HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Dây Oan
Chương I. Tình và tội

Một buổi sơm mơi, ở chợ Vĩnh-long, bạn hàng nhómbuôn-bán đông dầy-dầy, còn các nẻo đường trong châu-thành thì thiên-hạ lại qua nườm-nượp.

Thầy Phan-Thanh-Nhãn, làm thông-ngôn tại Tòa Án, miệng ngậm một điếu thuốc, tay xách một cây dù cán tre, thủng-thẳng đi lên Tòa mà làm việc; thầy đi dọc theo lề đường, mắt ngó ngay trước mặt mà bước, không để ý đến những kẻ qua người lại. Thầy trạc chừng 26 tuổi, mình mặc một áo xuyến đen, một cái quần tây ông rộng, đầu đội nón trắng, chơn mang giày vàng, y-phục theo như những thầy thông cách 25 năm về trước, chớ không phải chưng-diện sắc-sảo chi đó, nhưng mà bộ tướng thầy mạnh-mẽ, gương mặt thầy nghiêm-trang, nước da ngâm-ngâm, cặp mắt quyết đoán, nên kẻ quen hay người lạ ai thấy thầy cũng khó mà dám nói những lời diễu-cợt.

Thầy chậm-rãi đi trước, ở phía sau có một cô, tuổi chừng lối 24 hoặc25, xâm-xâm đi riết theo. Cô nầy mặc một cái quần lụa trắng, với một cái áo tố đen lót màu bông phấn, đầu choàng hầu một cái khăn màu trứng gà có kết ren, chơn mang một đôi giày nhung đỏ thêu kim-tuyến. Vóc cô dong-dãy, tướng cô yểu-điệu, hai hàm răng cô nhỏ rứt, nước da mặt cô trắng đỏ. Cô cũng thuộc hạng đờn-bà đẹp, nhưng mà cái đẹp của cô có lộn cái vẻ buồn; cô và đi và chúm-chím cười, song nếu ngó kỹ thì ắt thấy nụ cười có chút đỉnh cay đắng.

Chừng cô đi theo kịp thầy rồi, cô day qua ngó thầy mà nói rằng: “Anh Hai! Dữ hôn! Mấy năm nay mới thấy mặt anh đa!... Cô nói có mấy lời rồi cô đứng nhìn thầy trân-trân, hai hàng nước mắt chảy rưng-rưng.

Thầy Nhãn nghe kêu thì thầy day qua; thầy thấy cô nọ, coi bộ thầy bợ-ngợ, nên thầy đứng khựng lại mà mặt thầy biến sắc.

Thầy ngó cô rồi hỏi rằng: “Cô Hai phải hôn?”

Cô lấy chéo khăn vừa lau nước mắt vừa nói rằng: “Em đây chớ ai. Anh quên em lận hay sao? Hồi nãy em đứng trong tiệm dưới đường mé sông, em thấy anh đi ngang, song không biết có phải là anh hay không, nên em đi theo đây. Mấy năm nay anh làm giống gì mà anh biệt tích, để em trông đợi dữ quá! Bây giờ anh làm việc gì ở đâu?”

Thầy châu mày dụ-dự một hồi rồi đáp rằng:

-         Từ năm thi đậu tới nay tôi làm việc Toà trên Sài-gòn chớ đâu.

-         Trời ơi! Em có đi Sài-gòn mấy lần vậy mà em có dè đâu mà kiếm. Anh thiệt là vô tình quá, sao không gởi thơ từ gì hết vậy?

-         Gởi thơ biết nói chuyện gì? Gởi cho ai?

-         Gởi cho em.

-         Cô có chồng mà gởi cho cô sao được.

-         Dữ hôn! Gởi thơ thăm em, nói làm việc gì, ở chỗ nào cho em biết, vậy mà hại gì hay sao. Bây giờ anh ở đâu mà đi đây?

-         Bây giờ tôi được quan trên đổi làm việc tại Tòa đây.

-         May dữ hôn! Té ra bây giờ anh về đây? Anh về đây từ hồi nào tới giờ?

-         Gần một tháng rồi.

-         Vậy mà không thèm xuống Ngã Tư chơi chớ!

Thầy cười gằn, cúi mặt ngó dưới đất mà đáp rằng:

-         Hứ! Xuống Ngã Tư mà làm gì! Vui-vẻ gì nên lết xuống đó mà chơi!

-         Anh muốn buồn thì buồn, anh muốn vui thì vui; buồn hay vui là tại nơi ý anh, chớ có phải tại ai đâu.

-         Cũng có tại người khác nữa chớ.

Cô nghe mấy lời đáp sau đó thì cô ứa nước mắt nữa, cô liếc ngó thầy rồi hỏi rằng:

-         Mấy năm nay anh đã có vợ, có con rồi chưa?

Thầy ngước mắt ngó ngay cô mà đáp xẵn-xớm rằng:

-         Cô hỏi tới chuyện đó mà làm gì? Tôi có phải như người ta, thề bữa trước quên bữa sau vậy đâu.

-         Té ra mấy năm nay anh chưa cưới vợ sao?

-         Vợ là cái gì? Cũng một thứ đờn-bà như các đờn-bà khác. Rất đỗi họ có thề-thốt nặng nề kia mà họ còn không ra gì, cưới người khác mà tình nghĩa gì!

-         Anh về đây mà anh dọn phố ở riêng hay ở đậu với ai?

-         Cô hỏi chi vậy?

-         Em muốn lại nhà thăm anh chơi.

-         Thôi, gặp đây cũng đủ rồi, thăm nom làm chi.

-         Em muốn lại nhà đặng nói chuyện riêng với anh một chút.

Thầy châu mày, lắc đầu, lập nghiêm mà nói rằng:

-         Tôi với cô còn chuyện gì nữa đâu mà phải nói. Tôi tưởng tôi với cô chẳng nên nhìn nhau nữa, dầu gặp nhau cũng phải làm lảng thì hay hơn.

-         Em coi ý anh phiền lắm, nên em cần phải nói chuyện cho anh nghe. Dầu anh thương hay là ghét cũng vậy, xin anh làm ơn chỉ nhà cho em biết đặng trưa tan hầu, em lại thăm anh một chút.

Thầy cười một cách rất cay đắng mà đáp rằng: “Tôi bây giờ chẳng phải như ngày trước. Tôi không nhà, không cửa, không vợ, không con; tôi không muốn nói chuyện với đờn-bà, mà cũng không muốn nghe đờn-bà nói chuyện. Xin cô chớ phiền. Tại đời làm cho tánh ý tôi trở ra như vậy đó. Tới giờ hầu rồi. Thôi tôi xin kiếu cô đặng tôi đi làm việc. Chúc cho cô mạnh-giỏi luôn”.

Thầy dở nón chào cô, rồi dứt mà đi.

Cô lên đứng trên lề đường mà ngó theo, hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng.

Kẻ qua người lại ai thấy sắc cô buồn thảm cũng ngó cô, song cô không thèm kể đến thiên-hạ.

Cô nầy tên là Lý-Thị-Ðằng.

Cô vốn là con của Hương-Cả Trang ở gần chợ Ngã Tư, và cô là vợ của một người khách Triều-Châu, tên là Bành-Nghiệp, làm phó bang-trưởng, có tiệm buôn bán hàng xén tại chợ Ngã Tư, lại có ruộng đất được gần 50 mẫu. Cô với thầy Nhãn gặp nhau mà đối-đãi với nhau: kẻ quyến-luyến, người lãnh-đạm như vậy, thì ai cũng đều hiểu hai người hồi trước chắc có nhơn-duyên với nhau làm sao đó, rồi bị cảnh-ngộ chẳng may nó phân rẻ mỗi người một nơi, nên hôm nay mới có kẻ mừng, người giận, mới có tiếng yêu lộn với lời oán.

Thiệt như vậy. Chuyện cô Ðằng với thầy Nhãn quen biết nhau là một chuyện bi-tình, nghĩ cũng giống như các chuyện tình khác, song chuyện nầy có một cuộc hiệp tan đau-đớn làm cho gái ức-uất, trai phiền-hà.

Số là cô Ðằng sanh trong một nhà đủ ăn, chớ không giàu mà cũng không nghèo gì lắm. Năm cô được 15 tuổi thì bà thân của cô mất. Ông thân của cô là ông Hương-Cả Trang, cũng như mấy ông hương-chức khác trong làng, cũng có học chữ nho lem-nhem, cũng biết nhơn-nghĩa sơ-sịa, song không có kiến-thức rộng, không có thái-độ cao. Vợ chết mới vài tháng thì ông cưới Thị-Liêu ở dưới Cái-Nhum đặng có người nội-trợ. Cô Ðằng đã trộng rồi, mà cô lại có tánh đa tình đa cảm, cô cứ thương nhớ mẹ hoài, thế thì cô không làm sao mà yêu mẹ ghẻ cho được. Còn Thị-Liêu là người không có giáo-dục, thiếu tư-cách làm người lớn, thế thì cũng không làm sao mà thâu-phục con riêng của chồng. Tại như vậy nên mẹ ghẻ con ghẻ ở trong nhà cứ rầy-rà với nhau hoài. Ông Hương-Cả Trang lấy làm bối-rối hết sức, binh con thì vợ giận, binh vợ thì con phiền, ông không biết liệu lẽ nào cho yên trong nhà.

Ông có một người em nhà chú, có chồng làm Cai Lục-lộ ở trên Vĩnh-long. Một bữa nọ ông lên thăm, ông than phiền việc nhà. Vợ chú Cai Lục-lộ mới khuyên ông đem cô Ðằng lên gởi cho thím nuôi giùm tự nhiên trong nhà hết rầy-rà nữa. Ông Hương-Cả nghĩ cái chước đó rất hay, ông mới đem cô Ðằng lên Vĩnhh-long mà gởi.

Lên Vĩnh-long cô Ðằng đi chợ, đi mua đồ hằng ngày, cô mới có dịp gặp rồi làm quen với Phan-Thanh-Nhãn, là một người trai mồ côi mẹ, nhờ một bà góa chồng mà có lòng từ-thiện, đem về nuôi và cho đi học tại trường tỉnh.

Lúc nhỏ Nhãn với Ðằng quen với nhau là quen như anh em vậy thôi. Lần lần ít năm sau Nhãn thi đậu vào trường trung-đẳng học Mỹ-tho rồi, thì cái tình ấy đổi ra làm cái tình ân-ái. Hai trẻ thề-nguyền kết tóc trăm năm với nhau. Nhãn tự quyết thế nào hễ học thành công rồi thì cũng cưới Ðằng làm vợ, còn Ðằng cũng tự-nguyện sẽ giữ lòng thờ Nhãn trọn đời, dầu ai sang giàu đến bực nào cũng không chuộng.

Nhãn học còn có một năm nữa thi ra trường, lại xảy ra chuyện làm cho căn-duyên lỡ-dỡ. Năm ấy Ðằng đã được 20 tuổi rồi, tuy cũng còn ở với cô, song một vài tháng thì về Nhã Tư thăm cha một lần. Khách Bành-Nghiệp góa vợ, thấy Ðằng có sắc thì phải lòng, nên cậy mai nói với Hương-Cả Trang mà xin cưới. Hương-Cả hỏi dọ ý con thì Ðằng không ưng. Bành-Nghiệp biết ý Hương-Cả hay nghe lời vợ, bèn theo năn-nỉ với Thị-Liêu xin làm mai tay trong, hứa rằng nếu giúp lời cho Hương-Cả chịu gả thì anh ta sẽ đi lễ cưới 500 đồng bạc, lại đền ơn riêng cho Thi-Liêu 200 nữa.

Thị-Liêu nghe hơi bạc thì ham, nên ngày đêm theo xúi giục chồng, cứ khen Bành-Nghiệp tánh nết thật-thà, cứ khoe Bành-Nghiệp gia-tài đồ sộ. Hương-Cả sợ mích lòng vợ, mà nghĩ duyên-phận của con được như vậy cũng là hạnh-phước, ông bèn lên Vĩnh-long đặng nói với em đặng đem con về nhà gả lấy chồng. Thím Cai Lục-lộ nghe Bành-Nghiệp giàu có thím cũng ham, nên thím đồng tình với vợ chồng Hương-Cả mà rúng ép cô Ðằng.

Cô Ðằng khóc-lóc không ưng Bành-Nghiệp; cha bữa thì khuyện dỗ, bữa thì rầy la, cứ theo ép uổng hoài, túng thế cô phải khai thiệt cô đã nặng lời thề nguyền với Nhãn, nên cô không thế lấy chồng nào khác hơn Nhãn được. Hương-Cả Trang bổn tánh quê-mùa thấp-thỏi, chỉ biết trọng bạc tiền, chớ không biết trọng tình-nghĩa, ông không thèm kể tâm-sự của con, ông nghe theo lời vợ mà gả nhầu con cho Bành-Nghiệp.

Mà cô Ðằng vẫn là gái ít học. Tuy cô thương Nhãn, tuy cô trọng Nhãn, song cô cũng còn ở trong chế-độ gia-đình. Cô không có thái-độ quả-quyết, cô không có nghị-lực tự-cường, mà dám giải-thoát sợi dây luân-lý, hay là dám kháng-cự mạng lịnh cha mẹ, bởi vậy cô khóc nhếu-nháo rồi viết thơ gởi mà phân-trần việc mình cho Nhãn hay và hỏi Nhãn coi phải liệu lẽ nào. Cô đợi hoài mà không thấy thơ Nhãn trả lời, cô buồn-rầu hết sức, mà đến ngày chồng cưới, cô cũng phải ríu-ríu mà đi về nhà chồng như các cô gái khác.

Từ ấy về sau, Nhãn với Ðằng không gặp mặt nhau nữa, mà cũng không có tin-tức cho nhau. Ðằng có chồng đã 5 năm rồi mới gặp Nhãn hồi sớm mơi nầy, đó là lần thứ nhứt.

Còn thầy Phan-Thanh-Nhãn thì thầy bị uất về tình, nên mấy năm nay thầy chán-ngán thế-thái nhân-tâm, thầy phiền, thầy oán hết thảy đờn-bà, chẳng những là thầy không chịu gần, mà thấy cũng chẳng muốn ngó một người đờn-bà nào hết. Thầy cho đoàn phụ-nữ là đoàn giả-dối, thầy quyết chí độc thân đơn lập cuộc đời, ban ngày đi làm việc thì lo cho tròn chức-nghiệp; ban đêm rảnh thì học chữ Nho và tầp đờn cầm. Thầy lập tâm ở một mình mà vui thú phong-lưu, thầy nhứt định xa phu-nữ đặng khỏi mang tình giả. Nhờ ách cư-xử như vậy mà mấy năm nay trí thầy rất yên-ổn, lòng thầy thảnh-thơi.

Buổi sớm mơi nầy, tình-cờ thầy gặp cô Ðằng. Người thầy đã nhứt-định không thèm để ý đến mà lại còn gặp-gỡ làm chi, thầy nói cùn-quằn rồi dứt chuyện mà lánh phứt cô cho rảnh. Mà vô Tòa làm việc, hình dạng của cô cứ vởn-vơ trước mắt, những lời cô nói cứ văng-vẳng bên tai hoài, làm cho trí thầy xao-động, không bình-tịnh như xưa nữa. Ðến 11 giờ tan hầu thầy đi về nhà, ở dãy phố dưới Cầu Lầu. Ra khỏi cửa thầy ngó quanh-quất, rồi chẫm-rãi mà đi. Về tới nhà, thầy thấy cửa khép, thầy mới xô cửa mà vô.

Cô Ðằng đứng chần-ngần dưới bếp mà coi người nấu ăn dọn cơm. Thầy thấy thì thầy chưng-hửng, thầy vói tay khép cánh cửa lại mà đi thẳng vô buồng mà thay đồ, miệng chúm-chím cười.

Cái tánh tình của con người thiệt là khó dò. Hồi sớm mơi thầy không chịu chỉ nhà cho cô, là ý thầy không muốn cô lân-la tới lui. Mà bây giờ thầy thấy cô đứng trong nhà thì lòng thầy lại phơi-phới, mặt có sắc hân-hoan. Thay đồ rồi bước ra, thầy thấy cô đương dọn cái bàn ăn để gần cửa xuống nhà bếp, thì thầy hỏi rằng: “Sao cô biết nhà tôi ở đây mà cô lại?”.

Cô liếc mắt ngó thầy, miệng cười ngỏn-ngoẻn mà đáp rằng:

-         Anh không chịu chỉ, mà em tìm cũng ra.

-         Ai chỉ cho cô đó?

-         Em hỏi thăm mấy chú lính gác đường.

-         Mấy chú đó thày-lay quá!

-         Bây giờ anh giận lây tới mấy người làm ơn cho em nữa hay sao?

-         Tôi giận là tôi giận ai, chớ mấy người ấy có lỗi chi với tôi đâu mà tôi giận.

-         Anh giận em thì nói ngay ra, nói xa nói gần làm chi. Tại sao anh giận đến nỗi không muốn cho em tới nhà, đâu anh nói cho em nghe thử coi?

-         Việc đó cô biết nhiều hơn tôi nữa, sao cô lại hỏi tôi?

-         Em biết lắm chớ. Em biết em phải giận anh. Mà em không giận, sao anh trở lại giận em?

-         Cô nói nghe trái đời quá!

-         Em nói phải lắm, chớ có trái đời đâu.

Người nấu ăn bưng mâm cơm lên, cô Ðằng tuy là khách, song cô tiếp dọn đồ ăn để trên bàn, rồi cô ngồi trước, so đũa và nói rằng: “Hồi sớm mơi em kiếm được nhà rồi em biểu anh nấu ăn mua thịt cá thêm đặng nấu cho em ăn nữa. Anh có giận em, xin anh cũng để cho em ăn cơm với nghe hôn?”

Thầy chúm-chím cười rồi ngồi ngang mặt mà ăn cơm với cô, sắc mặt thầy có vẻ lo nhiều; còn cô thì một lát cô ngó thầy dường như cô muốn nói chuyện gì, mà thấy bộ thầy ngẩn-ngơ tư-lự nên cô không nói.

Ăn cơm rồi, ngậm một điếu thuốc đi qua đi lại một hồi lâu mà không nói tới cô. Thình-lình thầy vùng hỏi cô rằng:

-         Hồi nãy cô nói quấy là tôi quấy, còn cô thì phải lắm. Cô đã thề-nguyền với tôi, rồi cô bội-ước, bỏ tôi mà đi lấy chồng khác. Cô ở với tôi như vậy đó, cô phải lắm hả?

-         Em đã bội-ước mà phải nỗi gì! Nhưng mà em bội-ước đó là tại nơi anh. Lẽ thì em phải giận anh, chớ sao anh trở lại giận em?

-         Tại tôi là sao?

-         Ngày cha em ép-uổng gả em lấy chồng, em vì nặng lời ước-hẹn với anh, nên em bối-rối hết sức. Lúc ấy em chẳng khác nào như người chơi-vơi ngoài biển, em viết thơ xin anh cứu em. Anh không về mà dạy em coi phải làm sao, lại cũng không gởi thơ trả lời. Phận em là gái, em cùng thế rồi, tự-nhiên em phải co tay để cho cha đem bán em cho người ta mà lấy tiền chớ biết làm sao.

-         Tôi mắc học làm sao mà về được. Còn gởi thơ cho cô, tôi biết nói làm sao; nếu tôi gởi thơ rủi người khác họ nhận thì tôi mang họa, chớ phải dễ hay sao.

Cô Ðằng nghe mấy lời ấy thì nước mắt tuôn dầm-dề. Cô khóc một hồi rồi nói rằng: “Bây giờ em mới biết anh không thương em. Nếu thiệt anh trọng chữ tình, anh trọng duyên nợ trăm năm thì anh đâu kể sự học, anh có sợ gì tai-họa”.

Thầy Nhãn đứng lại, đáp rằng:

-         Cô nói tôi không thương cô à? Thiệt tôi không hiểu tại sao mà tôi thi đậu, tại sao mà tôi còn sống đi làm việc được đây đa, nói cho cô biết.

-         Nếu anh thương em, sao hồi đó anh không ra tay cứu vớt em?

-         Phận tôi không có cha mẹ anh em gì hết. Tôi nhờ người ta nuôi mà cho đi học. Tôi phải học cho thành-công đặng khỏi phụ lòng người ta. Mà tôi lại nguyện học đến cùng đặng đôi ta chung hưởng sung-sướng với nhau. Nếu bán đồ nhi phế [1] thì tôi có lỗi với kẻ làm ơn cho tôi, mà đường sanh-hoạt của đôi ta lại khó khăn trọn đời nữa. Hồi đó tôi cứu cô làm sao được mà cô biểu cứu?

-         Miễn được phỉ-nguyện thì thôi, giàu nghèo có cần gì. Em ở đợ em nuôi anh, em cũng vui lòng mà.

-         Tôi làm trai, tôi đành chịu như vậy hay sao? Lúc cô lấy chồng đó tôi còn học có một năm nữa mà thôi. Nếu bụng cô thương tôi, cô kháng cự hẳn-hòi thì ai làm sao mà gả cô lấy chồng cho được. Có lẽ cô thấy thằng khách đó giàu, cô cũng bằng lòng, nên cha mẹ mới gả chớ.

-         Anh nói chi những tiếng bất nghĩa như vậy! Những tiếng ấy làm cho em chết được chớ không phải chơi đâu. Thuở nay anh thấy có con gái nào cha mẹ gả lấy chồng mà dám chống cự không chịu về nhà chồng hay không? Theo phong-tục của mình, em chưa thấy ai bất hiếu đến thế. Bị ép duyên, hoặc sầu não tự vận mà chết, hoặc gần ngày chồng cưới trốn bỏ mà đi thì có. Hồi đó em cũng có tính tới hai việc ấy. Nhưng mà em nghĩ hai việc đều không nên làm hết thảy. Dại gì mà phải hủy mình; hễ hủy mình thì làm sao mà trọn nguyện-ước cho được. Còn trốn mà đi thì biết đi đâu; con gái hễ ra khỏi nhà thì hư thân liền, có phải dễ đâu. Trong bà con thì em chỉ có người cô ở Vĩnh-long đây mà thôi. Mà cô cũng ép gả em, thì em còn mong nương dựa sao được. Xin anh nghĩ lại mà thương giùm thân em chớ đừng trách em tội nghiệp.

Thầy Nhãn châu mày rồi cúi mặt mà nói chẫm-rãi rằng:

-         Nếu sợ thất hiếu với cha thì đi tu.

Cô Ðằng nghe hai tiếng “đi tu” thì cô giựt mình. Cô ngồi trầm-ngâm một hồi, rồi cô thở dài mà đáp rằng:

-         Thiệt hồi đó bối-rối quá em không nghĩ tới việc đi tu. Mà nếu cạo đầu đi tu, thì làm sao sum-hiệp cùng anh cho được?

-         Tu niệm đặng chờ kiếp khác chớ.

-         Anh biểu như vậy thì phải lắm. Ngặt vì cái việc đó cao quá, em vói không tới. Em tỏ thiệt với anh, hồi đó em tính thấp như vầy: một bên thì hiếu, một bên thì tình. Ơn sanh-thành nặng-nề, thôi em vưng lịnh cha mà lấy chồng cho trọn thảo với cha. Mà lấy chồng đó là lấy đỡ cho khỏi trái ý cha mà thôi, chừng nào anh học xong rồi, nếu anh không phụ em, thì em sẽ lập thế để chồng đặng đôi ta sum-hiệp cùng nhau cho khỏi lỗi lời thệ-ước. Em tính như vậy mà mấy năm nay anh biệt tích, em không biết anh ở đâu mà kiếm, thiệt em buồn rầu không biết chừng nào, Bây giờ cha em đã mất rồi, mà nay em lại được gặp anh đây nữa. Thảo em đã trả xong, tình em còn mang nặng. Vậy anh liệu cho em phải làm sao. Xin anh dạy. Anh muốn lẽ nào em sẽ làm theo liền.

Thầy Nhãn kéo ghế ngồi ngang cô Ðằng, thầy chống cánh tay trái trên bàn, rồi để cái trán vào bàn tay, trí bàng-hoàng suy-nghĩ. Cô Ðằng ngó thầy trân-trân, đợi một hồi lâu mà không nghe thầy trả lời, cô bèn nói rằng: “Ðôi ta thề-nguyền rất nặng lời, tiếc vì lúc em bị ép duyên, anh mắc ham học, anh không cứu vớt em; còn phận em thì em mắc vì chữ hiếu mà phải thất ước. Ðôi ta đều có lỗi hết thảy, anh lỗi về ham danh-lợi, em lỗi về khinh trinh-tiết. Thôi, tại nhơn-duyên của mình phải trắc-trở như vậy, bây giờ chẳng nên phiền-trách nhau làm chi, để lo gây cuộc trăm năm lại thì hay hơn”.

Thầy châu mày thở ra mà đáp rằng:

-         Hồi sớm mơi tôi đã có nói với cô: Bây giờ chúng ta gặp nhau phải làm lãng, chẳng nên nhìn nhau…

-         Làm lãng sao cho được.

-         Dầu không được cũng phải rán, chớ lân-la như vầy thì có tội lớn lắm, cô ôi!

-         Tội gì?

-         Chúng ta ắt chẳng khỏi tội tà-dâm là một cái tội-ác khốn-nạn lắm.

-         Hứ! Tội-ác! Em chẳng còn biết sợ tội gì nữa hết. Vậy chớ hồi nhỏ em có phạm tội-ác nào đâu, mà sao em phải sa địa-ngục mấy năm nay đó? Thà em thoát khỏi cái địa-ngục hiện tại đó cho rồi, chừng chết Phật Trời muốn đày em vào địa-ngục nào nữa tùy ý.

-         Ðịa-ngục hiện tại là địa-ngục gì đâu?

-         Mình ghét người ta, mình khinh-khi người ta, mà mình phải ép lòng phụng-sự người ta, phải ép lòng để cho người ta ôm-ấp. Em ở vào cái cảnh như vậy đó, há không phải ở trong địa-ngục hay sao?

-         Ấy là nhơn-quả đó a cô. Có lẽ kiếp trước cô ở với chồng thiếu sót sao đó, nên kiếp nầy cô mới phải lấy chồng như vậy để trả nợ tiền khiên.

-         Anh cứ nói đạo-đức hoài, em buồn quá.

-         Ở đời đạo-đức là cây nêu để cho loài người nhắm mà đi đặng khỏi sa vào đường quấy, không giữ đạo-đức sao được.

-         Hứ! Ðạo-đức! Nếu thiện-hạ biết làm theo đạo-đức thì đâu có người mạnh hiếp kẻ yếu; đâu có người khôn gạt kẻ dại; dì ghẻ em đau có khắc-bạc em, cha em đâu có gả em cho Chệt khách đặng lấy tiền. Em không cần đạo-đức, mà em cũng không sợ tội-lỗi gì hết. Mấy năm nay tuy em có chồng, song chẳng có giây phút nào mà em quên anh. Em nói thiệt với anh: vì đôi ta có thề nguyền với nhau, bây giờ gặp nhau, em nhứt định bỏ chồng theo anh, dầu phải mang tội gì em cũng không sợ.

-         Cô nói như vậy thì quấy lắm! Hồi nhỏ chúng ta khờ dại nên nhen-nhúm cái lò lửa tình cho nó phát ra cái ngọn lửa thảm. Mấy năm nay đôi ta cháy lòng cháy dạ, nám mặt nám mày, mà đôi ta còn sống đây, phận tôi thì tôi nhờ cái thú cầm thi nó làm cho tôi khuây lãng, còn phận cô nhờ có cuộc gia-thất nên quên được chuyện xưa. Thôi, lò lửa tình đã giục tắt được rồi, ấy là may, chẳng nên nhen-nhúm khêu gợi làm chi. Tôi xin cô: nếu cô thiệt thương tôi, thì hãy để cho lòng tôi yên tịnh; nếu cô biết trọng nghĩa, thì hãy giữ tiết với chồng cho tròn. Còn những lời thề nguyền của chúng ta chẳng trọn, cái duyên nợ chúng ta rã rời, thì chúng ta phải rán tu niệm cho thành tâm, tu niệm kiếp nầy đặng kiếp sau sum-hiệp. Chúng ta chẳng nên vì sắc dục mà nghịch lẽ Trời, trái đạo làm người và phạm tội tà dâm. Tôi khuyên cô phải trở về với chồng cho tử-tế, đừng thèm tưởng đến tôi nữa. đừng tới nhà tôi làm chi.

Cô Ðằng khóc tức-tưởi mà nói rằng: “Bây giờ em mới biết anh không thương em chút nào hết! Hèn chi hồi đó em gởi thơ mà anh không về, lại anh cũng không thèm trả lời. Anh gạt em chi lắm vậy? Hồi nhỏ anh chấp mối tơ tình cho em làm chi, mà chấp rồi anh lại bứt dứt đi? Anh có biết mấy năm nay em vì ai mà em đau đớn buồn thảm đêm ngày hay không hử? Tuy nay xác em đã nhơ-nhuốc nhưng mà tình của em đối với anh vẫn còn y nguyên. Em gặp được anh em mừng hết sức, là vì em tưởng anh cũng như em, anh không quên em, anh trọng tình hơn trọng xác. Té ra anh cũng như họ, anh là người ham danh ham lợi, không biết trọng cái tình. Anh làm bộ nhơ-nghĩa, anh bày chuyện tu-hành, anh muốn cho thiẹn-hạ khen anh là người đứng-đắn, còn thân em chìm nổi trong biển thảm, tan-tác trong lò tình, mặc kệ em! Em hiểu rồi: Anh độc lắm, anh phiền em, anh muốn cho em chết đặng dứt lời thề cho anh cưới vợ. Ðược, anh muốn cho em chết thì em vưng. Sống mà làm bận lòng anh thì không nên sống làm gì, thà chết đặng thoát khỏi nhà chồng là cảnh địa-ngục, chết đặng giữ cái tình là cái em quí trọng bấy lâu nay, chết cho anh được tiếng khen là thầy thông đạo-đức, chết cho anh an tâm mà vui thú cầm thi của anh, rồi cưới vợ sanh con mà hưởng phú-quí với thiên-hạ”.

Cô và nói mấy câu sau và đứng dậy men-men ra phía trước, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Thầy chạy theo nắm tay cô mà hỏi rằng: “Cô Hai, tôi lấy lẽ chánh-đáng mà khuyên cô, sao cô lại gia tiếng oán mà nói tôi muốn cho cô chết ?”.

Cô vịn hai cái tay trên vai thầy, cô úp mặt vào ngực thầy, cô và khóc và nói rằng: “Anh không thương em, thôi thời em chết phứt cho rồi, chớ sống nữa mà làm chi!”.

Thầy lắc đầu rồi cũng choàng tay ôm ngang qua mình cô mà khóc.

Vì cái tình mà bao nhiêu chánh-trực, bao nhiêu đạo-đức đều tan rả hết.



[1] bỏ cuộc giữa đường