãng được. Ngặt vì người tri kỷ của tôi, tôi không gần được... Mà thiệt không nên gần, bởi vì hễ gần nhau thì chắc phải mang tiếng nhơ, không làm sao tránh khỏi. Khổ lắm!

15 Octobre- Vợ tôi cũng vẫn giữ thói ghen hoài. Khờ khạo quá! Ðàn bà nếu muốn cho chồng thương trọn một mình, đừng thương người nào khác nữa, thì phải gia tâm làm thế nào cho chồng vui với mình. Không thể nhớ ai khác; chớ ghen làm chi, ghen rồi nói bậy làm cho chồng buồn, khiến trí nó tưởng tới người khác, làm sao hiểu thấu.

Vợ tôi càng ghen bao nhiêu, thì tôi càng yêu cô Vân bấy nhiêu. Vợ tôi có biết được cái tâm hồn của tôi như vậy đâu. Mà có lẽ cô Vân cũng không biết.

Cô Vân biết hay là không biết cũng không quan hệ gì. Tôi yêu cô, tôi biết thì đủ rồi, vì yêu cô đặng bớt sự buồn về gia đình, yêu nhau mà chẳng làm lụy nhau, thì không phạm danh phạm nghĩa chi đó mà sợ.

Không được yêu về phần xác, thì yêu về phần trí, ai ngăn cản tôi được, ai biết được mà chê cười.

8 Décembre.- Hồi trưa, có một người bạn học ghé thăm tôi. Người ấy thuật cho tôi nghe một chuyện hết sức lạ. Hai nhà trí trức thân thích với nhau lắm, thường tới lui chơi với nhau, nhiều khi người nầy dắt vợ người kia đi xem hát, hoặc người kia đi hóng gió với vợ người nầy. Cách cư xử như vậy đã không hợp luân lý rồi, mà hai nhà trí thức ấy gần gũi nhau, thì lấy vợ nhau còn luân lý gì nữa mà nói!

Người ta có một đời, mỗi ngày thêm một văn minh, mà kỳ thiệt mỗi ngày một thoái hoá, trở lại dã man, họ không hay, bởi vì thêm văn minh về hình thức, còn trở lại dã man về phong tục.

Ðời như vậy thì còn gì là danh dự, còn chi là gia đình.

Dư giáo dục trí thức, thiếu giáo dục luân lý, xã hội mới hoá ra như thế.

Chán ngán quá...!

8 Janvier- Có một quyển tiểu thuyết mới xuất bản. Tôi buồn quá nên mua mà đọc chơi đặng giải trí. Trời ơi! Ðọc quyển tiểu thuyết ấy tôi rởn óc từng hồi.

Gớm quá!

Tác giả tả một người trai tân thời. Ðối với cha mẹ thì nói rằng vì cha mẹ ham vui mà sanh mình ra nên chẳng có ơn nghĩa gì; tả một cô gái có chồng rồi bỏ chồng đi theo trai, lại nói rằng trái tim tự do không ai được phép kiềm chế! Khốn nạn cực điểm!

Ðời dường ấy có đáng cho mình quyến luyến hay không?

14 Fevrier- Cô Vân ôi! Theo ái tình của bậc cao thượng thì thương tưởng nhau, yêu mến nhau trong trí cũng đủ chẳng cần phải ở chung nhà tuy vậy mà người cao thượng cũng có máu thịt cũng có ruột gan như hạng bình dân, bởi vậy nhiều khi cũng biết đau đớn về sự thương mà không được gần về sự nhớ, mà không được nói ra.

Vì trọng luân lý mà phải thống khổ như vậy.

Cô thấu hiểu hay không, cô Vân?

25 Mars- Ngày nay tôi thấy rõ gia đình của tôi là cảnh địa ngục. Nếu lân la ở đó hoài, thì khổ thêm hoài. Vậy tôi phải giải thoát cái vòng khốn nạn ấy, dầu ý tôi không muốn và dầu cô Vân không vui.

Giải thoát cách nào?

Trí tôi còn lờ mờ, chưa nhứt định.

5 Avril- Bữa nay tôi quyết định cái đường tương lai của tôi rồi. Tôi sẽ bỏ hết mà bước qua đường ấy. Vì gia đình của tôi buồn bực, nên tôi phải lo làm ăn cho muôn ngàn gia đình khác ngày sau được đầm ấm thuận hòa.

Vì luân lý của xã hội suy bại, nên tôi phải lo làm sao mà thuần mỹ luân lý ấy lại. Việc tôi tính làm đây dầu thành hay là không thành nó cũng làm cho tôi quên được những nỗi buồn vì gia đình vô phước, vì ái tình bất mãn của tôi.

Cô Vân đọc dứt tập "Ðoạn tình nhựt ký" của Thuần rồi thì cô ngẩn ngơ, trong lòng càng cảm động hơn là đọc bức thơ hồi nẫy nữa. Tứ bề vắng vẽ, trước ngọn đèn dầu leo lét, giọt lụy tầm tã tuôn rơi.

Cô Vân áo não là vì biết trọn một năm nay Thuần khổ tâm lung lắm, khổ tâm vì gia đình bất hòa, mà cũng khổ tâm vì ái tình bất mãn. Cô đã lo giữ giùm cho gia đình của cô Hòa được bền vững, té ra chung cuộc rồi cũng phải rã rời. Cô đã giữ danh tiết của cô được vẹn toàn, mà rồi Thuần phải khổ tâm thất chí! Cô tự nhận cô có tội ít nhiều trong sự rời rã gia đạo của bạn, mặc dầu tiết nữ nhi của cô vẫn thanh cao, tình bằng hữu của cô khỏi hổ thẹn.

Anh Thuần đã bỏ nhà cửa vợ con đi rồi! Ði đâu? Anh nói anh đi lo làm cho gia đình tương lại được đầm ấm, và lo làm cho luân lý xã hội được thanh cao. Anh làm cách nào? Trí viễn vọng của anh sẽ làm cho anh được thỏa mãn, hay là sẽ làm cho anh thất chí nữa? Bước phiêu lưu sẽ đưa anh đến cảnh an nhàn, hay là sẽ dắt anh vào nơi khổ não khác?

Còn anh Thuần đi rồi, bây giờ chị Hòa với hai đứa nhỏ ra làm sao? Chị Hòa có buồn rầu chăng? Hai đứa nhỏ nhớ cha hay không? Hãng "Thuần Hòa" ai chỉ huy sản xuất?

Cô Vân áo não về những nỗi ấy, mà cô khóc một hồi rồi cô lại tức giận. Anh Thuần còn thấp trí, còn yếu tánh quá, vì thấp và yếu nên mới để cái tiết nhỏ đè trên tiết lớn được. Gia đình là một cơ quan trọng hệ. Anh biết như vậy, nên anh đã dày công gây dựng gia đình. Mà sao anh lại không biết ngó lơ những cái bất hòa nhỏ nhen trong gia đạo, sao anh lại không biết đàn áp mầm ái tình bất nghĩa trong thâm tâm, mà báo thù gia đình, để thất chí về chỗ bất hòa của vợ và bất mãn về chỗ cao khiết của tình, rồi xô ngã cả gia đình, cả cuộc làm ăn, cả một đời sống chứa chan hứa hẹn.

Dở! Dở lắm!

Cô Vân bứt rứt, không ngồi yên được nữa. Cô đứng dậy mở cửa sổ mà ngó ra vườn. Ngoài vườn im lìm. Cây cỏ sững sờ, dường như lóng nghe tiếng cô Vân thở than, rồi chờ đợi cô xử trí. Cô đứng ngó vào cảnh lờ mờ một hồi rồi cô quyết định phải lên Sài Gòn, lên coi gia đạo của Thuần trở ra thế nào, nhứt là lên đặng an ủi và giúp đỡ cô Hòa, mặc dầu cô không hiểu mà nghĩ cho tình của mình cũng được.

Ðã quyết định rồi, cô Vân mới đóng cửa, bỏ thơ từ của Thuần vào hộc tủ, rồi lên giường mà nằm, nhờ trí ý thanh cao, nên lương tâm an tịnh.


[1] phần trước nhà, dưới mái nhưng không có vách

[2] một loại "bàn" thấp để nằm hoặc ngồi bằng gỗ quí

[3] một loại bàn nhỏ, cao hơn bàn thường, dùng để khai trầu hay món ăn

[4] trả lời

[5] chỗ ung thúi

[6] „những loài yến tước biết đâu chí hồng“. Ý nói người có ý chí thấp thỏi không thế hiểu được người có chí cao

[7] quá khứ