HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 

 
Kẻ Làm Người Chịu
Chương 02 - YÊU NHAU NÊN PHẢI TÌM NHAU

Buổi sớm mai, trời mưa rỉ rả, gió phất lao rao. Bà Tổng Hiền ngồi trên bộ ván dựa cửa sổ mà ăn trầu, tay bà xỉa thuốc sống, mắt bà ngó ra ngoài vườn. Lá cây nhờ trời rửa ướt loi ngoi, con cóc sợ gió lạnh ngồi núp dưới gốc mận.

Con Nên là đứa ở hầu trầu nước cho bà, trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, mặt mày sáng láng, y phục sạch sẽ, ở phía sau đi ra một tay xách bình trà, một tay bưng ống nhổ đem để một bên bà. Bà day lại hỏi nó rằng:

-         Con Lại đi chợ về rồi hay chưa?

-         Bẩm bà, chưa.

-         Còn thằng Ðiệu đi đâu?

-         Bẩm bà, ảnh ngồi dưới nhà bếp.

-         Hồi hôm tao dặn nó phải sửa hàng rào lại. Sao mà từ hồi tảng sáng cho đến bây giờ nó chưa chịu đi làm?

-         Bẩm bà, ảnh nói để một lát tạnh mưa rồi ảnh sẽ làm.

-         Dữ hôn! Đi làm trời mưa rồi chết hay sao mà sợ! Thuở nay có ai mà bị trời mưa rồi chết bao giờ? Cái quân đó thiệt là khốn nạn! Ở dưới ruộng đi làm tối ngày ngoài mưa, không nghe nó nói tiếng gì. Đem nó lên Sài Gòn mới mấy tháng, nó học theo thói ở chợ, rồi nó núc ních[1] thấy phát ghét.

Con Nên thủng thẳng đi trở vô phía trong. Cách chẳng bao lâu thì thấy thằng Ðiệu ở trần khoe lưng đen trạy, dầm mưa ra đứng dựa hàng rào mà sửa cây hư, chèn mấy lỗ trống.

Đồng hồ gõ 8 giờ. Bà Tổng ngồi nói một mình rằng: “Con nhỏ hồi hôm nó đi coi hát về khuya lắm hay sao, mà nó ngủ trưa dữ”. Bà vừa nói thì Tố Nga ở trên lầu cũng vừa đi xuống.

Tố Nga mình mặc một cái áo bà ba lụa trắng, một cái quần lãnh đen lưng màu bông hường dợt, chơn mang một đôi dép Nhựt Bổn, tóc tai dã dượi, mặt mày sật sừ, nàng lục đục rửa mặt ở trong buồng một hồi, rồi cầm cái lượt thưa, gò má no tròn, bàn chơn vun xủn, hàm răng khít lại trong bóng, cặp mắt sáng lại ôn hoà, dung nhan ấy có lẽ đa tình, mà gương mặt ấy chắc là hữu đức.

Bà Tổng ngó nàng, bộ bà đắc ý lắm, nên bà chúm chím cười rồi hỏi rằng:

-         Hồi hôm hát hay lắm sao mà ở khuya dữ vậy?

-         Hay lắm má à! Má không đi coi thiệt uổng quá. Tối nay nó thôi hát tuồng đó rồi. Con ít ưa hát bóng, mà con coi quên về. Gần 12 giờ mới vãn.

-         Hay giống gì! Hát bóng chớp chớp coi mỏi con mắt hòng chết.

-         Thưa phải. Coi hát bóng mỏi con mắt thiệt. Mà nếu họ hát tuồng như hồi hôm nầy thì đáng coi lắm má à….Ý! Nè má! Hồi hôm con coi hát, con có gặp một cô nhỏ nhỏ thiệt là lịch sự. Con ai vậy không biết. Con ngồi gần một bên cô, con coi từ bàn tay bàn chơn, con nói chuyện với cô, người đã đẹp mà văn nói cũng phải thế lắm.

-         Chừng bao lớn?

-         Cô nói cô mười bảy tuổi. Để bữa nào con có đi Chợ Lớn con kiếm nhà cô con thăm, rồi con mời cô ra đây chơi cho má coi. Thiệt dễ thương lắm.

-         Ở Chợ Lớn hay sao?

-         Dạ. Cô nói cô ở đường Cây Mai.

-         Bộ khi con chệch khách nào đó chớ gì?

-         Thưa không biết nữa….Mà không lẽ con chệch đâu má. Cô nầy ngộ nghĩnh, lại văn nói dễ thương lắm mà, con chệch đâu được vậy.

-         Hồi hôm con đi coi hát rồi, chà nó có đem lại một cái thơ kìa. Má để trong tủ rượu trong hộc phía ngoài cửa đó. Con lấy đọc coi thơ cùa ai vậy.

Tố Nga bới đầu vén khéo rồi, vừa đứng dậy đi lấy thơ, vừa kêu con Nên mà nói rằng: ”Nên à, coi có nước sôi, mầy khuấy cho tao một tách cafê sữa uống chơi, Nên. Khuấy sữa nhiều nhiều một chút, nghé”.

Con Nên ở phía sau dạ rân. Tố Nga kéo hộc tủ lấy phong thơ rồi thủng thẳng đi lại cái ghế ca na phé[2] ngồi mở ra mà xem, trên cái ghế có để hai cái gối dựa, bao bằng tố màu trứng sáo[3] lại có thêu sen; nàng chống tay dựa vào gối, màu gối dọi mặt nàng, coi thiệt là đẹp đẽ. Chẳng hiểu vì cớ nào nàng đọc thơ mà nàng lại châu mày, mà nàng đọc, rồi xé tan xé nát đem quăng vào ống nhổ, sắc mặt cô hết vui.

Bà Tổng hỏi rằng:

-         Thơ của ai vậy con?

-         Thưa, thơ của thầy hai.

-         Nó mới lên hôm nào đây, còn gởi thơ chi nữa? Thơ nó nói giống gì đó? Bộ khi xin tiền phài hôn?

Con Nên bưng tách cafê sữa đem ra. Tố Nga rước lấy rồi bưng lại bàn ăn ngồi mà uống, không trả lời mấy câu hỏi của mẹ. Nàng uống vài muỗng rồi để đó, chống tay ngó sửng ra ngoài sân một hồi lâu rồi hớp thêm vài muỗng nữa. Bà Tổng kéo ghế nằm ngửa trên ván và nói rằng: ”Má nghĩ thiệt má giận thầy con lắm. Tánh hốc tốc, hễ thấy thì ừ bướng, không coi đi coi lại, rồi bây giờ mới để cái họa lại cho vợ con đó”.

Tố Nga châu mày đáp rằng:

-         Việc đã lỡ rồi, má trách thầy làm chi má. Thầy cũng muốn cho con có chồng tử tế, chớ phải thầy muốn hại con sao. Tại phần số của con phải rủi như vậy, thì con chịu chớ.

-         Thiệt không thấy con gái nào vô phước như con.

-         Trời bảo sao thì phải chịu vậy, chớ biết làm sao bây giờ.

-         Trời gì! Má muốn con vào đơn mà xin để phức cho khỏi cực lòng.

-         Có lẽ nào con làm như vậy, má. Lời thầy trối trước mắt con, con ghi trong trí mà nhớ hoài. Chừng nào thầy hai thẩy xin để con thì thầy để, chớ lẽ nào con dám để thầy.

-         Ít ngày tới xin một trăm, ít ngày tới xin hai trăm ai có tiền đâu mà cho hoài. Thế khi nó tưởng của ông cha gì nó để lại đây sao mà. Nó gởi thơ xin bao nhiêu nữa đó?

-         Thưa thầy không có xin tiền.

-         Vậy chứ gởi thơ xin giống gì?

-         Thầy năn nỉ con về ở với thầy. Thầy nói bây giờ thầy không chơi bời nữa….

-         Thôi, thôi, không ai mà tin nữa. Hồi đó mà đánh phách, nó nói để nó làm cho má hết nhà, sao hai ba năm nay không làm thử coi, rồi bây giờ lại xuống nước mà năn nỉ. Té ra nó làm má không được, mà cha nó đã hết nhà trước rồi. Má nghe nói nợ tịch nhà cửa ruộng đất hết ráo rồi, không biết chừng họ còn bắt họ giam thân nữa đa.

Tố Nga đứng dậy đi lại rót nước trà uống vài hớp rồi men men ra cửa chống tay lên lan can mà ngó ra đường. Trời đã tạnh mưa rồi, song nước còn đọng trên lá cây, nên hễ gió thổi thì lá lay nước đổ. Nàng đương đứng mà nhắm kiểng vật, tuy trời ầm ỹ song cỏ cây mát mẻ nên đua nhau trổ đọt đơm bông. Nàng thấy có một cái bông bụp đã rụng rời mà màu còn tươi nàng nghĩ phận nàng chẳng khác nào cái bông ấy, thì nàng bát ngát trong lòng. Thình lình con mèo mun, ở trong nhà thủng thẳng đi ra, nó khò khè bước lại cọ chơn nàng một hồi rồi cắn ống quần nàng mà trì nhủng nhẳng. Tố Nga cúi xuống vỗ con mèo một cái nó chạy đi xa, rồi nàng kéo ống quần lên mà phủi bụi, lòi bắp chuối trắn nõn mà tròn vo. Nàng trở vô nhà leo lên ghế xích đu mà nằm, bà Tổng hỏi rằng:

-         Em con có dặn chúa nhựt nầy vô rước nó hay không?

-         Thưa không. Nó nói lúc nầy bài vở nhiều lắm; nó liệu chúa nhựt nào rảnh nó về nhà chơi được thì nó ra chớ đừng đi rước thất công.

-         Tội nghiệp quá! Thằng lo học dữ! Nó không nói trước, để về thình lình rồi đồ ăn đâu có sẵn cho nó ăn.

-         Má lo dữ hôn! Ở đất Sài Gòn mà thiếu vật gì. Nó về nó muốn ăn gì nó nói đi mua cho nó ăn chớ cần gì phải lo mua sắm sẵn.

-         Tội nghiệp, ở trong trường ăn cực khổ, nên nó cũng thèm hết thảy. Con, mà nó học được thiệt má mừng quá. Má tính về trên nầy mà ở cho gần nó thiệt là hay lắm, chớ ở dười Láng Thé thì hơi nào mà đi thăm nó.

Con Lại đi chợ về nấu cơm kho thịt xong rồi, con Nên bưng dọn lên bàn. Mẹ con bà Tổng ngồi lại ăn. Tố Nga và ăn và nói chuyện với mẹ, song nàng nói mà trí lo ra.

Đến trưa trời nắng, nên đường sá khô ráo hết thảy. Tố Nga ngủ thức dậy thì nghe đồng hồ đã gõ ba giờ chiều. Nàng thấy trời tốt, bèn xin phép mẹ đi Chợ Lớn kiếm hàng trắng tốt mà mua ít thước về may áo mát bận ngủ. Bà Tổng gật đầu và nói rằng: ”Ừ, con có đi Chợ Lớn luôn dịp coi có thứ hàng nào tốt con mua may cho em con với, nghé. Má coi đồ lụa của nó đã cũ hết rồi”.

Tố Nga bảo con Nên sửa soạn đi với nàng. Nàng lên lầu thay đồ rồi kêu xe kéo đi với con Nên lại nhà ga Chợ Đũi mua giấy xe lửa mà đi Chợ Lớn. Lên xe rồi nàng tính thầm trong trí, hễ mua đồ xong rồi sớm, thì nàng sẽ đi kiếm nhà của cô gặp trong rạp hát hồi hôm đó, đặng thăm cô chơi.

Vô tới Chợ Lớn, nàng dắt con Nên thủng thẳng đi bộ mà coi đồ chơi luôn thể. Nàng đi đường Thuỷ Binh rồi qua đường Quãng Tống Cái, đi đổ xuống mé sông. Nàng ghé mấy tiệm bán lãnh nhiều kiếm hàng mà mua, thì không có thứ nào vừa ý hết. Nàng đi lần lại chợ, rồi ghé tiệm Nam Sanh, nàng vừa bước vô thì nàng Cẩm Vân ở trong tiệm cũng vừa bước ra, tay cầm một xấp hàng, nách cập một cây dù ửng hồng. Hai nàng gặp nhau cả hai cùng chưng hửng, nên đứng khựng lại rồi ngó nhau mà cười.

Tố Nga nói rằng: ”May dữ hôn! Tôi tính để tôi mua đồ một lát rồi tôi đi kiếm nhà cô mà thăm cô đa“. Cẩm Vân lộ sắc mừng mà đáp rằng:

-         Nếu được vậy thì em mừng lắm.Thôi sẵn dịp đây, em xin mời cô đi với em. Cô lại nhà em chơi rồi mai mốt em sẽ ra thăm cô lại cho biết nhà.

-         Được, được. Để rồi tôi đi với cô. Cô chờ tôi mua đồ một chút được hôn?

-         Thưa, cô có mua vật chi thì mua đi, em đi theo chơi với cho vui. Cô mua xong rồi sẽ đi, nhà em ở gần đây.

-         Cô còn mua chi nữa hôn?

-         Thưa không. Em mua rồi, em mua vài thước lục sạn về thêu khăn chơi, chớ không mua chi nữa.

-         Nếu vậy thì cô chịu phiền đợi tôi mua ít thước hàng rồi tôi đi với.

-         Hai nàng dắt nhau vô tiệm; Tố Nga hỏi hàng trắng và biểu lấy thứ thiệt tốt cho nàng coi. Tài phú không biết nàng hỏi hàng trắng mà muốn mua nhiễu, hay là lụa, hay là xuyến, nên đứng dụ dự, không biết lấy thứ nào. Cẩm Vân thấy vậy bèn hỏi rằng: ”Cô mua hàng trắng đặng may áo quần hay là dùng việc chi?” Tố Nga đáp rằng: “Ờ, may áo quần. Tôi muốn may vài cái áo bà ba mặc trong nhà, lại tôi cũng muốn may cho thằng em tôi vài bộ đồ mát nữa”. Cẩm Vân gật đầu nói rằng: ”Tiệm nầy có bán xuyến trắng tốt lắm, may áo mát thì cô mua xuyến đó mà may, còn may quần thì phải mua lục sạn Bắc Thảo.”

Tố Nga gật đầu và cười. Cẩm Vân bảo Tài phú lấy xuyến với lục sạn trắng. Tố Nga cầm hàng mà coi thì nàng vừa ý lắm nên nàng hỏi giá. Tài phú thách giá cao quá, nàng không quen mua hàng nên đứng bợ ngợ không biết phải trả bao nhiêu cho vừa. Cẩm Vân rước mà trả giùm cho Tố Nga. Dứt giá xong rồi Tố Nga mới mua hai xấp xuyến với mười thước lục sạn Bắc Thảo. Nàng móc bóp ra lấy bạc mà trả cho tiệm. Cẩm Vân liếc thấy trong bóp có bốn năm tấm giấy trăm và vài tấm giấy hai chục. Tố Nga đưa một tấm giấy trăm cho tài phú thối, còn Cẩm Vân thì đứng gói hàng rồi đưa cho con Nên ôm. Tiền bạc trả xong rồi hai nàng bèn dắt nhau trở ra. Cẩm Vân hỏi Tố Nga rằng:

-         Cô còn mua vật chi nữa hôn?

-         Thôi, có mua vật chi nữa đâu.

-         Vậy thì để em kêu xe, đặng rước cô vô nhà em chơi.

-         Được. Có xe kiếng[4] kia.

Cẩm Vân ngoắt một cái xe kiếng lại rồi mời nhau lên xe, hai nàng ngồi phía sau, con Nên ngồi phía trước. Cẩm Vân biểu người đánh xe đi qua đường Cây Mai. Xe rút chạy, hai nàng tươi cười; bất luận ai thấy hai nàng dung nhan đều đẹp đẽ cả hai, thì cũng day mặt mà ngó.

Xe qua đường Cây Mai, chạy được một khúc rồi, Cẩm Vân đưa tay và chỉ và biểu người đánh xe ngừng ngay số 82. Nàng mở cửa leo xuống, móc tiền trong túi mà trả tiền xe rồi mời Tố Nga vô nhà.

Tố Nga bước xuống thấy có một dãy phố lầu năm căn, mà căn số 82 ở về phía đầu dưới. Hai bên lan can ngoài cửa có để mỗi bên một chậu cau vàng, vì thèm nắng khát mưa nên lá không được tươi tắn. Ngay trước cửa giữa có treo một bức sáo xanh nhỏng nhảnh để cho người đi qua đi lại ngoài đường không thấy được trong nhà. Hai bên cửa sổ có cắm song sắc sơn màu xám, lại có treo màn bằng vải bố trắng kết hợp ren thiêu.

Cẩm Vân bước vô trước rồi dở bức sáo cho Tố Nga với con nên vô, cô ba Hài là dì của Cẩm Vân đang nằm trên bộ ván gõ nhỏ để phía trong nghe tiếng giày tưởng khách nào lạ, nên lồm cồm ngồi dậy. Cẩm Vân nói lớn lên rằng: ”Thưa dì, có cô ở ngoài Sài Gòn, ghé thăm cháu đây.”

Cô ba Hài chào hỏi lăng xăng, mời Tố Nga ngồi, kêu đứa ở, là con Ngó, mà hối chế nước uống.

Cẩm Vân mời Tố Nga ngồi tại bộ ghế sa long Thượng Hải để chính giữa nhà và biểu con Nên ngồi bên ghế bành tượng dựa cửa sổ. Khách ngồi rồi, Cẩm Vân bước vô trong, để cây dù gói hàng trên ván ngồi chỗ dì ngồi đó và kêu con Ngó mà nói nho nhỏ.

Tố Nga dòm trong nhà thì thấy dưới đất lót gạch bông trên đánh sáp láng bóng trên la phong[5] sơn trắng lại có vẽ vời, hai bên vách tường có treo hai khuôn hình lớn, bên tay mặt thì là chơn dung một người chệc chừng năm mươi tuổi không mập không ốm còn bên tay trái thì là chơn dung một người đàn bà Việt Nam trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, mặt mày đề đạm, bộ tướng dong dảy. Phía trong thì một bên có để một cái tủ rượu, trên tủ sắp chén ăn cơm, chén uống trà, đều bằng kiểu, lại có bịt bạc hết thảy, còn một bên có để một cái bàn viết phía trên có treo một bộ tượng bốn tấm, viết chữ Tàu lằng quằng, tượng coi cũ xì mà lại lộng khuôn kiếng. Tuy trong nhà đồ đạc không bao nhiêu, lại cũng không có vật chi quí báu, nhưng mà nhờ chủ nhà dọn dẹp vén khéo sạch sẽ, bởi vậy ai bước vô cũng muốn ngồi chơi lâu.

Tố Nga đương ngồi ngó đồ, kế Cẩm Vân bước ra, nàng bèn hỏi rằng:

-         Hai khuôn hình treo đây, là chơn dung của ai mà thợ vẽ khéo quá?

-         Hình của tía má em.

Tố Nga ngó Cẩm Vân. Rồi ngó hai khuôn hình miệng chúm chím cười. Chẳng hiểu Cẩm Vân nghĩ thế nào, mà nàng thấy Tố Nga ngó mình mà cười thì nàng cũng cười và nói rằng:

-         Tía em hồi trước có tiệm trà lớn ở đường Gia Long. Tía em về Tàu rồi mất luôn ở bển; má em mới sang tiệm cho người ta rồi mua dãy phố lầu nầy đây.

-         Bác gái mất hồi nào?

-         Mới mãn tang ít tháng nay.

-         Té ra phố lầu nầy của cô hay sao?

-         Thưa phải.

-         Được mấy căn.

-         Năm căn.

-         Cô cho mướn một căn được bao nhiêu?

-         Năm mươi lăm đồng.

-         Phố trong nầy có lẽ cho mướn mắc lắm há?

-         Thưa có người ta mướn luôn luôn, không khi nào mà bỏ trống bao giờ.

Cô ba Hài bước ra nói với Cẩm Vân rằng:

-         Sao cháu không biểu con Ngó nó đi mua bánh về dọn cho cô ăn chơi.

-         Thưa, cháu đã sai nó đi rồi.

Tố Nga nghe nói như vậy bèn đứng dậy nói rằng: ”Đừng có mua bánh trái làm chi mất công. Để tôi thăm một chút rồi tôi về. Bữa nào có rảnh, tôi vô sớm rồi sẽ ở chơi lâu”.

Cẩm Vân cười và đáp rằng: ”Thưa cô, còn sớm mà, mới bốn giờ rưỡi. Cô ngồi uống nước chơi một chút rồi sẽ về. Đây về đó có bao xa mà sợ tối”.

Tố Nga ngồi lại, dòm thấy trên ván phía trong có một bàn thêu, bèn hỏi Cẩm Vân rằng:

-         Cô thêu chi đó?

-         Em không có việc chi mà làm, ở nhà lúc thúc buồn quá, nên mấy bữa rày em thêu một cặp mặt giày đặng đóng đi chơi.

-         Cô cho phép tôi coi được hôn?

-         Thưa được.

Cẩm Vân đi lại lấy cái bàn thêu đem ra. Tố Nga cầm coi thì thấy có một cặp mặt giày bằng nhung tím, mới thêu rồi một mặt, thêu song phụng giao đầu lựa toàn cườm cắt mà thêu, lại bỏ màu coi tươi lắm. Nàng cầm trầm trồ khen ngợ hoài. Cẩm Vân thấy vậy mới nói rằng: ”Cô có muốn, thì để em thêu riết ít bữa rồi cô lấy mà dùng”.

Tố Nga cười và nói:

-         Cô thêu đặng cô dùng, nếu tôi lấy vậy sao cho phải.

-         Thưa không hại gì. Xin cô đừng ngại. Để em thêu cặp nầy cho cô, rồi em thêu cặp khác cho em.

Hai nàng đương nói chuyện tới đó, kế con Ngó bưng ra một mâm bánh để trên cái bàn giữa, trong mâm có bốn dĩa bánh, một dĩa bánh bao, một dĩa bánh xếp, một dĩa bánh bột lọc và một dĩa bánh bông lan nhưng đậu đen. Nó trở vô rồi bưng ra một mâm nữa có ba chén trà, chén kiểu bịt bạc, dưới có chưn, trên có nấp. Cô ba Hài bước lại ngồi cái ghế ngoài rồi nói với Cẩm Vân rằng: ”Cháu mời cô ăn bánh đi cháu”.

Cẩm Vân đứng dậy chấp tay mời khách. Tố Nga từ chối vì không muốn ăn, xin để uống nước mà thôi, nhưng vì dì cháu Cẩm Vân khuyên mời ép uổng quá, nên nàng phải vị tình lấy một miếng bánh bông lan mà ăn. Nàng ăn bánh rồi bưng chén nước mà uống, thì mùi trà thơm phức tuy nàng không dám khen ngon, song trong trí nàng biết trà nầy là trà mắc tiền. Nàng uống nước, mà mắt ngó trên bộ tượng treo trên bàn viết và hỏi Cẩm Vân rằng:

-         Cô biết chữ nho hay sao?

-         Hồi nhỏ tía em có dạy chút đỉnh.

-         Bộ tranh đó của tía em để lại. Má em nói chữ viết hay lắm; hồi trước tía em mua tới một trăm tám.

-         Coi lôi thôi mà mắc dữ há?

-         Tại chữ viết, mà người viết đã chết rồi, không còn ai viết hay bằng, nên giá mới mắc. Hồi năm ngoái chú em nói có một một người chủ nhà máy nào đó nài bộ nầy lại hai trăm rưỡi. Chú em xúi bán, em không nỡ bán dấu tích của tía em, nên mới còn đó.

-         Cô còn một ông chú hay sao?

-         Thưa, chú đó là chú họ. Bà con ruột của em bây giờ kể hết bên nội bên ngoại còn có một mình dì em đây mà thôi.

Tố Nga thấy trời gần tối nên phải từ giã mà về. Con Nên chạy kêu một chiếc xe kiếng đem lại, trả giá năm cắt mướn đưa thẳng ra Sài Gòn. Khi Tố Nga ra cửa, Cẩm Vân đi theo, Tố Nga bèn nói rằng:

-         Bửa nào ra nhà tôi nghe hôn. Tôi trông lắm a.

-         Để em thêu cặp mặt giày xong rồi em ra. Chừng ba bữa nữa chắc rồi.

-         Ừ được. Nhớ số nhà tôi hôn? số 112 đường Thuận Kiều.

-         Em nhớ.

-         Thôi, cô vô, để tôi về kẻo tối

            Tố Nga lên xe, xe rút chạy mà nàng còn nói vói rằng: “Cô có ra thì ra sớm, đặng ở chơi lâu một chút, nghe hôn“.

Cẩm Vân cúi đầu. Tố Nga ngó ngoái lại, hai người cười với nhau rồi chạy xe tuốt.

Tố Nga về nhà, đưa hàng ra mà khoe với mẹ và nói rằng, nhờ gặp Cẩm Vân chỉ biểu và trả giá giùm nên mới mua được hàng tốt mà rẻ. Bà Tổng Hiền coi hàng thì bà cũng vừa ý lắm.

 Lúc ngồi lại mà ăn cơm tối, Tố Nga mới nói rằng:

-         Má chưa thấy mặt, mà má định dẹo hay quá.

-         Định dẹo giống gì?

-         Hồi sớm mai con khen cô ở chợ Lớn đó, má nói cô là con chệc. Thiệt quả, cô là con chệch, cha chệch mẹ Việt Nam . Cha mẹ chết hết, bây giờ cô ở với một bà dì. Nhà cửa dọn dẹp ngộ quá, mà bà dì cũng bãi buôi tử tế dữ, cô thiêu thiệt là khéo. Cô hứa thêu cho con một cặp mặt giày, để bữa nào thêu rồi cô đem ra má coi.

-         Con có vô nhà nó hay sao ?

-         Thưa có, Con gặp cô rồi cô mời con lại nhà chơi. Cô đãi trà đãi bánh. Cha chả! Tía cô hồi trước bán tiệm trà, nên cô cho uống trà ngon quá.

-         Thứ con chệch khách mà làm quen với nó làm chi.

-         Con chệch mà cô nầy phải thế lắm mà. Để bữa nào cô ra đậy má coi. Má thấy đây má cũng thương nữa.

            Bà Tổng làm lơ, vì bà đã sẵn trí khinh khi con chệch nên bà cũng không tin lời của Tố Nga nói chút nào hết.



[1] cách đi ỏng ẹo của người mập

[2] (canapé), trường kỷ

[3] màu trứng con chim sáo: màu vàng đậm

[4] xe do 1 hoặc 2 ngượa kéo, có băng ngồi đâu mặt nhau, hai bên có kiếng

[5] (plafond): trần nhà