HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Chút phận linh đinh
Chương 08

Bởi bối rối nhà cửa vợ chệc tiếp rước,
Ðương bơ vơ may gặp sốp phơ đưa giùm

Ra tới nhà ga xe lửa Thu Vân hỏi thăm thầy bán giấy coi chừng nào có xe. Thầy bán giấy nói rằng xe Mỹ Tho đã lên rồi, còn xe Sài Gòn lối chín giờ rưỡi mới xuống tới.

Nàng đương bàng hoàng, bỗng nghe thầy bán giấy xe lửa mở cửa nói lớn rằng:

- Xe gần chạy đa, ai đi Tân An, Mỹ Tho thì mua giấy.

Thu Vân giựt mình đứng dậy, liền bước lại mua hai cái giấy đi Mỹ Tho, rồi kế xe tới, lo dắt con lên xe.

Xe lửa chạy ầm ầm, qua xóm thổi súp- lê inh ỏi. Thu Vân ngó cùng trên xe có ý kiếm coi có đứa con gái nào lối 14, 15 tuổi hay không. Nàng thấy không có thì buồn trí, nên ngồi lim dim không thèm ngó ai hết. Nàng nhớ trước mình cũng đi xe lửa như vầy với Hiển Vinh.

Xe xuống gần tới Bến Lức. Lúc xe chạy ngang chỗ xe chết máy năm trước, nàng thấy cảnh cũ càng nhớ người xưa nên trong lòng bát ngát ứa nước mắt.

Thu Cúc sanh đẻ ngoài Bắc mới vô Nam lần đầu bởi vậy nhà cửa ruộng vườn dọc theo đường xe chạy đều lạ con mắt nó hết thảy. Nó để gói áo quần một bên rồi chồm ra ngoài cửa sổ mà xem phong cảnh. Thấy bầy trâu ăn dưới ruộng nó trầm trồ kêu mẹ mà chỉ, đến cầu Bến Lức nó nói không bằng cầu ''Doumer''.

Qua tới Tân An xe ngừng, thiên hạ chen nhau kẻ xuống người lên. Thu Vân dòm coi có đứa con gái nào giống con mình hay không. Có một người đàn bà độ chừng 40 tuổi, mập mạp cao lớn, miệng ăn trầu mặt dồi phấn, cạo chơn mày, tóc sắc lẻm, xách giỏ lên xe ngồi đâu mặt với mẹ con Thu Vân.

Người ấy chăm chỉ ngó Thu Vân rồi ngó Thu Cúc thấy mẹ con y phục lam lụ, mà mẹ bàn tay dịu nhỉu, bàn chưn trắng nõn, còn con mặt mày sáng rỡ, da trắng môi son, thì lấy làm lạ, nên ngó một hồi rồi hỏi Thu Vân rằng:

- Thím đi đâu?

- Tôi đi Sa Ðéc.

- Ði Sa Ðéc sao không đi chuyến xe khuya; thím đi chuyến xe nầy xuống tới Mỹ quá mười một giờ rồi, tàu đâu còn thím đi.

Thu Vân sực nhớ năm nọ vì xe chết máy xuống Mỹ nên trễ tàu. Mà năm nọ trong túi có tiền nhiều nên ở khách sạn, năm nay không có tiền, biết liệu thế nào. Nàng lấy làm bối rối nên trả lời cầm chừng rằng:

- Ðể xuống đó rồi sẽ hay.

- Nàng liền thò tay vào túi móc bóp ra mà đếm tiền, thì trong bóp còn có hai đồng bạc giấy với hai cắc bốn xu.

- Người đàn bà ấy thấy Thu Vân đếm tiền mà sao có sắc buồn, bèn hỏi rằng:

- Thím ở đâu mà đi Sa Ðéc?

- Tôi... Ở trên Sài Gòn.

- Ði thăm bà con, hay là đi có chuyện chi?

- Thăm bà con.

- Bộ thuở nay thím chưa có đi lần nào hay sao nên thím chưa hiểu tàu bè.

- Chưa, tôi mới đi lần nầy đây.

- Thím có quen với ai dưới Mỹ không?

- Không.

- Vậy thì phải ở nhà ngủ mà chờ đến sớm mai mới có tàu.

- Ở nhà ngủ... kỳ quá...

- Ừ! đàn bà con gái đi một mình mà ở nhà ngủ thì bất tiện lắm. Thím nói đi Sa Ðéc mà đến tại chợ hay là trong làng.

- Tôi đi Nha Mân.

- Nếu đi Nha Mân thì lên Sa Ðéc làm gì? Thím đi tàu qua Vĩnh Long rồi đi xe hơi lên Nha Mân đã rẻ tiền mà lại mau hơn nữa.

- Sao vậy?

- Nha Mân ở dọc theo đường Vĩnh Long lên Sa Ðéc. Thím đi tàu qua Vĩnh Long tốn có tám cắc, từ Vĩnh Long tới Nha Mân 3 cắc nữa, cộng là một đồng mốt. Còn thím đi tàu lên tới Sa Ðéc tốn tới một đồng mốt, rồi đi xe hơi trở xuống Nha Mân tốn thêm hai cắc nữa thành ra một đồng ba.

- Nếu vậy thì tôi đi ngả Vĩnh Long.

- Ừ, đi ngả đó phải hơn... Con nhỏ đây là con của thím phải không?

- Phải, con tôi.

- Chồng thím làm giống gì?

- Chồng tôi mất rồi. Còn chị ở đâu?

- Tôi ở chợ Mỹ. Ở nhà tôi bán trà. Tiệm tôi hiệu Thương Ký, ở gần đầu cầu quay đó. Thím không có quen với ai dưới Mỹ thôi đi thẳng lại tiệm tôi mà ở cũng được. Ở nhà tôi tuy là chệc khách[1] mà nó dễ lắm thím đừng ngại.

Thu Vân vì ở đậu mà vàng bạc áo quần mất hết, bây giờ nghe người ta mời ở đậu nữa thì trong lòng lo sợ nên không dám chịu lời liền. Nàng ngẫm nghĩ mình còn có hai đồng hai bạc vừa đủ số tiền cho mẹ con đi ngả Vĩnh Long mà lên Nha Mân. Nếu mình mướn phòng ngủ thì sáng mai còn tiền đâu đi tàu. Ðã biết nếu mình bán đôi bông tai của mình thì sẽ dư tiền, mà đến xứ lạ biết bán cho ai? Hột xoàn tiệm cầm đồ nó không chịu cầm.

Nàng suy nghĩ hết nước rồi, cực chẳng đã xe lửa xuống tới Mỹ rồi nàng mới chịu theo chị tiệm trà. Chị rước khách về nhà tiếp đãi rất hậu, đã đãi cơm đãi bánh rồi lại còn đãi trà ngon nữa. Chủ tiệm trà tuổi đã trên 50, tuy răng sún, mắt lé song vợ chú trong nhà có trọn quyền, muốn làm việc chi chú cũng không cản trở. Thu Vân may gặp gia đình như vậy nên nàng mới an lòng ở mà chờ tàu. Sáng bữa sau chị tiệm trà mua bánh hỏi thịt quay đãi mẹ con Thu Vân ăn no nê rồi mới đưa xuống tàu. Khi tới cầu tàu Thu Vân thấy họ bán bánh mì bèn mua một ổ lớn một cắc và hai đồng xu đường cát đặng đem theo phòng khi Thu Cúc đói thì có sẵn cho nó ăn. Thu Vân dắt con xuống tàu rồi thì chị tiệm trà trở lên phố. Cách một hồi chị cũng xuống tàu đem một gói bánh cho Thu Cúc và ngó Thu Vân mà nói: "Cho cháu một gói bánh cho nó ăn. Tôi thấy nó tôi thương quá. Phải thím cho tôi thì tôi nuôi liền''.

Thu Vân cười đáp:

- Chị thương nó thiệt tôi cám ơn lắm. Tôi có hai đứa con, lại mất hết một đứa, còn có một mình đó. Nàng vừa nói vừa ứa nước mắt.

Tàu súp-lê mở dây, chị tiệm trà mới chịu từ giả mẹ con Thu Vân mà lên. Tàu chạy được lột khúc, Thu Cúc nói với mẹ rằng:

- Mình ăn chực cơm, ăn chực bánh của dì tiệm trà, ba hay mẹ con mình như vậy, chắc là ba buồn lắm.

Thu Vân nghe con nói như vậy nước mắt chảy ròng ròng, lật đật lấy vạt áo mà lau.

Tàu tới Vĩnh Long mới 11 giờ rưởi. Thu Vân trả tiền tàu cho hai mẹ con hết một đồng sáu, trong túi còn có năm cắc hai xu mà thôi. Bước lên bờ nàng hỏi đường đi Nha Mân.

Theo lời họ nói thì đường xa đến 20 cây số, nhưng vì nàng không đủ tiền đi xe nên đứng đội khăn châu mày dụ dự một hồi, rồi dắt con đi bộ.

Lúc đi trong châu thành, nhờ bóng cây che đường mát mẻ nên mẹ con Thu Vân chưa thấy cách đi bộ buổi trưa mệt nhọc là dường nào. Thu Vân xách gói áo quần, Thu Cúc xách gói bánh, mẹ con kề vai nhau mà đi. Hễ thấy xe hơi hoặc xe ngựa chạy gần thì mẹ con leo lên lề đường mà tránh. Thu Vân hổ phận nên cúi mặt không dám ngó người trên xe, còn Thu Cúc chẳng hiểu vì tại nó chưa rõ cay đắng mùi đời, hay là tại nó khinh nhơn ngạo vật, mà hễ thấy xe nó đứng lại ngó trân trân rồi cười ngỏn ngoẻn.

Vừa ra khỏi châu thành bỗng có một chiếc xe cam nhông chở hành khách ở trong châu thành chạy ra. Lúc chạy gần tới hai mẹ con Thu Vân, sốp-phơ tốp máy chậm chậm và kêu hỏi rằng:

- Ði không? Ði Cái Tàu, Nha Mân, Sa Ðéc thì lên đây.

Thu Vân lắc đầu, sốp- phơ mở máy chạy tuốt. Thu Cúc hỏi mẹ:

- Xe đi Nha Mân đó sao má không đi má?

Thu Vân nghẹn cổ nên đáp nho nhỏ rằng:

- Hết tiền rồi con à. Ráng đi bộ không bao xa đâu.

Thu Cúc cúi đầu mà đi, rồi nói rằng:

- Chớ chi còn tiền mình đi xe hơi khỏe quá, má hả. Mà mình đi bộ, bất quá thì mình cũng tới chớ gì.

Thu Vân thấy phía trước mặt có một đứa con gái chừng 13, 14 tuổi đi lại, mặt mày tròn trịa, bộ tướng như con mình. Nàng đi chậm chậm mà nhìn, chừng con nhỏ đi tới nàng hỏi rằng:

- Em là con của ai vậy em?

Con nhỏ nghe hỏi thình lình đứng khựng lại, ngó Thu Vân mà hỏi lại rằng:

- Hỏi chi vậy?

- Hỏi cho biết vậy mà.

- Tôi là con bộ Thời.

- Cha mẹ em còn đủ không?

- Sao lại không đủ.

- Em tên gì?

- Tên Tức.

Thu Vân lắc đầu nói nho nhỏ "Không phải?" rồi bỏ đi.

Trên trời nắng như đổ lửa, dưới lộ nóng tợ đốt than, hai mẹ con thuở nay chơn giày chơn dép, xe ngựa xe hơi, bây giờ phải đi bộ, mà đi chơn không trong lúc trưa nắng, trên đầu chỉ đội có một cái khăn mỏng, nghĩ thật thảm khổ là dường nào. Ði giữa lộ bị cát nóng gần phỏng chơn, hai mẹ con mới leo vô lề mà đi trên cỏ.

Trong lề bị đá cục lông chông lại bị đọt cỏ nhọn đâm chơn nữa, nên Thu Cúc đứng lại phủi bàn chơn, rồi bóp mà hít hà. Thu Vân rất xốn xang trong lòng, bởi vậy nàng làm ngơ không dám ngó con.

Ði mới vài ngàn thước mà hai mẹ con mặt mày đỏ au, mồ hôi ướt dầm, nhứt là con Thu Cúc nó đi nhúc nhắc thấy tội nghiệp lắm. Thu Vân bèn lấy luôn gói bánh mà xách và nắm tay con mà dắt đi. Nàng kiếm chuyện mà nói, cố ý làm cho quên mệt mỏi. Thu Cúc là đứa hay nói mà đến lúc nầy nó ừ hử cầm chừng không muốn nói chuyện.

Thu Vân biết con mệt, thấy có một cái nhà canh ở dựa bên đường, bèn vào đó cho con nghỉ chưn. Nàng mở bánh ra nới hay chị tiệm trà gởi cho Thu Cúc 3 phong bánh in. Nàng bèn hỏi con rằng:

- Con đói bụng không con? Như con đói thì ăn bánh đó. Muốn ăn thứ nào cũng được.

- Mình đi đây không biết chiều mình tới nhà ông nội hay chưa, má?

- Không biết.

- Thôi mình ăn bánh in chơi. Bánh mì để dành chiều mình ăn đặng thế bữa cơm chiều, chớ ăn bây giờ rủi mình chưa tới nhà ông nội, rồi cơm đâu mình ăn, phải hôn má? Thu Vân gật đầu.

Thu Cúc liền mở một phong bánh in ra, rồi mẹ con ăn với nhau. Thu Vân ăn bánh mà như ăn đất, không ngon ngọt chi hết. Thu Cúc nhai ngổm ngoảm vừa cười vừa nói rằng:

- Ôi! Người đời của chung, không hơi nào nhà mắc cở. Thuở nay mình đãi họ ăn của mình hoài, bây giờ người khác phải trả cho chớ, phải hôn má?

Thu Vân day mặt chỗ khác không trả lời.

Ăn hết phong bánh in rồi Thu Vân mới dọn dẹp, gói bánh mì, bánh in, đường cát chung lại với quần áo làm một gói đặng xách cho dễ. Thu Cúc miệng còn nhai bánh, chơn bước ra mé lộ, đứng dòm coi có nhà nào ở gần, đặng lại đó xin nước uống. Nó ngó trở lại phía Vĩnh Long thì thấy có một chiếc xe hơi phía đó chạy lại, kèn bóp te te, bụi bay mù mịt.

Nó đưa tay chỉ cái xe hơi và kêu mẹ nó ra coi.

Thu Vân gói đồ xong rồi, vừa bước ra lộ, thì cái xe hơi chạy chậm lại vừa ngừng trước mặt hai mẹ con. Thu Vân thấy cái xe mui kiếng, rộng lớn, sơn màu lá cây, nước sơn bóng ngời mà không có ai ngồi phía sau, duy có người sốp-phơ ngồi phía trước mà thôi.

Xe ngừng rồi, người sốp-phơ[2] ló đầu ra hỏi:

- Ði không? Tôi chở cho.

Thu Vân lắc đầu đáp:

- Không.

- Vậy chớ chị đi đâu trời nắng gần chết lại xách đồ đứng đó?

- Tôi đi Nha Mân.

- Ði Nha Mân thì leo lên tôi chở giùm cho.

- Không được đâu cậu.

- Sao vậy?

- Mẹ con tôi không có tiền nên thủng thẳng đi bộ.

- Xa quá mà chị đi bộ sao nổi. Trời nắng nầy đi đặng chết cho rồi.

- Không có tiền thì phải ráng chớ.

- Cứ nói tiền hoài. Chị có tiền mướn một cái xe tám chín ngàn như vầy mà đi sao nè. Tôi biểu lên tôi chở giùm cho, tôi không đòi tiền đâu mà sợ.

Người sốp-phơ nói tới đó liền leo xuống mở cửa phía sau rồi hối mẹ con Thu Vân lên xe. Thu Vân sợ bị gạt nên dục dặc không chịu đi. Người sốp-phơ nói rằng:

- Tôi bảnh lắm mà. Tôi ở với chủ tôi, hễ đi xe không, tôi gặp ông già bà cả hay là con nít đi bộ tôi chở giùm hết thảy, không khi nào ăn tiền. Chị cứ việc leo lên, đừng có ngại chi hết. Tôi đưa chủ tôi xuống Vĩnh Long, chủ tôi bỏ quên đồ nên sai tôi về lấy. Lên cho mau đặng tôi có đi, cháu lên trước đi, cháu!

Thu Cúc thấy sốp-phơ còn trẻ, tuy ăn nói không được đủ lễ cho lắm, song mặt mày hiền hậu, bộ tướng thành thiệt, nó không nghi ngại chi hết, bởi vậy chừng biểu nó leo lên thì nó lên liền. Thu Vân dè dặt không muốn đi, nhưng thấy con đã leo lên xe rồi, phần thì thấy trên lộ trời nắng đổ hột, bởi vậy nàng miễn cưỡng bước lên theo. Sốp-phơ đóng cửa lại rồi lên đạp máy cho xe chạy.

Ngồi trên xe có mui kiếng che khỏi nắng, mà xe lại chạy vùn vụt gió thổi mát mẻ. Thu Cúc lấy làm đắc ý nên miệng chúm chím cười hoài. Nó thấy nệm ngồi, nệm dựa có bông rất đẹp, dưới chỗ để chơn có lót khảm, trước có treo bình cắm bông hường bông huệ, thiệt là phong lưu sang trọng.

Thu Vân trong lòng không an, nên ngồi lặng thinh. Thu Cúc thấy mẹ không muốn nói chuyện nó liền day mặt ngó bên đường. Nó thấy mấy người đi bộ nắng nực đổ mồ hôi ướt áo, nó nhớ hồi nãy mẹ con nó cũng vậy, mà lại thêm đau chơn mỏi cẳng nữa, thì nó càng thương xót phận cực khổ của kẻ nghèo. Nó định nếu nó có xe hơi nó sẽ bắt chước anh sốp-phơ nầy bất luận là đi đâu, hễ nó gặp đàn bà con nít đi bộ thì nó chở giùm hết thảy.

Thu Cúc đang ngồi tính thầm, thình lình anh sốp-phơ day lại nói:

- Gần tới Nha Mân rồi. Chị ghé nhà nào thì chỉ cho tôi ngừng.

Thu Vân không biết chỗ nào mà chỉ nên nói ú ớ:

- Tôi ghé chỗ lò gạch ông Hội đồng Ðạt, cậu biết hôn?

Người sốp-phơ đáp:

- Tôi không biết. Thôi để tôi ghé đầu cầu đó chị xuống.

Cách chẳng bao lâu đã thấy có cái cầu trước mặt. Xe hơi bóp kèn vang rân, tốp máy chạy chậm chậm, rồi ngừng tại đầu cầu. Sốp phơ tay mở cửa, miệng nói:

- Tới rồi.

Thu Vân vội xách cái gói rồi dắt Thu Cúc lật đật leo xuống. Nàng bước tới muốn tạ ơn mà chưa kịp nói thì sốp-phơ đã đóng cửa xe đạp máy bóp kèn chạy tuốt.


[1] người Hoa ở Việt Nam

[2] (chauffeur): người lái xe. Trước kia xe chạy bằng hơi nước nên cần lửa, người đốt lửa (chauffeur) cũng là người “lái xe”