HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Ái Tình Miếu
Chương 4

Bữa sau, mới 5 giờ khuya, mà cả nhà Trường chủ, khách, sớp-phơ, bồi, bếp, đều thức dậy hết đặng sửa soạn cuộc đi Đà Lạt.

Trường với Phúc mặc quần vắn, áo sơ-mi cụt tay, đầu đội bê rê[1], chơn mang giày vớ thể thao, đặng đi đường cho gọn gàng. Cô Mỹ mặc đồ đen thiệt dày, lại có mang hờ một cái áo măng tô nỉ đặng nếu có lạnh thì choàng thêm cho ấm.

Ðúng 6 giờ, có xe hơi đưa cô Lý lại, sớp-phơ đem vô một cái va ly với 5 gói đồ. Cô Mỹ hỏi cô Lý:

-          Chị đem theo mấy gói gì đây?

-          Trái cây tươi, nho khô, bòn bon, đem lên Đà Lạt ăn chơi: đồ đó ở trển mắc lắm.

-          Anh Phúc lén mua đồ đem theo, chị bắt chước ảnh, chị cũng đem thêm nữa, chật xe hết, còn chỗ đâu mà ngồi. Anh Phúc với chị sợ đi rồi vợ chồng tôi bỏ đói hay sao nên lo cụ bị[2] dữ vậy?

-          Đem đồ theo ăn chơi với nhau mà hại gì.

Phúc nói: ”Chị Trường đừng lo. Ðể tôi coi sắp đặt hành lý cho. Tôi làm thế nào miễn chị với cô Lý ngồi thong thả thì thôi”.

Phúc biểu bồi với sớp-phơ đem hết hành lý ra xe rồi đích thân Phúc chỉ cho chúng nó sắp đồ, mấy va ly nhỏ, thùng rượu chát và một mớ gói thì chèn nhét vào thùng phía sau, va ly lớn với ít gói nữa thì để trong xe, đâu đó an ổn, có chỗ để chơn rộng rãi thong thả.

Ðồ lót lòng dọn lên rồi, chủ mời khách dùng. Cô Lý cũng mặc y phục dày và màu sậm theo cách đi đường, và cũng đem áo nỉ xám hờ theo như cô Mỹ. Cô cũng vui vẻ như thường song bữa nay cô dè dặt lời nói, không lẳng lơ pha lửng như bữa truớc nữa.

Chừng ra xe mà đi, Trường mời Phúc ngồi sau với hai cô để mình ngồi trước với sớp-phơ. Phúc nhứt định không chịu, buộc phải để mình ngồi phía trước, Trường cười và hỏi:

-          Toa quên hết lễ phép rồi sao? Hễ rước khách thì chủ xe phải nhượng chỗ tốt cho khách ngồi, sao toa lại giành chỗ của mỏa.

-          Lễ phép của người Âu châu khác hơn lễ phép của người An-nam. Mình là An-nam, tại mình đương ở trong xứ An-nam, thì mình phải giữ theo lễ phép An-nam. Thà là mỏa xin lỗi với toa mà ở lại nhà, chớ mỏa không chịu trái lễ phép của tổ tiên mỏa.

Nghe mấy lời hẳn hoi như vậy thì hai cô nhìn nhau mà cười. Trường phải chịu thua mà để cho Phúc ngồi phía trước.

Xe chạy, Phúc cứ ngồi im lìm. Lúc nào Trường kêu mà nói chuyện, thì Phúc cũng cứ ngó ngay phía trước mà trả lời, chớ không chịu day lại.

Gần tới đèo Blao[3], xe nghẹt xăng, sớp-phơ ngừng lại mà lau bình xăng và coi chừng máy. Phúc với Trường leo xuống đi chơi cho giãn chưn một chút. Hai cô cũng xuống đứng trên lộ.

Trước mặt rừng núi chớn chở, tư bề quang cảnh u nhàn. Người có sẵn cái tâm hồn chán đời ghét tục như Phúc, trông thấy cảnh nầy tự nhiên thích lắm.

Phúc đương đứng ngó mông, thình lình Trường kêu mà hỏi:

-          Ê! Phúc! Nếu người ta buộc toa phải ở chỗ nầy, toa chịu hay không?

-          Ai có quyền buộc mỏa như vậy được?

-          Nói ví dụ vậy mà.

-          Nếu chẳng có sự gì ràng buộc, và nếu không ai ép uổng mỏa, thì có lẽ mỏa chịu ở mấy chỗ núi cao rừng rậm như vầy lắm. Song phải có gạo ăn, phải có nước uống, thì ở mới được chớ.

-          Ví như có một người đàn bà chán đời như toa, rủ toa lên đây cất nhà ở với nhau đặng quên hết thế sự, toa chịu hay không?

-          Có đàn bà chán đời bao giờ?

-          Ví như có?

Phúc suy nghĩ một chút rồi mới đáp: ”Chán đời mà phải đồng tâm đồng chí thì ở chung với nhau mới được, chớ ở mà ngó nhau như cặp chó bằng sành, cứ gây gổ hoặc hờn giận nhau thì ở làm gì”.

Xe sửa rồi, mấy người leo lên mà đi nữa. Tới Djiring[4], cô Lý than đói bụng, mà Trường cũng muốn cho xe nghỉ mát một chút, nên biểu sôp-phơ ngừng lại. Cô Mỹ mở giỏ lấy bánh mì, thịt nguội rồi ai nấy xúm lại ăn trên xe. Ăn rồi dắt nhau đi vòng trong châu thành.

Djiring đã cao hơn mặt biển trên một ngàn thước, bởi vậy khí trời mát lạnh, khác hẳn với không khí dưới đất bằng. Mà sự lạnh ở đây thì lạnh khô khan, lại nhờ có cây thông phưởng phất mùi thơm tho, nên làm cho con người khỏe khoắn lắm.

Cô Mỹ với cô Lý vui vẻ, nói nói cười cười, nhưng mà nói có ngần, cười có hạn, chớ không dám tỏ lời nghịch lý hay là trổ giọng lãng mạn.

Xe đi nữa, đi tới khúc nào có cảnh xinh đẹp thì ngừng lại mà thưởng thức. Tại đi từ chặng, và đi và chơi, nên 2 giờ chiều xe mới lên tới Đà Lạt.

Nhà của Trường mướn là một cái nhà trệt, ở phía nhà máy đèn, có nhà bếp, có phòng tắm, có chỗ để xe hơi rộng rãi. Nhà chia làm 4 phòng, một phòng để làm chỗ rước khách và ăn cơm, còn ba phòng kia thì đều có để giường làm phòng ngủ.

Truờng nhượng cho Phúc ở cái phòng phía trước, ngang với phòng ăn; còn hai cái phòng phía sau thì vợ chồng Trường ở một cái, cô Lý ở một cái. Trong nhà có sẵn một người bếp lãnh nấu ăn và một người bồi lo phục sự.

Ðồ của ai dọn vào phòng nấy xong xuôi rồi, thì trời đã chiều, nên có hơi lạnh. Ai nấy đều rửa mặt chải đầu rồi thay đồ ấm mà mặc. Chừng vợ chồng Trường với cô Lý thay đồ rồi đi ra phòng khách thì không thấy Phúc. Trường kêu bồi mà hỏi thì nó nói: ”Ông ở phòng ngoài đi chơi rồi. Ổng có dặn con nếu ông ở phòng trong có hỏi thì thưa rằng ổng cần phải đi bộ một vòng, đến 6 giờ tối ổng sẽ về”.

Trường rùn vai lắc đầu, biểu sớp phơ ở nhà nghỉ. Trường đích thân đem xe ra rồi cầm bánh chở hai cô đi một vòng, cố ý muốn kiếm Phúc. Đi hết phía duới chợ rồi đi lên phía nhà thờ, đi đến tối mà cũng không gặp Phúc. Chừng trở về nhà thấy Phúc đương đi bách bộ trước sân thì Truờng hỏi:

-          Toa đi đâu mà mỏa kiếm cùng hết không gặp toa?

-          Mỏa đi xem hoa chơi. Mỏa đi phía sở thuốc. Có một cái nhà trồng hoa đẹp quá.

-          Sao không chờ mỏa đi với?

-          Mỏa muốn đi bộ chơi cho thong thả.

Cô Mỹ muốn dọ thử coi Phúc lên Ðà lạt, thấy cảnh lạ, có đổi ý hay không, nên hỏi Phúc:

-          Lên trên nầy anh thấy hoa đẹp anh vui hay không, anh Phúc?

-          Thấy cái đẹp tự nhiên khoái mắt, chớ không phải vui.

-          Hễ khoái mắt thì vui lòng chớ sao.

-          Không chắc. Có khi khoái mắt mà không vui lòng. Ví như mình có một sự buồn rầu, hoặc người yêu của mình chết, hoặc mình thất bại về một việc gì đó, mà mình đi nghe hát hay là đi xem hoa. Nghe hát thì êm tai, xem hoa thì khỏe mắt, lúc ấy bất quá mình tạm quên sự buồn rầu một chút, chớ có thế nào mà vui lòng đuợc.

-          Vậy chớ người buồn rầu phải làm sao mới hết buồn rầu được?

-          Tôi tưởng sự buồn nhỏ thì có lẽ khuây lãng, chớ sự buồn lớn thì không thể giải được.

Cô Mỹ nghe nói như vậy thì liếc mắt ngó chồng rồi trề môi.

Trường mời hết lên xe đi lại nhà hàng mà dùng bữa cơm tối, để sáng mai sẽ khởi sự đi chợ nấu ăn ở nhà.

Cô Lý nhờ Trường mà được biết tâm sự của Phúc. Nay nghe Phúc đàm luận, thấy rõ vít thương tâm của Phúc nặng lắm thì cô cảm xúc hết sức. Cô thầm nguyện sẽ tận tâm giúp Trường làm cho Phúc vui đặng quên tâm sự. Mà giúp bằng cách nào? Phải làm sao? Ấy là những câu cô Lý tự hỏi trong trí cô hoài, trong lúc ngồi ăn cơm tối. Cô trưởng không nên để Phúc đi chơi một mình, bởi vì đi một mình tự nhiên buồn, rồi trí phải suy nghĩ. Nội bọn phải đi chơi với Phúc luôn luôn, phải dắt Phúc đi xem những cảnh hữu tình, những cảnh nên thơ, đặng cho Phúc cảm, phải đàm luận với Phúc đặng bắt bẻ mấy cái lý thuyết chán đời của Phúc. Trong khoảng 15 ngày có lẽ làm cho Phúc dầu không hết buồn, song cũng giảm được nhiều ít.

Cô Lý tính như vậy nên hỏi cô Mỹ:

-          Chị có đem quần Tây theo hay không?

-          Không. Tôi không có quần Tây. Chị hỏi chi vậy?

-          Có quần Tây đặng mình bận mà cỡi ngựa đi chơi. Không hại gì. Tôi có đem 2 cái, để tôi đưa cho chị một cái đặng chị bận.

-          Không. Tôi không bận đâu. Việc trái đời, tôi không thể làm được.

-          Sao mà trái đời? Ðể sáng mai rồi chị coi. Đàn bà con gái mặc quần Tây, áo cụt mà cỡi ngựa thiếu gì.

-          Thói của bọn nhà giàu nầy hay bắt chước cái hư cái xấu của thiên hạ, sao chị lấy họ mà làm gương? Muốn bắt chước thì bắt chước cái tốt và chừa bỏ cái xấu mới phải chớ.

Phúc gặc đầu khen: ”Chị Trường nói đúng đắn lắm. Người An-nam mình vì ham bắt chước thiên hạ nên làm cho phong tục dời đổi. Chớ chi bắt chước cái tốt thì phong tục thêm thuần mỹ. Tại bắt chước cái xấu nên phong tục mới tồi bại. Ấy vậy nếu muốn bắt chước thì phải nên lừa lọc, chẳng nên làm càn”.

Gái nào khác nếu nghe những lời của cô Mỹ và của Phúc đó thì phải hổ thẹn lắm. Cô Lý nhờ có tánh biết kính phục lời phải, bởi vậy cô không hổ, không phiền mà cô lại đáp: ”Em cám ơn chị Mỹ với anh Phúc dạy khôn cho em. Em được đi chơi với người phải, thiệt em có phước lắm”.

Phúc không dè cô Lý có can đảm mà nhìn nhận sự lầm lỗi đến thế, bởi vậy nghe cô Lý nói dứt lời thì Phúc ngó cô mà cười ngợi khen, gật đầu kính trọng.

Ăn cơm rồi bốn người lên xe trở về nhà mà nghỉ sớm.



[1] (béret), mũ nồi

[2] phòng bị

[3] giờ gọi là Bảo lộc

[4] bây giờ gọi là Di Linh