Mặt trời mới trịch bóng, hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm, mỗi người vác một bó lác, bước vô sân quăng một cái đụi dựa cửa, rồi Thị-Phi đi vòng phía bên hè mà vô nhà sau, còn Ðỗ-Cẩm thì đi thẳng vô cửa trước. Ðỗ-Cẩm mình mẩy lấm lem, khi bước vô nhà đứng ngó dáo-dác thấy Hải-Yến nằm co trên ván, day mặt vô vách, bèn nói lớn rằng:
- Con Ánh-Nguyệt đi đâu mất rồi?” Cậu làm giống gì mà nằm buồn xo đó vậy cậu.
Hải-Yến day qua ngó Ðỗ-Cẩm, thiệt gương mặt coi không vui. Ðỗ-Cẩm cười ngỏn-ngoẻn và hỏi rằng:
- Từ hồi sớm mai đến bây giờ cậu ở nhà có việc gì lạ không cậu?
Hải-Yến lồm-cồm ngồi dậy, sắc mặt thẹn-thùa, nên ngó chỗ khác mà nói xu-xị rằng:
- Có việc gì ở đâu!
Ðỗ-Cẩm cười hề-hề rồi đi thẳng vô nhà sau rửa mình, rửa mặt, thay áo đổi quần. Thị-Phi thấy Ánh-Nguyệt ở sau vườn thuốc lơn-tơn đi vô thì nói rằng:
- Dữ hôn! Từ hồi tao đi đến bây giờ, mầy ở hoài ngoài vườn thuốc hay sao? Chà, bữa nay con nầy siêng dữ bây.
Ánh-Nguyệt lặng thinh, không nói đi nói lại chi hết.
Ăn cơm chiều rồi Hải-Yến rủ Ðỗ-Cẩm đi vô trong thành chơi. Ðỗ-Cẩm ngày nay đi nhổ lác là có ý muốn để cho Hải-Yến ở nhà thong-thả mà chọc ghẹo Ánh-Nguyệt, chẳng dè chừng về nhà thấy Hải-Yến buồn xo, mà Ánh-Nguyệt cũng không vui, thì lấy làm kỳ, bởi vậy Hải-Yến rủ đi vô thành chơi thì anh ta chịu đi liền, thầm tính để ra ngoài đường rồi hỏi Hải-Yến coi ngày nay có nói chuyện chi với Ánh-Nguyệt hay chưa. Chừng ra khỏi nhà, Ðỗ-Cẩm chưa kịp hỏi, mà Hải-Yến hỏi trước rằng:
- Cô hai cổ nói cổ thiếu 30 quan tiên không có mà trả, nên cổ ở đợ với chú mà trừ, chớ cổ không phải cháu của chú, phải vậy không chú?
Ðỗ-Cẩm chưng hửng, dừng bước ngó Hải-Yến và nói rằng:
- Nó nói với cậu như vậy hay sao? Phải, ông gì nó hồi trước có thiếu tôi 30 quan tiền, mà ổng cũng có bà con với tôi, chớ phải là người dưng hay sao. Con cháu nó bạc bẽo quá! Vợ chồng tôi thấy nghèo nàn côi-cút tôi thương, nên đem nó về nuôi, bây giờ nó thấy cậu yêu nó, chắc có chỗ nương dựa được rồi, nó tính phản vợ chồng tôi chớ. Con nầy lẻo-lự thiệt. Sao bữa nay hai vợ chồng tôi đi khỏi, cậu ở nhà có ướm thử lòng nó hay chưa? Nó chịu hay không, mà sao hồi xế tôi về cho đến bây giờ tôi coi bộ cậu không được vui vậy cậu?
Hải-Yến đáp rằng:
- Cô hai nghèo mà kiêu hảnh quá, tôi dùng đủ cách mà ghẹo cổ, song dùng cách nào cũng không được hết thảy.
- Tôi đã nói tánh nó khó lắm mà. Cậu nói với nó làm sao rồi nó trả lời làm sao đâu cậu thuật lại cho tôi nghe thử coi.
Lúc ấy mặt trời đương chen lặn. Hai người đi thơ-thẩn trên đường. Gió chiều mát mẻ, màu trời trong ngần. Hải-Yến đi chậm-chậm mà kể đủ mọi việc hồi trưa cho Ðỗ-Cẩm nghe, không dấu một mảy nào hết: Chàng nói rồi thở dài, bộ coi não nề lắm. Còn Ðỗ-Cẩm nghe rõ rồi thì anh ta sợ nếu Ánh-Nguyệt không ưng Hải-Yến thì anh ta bạt ăn 5 nén nữa, mà lại cũng không đòi được 30 quan tiền, bởi vậy mà anh ta nổi giận nên nói rằng:
- Ðừng có lo, cậu để nó đó cho tôi. Mình đã tử tế với nó quá, nếu muốn làm phách, thì tôi cho nó làm phách. Ðể tôi biểu con vợ tôi ép nó; nếu nó còn cứng nữa, thì vợ chồng tôi hành hạ tấm thân nó cho nó thất kinh rồi tự nhiên nó hết cứng chớ gì. Nói cùng mà nghe, nếu mình làm đủ cách mà nó làm cứng hoài, thì tôi cho phép cậu ban đêm vô ngủ nhầu với nó, sức nó bao nhiêu mà cự với cậu nổi, còn như nó có la làng la xóm, đi kiện đi thưa, thì vợ chồng tôi làm chứng cho cậu, tôi nói nó thấy cậu học giỏi tiền nhiều nó muốn, cậu không chịu cậu mắng nhiếc nó, nó mắc cỡ nên kiếm chuyện nói xấu cho cậu. Nó ở trong nhà tôi, mà vợ chồng tôi làm chứng như vậy thì ai lại không tin.
Hải-Yến nghe Ðỗ-Cẩm nói như vậy thì mừng, nên nói rằng:
- Chú tính mưu đó hay lắm. Nếu chú sẵn lòng giúp tôi như vậy thì có lo chi tôi ân ái với cô không được. Thiệt tôi giận cô quá, từ hồi trưa cho đến bây giờ tôi thề dầu tốn hao tiền bạc bao nhiêu tôi cũng lấy cô cho được tôi mới nghe. Chú rán giúp tôi. Tôi nói thì tôi nhớ lời, hễ tôi lấy được cô rồi thì tôi đền ơn cho chú thêm 5 nén nữa và tôi ra 30 quan tiền mà trả lại cho chú”.
Ðỗ-Cẩm nghe nói tiền bạc thì vui mừng nên rủ Hải-Yến đi riết vô thành uống rượu chơi. Hải-Yến cũng hết buồn, song nếu ai ngó kỹ cặp con mắt chàng thì biết trong trí chàng lo tính lung lắm.
Chừng đi về dọc đường, Hải-Yến cứ lặng thinh ngó xuống đất mà đi. Ði gần tới nhà chàng níu tay Ðỗ-Cẩm đứng lại rồi nói rằng:
- Mưu của chú tính hồi nãy đó hay thiệt, song tôi coi có chỗ chẳng tiện. Vã hồi trưa cô đối đáp với tôi, thì tôi coi cô chẳng phải là gái tầm thường đâu. Cô có nói hai ba lần rằng thà cô chết chớ không để cho ai làm ô danh xủ tiết cô. Cô nói mà bộ coi hẳn-hòi lắm. Cô là con nhà có học, nên tôi sợ hễ cô nói thì cô dám làm. Nếu chú đánh đập ép-uổng cô, hoặc tôi ỷ tiền ỷ sức làm ám xát, tôi e cô tức giận rồi tự vận đi, thì là uổng tài sắc của cô lắm. Vậy xin chú để thủng thẳng cho tôi tính ít bữa coi. Tôi muốn òn-ỹ với cô nữa, chừng nào không được rồi mình sẽ dùng kế.
Ðỗ-Cẩm gật đầu lia lịa và nói rằng:
- Ðược, được. Cậu muốn thế nào cũng được hết. Cậu tính làm sao thì cậu nói cho tôi hay, tôi sẵn lòng giúp cậu luôn luôn. Tôi thấy nó làm phách tôi giận quá.
Hai người dắt nhau về nhà.
Mấy bữa sau Ánh-Nguyệt nấu cơm nấu nước, dọn dẹp trong nhà, làm việc ngoài vườn như thường, nàng thấy Hải-Yến nàng không thẹn thùa, không hờn giận, mà cũng không thèm ngó. Còn Hải-Yến thấy mặt nàng thì có hơi bợ ngợ, nhiều khi lén liếc ngó nàng mà không dám thốt một lời chi hết.
Vợ chồng Ðỗ-Cẩm thầm tính với nhau thế nào không biết, mà bữa nào cũng bỏ đi hoài, bữa thì vợ chồng đi chung với nhau, bữa thì chồng đi một nơi vợ đi một ngả. Hải-Yến ở nhà một mình với Ánh-Nguyệt, hễ thấy dạng nàng thì lửa tình hừng-hực, biển ái dồi dào, song nếu muốn chọc ghẹo nàng thì mượn bài thi hoặc dùng ngón đờn mà thôi, chớ không dám trao lời chi nữa hết.
Một buổi trưa, vợ chồng Ðỗ-Cẩm đi khỏi, Hải-Yến ở nhà với Ánh-Nguyệt mà không dám nói chuyện với nàng, thì trong lòng buồn bực nên tính bước ra sau vườn mà chơi. Chàng vừa đi tới chái nhà, thì thấy nàng đương đứng dựa một bụi bông bụp, tay cầm một cái bông mà nhìn. Nàng để đầu trần, lại tóc không chải gỡ, nhiều sợi lòng-thòng sau ót, nhiều sợi xấp xải trên trán; trời dãi nắng trong mặt nàng, rồi màu bông bụp giọi vô nữa, làm cho nước da nàng ửng hồng-hồng, coi thiệt là xinh đẹp.
Hải-Yến lén đứng ngó nàng trân trân, vì sợ nàng hay rồi nàng bỏ đi vô, mất cái bức tranh “gái đẹp xem hoa tươi” đi, nên chàng không dám bước động đất. Thình-lình nàng day qua ngó thấy chàng, nàng buông cái bông ra rồi thủng thẳng đi vô nhà. Chàng thấy cặp mắt của nàng rất hữu tình, gương mặt của nàng như hoa nở, tướng đi của nàng rất yểu điệu, thì trong lòng chàng bồi-hồi, muốn bước lại chận đường mà trao lời vàng đá, song sợ nàng mắng nữa, nên mới bước một bước rồi ngập ngừng đứng lại, không dám đi.
Nàng đã vô trong nhà rồi mà chàng còn ngẩn-ngơ ngoài hè, cách một hồi lâu chàng ngồi chồm hổm dựa bụi chuối, vói tay níu một tàu chuối rồi tét ra nhỏ nhỏ bỏ đống dưới đất.
Chàng ngồi đó cho đến nửa chiều, không biết chàng toan tính việc chi, mà coi sắc mặt chàng lo lắm. Chừng chàng thấy dạng vợ chồng Ðỗ-Cẩm về chàng mới lần bước vô nhà.
Ðêm ấy Hải-Yến nằm dàu-dàu hoài, không đọc sách mà cũng không thấy đờn. Bữa sau ăn cơm sớm mai rồi, chàng xách dù đi đến tối mới về. Ðỗ-Cẩm hỏi chàng đi đâu thì chàng nói đi vô thành thăm anh em bạn học. Chàng đi luôn như vậy cho đến 4 bữa.
Bữa chót Hải-Yến về đến nhà thì trong nhà đã đốt đèn rồi. Chàng cất dù, cởi áo dài rồi bước ra ngoài sân mà chơi. Ðỗ-Cẩm trông Ánh-Nguyệt ân ái với Hải-Yến cho mau đặng đòi thêm 5 nén bạc và 30 quan tiền, mà thấy Hải-Yến đã không ve-vảng lại bỏ nhà đi hoài, muốn thúc Hải-Yến bước riết tới, nên đi theo ra ngoài sân, đứng dựa bên mình chàng rồi hỏi nhỏ rằng:
- Sao hổm nay cậu không tính chi hết, cứ bỏ nhà đi chơi hoài vậy? Thôi, để vợ chồng tôi đánh ép nó cho nhé?
Hải-Yến khều tay Ðỗ-Cẩm đi thẳng ra ngoài đường cho xa nhà rồi nói rằng:
- Hổm nay tôi tính hết sức, chớ không phải tôi đi chơi đâu. Cô hai là con nhà nho, cô đờn hay học giỏi, chớ không phải như sắp con gái dốt nát khác. Tôi đã xét kỹ rồi, nếu mình làm ngang chắc cô bất bình rồi hư việc của mình đi. Vậy tôi tính phải dùng nhơn nghĩa mà dụ cô mới được. Tôi đã sắp mưu kế xong rồi hết; vậy xin chú sáng mai, chừng ăn cơm rồi chú sai cô đi vô trong giăng[1] rừng Bình-Lợi mà quơ củi. Hễ cô đi thì cô mắc kế tôi. Nếu chuyến nầy mà không được nữa, thì chú đánh đập mà ép cô, chừng ấy tôi không cản nữa đâu.
Ðỗ-Cẩm không hiểu kế của Hải-Yến thể nào, nên đứng ngó trân-trân rồi hỏi rằng:
- Mưu của cậu sắp sao đó? Sao hồi nãy cậu nói phải dùng nhơn nghĩa mà dụ nó, rồi bây giờ cậu lại biểu sai nó đi vô rừng một mình?
- Ấy! Ðó là kế nhơn nghĩa đa.
- Hễ vô rừng thì cậu làm ngang chớ gì. Làm như vậy là kế ba nài, chớ nhơn nghĩa gì?
Ðỗ-Cẩm nói và cười ngất. Hải Yến cũng tức cười song chàng đáp rằng:
- Chú cứ việc sáng mai sai cô đi cho tôi.
- Tự ý cậu. Nè mà được rồi đừng có quên ơn tôi đa, nghe hôn?
- Tôi đâu dám quên.
Hai người nói rồi dắt nhau trở vô nhà tắt đèn gài cửa mà ngủ.
Sáng bữa sau, Hải-Yến thức dậy sớm ra đi, nói với vợ chồng Ðỗ-Cẩm rằng mình vô thành mà chơi với anh em bạn học, dặn ở nhà hễ tới bữa cơm thì ăn chớ đừng có chờ. Khi bước ra cửa chàng quày đầu ngó Ðỗ-Cẩm và nháy mắt hai ba cái rồi mới đi.
Ðỗ-Cẩm hối Ánh-Nguyệt nấu cơm cho sớm mà ăn. Chừng ăn cơm rồi anh ta biểu Ánh-Nguyệt đi vô giăng rừng Bình-Lợi mót củi khô gánh về mà chụm. Ánh-Nguyệt vưng lời, liền xăn quần xăn áo, rồi xách đòn gánh mà đi.
Nàng đi vô tới rừng rồi, kiếm lượm mấy nhánh khô vác đem về chung một chỗ. Một mình thẩn-thơ, tư bề vắng-vẻ, chỉ nghe chim kêu chéo chét trong bụi và thấy gió thổi lúc-lắc đầu nhành mà thôi. Nàng nhớ tới thân phận nàng bơ-vơ không nơi nương dựa, rồi lại nhớ tới quê nhà, không biết bây giờ chú với cậu còn mạnh giỏi hay không, nhà cửa bỏ gần hai năm rồi chắc bây giờ đã hư sập hết. Nàng nhớ tới đó thì buồn-bực chịu không được; nên ngồi khoanh tay mà khóc.
Nàng đương khóc, thình lình có năm sáu người ở trần trùi-trụi, mặt mày hung ác, tay chơn vậm-vỡ, kẻ xách cây, người cầm mác, ở giữa rừng xông ra, ngó thấy nàng áp chạy lại, rồi người đi đầu nói lớn rằng:
- Có con nhà ai ngộ quá bây; áp bắt nó đem về trại. May dữ hôn, tao chưa có vợ, vậy để tao bắt con nầy làm vợ chơi.
Ánh-Nguyệt hồn phi phách tán, lật đật đứng dậy muốn chạy, mà vì sợ run, hai chơn như ai trói, chạy không được. Bọn ấy áp vây chung quanh. Người đi đầu biểu bắt đó, chụp nắm hai tay Ánh-Nguyệt nhập lại rồi tút dây trong lưng ra mà buộc chặc cứng. Ánh-Nguyệt mặt mày xanh dờn, cúi lạy xin tha. Người ấy trợn mắt nạt rằng:
- Tha cái gì? Ta bắt về làm vợ, chớ ai chém giết gì hay sao mà biểu tha.
Bọn ấy kéo xển Ánh-Nguyệt đi vô rừng. Ánh-Nguyệt tâm thần bác loạn, không dám la, mà cũng không dám khóc, cứ tíu-ríu đi theo. Ði được một hồi lâu, qua khỏi rừng rồi tới trảng. Ánh-Nguyết ngó tứ hướng không thấy nhà cửa ai hết, chỉ thấy xa xa có một chòm cây xơ-rơ mà thôi. Bọn ấy lại dắt nàng đi qua chòm cây ấy. Khi gần tới, nàng thấy ở chính giữa chòm cây ấy có một cái cái nhà, nàng tưởng chỗ đó là trại của chúng nó, nào dè đi tới mới hay là cái miễu. Lúc đi ngang qua miễu, mặt trời xế bóng rồi, nàng liếc mắt dòm vô, thấy có một người trai đương ngồi dựa gốc cây, như người đi đường nghỉ mát. Nàng vụt la lớn lên rằng:
- Bớ người ta, làm phước cứu dùm tôi; tôi bị bọn ăn cướp nó bắt tôi đây nè!
Bọn ấy đứa đưa hèo muốn đập, đứa vác mác muốn chém nàng, rồi kéo nàng mà chạy.
Nàng khóc than nghe rất thảm thiết. Nàng chạy mà quày đầu ngó chừng coi người ở trong miễu đó có ra cứu mình hay không; nàng thấy người ấy xách cây chạy ra rồi rượt riết theo nạt lớn rằng:
- Bọn bây không phép làm ngang bắt vợ con người ta. Bây phải thả nàng ấy cho mau, bằng không thì ta bẻ đầu bây hết thảy.
Bọn ăn cướp đứng lại hết, rồi tên đầu đảng biểu bắt Ánh-Nguyệt đó nói rằng:
- Thằng nào đó mà dám nói phách dữ vậy? Bây đi trước đi, để tao ngắt họng thằng nầy rồi tao sẽ đi theo.
Tên đầu đảng cầm cây đứng mà chờ còn mấy đứa kia kéo Ánh-Nguyệt đi. Ánh-Nguyệt đi được một khúc quây đầu ngó lại, thấy tên trai ở trong miễu với tên đầu đảng đương đánh nhau, mà tên trai ấy bộ tướng lại giống in Hải-Yến. Cách chẳng bao lâu tên đầu đảng té nằm sấp dựa đường, còn tên trai ấy chạy theo kêu lớn rằng:
- Tao giết thằng đầu đảng của bây rồi, tao đố bây chạy đâu cho khỏi tao. Bây phải thả người ta ra, nếu bây trì huởn thì tao giết bây hết.
Ánh-Nguyệt nghe mấy lời ấy thì mừng rỡ hết sức. Còn bọn ăn cướp đứng lại nhìn nhau, coi thất sắc hết thảy. Chừng tên trai ấy chạy gần tới, thì bọn ăn cướp buông Ánh-Nguyệt ra rồi chạy tản lạc hết. Ánh-Nguyệt tuy hai tay bị trói, song thấy tên trai ấy chạy tới cứu mình, thì lật đật ngồi bẹp xuống đất khóc lạy và nói rằng:
- Nhờ có ân-nhơn cứu tôi chớ không thì tôi đã bị tay kẻ dữ rồi. Vậy tôi xin lạy ít lạy mà đáp nghĩa cho ân-nhơn.
Nàng vừa nói tới đó thì tên trai ấy nói rằng:
- Ủa! Cô hai! Cô đi đâu mà đến nỗi lâm hại như vầy?
Ánh-Nguyệt nghe hỏi liền ngước mặt lên ngó chàng, thấy quả là Hải-Yến, nàng chưng-hửng. Hải-Yến biểu nàng đứng dậy, chàng lật-đật mở trói cho nàng rồi hỏi nàng đi đâu mà bị ăn cướp bắt. Nàng và khóc và kể hết đầu đuôi mọi việc lại cho chàng nghe.
Hải-Yến nghe rồi, bộ chàng coi giận lắm, đứng ngó dáo dác, thấy bọn ăn cướp đã chạy xa rồi rồi chàng chỉ tay mà nói rằng:
- Quân khốn kiếp, dám bắt người ta giữa ban ngày. Chớ chi hồi nãy theo kịp, tao giết hết thảy.
Chàng lại day lại ngó Ánh-Nguyệt mà cười rồi nói rằng:
- Hồi nãy tôi nghe cầu cứu, tôi không dè cô chút nào hết. May bữa nay tôi lại đi chơi lên phía trên nầy, chớ nếu tôi đi chỗ khác, thì chắc là cô phải bị bắt đi mất rồi biết đâu mà kiếm. Thiệt may quá!
Ánh-Nguyệt ngồi xuống muốn lạy mà tạ ơn nữa. Hải-Yến đưa tay đỡ nàng đứng dậy và nói rằng:
- Người anh hùng hễ thấy người ta lâm-nguy thì phải cứu. Dầu người xa lạ tôi cũng phải cứu người ta thay, huống chi là tôi với cô ở chung một nhà cần gì cô phải nói nhiều tiếng.
Chàng nói mà liếc mắt ngó nàng rất hữu tình. Nàng đứng bợ-ngợ một hồi rồi nói rằng:
- Cha mẹ tôi đã đẻ tôi một lần rồi. Hôm nay cậu cứu tôi, chẳng khác nào như cậu đẻ tôi một lần nữa. Ân nghĩa nầy tôi nguyền tạc dạ trọn đời, dầu kiếp nầy tôi đền đáp cho cậu không được, thì tôi cũng nguyện kiếp sau làm thân trâu ngựa mà trả ơn cho cậu.
Hải-Yến cười mà nói rằng:
- Thôi cô đi theo tôi mà về, chớ ở đây mà nói chuyện hoài, trời tối về sao kịp. Cô muốn đền ơn đáp nghĩa cho tôi có khó chi đâu.
Ánh-Nguyệt có sắc thẹn, nên cúi đầu lặng thinh. Hải-Yến nhìn nàng rồi biểu nàng đi trước, nối gót theo sau. Chừng đi ngang qua chỗ Hải-Yến đánh với tên đầu đảng hồi nãy, thì thấy tên đầu đảng còn nằm dựa bờ, tay chơn uynh-oan, tóc râu rối-rấm như thây ma nằm đó. Ánh-Nguyệt dùn mình rồi bước trái mà đi riết.
Hai người đi về dọc đường nói chuyện với nhau nghe thân thiết lắm. Ánh-Nguyệt tuy nghiêm chỉnh song không kháng cự như khi trước nữa, mà hễ Hải-Yến tỏ chút tình chi thì thấy miệng nàng lại chúm-chím cười. Chừng vô tới rừng hai người lại ngồi chung với nhau trên một gốc cây khô mà nghỉ chơn.
Ánh-Nguyệt muốn kiếm đống củi mình đã gom hồi trưa mà gánh về. Hải-Yến không cho mà nói rằng trời đã gần tối rồi; không nên ở trễ. Hai người dắt nhau về tới nhà thì mặt trời đã chen lặn.
Ðỗ-Cẩm thấy hai người về một lượt, mà Ánh-Nguyệt lại không có củi thì lấy làm lạ, nên chạy ra sân mà hỏi. Ánh-Nguyệt đem chuyện mình bị ăn cướp bắt và nhờ Hải-Yến cứu mà thuật lại cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm nghe. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm tuy nghi Hải-Yến bày mưu, song không rõ mưu sắp thế nào, nên cứ chắt lượi lắc đầu mà nói rằng:
- Trời ơi, may quá! Cha chả, nếu không có cậu cứu thì cháu đã bị về tay quân cướp rồi còn gì! Ơn cậu lớn quá, cháu đừng có quên nghe hôn cháu.
Chừng Ánh-Nguyệt đi vô nhà sau, Ðỗ-Cẩm ngoắt Hải-Yến ra ngoài sân rồi hỏi nhỏ rằng:
- Thiệt có ăn cướp hay là cậu sắp đặt?
- Mưu của tôi đó. Phải dùng nguỵ kế mà dụ cô, chớ làm như chú bày đó, không được đâu.
- Mà cậu dụ nó được hay chưa?
- Ðược rồi, được rồi.
Hai người ngó nhau gặt đầu mà cười, rồi tẻ ra người đi cửa trước, kẻ đi ngả sau mà vô nhà.
*
* *
Lý-Ánh-Nguyệt tuy nhà nghèo, nhưng mà nết-na dè dặt, ăn nói hẳn hòi, lòng sạch trơn không để đóng bợn nhơ, trí ngay thẳng không ưa điều vạy vọ[2]. Ðã vậy mà nàng lại có ngón đờn hay, có văn học rộng, dầu nát thân cũng còn ôm chữ hiếu, dầu ngàn lượng cũng không đổi chữ tình. Gái như vầy Hải-Yến say đắm đến nỗi bỏ ăn bỏ ngủ, bỏ sách đèn, đến nỗi tốn của không phiền, bị nhục không tởn, nghĩ chẳng lạ gì. Người viết truyện nầy chẳng hề dám trách cái ái tình của chàng, chỉ buồn cho chàng là con nhà học trò, mà không hay trân trọng ái-tình, đã không biết tăng cao phẩm-giá của người mình yêu, mà lại còn bày kế nguỵ dùng chước xảo, mà làm cho phỉ tình dục của mình, người dường ấy chưa đáng đứng vào bực “đa tình nhơn”.
Từ ngày Hải-Yến cứu Ánh-Nguyệt khỏi nạn rồi, thì chàng ỷ công dày ơn trọng, nên theo ve vản nàng nữa. Nàng vì ơn nghĩa, nên không dám kháng cự như trước, mà thấy cái tình của chàng rất nặng, tài của chàng rất cao, bởi vậy lần lần rồi nàng cũng động lòng. Có khi chàng làm thi biểu nàng họa, có khi chàng đưa đờn biểu nàng đờn, hễ chàng biểu thì nàng vưng lời, chớ không dám từ chối.
Trai với gái gần nhau, khi ngâm thi khi hòa đờn, mà cả hai đều học giỏi hết thảy, bởi vậy lần lần rồi tình nàng cũng dan díu, lòng nàng cũng ngẩn ngơ. Chừng chàng dọ được ý nàng đã có tình với chàng rồi, chàng mới dở việc tóc tơ ra mà nói nữa. Nàng cúi đầu e lệ, song gượng nói nhỏ rằng:
- Em còn có một tháng nữa thì mãn tang của ông thân em. Vậy xin cậu chờ cho em báo hiếu rồi, em sẽ trao thân gởi phận cho cậu, đặng lo sửa tráp nâng khăn mà đền bồi ơn cứu tử.
Chàng nghe mấy lời như cổi[3] tấm lòng sầu, nên nhìn nàng mà đáp rằng:
- Có mấy tiếng nói đó mà cô tiếc với tôi làm chi, để cho tôi mấy tháng nay ngậm sầu nuốt thảm, đợi gió trông mây, đau đớn hết sức!
Nàng ngước mắt ngó chàng, hai người nhìn nhau, sóng tình dồi dập, non ái chập-chồng, tuy hai người không nói một tiếng chi nữa hết, mà mắt ngó nhau đó cũng đủ ước hẹn cùng nhau trăm năm vàng đá.
Tới ngày mãn tang, Hải-Yến đưa tiền biểu Ánh-Nguyệt đi chợ mua thịt rượu đem về nấu một mâm cơm mà cúng cha, rồi vợ chồng có thành hôn với nhau. Ánh-Nguyệt lãnh tiền đi chợ. Hải-Yến thấy việc mình muốn nay đã thành rồi, thì trong lòng vui-vẻ vô cùng. Chàng thừa lúc Ánh-Nguyệt vắng mặt, mới lấy 5 nén bạc mà đền ơn Ðỗ-Cẩm và trả luôn 30 quan tiền của Ánh-Nguyệt thiếu đó nữa.
Cúng quảy xong rồi, cả nhà ngồi chung lại mà ăn uống. Ðỗ-Cẩm có lợi thì đắc chí, nên uống rượu xoàn-xoàn rồi nói với Ánh-Nguyệt rằng:
- Ngày nay cháu có chồng tử tế như vầy cháu đừng có quên ơn vợ chồng chú. Nếu bụng chú xấu như người ta, thì chú bắt cháu ở làm tôi mọi đến già, chớ chú đương thèm[4] kiếm chỗ tử tế mà gả, vậy cháu phải nhớ ơn vợ chồng chú” .
Ánh-Nguyệt thiệt-thà không dè Ðỗ-Cẩm bán mình, mà cũng không dè Hải-Yến lập mưu dụ dỗ, nên nàng ứa nước mắt mà đáp rằng:
- Thân cháu nghèo hèn côi-cút, hai năm nay nhờ chú thím nuôi dưỡng, bây giờ chú thím lại đứng gả cháu lấy chồng, ơn ấy cháu ghi nhớ hoài, dầu ngàn năm cháu cũng không quên được.
Ðỗ-Cẩm gật đầu rồi bưng ly rượu uống nghe một cái ọt, coi bộ vừa lòng lắm.
Hải-Yến thành hôn với Ánh-Nguyệt được rồi, nghĩ ở chung chạ với vợ chồng Ðỗ-Cẩm không tiện, nên xuất tiền mua một cái nhà nhỏ ở gần cửa thành hướng nam rồi hai vợ chồng dọn đồ về mà ở.
Trai tài gái sắc phận đẹp duyên ưa, người phỉ tình quên hết nỗi tương-tư, kẻ ghi dạ giữ tròn niềm tơ-tóc. Ban ngày vợ lo nồi cơm siêu nước, chồng chuyên bài sách câu thi; ban đêm vợ ngồi bên nây may vá áo quần, chồng nằm bên kia sôi kinh nấu sử. Hễ chồng có lảng-lơ đèn sách, thì vợ nhắc nhở khuyên lơn, hễ vợ có nhớ quê quán, buồn mẹ cha, thì chồng dẫn giải việc đời mà vỗ về an ủi.
Gặp bữa trăng trong gió mát thì vợ chồng nhắc ghế ngồi dựa mấy bụi bông, rồi mặt nhìn nhau vịnh phú ngâm thi, gặp đêm não trí buồn lòng, thì vợ chồng khêu tỏ ngọn đèn rồi kề vai nhau mà hòa đờn uống nước. Ai dòm vô nhà Hải-Yến thì cũng đều cho là một nhà phong lưu thú vị, cũng đều cho là một cặp tài tử giai nhơn.
Mảng say sưa vì nết, mảng mê mẩn vì tình, nên xuân qua thu lại hết hạ sang đông, tính đã trót một năm, mà thấm thoát coi mau dường như trong mấy bữa.
Ðến năm Tân-mão (1831) triều đình mở hội thi nữa. Các sĩ-tử sắm sửa tề-tựu tại thành Gia-định mà nhập trường. Ánh-Nguyệt cũng lo sửa soạn bút nghiên cho chồng ứng thí.
Năm ấy Hải-Yến đậu Cử-nhơn. Ðến bữa xướng danh thiên-hạ náo nức trước cửa trường mà trông nghe tin tức.
Ánh-Nguyệt ngày đêm thành tâm khẩn nguyện cho chồng thi đậu, nên đến bữa ấy nàng nóng-nảy trong lòng ngồi nhà không yên, bởi vậy cũng đến đứng lóng-nhóng trước cửa trường thi mà nghe xướng danh. Chừng nghe tới tên họ quê quán của chồng, thì nàng vui mừng khấp khởi, chen trong đám đông mà kiếm chồng. Nàng đi cùng hết mà không gặp, trong trí tưởng có lẽ chồng nghe tin ấy lật-đật chạy về nhà mà cho mình hay, nên nàng bương-bả trở về nhà. Nào dè về đến nhà cũng không thấy chồng; nàng ngồi không yên cứ ra đứng dựa cửa ngóng trông hoài.
Nàng đợi không được, muốn đi kiếm nữa, mà rồi nàng nghĩ nếu lúc mình đi kiếm, chồng về nhà không có mình, lại càng thất công chồng chờ mình, bởi vậy nàng quyết ở nhà mà đợi chớ không đi nữa. Nàng mừng rỡ quá, muốn chia vui cùng chồng nên bắt một con gà làm thịt rồi nấu cơm mua rượu rồi dọn một tiệc đặng chồng về ăn uống khánh hạ ngày đạp bước thang mây.
Ánh-Nguyệt dọn tiệc xong rồi mà cũng chưa thấy Hải-Yến về. Nàng muốn làm công việc đặng nguôi bớt lòng trông đợi, nên nàng dọn dẹp trong nhà cho vén khéo, quét tước ngoài sân cho sạch sẽ, rồi nàng lại rửa mặt, thay quần đổi áo. Nàng chờ đến tối mà không thấy chồng về. Trong lòng nàng ái-ngại, không thể chờ được nữa, nên nàng đậy mâm cơm lại rồi sập cửa bỏ nhà mà đi kiếm.
Nàng đi vòng mấy cửa trường thi, đến chỗ nào cũng thấy năm ba chục người đương đứng mà đọc bản đề tên mấy sĩ tử mới thi đậu, song cũng không gặp chồng. Nàng buồn chí mới đi vòng lại phía chợ; ngoài đường thiên-hạ còn náo-nức, trong quán sĩ-tử còn lao nhao, người đi thi đậu thì hớn-hở vui cười, kẻ thi rớt thì buồn rầu xu-xị.
Ánh-Nguyệt đi ngang qua một cái quán, nghe trong quán có tiếng ca lảnh-lót, giọng đờn tiêu-tao, nàng liếc mắt dòm vô thì thấy có sáu sĩ-tử đương ngồi ăn uống vui cười, lại có ba nàng má phấn môi son xẩn-bẩn chung quanh kẻ đờn người ca mà dưng rượu. Ánh-Nguyệt vừa xay mặt mà đi, thì nghe trong quán lại có một người cất tiếng cười lớn và nói rằng: “Hay lắm, hay lắm! Nết-na của cô mi, dầu vợ ta ở nhà cũng không dám bì, còn bài ca của cô mi, dầu cho ta chết với cô mi ta cũng không tiếc”.
Nàng nghe tiếng cười giọng nói giống như tiếng cười giọng nói của chồng, nên nàng ngừng bước đứng lại mà dòm vô quán nữa. Ðèn đốt sáng quắc, rượu thịt đầy bàn, Hải-Yến ngồi phía trong đương ôm một đứa ca-nhi trum trủm trong lòng mà hun-hít. Ánh-Nguyệt thấy cảnh lả-lơi ấy thì nàng hổ thẹn, nên nàng xây mặt chỗ khác rồi đi riết về nhà.
Chẳng hiểu lúc ấy trong lòng nàng buồn hay là giận, mà về đến nhà nàng nằm dàu-dàu. Nàng ngó mâm cơm mà tiếc công mình sắm sửa chờ đợi chồng từ hồi trưa cho đến bây giờ, chồng thi đậu rồi đã không lật-đật về nhà chung vui với vợ, mà lại kết bè kết bạn ghẹo nguyệt giỡn hoa, sá chi bọn ca-nhi mà khen nó nết-na hơn vợ nhà, tặng nó tài tình đáng chết sống. Thiệt ban đầu nàng phiền Hải-Yến, mà rồi nàng nghĩ chồng mình thi đậu nó vui mừng nên phải vui chơi với bậu bạn chút đỉnh. Mấy năm nay công sách đèn cực khổ, ngày nay chơn bước thang mây, tên đề bản hổ, tự nhiên phải vui chơi, nếu mình trách chồng thì té ra mình hẹp hòi thái quá. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, ngày nào cũng thấy mặt nhau, còn bằnh hữu không mấy khi tương hội, bởi vậy chồng mình phải vui với anh em trước, chớ vợ ở nhà mà lật đật[5] làm chi. Còn lời nói với ca-nhi là lời phỉnh phờ theo chén rượu, hơi nào mà mình cố chấp.
Ámh-Nguyệt nghĩ như vậy thì nàng hết phiền trách chồng, mà nàng biết chồng ăn chơi chỗ nào rồi, thì nàng cũng không bưng khuâng trông đợi nữa. Nàng gài cửa tắt đèn tính đi ngủ, mà nằm trong mùng nàng vui mừng cho chồng công thành danh toại hoài, nên nàng ngủ không được.
Trống trong thành trở canh tư rồi, Hải-Yến mới về kêu vợ mở cửa. Ánh-Nguyệt mới vừa nghe tiếng chồng kêu thì nàng mừng rỡ, nên lật đật thổi lửa, đốt đèn, mở cửa mà tiếp rước. Hải-Yến bước vô hơi rượu nực-nồng, mặt đỏ au, đứng chống nạnh ngó vợ mà hỏi rằng:
- Tôi thi đậu rồi, toại chí hôn?
Ánh-Nguyệt cười và đáp rằng:
- Em biết tài học của anh cao, công học của anh dày, thế nào anh cũng thi đậu; tuy vậy mà em cũng cầu trời khẩn phật ủng hộ cho anh dữ quá. Nay cũng nhờ đức tổ tiên và nhờ ơn trời đất, nên thi đậu được, thì em mừng nhiều hơn hết, chớ sao lại không mừng.
- Em mừng lắm hay sao?
- Dạ, hồi sớm mai em lén đi nghe xướng danh. Chừng nghe tên anh thì em đi kiếm anh dữ quá không gặp. Em tưởng anh về nhà, em lật đật trở về, té ra không có anh. Em làm thịt một con gà dọn tiệc từ hồi trưa cho đến bây giờ đây, chờ anh về em dưng lễ khánh-hạ.
Ánh-Nguyệt bưng một mâm rượu thịt đem ra mà để trên ván, sửa soạn cho chồng ăn uống. Hải-Yến khoát tay tỏ ý không muốn ăn và nói rằng:
- Qua đã ghé quán ăn uống với anh em bạn rồi, em hãy bưng dẹp đi, qua không ăn nữa đâu.
Nàng đứng ngó chồng trân trân. Hải-Yến bỏ đi thay áo đổi quần, không nói chi nữa hết. Ánh-Nguyệt thấy chồng thi đậu về nhà mà không tỏ một lời nào có tình có nghĩa, mình muốn dưng lễ khánh hạ mà chồng cũng không chịu nhậm lễ, bởi vậy nàng buồn, nên bưng mâm cơm để cất mà nàng rưng rưng nước mắt.
Mấy ngày sau, Hải-Yến cứ đi kiếm anh em bạn rồi ăn ngả nằm nghiêng trong mấy trà đình tửu điếm, chừng về nhà hễ bữa nào say thì ngủ, còn bữa nào tỉnh thì tính việc về An-Giang đặng bái tổ vinh qui, chớ không tỏ dấu dan díu thương yêu vợ như lúc trước nữa. Ánh-Nguyệt phiền thì phiền riêng trong lòng, chớ không dám nói ra, buồn thì buồn thảm trong bụng, chớ không dám lộ ngoài mặt.
Cách nửa tháng, Hải-Yến dọn dẹp đờn sách tính mướn ghe đưa về An-Giang. Ánh-Nguyệt không nghe chồng biểu mình đi theo, nên không hiểu ý chồng liệu phận mình thế nào, bởi vậy đêm nọ mướn ghe xong rồi, Hải-Yến định sáng bữa sau dọn đồ xuống ghe mà đi, Hải-Yến đương ngồi tréo mảy chơn nhịp ván tay khảy đờn, Ánh-Nguyệt mới thỏ thẻ hỏi rằng:
- Thưa, anh tính sáng mai đi về An-Giang, mà nhà cửa anh bỏ lại đây ai coi, sao em không nghe anh tính việc ấy?
- Thời để lại đây cho em ở, chớ còn biểu ai coi nữa bây giờ?
Ánh-Nguyệt nghe mấy lời thì biến sắc, nàng biết chắc chồng không đem mình theo, thì nàng buồn tủi vô cùng, song nàng gắng gượng làm vui mà thưa nữa rằng:
- Té ra anh tính em ở lại đây hay sao? Phận em là gái, hễ có chồng phải theo chồng.
Nàng vừa nói tới đó thì chàng buông cây đờn rồi châu mày day lại ngó nàng mà nói rằng:
- Qua tính để qua về bái tổ vinh qui, qua thưa việc của mình lại cho cha mẹ qua hay trước, rồi qua sẽ trở xuống rước em.
- Vậy chớ em đi với anh một lượt không được hay sao?
- Bất tiện lắm, bởi vì hồi qua cưới em qua không có thưa cho cha mẹ hay, nếu bây giờ qua dắt em về một lượt thì sái lễ lắm.
Ánh-Nguyệt châu mày ứa lụy, ngồi lặng thinh mà trong lòng đau đớn vô cùng. Hải-Yến thấy nàng buồn, bèn đứng dậy đi lại ngồi một bên, tay vịn vai nàng, miệng chúm chím cười và nói rằng:
- Em đừng có buồn. Qua về có lâu lắm là một tháng thì qua sẽ trở xuống rước em. Ngày nay là ngày qua nhẹ bước thang mây vinh qui bái tổ, em phải vui vẻ mà đưa qua, em buồn như vậy qua vui sao được. Vợ chồng ta ăn ở với nhau hơn một năm nay, tâm đầu ý hiệp, tri kỷ tri âm, em còn nghi ngại điều chi hay sao mà em buồn?
Ánh-Nguyệt cúi đầu, lấy vạt áo lau nước mắt rồi thỏ thẻ nói rằng:
- Em đâu dám nghi bụng anh. Em buồn là vì em sơ ý, hồi anh cưới em quên nhắc anh thưa cho cha mẹ hay trước, bởi vậy bây giờ mới có chỗ khó cho anh. Em sợ nếu anh về nhà tỏ thiệt cho cha mẹ hay, mà cha mẹ không vui lòng, thì duyên nợ đôi ta lấy làm khó lắm.
Hải-Yến trợn mắt trề môi đáp rằng:
- Ối, tưởng là việc gì kia, chớ việc đó em đừng có lo mà.
- Em phải lo, chớ không lo sao được. Cha mẹ là trời là biển, nếu cha mẹ không vừa lòng thì phận anh là con, anh dám cãi hay sao.
- Cha mẹ có biểu là biểu việc gì, chớ vợ chồng người ta thương yêu như vầy mà cha mẹ đành lòng dứt mối cang thường của người ta hay sao.
Hải-Yến nói tới đó thì nắm tay vuốt tóc Ánh-Nguyệt, bộ coi dang-díu, tình coi mặn nồng lắm. Ánh-Nguyệt bớt buồn, song nàng ngồi lặng thinh một hồi rồi nói nhỏ-nhỏ rằng:
- Xưa rày em không dám cho anh hay. Em có nghén đã được 3 tháng rồi, vậy anh có về thì nhớ trở xuống rước em mau mau, chớ đừng có bỏ em bơ-vơ tội nghiệp. Thân em côi-cút, bây giờ chẳng biết đâu mà nương dựa, xin anh chiếu cố thương dùm phận em.
Hải-Yến vừa nghe Ánh-Nguyệt nói có nghén đã được ba tháng thì mặt mày tái lét, buông Ánh-Nguyệt ra rồi đi lại cửa đứng ngó ra ngoài sân. Gió thổi lá cây khua tiếng lào xào, đèn chói ngọn cỏ nhuộm màu hoa-hoét. Chẳng hiểu chàng suy nghĩ việc chi, mà đứng một hồi rồi day lại mặt mày buồn xo, hối Ánh-Nguyệt sập cửa tắt đèn đi ngủ.
Sáng bữa sau Hải-Yến dọn đờn sách bút nghiên xuống ghe, đưa cho Ánh-Nguyệt 5 nén bạc rồi từ biệt mà về An-Giang. Ánh-Nguyệt đi theo xuống tới bến mà đưa chàng. Khi chàng bước xuống ghe thì nàng kêu mà nói rằng:
- Xin anh nhớ mấy lời em căn dặn, về đến nhà thì rán mà làm cho cha mẹ vui lòng rồi mau trở xuống rước em, chớ đừng để em đợi chờ tội nghiệp. Một ngày anh vắng mặt là một ngày em trông đợi. Vậy dầu thế nào, cũng xin chớ phụ tình nhau.
Lời nàng nói thảm thiết bi ai vô cùng, song không biết có động thấu lòng chàng được hay không, mà chàng gục gặt đầu rồi chun vô mui không đáp một tiếng chi hết.
Trạo phu[6] nhổ sào xô ghe ra khỏi bến rồi gay[7] chèo. Ánh-Nguyệt đứng trên bờ ngó theo, nước mắt tuôn như mưa, ruột quặn đau như cắt, mái chèo chặt nước mà nó làm đau-đớn lòng nàng cũng như ai vác cây đập trên ngực nàng vậy.
Ghe đi khuất mất đã lâu mà Ánh-Nguyệt hãy còn thơ thẩn trên bến hoài, đứng chong mắt ngó mông đã thèm rồi ngồi khoanh tay mà khóc, khóc rồi lại ngó, làm như vậy đến tối mò nàng mới chịu lần bước trở về nhà.
[7] cột quay chèo vào cột chèo