HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 

 
Kẻ Làm Người Chịu
Chương 09- IX - MỐI SẦU THÊM RỐI

 Trọng Quí là bực thanh niên có học thức tánh khẳng khái mà tình lại dồi dào bởi vậy chàng tiếp được thơ của Tố Nga thì trong lòng mừng khấp khởi, mừng có thể vớt một gái thuyền quyên rất đúng đắn đương chìm nổi trong biển sầu, mà cũng mừng có phước vừa muốn chấp chỉ nối tơ lại gặp người đồng thinh có đủ nhơn đủ đức. Chàng liền đánh dây thép cho Tố Nga mà hẹn ngày giờ và định chỗ tương hội, rồi chàng xuống tàu đi Sài Gòn nội ngày ấy.

Tố Nga còn đương giận chồng của nàng cành hông, bởi vậy được dây thép của Trọng Quí thì nàng có sắc mừng, trông cho gặp chàng đặng tỏ hết nỗi niềm khổ tâm cực trí của nàng cho chàng nghe, kẻo bấy nay ấm ức trong lòng không có dịp mà tuôn ra một lần cho hết được.

Đến ngày giờ hẹn, Tố Nga trang điểm rồi kêu xe tới nơi tương hội. Hai đàng gặp nhau, ban đầu gặp nhau còn e lệ, chàng còn kiêng dè; đến chừng nàng khóc mà bày tỏ những nỗi đau đớn của thân phận nàng rồi, thì chàng đứng dậy trợn mắt nói rằng: ”Cô hai, hôm trước tôi nghe họ đọc chuyện của cô hai chút đỉnh mà tôi đã giận rồi. Bữa nay tôi nghe cô thuật rõ đầu đuôi, thì sự giận của tôi thêm bằng hai mà còn cái tình tôi thương cô cho tới bằng mười. Tôi đứng trước mặt cô đây, tôi thề quyết rằng, dầu thế nào tôi cũng làm cho cô vui vẻ sung sướng trọn trọn đời, chớ tôi không đặng để cho cô sầu thảm nữa. Thôi xin cô an lòng, đừng thèm nhớ việc chi nữa. Để tôi tính việc mới cho cô nghe. Tôi đã có tỏ với cô trong thơ rồi, song tôi cũng nhắc lại đây nữa: gia tài sự nghiệp của tôi đó, cô muốn dùng thế nào tôi cũng sẵn lòng mà làm cho vừa ý cô luôn luôn miễn là cô được vui vẻ sung sướng mà thôi. Cô xin phá hôn thú phức đi. Hễ có án Toà phá hôn thú cô ngày nào thì tôi cưới cô ngày ấy. Từ nhỏ chí lớn tôi ăn học bên Tây, tôi mới về xứ nên nói tiếng Việt Nam còn lôi thôi lắm. Tôi không biết chuốt ngót lời nói như người ta, song bụng của tôi thiệt thà, tánh của tôi chắc chắn lắm. Tôi nói sao thì tôi làm vậy. Xin cô đừng ái ngại chi hết. Như cô chê tôi chưa xứng đáng thay thế cho thầy Lê Phùng Xuân mà kết tóc trăm năm với cô, thì cô xin nói thiệt cho tôi biết, đặng tôi khỏi trông mong nữa. Mà tôi cũng thú thiệt cho cô biết, nếu cô chê tôi thì tôi về bây giờ đây, song tôi về mà cái tình tôi chết, cái ruột tôi mềm, chắc là tôi ở một mình trọn đời, tôi không thèm cưới vợ nào hết“.

Lúc chàng nói thì Tố Nga ngồi lóng tai mà nghe. Tuy lời của chàng rất hữu tình bởi vậy chàng nói dứt rồi thì nàng cười mà đáp rằng: ” Phải tôi chê thầy tôi có đến đây làm chi. Thôi, việc chồng tôi thì để thủng thẳng tôi tính rồi tôi sẽ vào đơn xin để. Miễn là bụng thầy thương tôi y như lời thầy nói đó thí tôi cũng vui rồi“.

Hai người ngó nhau mà cười. Trai tài, gái sắc, trai cứng cỏi, gái hiền hoà, bởi vậy hai người gặp nhau, biết bụng nhau rồi, thì tình càng mặn, nghĩa càng nồng, người quên lững nợ xưa, kẻ say sưa duyên mới. Khi Tố Nga ngồi xe mà đến chỗ tương hội, thì trong lòng nàng vì giận chồng nên nàng làm lẫy, chớ chẳng có tình tự chi hết; mà đến tối nàng từ Trọng Quí trở về nhà, thì nàng quyến luyến dường như không nỡ phân cách nhau như vậy.

 Trọng Quí ở tại nhà hàng Tây, chẳng có bữa nào mà chẳng gặp nhau. Có bữa rủ nhau mướn xe đi hứng gió Vũng Tàu, có bữa dắt nhau thủng thẳng đi bộ dạo chơi vườn thú. Biết nhau thêm một ngày, tình càng mặn nồng thêm một chút. Từ khi Tố Nga có chồng cho đến bây giờ, chưa có lúc nào mà mặt nàng hân hoan, lòng nàng thơ thới như lúc nầy.

Tuy vậy mà hễ cuộc buồn có hồi thì cuộc vui cũng có hạn. Hai người gần nhau chưa được mười bữa, thì kế bà Tổng với vợ chồng Chánh Tâm ở dưới Láng Thé về. Tố Nga nghe tin trước nên ra nhà hàng khuyên Trọng Quí phải trở về Cần Thơ mà lo việc nhà, để thủng thẳng nàng tính phận nàng rồi nàng sẽ cho hay. Trọng Quí nghe lời nên đi về, song lúc từ biệt nhau hai người bịn rịn nhau lắm.

Mẹ với em đi khỏi, Tố Nga ở nhà tuy lúc sau nầy nàng hay đi chơi, song Trọng Quí chẳng có tới nhà lần nào, nên thằng Điệu với con Lại không hay việc gì hết, Bà Tổng góp lúa đủ, nên về tới nhà bà vui vẻ khác thường.

Bước qua đầu tháng hai, ở Sài Gòn nóng nực chịu không được. Chánh Tâm bày cho mẹ mướn xe hơi ra Vũng Tàu ở hứng mát cho ít bữa. Bà Tổng chịu. Bà dặn thằng Điệu phải coi nhà, rồi mẹ con dắt nhau đi chơi hết.

Ra tới Vũng Tàu, mẹ con ở tại nhà hàng phía bãi trước. Phần thì ngồi xe đường xa, phần thì hồi chiều dắt nhau đi bãi cát, nên ai cũng mệt mỏi hết thảy. Tối lại, ăn cơm rồi, bà Tổng với vợ chồng Chánh Tâm đi ngủ liền. Lối mười giờ, Cẩm Vân giựt mình thức dậy, nghe dưới mé sóng bủa vô lách xạch, trên nhành cây gió thổi lá khua lào xào, nàng ngóc đầu dòm coi thì không thấy Tố Nga mà cửa phòng lại mở hé. Nàng ngồi dậy bước ra ngoài thì thấy Tố Nga đương ngồi trên một cái ghế để dựa gốc cây, mặt ngó mông ra biển, mà nước mắt chảy dầm dề. Nàng lấy làm lạ nên trở vô nhắc một cái ghế khác đem để dựa bên Tố Nga mà ngồi rồi vịn vai hỏi nhỏ rằng: ”Chị có việc chi mà chị buồn rầu vậy chị hai? Sao chị không cho em biết?”

Tố Nga rút khăn hỉ mũi ra mà lau nước mắt, song nàng lặng thinh không chịu trả lời. Cẩm Vân thấy vậy bèn nói nữa rằng: ”Thuở nay chị tin em lắm, dầu có việc gì chị cũng nói cho em nghe hết thảy. Em có làm điều chi mất lòng tin chị hay sao, mà bây giờ chị lại giấu em, chị có việc buồn chị không nói cho em biết?” Tố Nga thở dài một cái rồi đáp rằng:

-         Việc của chị kỳ cục lắm. Nói ra thì hổ thẹn quá, chị nói sao được mà em biểu nói.

-         Em biết chị là người đúng đắn, chị có làm chi quấy đến nỗi hổ thẹn. Nói cùng mà nghe, ví dầu chị có lỡ làm quấy đi nữa, chị có nói cho em biết, rồi chị em mình liệu với nhau mà gỡ quấy cho chị, dường ấy không hay hơn là chị để ôm ấp riêng trong lòng hay sao? Chị em mình chớ có phải ai sao mà chị ngại. Chị có việc chi đâu chị nói em nghe thử coi.

-         Có một việc chồng đó mà nó làm cho chị buồn, nó làm cho chị hổ chớ có việc chi khác đâu.

-         Anh hai làm sao nữa đó?

-         Nó làm tồi bại lắm, nói không được, mà tại nó làm như vậy, rồi chị cũng quấy luôn theo nó nữa.

-         Làm sao đâu, chị nói cho em nghe một chút mà.

Tố Nga dục dặc một hồi nữa, rồi nàng lau nước mắt mà nói rằng:

-         Hôm hai em với má đi Láng Thé, chị ở nhà có được một cái thơ của thầy Lữ Trọng Quí.

-         Lữ Trọng Quí nào ở đâu?

-         Trọng Quí là thầy hôm trong năm chị đi Mỹ Tho về dọc đường gặp thẩy té xe hơi bị bịnh chị chở giùm thầy về Chợ Lớn. Bận đó chị có viết thơ cho em chị có nói cho em nghe, em quên hay sao?”

-         Ờ, ờ, em nhớ rồi. Thẩy ở đâu mà viết thơ cho chị? Viết thơ cám ơn hay là nói việc chi?

-         Hôm trong năm thẩy ra nhà thương thẩy có ghé cám ơn chị. Thẩy nói chuyện thì bộ thẩy nghiêm chỉnh đàng hoàng lắm. Chị không dè thẩy thấy chị thẩy muốn.

-         Hứ muốn cái gì kì cục vậy? Thẩy biết chị có chồng hay không ?

-         Biết.

-         Biết mà sao còn muốn? Bậy hôn? Thẩy có vợ hay không ?

-         Có, mà vợ thẩy chết rồi.

-         Sao chị biết thẩy muốn chị?

-         Thẩy viết thơ, thẩy nói thiệt, nên chị mới biết chớ. Theo lời thẩy nói trong thơ thì thẩy muốn song thẩy biết chị có chồng, nên thẩy không dám tính việc quấy, vì thẩy là người biết điều, thẩy không dám làm hư danh tiết của chị. Thẩy mới tính làm quen với thầy hai, đặng có thể lâu lâu gặp mặt chị một lần vậy thôi. Cái tình của thẩy thiệt cao thượng. Chẳng dè thẩy qua Mỹ Tho chưa giáp mặt thầy hai, thì thẩy đã nghe tánh nết của thầy hai rõ hết, thẩy lại biết thầy hai ăn ở với chị khốn nạn đủ hết nữa. Thẩy lấy làm bất bình. Thẩy giận bỏ trở về Cần Thơ mà viết thơ cho chị và khuyên chị bỏ chồng đi đặng cho thẩy cưới. Thẩy nói rằng, chị đúng đắn mà khổ tâm với chồng không biết điều như vậy thì thẩy chịu không được nên thẩy nguyện sẽ làm cho chị sung sướng vui vẻ trọn đời đặng thẩy đền ơn chị cứu thẩy té xe đó.

-         Thẩy muốn rồi thẩy nói bướng, ai mà nỡ làm như vậy bao giờ.

-         Chị cũng nghĩ như em vậy đó. Ðã biết thầy hai ở với chị thiệt là khốn nạn, song thẩy là chồng của cha mẹ định, có lẽ nào bây giờ chị thấy Trọng Quí giàu sang đứng đắn hơn thẩy rồi chị dứt thẩy mà lấy chồng khác hay sao. Bởi vậy chị đọc thơ của thầy Trọng Quí rồi thì chị phiền thẩy lắm, chị tính gởi bức thơ trả lại cho thẩy và gạch ít chữ mà nói cho thẩy biết. Song chị đọc bức thơ lại một lần nữa, thì chị thấy lời lẽ chánh đáng, ý tứ khẳng khái, chớ không phải thẩy có ý trêu hoa ghẹo nguyệt; nếu chị mắng thẩy hay là gởi bức thơ mà trả lại thì thẩy nhục thẩy cũng tội nghiệp. Chị mới tính bỏ qua, không thèm kể tới, không trả lời cũng không trách móc làm chi, miễn phận mình mình giữ thì thôi ai muốn thây kệ họ.

-         Chị tính như vậy phải lắm. Có quấy chi đâu mà chị buồn?

-         Nếu tính như vậy, mà rồi cũng làm được như vậy thì khỏi buồn. Ngặt vì chị đã tính như vậy mà rồi chẳng hiểu tại sao mấy lời của thẩy nói trong thơ nó cứ văng vẳng bên tai của chị hoài, nó làm cho chị dã dượi bàng hoàng một vài bữa rồi lần lần chị tương tư thẩy.

-         Chết chưa.

-         Chị biết lắm. Chị biết chị là gái đã có chồng mà tương tư người khác thì quấy nhiều. Chị muốn khuây lãng cái tình bậy bạ ấy, chị muốn giữ cho khỏi nhơ danh xủ tiết, nên chị mới lật đật bỏ áo quần vô va ly rồi mướn xe chạy riết xuống Mỹ Tho, tính ở với thầy hai ít ngày đặng dứt mối tình đương toan vấn vít trong lòng chị đó đi. Rủi cho thầy hai mà xét lại cũng rủi cho chị nữa, vì chị xuống Mỹ Tho vừa mới bước tới cửa thầy hai, thì chị gặp thẩy đương đem đĩ về nhà mà giỡn trửng. Chị tức giận nghẹn họng, muốn vô mà đánh cho mấy con đĩ ấy, rồi mắng thầy hai cho thẩy biết mặt. May chị dằn được nên khỏi sanh rầy rà. Chị leo lên xe về liền. Về tới nhà chị còn giận lắm, chị không kể phải quấy chi nữa hết chị viết thơ kêu thầy Trọng Quí lên cho chị nói chuyện. Thẩy được thơ thẩy lên liền … Khổ lắm … Bây giờ chị ăn năn quá …

Tố Nga nói tới đó rồi nàng khóc nữa, Cẩm Vân bối rối chưa biết lẽ nào là phải, lẽ nào là quấy, nên nàng ngó chị, cũng ứa nước mắt không biết sao mà nói. Cách một hồi lâu Cẩm Vân nắm tay chị và hỏi nhỏ rằng: ”Chị đã tư tình với thẩy rồi hay sao?” Tố Nga thở ra và đáp rằng: ”Chị gặp thẩy, nói chuyện với nhau, vì thẩy thiệt đúng đắn lắm, chị dằn lòng không được. Chị hứa với thẩy xin để chồng. Thẩy cũng hứa với chị thẩy sẽ cưới chị. Bậy quá em ơi! Làm sao bây giờ?”

Cẩm Vân ngồi suy nghĩ một hồi lâu nàng nói rằng: ”Đã biết anh hai ở quấy với chị lắm. Mà chị làm như vầy thì cái quấy của chị còn bằng mười cái quấy của ảnh. Chị xét lại coi. Chớ chi anh quấy thì chị xin để phứt ảnh đi, rồi sau chị muốn ưng chỗ khác thì chị ưng, không ai cười chê chị được. Chớ ảnh còn sờ sờ đó, ảnh với chị tới lui với nhau hoài, mà chị hứa làm vợ chồng với người khác thì chị quấy lắm. Dầu chị không có bụng tham giàu sang mà bỏ ảnh đi nữa, song thiên hạ họ thấy vậy họ cũng nói vì chị tư tình với thầy Trọng Quí nên chị xin để chồng“.

Tố Nga nghe mấy lời phải của em nói, thì nàng lấy làm đau đớn hổ thẹn không biết dường nào. Nàng bèn nói lầm bầm trong miệng rằng: ”Bây giờ xin để chồng thì mang tiếng xấu, còn trở lại với chồng thì hổ thầm hoài biết liệu làm sao! Cái thân phận gì mà khổ quá như vầy? Chết phứt đi cho xong!”.

Tố Nga nói tới đó thì Chánh Tâm xô cửa bét ra mà hỏi rằng: « Chị hai và em ngồi đó phải hôn? Chừng nầy mà còn chưa đi ngủ còn ngồi đó làm chi ? »

Cẩm Vân day lại đáp rằng: ”Nực quá nên hai chị em ngồi hóng mát“. Tố Nga sợ em nghi, nên lật đật lau nước mắt cho ráo đặng vô phòng. Lúc hai nàng đứng dậy thì Tố Nga kề miệng nói nhỏ với Cẩm Vân rằng: ”Chuyện đó em biết thì cũng để bụng, đừng có nói với người khác nghe hôn. Cũng giấu thằng ba nữa nghe“. Cẩm Vân gật đầu rồi chị em dắt nhau vô ngủ.

Mấy mẹ con bà Tổng Hiền ở hứng gió tới ba bữa rồi mới quay về Sài Gòn.

Tố Nga bị vướng một mối sầu riêng trong lòng, nên biếng nói biếng cười, ăn rồi cứ nằm dàu dàu hoài mà hễ thấy mặt Cẩm Vân thì có sắc thẹn thùa. Cách bốn năm trước chồng đánh chửi, tuy giận không thèm ở chung với chồng nữa, song vì sợ mang lỗi với vong hồn của cha, nên nàng không nỡ dứt nghĩa cang thường. Năm nay vì máu ghen sôi sùng sục làm cho nàng quên hết quấy phải, không kể hư nên, muốn đem một việc bậy lại mà đối với việc bậy của chồng cho đã nư giận, chẳng dè chừng làm lỡ rồi mới giựt mình, chừng nghe em dâu chỉ vẽ đường chánh nẻo tà mới hay rằng, cái bậy mình làm đặng đối với chồng đó nó chẳng hại chi đến chồng mà nó lại làm ố mảnh gương trong, làm lem vừng tuyết trắng, là cái danh dự của đàn bà con gái.

Biết liệu làm sao bây giờ? Tố Nga cứ nằm gác tay qua trán mà hỏi thầm câu ấy trong trí hoài. Bây giờ nếu bỏ chồng mà chịu cho Trọng Quí cưới, tuy là che miệng thế gian được, song mình mang lỗi với cha, mà cũng hổ thầm về sự thất tiết với Phùng Xuân còn nếu mình dứt tình của Trọng Quí phứt đi, rồi trở lại với chồng, thì còn mặt mũi nào mà ăn một mâm nằm một giường với chồng nữa.

Tố Nga bối rối lo liệu đến năm bảy bữa, rồi nàng mới nhứt định dứt tình Trọng Quí không cho chàng gặp mặt nữa. Nàng gởi cho chàng một phong thơ mà tỏ tâm sự của nàng và xin chàng trọng giùm danh tiết cho nàng, đừng có gắn bó nợ duyên, đừng có mong mỏi ân tình nữa mà nhục nàng. Thơ gởi đi rồi nàng liền thưa với mẹ rằng, nàng quyết định để chồng đặng nàng khỏi buồn lòng nữa.

Bà Tổng lấy làm mừng, bà nói rằng: «Dữ hôn, mấy năm nay ta biểu để phứt đi cho rồi, cứ dục dặt hoài. Phải mà con nghe lời má hồi trước thì đâu có dây dưa đến bây giờ. Thôi lấy tiền đi mướn thầy kiện nó làm đơn làm từ cho. Làm riết đi“. Tố Nga vâng lời đi mướn thầy kiện làm đơn gởi xin Toà lên án để chồng.

Trọng Quí được thơ Tố Nga thì chàng viết thơ mà trả lời liền. Trong thơ chàng nói rằng, chàng thương mà lại trọng nàng lắm. Vì cái lòng thương yêu kính trọng ấy nên nàng dạy thế nào chàng vâng lời theo thế ấy. Vậy thì chàng chẳng hề dám theo đuổi mà làm cho khổ tâm nàng, nhưng mà chàng cho nàng biết rằng, chàng quyết tình đứng sẵn một bên luôn luôn mà nâng đỡ nàng, chàng nhứt định nếu không kết tóc trăm năm được với nàng thì chàng không thèm cưới vợ nào hết. Tố Nga thấy lời nói khẳng khái mà đa tình, thì nàng cảm động, nhưng vì nàng đã tỉnh ngộ, mà nàng lại quyết chí nữa, nên nàng dằn lòng làm lơ, cho khỏi hổ thêm nữa.

Tưởng xin để chồng là việc dễ, nào dè vô đơn đã ba tháng rồi mà chưa thấy Toà đòi hỏi chi hết. Một bữa nọ, bà Tổng với Chánh Tâm đi chơi, Tố Nga với Cẩm Vân ở nhà, hai chị em lấy đồ ra mà thêu. Cẩm Vân nói nhỏ với Tố Nga rằng: ” Hôm qua ông thầy coi mạch cho em, ổng nói em có thai được ba tháng rồi chị hai à. Em mừng mà em cũng sợ quá“.

Tố Nga nhương mắt ngó em, rồi giọt lệ tràn trề. Cẩm Vân lấy làm lạ, bèn hỏi rằng:

-         Sao chị còn buồn vậy chị hai? Chị nhứt định như vậy thì phải rồi, sao còn buồn nữa?

-         Chị cũng có thai được ba tháng rồi. Khốn hại lắm! Quả báo của chị đó!

Cẩm Vân chưng hửng một hồi rồi hỏi nữa rằng:

-         Mà chị chắc là con của ai đó?

-         Con của thầy Trọng Quí chớ còn ai!

-         Chết chưa! Vậy thì chị phải cho thầy Trọng Quí hay, đặng hễ Toà cho để rồi thì thẩy phải cưới liền.

-         Cưới mà làm chi ? Chị để chồng chưa được mà chị có nghén, theo luật thì đứa nhỏ trong bụng đây là của thầy hai, việc như vậy đó mới là khổ chớ.

-         Anh hai ảnh hiểu, ảnh dễ chịu nhịn đâu mà chị lo.

-         Thầy hai không nhìn thì càng xấu hổ cho chị hơn nữa.

Cẩm Vân lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào mà khuyên giải chị, Tố Nga cứ ngồi mà khóc dầm. Cho đến chừng thấy dạng mẹ về mới lau nước mắt giả vui cho mẹ khỏi nghi. Nàng lại căn dặn Cẩm Vân đừng có nói cho Chánh Tâm biết sự chi hết.

Thân phận của Tố Nga lúc nầy thiệt là khổ. Nàng bối rối không biết tỏ với ai, cùng thế phải viết thơ nói thiệt với Trọng Quí. Trọng Quí trả lời rằng, chàng lấy làm mừng mà có được một sợi dây nó buộc hai cái tình của chàng với nàng tuy xa cách nhau mà không thể quên nhau được, chàng lại nói rằng, chàng trong đợi Toà lên án cho để rồi, thì chàng cưới nàng liền.

Cách ít ngày có trát Toà đòi Tố Nga hầu. Tố Nga mang cái bụng chửa đến toà, gặp Phùng Xuân thì nàng hổ thẹn vô cùng. Quan Toà hỏi Tố Nga vì cớ nào mà xin để chồng, thì nàng đáp rằng, chồng cờ bạc đĩ thả, nàng hết thương chồng rồi nên không thể nào ở với chồng được nữa. Quan Toà hỏi Phùng Xuân còn thương vợ hay không. Chẳng rõ bụng Phùng Xuân thương hay là không thương, nhưng mà lúc chàng nghe vợ xin để chàng lo sợ lắm. Chàng tính sẽ năn nỉ, mà lại có sắc mừng, chàng không thèm năn nỉ với vợ mà xin rút đơn. Chừng vào Toà chàng thấy bụng vợ thè lè, thì chàng không giận mà có sắc mừng, chàng không thèm năn nỉ mà lại nói rằng: ”Tao đố mầy làm sao mà để tao cho được. Hồi trước thì tao còn lo, chớ bây giờ tao có lo nữa đâu“. Chừng quan Toà hỏi tới chàng thì chàng lẩm bẩm chàng còn thương vợ lắm, vì vợ chàng lẫy nên xin để, chớ chàng chắc nó cũng còn thương chàng, bởi ví nếu không thương sao lại có thai nghén bốn tháng.

Tố Nga nghe lời của chồng khai như vậy thì mồ hôi nhiễu giọt, nghẹn họng nghẹn hầu, không đối đáp được tiếng nào hết. Quan Toà hỏi sơ, khuyên giải an ủi hai đàng rồi đuổi về.

Toà đòi hỏi ba bốn lần, mà lần nào vợ chồng cũng đều khai y như vậy hoài. Lần chót Toà đòi đặng phân xử. Chánh Tâm đi theo đặng coi Toà xử lẽ nào. Quan Toà đọc án nói rằng, các cớ của Tố Nga trách chồng không có cớ trúng trong luật để bỏ, bởi vậy Toà bác đơn Tố Nga.

Tố Nga bước ra cửa Toà, nàng tối tăm mày mặt muốn xỉu, nên níu cánh tay của Chánh Tâm vịn mà đi. Phùng Xuân bươn bả đi theo và nói rằng: ” Tôi nói hay hôn, hử ? Tôi nói mình làm sao mà xin để được. Mà mình bứt tôi chi vậy mình? Bây giờ mình thấy tôi suy rồi mình phụ bạc chớ. Đạo vợ chồng đừng có ở như vậy không tốt. Nay mai gì đây có con, tính phân rẽ với nhau làm chi. Bữa nào mình đẻ thì biểu thằng ba nó đánh dây thép cho tôi đặng tôi lên nghe hôn“. Tố Nga không nói chi hết, cúi mặt châu mày, kéo Chánh Tâm đi riết ra lộ mà không lên xe.

Tố Nga về nhà thuật việc Toà bác đơn lại cho mẹ nghe, nàng nói và khóc rấm rút. Nàng buồn tủi là vì việc khác nữa, chớ không phải nội việc để chồng không được đó mà thôi, nhưng mà Bà Tổng với Chánh Tâm không rõ tâm sự của nàng nên cứ phiền trách mắng nhiếc Phùng Xuân hoài tưởng làm như vậy giải bớt chút đỉnh mối sầu của nàng được.

Cách vài ngày Phùng Xuân gởi lên một phong thơ mà nói với Tố Nga rằng, đứa nhỏ ở trong bụng nàng đó giá đáng năm bảy chục ngàn đồng bạc. Chàng lại khuyên nàng chừng nào đẻ nó ra nàng chẳng nên giận chàng mà khai sanh trái phép, bởi vì nó là con của chàng nếu nàng khai dối thì chàng sẽ kiện, mà hễ chàng kiện thì nàng phải bị luật hình. Tố Nga buồn rầu mà nói không ra được, bởi vậy nàng cùng trí cứ nằm khóc hoài, đành nhắm mắt đưa chơn, phú cho đất trời định thế nào tuỳ ý.

Qua đến đầu tháng mười một, Cẩm Vân sanh được một đứa con trai hồi sớm mai thì kế chiều Tố Nga cũng sanh được một đứa con trai nữa. Bà Tổng với Chánh Tâm thảy đều mừng rỡ. Cẩm Vân cũng đắc ý nên ngó chồng ôm con mà cười hoài. Duy chỉ có một mình Tố Nga nằm dàu dàu, lúc nào không có ai thì nàng day mặt vô vách mà khóc, mà hễ khóc một hồi rồi nàng lại ôm con mà hun.

Chánh Tâm sửa soạn đi khai sanh cho con cho cháu là tên gì. Tố Nga châu mày ứa luỵ mà đáp rằng: ”Oái! Thứ đồ báo hại, em muốn khai sao đó, chị không biết “.

Chánh Tâm nghĩ chàng gốc Việt Nam, vợ chàng gốc khách bởi vậy chàng đặt tên con chàng là “ Lý Chánh Hội“. Còn con của Tố Nga vì cha nó là Lê Phùng Xuân, nên đặt tên nó là “ Lê Phùng Sanh “, trong khai sanh chàng cũng khai Lê Phùng Xuân là cha đứa nhỏ.

Vợ chồng Chánh Tâm có được một đứa con trai thì tưng tiu như vàng như ngọc. Chánh Tâm cứ xẩn bẩn ở trong phòng với vợ con hoài, con ngủ thì chàng không nói lớn, con khóc thì chàng chạy rộn ràng. Mà vợ chồng mừng con bao nhiêu, thì càng dan díu nhau trìu mến nhau bấy nhiêu. Tuy từ ngày Chánh Tâm cưới Cẩm Vân cho đến nay thì vợ chồng vui vẻ thơ thới trong lòng luôn, song bây giờ sự vui vẻ ấy nhờ có Chánh Hội mà nó gây thêm cái cảm tình, bởi vậy đối với nhau càng mặn nồng, càng khắn khít.

Tới mùa góp lúa cực chẳng đã Chánh Tâm phải lìa vợ con mà đi Láng Thé, song lúc ra đi chàng căn dặn mẹ với vợ ở nhà phải rán mà săn sóc Chánh Hội.

Chẳng hiểu Chánh Tâm đi góp lúa chuyến nầy bị chúng bạn, hay là bị tá điền khinh khi chàng học dở thi rớt thế nào, mà chừng về nhà chàng đi ra châu mày, đi vô mặt xụ, quyết xin với mẹ cho đi Tây mà học ít năm, chàng cứ nói rằng: ”Tôi đi Tây lấy cho được bằng Tú Tài Cử Nhơn về đây, cho quân đó nó biết mặt tôi, để nó khi dễ tôi quá.”

Bà Tổng cưng con, nên dục dặc không chịu cho đi, Chánh Tâm cứ theo nói hoài, chàng nói riết rồi bà cũng muốn cho con được họ kêu “ ông tú “ “ ông cử “nên bà xiêu lòng, mới chịu cho chàng đi.

Hành lý sắm xong rồi, gần tới ngày xuống tàu, Chánh Tâm bận bịu cứ bồng ẵm hun hít con hoài. Cẩm Vân tuy không cản chồng, song chồng đi nàng không vui. Chánh Tâm thấy vợ như vậy chàng mới nói rằng: ”Em đừng có buồn để qua đi học ít năm rồi qua về, không có sao đâu mà em sợ “.

Cẩm Vân ứa nước mắt đáp rằng:

-         Không biết tại sao mà từ ngày anh tính đi Tây đến nay, trong lòng em lo lắm.

-         Lo giống gì ?

-         Em lo cho phận em.

-         Em ở nhà có má với chị hai đó chi? Có sao đâu mà lo.

-         Anh không rõ, để em nói cho anh nghe. Hồi anh đi nói mà cưới em đó, trước khi em ưng thì em có vô chùa Bà mà xin một lá xâm. Trong xâm nói tuổi của em ngày sau cực khổ lắm, phải bị chồng bỏ. Nay anh đi xa, em sợ…

-         Oái! xâm bói là việc tầm bậy! Em tin làm chi. Vợ chồng ở với nhau gần ấy năm rồi, em còn nghi bụng qua hay sao? Em đừng có buồn. Để qua học ít năm kẻo quân khốn nạn nó khi dễ qua quá.

 Chánh Tâm từ giã mẹ, chị và vợ con rồi xuống tàu đi Tây mà học.