HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Người Thất Chí
Chương 07

Buổi sớm mai lối 9 giờ, Phụng nằm trên cái đi-van mà đọc sách, còn Trinh thì nằm trên ghế bố mà xem nhựt trình.

Thình lình Trinh nói: “Chuyện bà Lợi bị giết hôm nọ là một chuyện bí mật. Cò bót tìm hết sức mà không ra mối. Mấy người bị bắt đó Tòa đã thả hết cả rồi.

Phụng day qua mà hỏi:

-         Sao toa biết mấy người bị bắt đã được thả?

-         Nhựt trình nói đây nè.

-         A! Toa thấy trong nhựt trình. Còn hai người tớ của bà?

-         Cũng được thả rồi nữa. Theo ý-kiến của nhựt trình thì nên thám dọ những người nào ước mơ sự chết của bà Lợi, nghĩa là sự chết của bà có ích cho họ, thì hoặc may mới ra mối. Luận như vậy nghe có lý lắm. Toa nghĩ sao?

-         Moa có biết đâu.

Hai người mắc nằm mà nói chuyện, nên bà Phủ Cao với cô Loan ngừng xe kéo ngoài cửa mà không ai hay hết. Chừng bà Phủ bước vô trong cửa, Phụng mới ngó thấy, lật đật chào mẹ, mừng em.

Trinh cũng buông tờ nhựt trình đứng dậy thi lễ. Phụng tiến dẫn Trinh với bà Phủ với cô Loan biết. Trinh lật đật nhắc ghế mời khách ngồi và cười và nói: “Xin bác với cô ba tha lỗi. Nhà chúng tôi không có dàn-bà, nên trầu nước cũng không có hết”.

Bà Phủ nói: “Cháu đừng lo. Bác uống nước rồi. Cháu làm anh em bạn với thằng Phụng mà cháu thương nhó như anh em ruột thịt, cháu nuôi nó mấy tháng nay, thiệt bác cảm tình không biết chừng nào”.

Trinh cười mà đáp:

-         Thưa, cháu có nuôi anh Phụng đâu. Cháu làm việc khác hơn người ta, cháu đi hoài, trong một tháng đi tới 15 ngày, không có ở nhà, bởi vậy cháu cậy anh Phụng ở đây đặng coi nhà giùm cho cháu chớ. Bác với cô ba lên tới hồi nào?

-         Xe mới lên tới, bác ghé khách-sạn mướn phòng để đồ rồi bác đi liền lại đây.

-         Ý! Bác có mướn phòng khách-sạn sao?

-         Phải.

-         Bác làm như vậy cháu buồn lắm! Bác lên đây thì phải ở nhà cháu, cháu ở ngoài khách-sạn coi sao được.

-         Ở khách-sạn tiện hơn, nếu vô đây ở làm khách thì nhọc lòng cháu.

-         Cháu mừng lắm, chớ có nhọc lòng đâu. Bác mướn phòng ở đâu?

-         Tôi mướn phòng ngoài Sài-gòn khách lầu.

Trinh đứng suy nghĩ một chút rồi nói với Phụng: “Toa ở nhà hầu chuyện với bác và cô ba, để mỏa ra khách-sạn lấy đồ đem vô đây”.

Bà Phủ cản., Trinh nói: “Thưa bác, đàn-bà ở khách-sạn không tiện. Bác ở đây thong-thả hơn. Chiều nay cháu phải đi, rồi anh Phụng ở nhà có một mình. Xin bác đưa chìa khóa cho cháu ra trả lại cho chủ khách-sạn và lấy đồ”.

Bà Phủ không thế từ chối đặng nên phải biểu cô Loan đưa chìa khóa cửa phòng cho Trinh.

Trinh thay đồ rồi kêu xe kéo mà đi.

Bà Phủ mở bóp ra lấy 50 đồng bạc để trên bàn mà nói với Phụng rằng: “Má mới lãnh tiền hưu-trí hôm qua. Má tính thôi để đem lên cho con đặng thăm con và nói chuyện nhà luôn thể nên má không gởi. Con lấy bạc đây để trả tiền cơm cho người ta”.

Phụng đứng trân, nước mắt rưng rưng chảy.

Cô Loan biết anh buồn tức, muốn phá tiêu vẻ buồn lúc mẹ con anh em hội-hiệp, nên cô cười và nói: “Bây giờ không có anh Trinh, vậy anh lấy bạc mà cất đi anh Hai. Em tính đi một mình đem lên cho anh rồi em về liền. Chiều hôm qua má nói thôi để má đi với em đặng thăm anh và mua đồ chút đỉnh luôn thể”.

Phụng đứng cúi mặt lặng thinh không lấy tiền.

Bà Phủ cười mà hỏi:

-         Năm chục đủ trả cho người ta hay không? Thiếu bao nhiêu con nói đặng má đưa thêm cho.

-         Con không cần tiền.

-         Ủa! Sao vậy? Con ăn cơm mấy tháng nay phải trả tiền cho người ta chớ.

-         Con ăn cơm hai tháng anh Trinh đã trả tiền hết rồi.

-         Cháu Trinh cho con mượn tiền mà trả, thì con phải thối hồi lại cho cháu Trinh chớ.

-         Sợ ảnh không lấy.

-         Sao lại không chịu! Anh em bạn cho con ở đậu trong nhà thì ơn nghĩa đã nhiều lắm rồi. Có lẽ nào con để cho người ta trả tiền cơm nữa. Tuy mình nghèo, song mình phải xử cho vuông tròn mới được con.

Phụng lau nước mắt, rồi ngồi trên ghế bố, không lấy tiền mà cũng không nói.

Cô Loan nói:

-         Bữa hổm thầy Bang-Biện Tịnh đi Sài-gòn có ghé thăm anh phải hôn?

-         Phải.

-         Anh tiếp rước rồi nói chuyện như thế nào mà thầy về thầy phiền với má dữ quá vậy?

-         Đồ khốn nạn, nói chuyện nghe ghét quá, nên qua[1] giận qua đuổi đi. Qua không bạt tai nó là may.

-         Hèn chi …

Bà Phủ ngó Phụng rồi nghiêm sắc mặt mà nói: “Việc Bang-Biện Tịnh muốn cưới con Loan hôm trước má biểu con Loan viết thơ mà hỏi ý con. Má chờ hoài mà không tiếp được thơ con trả lời. Bang-Biện Tịnh có dịp đi Sài-gòn, muốn kiếm thăm con đặng nói chuyện đó. Con không bằng lòng thì thôi, sao con xô đuổi nặng lời làm chi”.

Phụng nổi giận, cặp mắt đỏ au, vùng đứng dậy mà nói lớn: “Nó ỷ giàu, nó nói giọng cao, nó khinh rẻ má, nó khinh rẻ em con, con không giận sao được! Thà con chết, chớ con không để cho em con hy-sanh cái xuân xanh, cái dang giá của nó, đặng giúp cho má với con no ấm”.

Cô Loan châu mày nói:

-         Hôm nọ em gởi thơ cho anh, em có nói việc ấy tự ý anh nhứt định; anh bằng lòng thì em mới ưng. Em có nói rõ ràng như vậy, nếu anh không bằng lòng thì trả lời cho em bỏ dẹp việc ấy đi. Tại anh nín khe, má không hiểu ý anh nên má mới chỉ chỗ anh ở cho Bang-Biện Tịnh lên kiếm anh. Nếu anh không chịu thì nói phứt cho người ta biết, cần gì ngồi nói dông dài làm chi cho anh phải giận.

-         Nó mới xưng tên thì qua đã ghét, qua tỏ ý khinh bỉ nó rồi. Tại nó không chịu đi, cứ ngồi nói hoài, nên qua mới nổi cáu chớ.

-         Thôi, chuyện anh xua đuổi Bang-Biện Tịnh em muốn hỏi cho biết vậy thôi, chớ không quan-hệ gì. Bây giờ em xin anh cho biết coi tại cớ nào mà anh không bằng lòng cho em ưng Bang-Biện Tịnh.

-         Bằng lòng sao được. Thà má gả em cho một tên nông phu, chớ gả em làm vợ bé một người giàu có đặng nhờ nhõi thì xấu hổ quá, qua không thể xuôi thuận được.

-         Em cũng biết làm bé người ta thì không tốt lành gì, nhứt là phận em, nếu em làm như vậy thì nhục-nhã lây tới vong hồn của ba nữa. Nhưng mà má đã già rồi, phần thì gia-đình của mình không có huê-lợi chi hết, em thấy trong nhà má túng rối, còn thân anh thì vất-vả, em chịu không được. Em xin tỏ thiệt với anh, hôm thầy Bang-Biện Tịnh cậy mai nói em, em muốn lén anh mà ưng phứt cho rồi, không cần liêm-sỉ gì hết, ưng đặng người ta cất nhà lại tử-tế cho má ở, ưng đặng má lấy một ngàn đồng bạc làm vốn mà làm ăn, ưng đặng có chỗ em nương dựa mà nuôi má, nuôi …

Phụng khoát tay mà nói: “Thôi, em đừng nói nữa. Nếu em nói như vậy thì anh chết liền bây giờ đây”.  Phụng dựa mình vào vách, hai tay ôm mặt mà khóc. Bà Phủ với cô Loan ngó nhau, mẹ con đều buồn hiu. Phụng khóc một hồi rồi nói: “Lẽ nào anh nỡ để em bán hình-hài, bán xuân xanh mà nuôi má, nuôi anh!”

Cô Loan chảy nước mắt mà đáp: “Giúp đỡ mẹ và anh, ấy là chỗ hy-vọng của em. Được như vậy em vui lòng lắm, không buồn đâu mà anh ngại. Dầu có phải đi làm đầy tớ cho người ta em cũng chẳng nại, lựa là vợ bé …”

Hai anh em nói tới đó, kế Trinh hăm hở bước vô, tay xách một hoa-ly, tay ôm mấy gói đồ kềnh-càng. Chàng thấy Phụng khóc thì nói: “Ô! Toa cứ theo điệu đàn-bà con gái hoài, hễ buồn thì khóc! Có bác với cô ba lên thăm, toa phải làm vui chớ”. Chàng day qua nói với bà Phủ: “Anh Phụng có chứng bịnh đa cảm, thấy hay nghe việc gì ảnh cũng buồn, hoặc giận. Cháu can gián hết sức, biểu ảnh bỏ cái tật ấy, mà ảnh không chịu nghe lời. Cháu lấy cái hoa-ly của bác vô đây, để cháu đem thẳng vô trong buồng. Cháu với anh Phụng thường ngủ ngoài nầy, chớ ít nằn trong giường. Vậy bác với cô ba ở trong buồng tiện lắm”.

Trinh để mấy gói trên bàn, xách hoa-ly đem vô buồng, chạy ra xe kéo lấy thêm mấy gói nữa. Chàng làm lăng-xăng, miệng nói tía-lia: “Ê, Phụng, mỏa có mua một cái lò để nấu nước cho bác uống đây toa. Mỏa mua bình, mua tách, mua ấm đủ hết. Để mở ve rượu 90 chữ[2] đặng đốt lò nấu nước thử coi”.

Bà Phủ nói:

-         Cháu mua làm chi đặng để tốn tiền. Vô ở nhà cháu làm rộn cho cháu quá.

-         Thưa, có vậy mới vui chớ. Ê Phụng, toa làm ơn mở cái ấm rồi đem ra sau súc cho sạch đặng nấu nước, toa. Để mỏa lo đốt cái lò.

Phụng cứ đứng trân-trân.

Cô Loan thấy vậy cô mới mở mấy gói của Trinh mới ôm về rồi sắp những ấm, bình, tách, dĩa lên bàn.

Bà Phủ nói với Phụng: “Thôi, con không bằng lòng gả em con thì thôi, có chi đâu mà buồn”.

Trinh ngó cô Loan mà hỏi: “Ở nhà nãy giờ anh Phụng nói chuyện thầy Bang-Biện lên thăm ảnh bữa hổm phải hôn?”

Cô Loan gật đầu.

Trinh cười mà nói tiếp: “May hôm đó có tôi ở nhà, chừng ảnh nổi giận tôi cản ảnh, chớ không thì ảnh đánh thầy Bang-Biện đó rồi”.

Trinh đốt lò được rồi bèn lấy cái ấm tính đem ra súc. Cô Loan nài-nỉ xin để cô làm. Trinh phải đưa cái ấm lại cho cô, cô xách đi ra phía sau. Trinh góp tách, dĩa cầm đi theo, chỉ nước cho cô Loan súc cái ấm, còn chàng bỏ tách, dĩa vào cái thau mà rửa.

Thừa dịp không có Phụng và bà Phủ, Trinh mới hỏi cô Loan:

-         Cô Ba, nãy giờ ở nhà cô nói chuyện với anh Phụng, cô coi trí ý của anh Phụng phải khác hơn hồi trước hay không?

-         Thưa phải, khác xa lắm. Bây giờ anh hai em buồn-bực nóng-nảy, chớ không phải vui-vẻ hòa huỡn như hồi trước nữa.

-         Tôi biết ảnh có bịnh, mà bịnh về trí. Xin cô lên thưa với bác chẳng nên nói chuyện buồn cho ảnh nghe. Để ảnh ở trên nầy rồi thủng thẳng tôi khuyên giải ảnh.

-         Má em tính lên nói với ảnh, nếu kiếm không được việc làm thôi thì về dưới nhà mà ở.

-         Không nên đem ảnh về dưới. Về nhà ảnh buồn sợ bịnh càng thêm nặng. Tôi thương ảnh như anh em ruột. Xin cô thưa lại với bác vui lòng để ở trên nầy đặng tôi lập thế chữa bịnh cho ảnh, đừng ngại chi hết.

-         Cám ơn anh.

Hai người xách ấm cầm tách trở ra phía trước. Trinh để ấm trên lò mà nấu. Còn cô Loan đem bình ra sau mà rửa nữa.

Trinh thấy xấp bạc để trên bàn thì hỏi bà Phủ:

-         Thưa bác, bạc gì ai để đây?

-         Bạc bác đưa cho thằng Phụng mà nó không chịu lấy đó.

-         Nếu ảnh không lấy thì bác cất đi.

-         Nó nói cháu cho mượn tiền mà trả tiền cơm rồi. Xưa rày nó mượn của cháu cả thảy là bao nhiêu, xin cháu cho bác biết, đặng bác trả lại cho cháu.

-         Thưa, thôi. Chút đỉnh mà trả làm chi.

-         Không trả sao được, cháu.

-         Thôi, để chừng nào anh Phụng có sở làm rồi ảnh sẽ trả cho cháu.

-         Biết chừng nào mới có sở làm.

-         Chừng nào cũng được, không ngại gì. Xin bác đừng lo sự đó.

Nước sôi, Trinh chỉ bó trà mà cậy cô Loan bỏ trà vô bình rồi chàng chế nước rót trà ra tách mà mời bà Phủ với cô Loan. Trinh thấy Phụng ngồi chừ bự trên ghế bố, bèn vỗ vai chàng mà nói: “Gần 11 giờ rồi, bác đi xe hơi đường xa chắc là đói bụng. Vậy mình thay đồ rồi mời bác đi ra nhà hàng ăn cơm một chút đặng bác có giờ nghỉ trưa”.

Mấy người đều rửa mặt thay đồ rồi kêu xe kéo mà đi ăn cơm. Trinh vui vẻ bặt thiệp luôn luôn làm cho bà Phủ với Loan mới biết mà phải đem lòng yêu mến. Còn Phụng thì bơ lơ bảng lảng, ai hỏi thì trả lời cụt ngủn, coi bộ như trí mắc lo xa.

Ăn cơm rồi dắt nhau trở về nhà, Trinh mời bà Phủ với cô Loan nằm nghỉ, chàng lo nấu nước chế vô bình.

Tối bữa đó Trinh phải đi theo xe lửa. Buổi chiều chàng mời đi ăn cơm sớm rồi mấy mẹ con bà Phủ đưa chàng ra gare. Trinh lén đưa 20 đồng bạc cho Phụng mà nói nhỏ:

-         Toa lấy bạc đây để ở nhà mà xài.

-         Mỏa có tiền. Hai chục đồng bạc toa đưa bữa hổm còn y nguyên.

-         Toa không ăn cơm hay sao?

-         Mỏa viết nhựt-trình đủ tiền ăn cơm.

-         Thiệt như vậy sao?

-         Mỏa nói dối toa làm chi.

Trinh bước lại thưa với bà Phủ: “ Vì chức nghiệp nên cháu không ở nhà mà hầu chuyện với bác được, xin bác tha lỗi. Nhà của cháu cũng như nhà của Phụng. Bác cứ ở chơi, đừng ái-ngại chi hết.

Bà Phủ đáp: “Cháu vui-vẻ, bác mến lắm. Ngặt vì ở nhà không có ai, nên sáng mai chắc bác phải về”.

Trinh tử giã cô Loan và nói nhỏ: “Xin cô Ba nhớ mấy lời tôi dặn hồi sớm”.

Loan cúi đầu, miệng chúm-chím cười.

Trinh lên xe, mẹ con bà Phủ dắt trở lại chợ đi chơi một chút rồi thủng thẳng về nhà.

Bây giờ trong nhà chỉ có ba mẹ con. Bà Phủ lại nói với Phụng: “Việc con Loan, nếu con không bằng lòng gả nó cho Bang-Biện Tịnh thì thôi. Để thủng-thẳng con coi chỗ nào xứng con muốn gả em con thì má sẽ gả. Bây giờ má nói với con như vầy; con ở trên nầy coi bộ con buồn qua, má muốn con trở về nhà mà ở đặng mẹ con hủ-hỉ cho vui, con bằng lòng hay không?”

Phụng ngồi lặng thinh một hồi rồi rưng rưng nước mắt mà đáp:

-         Con không thể thấy mặt má hay mặt em Loan nữa được. Con cũng không dám ngó cái bàn thờ của ba nữa!

-         Tại sao vậy?

-         Con phạm tôi lớn lắm má ôi! Con không đáng cho má kêu bằng con, không đáng cho em Loan kêu bằng anh nữa.

-         Ủa, con phạm tội gì?

Phụng khóc rấm-rức, không nói nữa. Bà Phủ kéo ghế ngồi một bên con, tay vịn vai con mà hỏi nữa:

-         Con phạm tội gì? Phạm hồi nào? Phải nói cho má biết.

-         Con không thể nói được. Nếu con nói thì má đau đớn, má buồn rầu, chớ không ích gì. Vì con phạm tội thì để một mình con đền tội mà thôi.

-         Con không tin tưởng má hay sao? Con giấu ai, chớ sao con giấu má?

-         Ví con thương má nên con mới giấu, chớ không phải con không tin tưởng má.

-         Con là máu thịt của má. Dầu con phạm tội gì con vẫn là con của má, chẳng bao giờ má nỡ trách con. Con phải tỏ thiệt cho má biết một chút.

Phụng lắc đầu, không chịu nói, bà Phủ và cô Loan cật vấn hết sức mà không được. Đến khuya cô Loan thuật mấy lời của Trinh dặn cho mẹ nghe. Bà Phủ không ép Phụng về Cần-thơ nữa.

Sáng bữa sau bà Phủ với cô Loan về.



[1] đại từ ngôi thứ nhứt, phát âm theo giọng Triều Châu của từ Hán Việt “ngã” = ta, tôi, anh, dùng xưng với nghĩa thân mật.

[2] độ