HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Bức Thơ Hối Hận
IX. BA CHÁNH CHỈ ÐƯỜNG NGAY

Cô Huyền hay con đã giáp mặt với cha ruột của mình, thì cô bối rối trong lòng hết sức. Cô lại giận, cô tính về cho mau đặng nói chuyện lại cho cha nghe. Té ra về tới nhà, thấy chồng đi Gò Vấp đã về rồi; có chồng cô ở nhà cô không thể nói chuyện đó được.

Bữa nay là chúa nhựt, hãng đóng cửa, nên buổi chiều Cang cũng rảnh rang. Cang rủ vợ đi chợ Lớn chơi. Cô Huyền đi chơi với chồng, mà trong lòng ngổn ngang niềm riêng, nên không biết vui chi hết.

Sáng thứ hai, Cang lên xe đi xuống hãng rồi, thì cô Huyền vội vã vào phòng ông Ba Chánh. Cô thấy cha đương ngồi đọc nhựt báo thì cô vụt nói:

-          Khổ lắm cha ơi! Thằng Nghiệp giáp mặt cha nó rồi!

Ông Ba Chánh buông tờ nhựt trình và ngó con mà nói:

-          Nó đi chơi đã về cả tuần rồi. Nó giáp mặt với cha nó hổm nay, có việc chi đâu mà khổ?

-          Không phải. Nó giáp mặt với cha ruột nó kia kìa, giáp mặt với thằng cha Như Bình kìa, nên con mới nói chớ.

-          Ạ! Cái đó thiệt rắc rối. Mà nó biết Như Bình là cha nó hay không?

-          Thưa không. Mà theo lời lời nó thuật chuyện con nghe hôm qua, thì con nghi Như Bình biết nó, có lẽ đã có nói xa nói gần, muốn nói cho nó hiểu, nhưng nó vô tình nên con biết chắc nó chưa hiểu.

-          Nó gặp Như Bình không hại đâu mà lo. Sợ e Như Bình nói gốc tích của nó cho nó hiểu thì khó thật.

-          Chắc nó chưa hiểu, bởi vì nếu nó hiểu thì hôm qua con ra gặp một mình nó ở nhà, thế nào nó cũng hỏi con rồi. Hôm trước thầy Hai Thanh nói thầy có gặp Như Bình và thầy có nói chuyện với vả. Con muốn mời thầy lại đặng hỏi cho kỹ coi Như Bình có tỏ ý muốn nhìn Nghiệp hay không. Nếu vả có ý đó thì chẳng sớm thì muộn thế nào thì cũng nói cho bể chuyện.

-          Ừ, phải. Con sai bầy trẻ mời thầy Hai đi, mời đặng hỏi việc đó và luôn dịp hỏi ý thầy coi bây giờ phải liệu thế nào cho gia đình con khỏi xào xáo. Thầy có nhiều ý kiến lắm.

Cô Huyền liền kêu con nhỏ ở sai đi mời thầy Hai Thanh. Trong giây phút thầy lại tới. Ông Ba Chánh ra cửa tiếp rước và mời thầy đi vào phòng ông. Thầy hỏi:

-          Có việc chi mà mời gấp vậy anh Ba?

-          Ừ, mời thầy lại đặng con Hai tôi nó bàn tính việc nhà một chút.

Cô Huyền bưng bình trà nóng bước vô phòng. Cô chào thầy Thanh, rót hai tách nước mời thầy với cha uống, rồi cô kéo ghế ngồi dựa cửa sổ.

Thầy Thanh hỏi cô:

-          Cô muốn bàn tính việc chi vậy cô Hai?

-          Cha chả! Thằng Nghiệp tôi nó đã gặp Như Bình rồi thầy Hai.

-          Gặp ở đâu?

-          Gặp ngoài Nha Trang. Như Bình ở trong cái chòi tranh, trồng rau cải mà bán.

-          Thấy chưa? Tôi đã nói ông cậu nguy hiểm mà. Bộ sợ ở trong nầy làm ăn, người ta gặp thì xấu hổ, nên trôi ra đó ẩn núp trong đám người lạ cho an thân chớ gì. Bác vật Nghiệp có biết ông là ai không?

-          Nó biết vả là Như Bình vậy thôi, chắc không biết gì khác. Mà tôi nghi vả biết Nghiệp là con.

-          Tôi có nói với ông cậu rằng Nghiệp bây giờ là quan Bác vật, làm chủ hãng xe hơi. Ông cậu biết thì ông cậu mắc cỡ, chớ có hại gì mình đâu.

-          Bây giờ người ta suy sụp, sợ người ta lập thế làm cho con biết, rồi nghĩ tình cha con, đặng có cậy nhờ chớ.

-          Ðược đâu? Ai cho mông xừ Nghiệp nhìn ông.

-          Sợ khó mà ngăn cản được. Công chuyện lẹo tẹo rắc rối quá thầy Hai. Thầy có biết Như Bình đó có bà con làm sao với con dâu tôi hay không?

-          Không. Ông cậu bà con với ma đàm Nghiệp hay sao?

-          Cha ghẻ của nó đó.

-          Huý chà! Rắc rối! Rắc rối thật.

Ông Ba Chánh cũng chưng hửng. Ông lắc đầu và hỏi cô Huyền:

-          Nghiệp nó nói với con phải không?

-          Thưa, phải. Tại như vầy, vợ nó mới cậy nhờ nó đem 5 ngàn đồng bạc mà cho Như Bình và hứa sẽ cung cấp ruộng đất cho vả sung sướng mãn đời nữa.

-          Té ra người đàn bà con xuống Cần Thơ năm xưa con gặp ở nhà Bình và người ấy xưng là vợ Bình là bà mẹ vợ của Nghiệp sao?

-          Thưa phải. Người ấy là goá phụ, có hai mặt con là Hoàng với Loan, rồi mới đụng Bình. Bởi vậy Hoàng với Loan là con ghẻ của Bình, chớ không phải con ruột.

-          Con ghẻ đó cũng là may, chớ nếu con ruột thì thành cái họa lớn, không biết làm sao mà gở.                                   

Thầy Thanh trợn mắt nói:

-          Phải rồi, Bình đụng bà đó đến nay đã 25 năm có thể sanh con gái, rồi ngày nay có thể gả cho Nghiệp thành ra anh em một cha khác mẹ làm vợ chồng với nhau thì bậy bạ lắm. Mà ma-đàm Nghiệp là con ghẻ của Bình, sao lại phải cấp dưỡng bạc tiền và ruộng đất. Bỏ cho ông cậu chết đói, đặng ông cậu sáng con mắt một chút, cấp dưỡng làm gì.

Cô Huyền cười mà tiếp:

-          Công chuyện như vầy thầy Hai à. Nghiệp nói bà già vợ nó là một goá phụ hưởng huê lợi bên chồng nhiều lắm, nên ở với Bình mà không dám lập hôn thú. Vợ chồng sau có 400 mẫu ruộng, song Bình làm quan nên không phép đứng bộ, mới để cho bà vợ đứng. Bà vợ nhè chết trước, không kịp sang bộ lại cho ông chồng. Hoàng với Loan nói ruộng đó là ruộng của mẹ chúng nó lấy huê lợi bên nội bên ngoại mà mua, nên nó không chịu cho Bình hưởng, Bình giận mới xách gói bỏ nhà mà đi mất.

-          Hèn chi lúc tôi gặp ông cậu ở ngoài Vũng Tàu ông cậu nói ông cậu lưng túc, túi không, vô thê nhi, vô gia trụ. Té ra ông cậu nói thật mà. Mà sao ma-đàm Nghiệp đã không chịu giao cho số 400 mẫu ruộng đó, rồi bây giờ lại cho tiền bạc còn hứa cấp ruộng đất nữa?

-          Tại thằng con tôi nó nghe rõ công chuyện, rồi nó lại thấy Bình lang thang vất vả nên nó động lòng nên nó mới bỉ xử con vợ nó, làm cho con nọ hối hận rồi cậy nhờ nó đem bạc mà cho. Có cái dịp đó hai đàng mới gặp nhau mới nói chuyện dài. Không hiểu Bình nghĩ thế nào mà Bình không chịu lấy số bạc đó, lại cũng biểu đừng cấp ruộng đất chi hết.

-          Tại mắc cỡ chớ gì. Chê nghèo nàn hèn hạ nên bỏ mẹ con Nghiệp mà lấy vợ giàu sang. Té ra giàu sang mà chung cuộc phải ra mình không, rồi đứa con mà ngày xưa mà mình hất hủi đuổi xô đó, bây giờ nó đem bạc đến nhà mà bố thí cho mình, mặt mũi nào xoè tay mà lấy. Thật quả ông trời có con mắt, lời người ta nói chẳng sai. Không biết ông ấy hiểu bác vật là ai không?

-          Tôi chắc biết, vì thầy Hai đã nói trước, mà Nghiệp khi gặp, nó xưng tên rõ ràng. Còn mấy lẽ nầy nữa, ông ta cứ kêu Nghiệp bằng con, lại nói chuyện với Nghiệp ông ta cứ chảy nước mắt.

-          Bác vật biết ông cậu là ai không?

-          Chắc không biết. Biết cha ghẻ của vợ vậy thôi, chớ không chi khác nữa. Tôi tỏ thật với thầy Hai, từ hôm qua đến nay tôi nghe Nghiệp thuật lại chuyện gặp gỡ đó, thì tôi rối trí quá. Tôi có nên cho con tôi biết người ấy là ai không?

-          Không, không. Cho biết làm chi? Cho biết ắt xào xáo trong nhà, chớ có ích gì.

-          Ngặt thằng Nghiệp có ý thương người đó. Tuy người đó biểu vợ chồng nó đừng có tới lui thăm viếng nữa, mà thật mấy ngày sau ông lánh mặt, không cho vợ chồng nó gặp, song tôi sợ cảm tình làm cho vợ chồng nó lân la gần gũi nhiều lần rồi bể chuyện. Hoặc ông ta suy sụp rồi ông ta nhận con đặng nương tựa cậy nhờ, mình không thể ngăn cản được.

-          Tôi tưởng nên giấu luôn, đừng cho Bác vật biết, và cô Hai cấm đừng cho gần thằng cha đó.

-          Con nó khôn lớn rồi, cấm sao được. Mà cấm thì phải nói duyên cớ cho nó biết. Nó đã có cảm tình với người đó rồi, nếu nói thiệt, nó vì tình máu thịt nó thương thêm, nó đeo theo chớ không khinh khi oán hận, thì càng bậy bạ hơn nữa. Ðã vậy mà mình giấu giếm để cho đằng kia họ nói ra, thì có lẽ con nó phiền mình, đó cũng là một điều không tốt.

Thầy Thanh ngồi lặng thinh suy nghĩ, không biết phải liệu phương nào giữ gìn dùm cho gia đình cô Huyền được trong ấm ngoài êm.

Ông Ba Chánh nói:

-          Nói cho nghiệp biết Như Bình thật là cha ruột nó, tôi nghĩ không nên nói. Nếu Nghiệp biết như vậy, thì tự nhiên Cang nó phiền; dầu Nghiệp không phụ tình nghĩa của Cang dưỡng dục hai nươi mấy năm nay, song thế nào Cang nó cũng sợ Nghiệp chia sớt tình cha con cho người khác. Mà nếu giấu giếm, không nói cho Nghiệp biết rõ gốc tích của nó, rủi một ngày kia Như Bình tỏ thật cho nó biết, thì nó phiền mẹ nó ít kỷ hẹp hòi nó phiền luôn tới tôi nữa. Ðã biết đối với con thì Như Bình ăn ở không ra gì, không đáng làm một người cha chút nào hết, tuy có ăn học nhiều, song tệ hơn người dốt nát. Nhưng mà Nghiệp là con nhờ khí huyết của cha nó, mới được cấu tạo thành hình. Dầu cha nó là quân vô loài, là người bất nghĩa vong tình, phận nó là con, nó không thể bỏ dẹp cha ruột của nó, mà đem trọn tình nghĩa để phụng sự cha ghẻ. Nãy giờ tôi suy nghĩ kỹ lắm. Theo ý tôi, thì tôi muốn để cho Cang liệu mà quyết định về sự nầy thì phải hơn hết. Phải nói cho Cang biết 2 điều nầy: 1) Nghiệp đã có gặp Như Bình là cha ruột của nó rồi; 2) Như Bình là cha ghẻ của vợ Nghiệp. Cho Cang biết rồi xin Cang liệu định coi có nên cho Nghiệp biết nguồn gốc của nó hay không. Nếu phải nói thì Cang nói, rồi ngày sau đổ bể, Nghiệp nó biết được cha ruột nó, thì đối với Nghiệp hay Cang, tôi với con Hai khỏi sợ phiền trách.

Thầy Thanh nói:

-          Ý của anh Ba thật là cao, làm cách đó thì vẹn nhơn toàn tình nghĩa. Mấy cụ lão nho có nhiều ý kiến hay quá!

Cô Huyền suy nghĩ một hồi, rồi cô nói:

-          Ba thằng Nghiệp thuở nay ở với cha tôi và mẹ con tôi thì đứng đắn luôn. Tôi hay việc nầy từ hôm qua đến nay tôi lo hết sức. Ðêm hồi hôm tôi ngủ không được. Tôi sợ thằng Nghiệp gần Như Bình thì ba nó buồn. Bây giờ cha tính như vậy con nghĩ phải lắm. Nếu con giấu ba nó, rủi sau đổ bể, tình cha con lợt phai, con buồn rầu chắc cha không chịu nổi. Mà nói với ba nó thì phải con nói mới được, chớ cha không nên nói.

Ông Ba Chánh nói:

-          Phải, chuyện nầy rắc rối lắm. Con phải nói chớ cha nói sao được, con lựa bữa nào ba thằng Nghiệp vui, con thủng thẳng phân trần tâm sự cho nó hiểu, rồi con xin cho nó liệu định.

Cô Huyền nhờ cha chỉ đường ngay lẽ phải thì cô hết lo ngại nữa. Cô kêu trẻ ở lấy bình chế nước.

Thầy Thanh uống thêm một tách trà ngon mà về. Thầy dặn nếu có việc chi rắc rối thì cho thầy hay, thầy sẽ lại liền.