XII
Mưa dầm mấy bữa, đường sá ướt át, cây cỏ loi ngoi.
Sớm mai nầy mặt trời mọc lên bủa nắng sáng loà, làm cho khúc đường từ chợ ra vàm Ô Môn, cảnh vật đều có vẻ tươi cười vui vẻ. Trên đầu, nhành cây long lanh phơi lá, bộ mát mẻ lại sởn sơ. Ở dưới sông nước chảy vô, giọt lờ đờ mà không dứt. Ngoài đường người qua lại dập dìu, trong sân gà kiếm ăn sẩn bẩn.
Ông Quyền trước kia làm hội đồng địa hạt rồi ông thăng chức cai tổng đã mười mấy năm nay, vì tánh ông ngay thẳng công bình nên trong tổng từ hương chức cho tới bình dân thảy đều kính trọng. Năm nay tuy ông đã trộng tuổi, song sức lực vẫn còn mạnh khoẻ, thái độ cũng còn cứng cỏi như trước hoài. Sớm mai nầy ông uống nước trà rồi ông đi ra sân thăm mấy chậu kiểng cưng của ông coi mưa mấy bữa rày mà cây có oi nước hay không. Ông đương xới đất trong một chậu kim quít, thình lình ông nghe có tiếng giày bước vô sân, ông day lại thấy bà Cả Kim, ông chưng hửng, liền hỏi:
- Chị ra sớm dữ ! Chị đi xuồng hay là đi bộ ?
- Đi bộ. Sớm mai trời mát thủng thẳng đi chơi.
- Hôm nào đây nghe nói chị đi Sài Gòn, chị về bao giờ vậy ?
- Ừ, tôi đi hôm mùng hai. Tôi có đi một bữa, đi sớm mơi rồi tối về liền.
- Mời chị vô nhà uống nước.
Bà Cả Kim đi vô trước, ông cai tổng Quyền theo sau, vừa đi vừa phủi đất dính tay.
Bà Cả vừa bước lên thềm, có bà cai tổng chực sẵn chào, và mời vô nhà kêu trẻ ở dạy lấy trầu chế nước lăng xăng.
Hai bà ngồi lại bộ ván phía trong, ông cai tổng lại cái bàn rửa mặt gần đó đứng rửa tay.
Bà cai tổng mời chị uống nước và hỏi:
- Hồi hôm nghe bầy trẻ ở nhà đây nó nói con của con hai đau nhiều lắm, phải vậy hay không chị.
- Phải. Nó đau nhiều.
- Đau sao đó.
- Đi Sài Gòn về dọc đường mắc mưa một đám lớn lại dài quá, làm thằng nọ phát nóng lạnh. Mấy bữa rày nó mê man, nóng luôn luôn, nóng tới nói xàm nữa.
- Vợ chồng con Hai rước thầy thuốc nào cho nó uống thuốc đó ?
- Rước ông thầy thuốc trong nhà thương Ô Môn, mỗi ngày ổng ra hai lần đặng tiêm thuốc cho nó. Không biết tại sao thằng nọ còn nóng hoài nhứt là nó nói xàm, có bữa nó bứt áo bứt quần, chạy cùng nhà thấy sợ hết sức.
Ông cai tổng nói :
- Chắc nó đau ban bạch chớ gì. Đau ban bạch nó nóng hung lắm, nóng tới mê sảng. Phải chạy thuốc cho hẳn hòi mới được.
- Hai vợ chồng con Phụng tính đợi bữa nay coi như bịnh không giảm thì mai nó sẽ xuống Cần Thơ rước thầy thuốc Tây lên coi mạch thử coi.
- Ông thầy thuốc của mình đây cũng giỏi, cần gì phải rước ai nữa làm chi. Ví dụ như mạng nó phải chết, dầu rước tiên đi nữa cũng không cứu được. Còn như mạng nó không chết, thì thầy thuốc nào cũng cứu được hết, lộn xộn làm chi.
- Thây nó, nó muốn như vậy thì để cho nó chạy thuốc cho hết lòng với con nó.
- Mấy năm nay tôi mắc lo việc quan, tôi ít hay ghé trong nhà. Nghe nói thằng Nhơn thi đậu Tú tài rồi mà.
- Đậu rồi.
- Còn bữa hổm chị đi Sài Gòn chi vậy ? Đi mua đồ hay là đi coi việc chi ?
- Cha chả! Chuyện đó lộn xộn lắm! Bữa nay tôi ra đây là ra đặng nói cho cậu nó hay.
- Chuyện gì mà lộn xộn ?
- Tôi tìm ra được con của thằng Thạch rồi.
- Hả ? Ở đâu mà chị tìm được ?
- Ở trên Sài Gòn, mà khỏi Sài Gòn một chút, chỗ đó kêu là Phú Nhuận.
- Ai nói cho chị biết mà chị tìm ?
- Việc tình cờ, chớ có ai nói đâu.
- Nếu chị gặp tình cờ thì làm sao chị dám chắc là con của thằng Thạch.
- Để tôi thuật đầu đuôi cho cậu mợ nó nghe. Hôm thằng Nhơn thi đậu rồi nó về nó nói cô Thanh Nguyên, 18 tuổi, con của một ông giáo sư trên Sài Gòn, học giỏi lắm, học một lớp với nó và cũng thi đậu tú tài một lượt với nó. Nó thương con đó lắm, mà con nọ cũng thương nó nữa. Nó đòi mẹ nó phải lên coi rồi cưới cho nó. Thằng cha nó không chịu cưới con gái Sài Gòn nhứt là con gái học giỏi, mình cưới về dưới nầy rồi nó có biết làm công việc gì đâu mà cưới. Thằng Nhơn làm giận làm hờn, bỏ ăn, bỏ ngủ, đòi tự vận. Kế con nọ gởi thơ cho nó và nói nhứt định không lấy chồng. Thằng Nhơn càng thêm buồn rầu, cứ nói đến cưới không được con nọ thì nó chết. Tôi thấy vậy tôi mới biểu mướn xe rồi nó dắt tôi và mẹ nó lên coi con Thanh Nguyên đó ra thể nào mà nó muốn dữ vậy. Té ra lên tới đó, thiệt con nọ nói quả quyết nó không chịu lấy chồng, nói rồi nó bỏ đi chơi. Ông giáo sư là cha của nó đó tên là Tự Cường, ổng hỏi thăm rồi ổng mới hay tôi là mẹ của thằng Thạch. Ông mới nói thiệt cho tôi biết con Thanh Nguyên đó là con của thằng Thạch, nhờ vậy nên tôi tìm mới tìm ra đó chớ.
Ông cai tổng ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi :
- Té ra ông giáo sư đó là cha nuôi của con nọ?
- Phải, ổng chịu thiệt ổng là cha nuôi, ổng nuôi con nọ từ hồi thằng Thạch chết cho tới bây giờ đó.
- Ổng tên Tự Cường?
- Phải.
- Bây giờ tôi nhớ rồi. Hồi thằng Thạch chết, tôi lên Sài Gòn hỏi thăm thì ông giáo sư Tự Cường nầy thuật công chuyện cho tôi nghe đây chớ ai. Vậy mà tôi hỏi đứa con thằng Thạch thì ổng giấu tôi, ổng nói ổng không biết. Chị giỏi quá, từ hồi đó tới bây giờ chị không đi đâu hết mà chị lại gặp con nhỏ trước tôi, còn tôi cứ hỏi đầu nầy tìm đầu nọ hoài lại không gặp. Chị tìm ra cháu nội rồi bây giờ chị tính sao đây ?
- Tôi tính rước nó về tôi nuôi chớ tính sao.
- Ông Tự Cường chịu cho hay không?
- Tôi chưa có nói với ổng. Hôm nọ mẹ thằng Nhơn nói bậy bạ làm ổng phiền, tôi thấy vậy tôi về, nên chưa nói kịp. Tôi tính cậy cậu nó đi với tôi lên trển nói đặng đem con nhỏ về. Cậu nó lên coi con nhỏ nói chuyện cái miệng giống cha nó hết sức, giống sao tới cái trán tới cái tướng đi cũng giống nữa. Con nhỏ dễ thương lắm, ngặt nó học chữ tây giỏi nên nó nói chuyện ồ ào dạn dĩ chớ không phải nhỏ nhoi như con gái thường.
- Ông Tự Cường nuôi nó, ông cho ăn học thi đậu đến bực Tú tài, thế thì ổng thương nó lung lắm. Tôi sợ bây giờ chị nói bắt con nhỏ ổng không chịu chớ.
- Tôi chắc ổng chịu, bởi vì nếu ổng không muốn cho tôi nhìn cháu nội tôi, thì ổng nói thiệt gốc tích của con nhỏ cho tôi biết làm chi. Tại ổng nói ra trước, chớ nếu ổng giấu luôn thì tôi làm sao biết được.
- Chị nói phải. Chắc là ý ổng muốn cho chị nhìn cháu nội nên ổng mới nói ra. Cha chả, mà bề của chị tôi coi khó lắm, chị đem con nhỏ về chị nuôi tôi thấy có nhiều chỗ bất tiện.
- Sao mà bất tiện?
- Chị nói thằng Nhơn nó muốn con nọ. Vậy chị đem nó ở chung một nhà sao được.
- Hồi trước nó không biết cho nên nó muốn chớ bây giờ nó với con nọ là anh em nhà cô nhà cậu còn muốn nỗi gì. Nhưng con nọ không chịu, thì có sao đâu mà mình sợ.
- Con nít hễ nó muốn thì khó cản lắm, nó không kể gì hết, như nó muốn và con nọ chịu thì loạn luân, không tốt. Còn như nó muốn mà con nọ chống cự không thèm nó thì sanh oán cũng không tốt. Song việc đó cũng chưa khó mấy. Còn một điều đáng lo sợ nhứt là cái óc của vợ chồng con Phụng. Bữa nay tôi xin nói thiệt cho chị biết. Từ ngày thằng Thạch chết rồi, tôi ít tới nhà chị là vì tôi ghét vợ chồng con Phụng đó. Quân đó bề ngoài làm bộ thiệt thà lễ nghĩa, song trong lòng nó tham lam độc ác nhỏ mọn khốn nạn lắm. Tại chúng nó chị mới đánh đuổi vợ chồng thằng Thạch, tại chúng nó, mà vợ chồng thằng Thạch phải chết hết, và cũng tại chúng nó nên chị mất cháu nội của chị mười mấy năm nay đó. Chị có biết tại sao quân đó làm như vậy hay không? Chúng nó muốn ăn trọn gia tài của chị. Tại bụng tham đó nên làm cho thằng Thạch chết đi rồi sau lại làm cho con nó phiêu bạt biệt tích nữa. Tôi nói cho chị biết, nếu chị đem con thằng Thạch về, mà chị còn để vợ chồng con Phụng ở chung một nhà, thì một lẽ ấy vợ chồng con Phụng tra thuốc độc cho con nhỏ chết, hoặc một lẽ nữa chúng là chúng nó dụ dỗ cho con nhỏ đánh ụp với thằng Nhơn đặng ăn cho trọn gói. Vì chị cưng con Phụng quá, nên chị không thấy rõ hết. Tôi nói thiệt, nếu chị còn để vợ chồng con Phụng ở trong nhà thì tôi ngăn cản, tôi không cho con của thằng Thạch về đó, và chừng chị nhắm mắt theo ông theo bà tôi sẽ làm trưởng tộc, tôi cầm đầu cho con thằng Thạch đuổi vợ chồng con Phụng liền.
Bà Cả ngồi khóc, bà không cãi một tiếng chi hết. Bà khóc một hồi bà mới nói: "Tôi nghĩ lời cậu nói đó có lý lắm. Bây giờ tôi mới nhớ lại hồi thằng Thạch đem vợ nó về, tuy vợ chồng con Phụng không nói tiếng gì, song nó châm chích làm cho tôi giận thêm, nên tôi mới đánh đuổi đi. Sau thằng Thạch gần chết, nó gởi thơ về để nói chuyện con của nó, vợ chồng con Phụng lại giấu thơ nên thằng Thạch chết tôi không thấy mặt và con nó lại phiêu bạt nữa. Mới bữa hổm đây, tôi nghe ông Tự Cường nói con Thanh Nguyên là con của thằng Thạch. Tôi mừng quá tôi tính nhìn cháu thì con Phụng kiếm chuyện bắt bẻ không chịu cho nhìn rồi ép tôi về liền, không kịp thăm mồ mả của vợ chồng thằng Thạch".
Ông cai tổng trợn mắt nói:
- À, bây giờ chị mới thấy rõ ràng rồi há!
- Mà tôi nghĩ cũng tại tôi hết thảy, tại tôi thương con Phụng nên mới ra cớ đỗi như vậy đó. Thôi, để tôi giao sở đất trong Định Môn cho vợ chồng nó, tôi cất một cái nhà ở trỏng cho vợ chồng và con nó ở còn nhà ngoài nầy tôi ở với cháu nội tôi. Tôi làm như vậy cậu nó nghĩ thử coi được hôn?
- Được, làm như vậy thì được.
- Cha chả, mà không biết nó chịu hay không?
- Ai không chịu?
- Con Phụng chớ ai.
- Không chịu sao được. Nó là con, chị muốn thế nào nó phải theo thế nấy, chớ nó cãi sao được. Tôi làm Cai tổng đây, nếu nó chống cự chị làm đơn thưa với tôi, thử coi tôi biết trị nó đặng hay không. Chị làm cha mẹ mà chị nói yếu ớt quá. Sao hồi chuyện thằng Thạch chị cứng cỏi dữ vậy? Bây giờ việc đáng cứng lắm, chị phải cứng chớ.
- Tôi xin cậu nó phải giúp sức cho tôi đặng tôi sắp đặt việc nhà lại mới được.
- Tôi sẵn lòng giúp chị mà thưởng con cháu đáng thương, và phạt con cháu đáng ghét. Chị làm đi có tôi đây.
- Bây giờ thằng Nhơn đau, vợ chồng con Phụng đang bối rối, vậy để ít ngày thằng Nhơn mạnh rồi tôi sẽ lo cất nhà ở trong Định Môn cho tụi nó ở. Còn con Thanh Nguyên tôi thấy mặt nó có một chút mà sao hổm nay về nhà tôi thương nhớ hoài. Tôi muốn cậy cậu làm ơn đi giùm với tôi lên trển đặng nói mà nhìn phứt nó, thủng thẳng sau mình lo xong việc nhà rồi mình sẽ rước nó về.
- Tôi sẵn lòng đi lắm. Tôi có sẵn xe nhà đó, chị muốn đi bữa nào tôi đi cho.
- Cậu nó định coi bữa nào rảnh thì đi, muốn bữa nào cũng được.
- Mai thứ bảy… mốt chúa nhựt chắc ông Tự Cường rảnh… Thôi xế mai đi lên Sài Gòn nghỉ một đêm cho khoẻ, rồi sáng mốt mình sẽ lên Phú Nhuận đặng nói chuyện, chị nghĩ coi được không?
- Được.
- Thôi trưa mai chị sửa soạn đồ cho sẵn, rồi chừng hai giờ chiều tôi đem xe vô tôi rước đi.
Bà Cả ở chơi, ăn cơm sớm mai rồi ông cai tổng mới cho xe hơi đưa bà về.
Trưa bữa sau đúng hai giờ, ông cai tổng ngồi xe vô đậu trước cửa. Ông biểu sớp-phơ vô mời bà Cả ra đi, chớ ông không ghé nhà. Chừng bà Cả lên xe, ông mới hỏi:
- Thằng Nhơn bữa nay bớt hôn?
- Cha chả, bữa nay sao nó lại nói xàm còn hơn nữa, bộ như cuồng tâm. Cha nó tính để chiều mát đi rước ông thầy thuốc tây ở Cần Thơ đặng ổng coi mạch thử xem.
- Tôi sợ ban nhập lý chớ gì.
- Không hiểu đau bịnh gì, mà bộ nó coi như người điên vậy.
Xe hơi rút chạy.