HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 
 
 
Ngọn Cỏ Gió Ðùa
Chương 01 - Quyển thứ nhứt - Ðau đớn phận hèn

Năm mậu-thìn (1808) nhằm Gia-Long thất niên, tại huyện Tân-Hòa, bây giờ là tỉnh Gò-Công, trời hạn luôn trong hai tháng, là tháng bảy với tháng tám, không nhểu một giọt mưa. Lúa sớm gần trổ, mà bị ruộng khô nên không nở đòng đòng[1], lúa mùa vừa mới cấy, mà bị đất nẻ[2] , nên cộng teo lá úa.

Cái cáng đồng, từ Rạch-Lá tới Bến-Lội, là vú sữa của nhơn dân trong huyện Tân-Hòa, năm nào cũng nhờ đó mà nhà nhà đều được no cơm ấm áo, đều (ngặc vì) năm nay cả đồng khô héo, làm cho dân cả huyện trông thấy đều buồn-bực thở than.

Tại Giồng-Tre có nhà bà Trần-Thị bần cùn đói rách, thuở nay trời cho trúng mùa mà nhà bà cũng không được vui, huống chi năm nay mất mùa, thiên hạ nhịn đói, thì nhà bà càng thảm khổ hơn nữa.

Bà Trần-Thị đã 65 tuổi rồi, bà góa chồng mà con trai lớn của bà là Lê-văn Ðây cũng bất hạnh, khuất năm trước, để lại cho bà một nàng dâu là Thị-Huyền, với bảy đứa cháu nội, đứa nhỏ hơn hết thì còn bú, đứa lớn hơn hết thì chưa quá 12 tuổi. Bà già yếu, từ đầu năm chí cuối năm thường òi ọp hoài, còn Thị-Huyền thì bị sắp con thơ đứa dắt đứa bồng nên có đi làm thì đi hái rau bắt ốc một giây một lát mà thôi, chớ không đi làm mướn làm thuê tối ngày cho được.

Tuy vậy mà bà Trần-Thị nhờ có thằng con nhỏ, tên là Lê-văn-Ðó, tuổi vừa mới hai mươi, vóc-vạt cao lớn, sức lực mạnh-mẽ hơn người, tánh nó chơn-chất thiệt-thà, trí nó chậm-lục u-ám song nó hết lòng lo làm mà nuôi mẹ già, nuôi chị dâu, nuôi cháu dại.

Khi Lê-văn-Ðó mới được 12 tuổi, thì cha mẹ đem cho ở đợ chăn trâu cho nhà giàu. Hễ trời gần sáng thì Lê-văn-Ðó đuổi trâu ra đồng, rồi khi thì nằm dưới tàng cây lớn, lúc thì ngồi trên lưng trâu cò[3], dầm mưa dan nắng tối ngày, bữa nào cũng như bữa nấy, trời chạng-vạng tối rồi mới về nhà chủ được. Có lẽ Lê-văn-Ðó nhờ ở ngoài đồng luôn luôn hấp thọ thanh khí nên sức lực mạnh-mẽ khác thường, nhiều khi trâu chạy, nó nắm đuôi mà kéo, trâu phải đứng lại, chớ không chạy nổi. Mà có lẽ cũng tại Lê-văn-Ðó ở ngoài đồng luôn luôn, gần-gũi với trâu bò, bạn bè cùng cây cỏ, nên trí tuệ không phát được, không biết lễ nghĩa, mà cũng không thông-thế sự chi hết.

Lê-văn-Ðó ở đợ gần 8 năm, đến năm ngoái anh cả là Lê-văn-Ðây chết rồi, mẹ mới đem về để giúp đỡ trong nhà và cho làm mướn làm thuê mà nuôi sắp cháu.

Hồi đầu mùa mưa, Thị-Huyền xới đất trồng khoai, vun giồng[4] tỉa bắp chung quanh nhà, còn Lê-văn-Ðó thì đi cày mướn lấy tiền đổi gạo đem về nuôi mẹ và nuôi sắp cháu. Hết cày rồi tới cấy, thì Lê-văn-Ðó lại đi nhổ mạ đắp bờ, làm cực nhọc tối ngày, tuy tiền công không được bao nhiêu, song mẹ với chị dâu tiện tặn, người xúc tôm bắt cá, người đào củ hái rau, khi ít thì để ăn, khi nhiều thì đem bán, nên trong nhà dầu không dư ăn dư để, chớ cũng không đến nỗi hụt thiếu bữa nào.

Ðến tháng chín tháng mười, ngoài đồng chẳng còn công việc gì làm nữa, mà trời hạn thất mùa, lúa cao gạo kém, các nông-gia đều ngồi khoanh tay nhau nháu[5], nên cũng không ai mướn làm việc gì trong nhà.

Trong huyện Tân-Hoà lúa cũ đã ăn hết rồi, còn lúa mới thì không có mà ăn tiếp. Các nhà nghèo thảy đều khốn-đốn nên có nhiều người phải bỏ nhà dắt vợ con qua xứ khác mà kiếm ăn.

Lê-văn-Ðó ngày nào cũng vậy, hễ sớm mai thức dậy thì đi từ xóm nầy qua xóm nọ, kiếm chỗ làm mướn đặng lấy gạo đem về cho mẹ với sắp cháu ăn, mà đi năm ba ngày mới có người ta ướn làm một ngày, lại ngày nào làm được thì họ huờn công (trả công) bằng một vùa gạo (một nửa sọ dừa dùng đong gạo), không đủ nấu cháo cho gia quyến húp mỗi người một chén, có đâu tới nấu cơm chia nhau ăn cho no được.

Lúc ban đầu trong nhà còn khoai còn bắp, hễ bữa nào Lê-văn-Ðó kiếm gạo không được thì Thị-Huyền nấu khoai hoặc bắp, rồi chia cho sắp con mỗi đứa con một củ khai, hoặc đôi ba muỗng bắp mà ăn đỡ, sắp nhỏ ăn không no, đến tối Lê-văn-Ðó đi làm về, chị dâu lấy tộ bắp nấu để dành mà đưa cho Lê-văn-Ðó ăn, thì sắp nhỏ bu lại đứng ngó lom lom, đứa xin cho một vài hột. Thị-Huyền rầy con, biểu để cho chú ăn no, đặng ngày sau có sức đi làm mà kiếm gạo. Sắp nhỏ sợ mẹ nên dang ra, song bụng đói quá, nên mặt buồn xo. Lê-văn-Ðó thấy vậy thương xót, không đành ngồi ăn một mình, day qua bên nầy đút cho đứa nầy một muỗng, trở qua bên kia đút cho đứa khác một muỗng nữa, đút gần hết tộ, té ra cũng không còn đủ cho nó ăn no được.

Cách chẳng bao lâu, khoai bắp trong nhà ăn đã sạch hết. Bữa nào không ai mướn Lê-văn-Ðó làm, thì cả nhà đều phải luộc rau luộc cỏ mà ăn đỡ, chớ không có cháo mà ăn. Sắp nhỏ nhịn đói mặt mày vàng ẻo; còn Trần-Thị đã già yếu rồi, mà trót mấy tháng nay bà lại chịu cơ hàn nữa, nên bà nhuốm bịnh nằm thiêm thiếp không dậy nổi.

Một bữa nọ Lê-văn-Ðó đi tối một ngày mà không có ai mướn làm việc chi hết. Lúc trời chạng-vạng tối, nó trở về nhà, hai chơn mỏi rụng, bụng đói xếp ve, lỗ tai lùng-bùng, cặp mắt cháng-váng. Chừng gần tới nhà, nó dừng chưn lại, gục đầu ngó xuống đất một hồi, rồi chậm rãi bước từ bước, dường như nhút nhát không muốn trở về nhà.

Nó bước vô tới đám bố[6] trồng trước cửa, thì thấy trong nhà không có đèn đuốc chi hết, mà may nhờ có bóng trăng dọi, nên tuy không đèn nhưng sáng lờ mờ. Nó lén đi vòng qua phía tay mặt, rồi vạch vách lá mà dòm vô nhà.

Thị-Huyền đương bồng đứa con út mà cho bú. Bỏ ba đứa nhỏ chạy chung quanh, một đứa nằm trên võng, một đứa vịn vai Thị-Huyền, còn một đứa ngồi bên cửa, khóc và nói rằng: „Ðói bụng quá, lấy gì ăn bây giờ má?“ Thị-Huyền đáp rằng „Nín đi, đừng có khóc con, đợi chút nữa chú con về đem gạo về, mẹ nấu cơm cho con ăn.“

Ba đứa lớn nằm co trên ván phía bên này, lặng thinh như ngủ, chừng nghe Thị-Huyền nói như vậy một đứa ngóc đầu hỏi rằng: „Chừng nào chú con về, má?“ Thị-Huyền đáp rằng: “Một chút nữa chú con về“. Ðứa lớn hơn hết lại khóc mà nói rằng: „Hôm qua chú về không có đem gạo về, sợ bữa nay cũng không có nữa.“

Tên Ðó đứng ngoài nghe như vậy rồi lại thấy Thị-Huyền lấy vạt áo lau nước mắt. Nó đi vòng vô phía trong, khi đi ngang chỗ chõng mẹ nó nằm, thì nó lại nghe bà Trần-Thị rên hù-hù.

Lê-văn-Ðó thấy tình cảnh thê-thảm dường ấy, thì teo gan héo ruột, nên lắc đầu thở dài, rồi lật đật bước riết ra đường, dường như nó không muốn thấy tình cảnh ấy nữa. Ra tới đường rồi nó lầm-lũi đi tới hoài. Nếu lúc ấy ai cắc cớ hỏi nó đi đâu, thì chắc nó không biết đi đâu mà nói.

May nó đi mà không gặp ai hết. Lối nửa canh một, nó tới một xóm đông, không biết là xóm nào. Mấy nhà trong xóm đều ngủ hết, duy ở giữa xóm có một cái nhà lớn, tre trồng bao chung quanh, trong nhà đèn đốt sáng lòa, khách khứa đông dầy-dầy, ăn uống vui cười inh-ỏi.

Lê-văn-Ðó thấy nhà giàu cơm ăn không hết lại mời khách mà đãi thâm tới ban đêm, rồi nhớ tới nhà mình nghèo khổ, đèn không dầu nên tối mò, mẹ đau không thuốc nằm chờ ngày chết, sắp cháu đói bụng rên khóc van-vầy[7], thì tức-tủi trong lòng, quyết bước vô mà cậy[8] chủ nhà giàu nầy một vài giạ lúa đen về cho gia quyến ăn, đợi năm tới thuận mùa rồi làm mà trả lại.

Nhà nầy là nhà ông Bá-hộ Cao ở Giồng-Nâu. Bữa ấy là bữa ông nhóm họ đặng cưới vợ cho con, nên mới dọn cỗ bàn mà đãi thân bằng quyến thích.

Lê-văn-Ðó ở ngoài xăm xăm đi vô, đứng ngay cửa cái mà ngó. Khách trong nhà mắc ăn thịt uống rượu, mắc nói nói cười cười, không ai để ý tới ngoài sân, nên không ai thấy nó. Cách một hồi lâu, ông Bá-hộ dòm ra, thấy có người lạ mặt đứng trước cửa, bèn sai gia-dịch ra hỏi coi đi đâu. Lê-văn-Ðó thuở nay không từng nói chuyện với ai, mà cũng không hiểu lễ phép chi hết, nên nghe người ta hỏi đi đâu, không lấy lời dịu ngọt thê thảm mà động lòng nhơn từ của người, lại nói xẳn-xớn rằng: „Nhà tôi nghèo quá, tôi đi làm mướn mà không ai chịu mướn tôi làm. Bây giờ nào là mẹ, nào là chị, nào là sắp cháu nhỏ của tôi chết đói hết thảy, tôi đi đến đây, thấy nhà nầy giàu có nên tôi ghé lại mượn một ít giạ lúa về ăn đỡ“.

Sắp gia-dịch nghe rồi trở vô nhà nói làm sao với ông Bá-hộ không biết, mà khách trong nhà cười rộ, rồi ông Bá-hộ sai người ra đuổi Lê-văn-Ðó biểu phải đi ra khỏi cửa cho mau.

Lê-văn-Ðó không chịu đi, cứ đứng ngó vô trong nhà, và nói lầm-bầm rằng: „Ði đâu bây giờ mà biểu người ta đi. Mẹ ta với sắp cháu đói gần chết, ta về bây giờ lấy gì mà cho ăn“.

Sắp gia-dịch thấy nó không chịu đi, mới áp lại xô đẩy. Lê-văn-Ðó trì lại, sức Lê-văn-Ðó mạnh quá chúng nó xô không nổi, nên chúng nó giận bèn xích chó cho cắn. Trong nhà có một bầy chó năm sáu con, hùa nhau chạy tuông ra, rồi vây chung quanh tên Ðó mà sủa om sòm. Có một con chó dữ nhảy xốc vô cắn chơn tên Ðó, bị tên Ðó đá cho một đá té lăn cù. Bầy chó sợ đạp nên chạy dan ra rồi lại áp vô sủa nữa.

Ở trong nhà và chủ và khách óng tiếng nói om sòm. Tên Ðó không hiểu họ rầy ai, phần bị bầy chó làm dữ quá, sợ một mình cự không nổi nên thủng thẳng sụt lùi mà đi ra. Tên Ðó đã ra khỏi vuông tre của ông Bá-hộ rồi, mà bầy chó cũng đứng trước cửa ngõ sủa theo.

Lê-văn-Ðó không biết đi đâu, cứ gục mặt xuống đất thủng thẳng đi dọc theo bờ tre. Ði được vài chục bước, tên Ðó nghe dưới ống chơn rát-rát, mới cúi xuống mà coi. Nhờ bóng trăng dọi sáng, nên nó thấy máu chảy ròng ròng, mới hay mình bị chó cắn.

Tên Ðó đi lại bụi tre, lấy một nắm lá tre khô mà chùi máu, rồi ngồi bẹp xuống đất khoanh tay mà thở ra. Bụng đói quá nên trời mát mà trán đổ mồ hôi ướt rượt, cặp mắt đổ hào quang, hai bàn tang mạch nhảy xoi-xói[9].

Những người từng biết nhơn-tình ấm-lạnh, những người từng trải thế đạo kỳ khu, ai gặp cảnh thê thảm như vầy chắc sao cũng oán hận vận trời, hoặc trách nhà giàu sang không thương xót kẻ nghèo hèn, hoặc thảm phận cơ hàn mà đau lòng rơi lụy.

Lê-văn-Ðó có sức mạnh chớ không có trí sáng, từ nhỏ tới lớn biết cực mà thôi, chớ không biết sướng, nên tưởng phận mình thì phải chịu cực, phải nhịn đói, bởi vậy nó gặp cảnh như vầy, mà không biết giận, lại cũng không biết buồn. Nó ngồi đây là vì bụng đói, chơn mỏi nên mới ngồi, chớ không phải ngồi mà suy nghĩ việc chi, hay là ngồi mà tính kế chi đặng kiếm gạo đem về nuôi mẹ với sắp cháu.

Vừng trăng tỏ treo giữa trời vặc vặc, ngọn gió dàn lá tre giũ phất phơ. Rụt-rịt bên chơn con rắn mối bò đi giỡn trăng, chút-chút trong vườn tiếng chim cúc than phiền đêm lạnh lẽo.

Cuộc đời đắng cay dường ấy, cảnh trời thanh lịch dường ấy, mà Lê-văn-Ðó ngồi trơ trơ như một cục đá hay là một khúc cây, không buồn, không vui, không lo, không cảm chi hết.

Cách một hồi lâu nó nghe có thiếng người nói chuyện ở trong vườn ông Bá-hộ, nó mới day lại dòm vô mà coi thì thấy có một đứa con gái đương ngồi dựa bếp lửa đút rơm khô vô mà chụm, lại có một bà già đương chóng nạnh gần đó mà coi chừng. Lúc tên Ðó dòm vô thì nó nghe bà già nói như vầy: “Cháo heo cạn rồi thì dụt lửa[10]để đó mà đi làm việc khác, chớ mầy ngồi đó mà giữ hay sao. Vô phụ rửa chén với người ta. Ðể đó khuya cháo nguội rồi sẽ nhắc vô“.

Bà già nói dứt lời rồi bỏ đi vô nhà bếp. Ðứa con gái dụt lửa đậy trã[11] cháo, rồi cũng bỏ đi mất.

Lê-văn-Ðó đứng ngoài bờ tre dòm vô, thấy nhà lớn của ông Bá-hộ phía bên kia đèn còn đốt sáng trưng, khách còn nhộn nhàng đương ăn uống vui cười. Trong nhà bếp ở phía bên nầy thì sắp gia-dịch qua lại lăng-xăng, mà chẳng thấy ai đi ra chỗ đứa con gái ngồi nấu cháo hồi nãy hết. Tên Ðó dòm một hồi rồi vạch tre chun vô vườn, đi riết lại bưng trã cháo mà đi ra. Trã cháo lớn nên nặng, mà mới cạn nên còn nóng, song tên Ðó vác lên vai đi xông-xổng, không biết nặng, không biết nóng, mà cũng không sợ họ thấy.

Nó đi vừa được năm bảy bước, bỗng nghe trong nhà bếp có người hỏi: „Ai vác cái gì mà đi đó?“ Nó cứ đi riết không thèm trả lời. Trong nhà bếp có hai ba người chạy ra, tới chỗ nấu cháo heo thấy mất một trã cháo bèn la om sòm rằng: „Ăn trộm vô bưng trã cháo heo mà chạy đây nè, bớ người ta, rượt theo bắt nó. Ðó, nó chạy đó. Kìa, nó đương vạch hàng tre mà chun kia kìa, bớ người ta“.

Tên Ðó cứ vác trã cháo chun qua hàng tre, rồi băng ngang ruộng mà đi như thường, họ la mặc họ, nó không đứng lại, mà cũng không thèm chạy. Sắp gia-dịch của Bá-hộ Cao rượt theo, áp vô đứa nắm đầu, đứa ôm lưng mà bắt. Tên Ðó tay trái vịn trã cháo trên vai, tay mặt gạt sắp gia-dịch té lăn cù, không đứa nào xáp vô mình nó được.

Sắp gia-dịch la hét om sòm. Khách trong nhà kẻ xách cây người cầm hèo chạy túa theo tiếp ứng. Có một người thấy sắp gia-dịch nhút-nhát không dám vô bắt tên Ðó, mới xách một khúc tre bước tới nhắm đầu tên Ðó mà đập. Tên Ðó đưa tay ra đỡ, khúc tre gảy làm hai đoạn. Một người khác nhảy tới đập nữa, tên Ðó trớ khỏi song trật tay trã cháo rớt, trã bể nát còn cháo đổ đầy đất.

Tên Ðó đứng ngó mấy người rượt bắt mình và hỏi tỉnh táo rằng: “Làm giống gì dữ vậy ? Ðổ cháo hết uổng hôn!”

Mấy người ấy không thấy nó làm dữ nữa, mới xông vô bắt nắm đầu rồi áp nhau kẻ thoi người đạp. Tên Ðó lặng thinh chịu đòn, không chống cự nữa. Họ thấy vậy lại càng đánh nhiều hơn nữa. Tên Ðó nổi giận tung một cái, mấy người nắm nó đều ngã lăng, rồi nó đứng tỉnh như thường, mắt ngó chừng cháo đổ, dường như nó tiếc lắm vậy.

Họ áp vô bắt nó nữa. Nó để cho họ bắt trói ké dắt về bỏ ngồi trước sân ông Bá-hộ. Lý-Trưởng Tùng dua bợ nhà giàu, một là muốn làm cho vừa ý chủ-nhà, hai là muốn thị oai với dân chúng, nên thấy tên Ðó bị trói ké lòi ức ngồi ngoài sân, bèn chạy ra thoi đạp và nói rằng: “Mầy là thằng gì mà ngang dữ vậy hử ? Nhà ông Bá-hộ khách khứa đông đầy, mầy dám vô mà mượn lúa, người ta đuổi mầy đi, rồi sao mầy lại dám giựt cháo heo của người ta mà chạy. Người ta rượt bắt mầy, mầy lại đánh đến đứa gảy răng đứa sưng mặt. Ðể rồi mầy coi tao”.

Lý-Trưởng Tùng nói rồi lại đánh nữa. Tên Ðó bị trói không thế gạt được nên ngồi trân-trân mà chịu đánh nhừ tử, không khóc không than, không nói chi hết.

Có một ông già thấy tên Ðó bị đánh nhiều quá mà không nhút nhít, thì bước ra can Lý-Trưởng rằng: “Thôi, bộ thằng nầy nó điên, đánh nó làm chi lắm. Nó có tội thì giải đến Huyện cho quan trị nó”.

Lý-Trưởng Tùng trợn mắt đáp rằng: “Ông nói nó điên, nó dữ lắm chớ dễ điên đâu. Mấy đứa nào bị nó đánh hồi nãy nặng nhẹ thể nào đâu ra đây cho tao coi vít tích đặng tao làm phúc bẩm mà giải nó”.

Có ba đứa gia-dịch bước ra, một đứa bị té gãy hết một cái răng cửa, máu còn chảy ròng ròng, một đứa xể mặt một đường bằng ngón tay, còn một đứa thì u trên trán một cục bằng ngón chơn cái.

Lý-Trưởng coi rồi bèn dạy đóng nọc giữa sân mà trói tên Ðó, rồi trở vô nhà ăn thịt uống rượu. Ở trong nhà chủ khách vui say cười hỉ-hả, ở ngoài sân một người nghèo khổ bị đánh rêm mình, mà lại nhịn đói bụng xếp ve. Tình cảnh nầy người có nhứt điểm nhơn từ ai trông thấy cũng ứa lụy châu mày, mà cả đám ở trong nhà chẳng ai để chút lòng thương xót.

Nghèo khổ không cơm mà nuôi gia quyến, họ giàu có dư dả ăn không hết, đến mượn một vài giạ lúa về mà cứu cấp mẹ già cháu nhỏ đói nằm thở hoi hóp, họ không cho mượn lại còn xô đuổi. Cùng thế bưng cháo của heo ăn đem về cho mẹ với cháu ăn đỡ, họ không nghĩ lại bắt mà đánh. Con nhà nghèo ai gặp cảnh như vầy chắc cũng phải oán hận nhà giàu. Thảm thương Lê-văn-Ðó vì tánh dốt nát thiệt thà, nên thân khổ nhục đến nước nầy, mà cũng chưa biết buồn, chưa biết oán.

Lý-Trưởng Tùng để dần-dà mấy bữa, đánh chưởi tên Ðó đã thèm rồi mới chịu giải lên Huyện. Quan Tri-Huyện hành phạt một lớp nữa rồi mới giải lên tỉnh.

Quan Án-sát tra hỏi sơ sịa rồi lên án định đánh đòn tên Ðó 100 trượng và đồ[12] 5 năm, về tội cướp của người ta và đánh tài chủ có vít tích.

Thảm thay! Ức thay! Cả một nhà nhịn đói, mình lén bưng đồ của họ cho heo ăn đem về ăn đỡ dạ, mà quan bắt tội đánh đòn rồi lại bị đày!

Thân mình nghèo khổ họ đánh mình thì họ không có tội, còn mình đánh lại họ thì mình phải ở tù! Cuộc đời trông thấy bắt nát ruột ứa gan! Thân phận kẻ nghèo nghĩ thiệt là chí khổ!

Quan dạy lính đóng nọc căng tay chơn Lê-văn-Ðó nằm sấp giữa sân, đánh đòn đủ 100 roi, nát thịt văng máu; chừng mở trói ra thì Lê-văn-Ðó bò mà đi, chớ đứng không nổi. Quan chờ hơn một tháng, mấy dấu roi lành rồi, mới đày Lê-văn-Ðó lên tỉnh Gia-định.

*

*      *

Lê-văn-Ðó ở tù tại Gia-định, ban ngày đi làm việc nặng nề cực khổ, lại còn bị lính đánh xối trên đầu, ban đêm ngủ thất thường, mà sức lực cũng còn mạnh mẽ như xưa, chẳng hề giảm sút chút nào hết.

Bữa nọ quan sai lính dắt tù lên rừng đốn cây kéo về mà cất kho cất lẫm. Có nhiều khúc gỗ lớn năm sáu tên tù khiêng một đầu không nổi, mà một mình Lê-văn-Ðó vác đi như chơi.

Một lần khác quan bắt tù ra cửa Cần-giờ đánh cá chở về xẻ khô để dành cho quân lính dùng. Ghe ra khơi rồi rủi gặp dông to sóng lớn nhận ghe chìm. Tù với lính đi một ghe đều bị chết trôi hết thảy, duy có một mình Lê-văn-Ðó, lội lặn lần vô tới mé được; mà khỏi chết rồi không thèm thừa dịp ấy mà trốn, lại trở về Gia-định báo tin cho quan tỉnh hay.

Bởi Lê-văn-Ðó có sức mạnh như vậy, nên chẳng những là mấy trăm tù trong khám đều sợ mà thôi, mà thậm chí mấy chú lính coi khám cũng đều kiêng nể nữa. Tuy vậy mà Lê-văn-Ðó chẳng hề thừa sức mạnh mà húng hiếp tù, hoặc khinh khi lính, dầu đi làm hay ở trong khám nó cũng giữ một mực, không khi nào thấy nó buồn hay là vui, dầu làm việc nặng hay là việc nhẹ cũng chẳng hề nghe nó than phiền chi hết.

Lê-văn-Ðó ở trong nhà thấy cảnh nghèo nàn thê thảm, bước chân ra đi kiếm ăn lại gặp chúng hân-hủi hiếp đáp, bởi vậy vào chốn lao tù nó không vui được nghĩ chẳng lạ gì. Có một đều[13] nầy chắc ai nghe cũng lấy làm kỳ, là nó không vui, mà nó cũng không buồn, lại không khi nào nghe nó nhắc tới việc nhà của nó.

Tên Ðó ở tù gần ba năm. Một bữa kia có tên Trần-văn-Thiệt, là người đồng hương với nó, mắc tội chi không biết, mà quan đày nó lên Gia-định. Vả tên Thiệt cũng là con nhà nghèo như tên Ðó, lúc còn nhỏ hai đứa đều ở chăn trâu cho người ta, thường chơi bời với nhau, nên quen biết nhau lắm.

Khi tên Thiệt bước vào khám, tên Ðó ngó thấy nó mà không mừng, không hỏi chi hết. Tên Thiệt thấy ý tứ như vậy, thì lấy làm kỳ, tưởng nó quên mình, nên cũng làm lơ, không thèm hỏi.

Ðến tối trong khám ngủ hết, duy có một mình tên Ðó còn ngồi gãi đầu. Tên Thiệt bước lại đứng ngay trước mặt mà hỏi rằng: “Anh phải tên Ðó ở Giồng-Tre hôn?”

Tên Ðó ngó sửng một hồi, coi bộ như suy nghĩ lắm vậy, rồi mới đáp rằng: “Phải. Còn anh phải là anh Thiệt hôn?”

Tên Thiệt cười mà nói rằng: “Vậy chớ ai! Mới mấy năm nay mà anh quên tôi hay sao ?”

Tên Ðó xổ đầu tóc, hai tay xỏ vô tóc mà gãi một hồi rồi để đầu chơm bơm (rối, bù xù. Ở đây có giống dị hồm, cái lưng móc thích cái đầu chơm bơm, Ca dao miền Nam), ngồi khoanh tay lặnh thinh, không ngó tên Thiệt mà cũng không nói chi nữa hết. Tên Thiệt thấy vậy bèn ngồi xề dựa bên mà hỏi rằng: “Anh ở tù mấy năm nay mà cực hay xướng vậy anh ?”

Tên Ðó châu mày lặng thinh một hồi nữa, rồi mới nói rằng: “Cũng vậy chớ cực sướng giống gì”.

Tên Thiệt thấy bộ tên Ðó lôi-thôi quá thì tức cười, muốn đi về chỗ mình mà ngủ. Thình-lình tên Ðó hỏi rằng: “Sao anh ở tù ?”

Tên Thiệt trợn mắt đáp rằng: “Tôi cũng như anh vậy chớ có khác chi đâu. Họ ỷ họ giàu họ hiếp mình quá! Anh nhớ hôn? Năm thất mùa đó, anh không có cơm mà ăn, anh lén bưng trã cháo heo của ông Bá-hộ đem về cho bác với mấy đứa cháu ăn, họ bắt họ đánh anh rồi giải đến quan bỏ tù anh đó; nhà tôi cũng đói quá, nên tôi dắt ông già tôi lên Vũng-Gù mà kiếm ăn. Tôi đi được ít tháng , kế ông già tôi mang bịnh mà bỏ mình. Tôi trở về Giồng-Tre xin ở đợ với ông ba Lãnh. Mấy năm nay tôi ở với ổng thiệt cực khổ quá. Ổng làm ruộng lớn mà có một mình tôi ở, nên làm tối ngày không hở tay, mà lại còn bị vợ chồng ổng đánh chửi nữa. Hôm tháng trước lúa cấy xong rồi, kế gặp trời mưa dầm dề luôn sáu bảy bữa. Ông Lãnh sợ nước trên giồng đổ xuống tràn bờ ngập lúa, ổng bắt tôi ngày đêm phải ở luôn ngoài ruộng mà giữ bờ. Có một đêm trời mưa lớn quá, nước trên giồng chảy xuống ào-ào, rồi bể bờ hai ba khúc mà tràn vô ruộng. Phần thì trời tối đen như mực, phần thì tôi có một mình, lo đấp khúc nầy nước tràn vô khúc kia, tôi làm không nổi, nên nước tràn vô ruộng lai-láng ngập lúa hết. Sáng ngày ông Lãnh ra thăm ruộng thấy nước bể bờ ngập lúa, ổng chửi nát ông nát cha tôi, rồi ổng vác cây rượt đập tôi. Tôi sợ tôi chạy, ổng cứ rượt theo, bị bờ trơn ổng trợt chơn rủi nhằm gốc cây cấn hông ổng nên ổng chết. Vợ con ổng la làng la xóm nói tôi giết ổng, nên làng họ bắt mà giải tôi đến Huyện. Việc thiệt tôi khai thiệt mà quan không chịu nghe nên đày tôi lên đây. Thiệt thân mình nghèo khổ quá anh há ?”

Tên Ðó nghe tên Thiệt thuật chuyện rồi, nó không tỏ dấu thương xót tên Thiệt, mà cũng không trách quan xử oan-ức. Nó ngồi châu mày lặng thinh, bộ như suy nghĩ chuyện gì đó vậy. Cách một hồi lâu nó mới nói rằng: “Không biết năm nay má tôi có đau hay không ? Còn chị tôi làm giống gì mà nuôi sắp nhỏ “.

Tên Thiệt đáp rằng: “Bác chết anh không hay hay sao ? Cơ khổ dữ hôn! Quan họ bắt anh có vài bữa gì đó kế bác mất. Còn chị dâu với sắp cháu của anh, thì khi tôi ở trên Vũng-Gù tôi trở về, tôi nghe nói sắp nhỏ đói quá nên chết hết ba bốn đứa, còn mấy đứa kia chị dâu anh dắt đi đâu không biết, không có ở Giồng-Tre nữa”.

Tên Ðó nghe mấy lời ấy thì nó dùn mình[14] trợn mắt, dường như ai đem bức tranh gia đình buồn thảm ngày xưa mà treo trước mặt, nên nó vụt đứng dậy, uynh hai cánh tay rồi nói lớn rằng: “Má tôi chết, má tôi chết liền hồi đó ! … Mấy đứa cháu tôi đói quá nên cũng chết, trời ôi!” Nó nói có bao nhiêu đó rồi té ngửa nằm dài dưới đất, tay chơn run bây bẩy. Tên Thiệt thấy vậy thất kinh nên la lên. Tội nhơn đương ngủ nghe la giựt mình thức dậy áp lại khiêng Lê-văn-Ðó đem để nằm trên sập[15].

Ðêm ấy tên Ðó nằm cứ đập tay đập chơn, lắc đầu, một lát nghe nó thở dài một cái rồi chắc lưỡi kêu trời. Sáng bữa sau mình mẩy nó nóng hầm, nên không đi làm được.

Lê-văn-Ðó nóng vùi luôn cho tới nửa tháng; mỗi bữa tội nhơn đi làm hết, còn có một mình nó nằm trong khám mà thôi. Lúc nào nó bớt nóng thì nó suy nghĩ, nhớ tới chuyện nhà hồi trước: trong buồng mẹ già đau không thuốc uống, cứ nằm trên chõng mà rên, ngoài trước sắp cháu đói không cơm ăn, nên quẩn bên chơn mà khóc. Mình đi làm công họ không mướn, mình đi vay lúa họ không cho, lén bưng cháo của họ để cho heo ăn đem về cho mẹ với cháu ăn đỡ, họ bắt mà đánh khảo, rồi lại giải đến cho quan bỏ tù. Mình có tội gì mà bỏ tù? Họ giàu, lúa gạo ăn không hết đến nỗi lấy mà cho heo ăn, mình nghèo không có cơm ăn, lấy về ăn đỡ cho khỏi chết đói, làm như vậy có tội hay sao? Té ra cái mạng thằng Ðó nầy với cả nhà của nó đều không bằng cái mạng mấy con heo của ông Bá-hộ Cao hay sao? Nhà giàu họ có của rồi họ bỉ bạc nhà nghèo quá! Quan lớn họ ỷ quyền rồi họ đè ẹp dân ngu quá!



[1]  bông lúa sắp nở

[2]  nứt vì khô

[3]  trâu trắng

[4] vun vồng: đấp cao lên

[5] nhăn nhó, cau có, quạo

[6] miền Bắc gọi là đay, loại cây cao độ 2 thước, thân có đường kíng bằng ngón tay, võ có sớ dẽo dai, dùng để dệt vải thô: bao bố, giày bố, vải bố …

[7] van vì: van xin

[8] mượn

[9] liên tục

[10] tắt lửa

[11] nồi đất rộng miệng

[12] phạt tù khổ sai

[13] điều

[14] rùn mình hay rùng mình: thân thể cử động mạnh và bất ngờ

[15] loại giường làm bằng tre sơ sài