HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 
 

 
Khóc thầm
Chương 08-Nhà nghèo nhịn nhà giàu

Chẳng có việc chi buồn bằng vợ chồng không hiệp ý nhau. Vĩnh Thái lên xe hơi đi chơi rồi thì Thu Hà ra nằm trên ghế xích đu mà ngó ra vườn hoa, trí lững đững lờ đờ, mắt nửa nhắm nửa mở.

Trước thềm gạch nắng rọi sáng quắc, ngoài rào cây bặt gió im lìm. Con chó vàng nằm khoanh dựa cánh cửa mà ngủ, bụng thở hoi hóp; con gà cồ đi dửng dơ ngoài sân rồi đập cánh gáy ó o; Thằng Mau với thằng Tùng mỗi đứa ngồi dưới chân một cái bàn, tay cầm nùi giẻ mà lau bụi.

Thu Hà nằm lim dim cho đến xế, bỗng đâu con chó vàng trong cửa nhảy xuống thềm mà sủa vang rân. Thu Hà giựt mình mở mắt ngó ra sân, thì thấy Phó lý Thâu đi vô lại dắt thằng con trai đi theo nữa. Phó lý Thâu vừa bước lên thềm, thì Thu Hà vụt hỏi rằng:

-         Chú đi đâu đó chú Phó lý?

-         Thưa cô, hôm tháng giêng tôi đong lúa ruộng còn thiếu hết năm chục giạ. Tôi xin với thầy để qua mùa tới tôi sẽ đong. Thầy cho rồi, mà bữa nay dượng Hai buộc phải đong cho đủ, bằng không thì phải đem thằng con lên ở. Năm nay tôi thất quá, có lúa đâu đủ mà đong. Hồi sớm mai dượng dạy ngày mai phải dắt thằng con tôi lên. Tôi nghĩ nay cũng vậy mà mai cũng vậy, lại bữa nay tốt ngày nên tôi dắt phứt nó lên đặng cho nó ở với cô và dượng.

-         Không. Thầy Hai thẩy sợ tá điền họ dễ ngươi. Hồi sớm mai sẵn có đủ mặt thẩy làm gắt với chú như vậy đặng cho họ thấy họ sợ, chớ bắt con chú ở mà làm gì. Ở trong nhà bạn trai thì có thằng Tùng với thằng Mau đủ rồi, còn mướn thêm chi nữa. Chú đem nó về đặng nó giúp cho chú.

Phó lý Thâu chưng hửng, không biết nói sao được. Thu Hà thấy bộ anh ta lựng khựng thì cười và nói tiếp rằng:

-         Tôi nói thiệt đó, chú đem nó về đi.

-         Cha chả, nếu cô không cho nó ở, rồi dượng đòi lúa tôi, tôi biết lấy chi tôi đong?

-         Thôi năm nay chú thất mùa thì nhờ ông bà năm tới chú có trúng chú sẽ đong.

-         Cô nhơn đức quá? Tôi nói thiệt với cô, tôi có một mình thằng nầy là lớn, tôi nhờ nó lung lắm. Nếu cô dượng bắt nó ở, thì tôi cụt tay.

-         Thầy Hai, thẩy nói chơi với chú, chớ bắt nó lên ở mà làm gì.

            Phó lý Thâu mừmg quá, nên biểu con vô xá Thu Hà mà về. Cha con Phó lý Thâu bước ra khỏi cửa rồi, thằng Mau nói rằng:

-          Cô ở tử tế với nhà nghèo quá, còn dượng gắt thất kinh. Hồi sớm mai dượng biểu thiệt đa cô, chớ không phải biểu chơi đâu.

Thu Hà cười mà đáp rằng:

-         Chú Phó lý nghèo gần chết, làm gắt tội nghiệp chú, ai nỡ làm cho được.

            Người có đức hễ mở miệng ra thì nói những lời hiền từ, khiến cho thằng Mau là đứa liếng xáo, mà nghe rồi nó cảm, nên nó nói rằng:

-         Thiệt, ở trong làng nầy ai cũng phục cô hết thảy. Cô hỏi thử thằng Tùng mà coi, chớ không phải tôi nói lùa đâu.

Thu Hà giả đò không nghe, cô đứng đậy mà đi xuống nhà dưới.

Vĩnh Thái đi chơi với Hương hào Ðiều đến tối mò mới về. Khi ngồi lại ăn cơm, chàng nới với vợ rằng:

-         Bữa nay đi chơi mà có ích lắm. Tôi đi coi đất trên Mạc Cần Dưng. Miệt trển đất hoang, coi thế còn nhiều. Ðể tôi xin khẩn ít trăm mẫu chơi.

Thu Hà lặng thinh mà ăn, dường như cô không muốn nghe lời chồng nói.

Sáng bữa sau, Vĩnh Thái thức dậy sớm, chàng biểu sớp phơ đem xe hơi ra cho chàng tập cầm tay bánh. Chàng tập cho tới trưa chàng mới trở về. Khi bước vô cửa chàng vụt hỏi lớn rằng:

-         Phó lý Thâu có đem con lên ở không hả?

            Thằng Mau thưa rằng:

-         Chú có dắt lên hồi xế hôm qua, mà cô Hai không cho ở, nên chú dắt nó về.

Vĩnh Thái nổi giận đi riết ra sau kiếm vợ mà hỏi rằng:

-         Sao mình dám cãi lời tôi? Tôi biểu Phó lý Thâu đem con lên ở, sao mình đuổi về đi hử?

Thu Hà thấy chồng giận thì cô cười mà đáp rằng:

-         Chú nhờ có một thằng con lớn, nếu mình bắt nó ở thì tội nghiệp chú quá. Chú có hứa với tôi để mùa tới rồi chú sẽ đong lúa thiếu mùa này, nên tôi biểu chú dắt con chú về.

-         Mình ngu quá, mình dễ với tá điền đây, đố khỏi mình bị họ lột da mình.

-         Người nghèo, mình bó buộc người ta làm chi.

-         Ủa, nghèo thì chịu, chớ nghèo rồi giựt của người ta như vậy hay sao? Thây kệ, để tôi bắt làm giấy, qua mùa phải đong một trăm giạ.

-         Mình làm một trăm cái giấy đi nữa, cũng không có ích gì.

-         Sao vậy?

-         Tôi biết chẳng hề khi nào ba chịu ăn lời như vậy đâu. Cầu cho có lúa người ta đong số thiếu đó mà thôi, ăn lời làm chi. Còn mình buộc người ta làm giấy, nếu tới ngày người ta không có lúa mà đong rồi mình giết người ta hay sao.

Vĩnh Thái rùng vai ngoe nguẩy bỏ đi ra đàng trước không thèm nói với vợ nữa. Thu Hà thấy bộ chồng như vậy thì cô đứng ngó theo, miệng chúm chím cười, mà nước mắt rưng rưng chảy.

Lối ba giờ chiều, Vĩnh Thái ngủ trưa thức dậy tắm rửa thay đồ rồi đội nón đi tập cầm bánh xe nữa. Chàng men men đi xuống nhà xe, thấy thằng Mau đương ngồi chồm hổm mà nói chuyện với sớp phơ, chàng mới đi bét ra đứng dựa vách mà tiểu tiện và lóng tai nghe thử coi hai đứa nói chuyện gì. Hai đứa đều ngồi day lưng ra phía ngoài cửa, nên chúng nó không thấy Vĩnh Thái. Thằng Mau hỏi sớp phơ rằng:

-         Anh tập dượng Hai cầm tay bánh được chưa?

-         Mới tập một buổi sớm mai nầy mà cầm sao được. Có giỏi nào cũng phải năm bảy bữa chớ.

-         Nè, anh đừng có tập. Anh tập cho dưởng biết cầm tay bánh lái thì hại cho anh lắm đa.

-          Sao vậy?

-         Tôi biết ý dưởng. Hễ dưỡng biết cầm tay bánh rồi dưởng đuổi anh liền.

-         Ối, cần gì mậy, ở chỗ này không được thì đi ở chỗ khác, thiếu gì người mướn mà lo.

-         Dưởng có hứa với anh hễ tập cho dưởng biết cầm tay bánh rồi dưởng cho anh bao nhiêu tiền hay không?

-         Không.

-         Nếu dưởng không hứa cho tiền, thì anh dại gì mà dạy uổng công.

-         Dưởng là người sang trọng giàu có, hễ tập cho dưởng xong thì tự nhiên dưởng cho tiền chớ cần gì phải nói.

Thằng Mau trề môi lắc đầu mà nói rằng:

-         Anh lầm rồi! Dưởng không phải như cô Hai vậy đâu. Cô Hai tử tế, cô biết thương yêu nhà nghèo, cô biết xét công cho đứa ở. Dưởng gắt gao ác độc lắm, không biết thương ai hết. Dưởng tính việc nào thì dưởng cũng muốn giết con nhà nghèo. Phải mà hôm qua anh nghe dưởng nói chuyện với tá thổ thì anh mới ghê. Cô Hai tử tế, cô gặp thằng chồng gì bấp trầm quá như vậy không biết.

            Thằng Mau nói tới đó, thì Vĩnh Thái bước vô dộng một đạp ngang hông té lăn cù. Vĩnh Thái mắng rằng:

-         Quân chó đẻ, cho ăn ngập mặt còn nói lén chủ nhà. Tao đánh chết cha mầy cho tao.

            Vĩnh Thái và nói và nắm đầu thằng Mau mà kéo dậy, rồi tay thì thoi, chơn thì đá, làm cho thằng nọ sưng mặt sặc máu mũi. Thằng Mau muốn chạy, nhưng bị nắm đầu nên không thể chạy được, nó muốn la nhưng sợ bị đánh nữa nên không dám la.

Vĩnh Thái đánh thằng Mau rất lâu, thằng nọ cứ ôm mặt đưa đầu mà chịu, chớ không dám chống cự chi hết, song Vĩnh Thái lúc ấy cũng như con chó điên, không biết thương xót người đồng loại, chẳng thèm xét những lời chúng nói hành mình đó hữu lý hay là vô lý, chàng cứ đánh đạp hoài, đánh cho đến chừng vợ hay, vợ chạy xuống mà kéo chàng ra rôi dắt chàng đi lên nhà trên chàng mới thôi. Mà khi đi theo vợ, chàng còn day mặt lại và đưa tay hăm thằng Mau rằng:

-         Ðể rồi mầy coi tao. Tao không hại mầy được thì tao không phải là con người, nói cho mầy biết.

Thu Hà dắt chồng lên tới nhà trên rồi cô nói rằng:

-         Có việc gì thì thủng thẳng mà nói, làm giống gì mà đánh người ta dữ quá vậy?

-         Tôi làm cho nó chết tôi mới nghe! Thứ đầy tớ nói hành chủ nhà mà biểu đừng đánh sao được?

-         Nó khờ dại thì mình rầy nó, chớ đánh đập làm chi?

-          Ðã hai mươi mốt tuổi rồi còn khờ dại gì nữa? Nó khôn hơn mình nữa chớ, đừng có nói nó dại.

-         Nó có tật liếng xáo hay nói bậy nói bạ, hơi nào mà giận nó.

-         Thì nó nói bậy mới đánh.

-         Mình sao ham đánh người ta quá! Ai đánh mình như vậy mình biết đau hay không, sao mình nỡ đánh người ta.

-         Tôi làm việc gì mình cũng bác bẻ hết thảy. Thế khi mình khôn mình giỏi hơn tôi lắm hay sao không biết?

-         Tôi nói phải quấy cho mình nghe, chớ có bác bẻ chi đâu. Mình nói như vậy, thôi mình giết chết người ta cho hết đi, tôi không nói nữa đâu.

Thu Hà bỏ đi vô buồng kiếm đồ mà may. Vĩnh Thái chấp tay sau đít đi qua đi lại trước hiên, bộ mặt hầm hừ, coi thể chàng còn giận hung lắm.

Thằng Mau bị đánh sưng mặt sưng mình, lại miệng mũi đều cháy máu, nên nằm ngoẻo trong nhà xe mà rên. Bọn nhà nghèo thường hay thương nhau. Sớp phơ lấy khăn đem nhúng nước mà lau máu cho thằng Mau, rồi lại kiếm dầu Từ bi mà thoa mấy chỗ sưng, mấy chỗ bầm.

Thằng Mau nghe Vĩnh Thái hăm thì nó sợ bị đánh nữa, nên lần đi ra sau vườn chuối, lựa mấy bụi rậm mà trốn.

Ðến chiều, Thu Hà lén đưa cho thằng Tùng một đồng bạc và biểu nó kiếm coi thằng Mau nằm đâu mà săn sóc giùm nó và mua thuốc cho nó uống. Thằng Tùng đi kiếm cùng nhà xe, nhà vựa, rồi ra bếp, nhà gà mà không gặp. Hỏi thăm sớp phơ, sớp phơ cũng không biết ở đâu mà chỉ. Thằng Mau núp ngoài vườn chuối nghe tiếng trong nhà kiếm mình, tưởng Vĩnh Thái sai kiếm đặng đánh nữa, bởi vậy nó sợ quá. Tối lại nó lén vạch rào chun phía sau mà ra ruộng rồi lần mò đi về nhà cha nó là Hai Sửu ở làng Vĩnh Trinh.

Ông Hai Sửu tuổi đã gần sáu mươi, hai vợ chồng sanh có hai thằng con trai mà thôi, thằng lớn tên Chậm, nó đã có vợ có con, nó ở chung với ông mà làm ba chục công đất mướn; còn thằng Mau là nhỏ, thì ông cho nó ở với thầy Hội đồng Chánh, mỗi năm thầy Hội đồng cho tiền công ba chục đồng bạc.

Ðêm ấy trong nhà đều ngủ hết, thình lình nghe tiếng vỗ cửa mà kêu rằng:

-         Anh Hai ơi, anh Hai mở giùm cửa cho tôi vô chút anh Hai.

ông Hai Sửu đã trọng tuổi nên ông ngủ sẽ thức[1]. Ông vừa nghe tiếng kêu thì ông hỏi rằng:

-         Ðứa nào kêu chi đó?

Ở ngoài có tiếng đáp lại:

-         Tôi là thằng Mau. Mở cửa dùm chút tía.

Ông Hai Sửu và đi thầm lại mở cửa và hỏi rằng:

-         Về chi chừng nầy nè?

Thằng Mau không trả lời, nó đợi cha nó mở cửa rồi nó chun vô. Ông Hai Sửu kêu thằng Chậm mà hỏi hộp quẹt đặng đốt đèn, ông nói um làm cho bà và vợ chồng thằng Chậm và sấp con nhỏ của nó đều thức dậy hết thảy. Chừng đốt đèn lên rồi ông Hai Sửu lại hỏi con về làm chi nửa đêm. Thằng Mau khóc mà nói rằng:

-         Dượng Hai đánh tôi lung quá, bây giờ trong mình tôi đau cùng hết. Dưởng lại hăm dưởng giết tôi chết, nên tôi sợ tôi trốn về đây.

Ông Hai Sửu châu mày nói rằng:

-          Mình ở với người ta thì làm công chuyện cho người ta, ai biểu biếng nhác làm chi cho người ta đánh. Ăn đồng tiền của người ta có phải dễ gì hay sao nên lấp lửng.

Thằng Mau ngồi ghé trên đầu ván mà khóc không nói nữa.

Anh nó bưng chong đèn đem lại gần, thấy áo nó dính máu thì thất kinh hỏi rằng:

-         Ðánh bằng cái gì mà có dính máu đây nè?

Bà Hai Sửu nghe nói lật đật chạy lại coi, bà thấy con bà mặt mày sưng vù, mình mẩy chỗ u chỗ bầm thì bà ứa nước mắt. Bà rờ con mà nói rằng:

-         Ðánh như vầy thì chết người ta còn gì! Bây giờ con đau chỗ nào đâu con?

Thằng Mau rờ ngực rồi chống tay bên hông tả mà nói rằng:

-         Cái ngực tức quá mà bên hông đây cũng đau nữa.

Bà Hai Sửu biểu con nằm xuống mà nghỉ. Bà ngồi khoanh tay một bên nó, bà cứ ngó con mà thở ra, đau đớn trong lòng quá nên không biết sao mà nói.

Ngọn đèn leo lét, trong nhà im lìm, chỉ nghe tiếng thằn lằn chắt lưỡi với tiếng thằng Mau rên nho nhỏ mà thôi. Thình lình thằng Chậm cất tiếng nói rằng:

-         Quân có tiền nó ỷ quá, coi mạng người như con chó. Ðể thằng Mau nó chết đây rồi coi tao.

Ông Hai Sửu quay lại ngó con mà nói rằng:

-         Ðừng có nói bậy mà mích lòng thầy Hội đồng.

-         Tôi có nói thầy Hội đồng đâu mà tía sợ mích lòng. Cha chả, đến nỗi này mà còn sợ mích lòng gì nữa.

-         Thầy Hội đồng ở tử tế lắm.

-         Phải, thẩy ở tử tế mà rể thẩy ỷ quá như vậy sao được.

-         Tại thẩy đi khỏi chớ. Mà chắc là cũng tại thằng Mau làm sao đó nên dượng Hai dưởng giận, chớ có lẽ nào khi không mà dưởng đánh nó. Thôi, để sáng mai tao dắt nó ra đặng nó lạy mà xin lỗi dưởng. Ðã lấy tiền của người ta rồi, thì phải gắng công mà ở cho đủ ngày đủ tháng nửa chừng mà tháo trút vậy sao được, ở tù chớ phải chơi đâu.

-         Tôi dóa[2] quá! Ðồ ăn chực cơm của vợ mà còn làm phách nữa. Thằng Mau ở với thầy Hội đồng, chớ nó ở với dưởng hay sao mà dưởng được phép đánh nó.

-         Dưởng là con rể, sao dưởng đánh lại không được. Ðừng có nói liều mà mích lòng cô Hai. Cô Hai, cổ cũng tử tế lắm.

Thằng Chậm bỏ đi lại võng mà nằm và nói lầm bầm rằng:

-         Ở ác lắm, có bữa chúng đâm chết, đố khỏi.

-         Mầy nói giống gì đó?

-         Chớ tía không có nghe hay sao? Mấy bữa rày tá điền của thầy Hội đồng họ kêu rêu quá.

-         Kêu rêu giống gì?

-         Thầy Hội đồng đi chơi, giao ruộng cho rể thẩy coi, ở nhà rể thẩy bó buộc tá điền tá thổ quá, muốn đào mồ cuốc mả ông bà người ta, nên họ kêu rêu, chớ kêu rêu giống gì.

-         Ối! Chuyện của người ta ăn thua gì với mầy mà mầy nói. Mầy đủ sức chống cự với ngưòi ta hay không? Nói bậy nói bạ rồi mang họa đa. Phận mình nghèo thì lo làm ăn, ráng ít tháng nữa thằng Mau nó ở đủ rồi, tao đem nó về, tao mướn thêm ít chục công đất của bà chủ Diện cho nó mần một vài năm, may có dư chút đỉnh rồi lo vợ cho nó. Năm nay nó đã hai mươi mốt tuổi rồi. Phận mầy đã xong bây giờ phải lo cho nó chớ.

Ðứa con nhỏ của thằng Chậm đương ngủ trong buồng vùng ré khóc vang rân. Vợ thằng Chậm phải hát ra rít mà dỗ nó.

Cái chong đèn hết dầu nên lu lần lần, ông Hai Sửu sợ tắt, mới biểu Chậm đi gài cửa rồi vô ngủ. Thằng Mau cũng nằm rên hoài, mà bà Hai Sửu cũng ngồi khoanh tay một bên con. Tuy đèn tắt, trong nhà tối om, song nước mắt của bà cũng cứ chảy ra hoài, không ráo được.



[1] dễ thức

[2] giận