HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Hai Khối Tình
Chương 08

Lối 10 giờ sớm mai ông trạng sư Xương ở trên tòa trở về phòng làm việc. Vừa bước vô cửa ông ngó thấy bà phán thì mừng rỡ nói: “Cháu chào thím. Mấy bữa rày cháu buồn quá, nên không lên mà thăm thím. Xin thím tha lỗi. Thím ra đây có việc chi hay không?”

Bà phán rơi nước mắt mà đáp: “Con Cúc bị bắt rồi ông ôi! Họ mới bắt đem nó đi, rồi tôi đi liền ra đây”.

Nghe mấy lời ấy, như sét đánh bên tai, ông Xương biến sắc, đứng ngơ ngẩn dường như không hiểu. Bà phán nói tiếp: “Tòa nói nó giết người ta. Oan lắm ông ôi! Ông làm sao cứu giùm nó!”.

Ông Xương nói: “Giết người ta? Em Cúc bị bắt về tội sát nhơn ? Việc nghe kỳ quá! Xin thím đi thẳng vô đây rồi thuật rõ công chuyện cho cháu nghe thử coi”.

Ông Xương dắt bà phán vô phòng làm việc của ông, ông mời bà ngồi ngay mặt ông, rồi ông mới hỏi:

- Người ta cáo em Cúc giết ai? Người ta lấy bằng cớ nào mà cáo như vậy?

Để thủng thẳng tôi nói có đầu có đuôi cho ông nghe. Hôm thứ năm cô giáo Kim dắt con Cúc đi kiếm công việc làm. Hai chị em nó đi gặp ông Dương nào đó không biết, ổng nói quen với cha con Cúc hồi trước và ổng hứa sẽ kiếm giùm công việc cho nó làm. Hồi trưa hôm qua ổng có gởi cho nó một bức thơ, ổng nói đã sắp đặt chỗ cho nó làm rồi và biểu 4 giờ chiều nó lên nhà ở trên đường Garcerie đặng ổng cắt nghĩa cho nó nghe.

Tôi không muốn cho nó đi, mà nó không nghe lời, nó cứ đi. Nó đi cho tới 7 giờ tối nó mới về. Tôi trông nó hết sức. Cô giáo Kim ra rủ nó đi xem hát, cô cũng chờ nó. Chừng nó về, nó nói ông Dương gạt nó đến nhà rồi ghẹo chọc nó, biểu nó làm bé ổng. Nó giận nó mắng ổng. Ổng làm ngang muốn ôm nó. Nó lấy cái bóp mà đập vô mặt ổng làm văng mất cái bóp. Nó bỏ mà chạy ra đường, rồi kêu xe vô Cầu Kho mà kiếm cô giáo Kim; kiếm không được nó mới trở về nhà. Tôi giận tôi muốn lên bót mà thưa. Song tôi nghĩ ông Dương làm việc quấy như vậy mà vì ở trong nhà ổng nên không ai làm chứng cho mình, nếu mình thưa kiện mà không có chứng thì họ chối được. Đã vậy mà con Cúc là gái mới lớn lên. việc khốn nạn như vậy mà thưa tùm lum rồi thiên hạ hay hết càng thêm xấu hổ. Ăn cơm tối rồi cô giáo Kim dắt con Cúc đi xem hát, tới khuya nó về ngủ như thường. Hồi sớm mai nầy người ta tới xét nhà tôi rồi bắt con Cúc đem ra xe hơi mà chở đi, nói nó giết ông Dương. Ông nghĩ thử coi oan ức là dường nào. Con Cúc sức lực bao nhiêu làm sao nó giết một người đàn ông cho được. Xin ông làm sao gỡ tội cho nó, chớ để nó ở tù thì tội nghiệp quá.

- Cháu cũng không tin em Cúc sát nhơn. Mà ai bắt em Cúc đó?

- Tôi có biết đâu. Có ba người Pháp với năm sáu người Việt Nam đến xét nhà và bắt nó.

- Xét nhà họ có lấy vật chi hay không?

- Không có lấy món nào hết.

- Hồi hôm, lúc em Cúc đi lên nhà ông Dương rồi trở về, thím nhớ xem em có sắc lo sợ hay không?

- Không. Nó thuật chuyện lại cho tôi và cô giáo Kim nghe, thì nó có sắc giận, chớ không phải sợ. Một lát rồi vui vẻ như thường, nó theo cô giáo Kim đi xem hát, có sợ đâu.

- Ông Dương đó chết hồi nào? Chết cách nào? Chết tại đâu? Thím có biết hay không?

- Tôi không biết.

- Thím có biết họ chở em Cúc đi đâu không?

- Tôi cũng không biết.

- Nếu có xét nhà thì chắc quan thẩm án hoặc quan biện lý bắt. Mà hễ tòa bắt thì tự nhiên giam vào khám lớn. Thôi, để cháu đi hỏi thăm liền. Dầu em Cúc có tội hay là vô tội, cháu cũng xin lãnh mà bào chữa cho em tới cùng. Xin thím về nhà mà nghỉ, để cháu lo cho. Đã trưa rồi, như buổi sớm mai cháu tìm không ra mối thì buổi chiều cháu sẽ tìm nữa. thím an tâm để cháu hỏi coi công việc như thế nào rồi tối cháu sẽ lên nhà mà thưa lại cho thím hay.

- Cám ơn ông. Xin ông tận tâm lo cứu giùm nó, đừng phiền nó tội nghiệp.

- Thưa, không. Cháu có phiền em Cúc đâu. Cháu buồn riêng phận cháu mà thôi chớ.

Ông trạng sư Xương đưa bà phán ra khỏi cửa, rồi ông trở vô đứng suy nghĩ thế nào không hiểu mà ông ứa nước mắt, phải móc khăn trong túi ra mà lau. Ông kêu người giúp việc giao giấy tờ rồi đội nón ra đi.

Tối bữa đó cô giáo Kim ra nhà bà phán, tính ra đặng khuyên giải cô Cúc cho cô hết thất chí thất tình. Chẳng dè ra tới đó hay việc cô Cúc bị bắt, lại nghe bà phán than khóc, thì cô động lòng chịu không được nên cô cũng rơi lụy.

Bà phán với cô Kim ngồi trông ông trạng sư Xương.

Quá 8 giờ, ông mới lại tới. Xe hơi ngừng ngoài đường, ông ôm cặp da mà đi vô, mặt mày buồn hiu.

Bà phán mời ông ngồi và hỏi:

- Ông tìm ra manh mối hay không?

- Thưa, cháu coi giấy tờ rồi, lại có giáp mặt với em Cúc nữa... Chuyện khó lắm... Cháu buồn hết sức...

- Sao vậy? Người ta có trình bằng cớ nó giết ông Dương hay sao?

- Thưa, không có bằng cớ chi hết... Mà trước mặt quan thẩm án, em Cúc nhận em giết chết ông Dương.

- Trời đất ơi! Thiệt nó giết người hay sao? Nếu vậy thì bị đày còn gì!

- Để cháu thuật rõ công việc cho thím nghe. Hồi sớm mai thím về rồi, thì cháu đi lên tòa liền. Thiệt quả quan thẩm án giam em Cúc. Cháu xin coi hồ sơ. Theo tờ vi bằng sở thời của quan kiểm sát sở tuần cảnh, hôm qua lối năm giờ chiều, tên bồi với người bếp của ông Dương đi chợ về. Tuy bếp đi từ hồi trưa, còn bồi mới đi hồi 3 giờ rưỡi, song hai người về một lượt. Bồi đem đồ mua lên lầu mà giao cho chủ. Lên tới đó thấy ông Dương nằm giữa một vũng máu còn ướt, người bồi liền tri hô lên. Ông cò với lính lại khám nghiệm thì ông Dương đã chết rồi bị ba vết dao nhỏ đâm rất sâu hai vết tại hông bên hữu và một vết tại yết hầu. Hộc tủ bàn viết bị cạy ra hư khoá hết. Ông cò liền báo cho quan biện lý hay. Quan biện lý lên, ngài dạy chụp hình bàn ghế chỗ ông Dương chết đó đặng lấy dấu tay, nhứt là mấy hộc tủ bàn viết bị cạy. Người ta lượm được cái bóp đàn bà, mở ra coi thấy có danh thiếp của em Cúc, lại có cái thơ của ông Dương gởi cho em. Tại cái thơ nầy người ta mới biết hồi 4 giờ chiều có em Cúc đến nhà ông Dương. Mà người bồi đi chợ về thấy ông Dương chết lối 5 giờ, máu còn ướt rượt. Ấy vậy người ta đâm ông Dương trước năm giờ một chút, nghĩa là sau khi em Cúc đi rồi và trước khi người bồi về tới.

- Nói như ông vậy, nghe phải quá. Sao tòa lại bắt con Cúc mà giam? Chắc khi con Cúc đi rồi có kẻ trộm cướp vô nhà đâm ông Dương rồi cạy tủ lấy vàng bạc chớ gì.

- Thưa, phải. Tòa bắt giam em Cúc là tại cái bóp; mà em Cúc cũng thú nhận có đến nhà ông Dương hồi 4 giờ và ở đó lối nửa giờ đồng hồ. Ấy vậy tòa giam là vì tình nghi nên giam để tra vấn cho ra mối, chớ không có bằng cớ nào mà định chắc em Cúc phạm tội sát nhơn. Còn mấy cớ nầy nữa đủ chỉ rõ ông Dương bị kẻ trộm cướp giết mà lấy bạc. Hình chụp bàn ghế chỗ ông Dương nằm chết thì không có dấu tay của em Cúc. Mấy hộc tủ bị cạy thì có dấu tay nhiều, mà cũng không có dấu tay của em. Người ta xét nhà em cũng không có tiền bạc. Đã vậy mà buổi sớm mai nầy vợ con ông Dương ở Rạch Giá lên tới, có khai với tòa rằng có gởi lên cho ông Dương một chài lúa đặng cho ông bán. Tra xét ra thì ông Dương bán lúa cho một chành lúa hiệu “Phượng Hoàng” ở trong Bình Đông. Ông chủ chành lúa khai ông Dương bán lúa đã lấy 11 ngàn đồng bạc hồi sớm mai hôm qua, lối 9 giờ. Bạc đem về để đâu? Không ai hiểu. Mà bây giờ trong nhà không còn số bạc ấy. Nhà không có tủ sắt. Có lẽ ông Dương để đỡ trong một cái hộc tủ bàn viết, rồi gần 5 giờ chiều người ta giết ông và cạy tủ mà lấy rồi. Mà người trộm cướp ấy chắc không phải em Cúc, bởi vì em là gái có lẽ nào em giết ông Dương được, lại xét nhà em thì không có bạc. Dầu không biết luật cũng thấy rõ em Cúc vô tội. Thế mà hồi gần tối quan thẩm án dạy dắt em Cúc lên phòng ngài làm việc cho ngài tra vấn mà lấy khẩu cung. Cháu là trạng sư lãnh bào chữa cho bị cáo, nên cháu phải ngồi thị chứng trong cuộc tra vấn. Quan thẩm án mới hỏi, thì em Cúc liền thú nhận em đâm ông Dương, chính tay em giết.

- Trời đất, quỉ thần ơi! Khai đại như vậy thì chết còn gì!

- Bởi vậy cháu hết hồn. Cháu can thiệp liền. Cháu xin tòa đình cuộc tra vấn, viện lẽ em Cúc bị tình nghi về tội đại ác, em mất hồn mất vía, loạn trí, loạn tâm, nên nói bậy nói bạ, không đúng với sự thật. Em Cúc lại cãi với cháu rằng em tỉnh táo như thường, không có loạn trí. Em khai thêm rằng em giết ông Dương là vì ông nói gạt em đến nhà đặng làm nhục thân danh của em; ổng toan việc cưởng dâm, nên em phải chữa mình em. Em nói quả quyết lắm, bộ không sợ sệt chút nào hết.

- Chết! Chết!

- Tuy vậy mà tòa cũng nhậm lời cháu xin, nên đình cuộc tra vấn lại. Dắt em Cúc trở xuống khám, cháu chạy thẳng lên đây mà thuật công việc cho thím hay. Khổ lắm! Nếu chuyện thiệt như vậy thì làm sao mà cứu em được, thế nào em cũng phải bị án.

Bà phán khóc rống lên. Cô Kim cũng khóc.

Ông Xương châu mày suy nghĩ một chút rồi nói: “Ví dầu em Cúc có giết ông Dương đi nữa nếu người ta hỏi em, có lẽ trước hết em phải chối; chừng nào người ta trưng đủ bằng cớ em không thể chối được nữa, rồi em sẽ chịu thiệt chớ sao người ta mới hỏi sơ, chưa buộc tội em mà em lại sốt sắng nạp mình như vậy. Khó hiểu quá!”.

Cô Kim nói: “Em nghi quá. Có lẽ tại Cúc thất tình, em chán ngán cuộc đời, em không muốn sống nữa, nên em quyết hủy mình chớ gì”.

Ông Xương chưng hửng, ông liền hỏi cô Kim:

- Tại sao mà em Cúc thất tình?

- Tại người em yêu, đã hứa cưới em đó, bây giờ họ ham giàu bội ước, họ tính cưới vợ khác, nên em phiền, em tính tự tử.

- Thiệt như vậy hay sao?

- Thiệt như vậy. Chuyện mới xảy ra hồi hôm nầy. Em Cúc đi xem hát với em, tình cờ gặp người tình. Người đó tỏ ý bội ước với em Cúc, rồi em Cúc ngã lòng thất chí. Em Cúc phiền muộn bực tức, nên khóc dữ quá. Em an ủi hết sức mà em Cúc cũng không nguôi.

- Nếu vậy thì em Cúc vô tội. Tôi sẽ cứu được. May lắm! Bây giờ tôi mới hiểu. Mà người tình của em Cúc là ai, người ấy bội ước cách nào, xin cô làm ơn thuật rõ lại cho tôi nghe đặng tôi liệu ý mà cứu em Cúc.

Cô Kim bèn đem chuyện hồi hôm đi xem hát gặp Hoàng ở đâu, Hoàng tỏ tâm sự với cô Cúc làm sao, cô Cúc thất tình rồi nói những câu gì, cô thuật rõ đầu đuôi lại hết cho ông Xương với bà phán nghe.

Bà phán chắc lưỡi lắc đầu mà than: “Tôi khuyên con hết lời, mà nó ỷ học giỏi, nó không thèm nghe tôi, nên bây giờ mới sanh ra việc như vậy! Tự do kết hôn! Vì tự do kết hôn nên mới gây họa đó, thấy chưa?”.

Cô Kim nói: “Hồi hôm cháu thấy em Cúc buồn quá, cứ đòi tự vận hoài, nên cháu kiếm lời khuyên giải, rồi đưa em về tới nhà. Trọn ngày nay cháu không an lòng, sợ em Cúc giận cùng rồi làm bậy. Tối nay cháu ra nữa đây là có ý ra đặng khuyên giải nữa; té ra đã trễ rồi, bây giờ biết làm sao mà cứu em cho được. Em xin ông trạng sư liệu giùm, ông ráng lập thế cứu em, chớ để em bị tù tội thì tội nghiệp thân em, cũng tội nghiệp thân phận bác phán lắm”.

Ông Xương thở dài mà nói: “Tôi đã có mang bịnh thất tình, nên tôi biết bịnh ấy hiểm nghèo là thế nào. Nó làm cho con người phải đau đớn buồn bực, hết muốn ăn, hết muốn ngủ, không còn ham việc gì, không còn vui cảnh nào nữa hết, chỉ muốn chết mất, hoặc xa lánh loài người cho rồi. Nếu em Cúc bị chứng bịnh ấy thì em thí thân nạp mình vào chỗ tù tội, nghĩ chẵng lạ gì. Tôi nói thiệt, vì em Cúc mà tôi đây hổm nay tôi cũng chán ngán não nề hết sức. Nhờ tôi là đàn ông, nên tôi mới có đủ nghị lực mà chống chỏi đặng vút vắt với đời. Nay em Cúc bị họa, vậy thì tôi phải ráng sức cứu em, dầu em không thương tôi đi nữa, tôi cũng phải làm trọn cái tình nặng của tôi với người tôi yêu. Tôi sẽ xin với tòa huỡn cuộc tra vấn để cho em Cúc tỉnh trí an lòng rồi sẽ hỏi mà lấy khẩu cung.

Trước khi tòa tra hỏi nữa, tôi sẽ xin phép vô khám mà nói chuyện với em Cúc. Tôi sẽ kiếm thế mà khuyên giải em, tôi sẽ cắt nghĩa chỗ lợi hại cho em hiểu, rồi tôi dạy em khai đặng khỏi tội. Tuy việc của em Cúc rối rắm khó khăn thiệt, nhưng mà thủng thẳng tôi tính có lẽ cũng gỡ ra được. Vậy xin thím với cô giáo an lòng, chẳng nên thối chí. Mình phải tin sự công bình của pháp luật. Pháp luật chẳng hề làm hại người vô tội bao giờ”.

Bà phán khóc và nói: “Thuở nay tôi chẳng có làm việc chi ác nghiệt, chẳng hiểu tại sao trời gieo tai họa trong nhà tôi như vầy. Chớ chi hôm đó nó ưng ông trạng sư thì êm quá; tại nó học theo tâm tánh người đời nay, nên mới sanh nhiều chuyện. Tôi biết ông trạng sư phiền nó lắm, song bây giờ thấy nó bị hại, ông không nỡ làm lơ. Dầu nó dại nó phụ tình ông, tôi xin ông hỉ xả đừng cố chấp.
Ông Xương cảm xúc không thể nói sự tình của ổng đối với cô Cúc được, nên đứng dậy từ giã mà về, hứa có chuyện gì lạ sẽ cho bà phán hay.