HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Hai Vợ
Hồ Biểu Chánh, (Sài Gòn - 1955)

Chương 1

Gần đây, một khách giang hồ trót mấy mươi năm bôn ba gởi bước khắp non sông, tình cờ trở lại nguồn Khổng Tước, nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa bỗng cảm hứng nên ngâm một bài thi thất ngôn bát cú, tả phong cảnh Gò Công có hai câu trạng như vầy:

Sơn Qui phưởng phất hồn văn vật

Vàm Láng ồ ào sóng cạnh tranh.

Chắc có nhiều anh chị em bốn phương chưa biết Sơn Qui là cái gì ở đâu.

Sơn Qui là một giồng cát trong tỉnh Gò Công.

Vùng Gò Công nằm dựa mé biển, nên thấp thỏi sình lầy, nhưng có mấy cái giồng cát nổi lên ngang dọc, giữa những cánh đồng ruộng vui vẻ, với màu lúa hết xanh rồi vàng, bằng thẳng một mực dầu phía trên hay phía dưới.

Những giồng Tháp, giồng Tre, giồng Nâu, giồng Cát, giồng Găng, giồng Trôm, giồng Ông Huê, giồng Sơn Qui, giồng nào cũng có trải qua những giai đoạn thăng trầm, cũng được thế cuộc ghi dấu lịch sử hoặc hùng hào, hoặc xán lạn.

Giồng Sơn Qui là trung tâm khai hóa trong vùng Khổng Tước, nguyên là cái lò nung đúc nhân tài để giúp chúa Nguyễn trung hưng hồi cuối thế kỷ 18.

Thiệt như vậy, giồng Sơn Qui đầu trong vô tới mé sông Gò Công, còn đầu ngoài đụng con đường quan lộ Gò Công lên Chợ Lớn. Hiện giờ du khách đến đó thì thấy dân cư thưa thớt, nhà cửa xơ rơ, chỉ còn phủ thờ với mấy ngôi mộ của quí tộc Phạm Đăng, là ngọai thích của vua Tự Đức, vẫn khư khư chống chỏi mà chịu đựng với tuế nguyệt, chớ những rẫy cải xanh tươi, những đám bắp ngon ngọt, là những nguồn lợi của người ở trong giồng, thì không còn nữa.

Nhìn cảnh Sơn Qui suy sụp bây giờ, ai cũng phải chạnh lòng nhớ nhơn vật vẻ vang của Sơn Qui ngày trước.

Hồi giữa thế kỷ 19, sau khi Triều chúa Nguyễn ở Huế được nắm chủ quyền thống trị cả vùng đất Việt Nam nầy thì phân ranh chia mấy trấn, mỗi trấn chia mấy đạo, rồi đặt quan cai trị, cho nhân dân từ Quảng Bình trở vô được đem gia quyến đến khai cơ lập nghiệp.

Vùng Gò Công hồi đó gọi là Kiến Hòa đạo thuộc về trấn Định Tường, là Mỹ Tho bây giờ.

Cụ Phạm Đăng Xương một nhà học uyên thâm, gốc ở Hương Trà thuộc vùng Huế bây giờ, chở gia quyến vào Nam, chọn giồng Sơn Qui trong đạo Kiến Hòa làm chỗ định cư. Cụ đốt cây cất nhà và qui dân về ở chung quanh cụ. Điền địa phì nhiêu, trên giồng cải rau bắp đậu thứ nào cũng dễ trồng, dưới ruộng thì lúa cấy đám nào đám nấy cũng xanh tốt. Nhơn dân thấy vậy bèn tụ tập về đó ở làm ăn, gây cho Sơn Qui một thời phong phú thạnh vượng.

Cụ Phạm Đăng Xương thấy vậy mới mở trường dạy học. Người gần kẻ xa hay việc ấy thì lần lượt đến xin thọ giáo, vì đạo học của cụ Phạm vừa uyên thâm vừa hoạt bát, nên môn đệ của cụ người nào cũng nên danh. Thuở ấy người ta kính mến cụ nên kẻ lớn người nhỏ đều gọi cụ là “Kiến Hòa Tiên Sanh”.

Chừng qua đời, con của cụ là Phạm Đặng Long nối nghiệp mà dạy học.

Thinh danh “Kiến Hòa Tiên Sanh” càng lừng lẫy hơn đời trước bởi vì cụ Phạm Đặng Long đào tạo môn đệ được nhiều người rất hiển đạt, như ba cụ Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô. Khi cụ Hoài Quốc Công Võ Tánh đến giồng Tre chiêu binh khởi nghĩa, ba cụ ra giúp làm phó tướng đắc lực, sau giúp chúa Nguyễn lập được đại công.

Cụ Nguyễn Hoài Quỳnh thi đậu khóa Tân Hợi (1791) mở đầu tại Gia Định cũng là môn đệ của cụ Phạm Đặng Long, sau làm quan lên tới những chức Nghệ An Hiệp trấn, Thanh Hóa Hiệp trấn, Thanh Hóa điện phu đạo, Bắc Thành Binh Tào chừng mất được tặng Chánh Trị Khanh.

Mà công lớn hơn hết của cụ Phạm Đặng Long là công cụ dạy người con của cụ, là cụ Phạm Đăng Hưng, khóa Bính Thìn (1796) thi đậu thủ khoa, được sung vào bộ Tham mưu chúa Nguyễn Ánh, luôn luôn theo chúa ra chinh phạt đàng ngoài.

Cuộc đại định đã xong, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi cữu ngũ xưng hiệu Gia Long, thì cụ Phạm Đăng Hưng làm đại thần tại Triều đình Huế. Đến năm 1813 cụ được thăng chức Thượng Thơ Bộ Lễ, và cụ ngồi địa vị ấy luôn cho tới khi cụ thất lộc, là năm 1825, về đời vua Minh Mạng.

Năm 1824 vua Minh Mạng đã có nạp con gái của cụ vào tiểm để làm vợ Đông cung Thái tử. Năm 1841, Đông cung lên ngôi xưng hiệu là Thiệu Trị, thì con gái cụ Phạm Đăng Hưng lên ngôi Hoàng Hậu.

Năm 1847 vua Thiệu Trị băng, Hoàng thái tử nối ngôi xưng hiệu Tự Đức, mới phong cho mẹ là con của cụ Phạm Đăng Hưng, chức Từ Dũ Hoàng thái hậu.

Vua Tự Đức lại truy phong:

1. Cụ Phạm Đăng Hưng tước Đức quốc công

2. Cụ Phạm Long tước Phước An Hầu

3. Cụ Phạm Đăng Xương tước Bình Thành Bá

4. Cụ Phạm Đăng Thiên tước Mỹ Khánh Tử

5. Cụ Phạm Đăng Khoa tước Trung Thuận, Đại phu

Phủ thờ lập tại giồng Sơn Qui là lập để thờ 5 vị nầy, có 11 ngôi mộ của Phạm Tộc nằm phía sau phủ thờ.

Ấy vậy hồi thế kỷ 19 giồng Sơn Qui nổi danh và hưng thạnh là nhờ văn học uyên thâm của Phạm tộc, cũng như giồng Tre nằm gần đó nổi danh là nhờ tài oanh liệt của cụ Hoài Quốc Công Võ Tánh; ngày nay tại đó vẫn còn đền thờ.

Nhờ hai trường hợp đó, sau còn nhờ cụ Trương Công Định ẩn núp theo mấy giồng mà kháng chiến với binh đội Pháp khi nước Pháp mới chiếm trị vùng Gò Công, nên Gò Công mới được tiếng “Địa linh nhơn kiệt".

Người nhờ đất mà kiệt?

Hay là đất nhờ người mà linh?

Hai vấn đề ấy ai muốn phân giải thế nào tùy ý.

Từ khi cụ Phạm Đăng Hưng thi đậu đi làm quan, thì cụ Phạm Đăng Long một là vì già yếu, hai là vì thấy loạn Tây Sơn ép buộc hạng thanh niên cường tráng ai cũng phải lo giúp nước dẹp loạn, không thể ngồi yên mà học được nữa, nên cụ thôi dạy đạo học, để cho môn đệ ở trong giồng dạy trẻ em đồng ấu lần lần vậy thôi.

Đến nữa thế kỷ 19, có ông Phạm Chí Hiền, nhà ở giồng Sơn Qui thuộc miêu duệ của Phạm Tộc ngày trước, ông mở trường dạy đạo học lại, ý muốn kế chí cho tiền nhơn. Môn đệ gần xa đến xin thọ giáo với ông được vài chục người, cả thảy đều mẩn cán, quyết đi đường khoa cử.

Trong đám môn đệ này, ông Phạm Chí Hiền nhận thấy có cậu Lê Hữu Hào, gốc ở xóm Tre, học lực trội hơn hết. Ông đặt hy vọng vào tài học của cậu, tin chắc khoa thi sắp tới cậu sẽ gởi bước thang mây.

Nào dè đến đầu năm Tự Đức thứ 12 là năm 1859, thầy trò lại nghe tin binh thuyền Pháp quốc vào cửa Cần Giờ bắn phá những pháo đài của Việt Nam đóng dài theo mé sông, dường như muốn quyết ý muốn tiến vào mà đánh thành Gia Định.

Nghe tin ấy ông Phạm Chí Hiền bàn luận với môn đệ; thầy trò đều không an trong lòng. Có vài cậu nóng nảy xin đi nghe tin tức.

Cách ít ngày có tờ của quan Tổng Đốc Gia Định gởi tới Gò Công lúc đó gọi là Huyện Tân Hòa, cho hay quân đội Pháp đã chiếm thành Gia Định và khuyên nhân dân cường tráng hãy đến tỉnh xin đầu quân mà tiêu trừ giặc ngoại xâm.

Thầy buồn rầu về nạn nước, trò bối rối về phận làm trai, thầy trò bàn tính với nhau mới định đóng cửa trường, ai về nhà nấy, đặng lo sắp đặt việc nhà rồi ra hiến thân cứu nước.