Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu

Toàn bộ dạng PDF

Thiệt giả giả thiệt

I I

Ông phán Thêm là một người tánh nết hòa hưỡn, ăn ở nhơn từ. Ông làm việc tại sở Thương Chánh Sài Gòn hai mươi mấy năm, ông chẳng hề mích lòng anh em trong ty, mà cũng chẳng biết giận hờn ai hết.

Người tánh tình như vậy, cư xử như vậy, ai quen cũng đều thương mến, chẳng hiểu tại mạng số làm sao mà đã không được hưởng hạnh phúc, lại còn phải mang một cái tai họa lớn trong chốn gia đình, làm cho trí ông muốn đảo điên, lòng ông phải khô héo.

Ông gốc ở Phụng Hiệp. Ông cưới vợ trễ, mà có con cũng muộn, đến 32 tuổi vợ chồng mới sanh được một đứa con gái. Vợ chồng ông ăn ở với nhau rất thuận hòa, lại ít con nên cưng con không ai bì kịp.

Nhờ ông cần kiệm, lại cũng nhờ có của phụ ấm[1] giúp vô nên ông có sắm được một sở ruộng tại kinh Sóc Trăng, mỗi năm thâu huê lợi lối 5 ngàn giạ lúa. Ông lại có mua được một miếng đất nhỏ trong Châu Thành Sài Gòn, phía sau Nhà Thờ Chợ Ðũi, ông cất một cái nhà ngói nền đúc, vách gạch, cao ráo, sạch sẽ, mà ở với vợ con.

Gia đình của ông đương đầm ấm vui vẻ, thình lình đất bằng sóng dậy, làm cho rã rời tan nát, đau đớn không biết chừng nào.

Số là cách 3 năm trước, con gái ông lúc ấy được 13 tuổi tới mùa gặt, bà Phán sửa soạn xuống Sóc Trăng mà thâu góp lúa ruộng. Vì bà cưng con, bà không muốn rời con, nên bà nói với ông rằng: "Tôi đi lâu, để con nhỏ ở nhà sợ nó nhớ. Lại nếu để nó ở nhà, mỗi ngày ông mắc đi làm việc, thì nó buồn tội nghiệp. Thôi để tôi dắt nó theo tôi cho xong“. Ông Phán cũng cưng con, song ông nghe bà nói trúng lý, nên ông không nỡ cản duy có dặn bà góp lúa riết mà gởi rồi về cho mau mà thôi.

Bận đi thì mẹ con đi xe hơi đò. Xuống ruộng ở ít bữa, bà Phán lại thấy nhựt trình đăng tin nói có một chiếc xe đò đường Sài Gòn Sóc Trăng vì chạy mau nên lật, hành khách chết hết hai người và bị bịnh trên một chục người. Bà hay tin ấy thì bà sợ quá, nên chừng góp lúa gởi xong rồi, bà không dám về xe, bà biểu tá điền chèo ghe đưa bà lên Ngã Bảy rồi mẹ  con xuống tàu mà về Sài Gòn, tính tránh tai nạn về xe đụng xe lật. Tuy bà dè dặt kỹ lưỡng, song con người hễ mang cái mạng đã cùn rồi thì khó mà chạy trời cho khỏi nắng được. Chánh chuyến tàu mẹ con bà đi đó, chiếc tàu rủi nổ nồi sô-de[2], chìm ban đêm giữa sông cái, hành khách chết rất nhiều, mẹ con bà phán đều chết trong cái tai nạn ấy.

Ông Phán Thêm hay tin, thì ông bủn rủn tay chân, bất tỉnh nhơn sự. Cái hạnh phước của đời ông là vợ với con, nay vợ con tiêu mất một lượt, tiêu mất một cách bất ngờ, một cách thảm thiết, thì cái hạnh phước ấy nó tan như chòm mây, nó rã như bọt nước, cái đời của ông không còn nghĩa lý gì? Ông gượng gạo đi kiếm vớt tử thi của vợ con mà chôn, rồi trở về nhà một mình hiu quạnh, ông nghĩ cuộc đời là một giấc mộng, có sanh rồi có tử, có vui rồi có buồn, lê thứ cũng như công hầu đồng lặn hụp trong biển luân hồi, đồng lăn lộn trong vòng phiền não.

Ông nhớ vợ con, ông trách căn số, ông hết muốn công danh nữa, nên ông làm đơn xin hưu trí, đặng giấu cái sắc buồn trong nhà cho thiên hạ khỏi thấy mà thương tâm.

Trong ba năm nay mà tóc ông đã bạc hết phân nửa, răng ông đã rụng hết vài cái, hình vóc ông đã ốm, da mặt ông đã dùn, khi thì xẩn bẩn ngoài sân sửa kiểng trồng bông, khi thì nằm co trên ghế nghĩ việc đời, hoặc đọc tiểu thuyết.

Một buổi sớm mơi, chị Mười là nguời ở nấu ăn, mắc lăng xăng sau bếp, còn chú Sen là bạn trai, thì đương lau tủ lau bàn. Ông Phán Thêm đứng trước sân xem bông, thình lình ông thấy có một cái xe kéo ngừng ngay cửa ngõ. Ông dòm coi khách nào đến thăm, té ra Bà Tư Kiến, là chủ tiệm may "Vĩnh Hưng", quen biết ông thuở nay.

Ông mới chào bà, chưa kịp mời vô nhà, thì bà nói rằng: ''Mấy tháng nay tôi  không gặp ông, nay có dịp đi lên mé trên này, nên ghé thăm ông một chút. Sao ông không đi chơi, cứ ở nhà hoài, ông Phán".

Ông thở ra mà đáp rằng:

-         Tôi có biết vui là cái gì đâu mà đi chơi.

-         Ông cứ buồn rầu hoài!

-         Không buồn sao được, bà Tư.

-         Buồn thì phải đi chơi cho khuây lảng chớ.

-         Tôi tưởng khó mà khuây lảng được.

Hai người dắt nhau vô nhà. Ông phán mời bà Tư Kiến ngồi bộ ván lót căn bìa, kêu chú Sen biểu đem nước trà đãi khách, rồi ông kéo ghế ngồi tại bàn viết cho gần bà và nói chuyện.

Bà Tư muốn khuyên giải ông Phán nên bà nói rằng:

-         Ở đời ai có mạng số nấy, hơi nào mà buồn rầu như tôi đây, hồi ổng mất tôi cũng buồn dữ lắm chớ, mà buồn ít tháng rồi khuây lảng lần lần, để trí lo làm ăn, chớ nằm co mà buồn rầu hoài, thì chết đói còn gì.

-         Ông mất mà bà còn có vài người con. Tuy con có gia thất riêng, song cũng còn đó. Còn phận tôi thì rụi hết một lượt, hễ nhớ tới thì tôi đứt ruột nát gan, làm sao mà vui được.

-         Tại phần số của bà Phán tới chừng đó mà thôi, nên trời khiến bà phải theo ông theo bà. Bây giờ ông buồn rầu đến chừng nào đi nữa, bà Phán hay là con cháu cũng không sống lại được.

-         Ðã biết như vậy đó chớ, mà tôi khuây lảng không được, biết làm sao.

-         Tôi khuyên ông phải đi chơi, đi xứ nay xứ kia tự nhiên khuây lảng.

-         Tôi có đi thử rồi. Ði ra ngõ thấy thiên hạ họ có vợ có con họ vui với vợ con, tôi nghĩ lại phận tôi thì tôi càng buồn nhiều hơn nữa. Nhứt là tôi thấy con gái của họ một trang một lứa với con nhỏ của tôi thì tôi nhớ con nhỏ tôi quá, chịu không được. Vi vậy nên tôi hết muốn đi đâu nữa, lục đục nhà ra vô thấy chân dung của con nhỏ tôi cho tôi đỡ buồn.

Ông Phán nói tới đó, ông ngó vô bàn thờ, hai hàng nước mắt rưng rưng.

Bà Tư Kiến ngó theo ông, thì thấy trên bàn thờ có treo hai ấm chơn dung họa thiệt lớn, một tấm của bà Phán thì ngồi, một tấm của con gái bà thì đứng, hai tấm đều đóng khuôn lồng kiếng kỹ lưỡng. Bà thấy ông Phán đau đớn về gia đình quá, thì bà động lòng, bà muốn kiếm lời khuyên giải ông, nên bà nói rằng:

-         Ông buồn rầu quá, tôi sợ ông đau chớ, năm nay tôi coi ông ốm lung lắm.

-         Ối! Ðau ốm gì tôi cũng không cần. Tôi muốn chết phứt cho rồi, chớ sống như tôi  nghĩ cũng không ích gì.

-         Ông nói như vậy sao phải. Ông năm nay chưa đầy 50 tuổi, mà muốn chết cái gì!

-         Chớ tôi sống nữa làm gì? Cái đời của tôi không còn mục đích gì nữa, sống thêm một ngày thì phiền não thêm một mớ, chớ có ích chi đâu?

-         Ông nói như vậy tôi xin đỡ lời ông. đời thiếu gì người gãy gánh[3] nửa chừng như ông vậy. Họ kiếm chỗ chắp nối rồi cũng sanh con được vậy chớ.

-         Họ khác, tôi khác. Tôi làm như họ không được.

-         Tại sao vậy? Ông năm nay thiệt mấy mươi tuổi?

-         Tôi được 48 tuổi.

-         Mới 48 tuổi mà già cả gì đó! Có nguời tới sáu mươi mà họ còn cưới vợ, còn sanh con đó sao.

-         Tôi làm sao kiếm được người như vợ tôi hồi trước, mà bà biểu tôi cưới khác?

-         Phải, vợ chồng chắp nối thì làm sao cho bằng nguyên phối được. Nhưng mà ông ở trơ trọi một mình, nếu có một người đờn bà ở trong nhà sớm khuya hủ hỉ với ông, thì có lẽ ông cũng bớt buồn được chớ.

-         Khó lắm bà ôi!  Tôi đã gây dựng được một cái già đình đầm ấm vui vẻ thì tốn công phu không biết bao nhiêu. Thình lình cái gia đình ấy tan rã đi. Bây giờ tôi đã già rồi, tôi nhắm khó mà lập lại một cái gia đình khác nữa cho được.

-         Ông trộng tuổi, chớ chưa phải là già thiệt. Tôi tưởng nếu ông cưới vợ khác, thì còn kiếm con được mà.

-         Còn kiếm con làm chi? Ví dầu trời nhiễu phước cho tôi có con nữa, thì cái cảnh 'cha già con muộn'' là một cái họa thêm nữa chớ ích gì. Người đến tuổi này, nghĩ cũng chẳng còn sống bao lâu nữa. Nếu tôi cưới vợ khác rồi sanh con, chừng tôi nhắm mắt, tôi bỏ lại vợ góa con thơ, bơ vơ chiu chít, ở dưới cửu tuyền tôi chịu sao được.

-         Ông lo xa quá? Chưa chết đâu mà. Thế nào ông cũng sống tới bảy tám mươi tuổi chớ. Hai mươi mấy hoặc ba mươi năm nữa ông mới chết, thì con ông lớn rồi, còn lo nỗi gì.

-         Sống chết là máy tạo hoá, ai mà dám đoán trước được. Vậy chớ bà không nghe người ta nói: "Nhơn sanh thất thập cổ lai hi''[4] hay sao. Người mà quá 40 tuổi rồi thì đừng tính làm giàu, bởi vì giàu hưởng không được, mà cũng đừng tính lập gia thất, bởi vì gia thất lập muộn thì vợ phải bơ vơ, con phải thất dưỡng.

-         Ông không chịu cưới vợ sanh con, thôi thì ông xin con họ ông nuôi, bây giờ nó hủ hỉ với ông, ngày sau nó cúng quảy ông.

-         Tôi có tính việc đó. Tôi muốn cho đời tôi có mục đích nên tôi có tính xin con nít của họ tôi nuôi, rồi tôi gia công dạy dỗ rèn tập cho nó trở nên người đúng đắn. Mà rồi tôi nghĩ, con của họ không phải máu thịt của mình, dễ gì mà tập cho nó giống tánh mình được. Nếu mình nuôi mình dạy nó mà rủi gặp đứa ngang ngạnh, thì đã uổng công, mà còn phiền lòng mình nữa.

-         Cái nào ông cũng không chịu hết, thôi thì đi tu cho rồi chớ ở thế gian sao được.

-         Bà nói phải lắm. Tôi muốn cạo dầu vô chùa tôi tu cho rảnh nợ trần gian. Ngặt vì mấy ông thầy chùa phần nhiều họ không hiểu tôn chí cao thượng của Phật giáo, họ bấu làm thói mê muội theo hạ thặng, tụng kinh mà không hiểu nghĩa, làm ác mà lạy Phật cầu cho được Niết-bàn, không lo tập tánh rèn lòng từ bi, lại bày đặt xúi người tu tắt, gần họ tôi sợ gai con mắt, rồi tôi tu đã không thành chánh giác, mà còn phải mang tội nữa.

-         Phải, đời nay thầy chùa phần nhiều dối thế lắm. Mà họ làm sao họ làm, ông tu miễn là ông thành tâm thôi.

-         Tôi tu ở nhà.

-         Ở nhà mà tu sao được. Ông tu sao không có dọng bàn thờ Phật?

-         Thờ Phật làm chi?

-         Tu thì phải trọng Phật, phải thờ, phải lạy Phật chớ.

-         Phải. Tu thì trọng Phật, tin tưởng Phật. Mà trọng là trọng cử chỉ, trọng tâm tánh của Phật, phải suy niệm đặng bắt chước cử chỉ tâm tánh ấy mà làm theo, chớ thờ Phật hay là lạy Phật mà làm chi.

-         Ông nói nghe trái đời quá.

-         Trái đời mà trúng đạo lắm đa bà Tư.

-         Nếu ông làm trúng đạo, thì tôi khuyên ông tu riết tới đi. Ông tu đắc đạo thì ông giải phiền não cũng được vậy.

-         Tôi tu đã lâu rồi. Nhờ tu đó tôi mới còn sống tới ngày nay đây. Tôi tu là tu cái tâm mà thôi, chớ không chịu cạo đầu lạy Phật, làm những việc dối thế.

Bà Tư Kiên đứng dậy và cười và nói: "Ông tu cách nào đó thì tu, mà tôi khuyên ông đừng có ăn chay. Vì ông ốm quá, ăn chay sợ mang bịnh“

Ông Phán cũng đứng dậy cười mà đáp rằng: „Phải, mấy tháng nay tôi ốm quá. Bà coi đây, áo quần tôi bận rộng rinh''.

Bà Tư ngó ông rồi nói: ''Ðồ rộng hết! Ông biểu sửa lại cho vừa vặn mà bận. Bận như vậy người ta quở chớ"

Ông Phán đáp rằng:

-         Có ai đâu mà sửa.

-         Dữ hôn! Trong nhà không có đờn bà, thì kêu một con thợ may lại nó sửa cho, có khó gì. Thôi, để tôi về tôi sai một đứa lên nó sửa cho.

Bà tính từ ông mà về, mà chưa muốn từ giã thì bà lại nghĩ sao đó, nên bà đứng lại rồi nói rằng: "Nầy, tôi mới mướn một con thợ may khéo léo lại dễ thương quá. Tội nghiệp, nó là con Cai tổng hồi trước mà bị gia đình suy sụp nên bây giờ phải ra thân may mướn kiếm cơm mà ăn. Thấy cuộc đời thiệt ngán quá''.

Ông Phán thở ra mà đáp rằng: ''Thì cuộc đời hễ sanh rồi tử, tử rồi sanh, có rồi không, không rồi có, tuần hườn luân chuyển hoài, có lạ gì. Cái kiếp của con người là kiếp khổ, mình sanh ra mà trả nợ tiền khiêng[5]. Tôi nói thiệt với bà, nhờ tôi nhớ như vậy đó nên tôi mới còn sống được cho tới ngày nay đây''.

Bà Tư suy nghĩ rồi gặc đầu nói rằng: ''Ông nói phải lắm. Thiệt như vậy. Mà con nhỏ đó cũng ngộ, nó không buồn. Trước ở bực sang giàu bây giờ rớt xuống bực hèn hạ, mà nó cũng thủ phận an mạng, coi bộ không phiền trách chi hết. Bởi tôi thấy như vậy, nên tôi mới thương chớ''.

Ông Phán ngó lơ, không nói nữa.

Bà Tư từ mà ra cửa, chừng bước lên xe kéo, bà còn nói vói rằng: "Ðể sáng mai tôi biểu thợ may lên nó sửa áo sửa quần cho"



[1] của thừa tự

[2] (chaudière): bộ phận sản xuất hơi nước

[3] chết vợ hay  chồng

[4] từ xưa ít người sống tới 70

[5] kiếp trước


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06