Qua tháng mười một, mùa mưa đã dứt rồi, lại có ngọn gió bất thổi lao rao.
Buổi chiều, ở Sài Gòn, khí trời mát mẻ, làm cho con người từ trẻ chí già đều khỏe khoắn trong mình, nên đi ngoài đường ai cũng lộ cái vẻ hớn hở tươi cười.
Thế mà, Chí Thiện, năm nay đã được 28 tuổi, làm thơ ký toán cho một hãng buôn lớn tại đường Kinh Lấp, đúng 7 giờ tối, thầy ở trong hãng bước ra, bộ đi chậm rãi, mặt mày buồn hiu, dường như thầy tiếc rẽ hãng đóng cửa sớm không cho thầy làm việc thêm nữa. Tay ôm một cuốn sách với một tờ nhựt báo, thầy thủng thẳng đi lại đường Pelerin đón xe autobus mà về Đa Kao. Bước lên xe thầy ngồi dưới ngọn đèn điện sáng trưng, mở tờ nhựt báo ra mà xem, không ngó kẻ qua người lại hai bên đường, mà cũng không để ý đến những kẻ đi trên xe.
Tới Đa Kao xe ngừng, thầy xếp tờ nhựt trình rồi bước xuống tránh xe kéo, xe máy mà quẹo lên đường Paul Bert. Gần tới căn phố chỗ thầy ở, thầy thấy con Sáu, là đứa con gái, đương đứng dựa cột điện mà chơi với con thầy, tên con Yến, năm nay đã được 6 tuổi.
Bấy giờ thầy mới xăn bước, đi riết lại. Con Yến kêu “ba” rồi chạy đón, ôm bắp vế thầy. Thầy cuối xuống, ôm mặt con mà hun, đưa cuốn sách với tờ nhựt báo cho con cầm, rồi nắm tay dắt con đi vô nhà.
Trong nhà đèn sáng trưng, nhưng từ trước ra sau đều vắng hoe, không nghe tiếng, không thấy dạng một người nào hết.
Thầy Thiện cất nón và hỏi con:
- Má con ở đâu?
- Má nói má đi Sài Gòn.
- Đi hồi nào?
- Đi hồi chiều.
Con Yến để cuốn sách với tờ nhựt báo lên cái bàn viết, con Sáu sắp lại vật đó cho ngay ngắn rồi nói: “Cô đi hồi năm giờ. Cô nói cô đi lấy cái áo cô đặt may hôm trước. Cô biểu tôi ở nhà coi em”.
Thầy Thiện gật đầu rồi thầy đi thẳng vô bếp. Trên bếp lửa củi tắt hết, còn trên một bộ ván nhỏ gần đó thì nồi, soong, chén đĩa, bày bố nghinh ngang. Chị Thình là người nấu ăn, cũng không có mặt, lại nghe tiếng chị cười nói om sòm trong nhà bếp ở một bên đó.
Thầy Thiện trở lên rồi vô buồng thay đổi quần áo. Cách chẳng bao lâu, thầy nghe Con Yến ở phía trước la lớn: “Má về, má về”.
Thầy mặc một bộ đồ mát bằng vải trắng, vừa bước ra thì thấy vợ, là cô Oanh, cũng vừa ngừng xe kéo trước cửa.
Cô Oanh trả tiền xe rồi đi vô nhà, tay cô ôm một gói nhẹ mà lớn, gói bằng giấy trắng lại có buộc dây đỏ.
Thầy Thiện ngó vợ và cười hỏi:
- Mình đi lấy áo phải hôn?
- Ừ, tôi hẹn với chị Tuyết tối nay đi dự cuộc dạ yến dưới dinh Xã Tây với chỉ, nên phải lấy áo mới về mà mặc, chớ áo ở nhà cái nào cũng cũ mèm, bận coi sao được. Nè, áo mới họ may thiệt khéo, để tôi mặc thử cho mình coi nghe hôn. Thiệt thợ may bây giờ họ ăn mắc là đáng lắm.
Con Yến đứng chàng ràng một bên, mà cô Oanh không thèm ngó tới con, để lo cởi áo lụa trắng đương mặc trong mình đó ra, rồi soi kiếng và mặc cái áo mới vô.
Thầy Thiện bước tới nắm tay con, dắt đi lại cái ghế canapé để gần bàn viết mà ngồi, rồi cha con ngó cô Oanh mặc thử áo mới. Cái áo hàng màu thiếc may theo kiểu kim thời, có thiêu bông xanh, kích thước vừa vặn, cô Oanh bận sát trong mình, cô làm cho tỏ rõ cái vóc xinh đẹp của cô, ngực nở, lưng eo, đít tròn, tay nhỏ.
Cô Oanh hỏi chồng:
- Mình coi tôi mặc cái áo màu nầy đẹp hay không vậy mình?
- Đẹp lắm. Nước da mình trắng, mình mặc màu đó thì phải rồi.
- Còn mình nhắm thử coi thợ may vừa hay không?
- Vừa lắm.
- Khéo thiệt chớ, phải không?
- Ừ, khéo thiệt. Mình đặt áo mà có đặt may luôn cái quần hay không?
- Có chớ. Cái quần còn trong gói kia. Bây giờ chị em người ta bận đồ bộ hết thảy, mình may có một cái áo không, rồi bận lỏn chỏn như nhà quê, coi làm sao được.
Cô Oanh đứng ngắm trong kiếng đã thèm rồi day ra ngó chồng mà cười, khí sắc hân hoan, mặt mày thật là tươi tốt.
Thầy Thiện ngó vợ, thầy cũng vui vẻ, trong lòng đã quên hết các sự mệt nhọc trong hãng cả ngày vừa qua, mà cũng không thèm tưởng tới sự mệt nhọc mới sẽ tới một lát nữa đây, chừng ăn cơm rồi, vợ thầy đi chơi, con thầy đi ngủ.
Cô Oanh bận thử áo mới rồi cô thấy làm vừa ý, bây giờ cô cởi ra, vừa cởi vừa nói với chồng:
- Tối nay mình nghỉ viết một bữa đặng đi chơi với tôi nghe hôn mình.
- Nghỉ sao được. Phàm viết tiểu thuyết thì phải viết luôn luôn, tư tưởng mới liên tiếp, chớ nghỉ rồi nó đứt đoạn, câu chuyện bời rời, làm sao mà hay cho được.
- Ối, hay dở mà làm gì! Thứ viết tiểu thuyết đặng đăng báo, ta viết lấy có, miễn họ đọc cho vui thì thôi.
- Nói như mình vậy sao phải! Dẫu làm nghề nào cũng phải dụng tâm mới được chớ. Thuở nay tiểu thuyết của tôi đăng báo được công chúng hoan nghinh, ấy là nhờ tôi dụng tâm, dụng trí nhiều lắm nên mới được như vậy. Nếu tôi thấy người ta yêu rồi dãi đãi, không viết văn cho kỹ, không sắp chuyện cho kịch, để độc giả chán ngán, rồi làm sao mà kéo dư luận lại cho được.
- Mình cứ lo việc gì ở đâu hoài! Đi xem hát bóng, đi dự khiêu vũ chơi cho vui.
- Trong cuộc chơi, mỗi người có một chỗ thích riêng, người thích xem hát, người thích nhảy đầm, người thích đá banh, người thích cá ngựa, người thích tập lội, người thích đọc sách. Phận tôi thì tôi thích viết tiểu thuyết. Tại cái óc của tôi nó thích như vậy, không thể sửa đổi được.
- Ở đời phải hưởng các thú vui của đời thì sự sống của mình mới có ý nghĩa, chớ sống mà lọ mọ dưới bóng đèn, bôi lem trên giấy trắng tối ngày sáng đêm thì sống vô ích quá.
- Sao lại vô ích. Tôi viết tiểu thuyết đặng đăng báo mỗi tháng cũng có được sáu chục đồng bạc chớ.
- Nhiều dữ há!
- Tuy không nhiều, nhưng cũng nhờ nó phụ thêm với số lương bảy chục đồng hãng phát, nên mấy năm nay trong nhà mới khỏi túng rối đó chớ.
Con Yến nắm tay ba mà nói: “ba biểu dọn cơm ăn đi ba. Con đói bụng rồi”.
Thầy Thiện gật đầu: “Ừ, để má xếp áo rồi sẽ đi ăn”.
Cô Oanh châu mày mà nói: “Con quỉ Sáu nó làm giống gì ở đâu mà ở nhà con nhỏ đói bụng nó không chịu lấy cơm cho con nhỏ ăn vậy kìa! Biểu chị Thình dọn cơm đi cho mau… Ối thôi, một chút nữa rồi bận mà xếp giống gì, để máng trên giá cho khỏi có lằn”.
Cô xách hết hai cái áo và gói quần đi vô buồng, rồi bận một cái áo bà ba lụa màu hường mà đi ra.
Con Sáu ở phía sau đi lên nói: “Thưa, dì hai Thình sửa soạn dọn cơm ở dưới”.
Cô Oanh nói: “Ừ, biểu dọn riết đi, tao ăn ba hột rồi tao sửa soạn đặng còn đi dự dạ yến chớ. Nếu chỉ làm chậm chỉ để tao trễ đây, đố chỉ khỏi tay tao:.
Cô kéo một cái ghế mà ngồi rồi lột đôi bông tai mà lau, lầm bầm nói với chồng:
- Đôi bông tai hột nhỏ xíu đeo mắc cở hết sức. Muốn cặp hột trồng trộng một chút, nói với mình mấy năm nay, mà mình làm lơ hoài.
- Tôi muốn sắm cho mình lắm chớ, ngặt vì tiền không có dư tôi biết làm sao.
- Một cặp hột đeo coi cho được chừng bốn năm trăm chớ bao nhiêu.
- Mình nhớ lại coi có khi nào tôi có tới số bạc đó hay không? Nếu tôi có mà không sắm cho mình hãy trách tôi chớ.
- Hễ nói thì mình cứ than không tiền. Thôi thì bữa nào tôi mua một đôi bông đầm tôi đeo, chớ đeo xoàn mà hột nhỏ quá như đồ con nít, coi kỳ cục lắm. Mà sắm được bộ đồ còn thiếu đôi giày đây nữa.
- Mình có giày mà.
- Có mà nó cũ, mang coi không xứng với bộ áo quần mới đó chớ.
- Mang đỡ tới đầu tháng rồi sẽ mua.
- Tự nhiên phải mang đỡ chớ sao. Bây giờ trễ rồi, dầu muốn mua cũng không kịp… còn cái bóp nữa, chị em người ta dùng bóp mười đồng, còn tôi cầm bóp ba đồng, coi hèn hạ quá.
- Bóp để đựng khăn, son phấn, hoặc đựng tiền chút đỉnh cần gì phải mua đồ mắc tiền.
- Xài đồ mắc tiề
mới sang trọng chớ.
- Sang trọng hay không là tại mình, chớ đồ mình dùng có thể gì nó làm mình sang trọng được. Ví như một tên xa phu may được trúng số rồi mua xe hơi mà đi, cái xe hơi có làm cho nó sang trọng được đâu.
- Mình nói chuyện nghe xưa quá! Đời nay hễ xài đồ tốt thì sang, bởi gì đồ đó ở trước con mắt người ta chớ học thức hay là đạo đức đều không có hình thức, ai thấy được đâu mà kính phục.
Thầy Thiện lắc đầu.
Con Sáu ra thưa cho chủ hay cơm đã dọn rồi. Vợ chồng thầy Thiện đứng dậy dắt con đi vô trong mà ăn cơm.