HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Bỏ Chồng
Chương 11

Cách một tháng sau, con Yến mạnh rồi, nó đã theo cô Lý mà đi học, song nó ốm lung lắm, nên thầy Thiện phải lo cho nó ăn, cho nó uống thuốc bổ đặng lấy sức lại.

Một đêm, thầy Thiện ăn cơm tối rồi thì có đứa ở của cô Lý mời thầy qua nhà cô cho cô nói chuyện. Thầy vừa bước vô thì cô Lý nói nhỏ nhỏ:

- Tòa đã xử chị Oanh rồi.

- Sao cô biết?

- Em hỏi thăm, em hay sớm mơi nầy tòa xử vụ án, nên em có xin phép nghỉ dạy một buổi đặng đi nghe xử. Em không muốn cho con Yến nghe nói chuyện nầy, nên em mời anh qua bên nầy đặng nói riêng cho anh hay.

 Thầy Thiện kéo ghế mà ngồi rồi mới hỏi:

- Tòa lên án định tội bao nhiêu?

- Tòa kêu sáu tháng tù, song được hưởng án treo.

- Nếu vậy thì nhẹ lắm.

- Nhờ ông Trạng sư cãi hay quá.

- Có mướn Trạng sư hay sao?

- Có. Ông Trạng sư công kích Hội đồng Đàng dữ quá. Ổng chỉ trích thói hèn hạ, khiếp nhược của thằng cha đó; ổng kêu nó là đồ phá gia cang của thiên hạ, là quân đánh đổ luân lý của xã hội. Chừng tóm lại ổng nói chị Oanh bị gạt mà phải sụp đổ gia đình, phải hư hại danh tiết, nếu chị là người có sức mạnh như đờn ông thì có lẽ chị giết chết đứa bợm bãi đó mới vừa với sự hại của chị. Bởi chị là đờn bà yếu đuối nên chị dùng thuốc phỏng mà trừng trị có ý cho một bài học mà thôi, chớ không hại tới tánh mạng. Ông Trạng sư cãi lẽ làm cho Hội đồng Đàng hổ thẹn hết sức.

- Vợ tôi làm như vậy cho đã nư giận một chút mà thôi, chớ bề nào nó cũng không rửa cái nhơ của nó được.

- Phải lắm. Tấm gương trinh đã rã rời thì làm sao mà ráp cho lành lại như xưa được. Tuy vậy mà người làm bể tấm gương đó mình phải phạt nó chớ.

- Cũng tại mình hư hỏng, không biết giữ gìn nên nó mới làm bể được chớ.

- Anh là đờn ông nên anh binh phe đờn ông. Hồi sớm mơi em thấy mặt ông Hội đồng Đàng có thẹo hết phân nửa, em ưng bụng quá. Trên Tòa ai cũng ghét thằng cha đó hết thẩy, không biết nó đã tởn hay chưa.

- Dầu nó tởn, nó chừa cái thói phá gia cang của người ta, thì còn thằng khác thế cho nó: ở đời nầy, thiếu gì người như vậy, nào phải có một mình nó hay sao.

- Hồi sớm mơi, Tòa tha chị Oanh rồi, em có gặp chị nữa. Chị từ biệt em mà chị khóc, chị cậy em xin anh đừng phiền chị nữa. Chị nói chị không dám gặp mặt anh, chị sẽ đi xứ khác mà ở cho biệt tích. Tội nghiệp, nói tới con Yến chị khóc dữ quá.

Cô Lý nói tới đó rồi cô liếc mắt dòm coi ý tứ thầy Thiện thế nào. Thầy ngồi im lìm một hồi mới nói: “Nhờ có con Yến tôi mới còn sống được đây. Mà cũng nhờ nó nên tôi mới có thể nghe cô thuật chuyện vợ tôi được. Thôi, bây giờ đời tôi chỉ còn vui với một chút con đó. Tôi phải lo cho nó, hơn một năm nay, cô lấy tình anh em mà giúp tôi trong sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nó, thiệt ơn của cô nặng không biết chừng nào. Nếu cô sẵn lòng giúp tôi như vậy cho tới chừng con Yến lớn khôn thì dầu nó không có mẹ cũng chẳng hại gì”.

Cô Lý muốn đổi câu chuyện, nên cô nói:

- Người ta nói trên Đà Lạt phong thổ tốt lắm, ai lên đó ở ít ngày thì cũng mập mạp, khỏe mạnh, con Yến ốm quá, vậy anh coi lúc nào rảnh anh xin phép nghỉ một tháng rồi đem cháu lên Đà Lạt ở thử coi nó lấy sức lại được hay không.

- Phải. Lên Đà Lạt ở thì chắc tốt lắm. Thôi, để đợi tới bãi trường rồi tôi sẽ xin phép mà đưa nó đi, có lẽ cô đi với cha con tôi cũng tiện.

- Bãi trường thì tôi rảnh, nhưng còn tới năm, sáu tháng nữa, sợ lâu quá.

- Đến tháng đó phong thổ trên Đà Lạt mới tốt, chớ tháng khác lạnh quá, hoặc mưa quá nên không hạp với sức mình.

- Thôi, để rồi sẽ tính.

Thầy Thiện từ mà về đặng biểu con Sáu giũ mùng cho con Yến ngủ.