HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Bỏ Chồng
Chương 7

Một buổi chiều lối năm giờ rưởi, cô Lý đứng trước một gian hàng bán trái cây tại Chợ Cũ, lựa bom và xá lị mà mua. Chệc cân và gói trái cây cho cô. Cô liền mở bóp lấy tiền trả, bỗng thấy một chiếc xe hơi lớn ngừng gần đó, rồi cô Oanh và cô Tuyết trên xe bước xuống, cô nào y phục cũng may theo kiểu tối tân, mà nhứt là cô Oanh trang điểm hẳn hoi tóc cụt và uốn quăn, nên tướng mạo coi thiệt là đẹp, song cái đẹp ấy có vẻ nhơn tạo, chớ không có vẻ tự nhiên như hồi trước.

Cô Lý sợ cô Oanh gặp mình rồi ái ngại, bởi vậy cô không dám ngó cô nọ, cứ kiếm chuyện nói với người chệc bán trái cây. Chẳng dè cô Oanh đi ngang qua ngó thấy cô Lý thì đứng lại, rồi vỗ vai cô Lý mà hỏi: “Chị Lý, chị mạnh giỏi hả?”

Cô Lý day lại ngó hai cô nọ mà cười và đáp: “Tôi chào hai chị. Cám ơn, tôi mạnh giỏi luôn luôn. Hai chị đi đâu đây?”

Cô Oanh cũng cười và nói:

- Trời mát, nên thả đi chơi, chớ biết đi đâu mà nói. Chị mua trái cây phải không?

- Phải. Tôi mua ít trái xá lỵ.

- Sao chị không qua nhà hàng Tây bên Catinat mà mua. Bên nầy, chệc bán đồ nầy ngon lành gì.

- Tôi mua bậy ít trái, không cần gì phải ngon cho lắm. Mua đồ bên Catinat mắc quá.

- Oái! Ăn ngon thì thôi, mắc rẻ chút đỉnh mà hại gì. Chị mua rồi chưa?

- Mua rồi.

- Vậy tôi mời chị lên xe hơi chạy một vòng vô Chợ Lớn chơi với hai chị em tôi.

- Cám ơn chị. Tôi mắc việc không thể đi chơi được.

- Việc gì? Chị còn dạy học hay không?

- Còn.

Cô Tuyết bây giờ mới nói: “Chị Lý là bực giáo sư, mắc lo giữ luân lý đặng làm gương cho sắp nhỏ, chị đương chịu đi chơi như tụi mình”.

Cô Lý đáp: “Xin lỗi chị, không phải vậy. Đi chơi là một việc cần ích cho sự sống của người làm việc về trí não. Đi chơi chánh đáng thì có hại cho luân lý chỗ nào đâu mà tôi không chịu đi chơi. Tôi từ là vì tôi bận việc bữa nay không thể đi được chớ.

Cô Oanh nói: “Thôi, chị mắc việc thì hai chị em tôi đi”.

Cô Lý thấy cô Oanh nãy giờ không thèm hỏi thăm tới chồng con thì cô lấy làm buồn. Bây giờ nghe cô Oanh tính đi, cô muốn gợi thử lòng cô nọ, nên cô nói:

- Nầy, chị Oanh, con Yến học giỏi quá đa chị. Học chưa đầy một năm mà nó đọc sách giòn giã, viết lẹ làng lắm.

- Vậy hả?

- Chị nhớ nó hay không?

Cô Oanh châu mày, đứng dụ dự một chút rồi mới đáp.

- Có khi cũng nhớ vậy chớ.

- Tội nghiệp con nhỏ quá. Nó nhớ chị nên coi nó ốm nhiều.

Cô Oanh cúi mặt ngó xuống đất, không nói nữa.

Cô Lý biết cô đã động lòng nên nói tiếp: “Có vậy mới biết con thương mẹ hơn mọi người hết. Ấy là tại tánh tự nhiên trời khiến như vậy. Như con Yến đó, nó đương chạy chơi mà hễ nghe ai nhắc tới má nó thì nó buồn hiu, rưng rưng nước mắt, rồi kiếm chỗ mà ngồi. Thiệt tôi thấy thương quá”.

Cô Oanh đứng lặng thinh.

Cô Lý nói nữa: “Bữa nào chị về thăm nó một chút. Chị về chắc nó mừng lắm”.

Cô Oanh suy nghĩ rồi lắc đầu mà đáp:

- Tôi nhà về đó nữa sao được.

- Sao lại không được?

- Rủi gặp thầy rồi làm sao! Mà dầu không gặp đi nữa, con Yến hoặc trẻ ở trong nhà nó học lại với thầy thì kỳ cục cho tôi quá.

- Có gì đâu mà kỳ cục. Tôi biết ảnh còn thương chị lung lắm. Tôi chắc hễ chị về, chị nói một tiếng xin lỗi với ảnh, thì việc gì ảnh cũng quên hết.

Cô Oanh suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Không được. Tôi đã nói dứt với thầy rồi.

- Giận nên nói vậy chớ dứt giống gì.

- Tôi nói với thầy đã hết duyên hết nợ rồi. Tôi có biểu thầy kiếm vợ khác mà làm ăn. Bây giờ tôi còn về đó nữa làm chi.

- Ảnh còn thương chị lung lắm. Tôi chắc chẳng bao giờ ảnh chịu cưới vợ khác đâu.

- Thầy còn thương tôi nhưng tôi không thể thương thầy được nữa.

- Tại sao vậy?

- Tại tôi có chồng khác rồi.

- Chị nói chơi làm chi vậy?

- Không. Tôi nói thiệt chớ. Tôi có chồng khác, ai cũng biết hết thảy. Có lẽ thầy cũng biết rồi nữa chớ.

- Tôi không nghe ảnh nói.

- Có lẽ nào ảnh không nói với chị.

- Thiệt tôi không nghe ai nói sự ấy hết.

- Nếu chị chưa hay bữa nay tôi nói đó cho chị hay. Xin chị làm ơn nói cho thầy biết, để thầy hết trông chờ tôi trở về nữa.

- Việc chị cậy đó là một việc khó làm hết sức, bởi vì báo một cái tin buồn cho người ta hay mình có vui gì đâu.

- Tin như vậy sao chị gọi là tin buồn? Chị tưởng thầy nghe tôi có chồng khác rồi thẩy buồn hay sao?

- Xưa rày ảnh buồn lung lắm, nhưng buồn mà còn hy vọng có lẽ chị thương nhớ con Yến rồi chị trở về. Nếu nay ảnh hay tin chị có chồng khác, hy vọng trở thành thất vọng, thì buồn càng lớn bội phần.

Cô Tuyết giành với cô Oanh mà đáp với cô Lý:

- Nếu Me - Sừ Thiện có buồn, thì chị làm ơn cắt nghĩa cho thầy hiểu.

- Người ta buồn mình làm sao cắt nghĩa cho người ta hết buồn được chị?

- Sao lại không được? Chị thiệt thà quá! Chị nói cho thầy hiểu rằng trong đạo vợ chồng nếu có một người vui lòng mà thôi, còn người kia không vui chút nào hết, thì không thể làm vợ chồng được. Theo lớp ông lớp bà mình hồi trước, kết vợ chồng chỉ lo cho người chồng bằng lòng, còn người vợ là tôi mọi, dầu vui hay buồn cũng phải chịu, nên không ai thèm kể tới. Đời bây giờ nam nữ bình quyền, nếu đờn bàn cần đờn ông bảo hộ , thì đờn ông cũng cần đờn bà giúp đỡ vậy chớ. Muốn cho niềm vợ chồng được đầm ấm lâu dài thì vợ chồng phải vui lòng như nhau mới được. Me - sừ Thiện kết vợ chồng với chị Oanh thì Me - sừ Thiện vui lòng mà chị Oanh không vui, thế thì ở làm sao được. Mà hễ liệu ở không được thì dứt phức đi cho rồi, nhứt là phải dứt lúc còn xuân xanh, kiếm người khác đồng tâm hiệp ý mà chắp nối cho khỏi uổng cho cái đời của chỉ. Chị cắt nghĩa rành như vậy cho Me - sừ Thiện hiểu thì tự nhiên thẩy hết buồn.

- Ồ! Về vợ chồng, chị có cái quan niệm mới lạ quá!

- Ở đời nào, phải có tâm hồn theo đời nấy chớ sao. Cứ bo bo giữ thói xưa hoài thì trái đời quá, coi sao được.

Cô Lý lắc đầu mà cười.

Cô Oanh vỗ vai cô Lý mà nói:

- Chị làm ơn về cắt nghĩa như vậy cho thẩy hiểu. Chị nói cho thẩy hay, tôi có chồng khác rồi thì thẩy mừng lắm chớ không buồn đâu mà chị sợ. Tôi biết chắc như vậy nên tôi mới cậy chị.

- Tôi không dám lãnh lời chị cậy đâu. Thà là để tự nhiên cho ảnh hay.

- Tôi muốn cho chị nói cho thẩy hay kìa chớ.

- Tại sao vậy?

- Tại vậy đó. Người khác nói cho thẩy hay có lẽ thẩy buồn, chớ nếu chị nói chắc thẩy vui lắm.

- Nghe lời chị nói, tôi không hiểu chị muốn thế nào.

- Coi kìa! Tôi nói dễ hiểu quá. Tại chị thiệt thà nên chị không muốn hiểu.

- Phải, tôi là người thiệt thà. Mà vì thiệt thà nên ý tôi ngay thẳng, lòng tôi trong sạch, bởi vậy những lời nói quanh quẹo, tôi không hiểu nổi.

Cô Oanh cười ngất rồi kéo cô Tuyết đi và nói vói lại với cô Lý. ”Thôi, chị về mạnh giỏi. Nãy giờ tôi nói chơi, chị đừng giận tôi nghe hôn. Tôi xin gởi con Yến cho chị dạy dỗ giùm. Chị làm ơn hun nó một trăm cái giùm tôi nhé”.

Hai người dắt nhau đi coi bộ vui lòng, mãn ý lắm.

Cô Lý đứng châu mày ngó theo rồi cô lắc đầu nói lẩm bẩm một mình: “Tội nghiệp quá! Ham vui chơi, ham chưng diện đến nỗi phải đi lạc đường sái nẽo mà không biết giựt mình, chưa chịu ăn năn! Còn kể gì nữa”.

Cô vói lấy hai gói trái cây rồi bước lên xe kéo mà mắt còn ngó theo cô Oanh.