HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Cư Kỉnh
Chương 8

Chiều bữa trước quan Chủ quận sai một chú cai đi giải tên Quận xuống Tòa và nạp tờ phúc bẩm với hồ sơ về vụ án mạng cho quan Biện Lý, thì bữa sau, mới tảng sáng, ngài còn nằm nghỉ trong mùng, thình lình bà lớn vô phòng kêu ngài thức dậy và nói bà Huyện Hàm Tân đến xin tỏ cho ngài biết một việc cần kíp mà lại quan hệ lắm.

Nghe như vậy quan Chủ quận lật đật bước ra ngoài chào bà Huyện rồi đi rửa mặt chải đầu. Trong trí còn đang vơ vẩn về vụ án mạng, bởi vậy đứng rửa mặt mà ngài nghi bà Huyện có nghe tin gì nên đến cho ngài hay, lại chính mình bà Huyện đi thì chắc tin ấy trọng hệ và cần kíp nhiều lắm.

Rửa mặt rồi, ngài lại đứng ngay bà Huyện mà hỏi bà coi bà muốn tỏ việc chi. Ngài thấy bà Huyện bữa nay da mặt tái xanh, tướng mạo bèo nhèo chớ không phải tươi tắn như trước thì ngài chưng hửng rồi sanh lo trong lòng.

Bà Huyện đứng dậy thưa rằng :

- Bẩm quan lớn, tôi có một việc cần kíp phải bẩm với quan lớn. Xin quan lớn cho phép tôi tỏ riêng một mình quan lớn biết, đừng cho ai nghe.

Quan Chủ quận gật đầu nhậm lời xin. Ngài cậy bà lớn truyền cho gia dịch phải đi hết xuống nhà bếp. Bà lớn lại kêu bếp hầu mà dặn đừng cho vô trong, rồi bà lớn cũng đi qua vườn đậu của bà mới trồng mà thăm đậu.

Quan Chủ quận mời bà Huyện ngồi lại, rồi ngài kéo ghế ngồi ngang mặt đặng nói chuyện cho tiện.

Chắc bà Huyện bối rối trong lòng lắm, nên bà ngồi cúi mặt xuống một hồi mới nói :

- Bẩm quan lớn, tôi muốn yêu cầu quan lớn một việc, mà đến đây rồi tôi ái ngại quá, không dám nói ra.

- Bà Huyện muốn tỏ việc chi với tôi thì bà cứ nói ngay ra, chẳng cần phải ái ngại. Bất luận bà xin việc chi, nếu việc ấy không phạm đến danh dự và chức nghiệp của tôi, thì tôi sẽ nhậm lời xin liền.

- Bẩm quan lớn, tôi tới đây mà xin nói chuyện, là nói riêng với quan lớn, là thân cận với gia đình của tôi, chớ không phải nói với quan Phủ, Chủ quận.

- Được, tôi cũng sẵn lòng mà nghe bà nói.

- Mà tôi dám đến đây xin nói chuyện với quan lớn, là vì tôi tin chắc quan lớn là người có luân lý giáo dục hoàn toàn, biết thương gia đình, biết trọng danh dự, nên tôi mới dám đến.

- Bà tin không lầm xin bà đùng ngại.

- Quan lớn nói như vậy tôi mới tỏ thiệt việc tôi muốn nói.. Đêm hôm trước quan lớn vô thăm vợ chồng tôi, khi bàn luận chuyện Chí Cao bị đâm chết, quan lớn có nói biết chắc Chí Cao bị giết vì tình và quan lớn sẽ đi qua đường đó mà tìm đứa sát nhơn hoặc may mới gặp được.

- Thưa, phải. Tôi có nói mấy lời ấy.

- Xin quan lớn làm ơn cho tôi biết coi cái ý kiến của quan lớn đó bây giờ vẫn còn hoài hay đã dời đổi.

- Thưa ý kiến tôi tỏ ra hôm trước vẫn còn y nguyên, mà lại vững chắc thêm nữa.

Bà Huyện thở dài, nét mặt rất buồn thảm.

Quan Chủ quận ngồi tỉnh táo, song cặp mắt cứ ngó bà Huyện trân trân, ý muốn quan sát lòng dạ bà coi bà tính cần việc gì. Thấy bà dụ dự, ngài muốn mở đường giùm, nên ngài hỏi:

- Ý kiến của tôi đó không đúng hay sao?

- Bẩm quan lớn, xin quan lớn cho phép tôi khỏi trả lời câu hỏi đó. Dầu đúng hay là không đúng cũng vậy, tôi cúi xin quan lớn đổi giùm ý kiến ấy, xin quan lớn đi qua đường khác mà tìm đứa sát nhơn.

Nghe mấy lời ấy, quan Chủ quận chưng hửng rồi lo ngại trong lòng lắm. Tuy vậy mà ngài phải rán làm tỉnh bề ngoài mà hỏi :

- Nếu nói rõ ràng, thì ý bà Huyện muốn tôi tra vấn vụ án mạng đó tôi phải nghi Chí Cao bị giết vì thù oán hoặc vì trộm cướp, chớ đừng nghi bị giết vì tình, phải như vậy hay không?

- Bẩm, phải.

- Xin bà Huyện cho phép tôi hỏi bà vậy chớ vì lẽ nào mà bà xin cho tôi phải làm như thế?

- Bởi vì quan lớn tra xét mà quan lớn do sự tư tình làm gốc, thì tôi e quan lớn làm tan hoang một cảnh gia đình đương đầm ấm nồng nàn, quan lớn phải làm lem luốc danh giá của một người chơn chánh quân tử.

- Tôi làm quan, tôi có lương tâm về chức nghiệp, tôi có cái trách nhiệm của Nhà nước phú thác, nếu trong lúc hành sự tôi thấy cái đường phải mà tôi tránh xa, tôi không chịu bước vào, để đi qua cái khác là đường tôi biết sái trước, thì tôi phải hổ với lương tâm, tôi phải lỗi trách nhiệm rồi còn gì.

- Bẩm quan lớn, hồi nãy tôi có nói trước, tôi đến cầu xin với người thân cận của nhà tôi, chớ không phải cầu xin với quan Chủ quận.

- Ngặt vì việc cầu xin đó là việc của quan Chủ quận, chớ không phải việc của người thân cận, bởi vậy người thân cận không được phép nhậm lời cầu xin.

- Vì tôi có hy vọng chắc xin được, nên tôi mới dám tới đây mà xin. Quan lớn nỡ lấy cái thất vọng mà thay cái hy vọng cho tôi hay sao?

- Tôi đổi hy vọng của bà ra thất vọng, thì tôi buồn lắm, buồn vì không làm vừa lòng người tôi đã thọ ơn. Nhưng vì tội bạc ơn nhẹ hơn tội hổ lương tâm với tội lỗi trách nhậm, bởi vậy thà tôi phạm cái tội bạc ơn có lẽ trong dịp khác tôi còn mong chuộc lại được, chớ để phạm hai tội sau thì không thế nào mà chuộc lại được. Hồi nãy bà Huyện có nói bà tin tôi là người có luân lý giáo dục. Vì cái luân lý giáo dục ấy nên tôi không thể để hổ lương tâm, để lỗi trách nhậm.

- Bẩm, quan lớn làm cho hạp lương tâm, cho tròn trách nhậm, quan lớn phải phá hoại một nhà đương đầm ấm, phải xô ngã một danh giá rất xứng đáng, quan lớn cũng hăng hái mà làm, không do dự một chút nào hết hay sao?

- Thưa bà, lành là lành chớ không phải dữ, tốt là tốt chớ không phải xấu. Dữ mà muốn làm cho ra lành, xấu mà làm cho ra tốt, thì là dối trá. Lành và tốt ở ngoài mà dối trá ở trong thì không bằng ở ngoài dữ và xấu mà ở trong thành thiệt. Nếu gia đình đầm ấm thì ai phá nát được; nếu danh giá xứng đáng thì ai xô ngã được.

- Họa với phước là giống vô chừng. Nhiều khi mình đương hưởng phước, rồi họa đến thình lình, không thể tránh khỏi.

- Họa hay là phước đều do nơi trời định. Nếu trời định mình mang họa thì chạy đâu cho khỏi. Mà tôi tin chắc người lành, dầu có họa đi nữa cái họa ấy không lớn.

Nói đã hết lời mà quan Chủ quận không xiêu lòng, bà Huyện càng thêm buồn bực, bà ngồi lặng thinh suy nghĩ một chút rồi lau nước mắt mà nói xẳng xớm:

- Bẩm quan lớn, vì sợ hổ thẹn nên nãy giờ tôi nói dông dài, làm mất thì giờ của quan lớn, cúi xin quan lớn tha lỗi. Bây giờ tôi xin bẩm thiệt phứt cho quan lớn rõ. Chánh tay tôi đâm Chí Cao chết, chớ không phải ai đâu. Xin quan lớn đừng tra xét làm chi cho mất công. Nếu quan lớn không nghĩ tình vợ chồng tôi, thì quan lớn bắt liền tôi mà nạp cho Tòa đi. Dầu tôi phải bị xử tử hay là bị đày chung thân thì tôi cam chịu.

Bà Huyện nói một hơi rồi ngồi trơ trơ, sắc mặt quả quyết chớ không buồn thảm nữa.

Quan Chủ quận chau mày, ngó ngay bà rồi lắc đầu và cười nói:

- Không có lý. Tôi không thể tin được. Bởi duyên cớ nào bà giết Chí Cao?

- Bẩm quan lớn, tối hôm qua những lời tôi thuật chuyện Chí Cao đến thăm rồi chọc ghẹo tôi, đều là lời gian dối, vì có ông Huyện tôi đó nên tôi không dám nói thiệt. Bẩm, Chí Cao tập văn nói hay lắm. Nghe nó nói chuyện thì tôi mê mẫn, rồi chừng nó mở lời chọc ghẹo thì tôi động tình, không thể chống cự được. Tôi đem lòng thương nó, rồi tôi quên hết danh giá trinh tiết, không kể chồng con gì nữa. Tôi tư tình lỡ với nó rồi sau tôi mới biết nó là thằng điếm, trau câu văn, chuốt lời nói đặng phá trinh tiết, hại gia can của người ta. Tôi ăn năn sự lầm lỗi, tôi hổ thẹn với chồng con, tôi tức giận lung quá, không thể dằn được, nên đêm đó tôi lén chồng con mà qua nhà nó, rồi thừa lúc nó ơ hờ tôi mới lấy con dao rọc giấy của nó để trên bàn tôi đâm nó té sấp rồi tôi lật đật mở cửa chạy về. Việc thiệt như vậy đó. Xin quan lớn thương giùm phận tôi. Đã biết hễ mình phạm tội thì phải đền tội, không nên trốn tránh, bởi vì dầu kiếp này mình trốn khỏi đi nữa, thì kiếp sau mình cũng phải đền. Hôm nay tôi muốn khai thiệt với quan lớn đặng chịu tội phứt cho rồi. Ngặt vì tôi thấy con, tôi thương yêu; tôi thấy chồng, tôi tội nghiệp, nếu tôi ở tù thì con tôi bơ vơ, chồng tôi mang tiếng xấu hổ, mẹ như vậy thì con làm sao mà lấy chồng chỗ tử tế được, vợ như vậy thì chồng làm sao mà giao thiệp với người ta. Tôi cúi đầu xin quan lớn thương giùm phận con tôi, giữ giùm danh giá cho chồng tôi, đừng để gia đình tôi phải rã rời nhục nhã. Đến nước này mà chồng con tôi cũng không dè. Chừng chồng tôi hay, chắc ổng tự vận, chừng con tôi hay, chắc chúng nó hết yêu thương, hết kính trọng tôi nữa!...

Bà Huyện nói tới việc chồng con thì bà khóc dầm dề, gây ra một cảnh coi thảm thiết hết sức.

Thế mà quan Chủ quận ngồi tỉnh queo, không động lòng, mà cũng chẳng bất bình. Đợi bà Huyện bớt khóc rồi ngài mới chậm rãi nói:

- Không có lý.

- Quan lớn còn đợi lý gì nữa? Tôi mê văn nói của Chí Cao, tôi kết tình với nó, sao tôi biết nó là thằng điếm, đã có vợ con rồi, tôi ăn năn, tôi giận tôi đâm nó chết. Công chuyện như vậy đó, sao lại không có lý?

- Tôi xin lỗi với bà Huyện, tôi e sợ chuyện bà mới nói cho tôi nghe đó là câu chuyện bà đặt đặng dắt tôi đi qua đường khác. Tôi nói không có lý là bởi mấy khoảng này.

1/ Người nói chuyện khôn ngoan như bà, có trí sáng sủa nhậm lẹ như bà, không thể nào mê văn nói của Chí Cao, không thể nào bị Chí Cao gạt được.

2/ Đêm hôm qua bà tiếp chào và nói chuyện cùng tôi với một tư cách vui vẻ, tự nhiên, không giống với tư cách của người bất chánh, đã thất tiết với chồng rồi còn phạm tội sát nhơn mới cách vài bữa trước.

3/ Người biết thương chồng thương con như bà thì không thể lấy trai được.

- Quan lớn lo tìm kiếm kẻ sát nhơn. Tôi ra mặt mà chịu tội. Sao quan lớn lại không bằng lòng?

- Tôi không bằng lòng là vì tôi biết bà không phải là kẻ sát nhơn mà tôi đương kiếm.

- Tôi ra chịu tội mà quan lớn không công nhận tội của tôi, thiệt tôi lấy làm lạ quá.

- Tôi không chịu công nhận tội của bà, là vì tôi nghi bà muốn hy sinh cả thân danh đặng che đậy giùm tội của người khác. Việc như vậy đó, có chi lạ đâu.

- Tôi chịu tội rồi, bây giờ quan lớn định lẽ nào xin cho tôi biết.

- Tôi xin bà hãy về nhà ở yên và đừng cho ông Huyện biết những câu chuyện bà nói với tôi nãy giờ đây, bởi vì nếu ông Huyện biết thì ông buồn chớ không ích chi.

- Quan lớn còn lo tìm kẻ sát nhơn nữa thôi?

- Việc đó là phận sự của tôi, xin bà đừng lo. Hồi nãy bà có nói: “Hễ phạm tội thì phải đền tội, không nên trốn tránh”. Câu ấy hiệp với đạo đức lắm. Ấy vậy bà phải để cho người phạm tội thong thả mà đền tội, bà chẳng nên giúp họ trốn tránh.

- Bà Huyện chắc lưỡi mà than một mình: “Chết còn gì”

- Quan Chủ quận thấy chỗ ngài đoán đã không nhầm, ngài càng vững lòng , nên nói mạnh:

- Thưa bà, sanh với tử là lẽ tự nhiên của đạo Trời. Loài người đều ở trong vòng cái đạo ấy. Sanh là ở trong vòng đạo mà đi ra, còn tử là trở về với đạo. Ấy vậy mình chẳng nên vui hay là buồn về sự sanh tử. Huống chi nếu mình làm điều bất nghĩa nên phải chết, thì sự chết ấy đáng lắm, không nên tiếc; còn nếu mình làm điều nghĩa thì có lẽ nào Trời khiến mình phải chết hay sao mà sợ. Tôi xin bà hãy thành tâm mà tin đạo Trời, hãy vững chí mà vưng luật nước. Luật trời hay luật người cũng đều công bình hết, phải tin như vậy, chẳng nên nghi ngại. Nếu bà cứ nương theo nền đạo đức của ông cha ta mà ở đời thì dầu gặp hoạn họa, dầu gặp nguy hiểm, bà cũng khỏi buồn rầu, khỏi lo sợ.

Được nghe những lời khuyên chứa chan đạo đức ấy thì bà Huyện mới bớt buồn lần lần. Chừng quan Chủ quận nói dứt lời, bà thủng thẳng đứng dậy và nói bình tĩnh:

- Tôi rất cảm ơn quan lớn. Tuy quan lớn không nhận lời tôi xin, không chịu theo ý tôi muốn, song quan lớn chỉ giùm đường đạo đức cho tôi đi, ấy cũng là ơn trọng... Bây giờ tôi muốn yêu cầu quan lớn một điều, là giữ kín giùm các lời tôi mới tỏ riêng với quan lớn đó.

- Quan Chủ quận vội vã đứng dậy mà đáp:

- Xin bà Huyện an lòng. Chẳng những là danh dự nên phải giữ kín những lời tâm phúc bởi tin bụng tôi nên bà mới dám tỏ với tôi, mà lại còn vì luân lý nên tôi phải rán quên hết những lời ấy, tôi quên cũng như mấy đấng Linh mục quên các lời xưng tội của tín đồ vậy.

Bà Huyện nói:

- Cám ơn quan lớn.

Rồi cúi đầu từ giã mà về.

Quan Chủ quận cứ ngồi chống tay lên trán, mắt ngó ra cửa sổ mà suy nghĩ cho tới chừng nghe trống hầu đánh ngài mới tỉnh giấc mộng đi thay y phục đặng làm việc.