HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Người Thất Chí
Chương 05

   Tối bữa nay tới phiên Trinh phải đi theo xe lửa. Mới 5 giờ chiều thì chàng đã thay đổi y phục gọn gàng; rồi thối thúc Phụng đi với chàng ra nhà hàng ăn cơm cho sớm đặng chàng làm việc bổn phận khỏi trễ.

Hai anh em thủng-thẳng đi ra nhà hàng Trung-Hoa, ở ngang chợ mới Bến-Thành, là chỗ thuở nay Trinh thường ăn cơm. Trời chiều mát mẻ, thiên-hạ dập-diều, hai người và đi và xem phố ngó người mà trao đổi ý tưởng về giá hàng hoặc cách ăn mặc.

Đi tới cửa nhà hàng Trung-Hoa, Phụng thấy tại cái bàn gần ngoài cửa có một cô gái mặc áo quần lụa trắng, dồi phấn thoa son rất sắc-sảo, đương ngồi uống rượu cười giởn với hai cậu trai y phục cũng đàng-hoàng. Phụng với Trinh bước vô; cô nọ vừa ngó thấy Phụng thì biến sắc, lật đật day mặt vô vách, không cười nói nữa.

Phụng châu mày, lựa một cái bàn ngay mặt cô nọ mà biểu Trinh ngồi, rồi chàng cứ ngó cô hoài. Hai cậu trai vẫn kiếm lời trây trúa mà nói với cô, song bây giờ cô cứ cúi mặt ngó xuống bàn, coi bộ buồn hiu, không cười giỡn như hồi nãy nữa.

Cách chừng 10 phút đồng-hồ, hai cậu trai kêu bồi lại trả tiền rượu, rồi dắt nhau mà đi, một cậu cặp tay cô nọ, mà cô vẫn cúi mặt hoài, dường như muốn tránh, không để cho Phụng nhìn biết cô vậy. Phụng ngó theo rồi lắc đầu nói với Trinh:

-         Đời giả dối quá! Như thế nầy thì còn dám tin ai phải, còn dám cho ai quấy nữa được!

-         Toa muốn nói cái gì? Mỏa không hiểu.

-         Toa có thấy cô gái mới đi ra với hai cậu trai đó hay là không?

-         Sao lại không thấy, toa có quen với mấy người đó hay sao?

-         Mỏa biết cô gái đó.

-         Ở dưới Cần-thơ hả?

-         Không, con gái của ông Nguyễn-văn-Khoa ở gần gare d’Arras. Hôm tuần trước mỏa đi đường Galliéni, mỏa gặp cô bị xe đụng. Mỏa dìu-dắt cô, đem cô đi nhà thương băng bó, mỏa làm dữ quá, chủ xe hơi năn-nỉ chịu cho cô 20 đồng bạc đặng cô uống thuốc. Mỏa kêu xe thổ mộ mà đưa cô về nhà. Gia đình của cô mỏa thấy thê-thảm hết sức không thể nói được.

Cha của cô đau bại, ở trong cái chòi lá lúm-túm dơ-dáy, nghèo-khổ đáo-để mà có 5 đứa con. Cô Tâm nầy là lớn, lãnh bánh ếch, bánh dừa đi bán, hoặc kiếm ve chai, hộp lon, để đổi lấy tiền mua gạo mà nuôi cha với bầy em nhỏ. Cô được 20 đồng bạc coi bộ cô mừng cũng như người ta được một cái gia tài lớn. Mỏa thấy thân cô mỏa động lòng quá; mỏa có dè đâu mới mấy bữa rày mà cô đổi hình, đổi dạng, đổi tâm đổi tánh, vào làng buôn phấn bán hương như vầy. Mỏa lấy làm tiếc sự mỏa động lòng trắc ẩn hôm nọ quá; phải hôm nọ xe hơi cán cô chết phứt cho rồi.

-         Ồ! Sao toa rủa người ta?

-         Thứ đồ như vậy để sống nó làm nhục cho xã-hội chớ có ích gì.

-         Mỏa sợ toa nhìn lầm, người giống người chớ có lẽ nào mới mấy bữa rày mà cô nọ đổi tâm tánh mau như vậy.

-         Không, mỏa có ngó kỹ. Phải cô Tâm chớ không lầm đâu … Toa nói như vậy, thôi để mỏa hỏi lại.

-         Ừ, toa nên nghĩ lại cho chắc, nếu giận lầm thì bậy lắm.

Ăn cơm rồi, Phụng đưa Trinh lại gare xe lửa, anh em đứng nói chuyện một lát rồi Phụng từ-giã mà về.

Đi dọc đường, trong trí Phụng cứ nhớ cô Tâm nên chàng buồn mà lại giận. Về đến nhà, chàng đứng ngoài cửa suy nghĩ, rồi không mở cửa mà vô, chàng lại trở ra đường mà đi thẳng vô phía gare d’Arras, tính vô nhà Khoa mà hỏi coi cô gái gặp hồi chiều đó phải cô Tâm hay không.

Vì còn sớm, nên trong dãy nhà lá ở gần gare d’Arras người ta còn thức, mỗi nhà đều có đốt một chông đèn leo lét, phía trước cửa con nít đang chơi la hét om sòm.

Phụng bước tới trước cửa nhà Khoa, tuy đèn lờ mờ, song thấy Khoa ngồi trên cái sập, có đứa nhỏ nằm ngủ một bên, còn mấy đứa kia đương chơi ngoài lộ, thấy Phụng vô nhà mình không biết là ai nên áp chạy về đứng ngó, đứa nào đứa nấy thở hào hển. Khoa thấy Phụng bước vô bèn hỏi: “Thầy kiếm nhà ai? Có việc chi hay không?”

Phụng không đáp hai câu hỏi ấy, lại châu mày mà hỏi lại:

-         Ông quên tôi hay sao? Tôi đưa con gái ông về nhà hôm cô bị xe hơi đụng đó.

-         Xin thầy tha lỗi, bị đèn leo lét nên tôi thấy không rõ … Cha chả nhà tôi không có ván ghế chi hết, bất tiện quá … Thôi xin mời thầy ngồi đỡ trên cái sập nầy.

-         Xin ông đừng lo. Tôi đứng nói chuyện cũng được. Tôi hỏi thăm một chút mà thôi.

-         Thưa thầy muốn hỏi thăm việc chi?

Phụng đứng dụ dự một chút rồi hỏi:

-         Tôi muốn hỏi việc cô Tâm, là con gái của ông. Cô có ở nhà hay không?

-         Thưa không. Nó đi từ hồi chiều cho đến bây giờ mà chưa thấy nó về.

-         Cô đi đâu?

Bây giờ tới phiên Khoa dụ dự ngồi lặng thinh một chút rồi mới đáp:

-         Nó đi ra ngoài Sài-gòn.

-         Cô đi chơi hay là đi có việc chi?

-         Nó đi mà nó không nói, nên tôi không hiểu nó đi có việc chi. Thầy hỏi nó chi vậy? Thầy có việc muốn cần dùng nó hay sao?

-         Không. Tôi hỏi cho biết vậy thôi, chớ không có cần dùng việc chi hết.

-         Tôi không hiểu chừng nào nó mới về. Nếu thầy muốn gặp nó, thì xin ngày mai thầy trở lại chắc gặp được. Thầy lại giờ nào xin thầy cho tôi biết trước đặng tôi biểu nó ở nhà mà chờ.

Phụng đứng ngó ra ngoài lộ, không nói chi nữa hết, Khoa không hiểu ý Phụng, nên không dám nói nhiều nữa, lết xê vô trong vách, và nói: “Nếu nhà tôi dơ dáy, mà thầy chiếu cố nên không nệ, thiệt tôi cám ơn hết sức”.

Phụng day lại gọn-gàng mà nói: “Tôi mới thấy một việc làm cho tôi phiền lắm, nên tôi mới đến đây. Hồi tối nầy tôi gặp cô Tâm đi chơi với hai cậu trai. Cô dồi phấn thoa son, bộ lả lơi lắm. Ông mới có 20 đồng bạc mấy bữa rày đây, ông làm việc gì hết đi mà biểu con phải làm việc tồi-bại như vậy?”

Khoa ngồi trân-trân, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má, mà dường như đau-đớn quá nên nói không được. Phụng thấy vậy, biết người mình nhìn hồi chiều là phải rồi, nên tức giận trợn mắt mà hỏi tiếp:

-         Phải cô Tâm mặc quần bằng lụa trắng hay không?

-         Thưa phải.

-         Khốn-nạn lắm! Khốn-nạn lắm!

-         Thiệt tôi khốn-nạn lắm thầy ơi! Song thầy biết rõ gia-đạo của tôi, thì chắc thầy không cười tôi, mà có lẽ thầy còn thương tôi nhiều hơn nữa.

-         Tôi biết ông nghèo. Mà hôm trước bữa đói bữa no, sao ông giữ trong sạch, rồi bây giờ đã có 20 đồng bạc, tuy không nhiều song cũng đủ nuôi gia-quyến ông trong một hai tháng, sao ông lại không giữ trong sạch nữa?

-         Để tôi nói hết cho thầy nghe mà thương cha con tôi. Hôm con tôi nó đưa cho tôi 20 đồng bạc cho tôi đó, thầy về rồi cha con tôi mới bàn tính với nhau. Tôi khuyên con tôi để số bạc ấy làm vốn, mua nồi ơ đóng gánh rồi nấu chè nấu cháo mà đi bán. Mỗi bữa xuất chừng 1 đồng mua đồ về nấu, thế nào cũng lời đôi ba cắc mua đủ gạo mua cá mà ăn. Con tôi nó khóc mà nói như vầy: “Thân tôi bịnh hoạn, hễ ít ngày thì đau một lần. Thầy thuốc có nói nếu tôi có tiền uống thuốc cho hẳn-hòi, thì trong năm bảy tháng hoặc một năm có lẽ hai chơn tôi đi được. Sự lo của con tôi chẳng những là lo cho có đủ cơm gạo cho tôi với sắp em nó ăn mà thôi, mà lại còn lo có tiền cho tôi uống thuốc nữa. Hai chục đồng bạc không đủ cho tôi uống thuốc được. Còn nấu chè nấu cháo mà bán thì đã có làm hai ba lần rồi, lần nào cũng lỗ-lã rồi cụt vốn. Nó chắc số bạc ấy lâu lắm là năm bảy tháng rồi cũng phải hết. Nó mới năn-nỉ với tôi xin để bạc ấy cho nó sắm quần áo, mua khăn, mua giầy, nghĩa là sắm đủ đồ vận đặng đi kiếm tiền, nó sẽ rán kiếm mỗi đêm năm ba đồng đặng để dành cho tôi uống thuốc. Tôi không chịu, tôi nói thà là tôi chết, chớ không nỡ kéo sự sống thêm cho dài ngày mà con tôi phải làm việc xấu hổ như vậy. Con tôi khóc lóc mà nói sắp em nó còn khờ dại lắm, nếu tôi không sống mà nuôi mấy đứa nhỏ thì chúng nó phải xiêu lạc tội nghiệp. Con tôi tự quyết hy-sinh thân-thể dang-giá hết thảy đặng cứu vớt sắp em nó. Nếu tôi thương nó, thương sắp em nó thì cắn răng nhắm mắt để cho nó làm đặng tôi có tiền uống thuốc, kéo dài sự sống mà dạy-dỗ sắp em nó. Nhà nghèo, thân bịnh hoạn, mà con tôi nó nói như vậy, biết làm sao … Tôi là người có học chút đỉnh, hồi trước tôi cũng làm việc hãng như người ta, lẽ nào tôi không biết tốt biết xấu … Con người ta hễ nghèo khổ quá rồi thì thế nào cũng phải chịu; còn kể gì là tốt xấu.

Khoa nói tới đó thì nước mắt tuôn dầm dề.

Ban đêm trời mát mà nghe tâm-sự của Khoa rồi thì Phụng đổ mồ hôi. Chàng lấy khăn ra lau mặt rồi mới nói:

-         Tôi nói thiệt với ông, tôi thấy cô Tâm làm việc tồi bại, từ hồi chiều đến bây giờ tôi giận, tôi ghét cô lung lắm. Bây giờ tôi nghe ông cắt nghĩa rõ-ràng rồi, chẳng những là tôi hết giận mà tôi còn kính-trọng cô nhiều lắm vậy. Cô đi kiếm tiền đã bao lâu rồi?

-         May áo quần rồi nó mới bắt đầu đi từ tối hôm kia.

-         Cô đi mà coi bộ vui hay không?

-         Vui làm sao được thầy! Nó đi đêm đầu, nó đem về đưa cho tôi 3 đồng bạc, nó vui cười như thường. Song một lát sắp em nó học lại với tôi, nói chị nó vô buồng thay đồ mà ngồi khóc rấm-rứt.

Phụng lắc đầu thở ra, thê thảm cho cuộc đời hết sức. Chàng muốn từ mà về, kế nghe mấy đứa nhỏ ở ngoài cửa la: “Chị hai về”.

Phụng ngó ra thì thấy một cô gái đương xâm xâm đi vô. Tuy ban đêm lờ mờ, song Phụng xem hình dạng cô ấy giống cô Tâm.

Thiệt quả cô Tâm! Cô bước vô nhà với sắc mặt buồn hiu. Cô thấy Phụng. cô chưng-hửng, cúi đầu chào Phụng, rồi bương-bả đi vô buồng, hai hàng nước mắt chảy dài xuống gò má vì thẹn thùa nên ửng đỏ.

Phụng thấy tình-cảnh đau-đớn khốn-nạn như vậy thì cảm-động chịu không nổi, nên chàng nói có hai tiếng; “Tôi về”, rồi xăng-xớm bước ra cửa, mắt đỏ au, lòng nóng hổi. Ra tới lộ, chàng thấy có một chiếc xe hơi đậu dưới bóng đèn khí, trên xe hơi có hai cậu trai hồi chiều đương ngồi nói chuyện và cười om-sòm.

Tâm-hồn bấn-loạn, Phụng như người mất trí cúi mặt thủng-thẳng đi trên lề đường, song không phải nhứt định đi đâu. Đi được một khúc đường, chàng gặp một nhóm người đương đứng bao chung quanh một khoảng trên bờ lề. Chàng bước lại gần mà xem thì thấy có một bà già nằm co trên đám cỏ, quần áo lang-thang, dựa bên mình có để một cái bị với một cây gậy. Một người trong đám đứng coi nói với mấy người khác: “Bà già nầy đi xin ăn, chắc bà có bịnh hay là nhịn đói nên nằm chết đây chớ gì!”

Mới thấy bức tranh đau-đớn ở nhà của Khoa rồi lại thấy bức tranh khốn-khổ như vầy nữa, cái tánh đa-cảm của Phụng làm cho chàng không thể chịu được, nên chàng lật-đật bước dang ra rồi nhắm hướng Sài-gòn mà trở về nhà.

Đêm ấy Phụng ở trong nhà, tuy cửa đóng chặt, song đền đốt sáng trưng, chàng cứ đi qua đi lại, trợn mắt châu mày, có khi chàng chảy nước mắt mà than: “Đời thê-thảm quá như vầy, thì còn sống làm chi nữa!” Có khi trợn mắt đấm ngực mà nói: “À! Nhơn-tình, à xã-hôi! Thế nầy thì phải phá-hoại, phải lật ngược hết thảy mới được! Hứ! Trời Phật! .. Đạo-đức!...”