Sáng bữa sau, Tám Hưng xuống khóc và tạ ơn Thượng Tứ. Chiều lại Hương hộ Huy lên chơi, chú nói bà sui đã có cho chú hay về sự Thượng Tứ giúp cho con rể chú thành gia thất, rồi chú khen ngợi ân đức của Thượng Tứ vô cùng. Thượng Tứ cười mà nói rằng: “Không có ân đức chi hết. Tôi thấy con Quế với thằng Sang thương nhau, nhưng vì có cái nghèo, nên nó không cưới được, bởi vậy tôi giúp cho vợ chồng nó thỏa tình, chớ có chi đâu”.
Qua bữa sau nữa, con Quế lên nấu ăn, bộ nó hớn hở, mặt nó tươi chong. Thượng Tứ biết nó đã hay việc cậu giúp cho thằng Sang cưới nó rồi. Cậu lấy làm vui lòng, rồi cậu lại nghĩ thầm rằng nếu cậu để dành số tiền mua đồ kỷ niệm cho cô Hai Hẩu ngày trước đó, thì bây giờ cậu giúp được tới năm bảy người nghèo có vợ có chồng.
Thượng Tứ giúp cho tá điền tá thổ, hoặc cứu nhà nghèo trong xóm trong làng, mỗi năm tốn hao ước chừng vài ngàn đồng bạc. Cậu làm những việc “trái đời” đó, là vì cậu thương con nhà nghèo, lại cũng vì cậu thất tình thất chí nên cậu làm, chớ không phải cậu mong được tiếng khen ngợi.
Nhưng mà những người nghèo khổ, đã thọ ơn rồi hay chưa cũng vậy, đều kính phục mến yêu cậu, tôn trọng cậu hơn quan to, như thần sống.
Sự dân nghèo tôn trọng ấy làm cho mấy người có của ở trong làng trong tổng không ưa cậu, đến nỗi họ bày chuyện xấu mà nói gian cho cậu. Thầy Ban biện Chí là anh ruột cậu, mà cũng còn chê cậu là đồ điên. Còn nói gì ông Hội đồng Thưởng, hễ ông nghe ai nói tới việc của cậu thì ông gải đầu la lớn rằng: “ Ối ! Thằng đó mà nói làm tới chi. Thứ đồ ngu, nó làm bậy làm bạ ít năm đây tiêu hết ruộng đất của ông Kế hiền để lại đó chớ gì. Tôi biết trước nên tôi bắt con Mạnh lại, thiệt là hay lắm. Nếu tôi lôi thôi, nó làm tiêu luôn sự nghiệp của tôi nữa chớ phải chơi sao. Khá, nó biết thân, nên không dám héo lánh tới đây nữa, mà nó cũng bỏ thằng con nó cho tôi nuôi luôn, nó không dám đòi bắt.
Ai thương ai ghét Thượng Tứ không màng; ai kích bác, ai chê cười cậu cũng không kể. Cậu cứ giúp đỡ lo lắng cho con nhà nghèo, ai nói thế nào mặc ai, miễn là cậu vui lòng thì thôi.
Một bữa nọ cậu đi chợ cậu gặp thầy thông Hằng. Thầy trách cậu theo cứ lúc thúc ở nhà hoài, không đi chơi bời chi nữa hết. Cậu cười mà đáp rằng: “Vậy chớ thầy quên mấy lời tôi nói với thầy hồi trước hay sao ? Tôi chơi bời, quyết xài phá chút đỉnh đặng học khôn dại. Tôi tốn mấy ngàn đồng bạc đủ rồi. Bây giờ còn đi chơi làm chi nữa ?” Thầy thông Hàng có tịt nên thầy mắc cở; thầy không dám hỏi tới chuyện chơi nữa. thầy hỏi lơ là việc nhà của Thượng Tứ rồi thầy từ mà đi. Từ ấy về sau thầy hết dám tới nhà Thượng Tứ nữa, mà khi nào gặp cậu trên chợ, thầy cũng không dám rủ ở chơi.
Thượng Tứ lìa vợ con, tránh bậu bạn, trót năm năm trường hiu quạnh một mình, thú vui chẳng có chi khác hơn là cứu giúp tá thổ tá điền, hoặc dìu dắt người trong làng trong xóm. Một buổi sớm mai, cậu vừa thức dậy thì nghe tin cha vợ đã chết hồi hôm. Cậu lật đật đi xuống nhà thầy Ban biện Chí mà hỏi coi tình cha vợ chàng rể đã dứt rồi, nhưng mà bây giờ ông Hội đồng Thưởng từ trần, cậu có nên qua chịu tang hay không.
Thầy Ban biện liền đáp rằng: “Tuy vợ chồng xa nhau, nhưng mà không có để bỏ chi hết. Đã vậy mà em ở với con Tư lại có con. Em phải qua chịu tang, chớ không qua sao được”.
Thượng Tứ ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Tôi cũng nghĩ qua chịu tang mới phải, bởi vì tuy ông gia tôi khiến cho vợ chồng tôi phân rẽ, nhưng mà mấy năm nay tôi không cưới vợ khác, mà vợ tôi nó cũng chưa lấy chồng. Đã vậy mà hồi má tôi mất, vợ tôi nó đã qua chịu tang đủ lễ, có lẽ nào bây giờ tôi lại làm lơ. Ai quấy mặc ai, mình không nên lấy quấy mà trả quấy. Tuy vậy mà có một điều làm cho tôi ái ngại là ông gia tôi giàu có lớn, tôi không tới lui đã năm sáu năm rồi, bây giờ ổng mất, tôi qua chịu tang, tôi sợ e thiên hạ không hiểu, họ tưởng tôi muốn hưởng gia tài nên lết tới.
- Họ tưởng thế nào trối kệ họ, hơi đâu mà lo. Gia tài của ông già vợ em thì em hưởng, can cớ cho ai mà họ nói. Em phải biết, theo thiên hạ thì dầu bác Hội đồng chưởi nát đi nữa, họ cũng chui đầu mà tới hoài, chớ có phải họ làm như em vậy đâu.
- Miệng thiên hạ khó lòng lắm. Việc quấy, nếu họ làm thì họ cho là phải; còn hễ họ thấy ai làm, thì họ chê cười, họ giem siểm.
- Ối ! Thây kệ họ ! Em liệu phải thì em làm, đừng có kể ai hết.
- Không. Thuở nay tôi làm việc chi tôi có thèm kể ai đâu. Nhưng mà việc nầy tôi ngại một chút là vì tôi sợ vợ tôi nó không thương tôi, rồi nó cũng khinh thị tôi nữa chớ.
- Có lẽ nào con Tư nó dám khinh thị em. Em đi đi, đừng có dục dặc chi hết.
Thượng Tứ nghe lời anh, nên về thay đồ qua chợ Ông Văn liền. Bà Hội đồng thấy rể nhỏ mấy năm nay không tới lui, mà bây giờ nó cũng qua, thì bà động lòng nên bà khóc chồng nghe thảm thiết. Cô Ba Mạnh thấy Thượng Tứ cô đãi cũng như thường chớ không tỏ dấu chi khinh khi hay là hờn giận. Duy có vợ chồng Thôn Châu lạt lẽo, chồng còn hỏi lơ là, chớ vợ thiệt không thèm hỏi tới.
Thượng Tứ ở mãn đám tang. Chừng cúng phản khốc rồi, cậu sửa soạn cáo từ mà về, thì Thôn Châu nói rằng: “Dượng về chi gấp vậy ? Dượng phải ở lại đặng tối nay tính việc nhà một chút chớ”.
Thượng Tứ cười mà hỏi rằng:
- Việc nhà là việc gì ? Tôi có biết việc gì ở đâu mà tính ?
- Ậy, mà dượng phải ở lại đặng tối hết khách rồi vợ chồng tôi nói chuyện một chút.
Thượng Tứ tưởng vợ chồng Thôn Châu muốn phân giải việc vợ con của cậu, nên cậu dụ dự, nửa muốn ở lại nghe coi người ta nói thế nào, nửa muốn về phứt cho rồi đặng khỏi nghe những tiếng vô tình của vợ nữa. Cậu chưa nhất định, bỗng nghe bà Hội đồng nói rằng : “Thằng Ba tính về hay sao ? Về giống gì mà gấp dữ vậy ? Thầy con mất, con phải ở lại một ít bữa với má chớ”. Mấy lời ấy tuy trách mà có tình, làm cho Thượng Tứ không thế cãi được, nên phải ở lại.
Tối lại, khách ở xa về hết ; tá điền tá thổ họ cũng về nghỉ đặng sáng còn phải trở lại mà lo dọn dẹp.
Bà Hội đồng đương ngồi tại bộ ván trước bàn thờ chồng mà ăn trầu. Thôn Châu với Thượng Tứ thì ngồi chung quanh cái bàn kế đó. Cô Hai Khỏe ở nhà sau đi lên, cô lại ngồi gần mẹ mà hỏi rằng : “Thầy mất rồi, bây giờ việc nhà má tính sao đây ?”.
Bà Hội đồng day qua hỏi rằng :
- Việc nhà là việc gì ? Mầy muốn nói việc con Mạnh phải hôn ?
- Thưa phải. Tôi muốn nói việc đó.
- Hồi trước thầy giận thằng Ba, thầy mầy rầy la, không cho nó tới lui. Tao can hết sức không được. Bây giờ thầy mầy mất rồi, con rể nó biết phải[1], nó qua chịu tang. Thôi, từ rày sắp lên, thằng Ba nó mắc gia thế của nó, nó không về bên nây mà ở được, thì vợ chồng nó qua lại với nhau như hồi trước, chớ có chuyện chi đâu mà tính.
- Không. Không phải tôi muốn nói chuyện đó. Việc vợ chồng con Mạnh, má tính thế nào má tính, tôi có cần nói làm chi. Tôi hỏi vậy chớ má quyết để cho con Mạnh ở luôn trong nhà nầy hay sao ?
- Vậy chớ mầy biểu tao đuổi nó hay sao ?
- Tôi không bằng lòng để nó ở nhà nầy nữa.
- Ủa ! Sao vậy ? Thầy mầy mất rồi, nó phải ở hủ hỉ với tao chớ. Tại sao mà mầy lại không bằng lòng ?
- Con cũng là con, mà tôi là con lớn nữa. Nó là nhỏ, nó không được phép làm chủ cái nhà nầy. Như má muốn nó ở đây thì má phải mời làng, hoặc rước trưởng Tòa, biên hết thảy vàng bạc trong tủ, biên hết thảy tài vật trong nhà, rồi lập vi bằng giao một bổn cho tôi giữ mới được.
- Làm chi vậy ?
- Nếu không làm như vậy, con Mạnh nó đoạt hết gia tài rồi làm sao ?
Bà Hội đồng giận đỏ mặt. Bà kêu Thôn Châu mà hỏi rằng: “Thằng Hai, mầy có nghe vợ mầy nó nói đó hay không ? Thiệt tao không dè con Khỏe nó bất hiếu quá như vầy ! Cha nó chết, nấm mộ chưa khô, mà nó đã tranh gia tài, nó muốn móc họng em nó chớ !”.
Thôn Châu đứng dậy đáp rằng:
- Thưa má, vợ của con nó muốn ngày sau chị em khỏi xích mích kiện thưa, nên nó tính như vậy, chớ phải nó đòi chia gia tài bây giờ, hay là nó ganh gổ chi dì Ba đâu.
- Tè ra mầy cũng vậy nữa ! Nếu bây sợ con Mạnh ở đây nó ăn hết của, thì vợ chồng bây về đây mà ở.
Cô Hai Khỏe hớt mà đáp thế cho chồng rằng: “Dầu má không biểu tôi cũng về; dại gì mà để cho vợ chồng con Mạnh nó ăn hết”.
Bà Hội đồng giận quá, song bà không biết nói sao được, nên bà têm trầu mà ăn, không thèm trả lời.
Cậu Thượng Tứ thấy vậy, cậu lấy làm bất bình nên cậu nói rằng: “Chị Hai nói như vậy, em phiền lắm. Vì thầy đuổi em, nên năm sáu năm nay em có dám tới lui nhà nầy nữa đâu. Nay thầy mất, em vì cái nghĩa cha vợ chàng rể nên em phải tới mà cư tang báo hiếu. Em vì tình nghĩa chớ không phải vì gia tài. Tang lễ xong rồi, hồi chiều em muốn về, tại anh Hai cầm, rồi má biểu nữa, nên em mới còn ở đây. Việc gia tài của thầy má, em không cần biết làm chi. Xin chị Hai hỏi thử má coi từ ngày em vào làm rể của thầy má cho đến bây giờ, em có xài tiền của thầy má hết bao nhiêu. Sao chị chưa hỏi má, mà chị lại nói vợ chồng em ăn hết của thầy má ? Vợ em ở trong nhà nầy, chị nghi ngại, chị ganh ghét, chị nói sao thì chị nói, chớ em là đứa vô can, nhà của em thì em ở, tiền của em thì em xài, em có phạm đến quyền lợi của chị chút nào đâu, sao chị buông lời nói luôn em nữa ? Anh Hai chị Hai không cho vợ em ở đây, thì anh Hai chị Hai đuổi nó. Anh Hai chị Hai muốn về ở đây, thì anh Hai chị Hai về ở. Làm thế nào em cũng không cản trở gì, sao anh chị tranh giành gia tài, mà lại kẹp luôn em vô làm cho ?”
Cô Hai Khỏe nghẹn họng, còn Thôn Châu hổ ngươi, nên hai vợ chồng ngồi nín khe.
Bà Hội đồng tằng hắng rồi bà nói rằng: “Bây giờ mới thấy rõ ràng ai tốt ai xấu ! Mà tao nói cho bây biết, cha bây lầm chớ tao không có lầm đâu. Nhà cửa ruộng đất của tao làm ra, tao muốn cho ai tao cho, không ai được phép nói tiếng gì. Nhà nầy cha bây nhứt định cho thằng Thọ ở đặng nó phụng tự ông bà, thì mẹ con nó ở. Bây có quyền gì mà đuổi. Vợ chồng bây thiệt là khốn nạn ! Cha bây chết, mới chôn vừa rồi; tao còn sờ sờ đây, mà bây đã muốn sanh chuyện đa há ! Đâu bây giỏi kêu ai tới biên gia tài của tao, thì bây làm thử cho tao coi”.
Cô Hai Khỏe xụ mặt đáp rằng:
- Thầy nói để cái nhà nầy cho con của con Mạnh, mà thầy có lập chúc ngôn hay không ? Như có thì má đưa tôi coi thử coi.
- Cha mầy nói miệng cũng đủ, cần gì phải có giấy tờ.
- Có được đâu. Nếu không có giấy tờ thì cái nhà nầy là của chung, có ai mà giựt được.
Nãy giờ cô Ba Mạnh đứng núp trong cửa buồng, cô nghe rõ ràng các việc hết thảy. Chừng cô Hai Khỏe tỏ lời ganh gổ thái quá, thì cô Ba Mạnh không thế dằn lòng nữa được, nên cô bước ra mà nói rằng: “Chị Hai né, chị muốn ở nhà nầy thì chị về đây mà ở. Tôi không thèm đâu, đừng có theo mà giành. Tại thầy nên tôi mới ở đây chớ. Còn thầy nói cái nhà nầy làm nhà thờ, để cho con tôi ở mà phụng tự ông bà, chớ phải tôi giựt hay sao, nên chị nói nhiều chuyện. Cha mẹ sanh có hai chị em, mà chị nghe lời người dưng, chị không biết thương em út. Thầy mới mất mà chị đòi biên tài sản, chị muốn chia ruộng đất, chị quyết giành nhà cửa, chị làm như vậy không sợ họ cười hay sao ? Dầu chị không kể tình chị em, thì chị cũng phải nghĩ nghĩa mẹ con chớ. Sao chị lại kiếm chuyện mà làm cho má buồn như vậy ? Tôi biết ý chị rồi. Chị sợ cho tôi ở đây rồi tôi chuyên hết gia tài đi. Thôi, chị về đây mà ở với má. Tôi giao hết gia tài cho chị ăn một mình, tôi không chia chác gì đâu, đừng có ganh ghét nữa”.
Tuy mấy lời của cô Ba Mạnh là lời nói lẩy, song xét cũng có cái nghĩa ít nhiều, bởi vậy Thượng Tứ ngồi nghe, cậu lấy làm vừa lòng. Cậu nghĩ, nếu ở nữa thì cũng nghe cái chuyện tranh gia tài chớ không ích gì, bởi vậy cậu kiếm cớ cáo từ mà về liền.
Cách vài ngày, bà Hội đồng sai bạn đi Mỹ Hội kêu Thượng Tứ qua cho bà nói chuyện. Thượng Tứ không hiểu chuyện gì, nên lật đật lấy xe đi liền. Cậu bước vô nhà không thấy vợ chồng Thôn Châu, chỉ thấy bà Hội đồng với vợ con cậu mà thôi.
Cậu qua ở mấy bữa đám ma, thằng Thọ đã quen với cậu rồi, nên nay nó thấy cậu thì nó chạy a lại mừng, cha con ôm nhau coi bộ thân thiết lắm.
Bà Hội đồng thấy vậy bà cười mà nói rằng: “Ông Trời ổng khiến kỳ cục quá. Từ hồi nó mới được ba tháng cho tới bây giờ nó có thấy mặt cha nó đâu. Mới gặp mấy bữa hổm, mà bây giờ coi bộ nó trìu mến chớ. Hổm nay nó nhắc cha nó hoài. Né, Thọ, con về bên Mỹ Hội mà ở với cha con, con chịu hay không ?”.
Thằng Thọ day lại hỏi rằng:
- Mỹ Hội ở đâu ?
- Chỗ cha con ở đó.
- Chịu. Mà má cũng đi với tôi nữa chớ.
- Con đi với cha con. Má con mắc ở nhà với bà ngoại.
- Không chịu. Tôi đi một mình rồi tôi nhớ má tôi làm sao ?
- Có cha con đó không được hay sao ? Cần gì phải có má ?
- Có cha mà cũng phải có má tôi mới chịu.
Bà Hội đồng nghe cháu nói như vậy thì bà cười ngất. Vợ chồng Thượng Tứ cũng ngó nhau mà cười.
Bà Hội đồng bèn nói với Thượng Tứ rằng: “Vợ chồng con Khỏe tham lam, không ra giống gì hết. Bữa hổm con nghe nó nói đó thì con đã hiểu rồi. Nó kể đồng tiền, chớ nó không biết nhơn nghĩa. Con của má đẻ, má biết lắm. Con Khỏe hồi chưa có chồng nó có như vậy đâu. Tại thằng chồng nó khốn nạn, mưu sự, bày đặt cho nó, nên nó mới sanh tâm ganh gổ đó. Hôm nọ con về rồi, nó cứ theo gây gổ với con Mạnh hoài, nó nói nếu con Mạnh ở đây thì nó phải thưa với Tòa đặng xin biên tài sản, kẻo con Mạnh sang đoạt hết đi. Con coi có phải là nó khốn nạn hay không ? Thôi, thứ đồ bất hiếu như vậy, má không thèm kể nó nữa. Má kêu con qua đây, là muốn nói chuyện con Mạnh với con. Thầy con tánh hay cố chấp lắm; hễ ổng thấy việc trái ý, thì ổng ghi vào trí mà nhớ hoài, không ai khuyên giải được hết thảy. Tại ổng hờn con một chút mà ổng không chịu cho con Mạnh về bển, chớ không có chi lạ. Thôi bây giờ thầy con mất rồi, má không muốn để cho vợ chồng, cha con phân cách nhau nữa; vậy từ rày sấp lên má cho phép con hoặc muốn rước mẹ con con Mạnh về bển mà ở cũng được, hoặc để bên nây hủ hỉ với má, rồi con qua lại cũng được. Con tính lẽ nào thì con liệu lấy”.
Thượng Tứ ngồi suy nghĩ một hồi rồi cậu đáp rằng: “Má thương con, má muốn cho vợ chồng con tái hiệp, cái ơn ấy dầu mãn đời con cũng không quên. Nhưng mà con xin phép má cho con hỏi một điền nầy: má định như vậy, mà không biết con tới đây, hoặc con rước về bển, vợ con nó có vui lòng hay không ?”.
Bà Hội đồng chưng hửng mà hỏi rằng:
- Tại sao con hỏi kỳ cục như vậy ? Sao mà nó lại không vui lòng ?
- Thưa má, con hỏi như vậy là vì con thấy vợ con không có tình gì với con hết. Má nhớ lại mà coi, ngày vợ con đẻ được 3 tháng, con qua xin rước, thầy rầy rà và cấp không cho con tới lui nữa. Con hỏi ý vợ con, thì nó nói con với nó đã hết duyên nợ rồi, nó biểu con cưới vợ khác, không còn vợ chồng gì nữa mà tới lui. Nếu vợ nó hết thương con rồi, mà má ép nó thì cực lòng nó chăng ?
Cô Ba Mạnh nghe chồng nói như vậy thì cô khóc mà đáp rằng: “Hồi đó tôi nói nặng mình là tại chị Hai đa. Đến sau tôi mới biết là chỉ nhiều chuyện”.
Thượng Tứ chưng hửng bèn hỏi rằng:
- Sao mà tại chị Hai ? Chỉ nói giống gì ?
- Chỉ kẽ vạch, chỉ nói mình chơi bời lung lắm, đêm nào mình cũng đem mèo chó về nhà, mình lại đương tính kiếm vợ khác nữa. Chỉ nói nhiều chuyện lắm, nên tôi giận, tôi không chịu về bển.
- Té ra chị nầy sanh chuyện quá rồi ! Chị đặt điều làm cho phân rẽ vợ chồng người ta chi vậy !
- Không. Bây giờ tôi hiểu rồi. Chỉ bày chuyện đó không phải chỉ muốn làm cho vợ chồng mình phân rẽ đâu. Chỉ không muốn cho tôi ở nhà nầy, chỉ bày chuyện đặng cho tôi ghen tôi về bên nhà mà ở. Chẳng dè chỉ nói, tôi nổi giận, tôi không chịu về bển, làm cho cái kế của chỉ không thành, nên mấy năm nay chỉ ghét tôi lung lắm.
- Lòng người thiệt là sâu hiểm quá ! Mà nhứt là cái lòng tham lợi có thể giết người được như chơi !
Thượng Tứ hiểu tình ý vợ rồi, cậu hết phiền nữa nên cậu thưa với bà Hội đồng rằng: “Thưa má, bây giờ má cho phép vợ chồng con sum hiệp, lẽ thì con phải để vợ con ở bên nây mà hủ hỉ với má mới phải. Nhưng mà con xét tánh ý chị Hai, nếu để vợ con ở đây thì chỉ sanh chuyện, rồi làm trong nhà xào xáo càng thêm cực lòng cho má. Vậy con xin má để con rước hết vợ con của con về bển mà ở cho yên ổn trong nhà. Tuy nói về bển, song năm ba bữa cũng qua một lần mà thăm má, chớ không phải đi luôn. Xin má đừng buồn”.
Bà Hội đồng chịu cho. Thượng Tứ xin rước liền. Bà nói ngày ấy không được tốt nên bà biểu đợi hai bữa nữa, nhằm ngày 21 rồi sẽ qua rước.
*
* *