HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Một Ðời Tài Sắc
Chương 4

Ông Hội đồng Nghiệp dắt vợ lên Sài Gòn ở uống thuốc nửa tháng, bịnh giảm nhiều nên thầy thuốc khuyên mua thuốc đem về nhà mà uống tiếp thêm cũng được. Ông về nghe con thuật chuyện Trương Hoàng Kiết qua đòi nợ, nói nếu không trả thì chủ nợ sẽ đưa án cho Trưởng Tòa. Ông nghe nói như vậy thì thở dài mà nói rằng: „Việc ấy để ba lo. Con đừng có nói cho má con hay, má con buồn rồi phát bịnh lại đa nghe“.

Ông liền viết thơ cho ông Cai Tổng Bình mà thuật việc ấy cho ổng hay và nói mình đi Sài Gòn mới về, mắc lo sắp đặt việc nhà, không thể qua được, nên mời ông Cai Tổng Bình qua Cái Tắc mà bàn tính việc nợ nần.

Cách ít ngày sau, hai vợ chồng Cai Tổng Bình qua. Việc nhà bối rối, mà coi bộ bà Cai Tổng không lo chi hết. Bước vô nhà, bà hớn hở vui cười, bà đi thẳng vô hậu đường mà vuốt ve cô Xuân Hương rồi nằm nói chuyện làm sui với bà Hội đồng.

Ông Cai Tổng với ông Hội đồng thì ngồi ngoài „salon“ mặt mày buồn hiu, nói chuyện nho nhỏ, chớ không phải rộn ràng như hồi trước. Mời khách uống nước rồi, ông Hội đồng mới nói rằng:

- Việc nợ nần bây giờ anh tính làm sao đây? Ông Huyện có sai con ổng qua đây thôi thúc nói đã được án Tòa rồi, kỳ cho mình trong ít ngày phải trả đủ vốn lời, nếu không trả thì người ta giao án cho Trưởng Tòa biên tịch tài sản. Khổ quá, không biết tính sao được.

- Tính giống gì bây giờ! Mấy năm trước sáu bảy cắc một giạ, mà mình trả lời còn không nổi thay. Năm nay lúa còn ba cắc mấy thì chịu chết, chớ trả giống gì được mà tính. Tôi muốn bỏ xui hết, họ làm gì đó có sức họ làm.

- Bỏ xui sao được.

- Vậy chớ không bỏ thì làm sao? Đơn mình xin vay dài hạn thì chưa xét kịp. Chủ nợ thì họ được án thi hành. Điền đất thì không ai thèm mua. Số nợ chồng lời đã lên tới 100 ngàn, trả giống gì nổi. Thôi, tôi tính tôi bỏ xui, tôi xin từ chức Cai Tổng, rồi dắt vợ con lên núi, kiếm chùa ở mà tu phứt cho rảnh.

- Anh nói nghe buồn quá! Giống gì mà tới đi tu lận! Người ta làm sao thì mình cũng vậy, hơi nào mà rầu. Gặp cuộc kinh tế như vầy ai cũng bị nguy hết, chớ phải một mình mình nguy hay sao. Mấy ông lớn bằng cái bồ, họ cũng ngã rầm rầm, sự nghiệp của mình đáng bao nhiêu mà sợ.

- Chú nói hơi thị đời quá. Tuy sự nghiệp của mình nhỏ, song mình tín gần nát trí, làm đổ mồ hôi mới gây dựng được chớ phải khi không mà họ đem họ cho mình hay sao?

- Tôi nghĩ lại mình bị cái nguy nầy đáng lắm. Trong khoảng mười mấy năm về trước, mình làm thái quá, lớp xài phí vô độ, không tiếc đồng tiền, lớp làm việc gì cũng liều mạng không dè dặt. Bột ít mà muốn nắn nhưn nhiều thì không nguy sao được.

- Chú nói như vậy sao phải. Những người bị cái nạn khẩn bách nầy có phải hết thảy đều tại ăn xài vô độ đâu. Phần nhiều họ tiện tặn, lo làm ăn hết sức, lo sắm đất sắm điền, mà họ cũng bị nguy mới tức chớ.

- Mấy người đó họ bị nguy là tại họ tham, có ít họ muốn thêm cho nhiều, họ ham làm giàu nên họ bị hại.

- Như hai anh em mình đây chớ gì!

- Đó đa! Hồi trước anh có huê lợi hơn 40 ngàn giạ, tôi có ít mà cũng có 15, 16 ngàn giạ. Mình giữ đó mà ăn thì khỏe quá. Tại mình tham, mình muốn làm giàu thêm nữa, mình vay bạc mà mua đất mắc, thì ông trời ổng phạt mình chớ sao.

- Mình lo làm ăn, chớ phải cướp giựt ai hay sao mà trời phạt.

- Ấy! Tôi nói ông trời phạt đa. Mấy năm về trước mình làm thái quá, hễ mở miệng ra là tiền bạc, chớ không kể nhơn nghĩa. Ông trời thấy vậy ổng gây cuộc khẩn bách đặng làm ngã lăn hết cho biết chừng. Đáng lắm! Tôi vái nguy riết tới đặng tiêu hết chơi. Không sao, cầu cho ngã hết rồi sắp hàng chạy lại, có sao đâu mà sợ.

- Nếu được như vậy thì nói làm gì. Ngặt gì có người không ngã mà họ xô mình ngã, làm cho mình gãy tay gãy chơn rồi chạy nữa sao được.

- Buồn nên luận bậy bạ chơi cho khuây lãng, chớ bề nào cũng phải lo, bỏ xui hay là thị đời sao được. Tôi muốn hiệp với anh đi qua Rạch Giá năn nỉ với ông Huyện Hàm xin bớt tiền lời và xin phân hạn mà trả cho ổng. Mình lấy cớ kinh tế khủng hoảng nầy mà nói với ổng có lẽ được chớ. Nếu ổng phân hạn cho mình trả 15 năm, hoặc 12 năm, thì chắc mình trả được.

- Trời ơi! Nhè thằng cha đó mà chú biểu đi năn nỉ! Chú có giỏi thì chú qua bển mà nói với nó, chớ tôi đã đi rồi, nếu đi nữa thì uổng công, không ích gì. Hôm thằng con nó qua bên đây, bận về nó ghé tôi, nó cũng hâm giao án cho Trưởng Tòa thi hành. Tôi chạy vô Rạch Giá nói nó đừng giao án cho Trưởng Tòa, xin đình lại tới mùa lúa thì ta sẽ tính. Nó gạc ngang không kể chi hết. Thứ nhà giàu họ mới kể đồng tiền, chớ có kể nhơn nghĩa gì?

- Bề nào tôi cũng phải qua nói phải quấy với người ta, chớ nín khe vậy sao phải.

- Chú muốn đi thì tôi đi với. Mà tôi chắc không thể nào nói được đâu. Trời ơi, tôi xin huỡn cho tôi tới mùa lúa mà còn không được thay, làm sao chú xin phân hạn trả 15 hay 12 năm cho được.

- Ấy, củng phải nói thử coi, chừng nào không được rồi mình sẽ tính thế khác.

- Chú muốn đi thì bữa nào chú qua tôi đi với chú. Nầy, còn chuyện của sắp nhỏ, chú thím liệu sao? Bữa nay hai vợ chồng tôi qua đây muốn nói với chú thím đặng tính việc hôn nhơn phứt cho rồi. Tuy gặp hồi khẩn bách, song mình làm cha mẹ phải tính việc trăm năm cho con, đặng nó có đôi bạn mà làm ăn.

- Vợ chồng tôi thuở nay nhứt định gả con Xuân Hương cho thằng tư Ý, chừng nào anh muốn làm lễ cưới thì làm, vợ chồng tôi có nói chi đâu. Ngặt vì lúc nầy việc nợ nần lộn xộn quá, lại đờn bà của tôi có bịnh, vậy xin anh huỡn lại ít ngày, đặng rảnh trí một chút rồi sẽ hay.

- Ừ, nói vậy chớ cũng đôi ba tháng nữa rồi sẽ cưới. Tôi nhắc chú coi chú có buộc làm lễ gì trước không vậy mà.

- Ối! Họ bày lễ hỏi, lễ cầu thân lộn xộn thất công. Tôi với anh là anh em thuở nay. Chừng nào rảnh, thì sẽ làm lễ cưới một lần một nhà thôi, chẳng cần phải làm lễ gì khác.

Ông Hội đồng nói tới đó, bỗng thấy một cái xe hơi chạy vô, ngừng giữa sân, rồi có một người đờn ông trên xe leo xuống xâm xâm vô cửa. Người ấy bịt khăn đen, mặc áo dài lót, chơn đi giày tây, để râu ngạnh trê.

Ông Cai Tổng dòm ra rồi nói rằng: „Thầy Ban biện Lý Thành Hưng ở bên Long Mỹ, thầy đi đâu bên nầy kìa?“

Ông Hội đồng Nghiệp cũng dòm ra rồi hỏi rằng:

- Thầy Ban biện Hưng đó hay sao? Thuở nay tôi nghe tên chớ chưa gặp mặt lần nào.

- Thầy là em vợ của thằng cha Huyện Hàm Trương Hà. Thế khi thầy qua nói chuyện nợ nần của mình đây chớ gì?

- Không lẽ vậy.

- Biết chừng đâu!

Thầy Ban biện Lý Thành Hưng bước vô cửa. Ông Cai Tổng với ông Hội đồng đứng đậy chào. Thầy ban biện vốn quen với ông Cai Tổng nên gặp nhau thầy mừng rỡ, hỏi thăm lăng xăng, rồi day lại hỏi thăm ông Hội đồng rằng: „Phải ông ông Hội đồng đây hôn?“. Ông hội đồng gặc đầu đắp rằng: „Thưa phải, thuở nay tôi thường nghe danh thầy, song chưa có dịp gặp nhau. Nay tình cờ thầy đến nhà, thiệt tôi lấy làm may mắn quá. Mời thầy ngồi“.

Thầy Ban biện Hưng vừa kéo ghế mà ngồi vừa nói với ông Hội đồng rằng:

- Bên nầy sao mà cấy lúa trễ quá, tới tháng nầy mà mới bắt tay cấy?

- Cũng vừa, chớ không trễ gì.

- Bên tôi họ cấy đã giáp đồng hết, còn bìa chéo chút đỉnh vậy thôi.

- Ở bển năm nào cũng vậy cấy sớm hơn bên nây.

- Bên nây họ mua lúa khá giá hôn?

- Lúa lúc nầy đã hết rồi, còn chút đỉnh giành mua mót lối 0đ95 tới 1đ05.

- Tệ quá vậy! Bên Long Mỹ họ mua còn được 1đ.00, lúa tốt tới 1đ05.

Ông Cai Tổng Bình xen vô nói rằng: „Bên Kinh Cái Sắn nó cũng mua tới 1đ.00. Mà đều nó ít mua lắm, nó chở lúa lên chợ lớn bán rồi về nó mới chồng bạc đủ“.

Thầy Ban biện cười mà nói rằng:

- Trời ơi! Bán lúa như vậy thì nguy hiểm lắm. Nó đi luôn rồi mình làm sao?

- Phải chịu. Chớ biết làm sao. Mình phải theo lên Chợ Lớn chực mà lấy bạc, có khi chờ tới 10 bữa nữa tháng lấy bạc mới được.

- Cuộc kinh tế nầy nó sanh nhiều chuyện trắc trở quá.

- Khổ lắm mà!

Ông Hội đồng mời thầy Biện uống nước và hỏi rằng:

- Thầy qua nhà tôi chơi hay có chuyện chi?

- Tôi qua đây đặng nói chuyện riêng với ông một chút. Mà bữa nay ông có khách, thôi để bữa khác rồi tôi sẽ trở qua nữa.

- Xin thầy có việc chi thì cứ nói đi mà. Anh Tổng đây là anh em của tôi phải ai đâu lạ hay sao mà thầy ngại. Anh Tổng đây với tôi đây như là anh em một nhà vậy.

- Việc tôi muốn nói đây là việc kín một chút, nên không lẽ nói như vậy.

- Không có sao đâu. Tôi với anh Tổng đây chẳng có việc gì mà giấu nhau cả. Dầu việc kín đi nữa, thầy cũng cứ nói ra, đừng ngại chi hết.

- Nếu được như vậy thì tốt. Ông có một người con gái học giỏi, mới thi đậu „Brevet supérieur“ phải hay không?

- Phải. Thầy hỏi chi vậy?

- Để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói. Cô em năm nay được mấy tuổi?

- Nó năm nay 22 tuổi.

- Chẳng giấu chi ông. Thằng cháu tôi là Trương Hoàng Kiết nó kêu tôi bằng cậu, con của anh rể tôi là anh Huyện Hàm Trương Hà bên Rạch Giá, hôm trước nó qua bên nầy thăm ông, rủi không có ông ở nhà, mà may lại được gặp cô em. Hai người nói chuyện với nhau sao đó không biết mà thằng cháu tôi về trầm trồ khen ngợi cô em bên nầy lung quá. Từ hồi nó ở bên Tây về cho đến bây giờ, anh chị tôi muốn lo vợ cho nó, có nhiều chỗ giàu sang tử tế quá mà chỉ chỗ nào nó cũng không chịu, nó cứ nói nó muốn cưới vợ đầm chớ không thèm con gái Việt Nam . Chẳng biết tại duyên nợ làm sao, mà hôm nọ nó thấy cô em bên nầy nó phải lòng, hổm nay cứ năn nỉ với anh chị tôi, xin nói mà cưới cô em cho nó. Anh chị tôi cưng con, nó muốn thế nào thì cũng chiều theo ý nó, nên hôm qua kêu tôi ra mà biểu tôi qua bên nầy hỏi dọ trước coi, vì ông Hội đồng cũng quen biết anh Huyện tôi, chớ không xa lạ gì.

Ông Cai Tổng Bình nghe nói như vậy thì chưng hửng.

Ông Hội đồng Nghiệp nghe nói như vậy biến sắc liếc mắt ngó ông Cai Tổng rồi trả lời với thầy Ban biện rằng: „Ông Huyện với bà Huyện có lòng chiếu cố đến con tôi thì con tôi lấy làm có phước lắm. Tiếc vì tôi đã hứa làm sui chỗ khác rồi, nên không biết liệu làm sao đây. Xin thầy làm ơn về thưa lại với ông Huyện rằng tôi cảm tình lắm song không thể nhận lời được, là vì tôi đã hứa gả nó rồi“.

Thầy Ban biện châu mày mà đáp rằng:

- Rủi cho thằng cháu tôi quá. Nó bước tới trễ một chút. Ông đã hứa gả cô em cho chỗ khác rồi bây giờ hồi hôn sao được.

- Hồi sao được. Nếu tôi hồi hôn rồi gả cho con ông Huyện thì té ra tôi ham giàu, ai coi tôi ra gì, mà biết con nhỏ tôi nó có chịu như vậy không?

- Ờ, cái đó còn khó nữa… cha chả, mà tôi về tôi nói lại đây, chắc chị Huyện tôi chỉ buồn lắm. Hôm qua chỉ cậy tôi đi chỉ nói chuyện nghe dường như chắc ý lắm, hễ qua nói thì được liền, nay tôi về tôi nói không được đây chắc chỉ phiền.

- Xin thầy làm ơn cắt nghĩa giùm rành rẽ cho bà Huyện hiểu. Hồi nãy tôi nói chuyện với anh Tổng đây, tôi mới tính bữa nào hai anh em tôi sẽ qua bển mà nói chuyện với ông bà Huyện.

- Ông muốn qua nói chuyện chi?

- Năm trước hai anh em tôi đấu giá mua đất quốc gia, lỡ thiếu bạc, có hỏi của ông Huyện. Rủi quá, hỏi bạc rồi kế kinh tế khủng hoảng tràn tới liền, lớp thì bị thất mấy mùa, lớp thì bị giá lúa sụt riết, làm cho mấy năm nay anh em tôi lo hết sức mà năm nào trả tiền lời cũng không đủ. Ông Huyện phiền nên làm đơn kiện đã được án rồi.

- Tưởng là chuyện gì, chớ chuyện đó tôi biết. Hôm qua tôi có coi hai cái án. Vì hai ông bảo kiết vần công với nhau nên hễ thi hành án thì hai ông bị hết. Anh Huyện đã biểu Hoàng Kiết đem án giao cho Trưởng Tòa, mà nó dục dặc chưa chịu giao, nên hôm qua tôi mới ngó thấy… Cha chả, tôi về tôi nói đi không thành công đây, chắc nó giao án cho Trưởng Tòa liền!

Ông Cai Tổng với ông Hội đồng nghe nói hâm dọa giao án cho Trưởng Tòa thì biến sắc, rồi nhìn nhau, bộ buồn lắm.

Ông Cai Tổng thở ra mà nói với thầy Ban biện rằng:

- Hễ giao án cho Trưởng Tòa thi hành thì anh em tôi chắc phải co tay chịu chết, chớ năm nay mà trả nợ sao nổi. Hồi nãy tôi với chú hội đồng mới tính qua bển năn nỉ với ông bà Huyện rộng lượng hoặc huỡn cho tới mùa lúa sang năm sau, đặng cho anh em tôi trả 15 hay 12 năm, vậy mới trả nổi.

- Xin lỗi ông, ông đi mất công. Tôi biết trước nói không được đâu. Nếu chuyện làm sui mà không thành, thì chuyện nợ nần hưỡn sao được. À, chớ chi việc làm sui mà xong, thì muốn tính thế nào anh chị tôi cũng chịu hết. Tôi nói lén cho hai ông nghe, hôm qua chị Huyện tôi có nói riêng với tôi rằng: Nếu tôi qua đây nói chuyện làm sui, mà ông Hội đồng bằng lòng, thì luôn dịp tôi phải cho ông Hội đồng biết, việc nợ nần ông Hội đồng đừng có lo, tuy kiện có án rồi anh chị tôi không bó buộc chi hết, để chừng đám cưới rồi anh chị tôi cho làm giấy lại phân hạng mà trả lần lần, trả đủ số vốn mà thôi, bỏ tiền lời. Còn như nói chuyện làm sui mà không thành, thì Trưởng Tòa thi hành án liền. Anh chị tôi đã quyết như vậy mà còn nói giống gì được nữa.

Ông Cai Tổng với ông Hội đồng ứa nước mắt.

Ông Cai Tổng ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: „Việc làm sui hồi nãy chú hội đồng trả lời gấp quá. Việc đó là việc quan hệ phải trả lời thủng thẳng mà tính chớ“.

Thầy Ban biện cười mà nói rằng: „Ông Tổng nói như vậy tôi phục lắm. Việc làm sui là việc lâu dài, phải suy đi xét lại cho kỹ mới được. Vì mình là anh em với nhau, nên tôi mới dám nói, thiệt hồi nãy ông Hội đồng trả lời có gấp một chút. Phải chậm chậm mà suy nghĩ, cần gì mà trả lời vội. Nếu tôi về nói ông Hội đồng không chịu gả con, tự nhiên anh Huyện tôi ảnh bóp chặt thì hại biết chừng nào“.

Ông Hội đồng châu mày mà đáp rằng: „Không phải tôi không chịu gả. Tại tôi hứa lỡ với chỗ khác rồi, bây giờ biết làm sao?“

Ông Cai Tổng đỡ lời rằng: „Việc làm sui mình mới hứa lời chớ chưa có lễ mễ gì, thì cũng như lời nói chơi, có chắc chắn gì đâu. Bây giờ chú nói lại với người ta rằng chú hứa gả như vậy, mà con nó không ưng, thì thôi, ai trách móc gì được mà sợ“.

Ông Hội đồng chưng hửng, ngồi ngó ông Cai Tổng trân trân.

Ông Cai Tổng nói tiếp rằng: „Xin thầy Ban về thưa lại với ông Huyện, bà Huyện, việc làm sui đó để thủng thẳng ít bửa cho chú Hội đồng bàn tính với vợ con rồi chú sẽ trả lời.”

Thầy Ban biện chúm chím cười, vuốt râu và nói rằng: “Thưa được. Ông Hội đồng thủng thẳng mà tính cho kỹ. Tính rồi viết thơ cho tôi, đặng tôi trả lời với anh chị tôi. Còn án Tòa đó tôi về tôi biểu đình lại khoan thi hành đã“.

Ông hội đồng trong trí bối rối, nên ngồi trân trân không nói được tiếng chi hết.

Thầy Ban biện từ giã mà về, ông Hội đồng với ông Cai Tổng đưa ra sân. Chừng xe chạy rồi, ông Cai Tổng mới ngó ông Hội đồng mà nói rằng:

- Chú thấy nhà giàu độc ác hay chưa? Mình mắc nợ nó, nó muốn bắt vợ con mình mình cũng phải chịu.

Ông Hội đồng lấy khăn ra lau nước mắt, ông đứng giữa sân suy nghĩ một lát rồi bộ ông giận, nên ông nói xẵng lơ rằng: „Ối! Nó làm giống gì đó nó làm. Nó có giỏi thì nó bán nhà bán đất tôi, chớ nó áp chế buộc tôi phải bán con tôi cho nó như vậy sao được“.

Ông Cai Tổng cười rằng mà đáp rằng: „Chú chẳng nên nóng. Chuyện nhà để thủng thẳng mà tính. Hai anh em mình đi vòng ra sau vườn mà nói chuyện riêng với nhau mới tiện“.