HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Cười Gượng
Chương 3 - Thế Đạo Kỳ Khu[1]

Lối ba giờ chiều, mặt trời dọi nắng như đổ lửa, lại thêm đường trán dầu hơi lên nóng như lò than.

Một người đàn ông, trạc chừng 35 tuổi, mặc một cái áo bà ba với một cái quần vải trắng, quần áo đã cũ mà lại dơ, chân mang một đôi guốc, đầu hớt tóc điệu ma ninh[2] mà không đội nón. Tóc xấp xải phủ trán, tay mặt che một cây dù vải đen cũ mèm, tay trái vắt một cái áo xuyến đen dài trên vai lòng thòng, lại cầm một cái gói với khăn đóng cũng màu đen mà chỗ trổ màu đỏ, nhiều chỗ lòi mền lót ở trong ra xám xám.

Người ấy đi qua cầu mống Khánh Hội, tuy có che dù, song bị lên dốc cầu mệt, lại bị trời nắng nóng nực, nên mồ hôi ra ướt áo phía sau lưng một khoảng bằng cái dĩa. Qua cầu rồi thì lầm lũi đi xuống dốc, tới ngã ba vô hãng tàu Nhà Rồng thì lại queo qua phía tay mặt mà đi theo cái đường đất vô dãy phố ngói cũ vách ván, nền đất chừng chín, mười căn.

Một tốp con nít, chừng chín mười đứa, xúm nhau chơi trước cửa phố ấy, trửng giỡn om sòm. Có một đứa con trai chừng 9 tuổi, mặc quần vải đen, không có áo, tóc xụ xợp, ngó thấy người che dù nói trên đó đi vô thì nó la “cha” rồi bỏ chơi, tuôn chạy ra mà đón. Người ấy hỏi thằng nhỏ rằng:

-     Có má ở nhà không?

-     Không có, má đi đánh bài từ hồi ăn cơm rồi cho tới bây giờ, má biểu ở nhà coi nhà mà má không có cho xu, nên đói bụng muốn chết.

-     Sớm mơi không có ăn cơm hay sao mà đói?

-     Có chớ. Mà ăn từ hồi sớm mơi lâu quá, không đói sao được. Cha cho một đồng xun mua bánh ăn cha.

-     Để thủng thẳng vô nhà đã.

Hai cha con dắt nhau vô căn phố thứ ba. Người cha móc cây dù trên vách buồng, máng cái áo xuyến dài với cái khăn đóng nơi mấy cây đinh theo vách, để cái gói trên cái bàn nhỏ dựa cửa rồi cởi áo bà ba bận trong mình ra. Thằng nhỏ đứng chờ, chừng nó thấy cha nó ngồi trên ghế, nó mới nhắc xin xu nữa. Người cha bèn móc trong túi ra một đồng xu mà đưa. Thằng nhỏ chụp lấy rồi đi chơi.

Người này tên là Lý Kỳ Lân, xưng là thầy thuốc bắc nhưng mà người trong xóm hễ có đau ốm thì họ lại nhà thương thí mà xin thuốc, bởi vậy thầy không có thân chủ, túng thế thầy phải sang qua nghề thầy bói, mỗi buổi sớm mơi thầy qua chợ Bến Thành trải nhựt trình ngồi trên lề đường mà xủ quẻ đoán may rủi, giàu nghèo cho thiên hạ. Thầy ở căn phố này đã được bốn năm rồi, những người biết thầy đều kêu là “Thầy ba Lân”. Thầy có vợ và vợ chồng chỉ có một đứa con trai đó mà thôi, năm nay 9 tuổi, đặt tên là Phụng. Thầy gốc ở xóm Láng Dài thuộc tỉnh Bắc Liêu, vốn là em của Lý Thị Phòng, kêu là thím giáo Điểu, chúng ta đã biết rồi.

Thầy ba Lân về nhà cổi áo một hồi khô mồ hôi rồi, thầy mới nằm trên bộ ván dầu nhỏ mà nghỉ. Cách chẳng bao lâu vợ đi đánh bài về, bước vô thấy thầy ba Lân nằm thì cười mà hỏi rằng:

-     Bữa nay bói đắt hay không?

-     Dễ xài (Đủ xài).

-     Kiếm được bao nhiêu.

-     Bốn năm cắc.

-     Dỡ khẹt! Tôi ở nhà mà tôi kiếm được một đồng mấy.

-     Giỏi! Tôi kiếm ít mà chắc ăn, bữa nào cũng có. Mình kiếm nhiều, mà tôi sợ có bữa phải bán áo bán quần.

-     Dễ không!

Hai vợ chồng cãi lẫy, bỗng có thím tư Hữu bồng con lại đứng ngay trước cửa kêu mà nói rằng: “Thím ba, có ai hỏi thăm nhà thím đây”. Vợ chồng ba Lân ngó ra thì thấy hai người đàn bà bưng thúng, có dắt hai đứa nhỏ, đương dợm bước vô cửa.

Thầy ba Lân ngồi dậy, ngó ra rồi la lớn lên rằng: “Chị Hai! Chị mới lên tới đây hay sao?”.

Thím giáo Điểu thấy em thì mừng, bèn xăng xớm bước vô không ái ngại nữa. Cô Hảo với hai đứa nhỏ cũng bước vô.

Vợ thầy ba Lân cũng mừng, song thấy chị đi mà có dắt theo ba đứa con thì hỏi rằng:

-     Chị đi mà chị dắt hết sắp nhỏ theo rồi ai coi nhà?

-     Nhà tôi bán rồi.

-     Ủa sao vậy?

-     Tôi bán nhà đặng lên trên này mà ở.

Vợ ba Lân nghe nói như vậy thì châu mày, coi sắc mặt không vui, quày quả đi vô buồng.

Thầy ba Lân ngó mấy đứa con của thím giáo rồi nói rằng: “Mấy năm nay tôi không có về dưới, bây giờ sắp nhỏ coi lớn đại. Con lớn đây là con Hảo phải không?”.

Thím giáo ngồi trên ván, lột cái khăn choàng hầu xuống mà lau mặt và đáp rằng:

-     Con Hảo đó đa.

-     Còn hai đứa nhỏ tên gì? Tôi quên.

-     Thằng lớn đó là thằng Hòa, còn thằng nhỏ là thằng Hiếu. Tôi đẻ được trót năm rồi cậu mới đi mà.

-     Phải à. Năm tôi đi thì con Hảo mới 12 hay 13 tuổi gì đó, bây giờ nó lớn đại. Sắp này nếu tôi gặp ngoài đường thì tôi có biết đâu.

-     Thằng Phụng đi đâu, nãy giờ không thấy nó?

-     Nó xin xu rồi chạy đi mua bắnh đằng quận. Có việc gì hay sao mà chị không ở dưới nữa, lại đi lên trên này?

-     Ối!Công chuyện dài lắm, để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói cho cậu nghe.

-     Nhà chị bán cho ai?

-     Bán cho họ ở dưới.

-     Được bao nhiêu?

-     Có ba chục đồng bạc.

-     Sao mà rẻ dữ vậy?

-     Tôi buồn, nên bán mà đi phứt cho rảnh.

-     Cha chả! Ở đất Sài Gòn này khổ lắm. Chị là đờn bà mà lại mang tới ba đứa con, làm sao cho đủ ăn?

-     Tôi buôn bán bậy bạ kiếm một ngày đôi ba cắc cũng được mà.

-     Đôi ba cắc làm sao cho đủ? Ở đất này tốn hao trăm bề, chớ phải như ở dưới mình hay sao. Phải trả tiền phố, phải mua cơm gạo, phải mua dầu đèn, phải ăn bánh hàng, mỗi mỗi đều phải tốn hết thảy. Chị có ba chục đồng bạc vốn, tôi sợ chị làm trong vài tháng thì tiêu hết.

-     Không có sao đâu.

Vợ Ba Lân nghe nói chị chồng có ba chục đồng bạc thì bước ra nói rằng:

-     Mình khéo lo! Chị hai có vốn tới ba chục đồng bạc còn gì nữa. Vậy chớ hồi mình lên Sài Gòn mình có vốn bao nhiêu? Lên tới trên này có chín đồng bạc mà mấy năm nay cũng xong vậy.

-     Chị bì với mình sao được.

-     Sao lại không được. Chị đừng có lo chị hai. Chị mướn phố chị ở, chị lập một cái quán trà huế còn bao nhiêu chị để tôi cho giùm tiền góp, lấy lời chị ăn không hết. đầu đàng kia còn hai căn phố trống đó, chị mướn phứt một căn chị ở đi. Phố có năm đồng một tháng rẻ quá.

Thím giáo ngơ ngáo một hồi rồi nói rằng:

-     Tôi cho mấy mẹ con tôi ở đậu vài bữa rồi sẽ hay.

-     Ở đỡ ít bữa thì được.

Thằng Phụng đi chơi về, bước vô thấy khách đầy nhà, không biết là ai, đứng ngó thằng Hòa với thằng Hiếu trân-trân.

Ba Lân chỉ nó mà nói với chị rằng: “Thằng con của tôi đó đa. Lại xá cô hai đây, Phụng”.

Thằng nhỏ lấy mắt mà ngó, không xá không chào ai hết.

Thím giáo nói rằng: “Lớn rồi có giống hệt má nó. Hai đứa đó là anh của con đa. Nó ở ruộng nên quê mùa lắm, con dắt giùm nó đi chơi đi”.

Thằng Hòa bước ra ngoài. Thằng Hiếu với thằng Phụng đi theo, rồi ba đứa làm quen nói chuyện với nhau.

Tối lại thím giáo Điểu mới thuật việc nhà của thím cho vợ chồng ba Lân nghe. Thím tỏ thiệt việc cô Hảo lấy Tú-Tài Xương có chửa, bà Cả Hoàng hăm he làm hại, lại Tú-Tài Xương cũng làm lơ, lo cưới vợ khác, bởi vậy thím phải bán nhà mà đi, trước tránh đỡ tiếng chê cười, sau khỏi bị bà Cả làm khó dễ. Vì thím biết bụng vợ ba Lân không tốt, nên thím giấu biệt sự cô Bang-Biện cho ba trăm đồng bạc và sự vợ chồng Hương-Sư Thiện cho thêm một trăm nữa, sợ nói ra rồi vợ chồng ba Lân hỏi mượn, làm lộn-xộn tiêu hết đi.

Ba Lân nghe rõ đầu đuôi việc cô Hảo thì nổi giận nói lên rằng:

-     Chị đi bậy quá! Theo tôi thì tôi ở lại đó, coi ai làm sao mà hại tôi được đâu hại thử coi. Sợ việc gì nên phải bỏ xứ mà đi.

-     Ối thôi! Mình sức như châu-chấu, còn người ta như cái xe, mình chống sao cho lại người ta.

-     Chén đá mình cọi lại với chén kiểu, dầu mình có bể thì cái chén kiểu cũng mẻ, sợ gì mà không chọi.

-     Cũng tại con mình nó dại lắm nên mới ra cớ sự như vậy, mình phải trách mình chớ không nên trách người ta.

Vợ ba Lân xen vô mà nói rằng: “Chị hai thiệt thà quá! Theo tôi, nếu con tôi nó lấy con bà Cả có chửa thì có phải dễ đâu. Phải cưới con tôi thì mới êm, bằng không thì tôi làm rùm, mang xấu cả kiến họ. Còn muốn cho tôi đi đặng thong thả mà cưới chỗ khác, thì cầu cho tôi đôi ba ngàn biết tôi có chịu hay không mà. Họ không có cho chị đồng nào hay sao?”.

Thím giáo dụ-dự rồi đáp rằng:

-     Không có.

-     Tức chết đi!

-     Thôi mợ. Ở đời tính việc hung dữ làm chi. Mình ở phải, ai có làm quấy thì trời phật biết cho họ.

-     Nói như chị vậy thì hết chuyện rồi. Mình nghèo, làm thế gì miễn có tiền thì thôi. Chị muốn ở phải mà không có cơm ăn, chị đói chị chết rồi ở phải sao được?

-     Nếu vậy thì giàu mới làm phải được, còn nghèo làm phải không được hay sao? Tôi cứ làm phải hoài, dầu người ta không biết chớ có lẽ trời phật cũng hay.

Vợ ba Lân vốn ham tiền bạc, nghe chị nói chân chất quá thì tức cười.

Thím giáo day lại hỏi ba Lân rằng:

-     Còn cậu mợ lên Sài Gòn làm ăn mấy năm nay vậy mà khá không?

-     Trời ơi, nghèo muốn chết, khá giống gì được.

-     Cha bày trẻ hồi đó có dạy cậu sách thuốc nhiều. Cậu coi mạch hốt thuốc cho người ta không được hay sao?

-     Tôi coi mạch đoán chứng bịnh như thần, ngặt vì tôi nghèo, nhà cửa lôi thôi, ăn mặc xập xệ họ không tin, nên họ không chịu uống thuốc, biết làm sao. Chớ chi tôi có vốn một vài ngàn, tôi dọn tiệm thuốc rực-rỡ, tôi mướn nhựt trình cổ-động, tôi in lời rao mà rải, tôi treo bảng cùng đường thì chắc tôi kiếm xu đậu lắm.

-     Cha sắp nhỏ hồi trước có dọn tiệm dọn téo gì đâu, mà họ cũng hốt thuốc liền liền đó sao.

-     Ở dưới đồng khác, còn ở đất Sài Gòn khác. Chị phân bì sao được. Ở đất này phải làm cho chóa con mắt thiên hạ thì kiếm tiền mới được.

-     Cậu không làm thuốc, vậy cậu làm nghề gì ăn?

-     Tôi làm thầy bói.

-     Cậu biết bói hay sao?

-     Hồi trước anh hai có chỉ sách bói, sách tướng cho tôi chút đỉnh. Tôi coi sách rồi tôi xủ quẻ nói bậy nói bạ kiếm tiền cũng được.

-     Nói bậy nói bạ mà họ tin sao?

-     Ở đất Sài Gòn dễ cái đó lắm. Làm việc gì họ cũng đi hỏi hết thảy. Tôi bói cho mấy ông, mấy cô cá ngựa cũng no rồi. Có người trúng lớn họ về họ thưởng tôi tới năm ba đồng bạc. Mình bói mình đừng có đoán quyết, mình nói phân hai bề nào cũng trúng.

-     Chà! Cậu làm nghề đó cũng đủ ăn hả?

-     Khá lắm chị. Mà tôi nói cho chị nghe chơi, chị đừng xì ra, họ biết rồi họ không thèm bói nữa thì tôi chết đói đa!

-     Ai dại dữ vậy hay sao.

Vợ ba Lân hỏi thím giáo rằng:

-     Chị nói chị bán nhà ba chục đồng bạc, chị đi xe hơi với mấy đứa nhỏ tốn hao bộn rồi; bây giờ chị còn được bao nhiêu?

-     Tôi còn đủ.

-     Sao mà còn đủ được?

-     Tôi có ít chục giạ lúa. Hôm đi tôi có bán lấy bạc đó mà đi đường.

-     À, có vậy chăng …! Ở Sài-Gòn có tụi móc túi nó móc nghề lắm. Chị còn bao nhiêu bạc thôi đưa tôi cất, chớ chị để trong mình không xong đâu. Tụi nó thấy chị ở ruộng lên, nó theo chị lắm đa.

-     Tôi may trong túi áo chật cứng, làm sao mà họ lấy được?

-     Nó móc túi không được thì nó lắc đi chớ.

-     Giống gì mà dữ vậy?

-     Ờ, nó dữ lắm.

-     Thôi, để sáng mai tôi mở túi ra rồi tôi sẽ gởi tiền cho cậu mợ cất giùm.

Đêm ấy, vợ chồng ba Lân với thằng Phụng thì ngủ chung một cái giường trong buồng, nhường bộ ván nhỏ phía trước cho mấy mẹ con thím giáo chen nhau mà ngủ đỡ.

Thím giáo có bốn trăm đồng bạc trong mình, thím nghe nói họ móc túi thì thím sợ, ngặt thím đã nói lỡ với em rằng thím có ba chục đồng mà thôi, lại thím không tin bụng em dâu, nên thím không biết liệu lẽ nào. Thím đợi trong nhà ngủ hết rồi, thím mới lén ngồi dậy mở túi móc bạc ra mà đếm. Nhờ cái đèn trong buồng dọi sáng, thím soạn bạc lại, thì còn đủ ba tấm giấy săn của cô Bang-Biện đưa với năm tấm giấy hai chục của bà Hương-Sư cho. Còn tiền bán lúa được hai mươi sáu đồng, từ hôm ra đi đến nay, trả tiền xe từ Láng Dài đến Bắc Liêu với cho sắp nhỏ ăn bánh và mướn xe qua Khánh Hội, mẻ hết ba đồng, dư lại hai mươi ba đồng thì thím gói giấy riêng coi lại cũng còn đủ. Thím bèn lấy một tấm giấy hai chục bên kia với mười đồng bạc lẻ bên này, cộng là ba chục mà để riêng. Còn lại ba trăm tám chục đồng với gói mười ba đồng, thím bỏ gói ba trăm tám chục đồng vào túi tay mặt, lấy kim chỉ trong cái thúng của thím mà may miệng lại chặt cứng. Gói mười ba đồng thì thím bỏ vào túi tay trái để mà xài, nên không cần cất kỹ.

Sáng bữa sau thím giáo thức dậy gởi ba chục đồng bạc cho vợ ba Lân cất giùm. Vợ ba Lân thấy bạc thì cười và nói rằng : “Ừ, để tôi cất giùm cho, chừng nào có việc dùng thì sẽ lấy mà dùng”.

Ba Lân bận áo dài, bịt khăn đóng, sửa soạn qua chợ Bến Thành mà bói. Khi ra đi anh ta kêu vợ mà dặn rằng : “Mình đi chợ mua thịt cá đặng nấu cơm cho chị hai với sắp nhỏ ăn. Sớm mơi tôi không ăn cơm nhà đâu. Ở nhà ăn đi, đừng có chờ”.

Vợ ba Lân rủ thím giáo đi chợ Bến Thành mua đồ ăn, để cô Hảo ở nhà coi nhà với mấy đứa nhỏ. Đi chợ về, thím giáo đứng ngắm cái ngả ba đường dưới cầu Khánh Hội, thiên hạ đi qua lại dập dều, có thể lập quán tại đó mà bán đồ được. Về tới nhà, thím lại đi thẳng lại coi hai căn phố trống đầu đằng kia thì căn nào cũng sạch sẽ có thể dọn được.

Đến xế, ba Lân về, thím giáo tỏ ý muốn mướn một căn phố mà ở riêng cho thong thả rồi lập dựa lề đường tại ngã ba Nhà Rồng một cái quán bán trà huế, dừa xiêm, trầu thuốc, bánh trái chút đỉnh kiếm lời mà nuôi con. Ba Lân muốn cho chị có nghề làm ăn đặng mình khỏi nuôi, bởi vậy nghe chị tính như thế thì khen phải, lật đật đi mướn phố giùm. Đi mua một cái chõng để trong buồng, một bộ ván thông lót phía trước.

Anh ta lại biểu vợ đi mua đèn, mua chén, dĩa, ơ, nồi, đủ đồ cho chị ăn ở riêng.

Thím giáo dọn nhà yên rồi, ba Lân mới lo lập một cái quán cho chị mua bán. Nhờ có ba chục đồng bạc đó mà anh ta mới đặt cho thợ mộc đóng một cái bàn đặng để đồ bán, đóng một cái ghế dài cho thiên hạ ngồi ăn bánh uống nước trà huế, đóng hai cái ghế đẩu cho chủ quán ngồi và mua một khúc cây để cặm xuống lề đường rồi kéo bố mà che nắng.

Dọn nhà lập quán xong rồi thì vợ chồng ba Lân nói đã tiêu dứt ba chục đồng bạc và hỏi bây giờ lấy gì làm vốn mua đồ mà bán. Thím giáo cười và đáp rằng : “Tiền bán lúa tôi còn mười mấy đồng bạc đây, tôi lấy tiền ấy mua đồ mà bán được”.

Vợ ba Lân nghe nói như vậy thì nói rằng :

-     Bộ chị này còn tiền nhiều lắm, mà chị sợ mình mượn nên chị giấu chớ gì?

-     Không có đâu, ai giấu làm chi.

Thím giáo mua dừa xiêm, bánh in, bánh bàn, ổi, mận, trầu, cau rồi ra ngồi quán mà bán, còn cô Hảo thì quạt lửa nấu nước mà pha trà huế.

Mới khởi bán một bữa đầu mà người ta ghé quán uống nước thường thường hoài. Mẹ con thím giáo thấy vậy thì vui lòng chắc sẽ có đủ cơm ăn mà sống được.



[1] Thế: đời; đạo: đường; kỳ: không thẳng; khu:gập ghềnh. Đường đời quanh co gập ghềnh, cuộc sống không êm xuôi, cuộc sống nhọc nhằn. …Nghĩ thân phận kỳ khu khó nhọc, Đặt bó xoài ở dọc lối đi, Than rằng sung sướng nỗi gì, Khắp trong thế giới ai thì khổ hơn …(Thần chết và lão tiều phu)

[2] Lối hớt tóc ngắn, mái tóc phía trước để dài. Hớt tóc theo kiểu người Phi Luật Tân