Người đi đường Bắc-Liêu[1] xuống Gia Rai, ra khỏi Châu Thành chừng mười cây số, ngó qua phía tay trái thì thấy một cánh đồng rộng mênh mông không cây, không xóm, trải một màu vàng khè, cách xa-xa mới có pha một vạt xanh-xanh với ít con trân đứng sừng-sựng cúi đầu ăn cỏ; còn ngó qua phía tay mặt thì thấy một xóm nằm dài trên một ngàn thước, kêu là xóm Láng Dài, nhà chen ở khít nhau mà xóm ít cây nên nóc nhà nổi hẳn lên, ở xa coi như đám núm rơm mới mọc.
Ở đầu Láng Dài, phía mặt trời mọc, có một cái nhà lá nhỏ hai căn một xép, trước là một cái sân trồng ba cây đu-đủ với ít cây ổi, trong nhà, chính giữa có một bàn thờ, hai bên lót hai bộ ván dầu với vài cái ghế; còn phía trong buồng thì có hai cái giường, lại có một đống lúa ước chừng vài chục giạ. Nhà tuy nghèo, song ngoài sân quét sạch-sẽ, trong nhà dọn vẻn-vang, đến căn xép, là chỗ để bếp nấu ăn, mà cũng chẳng hề có một cọng rác.
Cái nhà này là của thím Lý Thị Phòng, hồi trước là vợ của thầy giáo dạy chữ nho, tên là Đặng Phi Điểu, mà bây giờ là tá điền của ông cựu Hương-cả Tô Hồng Hoàng.
Ông Đặng Phi Điểu gốc ở Quảng Nam, cách hai mươi lăm năm trước, ông vào ngụ tại xóm Láng Dài mà làm thầy thuốc và dạy riêng người trong xóm học chữ nho. Ở được ít năm, ông coi thế làm ăn lâu dài được, ông mới nói mà cưới Lý Thị Phòng, là con gái một nhà nghèo trong làng, rồi vợ chồng ăn ở với nhau, chồng lo dạy học, hốt thuốc, vợ lo cấy gặt làm ruộng lần lần sanh đặng một đứa con gái và hai đứa con trai. Khi đứa con út mới nên ba tuổi thì ông Đặng Phi Điểu từ trần, bỏ lại một vợ góa với ba con dại. Nhờ ông Đặng Phi Điểu bình sanh ăn ở nhỏ nhoi, lại nhờ thím Lý Thị Phòng tánh tình chơn chất, bởi vậy trong xóm ai thấy mấy đứa nhỏ côi cút cũng đều thương. Thím Lý Thị Phòng người ta thường kêu là thím giáo Điểu, một mình lo làm ruộng nuôi con, ruộng thì mướn của ông cựu Hương-Cả Tô Hồng Hoàng mà làm, mỗi năm đong lúa ruộng[2] rồi thì còn dư được chừng năm ba chục giạ.
Năm 1928, là lúc bắt đầu thuật truyện này, thì thím giáo Điểu đã được 39 tuồi, còn đứa con gái lớn của thím, tên là Đặng Thị Hảo, được 18 tuổi, đứa con trai giữa, tên Hòa được 12 tuổi và đứa con trai út, tên Hiếu, được 7 tuổi.
Một buổi chiều, thím Giáo nghe nói vợ Hương Hào Cao ở đầu xóm trên đau, nên thím đi thăm. Thằng Hòa dắt thằng Hiếu ra trước sân, lựa chỗ bóng mát rồi lấy chà tre[3] với lá ổi tập cất nhà mà chơi.
Đặng thị Hảo ở nhà một mình, cô buồn nên nằm trên võng đưa cọt-kẹt, mặt buồn hiu. Tuy cô là con nhà nghèo, thường ngày phải nấu cơm, xách nước, bửa củi, quét nhà, đến mùa làm ruộng lại còn phải phụ với mẹ mà cấy gặt, song cô đã sẵn có dung nhan tuấn tú, nước da trắng đỏ, cặp mắt sáng ngời, gò má như miếng bầu, chơn mày như bán nguyệt, bàn tay dịu nhĩu mà ngón lại thon như mũi viết, mái tóc đen thui mà hơi quăn như dợn sóng, tướng đi yểu điệu, tiếng nói trong ngần, bởi vậy dầu cô lam lũ mà sắc cô không phai, hết thảy đờn bà trong làng ai cũng trầm trồ khen cô là gái đẹp. Cô đã có sắc, mà lúc còn nhỏ nhờ có cha kềm dạy, nên cô lại biết chữ nho, biết làm thi nôm, sự học thức ấy làm cho cao phẩm giá của cô, bởi vậy những con nhà nghèo, hoặc con hương-chức nhỏ trong làng không có một mặt nào dám gắm ghé.
Bữa nay cô nằm một mình cô buồn, mà có sự buồn ấy nên gương mặt cô thêm nghiêm-nghị, coi càng đẹp hơn nữa. Cô nằm trên võng, gác tay qua trán, cặp mắt lim-dim, một hồi lâu rồi cô ngồi dậy xuống bếp nhúm lửa nấu cơm chiều. Cô bắc nồi cơm lên bếp rồi cô lại đứng dựa cửa mà ngó ra sân. Hai đứa em của cô đương ngồi chơi trước mặt cô đó mà không ngó, cô cứ ngó ra cái đường nhỏ đi ngang ngoài hàng rào, cô ngó trân trân, một lát cô lại cúi đầu lấy tay rờ bụng, rồi hai giọt nước mắt rớt xuống ướt áo cô. Cô lấy vạt áo chùi nước mắt rồi trở vô bếp ngồi chụm lửa.
Cơm vừa chín thì thím giáo Điểu đi xóm cũng đã về tới. Cô Hảo lấy mâm lau chén mà dọn cơm rồi kêu hai em vô ăn. Ngồi ăn cơm, thím giáo Điểu mới nói với cô Hảo rằng:
- Thím Hương Hào đau nhiều quá, sợ thím chịu không nổi.
- Má lên thăm, thím biết má hay không?
- Còn biết. Mà thím nói một hai tiếng, chớ thím mệt nên nói nhiều không được.
- Chú Hương Hào rước thầy nào hốt thuốc cho thím uống đó?
- Ông thầy nào ở dưới Cái Hưu không biết. Trong xóm họ lại thăm cũng bộn. Có bà Chủ cũng lên thăm đó nữa, bà mới về một lượt với tao đây.
Thím giáo Điểu nín một hồi rồi nói tiếp rằng: “À, hồi nãy về dọc đường tao có gặp hai vợ chồng ông Cả dắt cậu Tú-Tài đi coi vợ về, ăn mặc lòe loẹt dữ”.
Cô Hảo nghe mẹ nói mấy lời thì cô để cái chén xuống mâm, mắt nhìn mẹ trân-trân rồi hỏi rằng:
- Má nói ông Cả nào?
- Ông Cả cựu là ông Cả Hoàng, chủ điền của mình chớ ông cả nào, con khéo hỏi dữ.
- Bộ khi người ta đi đâu đó chớ! Sao má biết ông Cả bà Cả dắt cậu Tú-Tài đi coi vợ?
- Bà Chủ bà[4] nói tao mới biết chớ! Bà ở bên hè, tối ngày bà qua lại nhà bà Cả hoài, bà nói không chắc hay sao?
- Coi vợ ở đâu?
- Nghe nó ông Cả bà Cả tính làm sui với Bá-Hộ Chịnh.
- Bá-Hộ Chịnh ở đâu?
- Ở bên Cái Dầy, nghe nói ông đó giàu lớn lắm đó mà.
Cô Hảo nghe nói bao nhiêu đó thì cô và riết ăn cho hết chén cơm, rồi bỏ đi uống nước. Thím giáo Điểu thấy con bữa nay ăn cơm ít, mà sắc mặt lại có nét buồn thì thím lấy làm lạ, nên liếc mắt ngó theo con. Thím dòm thấy cô Hảo đứng uống nước, mà lại cặp mắt ướt rượt thì thím phát nghi, song thím cứ ngồi ăn cơm với hai đứa con nhỏ, không hỏi han chi hết.
Ăn cơm rồi cô Hảo cũng dọn rửa như thường, nhưng mà mẹ với em cô đều thấy cô buồn nghiến, chớ không phải tươi cười như trước.
Vừa mới tối thì cô đã rút vô mùng liền. Thím giáo Điểu muốn rõ tình ý của con, nên đợi thằng Hòa với thằng Hiếu đi ngủ lâu rồi thím mới dở mùng kêu nhỏ cô Hảo dậy ra ngoài cho thím biểu.
Một cái đèn ngọn leo lét để trên bàn, thím giáo Điểu ngồi trên ván, cô Hảo đứng dựa cây cột gần đó, ngoài sân lặng-lẽ, trong nhà im-lìm, chỉ nghe tiếng chim cúc kêu xa-xa, với tiếng thằn-lằn tắc [5] lưỡi gần bên vách.
Thím giáo Điểu nhìn con rồi nói rằng: “Từ hồi chiều cho tới bây giờ má thấy con có sắc buồn. Tía con đã mất rồi, trong nhà chỉ còn có một mình má. Con có việc gì, con phải tỏ cho má biết chớ sao con giấu, để buồn riêng một mình?”.
Cô Hảo đứng nín khe một hồi rồi đáp rằng:
- Con có buồn việc chi đâu.
- Con chẳng nên giấu má. Có việc gì con phải nói thiệt cho má nghe. Má nhớ lại thì là hồi chiều má thuật chuyện cậu Tú-Tài đi coi vợ, con nghe rồi con buồn liền từ hồi đó tới giờ. Con có tình ý gì với cậu Tú-Tài hay không? Con cứ nói thiệt cho má biết, đừng giấu giếm chi hết.
Cô Hảo không trả lời, lại lấy vạt áo mà lau nước mắt. Thím giáo Điểu thở dài một cái rồi nói tiếp rằng: “Mấy tháng nay cậu Tú-Tài chà lết tới nhà hoài, má thấy má nghi lắm. Mà biết làm sao? Mình là tá-điền, người ta là chủ đất, người ta tới nhà mình đâu dám xô đuổi. Mà chắc cậu có nói chuyện với con rồi chớ gì, phải vậy hay không?”
Cô Hảo cũng không trả lời.
Thím giáo nói tiếp rằng: “Cậu nói với con làm sao đâu, con thuật lại cho má nghe thử coi. Con đừng có sợ chi hết, má không rầy rà gì đâu.”
Cô Hảo bệu bạo đáp nhỏ nhỏ rằng:
- Cậu nói cậu thương con lắm, cậu thề thốt thế nào cậu cũng cưới con.
- Cậu nói như vậy rồi con trả lời làm sao?
- Con không trả lời chi hết.
- Vậy chớ sao con nghe cậu đi coi vợ rồi con lại buồn?.
- Bởi con thấy cậu thương con quá, nên con cũng thương cậu.
- Trời ơi! Thương làm sao cho được con! Người ta giàu có, lại học thi đậu bực Tú-Tài, mẹ con mình nghèo hèn thấp-thỏi quá, có thế nào người ta hạ mình cưới con bao giờ. Con dại quá!
- Cậu Tú-Tài thề chắc lắm.
- Ối! Hồi muốn thì cậu thề bướng, lời thề đó như nước đổ lá môn, tin làm sao được. Cậu chọc ghẹo, thề thốt với con hồi nào?
- Hồi tháng cấy năm ngoái.
- À, lúc cậu thi đậu rồi về ở nhà đó phải không?
- Thưa phải.
- Cậu nói chuyện với con hồi nào sao má không hay?
- Hễ bữa nào má đi cấy, đi gặt hoặc đi xóm thì cậu xuống, cậu cho tiền sắp nhỏ lại quán mua bánh ăn, đặng cậu ở nhà nói chuyện với con.
- Sao con không nói cho má hay?
- Con sợ má rầy nên con không dám nói. ********
Thím giáo chắc lưỡi lắc đầu, ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi nói rằng: “Tía con hồi trước dạy con học chữ nho nhiều. Làm thân con gái phải giữ trinh tiết, sao con dại lắm vậy? Cậu Tú-Tài muốn con nên chọc ghẹo qua đường vậy thôi, chớ cưới con làm vợ sao được. Con phải dè dặt, nghe lời cậu làm chi. Bây giờ cậu đi coi vợ đó con thấy không?”
Cô Hảo khóc và đáp rằng:
- Hồi đó cậu hứa với con chắc lắm. Cậu nói cậu giàu có cậu không cần cưới vợ giàu làm chi. Cậu học giỏi rồi, nên cậu quyết kiếm người vợ nghèo mà biết nhơn nghĩa, biết chữ nho, để tề gia nội trợ. Cậu khinh khi nhà giàu lắm, cậu thề thốt với con, nên con mới tin chớ.
- Thề thốt sao mà bây giờ coi vợ đó?
- Con sợ bà chủ nghe thất thố rồi bà nói phỏng chừng, chớ không lẽ cậu Tú-Tài bỏ con mà đi cưới vợ khác. Mới cách mấy bữa rày đây cậu còn tính nói thiệt với ông Cả bà Cả đặng cưới con. Con chắc hồi chiều cậu đi đâu về má gặp đó, chớ không phải đi coi vợ.
- Cậu bận áo dài, bịt khăn đen đàng hoàng lắm mà.
- Không biết chừng người ta đi đám cưới, đám hỏi nào đó.
- Có ông Cả, bà Cả đi nữa mà. Mướn xe hơi đi rần rộ, coi mòi phải đi nói vợ lắm. Lại bà chủ ở gần một bên, bà biết rõ công việc, bà nói không chắc hay sao.
- Thôi, để bữa nào con gặp cậu Tú-Tài, con hỏi lại rồi con mới tin.
Thím giáo châu mày, lắc đầu mà nói rằng: “Nếu ông Cả bà Cả có lòng thương mình, nói mà cưới con cho cậu Tú-Tài, thì mẹ con mình có phước biết chừng nào. Ngặt vì cái phước đó lớn quá nên má không dám mơ ước. Má nghi lắm con ơi, sợ cậu Tú-Tài cậu gạt con, rồi con mang tiếng, má cũng xấu hổ, ở xứ nầy nữa sao được. Thuở nay mình nghèo chớ không nhơ bợn của ai. Mà từ ngày tía con mất đến nay đã bốn năm rồi, má hẩm hút nuôi con, cũng chẳng có tiếng tăm gì. Chuyện con làm đây, nếu cậu Tú-Tài cưới con thì chẳng nói làm chi, chớ nếu cậu bỏ con thì khổ lắm. Tuy việc âm thầm mà chòm xóm láng giềng chắc họ đã hay hết, xấu hổ biết chừng nào”.
Thím giáo nói tới đó thì thím khóc dầm. Cô Hảo đứng một bên cô cũng khóc.
*
* *
Con gái mới 18 tuổi, lòng còn thanh-bạch như đám tuyết đọng trên đình, trí còn vẩn-vơ như cụm mây treo giữa trời. Lại con gái ấy ở trong chốn thôn quê, thuở nay lam lũ theo phường ruộng rẫy, chưa từng nghe nói một lời xảo-trá, chưa từng thấy một chuyện gian tà.
Một cậu thanh niên, vẫn là con nhà giàu, từ nhỏ đã giao-du nhiều tỉnh, trót 8 năm ở học tại Sài-Gòn, đã nếm gần đủ mùi mặn lạt trên trần thế, lại học đến bực Tú-Tài, thuộc nhiều câu khôn khéo để khêu gợi lòng người, biết nhiều điều phỉnh phờ để mạ tròng thiên hạ.
Gái như vậy mà gặp trai như vậy, thì tài nào giữ đám tuyết kia khỏi lem, tài nào níu cụm mây kia khỏi đùa theo ngọn gió cho được.
Cô Hảo tuy là có học nho nhiều ít nhưng mà cô là một gái mới lớn lên, chân chất thiệt thà đa tình đa cảm, nghe cậu Tú-Tài Tô-Hồng-Xương nói cậu trọng nhà nghèo thì cô tin liền như vậy, nghe cậu nói cậu thương cô thì cô chắc cậu thiệt tình, cô nghĩ Dương Ngọc xưa ở trong núi trồng khoai mà còn được Thái Tử rước vào cung, huống chi cô làm ruộng thì cô được Tú-Tài cưới làm vợ, gẫm cũng chẳng có chi trái mắt.
Gần sáu tháng nay cô Hảo tư tình với cậu Tú-Tài Xương, thì cô vẫn kể chắc cô là vợ của cậu, bởi vậy cô không còn giữ tiết giá, mà cô cũng không ngại-ngùng tiếng thị-phi. Hôm nay cô nghe cậu Tú-Tài Xương đi coi vợ, tuy cô chưa chịu tin, song cô bắt giựt mình. Lại cô nghe mẹ than rằng: nhà giàu mà lại học giỏi bao giờ họ cưới con nhà nghèo, họ chơi qua đường rồi họ bỏ, thiên-hạ chê cười xấu hổ. Cô nghe những lời ấy như dao cắt ruột.
Đêm ấy cô ngủ không được, nằm suy nghĩ hoài. Thiệt cậu Tú-Tài gạt mình hay sao? Nếu cậu bỏ mình mà cưới vợ khác, thì mình phải xử trí thế nào? Đã ba tháng rồi mình bặt đường kinh nguyệt, phải mình có nghén hay không? Mấy câu hỏi ấy làm cho cô bối rối hết sức, không giải quyết được câu nào hết.
Gà gáy sáng rồi mà cô chưa nhắm mắt. Cô ngồi dậy đi ra mở cửa chuồng mà thả gà đi ăn rồi cô chống cửa quét nhà, cặp mắt trõm lơ[6], mặt mày buồn nghiến.
Mặt trời đã mọc, thím giáo Điểu với hai đứa con nhỏ mới thức dậy. Thím giáo ngồi trên bộ ván trước bàn thờ chồng mà ăn trầu. Thằng Hòa với thằng Hiếu chạy chơi ngoài sân, còn cô Hảo thì dọn quét dưới bếp.
Thình lình có một người đờn-bà mặc đồ đen, choàng hầu khăn trắng, đi ngang qua cửa, mà phía ngoài rào, kêu hỏi rằng: “Có thím giáo ở nhà đó hay không vậy?” Thím giáo liền trả lời “Có” rồi thím ngó ra coi ai hỏi, tè ra cô Tô-Hồng-Hạnh, là vợ của thầy Bang-biện Lâm-Đại-Lợi, vốn là con gái của ông cựu Hương-Cả Hoàng, chị ruột của Tú-Tài Xương.
Cô Bang-Biện xăm xăm di vô cửa. Thím giáo bước ra chào rồi mời vô nhà. Cô Bang-Biện ngó quanh-quất rồi hỏi rằng:
- Con nhỏ của thím nó đi đâu?
- Thưa, nó ở dười nhà bếp.
Thím giáo liền kêu “Hảo, lên lấy trầu cau cho cô Bang ăn chút, con”. Cô Hảo dưới bếp bước lên, chấp tay xá cô Bang-Biện, rồi quét ván trải chiếu và sửa soạn khay trầu cau. Cô Bang-Biện ngó trân trân, miệng chúm-chím cười. Cô ngồi trên bộ ván rồi hỏi thím giáo rằng:
- Con nhỏ năm nay mấy tuổi?
- Thưa, nó 18 tuổi.
- Có chỗ nào đi coi hay chưa?
- Thưa chưa.
- Con nó lớn rồi, coi chỗ nào phải, thì gả phứt cho nó có chồng mà làm ăn, thứ con gái để trong nhà làm gì?
- Thưa tôi có một mình nó là lớn, tính để cho nó giúp đỡ tôi ít năm, không gấp gì gả.
- Nếu muốn cho nó giúp đỡ, thì ta kiếm đứa nào mồ côi mồ cút ta gả bắt rể.
- Tôi nghèo muốn chết, chớ phải giàu có gì hay sao, nên tính nuôi rể.
- Nghèo giàu gì lại sao? Mấy năm nay thím làm ruộng vây mà khá hay không?
- Thưa. Không khá gì mấy. Từ ngày tía bầy trẻ mất rồi, nhờ ông bà ở trên để vài chục công ruộng cho tôi làm, năm nào cũng được ít chục giạ lúa, đủ mấy mẹ con tôi ăn vậy thôi, chớ có làm việc gì đâu mà khá.
- Tôi nghe má tôi nói năm nay lấy ruộng lại đa, không cho thím mướn nữa.
- Thưa, tại sao vậy? Năm nào tôi cũng đong đủ lúa ruộng hết mà?
- Tại thím làm mích lòng bà già, nên bà giận lấy ruộng lại chớ sao.
- Trời ơi, lấy ruộng lại mẹ con tôi chết đói còn gì! Tôi có dám làm giống gì đâu mà mích lòng bà?
- Biết đâu, má tôi giận thím lắm!
- Tại sao mà giận? Xin cô làm ơn nói giùm cho tôi biết một chút, nếu thiệt tôi có lỗi thì tôi lên lạy bà mà xin lỗi.
- Tại sao thím biết lắm chớ. Thím khéo hỏi đó thôi.
- Thưa, thiệt tôi có biết việc gì đâu.
- Thiệt không biết hay sao? Tôi nói giùm cho thím biết, tại thím rù quến thằng em tôi, nên má tôi giận thím đó.
- Trời đất ơi! Tôi rù quến cậu Tú-Tài hồi nào đâu? Thiệt là oan cho tôi quá!
- Thím rù quến thằng em tôi cho con nhỏ thím, còn kêu oan nỗi gì? Má tôi hay hết, thím đừng có chối.
- Thiệt tức chết đi! Mấy tháng nay cậu chà lết tới nhà hoài, tôi sợ mang tiếng mang tăm xấu hổ, mà tôi không dám xô đưổi cậu, tôi lo hết sức, chớ tôi nào có rù quến bao giờ!
- Má tôi nói thím thấy thằng em tôi giàu có mà lại học giỏi, thím bẹo nhan sắc của con nhỏ thím mà làm cho nó mê, đặng nó đừng cưới vợ, để lấy con thím cho thím nhờ.
- Xấu hổ biết chừng nào! Trời đất ơi!
Thím giáo Điểu vừa thẹn vừa tức nên thím khóc ngay, không biết lời chi mà cãi. Cô Bang-Biện để cho thím khóc một hồi rồi cô mới nói rằng : “Thôi, thím đừng có khóc nữa, để tỉnh trí mà lo tính việc nhà. Tôi nói thiệt cho thím biết : má tôi giận thím lắm, má tôi nhứt định lấy ruộng lại mà còn biểu làng tổng lập thế bỏ tù thím nữa. Tôi nghĩ thầy giáo ăn ở tử tế với xóm riềng, còn thím thuở nay cũng thiệt thà, bởi vậy tôi thương, nên tôi năn nỉ xin má tôi đừng có làm thiệt hại thím tội nghiệp, để tôi rầy thím và đuổi thím ra khỏi xứ nầy thì thôi. Nhờ tôi can gián hết sức nên má tôi mới dịu bớt. Tôi vẫn biết thằng em tôi tư tình với con Hảo đó, là tại hai đứa nó lén làm bậy như vậy, chớ thím dại gì mà mong em tôi cưới con Hảo hay sao nên rù quến. Tôi biết hai đứa nó làm bậy thím không hay, chớ nếu thím hay, không lẽ thím để như vậy bao giờ”.
Thím giáo thở dài mà nói rằng :
- Cô nói mấy lời đó thiệt là công bình. Tôi làm mẹ, có lý nào tôi xúi giục con tôi hư mà làm chi?
- Phải, huống chi em tôi nó có lấy con Hảo, thì bất quá chơi qua đường, chớ làm vợ chồng gì được mà xúi giục.
- Thưa phải. Tôi dại gì mà không biết như vậy. Cậu Tú-Tài như vàng như ngọc, còn con tôi như bùn như đất, có xứng đáng gì.
- Thôi, bây giờ muốn cho êm, má tôi khỏi giận, mà thím khỏi xấu hổ, thì thím làm giấy bán hết nhà cửa đồ-đạc cho tôi, tôi cho thím vài trăm đồng bạc, rồi thím dắt con đi xứ khác lấy bạc đó làm vốn mua bán làm ăn. Tôi thương thím lắm, tôi muốn cứu thím nên tôi mới tính như vậy đó. Thím nghĩ coi được hay không?
Thím giáo ngồi ngẫm nghĩ một hồi rất lâu rồi thím trả lời rằng :
- Cô thương mẹ con tôi, cô tính giùm như vậy tiện lắm. Ngặt vì tôi đi, tôi bỏ mồ mả của cha mẹ tôi và của cha sắp nhỏ lại không ai coi sóc thì tôi đau lòng quá.
- Có hại gì! Ai bứng đi đâu mà sợ. Để đó tôi coi chừng cho.
- Cô thương, cô giúp như vậy nữa, thì mẹ con tôi cám ơn cô biết chừng nào.
- Như tôi cho thím tiền rồi thím tính đi đâu nói cho tôi nghe thử coi?
- Bây giờ tôi có biết đi đâu. Ở trong hạt Bắc-Liêu nầy tôi không có bà con với ai hết. Tôi có một thằng em ở Sài-Gòn. Hôm tết nó có gởi thơ xuống thăm tôi, nó nói nó làm thầy thuốc, mướn phố ở Khánh-Hội. Như tôi có đi, thì lên đó đùm đậu với nó, chớ biết đi đâu. Lại ở Sài-Gòn có lẽ mua bán được.
- Thím tính như vậy thì hay lắm. Sài-Gòn là chỗ đô hội, thím có vốn chút đỉnh, lên đó ở mua bán, may trời ngó lại thím làm giàu được, chớ ở ruộng có thế nào mà khá nổi. Thôi, trưa chiều gì thím lên nhà tôi làm giấy bán nhà cửa đi, rồi tôi chồng bạc cho.
Hai người nói chuyện tới đó, kế có cô Hảo trong buồng bước ra, cô tỉnh táo như thường, không buồn không khóc, cô cúi đầu xá cô Bang-Biện và nói rằng: “Thưa cô, nãy giờ cô nói chuyện với má tôi, tôi ngồi trong buồng, song tôi nghe đủ hết. Cô nói bà trên nhà giận má tôi sao rù quến cậu Tú-Tài cho tôi, nên bà quyết lấy ruộng lại và bỏ tù má tôi. Cô thương má tôi nên cô can gián bà, và cô bày cho má tôi bán nhà rồi dắt con đi xứ khác mà ở cho khỏi bị họa và khỏi xấu hổ. Thưa cô, cô thương cô chỉ cái hại và cô bày cái lợi cho má tôi như vậy, thì cái ơn của cô lớn không biết bao nhiêu. Song tôi tỏ thiệt với cô ít điều, cho cô rõ chỗ ưng oan. Tuy mẹ con tôi nghèo hèn, có bữa trước thiếu bữa sau, nhưng mẹ con tôi cũng biết đâu là hư, đâu là nên, chỗ nào xấu, chỗ nào tốt, có lẽ nào má tôi nhơ nhớp đến nỗi dùng thân phận của con để làm miếng mồi mà câu trai giàu đặng kiếm gạo. Thưa cô, tôi là gái hư, mà còn dám chường mặt ra mà biện bạch như vầy, thiệt là tôi bạo gan lắm. Nhưng vì tại cô khởi đầu nên tôi không thế nín được, tôi phải tỏ hết mọi việc cho cô rõ ai ngay ai gian…”
Thím giáo khoác tay nói rằng: “Thôi, bà Cả là bực trên trước, bà nói sao cũng được. Con là con nít, biết gì mà cãi”.
Cô Bang-Biện cười và nói rằng: “Thây kệ nó, để coi nó nói giống gì chớ, sao thím lại cãn? Nói đi em, chuyện sao đâu em nói cho qua nghe thử coi”.
Cô Hảo nghiêm sắc mặt mà nói tiếp rằng: “Từ ngày cậu Tú-Tài thi đậu về ở nhà, cậu cứ lân la xuống nhà tôi mà chơi hoài, hễ bữa nào má tôi đi khỏi, thì cậu lại chà-lết cả buổi. Hễ không có ai thì cậu chọc ghẹo tôi. Tôi sợ người ta chê cười, tôi năn nỉ xin cậu đừng có làm như vậy. Cậu không nghe lời, cũng cứ xuống hoài, khi thì kiếm lời nói chơi, khi thì làm bộ đặng cọ quẹt. Một bữa cậu nói với tôi rằng cậu thương tôi lắm, thương đến nỗi bữa nào không thấy mặt tôi thì cậu ăn ngủ không được; cậu quyết thế nào cậu cũng phải cưới tôi, chớ cậu không thèm nơi nào khác. Tôi nghe cậu nói như vậy, tôi mới nói phận tôi nghèo hèn, không xứng làm vợ cậu. Cậu nói vợ chồng quí ân tình nhơn nghĩa, chớ không phải quí tại vườn ruộng bạc tiền. Con gái nhà giàu đều coi bạc tiền trọng hơn nhơn nghĩa, ngoài mặc quần áo lòe loẹt, đeo hột soàn sáng lòa mà óc trống rỗng, bụng đen thui, cậu thấy cậu ghét lắm. Ông bà giàu có mà sanh có một mình cậu là trai, bề nào cậu cũng có của sẵn, cậu chẳng cần phải kiếm vợ giàu làm chi. Từ ngày cậu thi đậu rồi, cậu nhứt định cưới con gái nhà nghèo, bởi vì vợ nghèo nó mới thương, mới trọng cậu, mà cậu giàu, cậu cưới con nhà nghèo thì cậu được phước đức giúp đỡ một gia đình khỏi cực khổ. Tuy cậu nói nghe phải nghĩa, song tôi sợ không hiệp với thói thường, bởi vậy tôi có nói lại với cậu rằng, dầu cậu thương tôi, cậu không nệ giàu nghèo, mà biết ông bà có chịu như vậy hay không? Cậu nói, cưới vợ là cưới cho cậu, chớ không phải cưới cho ông bà, bởi vậy cậu đành chỗ nào, thì ông bà phải cưới chỗ đó, chớ ép cậu sao được. Bởi cậu nói như vậy, mà cậu lại thề thốt nặng lắm, nên tôi mới tin. Mà tôi thấy ý cậu thiệt thương tôi quá, nên tôi mới ưng cậu. Mấy tháng nay tôi sợ má tôi rầy, nên tôi không dám cho má tôi hay. Má tôi có biết việc chi đâu mà nói má tôi rù quến. Việc này tại cậu Tú-Tài hết thảy”.
Cô Bang-Biện cười ngất và nói rằng: “Thứ con trai, chừng nó muốn thì nó nói cố mạng, sao em dại em tin làm chi? Làm sao mà nó cưới em cho được?”
Cô Hải chưng-hửng ngó cô Bang-Biện trân trân mà nói rằng:
- Cậu thề với tôi nặng lắm, cậu nói nếu cậu gạt rồi bỏ tôi thì trời đất hại cậu nghèo mạt đừng có hột cơm mà ăn.
- Ối, trai gái thề với nhau như nước đổ lá môn, ăn chịu vào đâu mà tin! Nó thề với em như vậy mà em nghĩ coi làm sao đến nỗi nó nghèo không có cơm mà ăn?
- Thưa có, tôi nghe người ta nói ngày hôm qua cậu Tú-Tài đi coi vợ, không biết có thật như vậy hay không?
- Có chớ. Nó đi coi vợ hôm qua.
- Tại ông bà ép cậu, hay là tự cậu muốn đi coi vơ?
- Nó nghe người ta khen con của ông Bá-Hộ Chịnh bên Cái-Giây ngộ, nên nó biểu dắt nó đi coi đó đa. Nó thấy con nhỏ đó coi bộ nó vừa ý lắm.
Cô Hảo châu mày xanh mặt, đứng trân trân không nói được nữa. Cô Bang-Biện biết cô Hảo nghe Tú-Tài Xương cưới vợ khác thì cô đau đớn trong lòng lắm, song cô muốn dùng cái dùi nướng đỏ mà đốt phứt mụt ghẻ một lần cho tuyệt, bởi vậy cô chậm rãi nói rằng: “Qua đã có nói với em, dầu nó có thương em cho mấy đi nữa, cũng không thế làm vợ chồng được. Ông với bà gắt lắm, đời nào mà chịu như vậy. Thôi, em đừng có buồn, dầu em dại em có thương lỡ nó đi nữa, thì em cũng nên quên nó đi, để kiếm chồng khác xứng đôi vừa lứa mà làm ăn”.
Cô Hảo thở dài một cái mà đáp rằng: “Việc đã lỡ rồi, tôi lấy chồng khác sao được!”
Cô Bang-Biện chúm-chím cười mà nói rằng:
- Sao lại không được? Em già cả gì hay sao?
- Trễ rồi! Tôi lấy cậu Tú-Tài có chửa đã được ba tháng rồi, ai thèm nữa mà mong lấy chồng!
Cô Bang-Biện nghe mấy lời ấy thì biến sắc, day qua ngó thím giáo Điểu, không biết nói sao được. Thím giáo cũng chết điếng trong lòng, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, không dè sự nhơ nhuốc của con đến nông nỗi ấy. Thím than rằng: “Nếu con có chửa oan, thì phải bỏ xứ mà đi mau, ở đây xấu hổ quá, ở nữa sao đặng. Tôi nghĩ thiệt tôi phiền cậu Tú-Tài quá; mẹ con tôi ăn ở yên ổn hết sức, cậu ham vui mà cậu báo hại mẹ con tôi phải khốn khổ như vầy”.
Cô Bang-Biện thấy việc càng khó thì cô bớt nói giọng cao giọng thấp nữa; cô nói nho nhỏ với thím giáo rằng: “Thôi, việc đã lỡ rồi, thím cũng chẳng nên phiền. Mấy lời thím mới nói đó phải lắm. Có như vầy thì thím cần phải đi cho mau mau mới được, để tôi cho thêm một trăm nữa, là ba trăm đặng nuôi con. Trưa hay là chiều thím lên nhà, tôi biểu thằng biện nó làm giấy giùm cho, rồi lăn tay lấy bạc. Bây giờ tôi về, thím nhớ trưa lên nghe không”.
Cô Bang-Biện nói dứt lời rồi cô đứng dậy, tính đi về.
Cô Hảo bước tới nói rằng:
- Thưa cô, cô tính thí ba trăm đồng bạc đặng đuổi mẹ con tôi ra khỏi xứ nầy cho cậu Tú-Tài rảnh chân mà cưới vợ hay sao?
- Không phải đuổi. Và qua thấy thím giáo qua thương, nên qua bày như vậy đặng cứu danh giá cho thím chớ. Còn việc qua tính cho thím ba trăm đồng bạc, ấy là qua muốn giúp vốn cho thím đặng tới xứ khác mua bán làm ăn. Qua làm ơn, mà sao em hỏi xốc hông quá?
- Thưa, tuy tôi phận nghèo hèn, song tôi không thế lấy tiền như vậy được. Cậu Tú-Tài thề thốt với tôi, cậu hứa chắc dầu thế nào cậu cũng cưới tôi làm vợ. Tôi phải ở đây tôi chờ cậu cưới tôi, chớ tôi không đi đâu hết.
- Em nói hơi liều mạng như vậy sao được.
- Thưa tôi tin lời cậu Tú-Tài, chớ không phải tôi liều mạng.
Cô Bang-Biện ngó thím giáo, ý muốn cậy thím phân giải vụ nầy. Thím giáo bèn nói với con rằng:
- Con đừng có nói bậy mà mích lòng cô Bang-Biện là bực trên trước. Con có chửa rồi, con ở lại đây thiên hạ chê cười, ở sao được mà ở.
- Má có sợ xấu thì má đi một mình, để con ở lại đây.
- Đừng có nói kỳ cục như vậy. Xấu hổ là tại con. Con phải đi mà tránh tiếng, chớ má đi mà con ở thì cũng như không, má đi làm chi.
- Má muốn cho con đi thì phải cho gặp mặt cậu Tú-Tài. Chừng nào giáp mặt con mà cậu nói cậu không thương con nữa, cậu bỏ con mà cưới vợ khác, thì con bỏ xứ mà đi liền, không cần xin một đồng tiền của ai hết.
- Cậu đi nói vợ, tức thì cậu bỏ con rồi. Cần phải giáp mặt làm chi.
- Thưa má, vì trước kia cậu muốn lấy con, cậu nói với con nhiều lời lắm. Bây giờ nếu cậu tính bỏ con, thì cậu cũng phải giáp mặt con, mà bỏ con, thì con đi liền.
Thím giáo với cô Bang-Biện nhìn nhau, hết biết lời chi mà phân giải nữa. Cô Bang-Biện mới nói rằng: “Việc nhà của thím thì thím liệu. Thím tính lẽ nào rồi cho tôi hay. Việc tiền bạc tôi hứa với thím đó thì tôi nhớ lời luôn luôn. Thôi tôi kiếu thím tôi về. Còn con Hảo, em phải suy nghĩ lại, em chẳng nên nóng nảy, nói bậy bạ không dễ gì đâu”.
Cô Bang-Biện nói dứt lời rồi bước ra cửa đi liền:
Ông cựu Hương-Cả Tô Hồng Hoàng đã được 58 tuổi rồi. Vợ chồng ông thuở nay chuyên có một nghề nông mà làm giàu. Ông có ruộng đất ở về làng Hòa Bình với Vĩnh Mỹ, mỗi năm gó huê lợi chừng mười hai ngàn giạ. Hôm đầu năm nay ông mới mua thêm một sở đất hai trăm mẫu ở dựa kinh Quan Lộ, giá năm trăm ngàn đồng.
Thuở nay vợ chồng ông sanh có hai người con: người gái lớn, tên là Tô Hồng Hạnh, gả cho thầy Bang-Biện Lâm Đại Lợi, ấy là người mình đã thấy lại nhà thím giáo Điểu mà nói chuyện đó, còn người trai nhỏ, tên là Tô-Hồng-Xương, năm nay đã được 22 tuổi, học có bằng Tú-Tài, mấy tháng nay thi đậu rồi về ở nhà chơi.
Ông cựu Hương-Cả Hoàng là người chơn chất hòa huỡn, ở trong làng chẳng hề ông mích lòng ai, mà tôi tớ trong nhà ông cũng chẳng rầy la đứa nào; còn bà Cả thì lanh lợi nóng nảy, ham nói ham gây, lại ưa cậy thế cậy thân nên tá điền tá thổ đều sợ bà khiếp vía. Bởi vợ chồng tánh ý như vậy, nên cái quyền làm chủ ở trong nhà ở nơi tay bà, chớ không phải ở nơi ông, mỗi việc gì bà cũng liệu định, ông không biết chi hết.
Ông cựu Hương-Cả Hoàng có một người em tên là Tô Hồng Thiện, làm chức Hương-Sư, nhà cửa ở tại châu thành Bắc-Liêu. Ông Hương-Sư Thiện năm nay mới 40 tuổi, thuở nay vợ chồng không có con nhưng mà giàu bằng hai ông Cả Hoàng, người ta đồn ông thường thường có trong tủ sắt đến hai ba chục muôn bạc mặt. Vợ chồng ông ăn chơi phong lưu lắm, nhà có sắm xe hơi, mà lại có mướn tới hai người nấu đồ ăn, một người nấu đồ Tây, một người nấu đồ Tàu đặng trở bữa ăn cho ngon miệng.
Bữa nay vợ chồng Hương-Sư Thiện buồn, nên buổi sớm mơi ăn đồ lót lòng rồi, mới lên xe chạy xuống Láng Dài mà thăm anh.
Thuở nay bà Cả không ưa bà Hương-Sư, còn ông Cả thì có tánh ít oi, bởi vậy vợ chồng Hương-Sư tới nhà thì vợ chồng ông Cả chào hỏi lợt lạt như người dưng, chớ không niềm-nở cho lắm. Tuy vậy mà vợ chồng Hương-Sư không câu chấp, giữ một lòng cung kính anh chị đủ lễ luôn luôn.
Tú-Tài Tô-Hồng-Xương đương ở trong buồng, nghe nói có chú thím xuống thăm thì bước ra chào.
Hương-Sư Thiện thấy cháu thì hỏi rằng:
- Chái thi đậu rồi, bây giờ cháu tính làm việc gì? Đi học nữa, hay là xin vô Nhà nước mà làm việc?
- Thưa, má cháu biểu ở nhà mà coi sóc ruộng nương, không muốn cho cháu đi học nữa, mà cũng không cho cháu đi làm việc.
- Chị Cả tính như vậy cũng phải. Nhà có một mình cháu là trai, học tới bực đó cũng đủ rồi, đi học thêm nữa mà làm gì. Còn nhà mình đủ ăn, chớ phải thiếu thốn gì hay sao, nên phải đi làm việc. Thôi, cháu lo cưới vợ rồi giúp đỡ cha mẹ trong việc ruộng nương thì tốt hơn. Mấy tháng nay cháu về nhà, vậy mà cháu có tính đi coi vợ chỗ nào hay chưa?
Tú-Tài Xương chưa kịp trả lời, thì bà Cả hớt mà đáp rằng:
- Hôm qua tôi với cha nó dắt đi coi con gái Bá Hộ Chịnh ở bên Cái Giây.
- Bá Hộ Chịnh tôi biết. Người đó giàu lắm.
- Thiệt giàu lắm mà! Qua thấy mấy lẫm lúa mà tôi ghê. Nghe nói mỗi năm thâu góp gì tới cả trăm ngàn giạ không biết.
- Có chớ. Bá Hộ Chịnh giàu có danh mà. Sao, chị coi con nhỏ đó được hay không?
- Được lắm. Con nhỏ xứng với thằng Xương quá, dễ thương không biết chừng nào.
- Coi thế họ chịu gả hay không?
- Sao lại không chịu! Họ thấy mình qua, họ niềm nở hết sức, họ đãi một bữa cơm hẳn hòi quá. Thằng Xương mà nó lọt vô nhà đó, thì ngày sau tiền bạc nó làm giống gì cho hết, nó giàu hơn chú nó nữa à.
Hai vợ chồng Hương-Sư ngó nhau mà cười.
Bà Cả tưởng Hương-Sư không tin lời của bà, nên bà nói tiếp rằng:
- Thiệt chớ! Giàu bực đó mà có bốn đứa con, sau chia ra, rể lãnh một phần cũng bộn chớ. Huống chi con nhỏ mình coi đó là con út, vợ chồng ông Bá-Hộ cưng lắm, thằng Xương vào đó tự nhiên nó phải no hơn sắp kia.
- Chị đành con nhỏ đó rồi, còn anh Cả chịu hay không?
Bà Cả cũng lướt mà trả lời rằng: “Sao lại không chịu! Chịu hay không tự nơi tôi, cha nó lôi thôi lắm, ông có biết giống gì đâu. Hễ tôi chịu thì tự nhiên ông chịu”.
Hương-Sư Thiện chúm-chím cười nữa và day lại hỏi Tú-Tài Xương rằng:
- Còn cháu coi con nhỏ đó cháu đành hay không?
- Thưa, đành.
- Nè, vợ chồng là việc trăm năm của cháu, vậy cháu có quyền chọn lựa. Cháu phải suy nghĩ cho kỹ, chớ hễ cưới về rồi, thì cháu không được chê bai chi hết đa.
- Thưa, cháu đành chỗ đó.
Hương-Sư Thiện gật đầu rồi nói với bà Cả rằng: “Cháu nó đành rồi, vậy anh chị cậy mai nói với đàng gái, như họ chịu gả, thì mình bước tới và xin cho cưới phứt cho rồi”.
Bà Cả đáp rằng: “Tôi cũng tính làm rút, hễ họ gả thì tôi xin cho cưới liền”.
Cô Bang-Biện Hồng Hạnh vâng lời mẹ, nên buổi sớm mơi ấy cô xuống nhà thím giáo Điểu kiếm chuyện mà đuổi mẹ con thím giáo đi phứt, đặng Tú-Tài Xương cưới vợ cho êm. Cô tưởng con nhà nghèo thường sợ quyền thế, ham bạc tiền, hễ mình hăm dọa rồi cho tiền, thì muốn khiến bề nào cũng được, chẳng dè cô gặp cô Hảo, cô nghe những lời nhỏ-nhoi thiệt-thà mà cứng cỏi, làm cho cô chưng-hửng rồi bối rối trong lòng, bởi vậy cô tính trở lên nói công chuyện lại cho mẹ nghe, đi dọc đường cô có ý lo, lo là lo nói cô Hảo có chửa. Cô lơn-tơn bước vô cửa, thấy vợ chồng Hương-Sư Thiện thì cô mừng và nói rằng: “May dữ không! Có chú thím xuống đây! Tôi đương tính xin má tôi mời chú thím xuống mà nói công việc nhà, may chưa mời mà chú thím xuống thì xong quá”.
Hương-Sư Thiện lẹ miệng hỏi rằng:
- Cháu muốn mời chú mà nói chuyện gì?
- Nói chuyện thằng Tú-Tài đây mà. Nó làm lộn xộn quá!
Ý bà Cả không muốn cho vợ chồng Hương-Sư Thiện biết việc Tú-Tài Xương tư tình với con thím giáo Điểu, bởi vậy bà chận cô Bang-Biện mà nói rằng:
- Nãy giờ má có nói chuyện cho chú con hay rồi. Chú con biết ông Bá Hộ Chịnh, chú nói ông thiệt giàu lớn, chú biểu nói mà cưới phứt cho rồi.
- Cưới giống gì được! Công việc chàm nhàm phải tính làm sao cho êm rồi sẽ cưới chớ.
- È! Nhiều chuyện thì thôi! Việc tầm bậy hơi nào mà lo.
- Không lo sao được, má?
- Thì mình đuổi nó đi, có tử-tế lắm thì cho ít chục đồng bạc, chuyện gì đó mà phải lo.
- Trời ôi! Má nói nghe dễ như chơi! Việc khó lắm đa má, chớ không phải dễ đâu.
- Khó giống gì? Nó nói làn chàn, tao làm cho nó ở tù chớ.
Hương-Sư Thiện nghe hai mẹ con bà Cả cãi lẩy, ông muốn biết coi việc gì đâu mà người nói khó, kẻ nói dễ, nên ông hỏi rằng: “Việc gì đâu vậy?”.
Tú-Tài Xương nghe chú xen vô mà hỏi, thì cậu bét đi vô buồng.
Cô Bang-Biện ngồi lại góc ván, gần bà Hương-Sư, rồi day qua nói với Hương-Sư rằng: “Việc của thằng Tú-Tài đây, chớ có việc gì đâu. May sẵn có chú thím xuống đây, để cháu tỏ hết công chuyện cho chú thím nghe rồi bà con mình liệu định coi phải làm sao bây giờ. Thằng Tú-Tài về ở nhà mấy tháng nay nó nhè trai gái với con thím giáo Điểu. Nó chơi lén cháu không hay, mà cha với má cháu cũng không dè, chớ phải mình biết thì ai để nó làm kỳ cục như vậy. Hôm sửa soạn đi coi vợ cho nó, bà Chủ ở bên đây bà lên cho má cháu hay. Má cháu kêu hỏi, nó chịu có, nó nói buồn nên chơi qua đường, không quan hệ gì. Má cháu giận thím giáo Điểu rù quến việc không tốt, nên biểu cháu đuổi mẹ con thím đi cho rồi. Hồi nãy đây cháu xuống nhà thím giáo, cháu rầy thím, thì thím than trời trách đất, thím nói oan ức, thím không hay chuyện gì hết. Cháu muốn cho xuôi việc, nên cháu hăm he thím cho thím sợ, rồi cháu dỗ ngọt biểu thím làm giấy bán nhà cửa cho cháu, đặng cháu cho thím vài trăm đồng bạc làm vốn đi xứ khác mua bán làm ăn. Nhà cửa của thím thì không ra gì, mà thôi, mình muốn êm chuyện nên cho thím chút đỉnh cho vui lòng. Thím chịu, thím tính nếu cháu cho thím tiền thì thím dắt con lên Sàigòn mà nương dựa với em thím. Ngặt con nhỏ đó nó không chịu đi, nó nói thằng Tú-Tài có thề thốt bề nào cũng cưới nó mà làm vợ, chừng nào thằng Tú-Tài giáp mặt nói với nó rằng bỏ nó mà cưới vợ khác, thì nó mới chịu đi, song đi thì nó không thèm lấy một xu nào hết. Cháu tưởng nó muốn làm khó, nên dỗ nó mà cho thêm một trăm nữa là ba trăm. Nó nhứt định không chịu, nó nài phải cho nó giáp mặt với thằng Tú-Tài, chừng nào thằng Tú-Tài nói bỏ nó thì nó mới chịu đi. Nó liều mạng như vậy, bây giờ mình biết làm sao?”.
Bà Cả châu mày nói rằng:
- Chuyện gì mà phải cho ba trăm đồng bạc? Bạc đâu mà cho uổng vậy? Tử tế lắm thì cho một hai chục vậy thôi chớ.
- Con không phải dại đâu má à. Chuyện khó lắm.
- Khó giống gì? Nó dám làm gì sao? Nó nói lộn-xộn tao làm nó ở tù rục xương chớ.
- Nó không nói lộn-xộn gì hết, nó ở đó mà bẹo trước mặt mình hoài mình chịu sao nổi.
- Ai mà cho nó ở trong đất nữa.
- Má không cho ở thì nó dở nhà qua cất đất người khác mà ở lại càng xấu hổ nữa. Đây không có ai lạ, chú thím là người trong thân, nên con nói thiệt cho cha với má biết. Con nhỏ đó lấy thằng Tú-Tài, nó có nghén rồi.
- Sao con biết?
- Nó khai thiệt với con rằng nó có chửa được ba tháng mà con coi tướng mạo nó thiệt có chửa đa, chớ không phải nó nói dối đâu.
- Nó có chửa thây kệ nó chớ. Con gái dại lấy trai thì chịu, ai biết đâu.
- Phải rồi! Đồ hư lấy trai có chửa thì chịu. Mà nó ở đây, chừng nó đẻ con rồi nó bẹo hoài đã gay con mắt mình, mà rủi vợ thằng Tú-Tài nó hay rồi làm sao.
Bà Cả nghe nói tới cái đó bà hết nói nữa được. Còn ông Cả thì ngồi hút thuốc, bộ tự nhiên, dường như không nghe chuyện chi hết.
Cô Bang-Biện mới hỏi Hương-Sư Thiện rằng:
- Bây giờ phải tính làm sao chú? Con nhỏ đó nó nói chừng nào thằng Tú-Tài giáp mặt nói với nó rằng không thèm nó nữa thì nó đi liền, đi mà không thèm xin một đồng xu. Cháu muốn biểu thằng Tú-Tài xuống nói phứt ít tiếng, đặng nó đi cho rảnh, làm như vậy được không chú?
- Cháu nói con nhỏ đó là con của thím giáo Điểu. Thím giáo Điểu nào ở đâu? Phải vợ của thầy Đặng Phi Điểu hồi trước dạy chữ nho và hốt thuốc đó hay không?
- Thưa, phải.
- Hồi chuua cưới vợ, chú có học chữ nho với thầy hơn một năm. Thầy chết rồi mà?
- Thưa, chết đã bốn năm năm nay.
- Vợ con thầy bây giờ ở đâu?
- Ở dưới đầu xóm đây.
- Làm nghề gì mà ăn?
- Thưa, mướn ruộng của má cháu đây mà làm, mỗi năm tè ít chục giạ lúa, mẹ con ăn với nhau.
Hương-Sư Thiện gật đầu, ngồi suy nghĩ một hồi lâu, rồi ngó quanh-quất mà hỏi rằng: “Thằng Tú-Tài nó đi đâu mất rồi?”.
Cô Bang-Biện kêu om sòm.
Tú-Tài Xương ở trong buồng thủng-thẳng bước ra. Hương-Sư Thiện kêu và biểu rằng: “Lại đây chú hỏi một chút, cháu. Sao? Nãy giờ chị hai cháu nói đó, mà có thật như vậy hay không? Chị hai cháu nói cháu muốn con gái của thím giáo Điểu, cháu thề thốt bề nào cháu cũng cưới nó, cháu ăn nằm với nó nên nó có nghén rồi, phải như vậy hay không?”.
Tú-Tài Xương lỏn lẻn đáp nho nhỏ rằng: “Thưa phải”
Hương-Sư châu mày hỏi nửa rằng:
- Bây giờ cháu còn thương con nhỏ đó, cháu cưới nó hay không?
- Thưa, thương thì thương, chớ cưới làm vợ sao đặng.
- Thương thì phải cưới làm vợ, chớ thương mà sao lại cưới không đặng?
- Thưa, cháu thương thì chơi qua đường vậy thôi, chớ con nhà nghèo, lại nó quê mùa quá, cưới coi kỳ, cưới sao đặng?
- Cháu có thề thốt, hứa làm vợ chồng với người ta hay không?
- Thưa có. Mà thề bậy bạ có ăn chịu chỗ nào đâu. Nó sợ má nó lại nghe lời cháu lắm. Để cháu xuống cháu biểu nó một tiếng thì nó đi khỏi xứ nầy liền.
- Cháu ăn nằm với người ta đã có chửa rồi bây giờ cháu tính bỏ người ta hay sao?
- Thưa, vậy chớ cưới nó làm vợ sao được?
- Vậy chớ sao cháu lại thề thốt với nó?
- Thề chơi có quan hệ gì.
- Tại cháu thề, nên nó tin, nó mới lấy cháu. Bây giờ cháu bỏ nó thì té ra cháu gạt gẫm nó. Cái đó không tốt đâu cháu, đã không tốt mà lại ác nữa. Con nhà nghèo ở đồng, quê mùa. Cháu giàu có mà lại học giỏi nữa. Cháu dùng môi miếng dụ dỗ tư tình với người ta có nghén rồi cháu bỏ, làm như vậy thất đức lắm cháu.
Tú-Tài Xương đứng nín khe, không trả lời nữa được.
Bà Cả thấy vậy bà mới nói rằng: “Vậy chớ con của tôi như vàng như ngọc bây giờ chú biểu nó phải cưới đồ ăn mày, như con của con mẹ giáo Điểu đó hay sao? Có cái gì đâu mà thất đức? Con gái hư, thấy trai nó trết thì nó chịu, can cập gì đến mình mà lo”.
Hương-Sư Thiện cười mà đáp rằng: “Xin lỗi chị, để em nói cho chị nghe. Ở đời quí là nhân nghĩa, quí là phước đức, chớ không phải giàu hay là sang mà quí đâu. Cháu nó chơi chớ không quyết làm vợ chồng gì, song nó đã lấy con của thím giáo Điểu có chửa. Cái đó có lẽ cũng tại trời khiến như vậy. Em xin anh chị hãy tuân theo mạng trời, đừng có tính cưới vợ nào khác cho cháu, nên cưới con của thím giáo Điểu cho nó thì phải hơn. Anh với chị giàu có mà chỉ có một người con gái, một người con trai mà thôi. Anh với chị đói rách gì hay sao nên phải kiếm dâu cho giàu mà nhờ. Huống chi bây giờ dâu mình đã có nghén sẵn rồi, cưới về ít tháng thì có cháu nội mà bồng, không vui hay sao. Giàu hay nghèo là tại trời, chẳng nên thấy giàu mà ham, còn thấy nghèo mà phụ. Có nhiều người giàu mà trong ít năm rồi trở ra nghèo, còn có người nghèo mà nhờ trời người ta trở nên giàu, biết chừng đâu. Anh chị có con cháu ít, cần lấy nhân đức mà ở đời, đặng sanh con đẻ cháu cho nhiều. Thầy giáo Đặng Phi Điểu hồi trước cũng là người tử tế, nghèo song có lễ nghĩa, chớ không phải là côn đồ cướp đảng gì. Anh chị cưới con của thầy giáo Điểu cho thằng Tú-Tài thì anh chị được mấy cái phải rồi: 1. Cứu danh giá một người con gái khỏi bị nhơ nhuốc; 2. Làm cho thằng Tú-Tài khỏi mang tiếng ác; 3. Được thiên hạ khen rằng mình không tham phú phụ bần. Vậy em khuyên anh chị phải nghe lời em, đặng bây giờ khỏi mang tiếng thị phi, mà ngày sau cũng khỏi mang quả báo. Em nói cạn lời, nếu mình bỏ con nhỏ đó, như nó thất tình thất chí, nó tự vận nó chết, thì cái ác của mình lớn biết bao nhiêu. Xin anh chị phải xét lại”.
Ông Cả nói xuôi-xị rằng: “Con nó muốn đâu thì mình cưới đó, chớ biết làm sao bây giờ”.
Bà Cả trợn mắt nói lớn rằng: “Ông biết gì mà xen vô. Mình là cha mẹ, mình phải dựng vợ gả chồng cho con, nói như ông vậy sao được. Tôi nhứt định cưới con gái của ông Bá Hộ cho thằng Xương, tôi không thèm con nào khác hết … Nó lấy ai đâu có chửa, rồi nó thấy mình giàu có sang trọng, nó nói xán xả, mình cũng phải cưới nó hay sao. Nó nói bậy, tôi thí ít trăm đồng bạc, tôi làm nó mang khốn cho nó coi”.
Hương-Sư Thiện cười mà can rằng:
- Em xin chị đừng có nóng. Hồi nãy thằng Tú-Tài nó chịu nó lấy người ta có chửa, vậy thì con của nó chớ của ai. Mình ít cháu, được vậy thì may lắm. Chị chẳng nên hất hủi mà tội nghiệp đứa nhỏ ngày sau.
- Không được, cưới thứ đồ ăn mày xấu hổ lắm, ai mà cưới cho được.
- Không xấu đâu. Chị bỏ nó mà cưới chỗ giàu có thì mới xấu mà lại ác nữa.
- Tôi ác thây kệ tôi. Ai có thương thứ đồ hư như vậy thì cưới nó đi.
- Chị nói sao vậy?
- Ờ, tôi nói vậy a. Con của tôi đẻ, tôi phải lựa chỗ tử tế tôi cưới vợ cho nó. Tôi không cần ai dạy khôn cho tôi.
- Việc trong nhà, tôi muốn nói phải quấy cho anh chị nghe, sao chị lại nói cái gì kỳ vậy? Anh Cả, vợ anh đối với tôi vô lễ quá, anh thấy hay không?
Ông Cả lắc đầu đáp rằng:
- Ối, tôi không biết việc gì hết. Cãi lẩy làm chi rồi sanh mích lòng. Việc cưới vợ cho con bà, bà muốn cưới chỗ nào bà cưới, chú xía vô làm chi.
- Tại cô Bang-Biện hỏi tôi mới nói chớ. Anh làm đờn-ông vô ích quá. Trong nhà anh không có quyền hành gì hết, mà anh cũng không biết phải quấy nữa. Thôi, việc cưới vợ cho con anh, anh làm sao anh làm, tôi không thèm biết tới đâu, mà từ rày đến chết, tôi cũng không thèm bước chân đến nhà nầy nữa.
Ông Hương-Sư đứng dậy biểu vợ đi về. Cô Bang-Biện thấy chú giận thì năn nỉ rằng: “Má cháu có tánh nóng nên nói mích lòng chú, xin chú đừng phiền. Chú thím ở ăn cơm rồi sẽ về, cơm gần dọn rồi”.
Ông Hương-Sư cười gằn mà đáp rằng: “Chú no, thôi để chú về, ở lâu càng bị nhục thêm, chớ ở mà lợi ích gì”.
Vợ chồng Hương-Sư Thiện về mà trong lòng phiền lắm.
[2] nộp lúa cho chủ điền, lúa mướn ruộng
[3] nhánh tre khô. Tất cả những nhánh cây đã đốn, khô trụi lá gọi là “chà”. Người vùng Đồng Bằng sông Cửu Long “cất đống chà” ở sát bờ sông để tôm cá vào núp, trú và thỉnh thoảng dùng đăng bao xung quanh “dở chà” để bắt chúng.