Trời đã tối rồi mà cô Cúc chưa về.
Bà phán trông đợi hết sức rồi trong lòng lo sợ, nên bà đứng dựa lề đường mà coi chừng.
Một chiếc xe kéo ở hướng Bến Thành chạy vô, rồi ngừng ngay cửa. Bà phán tưởng con về, té ra coi lại thì là cô Kim.
Cô Kim cúi đầu chào bà và hỏi:
- Thưa bà, không biết em Cúc có ở nhà hay không?
- Không. Nó đi từ hồi ba giờ mấy tới bây giờ mà chưa về. Tôi trông quá nên ra đứng coi chừng nó đây.
- Đi đâu?
- Hồi trưa có ông Dương nào đó gởi thư nói ổng đã đi kiếm giùm công việc làm cho nó được rồi và ổng mời nó lên nhà cho ổng nói chuyện, nên nó mới đi đó.
- Cháu biết rồi, ông Dương là người mà chị em cháu gặp ngoài nhà hàng bữa hổm. Ổng nói ổng quen với ông hồi trước nhiều, và ổng hứa sẽ kiếm giùm cong việc cho em Cúc làm. Hôm trước cháu tưởng ổng nói câu chuyện qua đường, té ra ổng sẵn lòng thiệt mà.
- Chuyện như vậy nói một chút thì rồi, mà sao con Cúc nó ở lâu quá không biết. Tôi sợ có chuyện gì đây.
- Chắc ổng dắt em Cúc đi lại chỗ làm đặng ổng trình diện với người ta chớ gì.
- Hồi trưa tôi không muốn cho nó đi chút nào hết.
- Thưa bác, không có sao đâu mà bác phải lo. Xin bác vô nhà nằm nghỉ một chút nữa em Cúc sẽ về. Cháu lại đây đặng có mời em Cúc đi xem hát.
- Chừng nầy mà nó chưa về thì làm sao mà đi xem hát cho được.
- Thưa còn sớm mà, chưa tới 7 giờ. Đúng 9 giờ họ mới hát. Em Cúc về ăn cơm rồi đi xem cũng kịp.
Bà phán trở vô nhà, mặt bà buồn hiu. Cô Kim đi theo, kiếm chuyện nói cho bà khuây lãng.
Hai người vừa ngồi thì thấy cô Cúc leo xuống xe kéo rồi xâm xâm đi riết vô sân.
Bà phán vui mừng nói: “Con nhỏ về kia!”.
Cô Cúc Bước lên thềm và nói: “Má cho con một đồng bạc trả tiền xe”.
Bà phán móc túi lấy một đồng bạc đưa cho con và hỏi: “Cái bóp của con đâu? Đi hồi trưa má thấy con cầm bóp mà”.
Cô Cúc xây lưng trở ra đường đặng trả tiền xe và đi và nói: “Bóp của con mất rồi”.
Bà phán với cô Kim ngó nhau chưng hửng.
Cách một hồi cô Cúc trở vô nói: “Con cầm cái bóp đập vô mặt thằng cha già dê mấy cái mạnh quá, cái bóp văng xa rồi con lật đật con chạy, con không dám trở lại mà lấy”.
Bà phán nghe mấy lời, bà càng chưng hửng hơn nữa, nên bà hỏi:
- Thằng cha già nào ở đâu?
- Thằng cha già TrầnThái Dương đó.
- Khốn nạn dữ hôn! Vậy mà hổm nay con nói tử tế lắm?
- Con lầm, để một chút rồi con thuật lại cho má nghe.
Cô Cúc ngồi dựa cô Kim và hỏi:
- Chị ra ngoài này hồi nào? Hồi nãy em có vô nhà em kiếm chị. Người nhà nói chị đi Sài Gòn.
- Phải. Hồi chiều tan học rồi tôi đi ra Sài Gòn mua hai cái giấy hát đặng tối nay chị em mình đi xem chơi. Tôi mới trở vô tới đây. Ông Dương mời em lên nhà rồi ổng làm sao mà em đánh ổng, đâu em nói phứt nghe thử coi.
- Khốn nạn lắm! Chị biết thằng cha già đó phải hôn! Bộ coi phong lưu sang trọng quá! Bộ như vậy đó làm sao mà không lầm cho được .
- Phải, bộ ổng sang trọng lắm. Mà em lên nhà rồi ổng làm sao kia? Em nói phứt đi mà.
- Chị nóng nảy quá! Để thủng thẳng rồi em sẽ nói chớ.
- Nghe như vậy làm sao mà không nóng cho được.
- Hôm nọ, có chị, nó hứa để nó kiếm công việc cho em làm. Hồi trưa này nó gởi thơ cho em mà nói đã kiếm được việc rồi và mời em bốn giờ chiều lên nhà đặng nó cắt nghĩa cho em nghe. Em lên tới đó, em gặp nó đương đứng ngoài sân. Nó mở cửa mời em vô nhà, rồi nó nói phòng làm việc của nó ở trên lầu, nên mời em đi thẳng lên lầu. Lúc mới vô tới sân, nó nói bồi bếp mắc đi mua đồ hết. Em tưởng đâu bồi bếp vắng mặt, song trong nhà cũng có vợ con, nên em không nghi ngại. Chừng lên lầu rồi nó nói vợ con nó ở dưới ruộng hết, nó ở nhà có một mình mà thôi. Chừng đó em mới giựt mình em nghi nó gài bẫy mà hại thân danh của em. Em đề phòng lắm; muốn lập thế đặng đi về cho mau. Em thôi thúc xin nó cho em biết coi nó kiếm giùm việc gì cho em làm. Nó không chịu nói, cứ kiếm nói dong dài rồi lần lần mở hơi ghẹo tình em. Em mắng nó rồi em đứng dậy đi về. Chừng ấy nó tỏ thiệt nó thương em, nó nói như em ưng làm bé nó thì mỗi tháng nó cho em một trăm đồng bạc hay là em muốn nhiều hơn nữa cũng được, dầu em muốn mấy ngàn nó cũng chịu hết thảy. Em chống cự rồi em đi xuống thang lầu. Nó lại mà ôm em. Em đập cái bóp trên mặt nó mấy cái, em xô nó té lăn cù rồi em đi. Thằng cha đó là con quỉ, sanh ở thế gian đặng phá trinh phá tiết người ta, chắc thuở nay nó đã có hại phụ nữ nhiều rồi. Làm mặt giàu sang lễ nghĩa coi được lắm, mà ruột gan thì dơ dáy đê tiện chẳng khác súc vật. Trời sanh chi thứ người đó không biết!
Bà phán châu mày nói:
- Hồi trưa má nghi trúng quá. Má biểu con đừng có đi, con không nghe lời. Má tính đi theo con cũng không cho.
- Con đâu dè ở giữa châu thành Sài Gòn mà có thứ “ba nài” như vậy?
- Đàn ông dê ở xứ nào lại không có. Phận đàn bà con gái mình phải đề phòng chớ.
- Con không sợ, hễ đàn ông con trai mà vô lễ với con thì con trừng trị thẳng tay.
- Sức lực con bao nhiêu mà con dám nói lớn lối như vậy? Không dễ đâu con. Bữa nay con thoát khỏi thằng cha Dương đó là may đa. Nếu con ỷ sức, sợ e có ngày con phải mang họa lớn.
Nghe lời mẹ khuyên đứng đắn như vậy, cô Cúc không dám cãi nữa.
Cô Kim hay chuyện bất chánh của ông Dương thì tức giận không nín được, nên cô hỏi bà phán:
- Thưa bác, người làm nhục em Cúc như vậy, bây giờ bác tính phải làm sao?
- Biết làm sao bây giờ?
- Cháu tưởng phải đến bót mà thưa đặng ông cò bắt thằng cha đó mà giải tòa án định tội nó chớ.
- Tôi sợ không được. Nó làm việc khốn nạn như nậy, không ai ngó thấy. Nếu mình thưa kiện thì nó chối, thì mình có chứng đâu mà đối nại.
- Nếu vậy người ta làm nhục mình rồi mình nhịn thua hay sao? Bác có quen với ông trạng sư Xương, cháu tưởng bác nên đến hỏi ổng coi có luật gì buộc tội thằng cha Dương được hay không. Ổng biết luật, chắc ổng liệu thế hại thằng cha khốn nạn đó mà báo thù cho em Cúc được.
Cô Cúc lật đật nói: “Ý! Không được, đừng có nói cho anh trạng sư Xương biết việc nầy. Tôi không chịu đâu”.
Bà phán ngồi suy nghĩ một chút rồi bà thở dài mà nói: “Đồ khốn nạn đó, thiệt cũng nên cậy pháp luật trừng trị đặng cho nó tởn mà chừa cái thói tiểu nhơn của nó. Ngặt con Cúc là gái mới lớn lên, nếu mình thưa kiện thì thiên hạ họ hay hết rồi nó mang tiếng mang lời, làm sao nó lấy chồng cho được. Tôi nghĩ khó lắm, chớ không phải dễ đâu. Bây giờ mình muốn làm cho ra chuyện, tự nhiên mình phải cậy ông trạng sư Xương, chớ biết cậy ai... Cha chả! Mà cậy việc gì, chớ cậy việc nầy coi cũng kỳ quá, khó mở miệng cho được.
Ổng thương con Cúc, ổng muốn cưới nó. Nó lại nạn ổng ra, làm cho ổng phiền; bây giờ có chuyện như vậy, mình còn mặt mũi nào mà đến cậy ổng?”.
Cô Kim chưng hửng day qua ngó cô Cúc mà hỏi:
- Sao em lại chê ông trạng sư Xương?
- Không phải chê. Trong đạo vợ chồng phải có dây ái tình nó buộc hai trái tim thì mới có hạnh phúc được. Em đã không có tình với anh Xương, mà trái lại trái tim của em đã bị người khác chiếm đoạt mà làm chủ rồi thế thì làm sao em ưng anh Xương cho được.
- Ông trạng sư Xương là người đứng đắn. Tuy ổng trọng tuổi hơn em, nhưng mà ổng vì tình nên xin cưới em, thế thì ổng cũng làm cho em hưởng hạnh phúc trọn đời được, sao em lại phụ tình ổng?
- Chị cũng như má em, chị cũng lấy lý mà luận nữa! Em trọng cái tình, còn chị do cái lý, thế thì làm sao mà hiểu nhau được. Thôi, bỏ chuyện đó đi, để bữa nào rảnh rồi em sẽ cắt nghĩa cho chị nghe.
- Nói chuyện phải trái cho em nghe vậy thôi, chớ việc vợ chồng là việc trăm năm của em, tự em nhứt định, chị không dám ép.
- Em đói bụng quá, để ăn cơm rồi sẽ nói chuyện nữa. Còn việc của thằng cha già dê, để ít bữa rồi em sẽ liệu coi có nên kiện nó hay không.
Mẹ con bà phán kêu người nấu ăn biểu dọn cơm.
Cô Kim thưa với bà phán:
- Em Cúc mới gặp việc buồn vậy cháu xin phép bác đặng dắt em đi xem hát chơi cho giải trí.
- Con gái mà đi ban đêm sợ không tiện.
- Thưa, có cháu thì không hại gì. Chừng vãng hát cháu sẽ đưa em về tới nhà.
- Nếu nó chịu đi thì đi.
Cô Cúc hỏi cô Kim:
- Chị rủ xem hát gì ở đâu?
- Tối nay ngoài rạp hát Thành phố có ban hát cải lương hát tuồng mới, họ đồn hay lắm. Tôi đã mua sẵn hai cái giấy rồi đây. Chín giờ khai diễn. Em ăn cơm rồi đi kịp.
- Hồi chiều chị đi ra ngoài Sài Gòn đặng mua giấy đó phải hôn?
- Phải. Thôi, em lại ăn cơm đi, rồi sửa soạn mà đi.
Chị phải ăn cơm với em thì em mới chịu đi.
- Tôi ăn cơm rồi; đi mua giấy hát rồi tôi trở về nhà ăn cơm. Gần 7 giờ tôi mới ra đây.
Mẹ con bà phán lại bàn ngồi ăn cơm. Cô Kim cũng ngồi bên cô Cúc đặng nói chuyện chơi.
Cô Cúc lơ lửng, nói đói bụng mà bộ ăn không ngon. Một lát cô thở ra mà nói: “Thấy cuộc đời sao chán quá! Sống với cái đời chất chứa đầy những thói dã dối, những sự khó khăn, thì làm sao mà mong hưởng hạnh phúc cho được”.
Cô Kim cười mà đáp: “Đời để làm cho người ta chán, mà mình đừng thèm chán, thì mình mới hay... Còn hạnh phúc... Muốn hưởng hạnh phúc phải tùy thời cuộc, tùy hoàn cảnh mà tạo nó, chớ không nên trông mong chờ đợi”.
Cô Cúc ngó cô Kim mà cười và nói: “Triết lý gia!”.