>

Chương một
Chương hai
Chương ba
Toàn bộ với dạng PDF

Thầy Chung trúng số

Chuyện trái đời

Thầy Chung trúng số

Hồ Biểu Chánh

Năm 1944, đầu tháng 5, trời tối một lát thì có tiếng còi báo động thổi rang tất cả vùng Sài-Gòn, Chợ-Lớn, Gia-Định. Tuân theo luật phòng-thủ thụ-động, ai cũng lo đóng cửa tắt đèn đặng xuống hầm.

Tiếng còi dứt rồi thì quang cảnh im-lìm, châu thành vắng hoe chẳng khác nào bãi sa-mạc.

Cách chẳng bao lâu, mấy đoàn phi-cơ tiếp nhau bay ù-ù trên không-phận Sài-Gòn thả bom xuống nổ tưng-bừng từ Xóm-Chiếu qua phía chợ Bến-Thành làm cho nhơn-dân đều kinh hồn khiếp vía.

Đến sáng người ta đồn vang có nhiều nhà tang hoang, có nhiều người vong mạng. Tôi tò-mò đi xem. Ôi thôi ! Tôi rất đau đớn mà nhận thấy tai-nạn chiến-tranh tàn khốc của thiên-hạ gây ra cho lương-dân Việt-Nam phải gánh chịu.

Vừa đau lòng, vừa tức trí, tôi thả bước đi cho giải khuây, không cần tính đi đâu. Tình-cờ vô tới khúc đường Frère Louis, tôi chợt thấy một dãy phố cũ-kỹ, thấp thỏi, tôi dừng bước và ngó vào. Đây là chỗ tôi ở một thời gian, cách 34 năm về trước.

Những kỷ-niệm xưa phát hiệt rõ-ràng trước mắt tôi. Dãy phố 10 căn tuy cũ song vẫn còn nguyên như xưa. Căn bìa đây là căn nhà của bà Phán Lý ở. Bà là một sương phụ tuổi lối 50, bà ở với cô Thiên-Hương, con gái của bà chừng 20 tuổi, tuấn-tú dung-nhan, đoan-trang hạnh-kiểm. Bà Phán Lý luôn luôn mặc y-phục trắng bằng lụa trắng. Bà ít khi ra đường, lại cũng ít tới nhà ai mà chơi. Còn cô Thiên-Hương thì ngày như đêm cô cứ cậm-cụi thêu khăn lụa và thêu mặt giày để gởi cho mấy tiệm bán.

Căn kế đó là căn của thầy Chung ở. Thầy trẻ tuổi, đẹp trai, học đã có bằng Thành-chung mà chưa có vợ, lại mồ-côi cha mẹ, cũng không có anh em. Thầy ở đây một mình, thầy làm việc trong một nhà in lớn ở đường Kinh-Lấp, lương mỗi tháng 25 đồng. Thầy nói thầy ăn cơm tháng tại quán dì hai ở đường hẻm d’Ormay, không ai biết dì tên chi, thấy dì mập-mạp nên gọi tên dì là „Dì Hai phì lủ“. Ăn cơm hai bữa, trưa được nghỉ trên lầu, phải trả cho dì mỗi tháng 10 đồng.

Căn kế nữa thì vợ chồng chú thợ Tư ở. Chú làm thợ mộc trong một nhà thuốc tây ngoài đường Catinat, chú chuyên đóng thùng để gởi thuốc xuống lục tỉnh.

Tôi ở căn khít với chú thợ Tư đây, ở gần hai năm êm ấm vô cùng.

Còn 6 căn kế thì thầy giáo, thầy ký, thầy thông thuộc các sở ở, ai cũng có vợ như tôi, có thầy lại được mụn con nhỏ ban đêm khóc chói-lói.

Hồi đó số lương của mấy thầy chỉ có vài ba chục, mỗi tháng phải trả tiền phố hết 5 đồng. May nhờ giá sanh-hoạt rẻ, lại cũng nhờ biết tiện-tặn. không coi hát bóng, không ngồi nhà hàng, nên ai cũng sống được.

Lần bước về nhà, những cảnh trông thấy hôm nay, với những tưởng nhớ ngày xưa cứ trạo-trực trong trí tôi hoài, làm cho tôi ngẩn-ngơ lơ-lửng.

Tối lại, ngoài sân nước mưa hè rỉ-rả không dứt. Trên án thắp đèn dầu phộng bủa yến sáng tuy không tỏ, song cũng đủ đọc sách viết văn được.

Ngồi bên bóng đèn leo-lét, tôi hồi tưởng đến mấy người quen năm xưa cùng tôi chung sống trong dãy phố đường Frère Louis. Tôi nhớ chuyện thầy Chung với mẹ con bà Phán Lý, tôi bắt tức cười. Tôi cười là vì ba người nầy mường-tượng như nhơn-vật trong chuyện „La Cure de Misère“ của nhà văn-hào Pháp là François Coppé.

Tôi liền lấy giấy ra viết chuyện thầy Chung, viết đặng quên thảm-họa của lương-dân vô tội mà bị sát hại rất đau, rất ức.

I.- Khi bần tiện

Năm ấy cũng như năm nay, lúc hết hạ qua thu, trời mưa dầm-dề, có bữa mưa luôn cả ngày cả đêm.

Hôm nay 29 tây, lại nhằm thứ 2, ở Sài-Gòn thầy thợ đi làm mà mặt mày buồn hiu, vì ngày nghỉ còn xa, lại bóp tiền đã nhẹ. Thế mà trời cứ mưa hoài, mưa xối-xả trọn một buổi chiều, đến 6 giờ, nhà in đóng cửa, thầy thợ ra về, mà mưa vẫn còn lâm-râm chưa chịu dứt hột.

Thầy Chung trong nhà in theo bạn bước ra lề đường, nơi cánh tay trái có móc một cây dù cán tre uốn cong vòng, bởi vì thuở ấy mấy thầy chưa biết dùng áo mưa, mà dầu có thầy nào biết dùng đi nữa, thì bị tiền bạc eo hẹp, nên không thể mua nổi.

Chung ngó đường Kinh-Lấp[1], thấy mặt đường ướt mem, ngó lên từng không, thấy bầu trời xám-xám. Chung châu mày dụ-dự dòm bộ đồ tây trắng, dòm đôi giày da láng rồi dường như quyết-định nên giương cây dù lên và mạnh-mẽ xông ra đi.

Vừa quẹo đường d’Ormay, có một đứa nhỏ, quần áo lang-thang, nách cặp một bó giấy, mặt ngó Chung trân-trân, miệng la vang rân: „Mua giấy dò số thầy. Năm xu một tờ, rẻ lắm. Số độc-đắc trúng 40 ngàn thầy.“

Chung nhớ hôm tháng trước mình có mua một tấn vé số phước-thiện để thử thời-vận nhưng không chắc gì trúng mà phải tốn thêm 5 xu, đợi mai kiếm mượn nhựt-trình mà dò cũng được, nghĩ như vậy nên làm lơ đi luôn, đi riết lại dì hai Phì-Lủ ăn cơm rồi về sớm mà hong áo quần, nhờ có dù che chắc khỏi ướt, son cũng phải ỷ.

Qua tới đường Catinat, Chung gặp hai bạn học hồi còn ở nhà trường, là Điểu với Lợi, đương ngồi uống rượu trước nhà hàng, hai người đều thấy Chung nhưng làm lơ không chào hỏi, có lẽ tại Điểu bây giờ xưng hiệu là Đằng-Vân, làm chủ bút nhựt-báo, còn Lợi có sẵn tủ bạc óc-nóc của cha, là Mái-Chín[2] Sen, không cần biết ai nữa, nên cả hai tự tôn tự mãn không thèm nhìn bạn cũ, không muốn nhớ tình xưa.

Chung sập dù vào quán dì Hai, trí chán-ngán, lòng nao-nao phiền thế tình, buồn số phận, rồi lại buồn trong túi còn 8 cắc bạc, đến chiều mai mới được lãnh lương, mà trời cứ mưa hoài, rồi đây phải về nhà, đi bộ thì chắc ướt áo quần, ngồi xe thì hao hết vài cắc. Trong quán đã có nhiều người đương ăn cơm, tiếng cười chen tiếng nói. Chung đi ngay lại cái bàn chỗ thường ngồi mỗi bữa, gật đầu chào dì Hai đứng dựa tủ tiền, móc cây dù ướt trên vách, rồi kéo ghế phủi bụi mà ngồi. Con Én dọn bàn, chắc nó mới bị chủ rầy nên sắc mặt buồn hịu, nó dọn-dẹp lăng-xăng, nhưng Chung biết lệ trong quán, mình phải đợi một người khách nữa đến, đặng hai người chung một mâm thì mới ăn được.

Chung lấy tay chống càm ngồi suy nghĩ, đương tính thầm coi phải làm sao mà ra khỏi đời sống lù-mù lũn-đũn, khổ nhục, cô-đơn nầy thì thầy Phước làm việc trong một hãng rượu sau nhà hát, cũng là người ăn cơm tháng ở đây, tánh vui, tuổi trọng, bước vô với bộ râu mép chỉ địa và bộ quần áo ka-ki[3] ỳ-òm, mà sắc mặt vẫn vui tươi, chào chủ quán, nắm tay Chung, lấy khăn mu-soa ra lau đầu, lau mặt, ngó khách trong quán mà cười, rồi ngồi trước mặt Chung mà nói: „Bữa nay trời mưa lạnh nên đói bụng. Én, dọn cơm cho mau em“.

Thầy Chung lơ-lửng, Phước hỏi: „Thầy chờ tôi lâu dữ hả. Xin lỗi, bị thầy Lũy níu lại nói chuyện cù-nhầy nên xuống trễ. Thầy mạnh hôn ? Trời mưa uống rượu ít xu cho ấm ? !!“

Chung lắc đầu.

Phước cười hịt hạt nói: „Hồi 5 giờ, tôi xuống kho chiết rượu, tôi ực một cốc rượu chát ngon, khỏe quá mà bây giờ bụng nghe lành-lạnh. Én, đong cho qua 5 xu rượu công-xy[4] nghe hôn em“

Con Én đem rượu cho thầy Phước, rồi bưng mâm cơm để trên bàn, Chung cầm đũa ăn liền, Phước còn ngâm-nga uống rượu.

Thình-lình Phước hỏi Chung: „Thầy muốn làm giàu hôn ?“ Chung cười mà không đáp. Ở bàn gần đó có một thầy nói lớn: „Ê mô-xừ Phước, tôi trúng số độc-đắc 40 ngàn rồi thầy hay chưa?“

Phước gật đầu lia-lịa mà đáp: „Hay, hay rồi. Tôi mừng cho thầy. Mai phải đãi anh em một tiệc đa”.

Phước tiếp nói với Chung: “Tôi hỏi thiệt, chớ không phải nói chơi đâu. Nếu thầy muốn làm giàu, thầy đưa tôi chừng 2 ngàn đồng, tôi làm trong vài năm thầy sẽ có tới 10 ngàn”.

Chung chúm-chím cười, trong túi chỉ có 8 cắc, làm sao mà đưa 2 ngàn đồng cho được. Phước ực hết ly rượu rồi cầm đũa ăn cơm mà nói: “Tức quá! có dịp làm giàu, nhưng vì mình không có sẵn vốn, nên tối ngày phải chăm-chú cạo giấy. Thầy nghĩ coi, ông chủ hãng tôi tử-tế lắm. Hồi xế ổng biểu mấy thầy ai có bạc đóng thế-chưn cho hãng một ngàn, thì ổng cho lấy rượu đem về bán, lấy thứ nào và lấy bao nhiêu cũng được. Nếu mình có chừng 2 ngàn, một ngàn để thế chưn, còn một ngàn mình mướn phố dọn tiêm, buôn bán ít năm thấy giàu lớn. Tôi biết rượu bán sĩ giá rẻ lắm.

“Mình bán lẻ một lời một. Lại tôi biết mấy hãng rượu bên Tây hết thảy. Mình lấy đỡ rượu của hãng tôi mà bán ít tháng kiếm vốn, rồi sau mình mua thẳng bên Tây mà bán, còn lời nhiều hơn nữa. Hồi chiều mấy thầy trong hãng nghe ông chủ hỏi thì nín khe hết, để một mình mái-chín[5] Sen xin đóng thế chưn 5 ngàn đặng lấy rượu bán. Mất cơ-hội tốt, thiệt là uổng!”.

Chung cứ cười, không nói chi hết, để cho Phước thong-thả giảng-giải cách khôn-khéo trong nghề bán rượu. Chung ăn rồi trước, uống nước và lấy dù mà đi về. Phước níu lại nói: “Khoan, đợi tôi một chút rồi tôi đi với. Để tôi ăn rồi, hai anh em mình qua chợ Cũ ăn trứng gà chưng, hoặc uống một tách cà-phê cho ấm rồi sẽ về. Bữa nay tôi bao mà. Tuy cuối tháng, song cũng còn uống cà-phê được chớ”. Chung lắc đầu đáp: “Cám ơn thầy. Xin để bữa khác. Bữa nay trời ướt át không vui. Tôi tính đi bộ mà về, đi cho mau tự-nhiên ấm không cần uống cà-phê”.

Chung ra đường, mưa đã dứt hột, Chung máng cây dù vào cánh tay, lầm-lũi đi về.

Vợ chồng anh thợ Tư đương ngồi chơi trên cái chõng tre trước hàng ba, thấy thầy Chung bước vô thì anh thợ nói: “Thầy Hai về trễ khỏi bị mưa. Tôi về hồi chiều mắc mưa loi-ngoi”.

Chung cười mà đáp: “Hồi nãy đi ăn cơm tôi cũng bị mưa vậy chớ, song mưa lâm-râm, nhờ có dù nên khỏi ướt”. Chung ngó qua nhà bà Phán, thấy một cánh cửa mở hé thì hỏi: “Bà Phán thường thức khuya, sao bữa nay khép cửa sớm dữ”.

Chị Tư đáp:

- Bà Phán bịnh.

- Bịnh sao đó?

- Bị trời mưa ướt-át nên bà nhức tay nhức chưn. Hồi chiều bà nhức nên bà rên dữ quá. Cô hai đánh dầu, nãy giờ bà mới nắm êm dược.

- Vậy để tôi qua thăm bà một chút. Bà con chòm-xóm, mình nghe đau không lẽ làm lơ.

Chung móc cây dù trên cửa rồi bước qua căn bà Phán, đứng ngoài gõ cửa cộp cộp.

Cô Thiên-Hương bước ra mở bét cánh cửa. Cô thấy Chung thì cô biến sắc, nhưng trên nét mặt hiền-từ của cô nảy một nụ cười hữu duyên và chói một cặp mắt thành thiệt. Chung cúi đầu thi lễ và nói: “Chào cô, tôi đi làm mới về, nghe nói bà Phán ể mình, nên lật đật qua thăm bà”.

Thiên-Hương đáp: “Cám ơn thầy, mời thầy vô”. Cô đứng nép một bên cho Chung vô. Nhờ ánh đèn tọa-đăng để trên bàn chói sáng, Chung thấy bà Phán mặc áo quần trắng tươi, đương nằm trên một bộ ván nhỏ có trải nệm gòn lại có cái mền nỉ đỏ xếp để ngang qua bụng, thì thầy bước lại cúi đầu chào và nói: “Thưa bà, nghe nói bà bữa nay khó ở, vậy mà đã khỏe hay chưa? Cháu mới về nên qua thăm bà”.

Bà Phán chỉ gật đầu chớ không cám ơn, dường như bà định phận-sự của thầy Chung là phải thăm bà, cũng như vợ chồng thợ Tư thăm hồi chiều vậy. Bà thủng-thẳng đưa tay chỉ cái ghế biểu Chung ngồi và chậm-rãi nói: “Tôi không có bịnh chi lạ, chỉ có bịnh nhức mỏi thuở nay. Tôi mang chứng bịnh ấy từ ngày tôi sanh con Thiên-Hương. Hồi ông Phán tôi còn sanh tiền, ổng ép tôi phải đi đốc-tơ, tiền thầy tiền thuốc mỗi năm tốn năm bảy trăm đồng. Chớ chi tốn tiền mà hết bịnh thì tôi cũng chịu. Ngặt uống thuốc mười mấy năm trường, uống đủ thầy hết mà bịnh vẫn trơ-trơ. Lúc sau nầy tôi ghét tôi không thèm uống nữa, tôi mua dầu chổi, dầu dạo, rồi biểu con Thiên-Hương nó đánh cho tôi cũng xong. Bịnh nhức mỏi nó kỵ trời ướt át. Hổm nay mưa dầm-dề, phần thì nhà cũ lại thấp, gạch trơn nước ỹ-òm, tại vậy nên bịnh mới phát lại.

Từ năm ngoái tôi đã tính mướn một căn phố lầu mà ở cho cao-ráo sạch-sẽ. Con Thiên-Hương nó cứ cãi tôi, nó nói ở đây thanh-tịnh, đi ở chỗ khác rầy-rà sợ tôi nghỉ không được. Thiên-Hương, con đừng có cãi má nữa. Sáng mai kiếm mướn một căn phố lầu đi, mà phố lầu cũng phải lựa phố mới chớ đừng mướn phố cũ, nghe hôn con”.

Thiên-Hương ngồi bên đèn mà thêu mặt giày, cô nghe dặn thì cô dạ, cô dạ nhưng cô ngước mắt ngó mẹ rồi ngó Chung, cặp mắt lộ vẻ ưu-phiền lo-ngại, làm cho Chung hiểu cô bối-rối trong tâm-trí nhiều.

Chung ở gần bà Phán hơn năm nay rồi, thầy dư thấy bà không có huê-lợi chi hết, chỉ nhờ công-lao của cô Thiên-Hương, mẹ con mới sống được.

Tiền nhà, tiền chợ, cơm gạo, áo quần, thảy đều do cái bàn tay thêu với cái máy may ngày đêm chuyển động dưới mười ngón tay dịu nhỉu của Thiên-Hương mà sản-xuất, trong lúc bà Phán nằm êm trên nệm trắng hay dựa ngửa trên gối bông, xâm-xoi móng tay, vỗ-về bàn cẳng, rồi hút thuốc điếu, xức dầu măn[6]. Nếu phải dọn ở phố lầu, tiền mướn mỗi tháng đến mấy chục đồng bạc, thì chắc cô Thiên-Hương phải ngồi tối ngày, phải thức sáng đêm, khòm lưng trõm[7] mắt. Chung nghĩ như vậy thì tội nghiệp cho cô Thiên-Hương nên nói với bà Phán:

- Thưa bà, ở phố lầu thì cao-ráo sạch-sẽ thiệt, nhưng tiền mướn mắc quá, bằng năm bằng bảy phố nầy.

- Mắc hay rẻ có nghĩa gì? Ở phố rẻ rồi tốn tiền thuốc, thì cũng như mắc. Ăn ở cần phải hạp vệ-sinh. Ông Phán tôi hồi sanh-tiền ổng trọng vệ-sinh lung lắm, bởi vậy ổng ở phố ba bốn chục một tháng, không bao giờ ổng chịu ở phố rẻ. Ăn uống cũng vậy, ổng không chịu ăn cực, ổng nói phải ăn thức mắc tiền mới có chất bổ giúp cho mình sống lâu.

Chung muốn đáp tại ông Phán cần giữ vệ-sinh quá nên ông chết sớm, nhưng sợ cãi rồi mích lòng, bởi vậy thầy chúm-chím cười rồi đứng dậy nói: “Thưa bà, được thấy bà khỏe-khoắn, nói chuyện vui vẻ thiệt cháu rất mừng. Thôi cháu xin phép về để bà nghỉ. Cháu kính chào bà và chúc bà khỏe mạnh”.

Bà Phán gật đầu, chớ không chịu cám ơn.

Chung cúi đầu chào bà rồi chào luôn cô Thiên-Hương và lui bước lại cửa. Cô Thiên-Hương đứng dậy đi theo Chung đặng khép cửa. Chung bước ra ngoài rồi day lại chào cô Thiên-Hương một lần nữa, hai người nhìn nhau, tuy không nói một tiếng chi hết, song Thiên-Hương hiểu Chung thương xót tấm thân cực-nhọc của cô, mà Chung cũng hiểu Thiên-Hương yêu cầu chứng-nhận giùm lòng thảo của cô tận-tụy cùng mẹ già nhà khó.

Chung trở về nhà mở cửa đốt đèn, rồi thay bộ đồ tây mà hong cho khô đặng sáng mai bận nữa. Một mình hiu-quạnh, Chung đi bách bộ trong nhà, óc trống trơn, lòng lơ-lửng. Một lát Chung nghe bên vách ván có tiếng Thiên-Hương nói: “Để con thoa dầu cho má”. Rồi một lát lại nghe: “Má muốn uống sữa hay chưa? Con đi nấu nước nóng đặng khuấy sữa cho má uống rồi má ngủ”.

Tiếng Thiên-Hương trong ngần lại ngọt sớt, làm cho Chung cảm súc bồi-hồi nhứt là mấy tiếng “má” khêu gợi trí Chung nhớ lại khoảng đời thơ-ấu của mình, khoảng đời đây yêu-thương, mà cũng đây bi-lụy. Chung khó chịu nên đóng cửa rồi lên giường mà nằm, mắt nhìn ngọn đèn dầu leo lét trên bàn, trí nhớ lại những chuyện buồn vui dĩ-vãng. Cha mình hồi trước là một giáo viên dạy trường Gò-Vắp, mỗi bữa đi dạy thì dắt mình theo đặng cho mình học tập. Lúc mình được 10 tuổi, học lớp 3, thì cha mất. Mẹ mình phải cực khổ, phải ra ngồi giữa chợ bán bánh, bán trái để kiếm tiền nuôi sống mẹ con.

Mẹ mình thường khuyên: “Con rán học cho giỏi đặng chừng má già con làm mà nuôi má, nghe hôn con”. Mình rán học, học đặng nuôi mẹ. Mình thi đậu vào trường Chasseloup, mẹ mừng rỡ vô cùng, để tất cả vào mình các hạnh-phước tương-lai. Rủi thay! Còn không mấy tháng nữa mình thi bằng thành-chung, thì mẹ lại nhuốm bịnh mà mất, không đợi mình làm nuôi. Mất chí-hướng, mình khủng-hoảng tinh-thần. Nhờ có vài ông bạn thân của cha an-ủi giúp giùm nên mình mới học được thành công. Mà thành công để làm chi đây? Cha mẹ đâu mà nuôi? Chớ chi mẹ còn, ví dầu với số lương 25 đồng mình phải cực khổ như cô Thiên-Hương, mình cũng vui với sự tận-tụy cùng mẹ già nhà khó. Bây giờ mình không được hưởng cái vui thảo-thuận, mà với số-phận nghèo-hèn mình cũng không nếm được chút mùi cao-quí, thế thì đời mình vô mục-đích, sự sống của mình là để nuôi dì Hai quán cơm, nuôi bà chủ phố, nuôi tiệm may áo, nuôi thợ đóng giày. À! … Vậy mà người ta nói loài người khôn hơn cả muôn loài chớ! Khôn đặng cực-khổ, khôn đặng làm mọi!

Bên vách, Thiên-Hương nói : “Sáng mai con mua hột gà để mỗi bữa má ăn cho bổ”.  Tiếng nói trong ngần và ngọt xớt ấy làm rung-động tâm-hồn Chung nữa. Chung suy nghĩ : cô Thiên-Hương còn cực-khổ hơn mình nhiều mà cô không phiền, cô vui-vẻ như thường. Mình buồn nỗi gì? Hay là mình cậy mai xin cưới cô Thiên-Hương rồi mình hiệp với cô lo nuôi bà Phán? Cô Thiên-Hương đẹp-đẽ, dễ thương được lắm. Ngặt bà Phán nghèo mà bà ưa lên giọng cao-kỳ.

Có bà mẹ vợ như vậy chịu sao nổi. Thôi thôi, ở một mình cho yên thân.

Nghèo mà cưới vợ làm chi? Kéo một người con gái vào vòng cực-khổ với mình, làm như thế không phải là quảng-đại. Để mình lo lập thân đã, lo cho có tiền bạc nhiều, lo leo lên địa-vị cao sang rồi sẽ hay.

Không nên cưới vợ gấp. Được giàu sang rồi thì thiếu gì vợ khôn-ngoan, đức-hạnh, vui-vẻ, diễm-kiều. Chung tuổi còn trẻ, trí còn mạnh, tự nhiên lo ít vui nhiều, bở vậy suy nghĩ một hồi rồi buồn ngủ, tắt đèn bỏ mùng mà ngủ liền



[1] Ngày nay là đại lộ Nguyễn Huệ

[2] phát âm theo Triều Châu: Mái chín=mãi tấn (買進), người thay mặt hãng buôn lớn nước ngoài để làm môi giới, giao thiệp với khách hàng. Theo giải thích của Đào Đăng Vỹ, người lo việc bán vé, vận chuyển tàu bè gọi là Mãi Biện.

[3] tiếng hindi, màu bụi bậm. 1) Màu cà phê sữa lợt, 2)Loại vải dày thường dùng may quân phục, quần áo công nhân hay y phục vận động viên.

[4] tiếng Pháp : compagnie=công ty.

[5] phát âm theo Triều Châu: Mái chín=mãi tấn (買進), người thay mặt hãng buôn lớn nước ngoài để làm môi giới, giao thiệp với khách hàng. Theo giải thích của Đào Đăng Vỹ, người lo việc bán vé, vận chuyển tàu bè gọi là Mãi Biện.

[6] do chữ Pháp menthe, loại rau húng Âu châu. Dầu măn (dầu rau húng) có màu xanh tương tự như dầu khuynh diệp.

[7] lõm sâu.