Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19

dạng PDF

Vì Nghĩa Vì Tình

I

CON THƠ LÌA MẸ

Gần hết nửa canh năm, hướng đông sao mai đã ló mọc. Bầu trời  rực sáng, nên chỗ đen đen, chỗ đỏ đỏ; mặt cỏ gội sương nên khoảnh ướt ướt, khoảnh khô khô.

Có một người đàn ông, tuổi trên bốn mươi, ở phía dưới trường đua ngựa cũ Sài Gòn, theo đường quản hạt lầm lũi đi riết lên xóm Chí Hoà, hai tay có ôm một đứa con nít chừng năm, sáu tuổi.

Mấy nhà ở dọc theo hai bên lộ còn ngủ, nên cảnh vật im lìm, duy có một cỗ xe bò chở rau, cải, khoai, đậu ở trên miệt Bà Quẹo thủng thẳng đi xuống, cặp bò na nần, lồng đèn leo heo, bánh xe kêu lét két. Khi người với xe bò gần gặp nhau thì đứa con nít vùng khóc lên. Người bồng nó, nạt nhỏ nhỏ rằng: “Nín đi nà, khốc giống gì” rồi bét vô lề đường mà đi; người đánh xe mắc ngủ gục nên không nghe thấy chi hết.

Người bồng đứa nhỏ đi đến xóm Chí Hoà rồi quẹo vô một cái bờ nhỏ bên phía  tay trái. Bờ quanh co mà lại tối mò, dưới chơn ngọn cỏ đưa ngọn lúp xúp, trên đầu cây giao nhành bít chịt, cảnh coi hiểm lắm, nếu ai không quen thuộc thì trong lúc ban đêm như vầy ắt nhát bước chơn vào. Người nầy tuông ngọn cỏ mà đi xăng xái cũng như ngoài đường trống, chẳng có chút chi bợ  ngợ. Đi được chừng vài trăm bước thì tới một cái nhà tranh nhỏ và thấy cửa vách xịch xạc, người ấy giở cửa chun vào kêu rằng: “Mầy a, mầy a,  dậy đốt đèn coi nào”.

Bước vô nhà rồi, người ấy mò lại bộ ván, để đứa nhỏ ngồi xuống và kêu nữa rằng: “Mầy a , dậy đốt  đèn lên”.

Ở phía trong có một người đàn bà lục tục mò hộp quẹt đốt đèn rồi bưng ra. Chị ta dòm thấy có một đứa con nít ngồi khóc trên ván thì chưng hửng, nên ngó người đàn ông mà hỏi rằng:

- Con của ai ở đâu vậy?

- Của họ mới cho tao.

- Họ cho mà mình lãnh về làm gì?

- Lãnh về nuôi, chớ lãnh làm gì.

- Úy! Mẹ ơi, ai mà nuôi con nít cho đặng?

Đứa nhỏ ngó người đàn bà và ngó dớn dác trong nhà rồi khóc mà kêu má nữa. Người đàn ông chúm chím cười rồi nói với người đàn bà rằng: “Bồng đi từ dưới Sài Gòn về trên nầy mỏi tay quá. Mầy bồng nó một chút coi; bồng dỗ nó rồi tao nói chuyện cho mà nghe”.

Người đàn bà để chong đèn trên ván rồi xớt bồng đứa nhỏ. Đứa nhỏ càng khóc lớn và kêu má nhặt hơn nữa. Người đàn bà nhìn nó và nói rằng: “Con trai mà. Nín đi, khóc giống gì”. Người đàn bà lại day qua hỏi người đàn ông rằng:

- Đêm nay đi làm miệt nào đâu mà không có chi hết, lại ẵm con nít về như vầy nè?

- Ậy! Con nầy nóng quá! Sao mầy biết tao không có chi hết? No lắm chớ.

Người đàn ông thò tay và dây nịt móc ra ba tấm giấy xăng rồi bước lại gần đèn phành ra mà đếm. Người đàn bà chụp lấy mà coi và hỏi rằng:

- Giấy bạc mấy đồng đây?

- Con nầy ngu quá! Giấy trăm mà nó không biết chớ.

- Giấy trăm hay sao. Mẹ ơi, té ra ba tấm đấy là ba trăm. Mình làm nhà ở đâu vậy?

- Không phải tao làm, họ cho tao mà.

- Ai dại gì mà cho mình nhiều như vậy? Đâu mình nói thiệt cho tôi nghe một chút mà.

Người đàn ông mới leo lên ván mà ngồi, thò tay bưng chong đèn để xích tới. Người đàn bà muốn nghe câu chuyện mà bị đứa nhỏ bồng trên tay nó khóc hoài, làm cực lòng quá, chị ta giận mới đem nó để nằm trên cái võng rồi trở lại hỏi người đàn ông nữa rằng:

- Chuyện sao đâu mình nói cho tôi nghe một chút. Còn thằng nhỏ đó ở đâu vậy?

- Chuyện kỳ lắm. Đêm nay tao đi, tao tưởng bị rồi, té ra khỏi hại mà lại may quá. Hồi 12 giờ khuya, tao ghé rình cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều. Tao biết nhà ấy là người Việt nên tao không sợ. Tao đứng ngoài cửa sổ mà rình hơn một giờ đồng hồ, trong nhà tối mò mà lại vắng teo. Tao chắc họ ngủ mê  tao mới cạy cửa sổ. “Đ.m.”, không dè cửa sổ đó ngay bộ ván, lại có một người nằm đó nữa chớ! Tao nhát nhát, sợ chung vô  động ván họ hay. Tao muốn bỏ mà đi làm chỗ khác, ngặt cửa đã phá rồi, bỏ thì uổng lắm, mà trời lại gần sáng, đi làm chỗ nào nữa cho được. Tao đứng rình hoài, đến gần ba giờ tao mới lén chun vô. Tao bò trên ván nhẹ nhẹ, không dè người nằm đó họ hay nên họ cũng rình tao. Tao vừa muốn bước chân xuống đất thì người ấy vùng ngồi dậy, nhảy đạp tao một cái té nằm sấp ngay chừ, rồi nó chận cổ đè trên lưng tao mà bắt tao.

- Úy mẹ ôi! sao mình không đánh mà giải  vây?

- Giải khỉ họ! Tao bị đạp một cái té sấp tức quá, cựa quậy không nổi, còn con dao tao cầm trong tay thì nó văng xa lắc, còn giống gì đâu mà cự. Hồi đó tao tưởng cái mạng tao đã hết rồi, tao chắc phải vô khám, nên tao nằm chịu phép. Thằng bắt tao đó nắm cổ kéo tao dậy rồi dắt tao đi lại chỗ đèn khí mà vặn đèn lên. Tao thấy con dao của tao văng nằm dựa trên ghế, tao muốn nhảy lại giựt chém giải vây,  ngặt vì cái ngực tao tức quá, tao liệu thế chống cự không nổi, tao mới ngồi dựa vách tường mà năn nỉ.

Thằng thầy bắt tao đó nó còn trai má nó mạnh thiệt. Nó để tao ngồi đó,  nó bước lui, lượm con dao rồi nó cầm trong tay mà hăm tao. Tao cùng thế, tao mới năn nỉ xin nó tha; tao nói mầy đẻ, mà lại đau nặng, không có tiền chạy thuốc, nên tao mới làm bậy, chớ không phải tao quen cái nghề ăn trộm. Thằng thầy đó nó tính giống gì không biết, mà nó nín thinh, một hồi nó biểu tao phải lãnh mà nuôi một đứa con nít thì nó mới chịu thả tao. Tao than nghèo, không có đủ cơm mà ăn, có dư đâu mà dám lãnh nuôi con nuôi. Tao mại hơi với nó vậy mà, biết hôn, miễn nó thả tao rồi thì thôi, thứ con nít mình muốn nuôi thì nuôi, nếu không muốn nuôi thì mình bán cho người khác nuôi chớ có khó gì. Tao mại hơi với nó như vậy mà nó ngu quá, nó lại nói như tao chịu lãnh đứa nhỏ thì nó cho tao tiền bạc mà nuôi. Sướng quá! Tao chịu liền. Nó mới đi bồng thằng nhỏ nó đưa cho tao với mấy trăm đồng bạc.

- Sao mình không làm dày làm mỏng đặng xin tiền thêm?

- Thôi chớ! Ăn trộm người ta bắt được rồi người ta thả, người ta cho một đứa con trai với ba trăm đồng bạc nữa, còn kèo nài cái gì?

- Mà thằng nhỏ nầy là con của người đó hay là con của ai?

-Tao có biết đâu. Tao được bạc tao mừng quýnh, nên bồng thằng nhỏ dông mịch, không kịp hỏi chi hết.

- Chắc là con người đó, vì nó xấu háy nên họ cho mình chớ gì.

- Mầy nói bậy. Con xấu háy, người ta có cho thì cho hồi mới đẻ, chớ nuôi đã bây lớn đó còn cho nỗi gì. Mà người ta có cho thì người ta làm bộ viết tờ cho người nào bà con quen biết đặng chừng lớn người ta bắt về, chớ sao lại cho tao, mà còn dặn phải đem đi mất đừng héo lánh tới xóm đó nữa.

- Hay là thằng cha đó nó oán người nào ở trong nhà, nên muốn hại con người ta chơi cho bỏ ghét.

- Mầy nói cái đó có lẽ phải. Chắc là tại vậy đó. À, tao quên nữa chớ. Thằng thầy đó nó dặn tao nuôi thằng nhỏ nầy phải dạy nó ăn trộm, ăn cướp, phải tập nó làm du côn. Tại sao nó dặn kỳ cục như vậy không biết.

- Dạy cái đó không khó gì mà.

- Rượu tao uống hồi chiều còn chút nào hay không mậy?

- Cái ve để trên bàn thờ kia kìa, lại đó mà coi còn chút nào hay là hết, chớ ai uống đâu mà biết.

Người đàn ông mon men đi lại bàn thờ lấy chai rượu đưa lên coi rồi rót ra chén chung mà uống. Người đàn bà xếp ba tấm giấy bạc kỹ lưỡng rồi bỏ vô túi áo nhỏ. Thằng nhỏ nằm trên võng cứ khóc hoài. Người đàn bà bước lại bồng nó đem để trên ván, rồi nhìn coi thì thấy nó mặc quần áo luôn một cái may bằng lụa trắng có sọc xanh, cổ có viền ren. Mặt mày tay chơn nó trắng nõn, tóc nó hớt bôm bê nên trước trán vắn mà hai bên vớt sau ót lại dài.

Người đàn ông uống hai ba chung rượu rồi trở lại ván vỗ đầu thằng nhỏ mà nói rằng: “Đừng có khóc  nữa. Nín đi, rồi sáng tao mua bánh bao cho ăn”. Thằng nhỏ sợ nên mắt ngó dớn dác ngoài cửa rồi khóc thút thít mà kêu rằng: “Má ơi, má!”.

Người đàn bà cười mà nói rằng: “Má đâu có mà kêu. Mầy ở đây với tao, không được về má mầy nữa đâu. Má mầy là tao đây, còn người nầy là tía mầy biết hôn. Từ hồi đó đến giờ  tao mượn người ta nuôi mầy, bây giờ tao bắt về. Rày sắp lên ở với tía  má đây”.

Thằng nhỏ khóc ré lên. Người đàn bà dỗ nó hết sức mà nó không chịu nín. Người đàn ông trợn mắt nộ nó, nó sợ nên thôi khóc, mà nó còn thút thít hoài. Người đàn bà dỗ hỏi nó tên gì, thì nó nói tên Hội, mà vì nó nói nhỏ quá, lại và khóc và nói, hai người nghe không rõ, nên tưởng nó tên Hồi.

Người đàn bà bồng nó lại võng nằm mà dỗ nó ngủ. Gà trong xóm gáy vang rân; thầy chùa ở đằng chùa Phật thức dậy công phu, dộng chuông boong boong. Người đàn ông nằm ngay trên ván một lát rồi ngủ khò, mà đứa nhỏ đưa trên võng một hồi cũng ngủ.

Thằng nhỏ nầy tên nó là Chánh Hội, cha nó là Lý Chánh Tâm, còn mẹ nó là Thái Cẩm Vân. khi mẹ nó sanh nó ra được ít tháng thì cha nó đi Tây mà học, để mẹ con nó ở nhà với bà nội nó.

Cha đi học năm năm, lấy được bằng cấp tú tài rồi trở về xứ, vừa bước vô thì gặp cô nó là Lý Tố Nga, vì việc chồng con bối rối nên tự vận mà chết. Cha nó chôn cất cô nó rồi, kế gặp nhiều cái bằng cớ đủ tin cho mẹ nó lấy trai, lấy một người ở tỉnh Cần Thơ, mà lại tưởng mẹ nó lấy người ấy mà sanh ra nó đó nữa.

Trong lúc tức giận sầu não, cha nó đánh mẹ nó, rồi muốn trả thù sâu hiểm, nên thừa dịp bắt gặp đặng ăn trộm trong nhà, mới bồng nó mà giao cho ăn trộm, cho ăn trộm tiền bạc, mướn ăn trộm đem giấu nó cho biệt tích và tập luyện tánh nết nó thế nào đặng chừng khôn lớn nó trở nên một đứa du côn trộm cướp, làm như vậy là có ý muốn phạt mẹ nó sầu não lìa con, và phạt nó là cái dấu tích dâm bôn, là cái duyên cớ làm cho cha nó đớn đau, xấu hổ. Tại như vậy đó, nên nó lọt vào chốn nầy đây.

Còn người đàn ông với người đàn bà nầy là hai vợ chồng: chồng tên là Tư Cu, vợ tên là Tư Tiền. Vợ chồng thuở nay không có con, có hai chục sào đất với một cái nhà tranh ở cuối xóm Chí Hòa. Tư Cu không làm ruộng, không làm rẫy, thường nói với người trong xóm rằng để đi làm mướn ăn khoẻ hơn, nhưng mà ít thấy làm việc gì cho ai trong làng, duy ban ngày thì be be đi xuống miệt Sài Gòn dọ đường rồi ban đêm rình mò coi nhà nào ngủ mê thì đào hầm, khoét vách mà ăn trộm đồ.

Còn Tư Tiền hồi trước thì hay đi rảo trong xóm góp mua những rau, hành, bầu, mướp, rồi gánh xuống chợ Bến Thành mà bán, có bữa lời năm, bảy cắc hoặc một đồng thì mua cá, mua thịt, gạo đem về mà ăn. Mà gần một năm nay chị ta than với chồng rằng đi mua bán đường xa gánh gồng mệt nhọc nên chị ta không muốn làm nghề ấy nữa, bữa nào siêng thì chị ta đi, còn bữa nào làm biếng thì ở nhà.

Mấy bữa rày trong nhà gần hết tiền, mà nhằm lúc vợ không siêng, nên chồng mới thả xuống Sài Gòn mà ăn trộm đó.

Trời đã sáng thiệt mặt rồi. Tư Tiền mới lén thằng Hồi mà leo xuống võng, rồi đi chống cửa quét nhà. Chị ta thấy chồng còn ngủ mê, nên bước vô trong bếp móc túi lấy ba tấm giấy bạc ra mà coi. Chị ta cầm coi từ tấm, coi bên nầy rồi coi bên kia, coi đã thèm rồi mới xếp tử tế mà bỏ vô túi lại và miệng chúm chím cười.

Mặt trời mọc chói ngay vô bộ ván chỗ Tư Cu nằm mà anh ta bị thức sáng đêm nên ngủ mê không hay chi hết. Thằng Hồi thức dậy, dòm thấy trong nhà lạ hoắt, nên nó khóc. Tư Tiền bước ra đỡ nó xuống võng rồi nắm tay dắt nó vô trong. Nó trì lại và giậm chơn nói rằng: “Má tao đâu. Dắt tao về má tao”. Tư Tiền kéo xểnh nó đi và nói rằng: “Nín đi, chớ mầy khóc tao đánh chết. Tao nói má mầy là tao đây, còn đòi má nào nữa”.

Mấy người ở gần nghe tiếng con nít khóc trong nhà Tư Cu thì thấy làm lạ, nên bước lại hỏi thăm. Tư Tiền nói rằng: “Thằng nhỏ nầy là con của chị hai ở dưới cầu Ông Lãnh. Chỉ mất rồi ảnh mắc đi làm không ai giữ nó, nên hồi khuya ảnh đem lên ảnh gởi cho vợ chồng tôi nuôi dùm”. Người lối xóm ai nghe như vậy cũng tưởng sự thiệt, nên khen thằng nhỏ ngộ nghĩnh rồi về, không nghi việc chi hết.

Tư Tiền để thằng Hồi đứng dựa cửa sau rồi đi lấy gạo nấu cơm. Chừng cơm nấu chín rồi, Tư Cu mới thức dậy.

Tư Cu ngồi sật sừ, chưa kịp rửa mặt mà đã kêu vợ biểu xách xe lại quán mua vài cắc rượu về uống chơi. Tư Tiền đi mua rượu mà lại dắt thằng Hồi đi theo, trong ý muốn làm cho thiên hạ ngó thấy thằng nhỏ, rồi cắt nghĩa phứt cho họ hiểu đặng họ khỏi dị nghị.

Rượu mua về rồi, cơm dọn lên ván, vợ chồng Tư Cu đỡ thằng Hồi lên ngồi một bên. Trong mâm chỉ có hai món đồ ăn, một là dĩa khô cá lép với một dĩa cá sặt kho, con nào cũng không lớn hơn ngón tay cái. Tư Cu ăn khô mà uống rượu. Tư Tiền gắp một con cá sặt nhỏ bỏ trong chén của thằng Hồi mà biểu nó ăn. Thằng Hồi tuy không khóc nữa, song nó buồn lắm, không chịu cầm đũa, mà hễ thúc nó ăn thì nó lắc đầu nhăn mặt.

Tư Tiền ép nó ăn không được thì nổi giận, trở đũa giá trên đầu muốn đánh nó. Tư Cu bưng chung rượu uống nghe một cái ót, rồi nói rằng: “Thây kệ nó, để nó có sức nó nhịn đói. Trưa chiều đói thét rồi phải ăn. Đánh khảo làm gì”.

Tư Cu uống ít chung rượu, mặt coi phừng phừng, bèn nói với vợ rằng:

- Tao nhớ cái chuyện đêm hồi hôm tao tức cười hoài. Tao làm hơn mười năm nay, không biết mấy đám mà kể cho hết, mà tao chưa gặp đám nào kỳ cục như vậy. Bị bắt mà khỏi ở tù, lại được thưởng nữa chớ. Mầy coi tao giỏi hôn?.

- Giỏi giống gì! Cái đó là may chớ.

- Bữa nay nhằm ngày mấy há?

- Mùng năm.

- Nếu vậy thì hồi hôm tao đi nhằm mùng bốn. Phải mà, mùng bốn tốt ngày; nên tao mới gặp may như vậy. Nè mầy, không biết mấy bữa tối trời tao đi làm ăn, mầy ở nhà có lo không vậy mậy?

- Sao lại không lo.

- Lo giống gì? Mầy sợ tao bị bắt hay sao?

- Bị bắt ở tù năm mười tháng cũng còn khá, tôi sợ rủi ro khác nữa mới là khổ.

- Có sao đâu mà sợ.

Tư Cu rót một chung rượu nữa mà uống. Anh ta ngồi chống tay trên bắp vế, ngó ra ngoài sân một hồi  rồi day vô nói với vợ rằng:

- Mầy sợ cũng phải. Tuy hồi đó đến giờ tao làm ăn chưa gặp rủi ro lần nào, mà bây giờ  trộng tuổi rồi, tao nghĩ lại thiệt tao cũng ghê quá. Bây giờ có vốn liếng chút đỉnh, tao muốn bỏ nghề cũ, để đi kiếm nghề khác làm ăn.

- Kiếm nghề gì?

- Thiếu gì. Xuống Sài Gòn làm Ba Son, sở  mộ, hay là qua hãng Nhà Rồng làm cu li cũng được. Tao thấy tụi nó  làm lãnh tiền tuần cũng được bốn năm trăm đồng.

- Ở trên nầy xa quá, mình xin làm sở, hơi nào mà đi.

- Ta xuống Sài Gòn kiếm phố mướn ở chớ.

- Rồi nhà đây làm sao?

- Ối! Thứ đồ bỏ, đạp mà đi chớ cần gì.

- Nhà như vầy mà kêu là đồ bỏ! Hồi cất không tốn hao đôi ba chục hay sao?

- Thôi, để kêu thằng Lành về cho nó ở đậu, nó coi nhà đất cho mình.

- Tính như vậy cũng được. Nếu dọn đồ xuống ở dưới Bến Thành mình xin sở mình làm ăn thì tôi bán cá, hoặc bán rau, bán hành với họ chơi.

- Ờ, phải đa. Hai vợ chồng đi làm hết có lẽ nào không đủ ăn.

- Mình để mấy trăm đồng bạc đây cho tôi làm vốn,  tôi buôn bán ít năm thành ra bạc ngàn cho mình coi.

- Mầy làm lộn xộn đây tiêu hết chớ.

- Cái gì mà tiêu? Mình sợ tôi làm tiêu, thôi mình để tôi sắm vài đôi vàng đặng để dành nghe hôn?

- Thứ đàn bà hễ có tiền thì lo mua vàng! Mầy thương thợ bạc lắm hay sao, mà mầy nuôi nó?

- Khéo nói bậy hôn! Sắm vàng như tiền mình để dành, mất đi đâu mà sợ.

- Mầy làm sao đó thì làm, hễ tiêu mấy trăm đồng bạc đó tao giết mầy đa.

- Để tôi làm cho mà coi.

Trưa bữa đó, Tư Cu đi rảo dưới Sài Gòn kiếm mướn một căn phố cũ trong đường hẻm ở gần đình Tân An, miệt trên Đất Hộ, rồi trở về cho vợ hay. Anh ta kêu thằng Lành là đứa làm mướn thuở nay không có nhà cửa , bạ đâu ở đó, mà cho nó về ở đậu coi nhà, để cho nó mượn một cái chõng, còn đồ đạc bao nhiêu thì mướn xe bò chở xuống Đất Hộ dọn vô phố mà ở.

Dọn nhà cửa xong, Tư Cu xin làm trong sở Ba Son còn vợ  thì tính buôn bán lăng xăng, mà chưa thấy mua vật chi bán vật chi, chỉ đặt làm hai đôi vàng chạm đeo đỏ tay đó mà thôi.

Thằng Hồi không khóc, không nhịn đói nữa, nhưng mà từ ngày Tư Cu dọn phố về ở miệt Đất Hộ, thì thường thấy nó ngồi chồm hổm dựa xó cửa, mặt mày buồn xo, tay chơn tèm lem, không nói tới ai ở trong nhà, mà cũng không chơi với sắp con nít trong đường hẽm, bộ tịch như cây chuối con thuở nay sởn sơ đứng dựa bên mình mẹ, bây giờ đem trồng riêng một mình nên tàu xụ, đọt còi, bẹ tả tơi, gốc khô héo.