Công việc làm nhiều khi nên hư là tại may rủi, chớ không phải giỏi dở. Cách ở đời cũng vậy, nhiều khi đi đường phải hay là đi đường quấy là tại vận hội khiến xuôi, chớ không phải tại ý người quyết định.
Trần Thượng Tứ là người từ nhỏ được mẹ cưng, nên quen thói đỏng đảnh, chừng đúng tuổi đi học, mẹ đút nhét tiền nhiều nên quen tánh ăn chơi; mà lúc nào cũng vậy, cha thì mắc chăm lo làm cho sự nghiệp càng lớn thêm, mẹ thì mắc thiết kế giựt gia tài của con, bởi vậy cậu chẳng hề được nghe tiếng dạy dỗ về đạo làm người. Khi cậu để bước thứ nhứt vào đường đời, là khi cậu cưới vợ, khi cái óc của cậu trống lỏng, cái lòng của cậu trong veo, cậu không hiểu thế nào là phải, thế nào là quấy, cậu không dè người sao là nên, người sao là hư, cậu chỉ biết cậu là con nhà giàu, cậu có vài trăm mẫu điền, cậu có sẵn một tòa nhà ngói, rồi cậu tưởng cậu hơn thiên hạ hết thảy, ai làm trái ý cậu thì cậu giận, ai không chìu lòng cậu thì cậu hờn. Vì tại tâm tánh cậu như vậy đó, nên cậu không biết thương yêu vợ, mà rồi cậu lại thất kỉnh thất hiếu luôn với mẹ nữa.
Tuy vậy mà chơn tánh của cậu cũng có chỗ tốt: 1. Cậu biết thương nhà nghèo, nên năm trước cậu chia tiền cho trò Khá; 2. Cậu không tham tiền, nên lúc nói vợ, mẹ khoe ông Hội đồng Thưởng giàu, cậu không tỏ ý vui mừng; 3. Cậu ở công bình, nên mỗi lần xin hưởng huê lợi ruộng đất thì cậu nói luôn cho anh, chớ không phải cậu không kể tình cốt nhục: Con nhà giàu đếm thử coi được bao nhiêu người có những tánh tốt ấy.
Thế mà cậu Thượng Tứ vừa mới bước chơn vào đường đời, cậu liền đi lạc nẻo. Theo thói thường người ta cho cậu là “hư”, thì cái hư nầy rõ ràng là tại vận hội; mà có muốn bắt chặt nữa, thì nói tại gia đình giáo dục gây ra, chớ nào phải cậu sẵn có cái óc hư từ hồi mới lọt lòng hay là lúc cưới vợ rồi thì cậu quyết hư mà chơi. Cậu có nói với thầy thông Hàng rằng: Phải xài tiền chút đỉnh đặng học khôn; mấy lời ấy đủ chỉ rõ cậu sợ cái hư ngày sau lắm.
Vì vợ không đủ khôn lanh mà kềm sửa tánh cậu được, mà cũng vì mẹ không có học thức mà dìu dắt bước đường cho cậu, bởi vậy cậu buông lung chơi bời mấy tháng tốn hao hết mấy ngàn. Đã biết tốn hao như vậy thì uổng tiền thiệt, nhưng mà nhờ có sự tốn ấy cậu mới gặp được cái cảnh làm cho cậu chán ngán nhơn tình; cậu bươn bả trở về nằm co, rồi nhớ nợ nần mà giựt mình, nên lo phương kiếm chước mà trả.
Bà Kế hiền nhắm mắt nhằm lúc cậu Thượng Tứ đương ảo não cuộc đời, hết muốn đi chơi nữa. Cậu suy xét cái cử chỉ của cậu đối với mẹ, bây giờ cậu mới hiểu tại cậu mà mẹ rầu buồn mang bịnh đến nỗi bỏ mình. Cậu nhớ mấy lời mẹ trối trong lúc gần tắt hơi, bây giờ cậu mới nghĩ tại cậu mà phân rẽ vợ chồng, chớ vợ của cậu chẳng có lỗi chi hết. Cậu lấy làm ăn năn về sự cậu ngỗ nghịch với mẹ, mà cậu cũng lấy làm hổ thẹn về sự cậu tính để vợ đặng cưới cô Hai Hẩu.
Đương lúc cậu quay đầu dợm trở bước vào cái đường mà thế tục kêu là phải, nếu cậu gặp vận hội xuôi thuận, thì có lẽ cậu cũng vui hưởng thú gia đình, cậu cũng an hưởng của phụ ấm như các con nhà giàu khác. Tiếc vì khi tống táng bà Kế hiền xong rồi, thầy Ban biện Chí ra lễ trầu rượu đứng nói cho Thượng Tứ lạy xin vợ chồng ông Hội đồng Thưởng cho cô Ba Mạnh ở luôn bên nây mà quản suất việc nhà, thì ông Hội đồng không chịu quên việc cũ, ông không chịu nhận lời, ông cứ nói ông gả con, ông có giao, nên không thế cho con về ở bên chồng được. Ban biện Chí với ông chủ Hậu hiệp nhau nói hết sức ông mới xiêu lòng chút đỉnh, song xiêu lòng là ông chịu cho con qua lại mà thôi, chớ ở luôn bên nây thì ông nhứt định không cho ngay.
Khách khứa về hết rồi, mấy anh em thầy ban biện Chí mới suy tính tiền bạc. Từ hôm bà Kế hiền tắt hơi thì cô Ba Ngọc kiếm lấy xâu chìa khóa mà bỏ túi. Cuộc tống chung tốn hao mấy bữa một tay cô xuất phát hết thảy, Thượng Tứ chẳng hề biết tới. Nay cô mở tủ sắt tủ cây soạn hết vàng bạc mà đếm trước mặt anh em thì số bạc trong tủ sắt được 18 ngàn đồng, còn số bạc trong tủ cây hơn bảy trăm. Cô xin lãnh số 700 lẻ mà trả tiền tốn hao đám tang, còn số lớn 18 ngàn, thì cô xin anh cả liệu định.
Ban biện Chí ngồi suy nghĩ một chút rồi hỏi Thượng Tứ rằng:
- Số bạc 18 ngàn đây là số bạc trong nhà nầy, mà nhà nầy là nhà của em, vậy em liệu làm sao?
- Số bạc đó, hôm má đau nặng má có nói nhỏ với tôi, má biểu đem mà giấu chớ đừng để cho anh với chị Ba ngó thấy. Tôi không chịu giấu nên mới còn đó. Tôi cũng biết bạc nầy là bạc của cha để lại, chớ má làm giống gì mà có bạc riêng nhiều dữ vậy. Con thảy đồng con, vậy thì ba anh em mình chia đồng với nhau mà xài, chớ liệu giống gì mà anh biểu tôi liệu.
- Em nói như vậy thì công bình lắm. Nhưng vì qua sợ em không vui lòng cho qua phân đoán, nên qua mới để cho em liệu.
- Anh cứ chia ba đi… Nè, anh Hai, anh làm giống gì mà anh quen với ông Giáo Chuột? Chắc anh có vay bạc của ổng chớ gi, phải hôn?
- Sao em biết qua quen với ông Giáo Chuột?
- Ổng có nói với tôi.
- Năm qua ra tranh chức Ban biện, qua có vay của ổng 5 ngàn. Mấy năm nay trả lời hoài, chớ trả vốn không nổi.
- Tôi cũng vướng của ổng hết một ngàn. Ổng ăn lời tới 400, mắc thất kinh.
Cô Ba Ngọc nghe em nói như vậy thì hỏi rằng:
- Em làm giống gì mà đi vay bạc?
- Hôm thánh 10 tôi xin tiền má không được, tôi giận tôi vay đặng xài chơi.
- Trời ơi! Xài nghiệp gì mà tới bạc ngàn lận! Bộ em cho ai hay sao chớ?
- Chuyện tôi xài mà chị biết sao được. Tôi còn thiếu Chà và hai ngàn nữa, chớ phải có một mình ông Giáo Chuột đâu. Bây giờ tôi lãnh 6 ngàn đây, tôi phải trả nợ hết ba ngàn tư, còn có hai ngàn sáu.
Thầy ban biện châu mày nói rằng: “Em còn hai ngàn sáu vậy cũng khá, cho bằng qua trả vốn với lời rồi thì tất tay. Mà qua mắc nợ có cớ. Còn em làm việc gì đâu mà vay tới ba ngàn đồng bạc?”.
Thượng Tứ cười mà đáp rằng: “Chuyện của tôi làm, nói ra không được. Xin anh biết giùm rằng tôi giận lẩy một chút nên mới mang nợ nần đó”.
Cô Ba Ngọc thở ra mà nói rằng: “May nó giận lẩy mà hết ba ngàn tư, chớ nó giận thiệt không biết hết mấy muôn! Thôi! Hai người chia rồi đem đi trả nợ phứt cho rồi đi. Tôi nghe nói nợ nần tôi ghét quá”.
Hương chủ Hậu là người hòa huỡn, thuở nay không ưa can thiệp đến việc gia tài bên vợ, mà chừng nghe anh em vợ bàn chuyện nợ nần như vậy, thì anh ta bước lại nói rằng: “Anh Hai với cậu Tư mắc nợ, thì trả cho người ta, có cái gì đâu mà ghét. Tôi muốn cho mình làm như vầy: anh Hai với cậu Tư mắc nợ hết thảy là 9 ngàn tư. Tôi muốn mình lấy số bạc ấy để riêng ra mà trả nợ trước cho người ta, rồi còn lại bao nhiêu sẽ chia đồng nhau. Làm như vậy ai cũng có tiền hết thảy, chớ mình chia trước một người 6 ngàn, anh Hai mắc trả nợ hết, rồi ảnh lấy gì mà xài.
Cô Ba Ngọc ngó chồng mà nói rằng:
- Anh Hai với thằng Tư mắc nợ, thì làm sao tự ý, chớ lấy bạc nầy trả nợ thì thiệt hại cho mình lắm, ai mà chịu vậy.
- Anh em mà tính lợi tính hâi cái gì kìa
- Không được đâu. Anh em cũng phải làm cho công bình chớ; hai người làm nợ làm nần bây giờ tội gì mà mình phải chung mà trả.
- Anh em mà đi hơn thua với nhau chút đỉnh làm gì. May mà cha mẹ để tiền bạc lại cho mình chia nhau mà còn nói nhiều nói ít, ví như để nợ lại cho mình mới làm sao. Ở đời anh em thương nhau mới quí chớ mấy ngàn đồng bạc nầy không có quí đâu. Mình phải nghe lời tôi, đừng có cãi nữa.
Thầy Ban biện nghe nói mấy lời hữu tình hữu nghĩa ấy thầy lấy làm cảm động nên thầy nói rằng: “Ngày nay tôi mới thấy bụng[1] của dượng Ba nó thiệt là tốt. Người bụng dạ như vậy không đời nào nghèo bao giờ. Thằng Tư, em phải coi cái gương đó mà bắt chước. Từ rày sắp lên, anh em chúng ta phải thương nhau, anh lớn nói, em nhỏ phải nghe lời, chúng ta nưng đỡ dìu dắt nhau mà giữ sự nghiệp của cha mẹ. Mấy tháng nay em chơi bời quá không kể vợ, không về nhà nên dì rầu mà mang bịnh mà bỏ mình đó, em có thấy hay không. Em phải ăn năn mà sửa mình. Bây giờ em làm chủ một cái gia tài lớn, em phải lo. Để ít bữa rồi qua đi qua bên Ông Văn qua nói với bác Hội đồng một lần nữa đặng xin cho con Tư về bên nây mà coi nhà coi cửa. Vợ em tử tế lắm, mà nghe nói nó lại có nghén rồi nữa. Em đừng có hân hủi nó như hồi trước nữa. Còn lúa ruộng mùa nầy, phần của ai nấy lãnh, song phần dưỡng lão của dì, qua muốn để cho em ăn luôn huê lợi mà làm tuần cho dì, chừng nào mãng tang rồi chúng ta sẽ chia như ý cha định. Dượng Ba nó chịu như vậy hay không?”.
Hương chủ Hậu vui lòng mà chịu liền. Thượng Tứ thuở nay ít gần hai anh, nay thấy anh ruột với anh rể đều thương mình, chớ không phải thù nghịch như lời mẹ nói, thì cậu rất cảm tình. Tuy cậu không có lời tạ ơn, song cậu ngồi ứa nước mắt, trong trí thầm tính sẽ nghe lời anh, sẽ ăn ở tử tế với vợ, không thèm chơi bời nữa.
Số bạc 18 ngàn trức ra để trả nợ hết chín ngàn tư, còn lại tám ngàn sáu, chia làm ba phần, mỗi phần hơn 2860 đồng. Vì Thượng Tứ không bước chưn tới nhà ông Giáo Chuột nữa, nên cậu giao 1400 đồng cho thầy Ban biện Chí đi trả giùm.
Hương chủ Hậu biểu vợ ở lại hủ hỉ coi sóc giùm cho em ít bữa, chừng nào Thượng Tứ rước vợ qua rồi sẽ về.
Lý Thị Nho gắng công làm cho các con của ông Kế hiền Toại chia ra dòng chánh dòng thứ, rồi dòng ăn nhiều, dòng ăn ít mà gây thù gây oán với nhau, nào dè bà vừa nhắm mắt thì các con đều nhớ cái gốc ngày xưa, bởi vậy chẳng những là thuận hòa với nhau trong sự chia gia tài, mà lại còn lo giúp đỡ dìu dắt nhau trong đường đời nữa.
Cô Ba Ngọc ở lại với em, ngày đêm lo dùng lời êm ái mà chỉ chỗ hư nên cho em thấy, nói việc phải quấy cho em nghe, cô hỏi việc nầy, cô khuyên việc nọ, tình chị em coi thân thiết lắm. Trong thân tộc thuở nay Thượng Tứ gần có một mình mẹ mà thôi, mà mẹ thì mắc lo giấu tiền giựt ruộng để cho con, chớ chẳng bao giờ biết do tâm để[2] hay soi trí não của con. Nay cậu mới được gần chị, mà thấy chị muốn biết tâm sự của cậu, là việc cậu còn đương ấm ức, bởi vậy cậu mới đem cuộc gặp gỡ cô Hai hẩu mà thuật lại cho chị nghe từ đầu tới đuôi không giấu một chút nào hết. Cô Ba Ngọc nghe hết rồi cô cười ngất mà nói rằng: “Em khờ quá! Vợ chồng thầy thông Hàng thấy em muốn con Hai Hẩu, nên bày mưu gạt em mà ăn tiền đó đa. Chị dám chắc cái thơ đó là thơ của thầy thông Hàng bày ra, chớ không có con Hai Hẩu nào hết. Còn đồ nữ trang em cho đó thì bây giờ ở trong tay nhà thầy thông Hàng, chớ con Hai Hẩu cũng không hay”.
Thượng Tứ chưng hửng, ngồi ngó chị trân trân mà đáp rằng:
- Có lý nào thầy thông Hàng là anh em với tôi, mà trở mặt xấu như vậy?
- Sao lại không có lý. Vậy chớ Hai Hẩu có giáp mặt mà tỏ tình thương em hay không mà em dám tin? Còn như thiệt cái thơ đó của con Hai hẩu viết và thiệt nó có lãnh đồ kỷ niệm của em thì sao thầy thông lại cản, không cho em in vào nhựt trình chơi? Chuyện đó chị chắt cứng như vậy. Em đừng có phiền con Hai hẩu, vì nó có thương em, có hứa với em việc gì đâu mà em giận nó. Chị hỏi em một điều nầy: Từ hồi đó tới bây giờ, thầy thông Hàng có mượn tiền em hay không?
- Có mượn ba trăm.
- Đó, thấy hôn, chắc rồi còn nghi gì nữa.
Thượng Tứ châu mày, ngồi suy nghĩ một hồi rồi đứng dậy bỏ đi và nói rằng: “Thiên hạ mọi rợ quá!”.
Hổm nay Thượng Tứ thất vọng về ái tình mà thôi, nay nhờ chị vạch mắt cho cậu thấy thói đời chút đỉnh, thì cậu lại thêm chán ngán về nhân tình nữa. Cậu đương buồn bực, kế thầy Ban biện Chí lên biểu cậu sửa soạn đi qua Ông Văn đặng thầy nói mà rước cô Ba Mạnh. Cậu vui lòng nghe lời anh, nên lật đật thay đổi áo quần rồi đem xe hơi ra đi với anh.
Vợ chồng ông Hội đồng Thưởng thấy rể qua thì vui vẻ như thường. Cô Ba Mạnh cũng ra chào anh chồng và lăng xăng lo lấy trầu chế nước.
Thầy Ban biện Chí mở lời nói với ông Hội đồng rằng Thượng Tứ còn khờ dại, mà bây giờ mẹ mất để nhà cửa minh mông, không ai coi trong coi ngoài, nên xin cho rước em dâu về đặng quản suất việc nhà, chớ nếu bỏ Thượng Tứ ở một mình thì sợ e cậu buồn, cậu đi chơi rồi hư hết sự nghiệp.
Ông Hội đồng cười mà đáp rằng:
- Hôm trước tôi đã có nói với thầy rồi. Tôi nói hồi tôi gả con, tôi có giao bắt rể. Bây giờ tôi cho con nhỏ về ở bển sao được.
- Thưa bác, xin bác xét lại. Hồi trước dì tôi chịu cho em tôi ở bên nây, là vì tưởng mạnh giỏi lâu dài. Nay rủi dì tôi mất rồi, em tôi phải ở nhà thờ, bây giờ không lẽ nó bỏ hết mà về bên nây cho được.
- Nếu không được, thì làm sao nó làm, tôi có biết đâu. Tôi cho con nhỏ tôi về bển, thì bên nây tôi làm sao?
- Bên nây còn có hai bác; ở bển không có ai hết, mới khổ cho chớ.
- Không được, việc gì cũng vậy, tôi nói một lần mà thôi, tôi không chịu nói đi nói lại.
- Bắc định như vậy thì tội nghiệp cho hai vợ chồng nó lắm. Em tôi không thế bỏ mà qua ở bên nây được. Con Tư thì bác không chịu cho nó về bển. Làm như vậy thì phân rẽ vợ chồng nó còn gì.
- Thẳng mà thương yêu gì vợ nó nên thầy sợ phân rẽ. Nó đem về bển đặng nó đánh con nọ nữa, chớ làm giống gì.
- Thưa bác, việc đó tôi xin bảo lãnh. Nếu thằng Tư mà nó còn ngang tàng đánh khảo vợ nó nữa, thì tôi chịu lỗi với bác. Về bển có tôi ở gần, tôi coi chừng coi đỗi, không có sao đâu mà bác sợ.
- Thầy có nhà riêng, chớ phải thầy ở chung hay sao mà coi chừng. Mà dầu ở chung cũng không được. Ở bên nây có vợ chồng tôi sờ sờ đây, mà nó còn hà hiếp con nọ thay, huống chi là về bển.
Thượng Tứ thấy cha vợ cố chấp quá, cậu bèn bước lại nói rằng: “Thưa thầy, năm ngoái con khờ dại, nên hay rầy rà với vợ, làm cho buồn lòng thầy má. Bây giờ con nghĩ lại con ăn năn lắm. Vậy con xin thầy má quên cái lỗi của con mà cho vợ con về bển ở đặng xem sóc việc trong nhà cho con. Con hứa chắc từ rày sắp lên con chẳng dám ở quấy với vợ con nữa”.
Ông Hội đồng cười gằn mà đáp rằng: “Tánh tao gắt lắm. Bất luận là việc gì, hễ tao thấy một lần thì nó khắn trong trí tao, rồi chẳng bao giờ tao quên được. Bây giờ mầy nói mầy tử tế, ai mà tin mầy nữa”.
Thượng Tứ mấy bữa rày đã quyết chí muốn bước chưn vào cái đường mà thiên hạ kêu là cái đường phải, song vừa mới xốc tới, thì bị người ta ngăn cản, bởi vậy cậu bối rối, không biết liệu lẽ nào, nên cậu ứa nước mắt.
Bà Hội đồng nãy giờ ngồi lóng tai mà nghe nói chuyện, cố ý để coi chồng định lẽ nào. Chừng bà thấy tình cảnh như vậy bà mới nói rằng: “Cha nó chấp con rể quá như vậy thì tội nghiệp cho nó lắm. Đã biết hồi trước có lời giao, nhưng mà bây giờ nhà cửa nó như vậy, mình ép nó ở bên nây, rồi nó biết bỏ ở bển cho ai. Như cha nó không chịu cho con Mạnh về luôn ở bển, thôi thì phải cho nó qua lại, như ở bên nây ít ngày rồi phải cho nó về bển ít bữa, chớ nhà mà không có đàn bà thì như nhà hoang, còn giống gì mà kể”.
Ông Hội đồng gặt đầu nói rằng: “Nói vậy thì hay vậy, thôi để thủng thẳng tôi tính lại coi. Mà tôi nhứt định, dầu thế nào tôi cũng không cho con Mạnh về ở luôn bên Mỹ Hội đâu”.
Thượng Tứ bước xuống nhà dưới, thấy vợ đương ngồi may, cậu lại gần mà nói rằng: “Nói hết sức mà thầy cũng không cho mình về ở bển. Nhà cửa như vậy, bây giờ tôi biết làm sao!”
Ba Mạnh cúi mặt mà đáp rằng:
- Chớ thầy không cho, tôi biết làm sao.
- Tôi khổ lắm. Hổm nay nhờ có chị Ba ở coi sóc giùm. Mà chỉ có gia thế chỉ, chỉ ở hoài sao được. Mình phải thưa lại thầy má coi chớ.
- Thôi, để chừng cúng thất sau rồi tôi sẽ qua.
- Được! Mà mình đừng có đi xe ngựa. Để bữa đó tôi đem xe hơi qua tôi rước.
Hai anh em Thượng Tứ ở chơi tới xế rồi mới về.