HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Ái Tình Miếu
Chương sáu

Ở Ðà Lạt đi về dọc đường, cô Lý ân cần mời vợ chồng Trường với Phúc chiều bữa sau lên nhà cô mà dùng một bữa cơm tối với cô rồi đi xem hát, muốn xem hát bóng, hát bộ hay là hát cải lương tùy ý Trường với Phúc định. Phúc nói đi chơi lâu quá sợ mẹ ở nhà trông, nên không dám nhậm lời của cô Lý mời, tính hễ về tới Sài Gòn thì đi liền về Bến Súc. Cô Lý theo năn nỉ, nói anh em biết nhau mà không đến nhà thì tình lợt lạt, cô xin Phúc rán ở thêm một vài bữa đặng lên ăn cơm cho biết nhà cô và biết ông thân của cô, rồi khi nào rảnh cô cũng sẽ đi với vợ chồng Trường lên Bến Súc mà thăm Phúc cho biết vườn rẫy và biết bà thân của Phúc. Vợ chồng Trường cũng tiếp với cô Lý mà cầm Phúc ở lại chơi vài bữa nữa, hứa rồi sau sẽ cho xe đưa Phúc về, ba người nói quá làm Phúc phải xiêu lòng không cãi nữa song cũng chưa chịu hứa lời.

Ðến chiều xe về tới nhà Trường. Bồi đưa một phong thơ cho Phúc, nói thơ mới lại hồi sớm mơi nên để đó không gởi lên Đà Lạt cho Phúc. Phúc xé thơ ra coi thì là thơ của mẹ gởi, nói việc nhà bình an như thường và khuyên Phúc cứ vui chơi chẳng cần lo về gấp.

Vợ chồng Trường với cô Lý hay tin ấy thì vui mừng, theo ép riết Phúc phải ở lại. Phúc cùng đường, không còn mượn cớ nào mà cáo từ nữa được, nên phải chịu.

Hôm mới xuống Sài Gòn, Phúc đi mua đồ, có đặt may hai bộ đồ Tây trắng với một bộ tussor. Khi đi Đà Lạt có để giấy và để bạc lại cho bồi lấy áo quần ấy rồi bỏ giặt sẵn cho Phúc.

Bữa nay sửa soạn đi lên nhà cô Lý mà ăn cơm với vợ chồng Trường, Phúc mặc bộ đồ tussor mới, chơn mang giày da láng, cổ thắt cravate[1] màu tím có đốm trắng, nên hình coi không còn một điểm nhà quê nào nữa, giống hệt người Sài Gòn đến 100 phần trăm. Trường thấy vậy thì nói pha lửng:

- Ê! Phúc, toa mặc đồ đó thì phải ở luôn dưới Sài Gòn đặng ngồi nhà hàng, đi khiêu vũ, hoặc đi trường đua chớ toa về Bến Súc đi trong vườn coi không được.

- Mỏa đặt may lỡ rồi, nãy giờ mỏa bận thử mỏa ăn năn lắm.

- Tại sao mà toa ăn năn?

- Trong ruột đã khô khốc, mà ngoài vỏ trau chuốt cho láng nhuốt có ích gì.

- Không biết chừng nhờ cái vỏ láng nhuốt đó, nó làm cho cái ruột đượm nhuần hết khô nữa.

- Không chắc.

- Ðể thí nghiệm rồi sẽ biết.

Sửa soạn xong rồi, gần tối, vợ chồng Trường với Phúc mới lên xe mà đi lên nhà cô Lý trên Phú Nhuận.

Biệt xá của ông Thinh là một cái nhà lầu, tuy nhỏ song kiểu vở tối tân, trước có sân rộng để trồng bông, sau có vườn trồng xoài mít rậm rợp.

Cô Lý xin phép trước với cha mà rước khách. Ông Thinh có ý muốn con lấy chồng cho sớm, tưởng vợ chồng ông giáo sư Trường sắp đặt đặng chồng coi con mình, bởi vậy ông cho phép liền, mà lại dặn con phải sửa soạn cuộc tiếp khách cho xứng đáng, cho khỏi người ta chê cười.

Xe của Trường chạy vô sân thì thấy trong nhà đèn đốt sáng lòa, ghế bàn chưng dọn hực hỡ. Xe ngừng, vợ chồng Trường với Phúc bước ra, thì cô Lý mặc quần áo trắng lớp, mặt mày vui vẻ, miệng cười rất có duyên. Cô ngó Phúc, khen bộ đồ Tussor may khéo, rồi mời khách vô nhà.

Ông Thinh tóc đã bạc hoa râm mà ông chải gỡ láng nhuốt, răng đã rụng ba cái mà ông trám răng giả nên không ai dè; ông mặc một bộ đồ Tây nỉ xám, chơn mang giày vàng, cổ thắt cravate rằn ri, mép cạo râu láng bóng, bộ tướng coi sắc lẽm như trai mới lớn lên. Ông đương ngồi sa lông, thấy khách vô thì ông đứng dậy tiếp chào. Cô Lý trình diện mỗi người cho cha biết rồi mới ngồi và liếc mắt dạy bồi đem nước đá đặng dùng rượu khai vị.

Ông Thinh tưởng Phúc là người muốn xin cưới con mình nên cứ ngó Phúc rồi hỏi:

- Ông đây gốc gác ở đâu?

- Dạ, cháu ở trên Bến Súc.

- Ông bà cụ còn song toàn?

- Dạ, cháu mồ côi cha, chỉ còn có bà mẹ mà thôi.

- Ông làm việc chi ở đâu?

- Dạ, cháu làm vườn làm rẫy ở nhà.

Ông Thinh ngó hai bàn tay của Phúc rồi ông châu mày.

Trường biết Phúc bị tra vấn thì bực mình lắm, tính kiếm thế cản ông Thinh cho hết nhọc lòng Phúc, nên hỏi ông:

- Năm nay cuộc buôn bán của bác phát đạt hơn mấy năm trước hay không?

- Dễ chịu.

- Ðời nầy cháu coi duy có nghề thương mãi thì sung sướng hơn hết, có lợi nhiều mà lại khỏi ai kềm thúc.

- Phải. Nhưng mà buôn bán phải biết tráo trở mới được, chớ lù đù quá, thì đã không có lợi mà lại còn sợ phải bị hại.

Cô Lý nghe câu chuyện không vui, mà cô còn muốn ăn cơm cho mau đặng cô đi xem hát, bởi vậy cô hối bồi sắp đặt riết rồi mời cha với khách qua phòng ăn.

Câu chuyện ngoài phòng khách nãy giờ còn kéo luôn vô phòng ăn nữa, bởi vậy cái không khí buồn bực cũng không đổi được.

Ăn mới nửa bữa kế nghe có tiếng xe hơi vô sân. Hườn là một thương gia ở trong Chợ Lớn, tuy trẻ tuổi, song là bạn thiết của ông Thinh, thường ngày hay tới rủ ông đi chơi, đi lốp bốp vô phòng khách, đứng dòm qua phòng ăn, thấy có khách đông thì cúi đầu chào, rồi hỏi ông Thinh:

- Ông ăn cơm hay sao? Ăn gì sớm dữ vậy?

- Có khách nên ăn sớm.

- Vậy tôi tính ra rước ông đi ăn cơm rồi đi chuyện khác nữa.

- Tôi mắc có khách, đi không được.

- Mời ông bước qua bên nầy đặng tôi nói chuyện riêng một chút.

Ông Thinh đứng dậy đi qua phòng khách. Hườn nói nhỏ chuyện gì với ông đó không biết, mà ông trở qua cáo lỗi với khách đặng ông đi, vì có chuyện quan hệ lắm cần phải tính gấp. Hườn hớn hở ngó cô Lý mà nói: ”Em Lý ăn cơm cho no nghe hôn. Tôi xin mấy ông bà tha lỗi”.

Hườn cúi đầu chào chung, rồi ra cửa lên xe mà đi với ông Thinh.

Câu chuyện của ông Thinh không hạp với trí ý của Trường và Phúc nên cuộc hội hiệp đã mất thú vị rất nhiều, mà còn thêm Hườn đến làm lộn xộn phá đám nữa, thì bữa ăn cô Lý tính sẽ làm cho có vẻ thân mật mà long trọng hóa ra bữa ăn xao xuyến chẳng khác nào trong mấy tiệm cao lầu.

Cô Mỹ thấy cô Lý có sắc buồn thì hỏi:

- Không biết có việc chi quan hệ mà người ta mời bác đi gấp dữ vậy?

- Đi chơi chớ có việc chi đâu.

- Không lẽ.

- Anh Hườn là người thân thiết của ba tôi, ảnh tới rủ đi chơi thường, chớ phải mới một lần đâu.

Cô Lý lại ngó Phúc mà nói tiếp: ”Anh Phúc, em vui vẻ, em phấn chí luôn luôn là tại như vậy đó, anh hiểu hay chưa?”

Phúc gặc đầu hai ba cái, mà mắt ngó cái khuôn hình treo trên tường, không nói chi hết.

Ăn cơm rồi, chủ khách bàn tính với nhau rồi nhứt định xuống Sài Gòn xem hát cải lương. Cô Lý với vợ chồng Trường thì hăng hái, còn Phúc thì ép bụng đi theo, nên không vui chút nào hết.

Cô Lý mua 4 cái giấy hạng nhứt rồi mời khách vô. Hai cô ngồi giữa, Trường với phúc ngồi chận hai bên, cô Lý ngồi khít với Phúc.

Đào kép ca thì ăn rập với đờn lắm, tiếc vì tuồng đặt lớp lang không trúng luật, có lớp vô ích, có lớp lảng nhách, còn câu tuồng thì không văn chương, mà lại xen nhiều tiếng hoặc quá thanh tao hoặc quá thô tục, không phù hiệp với địa vị của vai tuồng. Tuy Phúc không phê bình hay dở, nhưng mà cô Lý biết Phúc không thích, nên còn hai màn nữa mới vãn hát, mà cô Lý than khát nước và rủ vợ chồng Trường ra, đặng đi kiếm đồ uống giải khát. Trường dắt hết lại một nhà hàng khiêu vũ, rồi bốn người chọn một cái bàn gần cửa, biểu bồi lấy hai ly nước cam tươi cho hai cô, còn Trường với Phúc thì uống la-ve[2].

Trong nhà hàng đèn bóng xanh bóng đỏ xen nhau làm cho sáng mà không chói mắt. Tiếng nhạc đánh khi phù khi trầm, khi khoan khi nhặt, nam thanh nữ tú vịn nhau mà nhảy theo nhịp đờn. Trường có tánh thích khiêu vũ, nghe tiếng nhạc thì không thể không nhảy được, nên đứng dậy mời cô Mỹ nhảy một chập.

Ðờn dứt bản rồi, vợ chồng Trường trở lại bàn. Trường thấy Phúc ngồi trơ trơ, không mời cô Lý, thì nói:

- Ê, Phúc, sao toa không mời cô Lý nhảy chơi một cấp?

- Mỏa không thích nhảy.

- Sao hồi bên Tây toa thích lắm?

- Hồi đó mỏa thích, mà bây giờ mỏa không thích nữa.

- Dầu không thích toa cũng phải làm, bởi vì toa không nên để thất lễ với cô Lý.

Cô Lý cười. Phúc sợ thất lễ, nên nghe tiếng nhạc đánh lại thì liền đứng dậy cúi đầu trước mặt cô Lý. Cô Lý vui vẻ đứng dậy, rồi hai người cặp nhau mà nhảy. Vợ chồng Trường cũng ra nhảy nữa.

Phúc hồi ở bên Tây khiêu vũ thiện nghệ; tuy bỏ cách chơi nầy đã hơn hai năm rồi, nhưng mà nay cặp với cô Lý, mắt ngó mặt cô rất đẹp, mũi phưởng phất mùi thơm tho, tai nghe đờn rập rình, khiến cho trong lòng khoăn khoái, quên hết nỗi sầu bây giờ, nhớ tới nghề hay hồi trước, rồi nhảy với cô Lý một chập xuất sắc.

Tiếng đờn dứt. Phúc cúi đầu cám ơn cô Lý, bộ tịch thiệt là có duyên, chớ không phải quê mùa như hôm trước. Vợ chồng Trường đắc ý, nên ngó nhau mà cười. Bây giờ Phúc như mê như say, nên vừa nghe tiếng đờn trỗi lên lại thì liền đứng dậy mời cô Mỹ. Trường với cô Lý ngồi coi Phúc nhảy với cô Mỹ thiệt là nhẹ nhàng gọn ghẽ, nên trầm trồ khen hoài.

Chừng đờn dứt, hai người trở lại bàn thì cô Lý nói với Phúc: ”Anh Phúc nhảy tài quá. Nhảy với anh dầu mấy hiệp em cũng không biết mệt”.

Phúc cười mà đáp: ”Bỏ đã hơn hai năm, tôi tưởng nhảy không được nữa, té ra cũng còn nhảy được”.

Ðờn đánh lại, Phúc mời cô Lý nhảy nữa. Hai người đương mê mẫn với điệu nghệ khiêu vũ, thình lình M. Khuyến cặp tay cô Hạnh ở ngoài bước vô, rồi lại cái bàn gần một bên bàn của bọn Trường mà ngồi. Phúc liếc thấy thì biến sắc, bủn rủn tay chơn, nhảy không được nữa, cứ kéo chơn xà lỉa[3], không còn nhẹ nhàng gọn ghẽ như hồi nãy. Cô Lý lấy làm lạ.

Chừng dứt đờn, cô Lý cặp tay Phúc mà trở lại bàn, cô ngó thấy cô Hạnh, thì cô mới hiểu tại có cô Hạnh nên Phúc mới bủn rủn. Cô Lý kéo ghế mà ngồi, còn Phúc thì đứng chống nạnh ngó cô Hạnh trân trân, mắt đỏ au, mặt tái lét.

Cô Lý ngó hai vợ chồng Trường rồi ra dấu chỉ cô Hạnh.

Trường hiểu được rồi, bèn bước lại kéo Phúc mà biểu ngồi. Phúc té ngồi trên ghế, cặp mắt cháng váng, trong lòng bâng khuâng, lấy tay đè cái ngực, dường như sợ trái tim nhảy mạnh quá mà phải bể.

Bây giờ Khuyến với cô Hạnh cặp nhau mà khiêu vũ. Phúc ngồi ngó lườm lườm. Cô Lý theo ngó chừng Phúc rồi mời Phúc nhảy nữa, tưởng làm như vậy đặng giải khuây cho Phúc. Phúc lắc đầu mà từ.

Trường thấy Phúc tức giận đau đớn quá, sợ ngồi trong nhà hàng nữa rồi có việc không hay, nên kêu bồi mà trả tiền rượu rồi đứng dậy cặp tay Phúc mà kéo ra cửa, hai cô theo sau. Ra tới cửa mà Phúc còn day đầu ngó lại và nói với Trường: ”Cô Hạnh bội ước với mỏa là người đó; vô ngồi cái bàn gần bên bàn mình, rồi bây giờ đương nhảy kia, toa thấy hôn? Cô bận áo màu xanh lông két, nhảy với người mặc đồ trắng đó”.

Trường cười và đáp: ”Mỏa biết, nên mỏa mới kéo toa đi cho khỏi gai mắt”.

Cô Lý bước tới nói: ”Anh Trường, vợ chồng M. Khuyến, bác sĩ nhổ răng, em nói với anh hôm trước, là người đó”.

Truờng gặc đầu đáp: ”Biết rồi… không có gì hay…”

Phúc đứng lại hỏi Trường:

- Toa kéo mỏa đi đâu?

- Đi đâu cũng được, miễn ra khỏi chỗ nầy.

- Mỏa muốn ở đây.

- Ở đây làm gì?

Phúc rờ tay nơi trán mà suy nghĩ rồi đáp:

- Mỏa muốn nói chuyện với chồng cô Hạnh một chút.

- Ồ! Nói chuyện gì?… không nên… bỏ đi.

- Bỏ không được. Người ta giựt vợ mỏa, nếu mỏa lặng thinh thì khiếp nhược quá.

- Có lẽ không phải tại người ta.

- Vậy chớ tại ai?

- Tại cô Hạnh… hoặc tại cha mẹ cô… biết đâu.

Phúc tức giận, bộ hầm hầm. Trường kéo tay biểu lên xe rồi hối sớp phơ chạy vô Chợ Lớn.

Vì Phúc không có nói tâm sự của mình cho cô Mỹ và cô Lý biết, bởi vậy hai cô không dám xen vô nói tới việc cô Hạnh, chỉ liếc mắt dòm chừng cử chỉ của Phúc mà thôi, Phúc ngồi phía trước với sớp-phơ, cứ khoanh tay trên ngực mà ngó tới không nói chi hết. Xe vô tới Chợ Lớn, Trường không biết phải đi đâu nữa, hỏi Phúc muốn ăn mì ăn cháo hay không thì Phúc lắc đầu nói: ”Không. Mỏa muốn về cho mau mà ngủ”.

Trường biểu sớp-phơ chạy vòng ra Phú Nhuận mà đưa cô Lý về. Chừng xe ngừng, cô Lý bước xuống cô từ giã mà cô ngó Phúc với cặp mắt rất buồn thảm rồi cô nói với cô Mỹ: ”Ðể mai tôi ra nhà chị chơi rồi chị em mình sẽ nói chuyện”.

Cô Mỹ hiểu ý cô Lý muốn nói chuyện Phúc đối với cô Hạnh nên cô gặc đầu rồi biểu sớp phơ chạy trở về nhà.

Sáng bữa sau vợ chồng Trường thức dậy thì thấy Phúc đã thay đồ rồi và đương sắp y phục vào va ly. Trường hiểu ý Phúc muốn về, song cũng hỏi:

- Toa sửa soạn đồ đặng đi đâu?

- Mỏa về Bến Súc.

- Về nhà làm gì mà gấp vậy? Ở chơi vài bữa nữa.

- Thôi, mỏa không nên ở chung một chỗ với cô Hạnh. Mỏa lân la đất Sài Gòn, sợ chẳng khỏi tội sát nhơn.

- Toa chưa bị uất vì tình nên toa mới nói như vậy được. Nếu toa ngồi cái địa vị của mỏa thì toa mới hiểu.

- Thiếu gì đàn bà con gái quí bằng mười người ấy. Thứ đồ bạc nghĩa, cần gì mà phải nhọc lòng?

Phúc lắc đầu, không cãi nữa.

Trường biết không thể cầm nữa được, nên hối vợ coi dọn đồ cho Phúc ăn lót lòng, rồi biểu sớp phơ đem xe ra mà đưa Phúc về Bến Súc.

[1] cà vạt

[2] bia

[3] cách đi của người có tật một chơn không co được, phải kéo lết