Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16

Toàn bộ dạng PDF

Nhơn tình ấm lạnh

HỒI THỨ CHÍN

Ở đời từ giàu sang cho chí nghèo hèn, chẳng thiếu chi người bị hoạn nạn, kẻ tán gia bại sản, người thất chí thương tâm, nhưng dầu ai khốn khó thế nào, tưởng chẳng hơn nàng Phi Phụng được.

Nàng còn trẻ tuổi, chưa nếm đủ mùi đời, nên tánh tình còn chất phác, trí như tuyết trắng, lòng tựa nước trong. Lại nàng sanh nhằm nhà con một, cha mẹ cưng như ngọc yêu như vàng từ thuở nhỏ chí lớn chưa hề biết rầu buồn, cũng chưa hề biết lo tính. Thình lình trong vài năm gia đình đại biến, cha chết khóc chưa ráo nước mắt, kế thấy sự nghiệp tan tành, rồi lại mẹ chết mồ đắp chưa khô, kế thấy căn duyên lở dở. Dầu bậc nam nhi gặp cảnh khổ phi thường như vậy đi nữa, sợ e cũng khó dằn lòng vững chí cho được, huống chi bậc nử nhi dễ gì mà không đứt ruột nát gan.

Phi Phụng buồn thì thiệt buồn, rầu cũng quá ư rầu vì nỗi thung huyên[1] khuất bóng, thân liễu bồ không biết nương dựa vào đâu, rầu rĩ thêm vì nhà ruộng tan tành, trí bất bình nên ấm ức mà không nói đặng. Đã rầu buồn còn thêm tức giận, mà tức Tú Cẩm đoạt gia tài cũng chưa mấy uất, giận nhơn tình bội ước mới lòng đau khôn tả, bởi vậy ngày như đêm nàng mới biếng ăn quên ngủ, hết buồn rồi giận, hết tức rồi rầu, lững thững lờ thờ[2] như kẻ không hồn không trí. Nàng đương áo não, bỗng thấy Tú Cẩm xuống nhà khuyên giải biểu nàng về Bạc Liêu đặng chung hưởng gia tài, nghe lời khuyên càng chua xót gan vàng, thấy mặt oán thêm bừng bừng lửa giận. Về Bạc Liêu sao cho đặng? Tú Cẩm tuy là xưng anh mình, nhưng từ nhỏ tới lớn chưa thấy mặt lần nào, đến chừng gặp mặt thì thâu đoạt hết gia tài, lại còn muốn bứt mối tơ duyên mình đương ra công xe chấp. Chiếm gia tài đã giận, còn bứt lương duyên thì thù oán càng sâu. Tuy lời Tú Cẩm nói ngày trước, nay đã thấy hiển nhiên như vậy mặc dầu, song có lẽ vì nói trúng đó nên mối thù càng nặng hơn nữa, còn không chịu về Bạc Liêu vậy chớ ở lại làm gì? Thủ Hiệp cưới vợ rồi, mình đã xem tận mặt, đã thấy dâu rể hoan hỉ lên xe hơi, rể đưa tay dìu dắt, dâu phỉ dạ tươi cười, còn mong mỏi nỗi gì mà ở đây chờ đợi? Phải đi, đi cho khỏi xứ Bạc Liêu, là thứ nhân vật đều hợp nhau làm mình buồn thảm, đi cho khỏi trời Bạc Liêu, là trời bạc ác, đã đoạt cha cướp mẹ của mình, lại còn đang tâm cắt đứt mối tơ tình của mình nữa. Đi cho mau, đi phức cho rồi, dầu đến xứ lạ tấm thân chìm nổi thế nào, tưởng cũng không thảm khổ cho bằng thảm khổ ở xứ nầy nữa.

Bởi Phi Phụng suy nghĩ như vậy mới gạt Tú Cẩm để đi trước một mình về Bạc Liêu, đặng thoát thân cho dễ. Nhưng quyết đi thì đi chớ cô không tính trước coi phải đi đâu. Xuống tàu „Hirondelle“ và tàu chạy được vài khúc sông ông cò cầm giấy đi lấy tiền tàu hỏi đi đâu, chừng ấy cô mới nói bướng đi Mỹ Tho, song cô cũng không biết tại sao lại phải đi Mỹ Tho nữa.

Tàu chạy chân vịt rầm rầm. Phi Phụng day mặt ngó xuống sông thấy lượng sóng ồ ào, dòng nước cuồn cuộn, nghĩ cuộc giàu sang của cô cũng chẳng khác bọt nước theo lượng sóng khỏa vào bờ thì tan rã chẳng còn, rồi cô lại sánh duyên trăm năm của cô cũng như dòng nước hai bên tàu, hễ qua khỏi rồi thì không bao giờ lấy lại được nữa.

Cô ngó cảnh động tình nên trong lòng bâng khuâng chịu không được. Cô mới day mặt trở vô trong tàu, tính làm quen với hành khách đặng giải khuây. Cô ngó trước, xem sau thì hành khách chừng mười lăm người, phía trước có một bà già đương ngồi ngoái trầu dựa bên một người đàn ông mặc áo vải cục, lại để râu lưa thưa. Dưới chân bà già ấy là hai đứa nhỏ đương ngồi chơi cầm bánh ăn, áo quần lem luốt. Ngang đó mấy chú khách Triều Châu đang ngồi nói chuyện, người thì áo không gài nút để lòi ngực đen thui, kẻ thì ngậm trầu cham bam[3] nên nói không ra tiếng, phía sau có ít người Thổ[4] ngồi lộn với người Việt, kẻ nói người cười coi bộ vui vẻ lắm.

Ngồi gần cô thì có ba người đàn bà Việt Nam, một còn nhỏ, còn hai người tóc đã điểm hoa râm, cô nhớ mặt người nhỏ ở Bạc Liêu có tới nhà cô đôi ba lần, song cô không biêt tên gì. Cô muốn làm quen với ba người đàn bà ấy, song cô thấy người nhỏ nhỏ ngó cô rồi day lại nói nhỏ với hai người kia mà cười, cô nghi hai người ấy cười thầm cô côi cút, cười phận cô nghèo hèn, cười duyên phận cô dở dang, cười mặt cô buồn thảm, nên cô giận cô day qua chỗ khác đau lòng ứa lệ, thẹn mặt héo gan, cô quyết không nói chuyện với ai, và cũng không thèm ngó ai hết.

Cô ngồi nghĩ giận nhân tình đen bạc, thế thái cay đắng rồi mới nghĩ thầm thân phận cô, hỏi cô vậy chớ tại ai làm cho cô mang sầu thảm đến dường nầy? Tại Tú Cẩm nên cô cực thân, còn tại Thủ Hiệp nên cô mới thất chí, chớ dầu gia tài tan tành mà duyên bình thủy[5]  vững bền thì nghèo cô sợ gì mà đeo sầu giữ thảm?

Tuy lúc đầu cô đã biết Thủ Hiệp phụ cô đi cưới vợ khác, ấy tại cô hết gia tài nên tình nghĩa mới nhạt phai, nhưng mà tình riêng cô vẫn đoái thương đến Thủ Hiệp hoài. Bởi vậy cô giận Thủ Hiệp thì ít mà oán Tú Cẩm thì nhiều, cứ nói Tú Cẩm đoạt gia tài nên căn duyên của cô tan rã.

Cô giận hờn phiền trách một hồi rồi cô đổ hết tội lỗi lên đầu ông trời, cô nói tại ông trời không thương cô nên mới bắt cô thê thảm như vầy, chớ không phải Tú Cẩm có phép nào mà đoạt sự nghiệp của cô, không phải Thủ Hiệp có bụng nào mà phụ bần tham phú.

Ông trời tuy không có hình dạng, không nói riêng một thứ tiếng gì, lắm lúc hay giải mối sầu dùm người đời. Phi Phụng đổ lỗi cho ông trời rồi trong lòng bớt buồn. Cô bớt buồn rồi cô lại thầm lo trong trí: ”Thôi, ai kia ở quấy có ông trời làm chứng. Mình cứ noi theo đường phải, dẫu trời chẳng thương đi nữa, có lẽ ông cũng không ghét đến nỗi mà hại mình. Mà cái khổ của mình đã chí rồi, không còn khổ gì nữa mà sợ. Nói cùng mà nghe, ví dầu ông trời ganh ghét, muốn làm cho phai má hồng, hoặc làm cho cháy mày xanh, thì cái thân sầu thảm nầy mình cũng chẳng tiếc gì, thà là mình liều thân trả phứt nợ đời cho rảnh, chớ sống mà không mẹ không cha, sống mà không nhà không cửa, sống mà người yêu phụ bạc, sống mà đứa quấy dễ dui, sống như vậy nghĩ chẳng vui chi mà sống“.

Cô nhớ gia tài của cô bây giờ chỉ còn một bông tai hột xoàn giá mua hai trăm rưỡi, một sợi dây chuyền Tây giá mua mười tám đồng, với một chiếc đồng hồ chạm mắc tre mà thôi, còn cà rá, dây chuyền có mề đay đồng nhận hột xoàn cùng bông cổ vàng, neo, đều bị ăn cướp hôm bữa trong năm lấy hết. Trong túi cô còn tám mươi đồng bạc, còn trong giỏ xách thì còn hai cái áo với hai cái quần. Cô tính lên Sài Gòn xin vào Nữ Học Đường học lại vài năm rồi thi lấy bằng sơ học đặng đi dạy học để nuôi thân, vì cô giận Tú Cẩm nên quyết để hết gia tài cho Tú Cẩm ăn, chớ không chịu về ở nhà cho Tú Cẩm nuôi, mà cũng không thèm lãnh bạc cơm theo như án tòa định.

Đương tính tới việc xin học lại cô mới sực nhớ Duy Linh không biết anh ta phiêu bạt xứ nào bây giờ ở đâu, phải chi gặp anh ta đặng cậy anh làm đơn xin giùm học bổng cho đỡ tốn, chớ mình bây giờ nghèo rồi, có tiền đâu đặng đóng tiền cơm tiền học cho đủ. Cô nhớ tới Duy Linh trong lòng cô hơi buồn, thầm nghĩ Duy Linh mồ côi mà lại nghèo, ngày nay mình cũng mồ côi và cũng nghèo như Duy Linh, nếu gặp mà tỏ hết việc nhà cho Duy Linh nghe thì chắc Duy Linh thương xót dùm cho thân mình lắm. Cô ngồi tưởng tượng hồi nhỏ anh em dẫn nhau đi chơi trên bờ kinh, nhớ lúc học ở Bạc Liêu anh em ở chung một nhà; nhớ lần chót Duy Linh đến nhà thăm coi bộ buồn thảm lắm. Duy Linh buồn nên bỏ xứ ra đi, nhưng từ khi đi rồi cho đến nay đã hết buồn hay chưa, đã có vợ con hay chưa? Mình nay cũng buồn bỏ xứ ra đi, mà mình đi đây có hết buồn được hay không?

Cô lại nhớ mấy năm học trên Sài Gòn, hễ có lễ thì ông Phán Kim là anh em bạn thiết của cha mình, vô rước mình đem về nhà chơi, ông Phán ở trên một căn phố trên đường Bắc Hà, phố tuy hẹp nhưng dọn dẹp sạch sẽ, bà Phán tuy hay nói, hay rầy, hay đánh bài, song bà không có con nên bà thương mình như mẹ thương con, không biết tại bà không có con nên bà thấy mình bà thương hay là tại cha mình hễ lên thăm thì đem đồ cho bà nhiều nên bà phải vì đồ mới thương mình.

Phi Phụng lên tới Sài Gòn, kêu xe kéo đi thẳng tới nhà ông Phán Kim. Bà Phán đi chơi không có ở nhà. Ông Phán mừng rở hỏi thăm lăng xăng, Phi Phụng thuật hết mọi việc nhà cho ông nghe, thuật tới đâu khóc tới đó, song có một việc cô luôn giấu kín không nói ra, rồi việc Thủ Hiệp hứa hôn rồi bội ước.

Ông Phán kiếm lời khuyên dỗ cô. Ông lại nói khi nghe hông Huyện Hàm từ trần rồi thì có một người con riêng xuống kiện tranh gia tài, song ông không dè tòa xử phải giao hết sự nghiệp cho người con ấy và cũng không hay bà Huyện Hàm mất.

Bà Phán đi chơi về thấy mặt Phi Phụng bà cũng mừng rỡ, hối người nhà đi mua thêm đồ ăn đặng con cơm cho Phi Phụng ăn. Chừng bà nghe ông Phán thuật lại việc bà Huyện Hàm cũng đã mất rồi và Tú Cẩm là con riêng của ông giụt hết sự nghiệp thì bà đứng chưng hửng một hồi rồi ngó Phi Phụng hỏi:

-          Vậy bây giờ cháu tính sao đây? Nghe nói ông Huyện có một đời vợ trước, song không nghe nói có con sao bây giờ con ở đâu lại tranh gia tài đó? Cháu phải mướn trạng sư họ cãi lẽ, chớ để sự nghiệp hết cho chúng ăn hay sao?

-          Thưa bác, cháu đã mướn thầy kiện tốn hết mấy ngàn đồng, chống án lên tòa trên cũng thất. Bây giờ có kiện gì nữa được.

-          Cha chả, thiệt là oan ức quá! Sự nghiệp của ông Huyện tính hết thảy bao nhiêu?

-          Ruộng đất góp huê lợi mỗi năm tính hơn năm mươi tám ngàn giạ.

-          Úy! Cha chả! Nhiều quá mà! Vậy chớ tòa biểu giao hết hay sao?

-          Dạ phải, trong án tòa dạy phải giao hết cho tiên cáo, song tiên cáo phải nuôi mẹ con cháu, như không nuôi thì mỗi tháng phải đóng tiền cơm 100 đồng.

-          Vậy mà từ hồi đó giờ nó có nuôi cháu hay đóng tiền cơm gì hay không?

-          Thưa, ảnh biểu cháu về nhà ở nhưng cháu không chịu, còn sự nghiệp của cha cháu thì ảnh đoạt hết, bây giờ cháu mặt mũi nào đi lãnh tiền cơm.

-          Ủa mỗi tháng 100 đồng chớ có ít ỏi gì đâu mà sao cháu bỏ.

-          Thưa, cháu không cần.

-          Vậy chớ bây giờ cháu tính làm sao?

-          Thưa, cháu lên đây tính cậy bác làm đơn xin dùm học bỗng đặng cháu vào trường học lại.

-          Gia tài sự nghiệp để cho chúng giựt hết, bây giờ còn đi học làm gì nữa.

-          Cháu tính học thêm đặng lấy bằng sơ học rồi cháu đi dạy học để nuôi thân.

-          Hứ, làm cô giáo lương bổng đôi ba chục chớ bao nhiêu đó mà cháu ham! Vậy để ta lãnh mỗi tháng một trăm đồng bạc đó không rồi xài không sướng sao?

-          Thưa, cháu nhứt định không thèm, thà là cháu đi làm cháu ăn, chớ lãnh bạc của họ xấu hổ lắm.

-          Tiền của ông Huyện để lại, chớ tiền của ai đó mà cháu xấu hổ.

-          Vậy mà cháu không thèm. Thà là cháu đi ở đợ cho người ta cháu cũng vui lòng hơn là lãnh bạc ấy.

 Ông Phán ngồi nghe bà Phán với Phi Phụng cãi lẽ với nhau thì ông thở dài chớ không nói chi hết. Qua bữa sau Phi Phụng cậy ông nữa ông mới làm đơn dùm cho Phi Phụng đứng xin học bổng. Quan trên trả lời nói muốn hưởng học bổng thì phải thi, lại hễ quá tuổi theo lề luật thì không thi được. Phi Phụng nghĩ mình đã gần hai mươi tuổi rồi chắc không thể thi đặng, mà bây giờ nếu không học nữa thì không biết làm nghề gì, nên cô tính vào trường xin đóng bạc mà học, cô còn mấy chục đồng bạc thì cô lấy đó mà đóng tiền trường, chừng hết rồi thì cô sẽ bán đôi bông tai thủy xoàn có lẽ cũng đủ tiền học được vài năm.

Thương thay! Cô vào trường xin học, bà cai trường nói rằng theo luật lệ mới buột học sanh trước khi nhập trường phải nạp khai sanh. Cô không có khai sanh đã mất gia tài và bây giờ lại còn không vào trường học được nữa, cô lấy làm tủi phận nên trở về nhà ông Phán lụy ứa đầm đìa.

Ông Phán thấy Phi Phụng gặp hoạn nạn mà vẫn giử một lòng chân chánh thì ông cảm thương, nên muốn dùm giúp cho Phi Phụng trở nên người tử tế, song không biết làm sao giúp đở. Cách ít ngày sau ông tính xuống Bạc Liêu kiếm Tú Cẩm để phân phải trái, rồi xin Tú Cẩm hoặc phải chia gia tài cho Phi Phụng một phần, hoặc phải giao cho Phi Phụng một số bạc lớn đặng cho cô lập nghiệp làm ăn, chớ gia tài là gia tài của ông Huyện Hàm Phan, còn Phi Phụng cũng thiệt là con gái của ông Huyện Hàm, không nên để cô linh đinh nghèo khổ, rủi như cô hư danh xử tiết thì Tú Cẩm cũng mang tiếng chớ không khỏi được.

Phi Phụng hay ông Phán tính như vậy thì cô cản, không chịu để cho ông đi Bạc Liêu, nên ổng cũng không dám làm bướng.

Bà Phán tối ngày cứ đi đánh bài hoài có khi tới ban đêm nữa. Bữa nào ăn thì mặt mày vui vẻ, ngặt mấy bữa thua bà quạ quọ rầy chồng, mắng tớ, đánh chó, chữi mèo, làm cho Phi Phụng buồn lòng tủi phận. Có khi cô nghĩ mình ở trong nhà ông Phán làm tốn cơm của vợ chồng ổng, chớ không lợi ích chi cho ổng, mà cũng không lợi chi cho mình, nên cô tính đi chỗ khác đặng kiếm thế làm ăn. Nhưng bây giờ biết đi đâu? Đời nầy quỷ quyệt, thân gái liễu yếu đào tơ ra đường nên ít mà hư nhiều mà lại ở trong nhà ông Phán mới vài tháng mà tám mươi đồng bạc đã tiêu hết phân nửa rồi còn bốn mươi đồng bạc thì buôn bán làm ăn gì được.

Đêm khuya lặng lẽ cô nằm nghĩ tới thân phận thì lụy ứa tràn trề, thương cha nhớ mẹ khi sanh tiền vì thương con nên làm ăn cực nhọc tính để của lại cho con, chẳng dè của ấy là cái họa sau nầy, con đã chẳng ăn được, lại còn đeo thêm sầu thảm. Đến nông nỗi nầy cô mới nghĩ lại nếu cha mẹ cô không có của thì tú tài Thủ Hiệp không cầu hôn kết nghĩa, mà nếu không có duyên nợ ấy là dầu nghèo nàn, cô cũng không đau đớn như vầy. Tuy nhớ tới Thủ Hiệp bạc tình thì cô giận, song giận một hồi, lòng xưa khoan khoái làm cô hết giận mà lại thương, thiệt cô không hiểu cô còn thương Thủ Hiệp nổi gì, theo những người thông tâm lý về ái tình ai cũng biết cô còn thương Thủ Hiệp ấy là tự nhiên nên chẳng lấy làm chi lạ.

Cô nghe nói ở đường Lagrandiere có một trường học tư dạy con gái, cô đến xin phụ dạy, trước lấy tiền lương để trả tiền cơm cho vợ chồng ông Phán sau có chuyện làm cho khuây khỏa tâm sầu. Bà cai trường thấy tướng mạo cô yểu điệu, lời nói cô ngon ngọt thì ý muốn mướn cô dạy phụ, song chừng hay cô không có bằng sơ học thì bà lắc đầu nói:

-          Không được, theo luật lệ buộc nếu không có bằng sơ học thì không phép dạy học. Vậy em phải rán thi đặng lấy bằng sơ học đi, rồi qua sẽ cho vào mà dạy.

Rán sao cho đặng! Phi Phụng trở về buồn nữa, nên than thở với bà Phán coi có chỗ nào hoặc mướn may vá hoặc mướn dạy riêng trẻ nhỏ xin bà chỉ giùm, đặng cô có chỗ làm ăn cho bà đở tốn. Bà Phán hồi trước thiệt thương cô như mẹ thương con, song bà thấy cô ở trong nhà đã lâu ngày, nhứt là mấy tháng nay bà thua luôn luôn nên thiếu thốn chút đỉnh, và rồi tình thương của bà phai lợt dần dần, tuy bà không đuổi song có ý trông cô đi phứt cho rồi, vì nuôi cô tốn hao, chớ không ích chi đó. Ông Phán nghe nói cô tính đi may thuê, dạy mướn thì ông động lòng, nhưng vì ông không giàu có chi, lại quyền hành trong nhà ông đã giao hết cho bà, nên ông muốn cản song không dám nói ra.

Chợ Đuổi gần nhà ga xe lửa, có một cái nhà ngói ba căn, ngoài sân cảnh vật tươi tốt, trong nhà tủ bàn rực rở, ai đi ngang cũng khen bà dọn vén khéo. Nhà ấy là nhà của đốc Phủ Nguyễn Phong, người tỉnh Cần Thơ muời mấy năm nay tuổi ngài đã quá lục tuần nên được hồi hưu dưởng lão.

Bà lại có oai, nên khi bà giận tôi tớ trong nhà hễ bà liếc mắt thì đứa nào đứa đó kinh hồn khiếp vía. Tuy vậy, bà cưng con không ai bì kịp, con trong nhà chẳng hề khi nào bà rầy la, chúng nó muốn vật gì bà cũng mua, chúng nó hư mấy bà cũng khỏa lấp.

Vợ chống quan đốc phủ không có con trai, chỉ có hai đứa con gái mà thôi, con lớn tên cô Hai Nguyệt đã 23, còn con nhỏ tên cô Ba Huế tuổi đã 20, cả hai nàng đều mập mạp, da đen mặt thịt, trán thấp môi chì, cô lớn lại hô duyên, còn cô nhỏ lại miệng nhọn. Quan Đốc phủ có ruộng tại kinh Xà No, mỗi năm thâu huê lợi chừng 10 ngàn giạ, nên khi được giấy hồi hưu ngài muốn cất nhà ngay tại Cần Thơ đặng tiện góp lúa. Bà lớn không thuận ý, bà nói hai con tuổi đã lớn mà chưa có đôi bạn, Cần Thơ là xứ quê mùa có trai nào xứng đáng đâu cho bà gả con, nên bà khuyên quan lớn về ở Sài Gòn là chỗ quy tụ nhân tài, đặng có thể kén rể hiền cho con trao thân gởi phận. Quan đốc phủ có tánh hay chiều lòng bà, lại bà khuyên đây nghe đủ lý, nên ngài mới kiếm mua một miếng đất tại Chợ Đũi rồi cất nhà để ở. Tuy cửa nhà vén khéo mặc dầu, song ngài ít hay ở nhà, ngài về ruộng lâu lâu lên thăm vợ con một lần, ở chơi chừng nửa tháng rồi đi nữa. Bà lớn có bụng nghi cho quan lớn có tiểu thiếp ở trong ruộng, thường khi bà muốn đi xuống thình lình để bắt, song bà lại có tánh ham câu tôm[6], lại bị hai đứa con ràng buột, nên tính hoài cũng chưa đi được.

Bữa nọ bà Phán Kim đi theo chị em bạn đến nhà bà đốc phủ đánh bài tứ sắc. Bà Phán Kim thấy cô Hai Nguyệt và cô Ba Huê mới hỏi thăm tên tuổi rồi lại hỏi coi đôi bạn hay chưa. Bà lớn tưởng bà Phán muốn làm mai nên trong bụng mừng thầm, bèn nói:

-          Hai đứa nhỏ tôi cũng trọng tuổi rồi; họ đi coi lăng xăng, mà trai đời nầy nhiều cậu chơi bời quá, tôi sợ gả lầm nên tôi còn dục dăc chưa hứa nơi nào. Chị coi có chỗ nào thiệt thà tử tế, có người quen biết như chị vậy đứng làm mai tôi mới chắc ý.

Bà Phán không có ý làm mai, mà thiệt bà cũng không quen với thầy nào tính cưới vợ, bởi vậy bà lặng thinh một hồi rồi nói rằng:

-          Tôi cũng có một đứa cháu gái, con của ông Huyện Hàm ở dưới Bạc Liêu, cha mẹ nó chết hết, nó bơ vơ nên lên tôi nương dựa mấy tháng. Con cháu tôi nó chữ nghĩa giỏi, mà thêu thùa cũng khéo. Tôi muốn kiếm chỗ nào đặng nó may vá hoặc dạy học song hổm nay không biết chỗ nào mà cho nó ở.

Bà lớn tuy thất vọng về sự gả con, song bà nghe tới sự chữ nghĩa giỏi thêu thùa khéo, bà lại nhớ hai đứa con ở nhà bà biết may chớ không biết thêu, lại chữ quốc ngữ thì giỏi chớ chữ Tây không đọc được, bà muốn mướn người dạy hai cô thêu thùa giày áo và dạy học cho được thông chữ Tây. Hai bà nói chuyện với nhau, bà lớn thì muốn cho con thạo nử công gia chánh, bà Phán thì muốn Phi Phụng đi ở chỗ khác cho khỏi tốn cơm nữa, nên hai đàng hiệp ý rồi định ngày sau Phi Phụng đến ở mà dạy con bà lớn, ăn cơm ở tại nhà bà, mỗi tháng bà trả thêm tiền công mười đồng bạc.

Bà Phán về nói lại, Phi Phụng sắc mặt vui mừng; tuy là đi ở mướn ở thuê, song ở nhà quan đốc phủ là nhà trâm anh[7], nghĩ cũng chẳng xấu hổ gì. Tuy vậy, Phi Phụng sợ xấu hổ cha mẹ nơi cửu tuyền, nên xin bà Phán giấu dùm, đừng cho bà lớn đốc biết mình là con ai.

Phi Phụng lại nghĩ thân phận mình đi ở mướn, chẳng ăn ngồi với ai mà mang giày nhung, bận áo tốt, nên sáng hôm sau cô cởi đôi bông hột xoàn đeo bỏ túi, đeo đôi tai chuổi, mặc áo xuyến, quần lãnh nhục nhục[8], chân mang guốc quai da,  quần áo màu cùng đồ tang chế cô xếp bỏ vào giỏ sách rồi kêu xe kéo đặng đi với bà Phán lên nhà bà đốc phủ.

Cô lại thưa với ông Phán để đi, thì ông Phán day mặt chỗ khác mà gật đầu nhưng ông ứa nước mắt. Cô trong lòng cũng nát ruột bầm gan, song cô nghĩ cái nhục đi ở mướn là cái nhục thuộc bề ngoài, chẳng hề phạm đến danh tiết cô được, nên cô làm gượng bước lên xe ngồi gọn gàng, chẳng do dự chút nào hết.



[1] thung đường huyên đường: cha mẹ

[2] lững đững lờ đờ

[3] chàm ngoàm, thức ăn nằm nửa trong nửa ngoài

[4] người Khmer

[5] bình: bèo, thủy: nước, duyên bèo nước, ý nói mối duyên đẹp

[6] một loại đánh bài

[7] cây trâm và dải mão, xưa người đậu tiến sĩ mới được đội mão cài trâm, trâm anh chỉ sự  quyền quí

[8] hơi cũ


| trang đầu |đầu trang | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16