HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 

 
 
Lời Thề Trước Miễu
Chương 5

Ba Lân nói tới đó thì đau đớn trong lòng, nên chảy nước mắt. Cô Ðào thấy vậy cô động lòng nên cô cũng khóc.

      Ba Lân thở ra mà nói:

-         Mười mấy năm nay hết sức lo làm cho có tiền. Chừng có tiền rồi, kẻ chết mất, người xiêu lạc, vậy thì có tiền có ích gì đâu!

-         Bây giờ em ở đâu?

-         Em ở trên Lèo.

-         Dữ hôn! Lên ở chi tới trển[1] lận!

-         Thì đi làm ăn, chỗ nào làm ăn được thì mình ở, chớ phải đi chơi sao mà mình lựa.

-         Té ra ngày em đi đó, thì em đi thẳng lên Lèo mà ở cho tới bây giờ hay sao?

-         Không. Em mới lên ở trên Lèo sáu bảy năm nay. Ngày em từ giã chị tại chợ Cần Giuộc mà đi, thì em lên Sài Gòn. Ở đó mấy bữa em coi thế khó kiếm công việc làm, em mới thả xuống Mỹ Tho.

-         Chị nhớ em có mấy cắc bạc, làm sao mà em đi xa như vậy được.

-         Có người ta cho em mượn tiền. Xuống Mỹ Tho thấy có một chiếc tàu đi Nam Vang đậu, em mới xuống đứng lại cầu tàu coi chơi. Ông Cò tàu thấy em thì hỏi em chịu theo tàu mà làm bồi hay không, ăn cơm dưới tàu, mỗi tháng ổng cho em ăn lương sáu đồng. Em mừng quá, nên chịu liền. Em theo tàu cứ lên Nam Vang rồi trở xuống Sài Gòn. Em biết tiếng Tây nên ở được ít lâu ông Cò tàu thương em lắm. Em mới xin phép ổng mua chút đỉnh đồ Sài Gòn chở lên Nam Vang và mua đồ Nam Vang chở xuống Sài Gòn mà bán. Em làm như vậy té lời quá khá, bởi vì đồ em chở khỏi tốn tiền tàu.

-         Mua bán như vậy không khá sao được.

-         Em làm bồi dưới tàu được ba năm, kế ông Cò tàu về Tây. Ông Cò khác đổi lại thế, ổng không cho em chở hàng nữa. Em phiền lắm em xin thôi. Lúc ấy em có được vài trăm đồng bạc vốn, em mướn phố lập tiệm tại Nam Vang mà bán rượu lẻ. Chớ chi em có vốn nhiều, em mua khô, mua bắp chở xuống Sài Gòn. Chợ Lớn mà bán chắc là khá lắm. Vì vốn ít nên phải bán rượu Xứ, thổ dân cứ uống rượu trắng chớ ít ưa rượu Tây, bởi vậy em buôn bán không khá tính dẹp tiệm đặng đi chỗ khác làm ăn. May lúc đó có một ông Sứ sửa soạn đổi lên Lèo. Ổng quen với chủ em hồi trước, hay xuống tàu hoặc uống rượu hoặc ăn cơm chơi, nên ổng biết em. Ổng gặp em, ổng nói chuyện ổng hay em buôn bán không khá, ổng mới khuyên em đi theo ổng lên Lèo rồi ổng giúp đỡ cho em làm ăn. Em đương tính dẹp tiệm, nên nghe như vậy thì em chịu liền. Em sang tiệm cho họ, em lấy có một trăm đồng bạc, rồi em theo ông Sứ mà đi lên Lèo ở cho tới bây giờ đây.

-         Ở trển bây giờ em làm việc gì?

-         Việc gì em cũng làm hết thảy, bán nhà hàng, nuôi bò, trồng vanille, làm không hở tay.

-         À, nãy giờ quên hỏi: sao em biết chị ở đây, nên lại đây mà kiếm?

-         Ở dưới chợ Trạm, Cần Giuộc, có nhiều người biết chỗ anh Hai ở; họ chỉ chừng cho em, nên em mới biết chớ.

-         Phải, thẩy gặp mấy người quen, thẩy hay mời về nhà chơi, nên họ biết. Em về dưới Mồng Gà em ở bao lâu rồi, mà em hỏi thăm nên biết hết công chuyện của nhà vậy?

-         Em về ở dưới gần mười bữa rày. Em có kêu thợ mà đặt cho họ làm mả cha với má. Em đặt mả đá xanh. Họ có làm tờ giao kèo với em chắc chắn, hứa qua sang năm, đến ngày thanh minh, họ sẽ trở lại mà dựng.

-         Cha chả! Em có đặt làm mả nữa? Em đặt bao nhiêu tiền.

-         Hai cái một ngàn hai.

-         Dữ hôn!

-         Vì ở xa nên em cho lãnh trước tám trăm, có người bảo kiết chắc chắn. Chừng khép xong rồi, em về em sẽ chồng thêm bốn trăm nữa cho đủ số.

      Cô Ðào ngẩn ngơ, không dè em có tiền đến dám làm mả bạc ngàn cho cha mẹ.

      Ba Lân thấy bộ chị, thì hiểu ý, nên nói:

-         Khi ra đi em có vái linh hồn cha phò hộ em làm ăn cho khá. Nay em khá rồi, em phải lo trả thảo cho cha mẹ chớ sao.

-         Em ở như vậy thì phải lắm. Chắc cha với má phò hộ cho em làm ăn khá hơn nữa. Năm nay em đã gần ba mươi tuổi, lại em cũng làm ăn khá rồi, sao em không tính cưới vợ như người ta?

-         Em về đây, em cũng có ý đó.

-         Em muốn cưới vợ dưới nầy hay sao?

-         Vậy chớ ở trển Annam có ít quá, vợ đâu mà cưới! Không lẽ chị muốn cho em cưới vợ Lèo.

-         Dưới mình bây giờ coi có con ai? ...Chị lên ở trên nầy đã bảy năm rồi, nên bây giờ có biết ai có con mà xứng với em đâu.

      Cô Ðào suy nghĩ.

      Ba Lân ngồi châu mày lặng thinh một lát rồi nói:

-         Em nói thiệt với chị, hồi nhỏ em có tình với cô Thinh, là con của Ban Liềm ở chợ Cần Giuộc. Trước khi ra đi, em có thề nguyền với cô chừng em làm ăn khá em sẽ trở về cưới cô. Cô cũng nguyện ở nhà chờ em. Bữa em đi, cô có cho em ba đồng bạc với một chiếc đồng. Nhờ tiền ấy em mới xuống Mỹ Tho được. Nay em về, em tính cưới cô, rồi rước hết má, chị và cô lên Lèo ở với em. Chẳng dè về Cần Giuộc thì cô không có ở đó nữa. Em hỏi thăm thì họ nói hồi cô mới lớn lên cha mẹ ép gả cô cho chệc. Cô không chịu cô bỏ nhà ra đi, từ hồi đó tới giờ cô không có về, có lẽ cô ở đâu trên Sài Gòn đây. Em đặt mả cho cha mẹ rồi, em tuốt lên đây kiếm chị mà cũng kiếm cô Thinh nữa. Chị biết cổ hôn?

-         Con Ban Liềm thì chị biết. Mấy năm chị bán bánh, chị thấy nó hoài. Con nhỏ tròn trịa ngộ lắm.

-         Từ ngày chị lên ở trên nầy chị có gặp cổ hay không?

-         Không có gặp. Sợ nó có chồng rồi xiêu lạc xứ khác chớ.

-         Có người nói năm ngoái có gặp cổ ở tại Sài Gòn đây, cổ ăn mặc đứng đắn lắm, song không biết nhà cổ ở đâu.

-         Không hiểu. Mà bây giờ nó đã lớn rồi, dầu chị có gặp, sợ chị cũng không nhớ.

      Con Lý thấy thằng Khoa đi học về thì lật đật chạy ra cửa mừng anh. Thằng Khoa bước vô, thấy Ba Lân không biết là ai, nên đứng khựng lại mà ngó. Cô Ðào nói: "Cậu ba của con đó. Xá cậu ba đi."

      Thằng Khoa lột nón mà xá, rồi đi vô trong cất sách vở.

      Ba Lân kêu hết hai đứa nhỏ lại, cho mỗi đứa hai cắt bạc, rồi biểu chúng nó đi mua bánh mà ăn. Hai đứa nhỏ lấy tiền rồi xá mà đi.

      Cô Ðào nói:

-         Ðã mười giờ rồi, thôi em ở nhà chơi, để chị đi chợ mua đồ về nấu cơm cho em ăn.

-         Xin chị đừng lo. Em không ăn cơm đâu. Em phải đi gấp.

-         Lên đây thì em ở đây mà nghỉ, chớ em đi đâu?

-         Em có mướn phòng ở ngoài khách sạn. Ðồ đạc của em nhiều, lại em còn phải đi nhiều chỗ, nên ở ngoài cho thông thả. Công việc làm ăn của em ở trên Lèo bề bộn lắm. Em vắng mặt lâu không tiện. Bây giờ em phải đi kiếm cô Thinh cho gấp. Hễ kiếm được cổ rồi thì em trở lên Lèo liền. Em sợ không có giờ rảnh vô nói chuyện dài với chị nữa. Vậy em xin hỏi rút chị một điều nầy: chị có chồng, mà bây giờ chồng chị bỏ chị rồi, vậy chị chịu đi theo em lên Lèo mà ở với em hay không? Em hứa sẽ nuôi chị trọn đời, nuôi cách sung sướng, chớ không phải mỗi ngày thí hai bữa cơm mà gọi rằng nuôi đâu.

-         Ði với em rồi sắp nhỏ làm sao?

-         Thì chị đem chúng nó đi theo, em nuôi luôn hết thảy.

      Cô Ðào ngồi suy nghĩ.

Ba Lân hỏi:

-         Thân chị bây giờ bơ vơ khổ quá. Sao chị còn dục dặc không chịu theo em?

-         Bề nào cha con nó cũng thương nhau. Nếu dắt sắp nhỏ đi xa, nó nhớ cha nó tội nghiệp.

-         Trời ơi! Vậy chớ ảnh bỏ con ảnh mấy tháng nay, ảnh có nhớ chúng nó hay không, mà chị sợ chúng nó nhớ ảnh? Chồng đã phụ bạc, theo vợ bé bỏ mẹ con bơ vơ, mà chị còn thương nữa chớ!

-         Vợ chồng ăn ở với nhau đã mười hai năm rồi, có tới hai mặt con, không thương sao được.

-         Ảnh đã bỏ chị, thì chị bỏ ảnh, có lỗi gì đâu.

-         Hồi má đau, cha sắp nhỏ lo thuốc men, chừng má mất cũng một tay lo chôn cất. Cái ơn ấy chị không thể nào quên được. Dầu bây giờ có phụ bạc chị đến chừng nào đi nữa, chị cũng không nỡ đổi lòng.

      Ba Lân lắc đầu thở ra rồi hỏi:

-         Chị nói anh Hai theo ở với vợ bé, mà chị biết ở chỗ nào hay không?

-         Nghe họ nói ở phía sau chợ Tân Ðịnh, mướn phố ở đường Faucault, số nhà bốn trăm mười lăm. Họ nói như vậy thì chị hay vậy, chớ chị có đến đó làm chi mà biết.

-         Vì chị còn thương ảnh quá, nên em không nỡ ép chị bỏ ảnh. Vậy em sẽ ráng sức gỡ rối cho chị rồi em sẽ trở lên Lèo.

      Ba Lân đứng dậy, móc bóp phơi ra, đếm đưa cho chị một trăm đồng bạc và nói rằng: "Xin chị lấy lần chút đỉnh tiền đây đặng may áo quần cho chị với sắp nhỏ bận cho lành lẽ. Thế nào trước khi em đi lên Lèo, em cũng trở vô đây mà từ giã chị. Vậy chị hãy suy nghĩ lại cho kỹ lưỡng coi có nên đi theo em hay không. Như chị bằng lòng đi, thì chị sửa soạn cho sẵn, rồi chừng em trở vô em dắt chị đi."

      Cô Ðào cầm một trăm đồng bạc trong tay, cô rưng rưng nước mắt, không nói được. Trong lòng cô bối rối quá, nên Ba Lân cáo từ mà đi, cô không cầm em, mà cũng quên hỏi em ngủ ở khách sạn nào.

*

      Trưa cô Ðào đương ngồi ăn cơm với hai con. Tuy bây giờ cô có tiền, khỏi lo thiếu hụt nữa; tuy bây giờ cô chắc ý có chỗ sẵn cho mẹ con cô nương dựa, khỏi lo bơ vơ vất vả nữa, nhưng mà chị em cách biệt nhau mười mấy năm cô không còn trông đợi, thình lình em cô về kiếm cô, lại nói đã giàu rồi, bởi vậy cô ngẩn ngơ trong lòng, rồi lững đững lờ đờ, đã quên buồn nỗi chồng bỏ, mà cũng không biết vui sự gặp em.

      Ngồi ăn cơm cô không nói tiếng chi hết, duy có hai đứa nhỏ nói chuyện với nhau tía lia.

      Thằng Khoa muốn ghẹo cho má nó nói chuyện nên nó hỏi:

-         Cậu Ba hồi nãy đó có bà con với mình hay không má?

-         Em ruột của má đó, cũng như con Lý với con vậy.

-         Em ruột của má mà sao từ hồi nào đến giờ không đến nhà mình?

-         Cậu của con ở xa lắm, từ hồi đẻ con cho tới bây giờ mới về đó.

-         Cậu Ba ở đâu lận má?

-         Ở trên Lèo.

-         À! Con biết, Lèo là Laos đó; con học địa dư nên con biết. Hồi nãy cậu Ba cho con với con Lý mỗi đứa hai cắc. Con với con Lý ăn hết hai đồng xu xôi, hai đồng xu cà rem. Bây giờ con còn một cắc sáu, còn con Lý còn nguyên hai cắc. Ðể con gởi cho má cất giùm rồi thủng thẳng má phải lại cho con ăn bánh, nghe hôn má? Lý đứa hai cắc của em cho má cất đi. Em lộn trong lưng rớt mất đa.

      Hai đứa nhỏ đưa tiền ra. Cô Ðào lấy bỏ vô túi, mà cô cũng không nói chi hết.

      Ăn cơm rồi, cô Ðào bưng chén dĩa vô phía sau mà rửa. Hai đứa nhỏ ở phía trước mà chơi.

      Thầy Bính tay dắt xe máy thủng thẳng đi vô đường hẻm, trên ống tube[2] xe có máng một cái cặp da đựng giấy tờ óc nóc. Hai đứa nhỏ vừa thấy cha thì chạy túa ra mà mừng, thằng Khoa vịn xe, còn con Lý nắm áo. Thầy Bính trợn mắt nạt rằng: "Dang ra coi nào! Làm giống gì vậy? Nắm lấm áo ta còn gì!"

      Hai đứa nhỏ sợ dang ra.

      Thiệt thầy Bính mặc một bộ đồ Tây trắng giặt ủi láng cón thẳng băng. Thầy mang một đôi giày trắng cẩn da đen, có thắt một cái cravate xanh thêu bông đỏ, đầu đội nón trắng, mắt mang kiếng đen, bởi vậy tuy thầy đã trên bốn mươi tuổi rồi, mà cách ăn mặc cũng như trai mới lớn lên. Thầy dựng cái xe máy dựa cửa rồi bước vô nhà, nón cứ đội trên đầu chớ không chịu lột.

      Thằng Khoa đi theo hỏi: "Ba đi đâu lâu quá, ba không về nhà vậy ba? Con muốn đi đón ba mà má không cho".

      Thầy nạt rằng: "Ê! Ðừng nhiều chuyện nà! Ðón làm gì?"

      Thằng Khoa thấy cha giận, nó hết dám nói chuyện nữa.

      Con Lý chạy vô trong kêu: "Má, má có ba về đây má."

      Một lát, cô Ðào rửa chén rồi, cô bước ra thấy chồng ngồi day mặt ngó ra đường hẻm, cái nón với cái kiếng còn cầm trong tay, thì cô cười và hỏi: "Dữ hôn! Bữa nay sao lại về đây? Tôi tưởng mình không về nữa chớ!"

      Thầy Bính day vô hỏi lại:

-         Không muốn cho tôi về nhà nầy nữa hay sao?

-         Về hay là không về cũng tại ý mình, chớ phải tôi muốn mà được đâu.

-         Hễ đút đầu về nhà thì nghe cái giọng dễ ghét quá.

-         Tôi cũng biết như vậy, bởi tôi dễ ghét, nên mình không về nhà nữa. Mà phận tôi mình ghét đã đành, còn hai đứa nhỏ, là con của mình, nó có làm cực lòng mình về chỗ nào đâu, sao mình cũng ghét mà bỏ nó?

      Thầy Bính ngồi lặng thinh.

      Cô Ðào bước lại đầu ván mà ngồi rồi nói nữa:

-         Mình muốn làm giống gì mình làm, song mình cũng nghĩ lại mà thương hai đứa nhỏ chớ. Mình tệ chi lắm vậy, gần hai tháng nay mình không cho được một đồng xu nhỏ, tôi biết làm sao mà nuôi con cho nổi.

-         Hễ thấy mặt thì cứ hỏi tiền. Biết có bấy nhiêu đó!

-         Có tiền mẹ con tôi mới sống, không hỏi sao được. Lớp trả tiền nhà, lớp mua gạo, nước mắm, dầu lửa; phận tôi là đờn bà, tôi làm sao mà lo một mình cho kham. Mấy tháng nay tôi ngồi may tối ngày sáng đêm mà cũng không đủ tiền nuôi con. Thiếu tiền phố, chà và nó mắng nhiếc mà xấu hổ hết sức.

      Cô Ðào nhắc những nỗi khổ, thì cô uất ức, nên cô khóc.

      Thầy Bính châu mày xụ mặt, thầy chống tay lên bàn mà ngó ra cửa, không câu mâu nữa.

      Cô Ðào và khóc và nói tiếp: "Mình ăn lương một tháng tới tám mươi đồng bạc. Chớ chi mẹ con tôi chừng mười lăm đồng, đặng tôi trả tiền phố sáu đồng, còn chín đồng tôi mua gạo với thịt cá cho sắp nhỏ ăn, thì tôi đâu dám phiền mình. Tại mình bạch tuột, không cho đồng nào hết, biểu tôi đừng nói sao được. Tôi thấy con thiệt tôi đứt ruột, quần áo rách rã, không tiền mua vải cho nó bận. Có bữa thằng Khoa nhịn đói mà đi học, không có một đồng xu mà cho nó ăn bánh, khổ không biết chừng nào. Mình có ở nhà đâu mà thấy những chuyện ấy".

      Thầy Bính đứng dậy rồi đi vô đi ra, sắc mặt coi buồn bực lắm.

      Vợ thấy vậy không muốn nói nữa, cứ ngồi khóc rấm rứt. Còn hai đứa nhỏ thì trong mắt ngó theo cha, cha đi đâu ngó theo đó, chớ cũng không dám nói một tiếng.

      Thầy Bính vô nhà sau đứng chần ngần một hồi, rồi trở ra đội nón lên, lấy kiếng nhét vô túi và dắt xe máy ra đi.

      Mấy mẹ con cô Ðào ngó theo, buồn thảm hết sức.

 

Phần III:  Nghĩa Cũ Tình Xưa

      Gần ba giờ chiều.

      Trời còn nắng chang chang, nhưng vì đường Faucault hẹp nhỏ, mà lại nhà, phố cất liên tiếp hai bên, nên hễ mặt trời trịch bóng, thì ánh sáng bị nhà phố cản hết, làm cho trên đường mát rượi.

      Giờ nầy thầy thợ đều đi vô sở làm hết rồi, nên ngoài đường bớt náo nhiệt, chỉ có con nít đứng chơi trước cửa, đờn bà đi lơ thơ ít người, xe kéo hạ gọng ngồi nói khào, đầu trên xe cà rem đi rung chuông leng keng, đầu dưới chệc để gánh mì gõ sanh cắc cụp.

      Có một dãy phố mười hai căn ở về phía mặt trời lặn, dựa đường có làm hàng rào cây, trong cửa lại có gắn hai cánh cửa nhỏ để áng gió, nên đi ngoài đường khó thấy người trong nhà.

      Thầy Bính mướn căn số 415 trong dãy phố đó mà ở với "cô Hai Cần Giuộc".

      Cô Hai ngủ trưa mới thức dậy, nên cô ngồi sật sừ trên cái divan. Cô mặc bộ đồ pyjama bằng lụa xanh, cổ viền lụa màu bông hường, áo lật bâu để lồi cổ và ngực của cô trắng nõn. Hai bàn tay của cô ngón nhỏ rức, hai bàn chưn của cô thịt vun chùn. Cô xả tóc rồi đưa tay lên gãi đầu, mái tóc phủ hết nửa cái mặt của cô, làm cho dung nhan coi càng thêm đẹp.

      Trong nhà chỉ có một tên bồi chừng hai mươi tuổi, nó lãnh xác về làm bồi về nấu ăn một tay nó. Vì chưa tới giờ nấu cơm, nên nó đi ra đứng tại cửa rào mà chơi.

      Ba Lân cũng còn mặt bộ đồ kaki vàng như lúc kiếm chị hồi sớm mơi. Anh ngồi xe kéo ở phía dưới Ðakao chạy lên, cứ day mặt vô phố mà coi số. Tới căn số 415, anh biểu xa phu dừng lại, thấy có người bồi đứng trong cửa rào thì men lại gần mà hỏi:

-         Xin lỗi anh, không biết có phải căn nhà nầy là nhà của thầy Hai Bính làm việc trong hãng rượu dưới đường Catinat hay không?

-         Phải. Anh hỏi chi vậy?

-         Không biết có phải thầy Hai đó bây giờ làm bạn với cô Hai Cần Giuộc hay không?

-         Phải. Mà anh hỏi làm chi vậy kìa?

-         Tôi là người bán ngựa. Tôi nghe nói thầy với cô ưa đi trường đua, nên tôi đến hỏi coi như thầy với cô muốn nuôi ngựa đua để đua chơi, thì tôi sẽ bán cho. Ngựa của tôi hay lắm. Không biết có thầy ở nhà hay không?

-         Trời ơi! Anh nầy bấp trầm quá! Giờ nầy là giờ làm việc, làm sao mà thầy có ở nhà được.

-         Còn cô có ở nhà hay không?

-         Cô thì có. Cô ngủ trưa mới thức dậy.

      Ba Lân móc túi lấy một đồng bạc đưa cho người bồi mà nói: "Anh lấy đồng bạc đây mà uống nước. Anh làm ơn vô thưa với cô rằng có người ở Tà Keo bán ngựa đua, muốn xin phép nói chuyện với cô một chút. Anh làm ơn đi mau mau. Nếu tôi bán ngựa được, tôi sẽ cho anh thêm nữa."

      Người bồi chưa có công lao, mà đã được một đồng bạc, thì lấy làm đắc ý, nên tay mở cửa rào, miệng chúm chím cười và nói: "Anh bước vô đây. Anh vô đứng đây, để tôi vô tôi thưa liền với cô tôi giùm cho."

      Người bồi trở vô nhà chừng một lát rồi xô cánh cửa gió bét ra mà kêu Ba Lân và nói: "Ê! Anh. Cô tôi biểu anh vô."

      Ba Lân thủng thẳng bước lên thềm. Chừng vô tới cửa, anh lột cái nón trắng xuống mà cầm trong tay, rồi mới bước vô nhà.

      Cô Hai Cần Giuộc đang ngồi tại divan cầm lược gỡ tóc. Cô vừa thấy Ba Lân thì cô hỏi: "Anh bán ngựa gì?"

      Ba Lân cúi đầu mà chào. Anh ngó cô, té ra"cô Hai Cần Giuộc" nầy là cô Thinh, tình nhơn của mình hồi trước, bởi vậy anh chưng hửng, biến sắc, nghẹn cổ, đứng ngẩn ngơ, nói không được.

      Cô Hai hỏi nữa: "Anh bán ngựa đua hay là ngựa xe?"

      Ba Lân ú ớ đáp rằng:

-         Thưa, ngựa đua.

-         Ai nói với anh tôi muốn mua ngựa đua, nên anh lại đây mà hỏi?

-         Thưa, tôi hỏi thăm rồi họ chỉ.

-         Buồn nên chúa nhựt tôi hay lên trường đua chơi, mà tôi có tính mua ngựa đua nuôi bao giờ đâu. Ở có một căn phố, nuôi ngựa sao được.

      Ba Lân bối rối quá, nên đứng trân trân, kiếm không được lời đáp.

      Cô Hai thấy bộ của anh như vậy, tưởng anh quê mùa nên lù khù, bởi vậy cô cười và hỏi:

-         Anh ở đâu mà đi bán ngựa đua?

-         Thưa, Nam Vang.

-         Sao hồi nãy anh nói với thằng bồi, anh ở Tà Keo.

-         Thưa, Tà Keo.

-         Ở Nam Vang hay là ở Tà Keo? Ở chỗ nào một chỗ mà thôi, chớ không lẽ anh ở hết hai chỗ.

-         Thưa, nhà tôi ở Nam Vang, còn ngựa của tôi thì tôi nuôi tại Tà Keo.

-         À, vậy hả? Ngựa anh hay hôn?

-         Thưa, hay.

-         Anh đem xuống đây mấy con?

-         Thưa, tôi chưa đem xuống.

-         Ủa! Ngựa anh để trển mà anh bán nỗi gì! Muốn bán thì phải đem xuống đây cho người ta coi rồi người ta mới mua chớ.

-         Thưa, tôi xuống dọ trước coi ai mua mấy con rồi tôi sẽ trở xuống.

-         Mua ngựa vẽ bóng như vậy, ai mua cho được. Không, tôi không mua đâu. Anh đi kiếm chỗ khác mà bán.

      Ba Lân cúi đầu chào cô rồi riu ríu bước ra. Người bồi đứng ngoài cửa, thấy anh trở ra thì cười mà nói: "Anh đem ngựa xuống đây cho cô tôi coi, rồi tôi đốc cô tôi mua cho."

      Ba Lân đứng ngẫm nghĩ rồi nói:

-         Tôi sẽ đem xuống. Không biết thầy chịu mua hay không?

-         Mua hay không tại cô tôi, chớ phải tại thầy tôi đâu mà anh hỏi.

-         Cũng phải có thầy chịu mới được chớ. Không biết thầy đi làm việc chừng nào thầy về anh hả?

-         Ngoài sáu giờ tối mới về.

      Ba Lân móc đồng hồ nhỏ trong túi ra mà coi rồi nói: "Tôi cám ơn anh. Thôi, tôi đi". Anh ta mở cửa rào và bước ra lộ rồi lên xe kéo mà chạy qua phía chợ Tân Ðịnh.

      Người bồi trở vô rồi đi thẳng ra nhà sau.



[1] trên đó

[2] đòn ngang thân xe đạp đàn ông