HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Hai Vợ
Hồ Biểu Chánh, (Sài Gòn - 1955)

Chương 8

Mặt trời đã xế bóng.

Hào ở ngoài nhà ông Bá hộ nhút nhắc đi về. Vô gần tới cửa chàng thấy mẹ con cô Chức ngồi chồm hổm tại ngạch cửa, mắt buồn hiu. Trong nhà thì ông Thuận nằm im lìm trên giường như nằm ngủ.

Quang cảnh buồn bực hết sức. Chết đi sống lại mà về tới nhà cha con sum hiệp vui mừng, nào dè không thấy vui mừng mà lại thấy phiền não. Tuy Hào không nỡ tiếc sao năm trước chàng không chết phứt tại chiến trường, hay là tiếc sao hăng hái trở về quê cũ làm chi, song đứng trước hoàn cảnh thê thảm như vầy chàng chẳng khỏi héo ruột gan, ứa nước mắt.

Chàng ngoắc cô Chức ra ngoài sân mà hỏi nhỏ:

-    Qua đi nãy giờ ở nhà cha có nói tiếng chi với em không?

-    Không. Hồi nãy em thấy cha dậy cha bước xuống đất, em lật đật bước vô hỏi cha muốn đi đâu để em dắt cha đi. Cha khoát tay mà nói không cần, vì cha biết đường rồi, cha mò đi ra đằng sau tiểu tiện. Chừng trở vô cha cũng mò mà đi. Em đi vô coi chừng vậy thôi, chớ em không dám nói chi hết. Anh đi thăm ông Bá hộ, chắc anh còn nghe thêm nhiều lời cay đắng nữa phải hôn?

-    Không có. Qua thuật rõ sự tình của qua cho hai ông bà nghe. Qua thấy ông bà cảm động nên không nỡ trách qua. Ông nói chiều mát ông sẽ vô đây mà bàn tính công chuyện của mình với cha.

-    Em thấy chỉ có cách em phải từ biệt mà về Củ Chi mau mau thì anh mới gây thuận hòa đầm ấm lại được. Em rất tiếc hồi sớm mơi em theo anh lên nhà làm chi mà sanh sự cha hờn cha giận, vợ trách phiền. Em đưa anh với Hùng tới nhà thì đủ rồi. Em ở luôn dưới ghe rồi theo ghe trở về thì xong quá.

-    Ông Bá hộ dặn em khoan tính về. Đợi ông vô nói chuyện với cha rồi sẽ hay.

-    Ghe còn đậu mà bán đường bán thuốc kia. Hồi nãy em có ra hỏi ông chủ ghe thì ông nói chiều tối ông sẽ lui ra đậu ngoài chợ Rạch Băng mà bán vài bữa. Vậy chừng ghe lui em theo ghe mà đi cho rồi.

-    Không, gấp gì, qua có dặn ông chủ ghe chừng về ghé đây coi như em về thì ông rước em. Ông hứa ông sẽ ghé đặng mua lúa chở về Thủ. Đợi chiều coi ông Bá hộ với cha bàn tính thế nào sẽ liệu.

Hào với Chức dắt con đi vô nhà.

Hào đi ngay lại chỗ cha nằm mà nói:

-    Hồi sớm mơi cha ăn cơm nửa chừng kế con về nên cha thôi ăn. Con chắc cha đói bụng. Để con biểu nó nấu cơm sớm cho cha ăn nghe hôn cha?

Ông Thuận nói:

-    Thôi, thôi, tao không muốn ăn uống gì nữa hết. Đừng có nấu thất công.

Chú Hợi đi trong ruộng về, chú thấy Hào với Chức chú không biết khách lạ ở đâu đến, ngoài bến lại có ghe đậu, nên chú ngó trân trân mà đi thẳng vô nhà mà thay áo quần vì cắt cỏ trong lúa nên ướt hết.

Hào đợi chú thay đồ rồi mới vô nói cho chú biết. Chú mừng và hỏi cô Quyên đi đâu. Hào nói cô Quyên đã về ngoài nhà cô và khuyên chú Hợi nấu cơm giùm đặng cho cha ăn, vì sợ cha đói, thầm tính chú Hợi nấu cơm rồi mời cha ăn chắc cha chịu ăn. Hào nói nhỏ với cô Chức biểu phụ nấu cơm bới chú Hợi.

Ông Bá hộ nói với Hào xế mát ông sẽ vô. Mà Hào về rồi, ông bứt rứt ngồi nhà không yên, cách một lát ông lấy dù che mà đi. Muốn có người tiếp sức mà khuyên giải ông Thuận, nên ông ghé nhà Phó Tha cho hay Hào còn sống và đã về, rồi thuật luôn chuyện Hào về dắt vợ con làm cho ông Thuận bất bình, giận con đuổi dâu, mất hết hân hoan hòa nhả. Ông mời Phó Tha đi với ông đi vô khuyên giải ông Thuận trên dưới an vui trong ngoài đầm ấm. Phó Tha chịu đi liền. Đi đặng mừng cho Hào may mà trở về chung sống cùng bà con chòm xóm.

Hào thấy ông Bá hộ với Phó Tha đi vô lật đật ra sân mà mừng. Phó Tha cũng mừng hỏi nói lăng xăng rồi Hào mời vô nhà.

Ông Thuận nghe tiếng hai ông bạn già thì ông ngồi dậy mò đi ra ván. Hào thấy cô Chức lấp ló ở trong thì ngoắc ra chào hai ông khách.

Ông Bá hộ nhìn thấy cô Chức thấy cô trạc Quyên, gương mặt cũng hiền lành, nhưng bộ Chức mạnh khỏe hơn nhiều.

Phó Tha nói:

-    Ở đời hễ làm phải thì có thánh thần phò hộ. Mấy năm nay ai cũng kể chắc cháu Hào không còn. Té ra nhờ thánh thần che chở nên ra trận bị thương nặng mà rồi cũng lành mạnh mà về được. Vậy đó người ta gọi là có phước đức. Anh hai đây có phước là còn người con một, còn xóm Tre mình có phước khỏi mất nhà nho.

Ông Bá hộ nói tiếp:

-    Hào làm trai hiến thân giúp nước, đã làm tròn nhiệm vụ thiệt vinh quang quá. May khỏi chết, được trở về xứ sở, lại dắt về một đứa con, mà con trai nữa, cái đó mới quí chớ.

Ông Thuận nói:

-    Quí giống gì? Nó làm cho tôi mang xấu chớ quí.

-    Sao mà mang xấu.

-    Tôi đã cầm trầu cau nói vợ cho nó rồi. Tôi đã kết tình sui gia với anh. Năm sáu năm nay con Quyên lo nuôi dưỡng tôi. Tôi ốm đau mù quáng nhờ có nó tôi mới sống được. Hào ra đi giúp nước, cái đó ai cũng khen. Đã đành như vậy, mà giúp nước thì giúp chớ sao lại bội ước bỏ con Quyên mà ăn ở với người khác mấy năm nay, không thèm thưa trước cho tôi hay, có con rồi dắt nhau về đây mà trêu bẹo. Nó làm như vậy không phải là làm cho tôi mang xấu, làm cho tôi hổ thẹn với anh sui, với con Quyên hay sao?

-    Nó ra trận bị đạn gần gãy chân, thập phần tử nhứt phần sanh mà nhờ có cô Chức chịu cực khổ chăm nom nuôi dưỡng mấy năm nó mới khỏi chết. Nó cảm tình cảm nghĩa gần gũi nhau rồi thương nhau. Nó nằm một chỗ làm sao đi về được mà thưa trước với anh. Anh bắt lỗi cái đó gắt quá.

-    Nó thuật chuyện như vầy rồi anh tin hay sao? Nó bỏ con Quyên mà lấy người khác, rồi đặt chuyện nói nghe cho thiết yếu đặng chữa lỗi hơi nào mà tin.

-    Coi! Nó bị đạn nát bắp chuối, thẹo lớn bằng bàn tay. Nó đi không ngay, đứng không vững, bằng cớ rõ ràng, không tin sao được. Tại anh mù quáng nên anh không thấy nên anh tưởng nó đặt chuyện, chớ tôi biết thiệt mà tôi không tin sao được. Hào, con giở thẹo cho chú Phó coi phải vậy hôn.

Hào bước lại vén ống quần mà trình thẹo cho khách xem.

Phó Tha xem rồi nói:

-    Trời ơi! Thiệt thẹo thấy phát sợ. Thịt bắp chuối tiêu hết, hèn chi đi đứng không vững. Bị đạn như vầy làm sao sống cho được. Nằm một chỗ mà điều trị đôi ba năm là phải lắm chớ. Nghi nỗi gì.

Ông Bá hộ mới nói với ông Thuận:

-    Theo ý tôi thì Hào đã có công giúp nước, lại bị thương nặng còn sống được đây là may, nó có lầm lỗi chút đỉnh mình nên dung chế cho nó. Tôi xin anh tha lỗi cho Hào đặng cha con hiệp hòa, trong nhà vui vẻ, chớ Hào được sống mà về, lại bị cha giận hờn quở trách nó mất vui mừng, tội nghiệp cho nó.

-    Anh muốn tha thì anh tha, chớ tôi là cha ruột nó tôi không thể tha nó được. Hơn năm năm nay tôi nhờ con Quyên nên mới còn sống đây. Nó bỏ con Quyên mà lấy vợ khác tôi tha sao được. Tôi chỉ biết con Quyên là dâu tôi thôi, tôi không biết ai hết nữa.

-    Anh nhờ con Quyên nên anh sống. Thằng Hào nhờ có cô Chức nên nó sống. Bây giờ anh nhìn nhận một người. Anh làm như vậy thì mất công bình. Quyên với Chức đều có công ơn như nhau, sao anh lai yêu Quyên mà ghét Chức? Anh phải suy nghĩ lại phải xử cho công bình sắp nhỏ mới phục.

Phó Tha tiếp nói:

-    Hai cháu đều có công ơn cả hai. Vậy phải thương hết hai cháu mới công bình.

Ông Thuận nói:

-    Đâu được. Con Quyên là tôi có cầm trầu cau đi hỏi cưới. Còn con Chức, tôi có biết nó ở xứ nào, tôi không hay nó đụng thằng Hào bao giờ, tôi phải nhìn nó là dâu như con Quyên, tôi phải thương nó như con Quyên, cái đó không thể được. vậy thì hiếp con Quyên chớ công bình nỗi gì. Nếu thiệt con Chức có công cứu thằng Hào khỏi chết, và nếu nó là gái biết điều, thì nuôi Hào lành mạnh rồi nó đưa thằng nọ xuống đây mà giao cho con Quyên rồi nó trở về xứ nó. Nó làm như vậy tôi mới cảm ơn, tôi mới thương nó được.

Ông Bá hộ cãi:

-    Anh thương như vậy thì thương cũng như ghét, ai màng anh thương. Để tôi nói cho anh nghe. Chức nuôi Hào trong nhà mấy năm nay ăn ở với nhau đã có con biết đi biết nói. Mẹ Chức bằng lòng nên mới đầm ấm, xóm làng biết hết nên không có tiếng gì. Nay mẹ con nó xuống đây anh làm giận làm hờn anh đuổi nó về. Nghe nói nó tính để con theo cha cho cha dạy dỗ. Nếu anh đuổi chức về tự nhiên nó sẽ dắt con nó về. Anh mất đứa cháu nội trai anh thấy hại hay chưa?

Ông Thuận giận nên nói:

-    Bắt con sao được.

-    Ủa! Con nó thì nó bắt. Anh có quyền gì mà cản được. mà ví như Chức vị tình Hào, nó để con nó lại cho Hào dưỡng nuôi dạy dỗ thì xa con nó nhớ buồn rầu, tội nghiệp cho phận nó. Còn cái này nữa, bị đuổi trở về chắc nó bị chòm xóm chê cười, còn bị cha mẹ anh em hất hủi. Anh phải xét chỗ đó mà thương phận nó.

Ông Thuận nín khe, suy nghĩ.

Ông Bá hộ thấy bộ ông sui dường như ăn năn nên đứng dậy mà nói rút:

-    Anh phải suy nghĩ lại, phải biết thương người không nên ở ác.

Không dè ông Thuận lại còn nói.

-    Tôi biết một mình con Quyên là dâu thôi. Tôi không muốn biết ai nữa hết.

Ông Bá hộ giận nên nói lớn:

-    Thôi, đi về anh Phó. Chuyện nhà của ảnh, ảnh tính sao ảnh tính. Mình nói hết sức mà ảnh không thèm nghe.

Hai người khách ra tới cửa, ông Bá hộ đứng lại và day vô nói lớn:

-    Nầy anh sui tôi nói trước cho anh biết, nếu anh nhẫn tâm đuổi con Chức về, thì tôi nhứt định không gả con Quyên cho thằng Hào. Anh kiện tới đâu anh kiện tôi không sợ.

Ông vói lấy cái dù móc trên cửa rồi kéo Phó Tha đi về.

Ông Thuận mò trở vô giường mà nằm.

Hào đứng ngó trân trân.

Cô Chức ở trong ló đầu ra mà dòm. Hào day lại ngó Chức lắc đầu, buồn hiu. Nãy giờ chú Hợi tiếp với cô Chức lo bữa cơm chiều cơm cũng chín rồi, chú nghe khách về thì sửa soạn dọn cơm ông Thuận ăn. Hào bước vô thấy chú Hợi đương dọn cơm thì nói:

-    Chú dọn rồi chú bưng ra mời giùm cha tôi nghe hôn. Cha tôi còn giận tôi, nên tôi mời sợ cha tôi không chịu ăn. Hồi trưa tôi có thử rồi… mà cha tôi tối mắt, ăn một mình làm sao thấy tôm cá đặng gắp mà ăn?

Chú Hợi cười mà nói:

-    Mấy năm nay có cô Quyên ăn với ông, cô gắp đồ cho ông ăn, chớ ông có thấy đâu.

Hào nói:

-    Chú dọn rồi chú mời giùm. Hễ cha tôi qua thì tôi ăn với cha tôi đặng gắp đồ ăn.

Thiệt quả chú Hợi dọn rồi thì chú mời thì ông Thuận mò qua ngồi liền. Hào ngồi lại xúc cơm và gắp cá rồi đưa đũa đưa chén mời cha. Ông Thụân chịu bưng mà ăn, nhưng ông cứ lặng thinh, không thèm nói chi hết. Hào ngồi ăn với cha đặng coi gắp đồ cho cha ăn. Hào vẫn sợ cha giận rồi thôi ăn, nên Hào cũng không dám gạy nói chuyện gì hết.

Cô Chức đã múc sẵn một tô nước để dựa bên Hào. Ông Thuận ăn, còn nửa tô ông mò cái chén rồi xối mà rửa miệng.

Ăn uống xông rồi ông Thuận bước chân xuống đất, Hào tưởng ông qua giường nằm. Té ra ông mò đi lại cửa rồi lần lần đi ra hè tiểu tiện. Mặt trời gần lặn, không khí mát mẻ, ông lần trở lại cửa mà chơi. Chừng ông muốn vô nhà, thì ông lạc hướng, nên đi ngay vô vách. Hào lật đật lại nắm tay cha đi vô cửa. Ông rờ cánh cửa, biết được hướng rồi, thì biểu Hào buông tay để ông mò lại giường ngồi chơi.

Cô Chức bưng mâm cơm vô trong rồi mẹ con ngồi ăn với chú Hợi.

Ông chủ ghe đường lên nhà kiếm Hào đặng từ giã mà lui ghe. Hào đưa ông ra bến, cô Chức hay nên ăn cơm rồi cô dắt con ra bến mà đưa ông chủ ghe.

Cô Chức tỏ ý muốn theo mà đi liền.

Hào cản, nói ghe còn đi bán cho hết đường hết thuốc rồi mới trở về.

Ông chủ ghe nói:

-    Tôi có hứa với cậu thế nào chừng tôi về cũng ghé xóm này mua lúa. Bây giờ tôi ra đậu tại Vàm Rạch Băng mà bán. Chợ ở gần đây. Vậy chiều mốt cô sẽ đi bộ ra đó cũng được, chẳng cần phải đi bây giờ. Còn nếu cô muốn ở đây chơi thêm một ít bữa thì bận về tôi sẽ ghé mà rước cô. Tôi hứa thì chắc, tôi không bỏ cô ở đây đâu mà sợ.

Ông chủ xuống ghe, biểu trao phụ nhổ sào mà lui. Hào với cô Chức đứng ngó theo, mặt mày buồn hiu.

Hào thấy trên sân, dựa mé rạch có mấy gốc bần lớn nằm nghiêng ngang, có lẽ mấy gốc của chú Hợi chở về bỏ đó mà phơi cho khô đặng bửa làm củi. Chàng biểu Chức dắt con lại đó ngồi nói chuyện chơi.

Ngày đó nhằm ngày rằm. Mặt trời chen lặn. Dưới rạch nước lớn đầy mà tiếng chim bìm bịp kêu vang trong đám lá dừa ở phía ngoài Vàm, báo tin nước sắp ròng, cũng như đã cho hay hồi nước mới lớn.

Chức hỏi Hào:

-    Hồi trưa anh ra thăm ông Bá hộ, anh coi ý ông thế nào, mà hồi chiều ông cãi lẽ với cha, ông binh vực em dữ vậy?

-    Hai ông bà nhờ có Quyên về nói trước nên đã có hay qua về mà lại có em với Hùng. Tuy vậy mà thấy qua ra, ông bà cũng mừng chớ không giận. Chừng nghe qua thuật rõ công chuyện gặp gỡ của mình rồi thì động lòng, không trách qua, mà cũng không ghét em. Ông kêu Quyên ra mà nói rằng em có ơn cứu qua khỏi chết, lại ăn ở với nhau đã có con, cha quá binh Quyên mà đuổi em về, thì tội nghiệp phận em, mà qua cũng buồn vì thấy em làm ơn lại mắc oán. Ý ông Bá hộ muốn em ở luôn dưới nầy, trước qua được tròn ơn nghĩa, sau em khỏi hổ thẹn với bà con chòm xóm trên Củ Chi, mà em cũng khỏi buồn rầu nhớ thương em nhỏ. Qua cưới Quyên nữa thì qua hai vợ, việc đó là việc thông thường trong xóm, thiếu gì người đôi ba vợ. Qua hiểu ý Quyên muốn một mình một chồng, song cô không dám nói ra, sợ cha rầy. Cô nói trớ rằng em có công cứu qua khỏi chết, lại có con rồi, nên cô nhường qua cho em đặng qua khỏi mang tiếng vong ân. Phận cô thì cô ở nhà nuôi cha mẹ. Ông Bá hộ không chịu, nếu làm như vậy thì Quyên mang tiếng ghen tuông nên từ hôn.

-    Em cũng không chịu, vì làm như vậy em cũng mang tiếng đoạt hôn của chị Quyên.

-    Ông Bá hộ có ý muốn em ở luôn với qua. Qua cưới Quyên cho khỏi thất ước, lại khỏi cha mẹ giận. Quyên có cha mẹ cưới hỏi thì làm lớn, em ngẩu hiệp thì làm nhỏ. Lớn nhỏ hòa hiệp với nhau mà giúp chồng và nuôi cha chồng. Ông biểu qua về, để chiều ông sẽ vô mà bàn tính với cha. Tại vậy nên hồi chiều mới có cuộc cãi lẫy, rồi cha cứ khư khư không khứng nhìn nhận em là dâu, thành ra sui gia xích mích.

-    Em xét lại tại em mà sanh ra kẻ buồn người giận, xào xáo gia đạo, xích mích sui gia. Chớ chi hồi sớm mơi em đưa anh về tới đây em ở luôn với ghe rồi trở về xứ sở em, em không chường mặt lên nhà, anh cũng giấu biệt đừng nói chuyện tình duyên của mình làm chi, thì xong xuôi quá. Ai cũng vui mừng niềm nở, khỏi giận hờn xích mích chi hết.

-    Qua bỏ xứ mà đi ra trót năm sáu năm, nhằm lúc giặc giã lung tung. Qua không hiểu xứ qua loạn lạc thế nào, ai còn ai mất. Qua không dè xóm làng của qua còn yên ổn như thế nầy. Bữa nay qua nói thiệt với em, qua thưa với bà già và nài nỉ với em mà đem em về dưới này đặng vợ chồng sum hiệp, mẹ con khỏi rời nhau, là vì qua tưởng trước quốc nạn thê thảm, nước mất, nhà tan, người chết, trẻ già đều phải kết, phải thương yêu nhau, nhứt là với phận qua đã chết may mà được sống lại thì ai cũng xét giùm hoàn cảnh đó mà hỉ xả cho qua về một lỗi nhỏ mọn, tại thời cuộc mà qua phải phạm. Qua chẳng dè lòng dạ của người vẫn còn hẹp quá. Phải qua dè như vầy thì qua nghe lời em qua có đem em theo làm chi cho qua phải tủi phận phải buồn lòng.

-    Em xin anh đừng trách ai hết. Nếu anh phiền trách thì càng lỗi thêm. Hồi chiều em ở trong, ông Bá hộ với cha nói chuyện em nghe rõ hết. Ông Bá hộ biết thương phận em, thiệt em đội ơn ông hết sức, mà cha có nói lời nầy, em nghe em kính phục cha hết sức. Chớ chi em là gái biết điều, em cứu anh khỏi chết, em nuôi cho anh lành mạnh em đưa anh xuống đây mà trả cho cha, cho chị Quyên, rồi em trở về xứ em, nếu em biết làm như vậy thì cha mới cám ơn em, cha mới thương yêu em.

Em nghĩ lời cha nói đó đúng lắm. Em xuống đây đặng giựt chồng của chị Quyên chớ ơn nghĩa gì mà thương em. Còn chị Quyên, chị nói vì em có công ơn cứu anh khỏi chết, lại lỡ có con rồi, nên chị nhường chồng cho em mà đền ơn đáp nghĩa, ấy là lời phỉnh phờ dối trá, em tin làm sao được. Tại anh đã thấy cái chết trước mắt, nên anh nỡ lòng quảng đại, anh tưởng ai cũng như anh. Mà cũng tại em quê mùa khờ khạo, em tưởng ai cũng biết trọng nghĩa, ai cũng ham làm ơn như em. Đôi ta mù quáng tin tưởng tầm bậy, nên bước lỡ vào đường quấy. Vậy thì phải thối lui cho mau, thối lui cho mình khỏi hổ, khỏi buồn, thối lui cho người an vui, hết phiền hết giận. Em xin anh để cho em trở về xứ, càng đi mau càng thêm hay. Chỉ có cách đó mới giúp cho anh gây lại được cái cảnh cha con thuận hòa, vợ chồng đầm ấm.

-    Em lo phận qua còn phận em thì không nghĩ tới? Em trở về Củ Chi, em phải chịu tiếng chê cười, em phải ôm lòng phiền não, em sống làm sao được.

-    Em sẽ rán em chịu, xin anh đừng lo cho em. Khi mới biết nhau, em hay anh đã có hứa hôn rồi, nên em thương anh, em tính gần nhau trong một thời gian mà thôi. Nay phải rời nhau, ấy là việc em biết trước, nên em không buồn chi lắm.

Hào lặng thinh ngồi suy nghĩ.

Trời đã sụp tối lần lần. Chú Hợi đã đốt đèn trong nhà, trăng đã lú mọc, nhưng bị mây án, sân vẫn lờ mờ.

Hào suy nghĩ thiệt lâu rồi thở dài mà nói:

-    Em tính em trở về Củ Chi. Em về ở với mẹ già. Qua nghĩ làm như vậy ở dưới nầy qua mới hết rắc rối, mà ở trên kia em cũng tròn phận sự. Cuộc đời hiệp rồi tan, tan rồi hiệp. Việc vợ chồng là việc chăm năm chớ không phải một ngày hay một bữa.  Nếu trời cho đôi ta mạnh mẻ hoài, thì có ngày cũng sẽ tái hiệp cùng nhau, hễ trong xứ hết loạn ly, thì đường đây lên Củ Chi không xa cho lắm. Qua có thể lên thăm em được. mà nếu em về em đem Hùng về hay là em muốn để nó lại dưới nầy?

-    Em đã nhứt định để nó theo anh đặng anh dạy dỗ nó, chớ đem về làm chi?

-    Em về một mình sợ em thương nhớ nó rồi em buồn.

-    Không sao đâu. Con trai phải để nó gần anh đặng anh dạy dỗ nó.

-    Nếu qua sợ em buồn, qua ép em phải đem Hùng theo, có lẽ em nghi qua muốn đoạn tình nghĩa với em. Vậy qua lãnh thằng Hùng qua giáo dục. Thấy nó hằng ngày hàng giờ thì cũng như qua thấy em. Nó là di tích tình duyên của đôi ta. Có nó thì qua không thể quên cuộc tình duyên ấy được. Mà em tính chừng nào em đi?

-    Đi sớm chừng nào tốt chừng nấy. Khuya nầy anh chỉ đường cho em ra chợ kiếm chủ ghe Thủ em xin ở theo ghe mà đi luôn.

-    Khổ nỗi qua không có bạc tiền mà đưa cho em trả tiền ghe và ăn uống dọc đường. Bây giờ biết mượn tiền của ai. Qua không muốn cậy nhờ ông Bá hộ.

-    Việc đó anh khỏi lo. Có hai nén bạc hồi lên Củ Chi anh đưa cho mẹ cất. Hôm mình đi mẹ có đưa lại cho em. Em còn giữ trong gói.

-    Hai nén bạc ấy là bạc của ông Bá hộ tặng qua khi qua từ biệt mà đi lính. Nếu còn thì may mắn lắm.

-    Để chưng vô nhà thì em đưa lại cho qua một nén. Em xin một nén để đi đường mà thôi.

-    Em lấy hết cũng được.

-    Một nén đã nhiều lắm rồi. Em chia lại cho anh một nén chớ lấy hết làm chi.

Hùng buồn ngủ, nên dựa trong lòng mẹ nó mà ngủ gục. Hào thấy vậy biểu Chức ẳm em vô nhà cho nó ngủ.

Hào đi thẳng vô trong thấy chú Hợi đã ngủ khò. Chàng trở ra đứng gần đầu giường của cha, thì cha nằm im lìm, chắc cha cũng đã ngủ.

Bây giờ trăng lên cao dọi ngoài sân sáng trưng. Hào tắt đèn rồi bảo Chức ra sân nói chuyện chơi.

Vợ chồng ngồi giữa sân, trăng tỏ rạng, gió lai rai, to nhỏ bàn tính với nhau, rồi hiệp ý khuya quyết định nấu cơm ăn rồi sáng Hào đưa cô ra đường cái chỉ chợ cho cô biết đặng cô đi lại đó kiếm ghe bán đường thuốc mà xin cho đi theo ghe. Vợ chồng rù rì, dan díu, dặn dò, hứa hẹn đủ điều, mà cũng chưa cho là hết, cứ bày tình tỏ ý với nhau đến gà gáy canh ba mới chịu vô nhà mà nghỉ.