Cách mấy năm trước, tại Sài gòn, ở về đường Espagne, khỏi rạp hát bóng một khúc, có một tiệm may, trên cửa treo một tấm bảng hiệu đề hai chữ lớn: Vĩnh Hưng.
Tiệm dọn trong một căn phố lầu rộng rãi mát mẻ. Phía ngoài cửa có một bộ ván lớn, bề dày trên một tấc, để cho thợ ngồi cắt áo. Hai bên để hai hàng tủ kiếng, đựng đủ các thứ hàng, lụa, nỉ, nhung. Chánh giữa để một hàng bốn cái máy có treo mấy ngọn đèn khí, chụp có kết tua. Phía trong thì dọn một cái phòng, có để ghế sa lon, có treo kiếng lớn dựa vách để tiếp khách đến đặt may áo, hoặc đến thử áo.
Tiệm may đẹp đẽ này là tiệm của bà Tư Kiến. Vì tiệm may có danh may khéo, nên từ sớm mơi cho tới chiều khách ra vô đặt may đồ dập dìu, trong tiệm thường thường phải có chín mươi cô thợ.
Bà Tư Kiến, tuổi đã sáu mươi, mà tóc chưa bạc, răng còn chắc. Bà bổn tánh bãi buôi, vui vẻ, nhưng mà bà không ưa thói nhõng nhẽo hoặc gian tà, hễ thấy việc gì trái đạo lý thì bà nới ngay, không sợ mích lòng ai hắt, bới vậy mấy cô thợ may thưng bà mà cũng kính trọng bà lắm.