HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 
 
 
Ngọn Cỏ Gió Ðùa
Chương 11

Lúc nửa chiều, mặt trời thấp-thoáng trên ngọn cau sau vườn, làm cho ngoài sân bóng dọi chỗ mát chỗ nắng. Con chó mực nằm khoanh trước cửa, mắt nhắm lim-dim. Gà mái xám dắt bầy con xẩn-bẩn theo lúa, mẹ đi trước bộ na-nần, con đi sau kêu chéo-chét. Bầy trâu đen đứng trong chuồng vin râu nhơi[1] cỏ, mũi thở khì khịt, đuôi ngoắt phất-phơ.

Ông Ðàm-tự-Chấn ngồi dưới mái hiên chẻ tre đương rổ, trí mắc lo công việc làm, nên không thấy cảnh thú tiu-hiu. Ðàng kia nàng Kim-Diệp tay vịn vai thằng con, tay thò chọc con két, bộ khi chơi ở đây, mà lòng thì tưởng ở đâu. Con kết chớp cánh rồi hả miệng  cạp tay nàng làm cho thằng con của nàng, tên là Vương-thể-Phụng, năm nay được 6 tuổi, sợ mẹ nó trầy tay, nên trợn mắt dậm chơn la “két! két!”.

Nàng Kim-Diệp ngó con mà cười song nếu ai coi cho kỹ thì ắt thấy vẻ cười của nàng có xen lộn nét lo. Nàng liếc mắt dòm cha, rồi lại ngó ra trước cửa, bộ coi lơ lửng dường như trông ai đợi ai. Cách chẳng bao lâu Vương-thể-Hùng ở ngoài hàng rào bước vô sân, thấy vợ con đương đứng trước cửa thì chúm-chím cười. Thể-Phụng mừng cha, nên chạy ra nói lăn-líu.

Thể-Hùng dắt con đi lại chỗ Ðàm-tự-Chấn ngồi chẻ tre chấp tay cúi đầu xá ông và nói rằng: “Thưa cha, con đi chơi mới về”. Ðàm-tự-Chấn ngồi chăm chỉ mà chẻ tre, không thèm ngó chàng rể, mà cũng không ừ hử chi hết.

Thể-Hùng thấy cha vợ không vui, thì chàng xẽn-lẽn, nên đứng ngó quanh-quất rồi dắt con vô trong nhà. Chàng muốn kiếm chuyện nói dã-lã cho cha vợ hết giận, nên lúc ăn cơm chiều chàng nói rằng: “Tôi đi chơi chuyến nầy có nghe một chuyện lạ quá, không biết cha ở nhà cha có nghe hay chưa”.

Ðàm-tự-Chấn có tánh hễ ai trái ý thì giận, mà hễ nghe chuyện gì lạ thì hay hỏi, bởi vậy vừa nghe rể nói dứt lời vụt hỏi rằng:

-         Chuyện gì?

-         Ông Khôi đã trả thù được rồi.

-         Ông Khôi nào?

-         Ông Khôi là dưỡng-tử của Tả-quân, làm chức Vệ-Úy trên thành Gia-Ðịnh đó.

-         Trả thù cho ai?

-         Thưa, trả cho quan Tả-quân.

-         Thù gì mà trả?

-         Thưa, cha không hay hay sao? Quan Tả-quân là một vị khai-quốc công-thần, thanh-liêm chánh-trực; nhà Nguyễn khôi phục giang sơn lại được, ấy cũng là nhờ sức ngài nhiều lắm. Ngài vừa mới tạ thế, triều-đình không nghĩ công lao của ngài, liền sai lũ quan nịnh hót tham nhũng vào chia trấn Gia-Ðịnh mà cai trị, rồi lại bươi móc kiếm chuyện mà làm nhục danh tiết của ngài nữa. Những đứng anh-hùng nghĩa-sĩ ai nghe việc ấy cũng đều sôi mật bấy gan.

-         Ðừng có quen cái thói ngang tàng đó tao không ưa. Triều-đình mà làm quấy bao giờ. Mầy nói phạm thượng đây đố mầy khỏi bị chết chém.

-         Ai dám chém con?

-         Quan chém, vua chém chớ ai.

-         Hứ! Có giỏi chém rồi đây sẽ chém! Ông Khôi đã giết hết rồi, còn gì mà chém được nữa.

-         Giết ai?

-         Nghe nói Tổng-Ðốc, Bố-Chánh gì cũng đều bị giết hết. Ông Khôi bây giờ chiếm thành Gia-Ðịnh xưng là Ðại Nguyên-Soái, quan dân trong 6 tỉnh thảy đều qui phục hết rồi. Ông đương chiêu tập anh-hùng đặng kéo binh ra đàng ngoài mà rửa hờn cho quan Tả.

-         Thứ đồ nguỵ dám cả gan dữ! Chộn rộn đây chẳng khỏi bay đầu hết!

-         Ông Khôi đương là đại nghĩa, sao cha lại kêu là đồ nguỵ? Phàm đứng anh-hùng sư nên hư, còn mất, có gì. Mình muốn luận phải quấy, thì xét cái sở hành mà thôi, cần gì xét sự kết quả. Ví dầu ông Khôi không thành công đi nữa, danh thơm tiếng tốt của ông cũng còn roi dấu đời đời, con cháu ngày sau cũng khen cái giận anh-hùng của ông lắm chớ. Người nghĩa-sĩ lo là lo cho tròn danh tiết, chớ lo chi sự mất còn.

-         Mầy giỏi thì mầy đi theo quân phản tặc đó mà nhờ.

Ðàm-tự-Chấn nói lẫy mấy lời rồi buông đủa đứng dậy đi uống nước, không thèm ăn cơm nữa. Thể-Hùng mắt ngó theo cha vợ mà miệng chúm-chím cười. Kim-Huê và Kim-Diệp mặt buồn xo, không dám xen vô mà phân phải trái chi hết.

Ðêm ây Thể-Hùng to nhỏ nói cho vợ hay rằng Lê-văn-Khôi đã truyền hịch chiêu mộ anh-hùng đặng báo nghĩa cho Tả-quân và tru diệt những tham quan ô lại. Các nghĩa-sĩ trong 6 tỉnh ai ai cũng đều ra đầu quân, quyết giúp Lê-văn-Khôi mà chống cự với binh triều, cho rõ mặt anh-hùng trong đất Gia-Ðịnh. Những anh em bậu bạn của chàng đều đi hết rồi; chàng trở về đây là về đặng từ giã vợ con mà xông vào nước lửa.

Kim-Diệp không thông quốc-sự, mà vì chữ thương nên nàng hết dạ tin chồng, bởi vậy Thể-Hùng nói đi đầu quân đó là phải, thì nàng cho là phải, không dám cản trở chồng trong việc nghĩa.

Sáng bữa sau Thể-Hùng thưa với Ðàm-tự-Chấn xin gởi vợ con ở lại nhà đặng đi đầu quân. Ðàm-tự-Chấn nghe nói thì chưng-hửng, không dè hồi chiều hôm qua mình nói lẫy mà rể lại làm thiệt, bởi vậy ông ngẩn-ngơ một hồi rồi nói rằng:

-         Hôm qua tao nói lẫy, bộ mầy giận tao nên mầy đi thiệt hay sao?

-         Thưa cha, con đâu dám giận cha, việc nầy con đã quyết định hỗm nay rồi, nên về đây thưa cha hay đặng con đi chớ.

-         Thế ra mầy quyết chí há? …. Lếu lắm, lếu lắm!

-         Thưa cha, làm việc nghĩa mà sao cha gọi rằng lếu?

-         Nghĩa gì? Làm giặc, làm giã, làm phản, làm nghịch, mà mầy nói làm nghĩa! Nghĩa với ai? Mình là con dân trong nước, nhờ có vua chúa mới no cơm ấm áo. Nay mầy trở lòng theo quân nguỵ mà nghịch với vua, sao mầy dám xưng là làm nghĩa. Nghĩa đâu tao chưa thấy, mà bây giờ tao đã thấy mầy bất nghĩa rồi.

Thể-Hùng muốn cãi với cha vợ mà rồi anh ta nhắm có cãi cũng vô ích, nên anh ta lắc đầu ngó chỗ khác, không thèm nói nữa.

Ðàm-tự-Chấn bèn nói tiếp rằng:

-         Tao không hiểu mầy ở đời nầy mà mầy đọc sách đời nào ở đâu, nên tính làm những việc kỳ cục quá. Hay là thuở nay mầy du đảng với bọn hung đồ, mầy tập quen cái thói ngang ngược nên mầy sanh tâm muốn làm quấy như vậy. Bây giờ để tao hỏi xắc mầy một đều nầy: mầy tính đi lên thành Gia-Ðịnh xin làm quân lính cho Lê-văn-Khôi đặng có đánh với binh tướng của vua phải hôn?

-         Thưa, phải.

-         Mầy làm như vậy, mầy mang 3 điều bất nghĩa; thứ nhứt mầy nghịch với vua, mầy trái nghĩa quân thần, thứ nhì mầy làm nguỵ gây hại đến tao, mầy lỗi niềm phụ tử, thứ ba mầy bỏ vợ yếu con thơ, mầy lỗi đạo phu phụ. Mầy là đứa có học, tao nói ít mầy phải biết nhiều.

-         Thưa cha, xin cho phép con trả lời trong ba điều ấy cho cha nghe.

-         Mầy muốn nói giống gì thì nói, xin phép xin tắc mà làm gì. Vậy chớ nãy giờ mầy cãi lẽ om sòm đó mầy mấy xin phép ai.

-         Thưa cha, đạo quân thần há con lại chẳng biết hay sao. Nhưng mà con xin hỏi vắn tắt lời nầy: Hễ làm vua mà không biết trọng nghĩa của tôi, thì tôi phạt, chẳng còn biết ai là quân, ai là thần, mà gọi là phản nghịch.

-         Hứ! Lời nói vô quân vô phụ dữ! Vậy câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” rồi sao.

-         Thưa, câu sách đó là câu của người nịnh hót nhà vua họ đặt ra mà làm ám muội lòng dân đặng tiện bề cai trị, câu đó là câu hại dân, chớ có ích chi đâu mà phải làm theo.

-         Bây giờ nó cãi với thánh hiền nữa chớ!

-         Còn hai điều sau, thiệt con có lỗi với cha và vợ của con, chớ con không dám cãi. Tuy vậy mà con xin cha nhớ lại: ngày cha kêu mà gả vợ con cho con, thì con đã có thưa với cha rằng tánh con ưa thú giang hồ, không quen nưng đở vợ con, nên sợ con kham đạo làm rể, làm chồng, làm cha được. Cha nói không hại gì, vậy bây giờ như cha không thương, cha có quở trách thì con chịu, chớ con không sửa tánh khí của con được.

-         Phải. Tao nói thì tao nhớ. Hồi trước mầy nói mầy quen đi chơi với anh em, chớ không biết làm ăn. Tao vì thương con nên chịu bướng. Mà mấy năm nay mầy giao du tháng nầy qua tháng kia, tao phiền song tao để bụng, chớ tao có rầy mầy đâu. Bây giờ mầy lại sanh tâm đi làm giặc, muốn hại cho tao chết chém cả nhà; mầy làm thái quá, rồi biểu tao cũng phải nín mà chịu, cha chả! Nín sao cho được “

Ðàm-tự-Chấn nói tới đó coi bộ tức giận lắm, vì ông châu mày trợn mắt rồi đứng dậy bỏ đi ra ngoài sân. Còn Vương-thể-Hùng chắc là cảm động hay sao, nên chàng ngồi cúi mặt lặng thinh, coi bộ không vui mà lại có mòi lo tính.

Ngày ấy Thể-Hùng không nói chuyện đó nữa. Ðến chiều, ăn cơm rồi, chàng lần bước đi ra mé sông đứng ngó mông. Nước đầy mà gió thổi mặt dun da, chàng ngó nước rồi phới động thú giang hồ nên trong lòng khấp khởi. Chim về ổ, tiếng kêu nhau chéo-chét, chàng thấy chim rồi sực nhớ tánh hộc hồng[2] nên trong dạ bàng-hoàng. Ðứng anh-hùng trong bốn biển đâu cũng là nhà, trang nghĩa-sĩ nội một kiếp tử sanh cũng vậy. Gầy gia thất làm chi mà bây giờ phải nhọc lòng cực trí, nếm mùi đời làm chi mà bây giờ phải ngậm đắng trêu cay.

Thể-Hùng đi thơ-thẩn dọc theo mé sông mà suy nghĩ, đi cho đến tối rồi chàng mới chịu trở về nhà. Ðêm ấy chàng không tính chuyện đi nữa, mà lại còn giỡn trững với con, nói chuyện với vợ cho đến khuya rồi đi ngủ. Qua ngày sau chàng cũng vui vẻ như thường; Kim-Diệp tưởng là chồng hồi tâm muốn vui thú thê nhi, nên nàng trong dạ mừng thầm, không dè bề ngoài thì chàng làm vui, mà hễ chàng ngó vợ con thì nét mặt chàng lơ-lơ lửng-lửng.

Qua đêm sau chàng nằm thiếp-thiếp trên bộ ván ngoài trước, ai cũng tưởng chàng ngủ, nên đóng cửa sớm mà ngủ hết. Gần hết canh ba, chàng thức dậy lóng tai nghe trong nhà vắng teo, lại thấy trong phòng vợ con có đèn đốt sáng-sáng. Chàng lén bước nhẹ-nhẹ vào phòng, đứng ngó tứ phía rồi lại đầu giường dở mùng lên mà dòm. Nàng Kim-Diệp nằm ngoài, cong bàn tay trái chống gò má, sè bàn tay mặt vịn vai con, tối mà rỡ-rỡ mặt mày như trăng tròn, ngủ mà chúm chím miệng cười như hoa nở. Còn thằng Thể-Phụng nằm trong, mặt mũi phương-phi, tay chơn mạnh-mẽ, ngủ mà nằm nghiêng thấy gò má muốn hun.

Thể-Hùng đứng ngó vợ ngó con một hồi, chẳng hiểu tại sao chàng cảm xúc, mà chàng lại lấy tay chùi nước mắt. Ban đầu thấy mặt chàng buồn, một lát rồi lại thấy chàng châu mày trợn mắt, coi bộ như quyết đoán việc chi vậy. Chàng chăm-chỉ nhìn mặt vợ rồi thò tay vô mùng lần lần lén cởi chiếc vòng đồng thòa của vợ lấy lận vào lưng. Chàng lại cúi mặt xuống mà hun con, giọt nước mắt nhểu xuống gò má của Thể-Phụng ướt-rượt.

Chàng chun ra ngoài, đậy mùng lại, rồi quày-quả bỏ đi; đến cửa buồng, chàng day đầu ngó lại một lần chót rồi đi. Chàng ra ngoài trước rồi lần mò đi lại cửa mạch, lén mở cửa nhẹ-nhẹ chun ra sân đi tuốt.

*

*      *

Sớm mai mưa tuôn lát-đát, gió thổi lao-rao; ngoài bưng đế sậy tranh tươi, trong rừng thú cầm biếng dậy.

Vương-thể-Hùng cậy thuyền câu chèo đưa chàng qua sông Vũng-Gù rồi chàng leo lên mé vạch cỏ mà đi. Chàng ngó tứ phía thì thấy tay trái rừng giăng mịch-mịch, bên tay mặt bưng trải minh-mông; cách xa xa mới thấy một chòm nhà, mà hễ có nhà thì mới có ruộng vườn chút đỉnh.

Chàng đi hơn nửa ngày mới tới mé sông Bến-Lức. Chàng đương xăng-văng xéo-véo đứng đợi ghe mà xin quá giang, thình lình có một người, trạc chừng 45 tuổi, gương mặt thỏn, nước da đen, cầm nhọn-nhọn, mép có râu lún-thún, ở đàng xa lơn-tơn đi lại, mắt nháy lia-lịa, miêng chúm-chím cười. Thể-Hùng không biết người ấy là ai, nên đứng ngó trân tran. Người ấy tới rồi hỏi Thể-Hùng rằng:

-         Cậu đợi ghe đặng qua sông phải hôn?

-         Phải.

-         Tôi cũng đợi từ hồi trưa cho đến bây giờ mà không có chiếc ghe nào hết. Cậu qua sông đặng lên Gia-Ðịnh hay đi đâu?

-         Tôi lên Gia-Ðịnh.

-         Tôi chắc cậu nghe Ðại Nguyên-Soái qui tập anh-hùng nên cậu đi ứng nghĩa đây chớ gì, phải hôn?

-         Phải. Còn chú đi đâu đó?

-         Tôi cũng ứng nghĩ như cậu vậy chớ đi đâu. Lúc nầy Ðại Nguyên-Soái đương dụng nhơn, tuy tôi bất tài, song cũng là một đứng tu mi nam tử, lẽ nào tôi lại trốn lánh.

Thể-Hùng nghe người ấy nói có hơi đồng-chí với mình thì mừng, nên liếc ngó tướng mạo người ấy một lần nữa rồi hỏi rằng:

-         Chú quê quán ở đâu?

-         Khi trước tôi ở trên Gia-Ðịnh làm ăn, mới về tổ quán ở Vũng-Gù bốn năm năm nay. Ðỗ-Cẩm là tôi đây. Còn cậu ở đâu?

-         Tôi tổ quán ở Bến-Lức, song mấy năm nay tôi cũng về ở dưới Vũng-Gù.

-         Té ra hai anh em mình ở một xứ, đi một chỗ, làm một việc, vậy thì mình hiệp nhau mà đi cho có bạn. May dữ! Ðường sá sầm-uất quá, từ hồi sớm mai cho tới bây giờ tôi đi có một mình, tôi sợ gặp “ông thầy” [3] bất tử[4] không xong.

-         Có sao đâu mà sợ. Ðường nầy tôi đi hoài, không gặp chi hết, mà dầu có gặp đi nữa cũng không hại gì.

Thể-Hùng mới nói tới đó, bỗng thấy có một chiếc ghe lường ở trên chèo xuống. Hai người đều mừng rỡ, áp kêu ghé lại mà xin quá giang. Hai người qua sông rồi nhắm hướng Gia-Ðịnh mà đi riết. Thể-Hùng với Ðổ-Cẩm vào thành xin đầu quân, Thể-Hùng sức lực mạnh-mẽ lại võ-nghệ cao-cường nên tháo luyện trong ít ngày Thái-công-Triều thấy chàng có tài mới thưa với Ðại Nguyên-Soái phong cho chàng chức đội-trưởng.

Cách chừng một tháng, binh triều và bộ và thủy kéo vô tới một lượt. Lê-văn-Khôi sai Thái-công-Triều với Nguyễn-văn-Ðà dắt binh chận đường bộ và sai Lưu-Tín với Trần-văn-Tha dẫn chiến thuyền đón đường thủy mà đánh.

Thái-công-Triều gốc ở Thừa-Thiên, ngày trước làm Vệ-Úy coi vệ biền binh đóng tại Gia-Ðịnh. Nay vâng lịnh Lê-văn-Khôi dẫn binh đi ngăn giặc, qua tới Ðồng-Nai gặp Phan-văn-Túy, Trương-minh-Giảng và Trần-văn-Năng dẫn bộ binh và tượng binh đông hơn binh mình thập bội, thì kinh tâm tán đởm, đã không dám giáp chiến mà lại còn truyền lịnh thối binh ba bốn dậm rồi nhơn lúc đêm tối trốn qua đầu giặc.

Thể-Hùng làm đội-trưởng trong đạo binh của Thái-công-Triều hay tin tướng Trung-quân đã phản thì tức giận, bèn thương lượng với Nguyễn-văn-Ðà rồi hiệp quân lại mà đánh vùi một trận. Ðã biết binh Gia-Ðịnh ít tự nhiên thắng không đặng, nhưng mà tướng triều thấy Nguyễn-văn-Ðà điều binh có qui củ, và thấy binh Gia-Ðịnh mỗi tên đều hùng tráng can đởm thì khen ngợi vô cùng.

Nguyễn-văn-Ðà dẫn bại binh về phục tội, Lê-văn-Khôi nổi giận bổn thân cầm binh ra đánh. Hai bên chống cự với nhau trên mé sông Ðồng-Nai, không bên nào thắng nổi bên nào.

Thái-công-Triều bày mưu với Bình-khấu Tướng-quân là Trần-văn-Năng và xin làm hướng đạo dẫn binh triều lén đi đánh mà thâu phục các tỉnh lại. Lê-văn-Khôi mắc lo giữ mặt Ðồng-Nai, không đề phòng chỗ khác được, bởi vậy binh triều lần lần lấy các tỉnh lại được hết.

Vả thành Gia-Ðịnh là thành của quan Tả-quân Lê-văn-Duyệt mới xây rồi hồi năm canh-dần (1830). Thành xây toàn bằng đá ong[5], thành thì cao mà lại rộng, hào thì sâu mà lại có chông, ở trong thành chứa lương thực khí giới rất nhiều, bởi Lê-văn-Khôi chia binh ra giữ các mặt thành, binh tướng của triều đến phủ vây, hễ hãm thành bao nhiêu thì chết hết bao nhiêu, không thế nào hạ thành được.

Mấy vị mưu-sĩ trong thành bèn khuyên Lê-văn-Khôi làm theo như vua Gia-Long lúc phục quốc. Lê-văn-Khôi nghe lời, bèn sai người nhứt diện qua nước Xiêm-La mà viện binh, nhứt diện đi tìm một vị linh-mục đạo Thiên-Chúa rước vào thành mà vấn kế.

Binh triều hạ thành Gia-Ðịnh chưa được mà qua tháng chạp lại nghe có giặc Xiêm. Các tướng hội nhau thương nghị rồi chia ra, Trương-Minh-Giảng, Tống-phước-Lương với Trần-văn-Năng thì dẫn binh lên An-Giang ngăn đánh binh Xiêm, còn Nguyễn-Xuân với Phan-văn-Túy thì ở lại vây thành. Lê-văn-Khôi hay giặc đã chia binh yếu sức, nên tính sắp đặt rồi thừa lúc binh ở ngoài ơ hờ, lén mở cửa thành xông ra mà đánh. Kế ấy thiệt là hay, rủi thay Lê-văn-Khôi vừa tính chớ chưa làm kịp, kế mang bịnh nặng không ngồi dậy được. Chư tướng chia nhau giữ thành, trông cho Ðại Nguyên-Soái lành bịnh đặng xuất trận, chẳng dè Lê-văn-Khôi đau có mấy ngày rồi chết.

Binh tướng ở trong thành thấy tướng-soái mất rồi thì ngơ-ngẩn, phần nhiều thất chí muốn đầu hàng, may nhờ mấy anh em Võ-vĩnh-Tiền cứng cỏi, lại nhờ có bà vợ của Lê-văn-Khôi phán rằng đầu cũng chết mà cự hoài cũng chết, làm tướng thà ngồi trên lưng ngựa mà chết, chớ có lẽ nào lại chịu quì dưới đất mà chết bao giờ, bởi vậy binh tướng vì danh dự không ai tính đầu hàng nữa, mỗi người đều quyết nỗ lực mà chống cự cho đến cùng. Bởi nhờ thành chắc-chắn, quân tận-tâm, nên quân triều vây gần 2 năm, bị chết không biết bao nhiêu mà hạ thành không nổi, cứ đi các tỉnh vận lương đem về ăn mà thôi.

Qua đến mùa hạ năm ất-mùi (1835) lương thực trong thành đã gần hết, các tướng sĩ có hơi sợ, song cũng tính chống giữ hoài, chớ không ai chịu đầu hàng.

Hai tướng triều vây ở ngoài muốn lấy thành cho mau, mà sợ hao binh tổn tướng không dám công kích mới bày kế cho rút binh ra xa xa, để cho quân lính trong thành ra vô thong thả, và truyền ngôn rằng người nào đi về nhà thì khỏi tôi, còn người nào chừng hạ thành mà bắt được ở trong thành thì bị chết chém.

Lương thực lần lần tiêu hết, quân lính ở trong thành bị đói, nên ban đêm lén đi ra ngoài kiếm ăn. Ðỗ-Cẩm là người tánh tình đê tiện, tưởng có lợi nên đầu quân chớ không phải là vì tiết nghĩa, chẳng dè làm lính mấy năm nay bị xông tên lướt đạn chớ không ích gì, mà nay chịu đói khát nữa thì lấy làm phiền muộn, nên thấy người ta vô ra được, một đêm nọ mới lén chun ra ngoài thành. Anh ta ra khỏi cửa, đi chưa được bao xa, xảy gặp một tốp quân triều đi tuần họ bắt quách anh ta đem vào trại nạp cho quan Tham-Tán Nguyễn-Xuân.

Ðỗ-Cẩm sợ chết, nên lạy-lục khóc-lóc xin tha, nói rằng anh ta bị Lê-văn-Khôi bắt ép đem vô thành, chớ không a ý với Khôi mà làm phản, nếu không phải làm tội anh ta, thì anh ta sẽ chỉ cách cho mà hãm thành.

Nguyễn-Xuân là người học giỏi, thấy cử chỉ đê tiện của Ðỗ-Cẩm như vậy thì khinh bỉ vô cùng, muốn giết phứt cho tuyệt bớt cái nòi di tâm phản phúc, song nghĩ vì làm tướng phải lợi dụng mọi người, nên cực chẳng đã phải làm lơ lấy lời dịu ngọt mà dụ-dỗ Ðỗ-Cẩm đặng hỏi cho biết việc bí mật ở trong thành. Ðỗ-Cẩm khai thiệt rằng ở trong thành đã hết lương, bây giờ phải làm thịt tới ngựa voi mà ăn. Binh tướng chết đói lần lần còn chừng vài ngàn người, tuy vậy mà mỗi người thệ tâm tử chiến chớ không chịu giao thành. Vả thành thì cao, mà hào lại sâu, một người ở trong thành có thể chống cự một trăm người ở ngoài được, nếu tính áp tới 4 cửa mà công thành thì chết, chớ không ích gì. Ðỗ-Cẫm bày kế khuyên Nguyễn-Xuân đào hầm khai nước cho rút cạn nước hào thành lòi cừ lên, rồi nhổ cừ đánh đường đi qua hào cho được, thì mới có thể hãm thành được.

Nguyễn-Xuân được kế ấy lấy làm mừng, lật-đật thương nghị với Phan-văn-Túy đặng có làm y theo lời Ðỗ-Cẩm chỉ. Phan-văn-Túy nói rằng trong thành đã hết lương, nếu quân ngụy không chịu đầu, thì sớm muộn gì chúng cũng chết đói hết; vậy thì mình cứ vây mà chờ chẳng cần phải nhọc công lo mưu tính kế cho mệt trí. Nguyễn-Xuân nghĩ vì mình làm tướng phải hạ thành cho được công mới lớn, chớ ngồi khoanh tay mà chờ cho giặc chết đói hết rồi mình lấy thành thì không có công gì, nên hiệp với bộ-tướng là Nguyễn-văn-Trọng đốc quân đào hầm khai mương cho rút cạn nước hào thành, rồi đánh đường vô tới hào thành như Ðỗ-Cẩm chỉ.

Ðến tháng 7 năm ất-mùi, Nguyễn-Xuân làm mới xong. Ðêm nọ thừa lúc trời tối, Nguyễn-Xuân khuyên Phan-văn-Túy dẫn binh đến bắc môn giả công thành cho quân ngụy xúm lại đó mà chống giữ, đặng mình với Nguyễn-văn-Trọng dẫn binh lén đi theo đường mới khai qua hào mà hãm thành.

Trong thành binh tướng phần thì bị đói khát, phần thì bị canh gát luôn luôn 2 năm trời, nên mệt-mỏi ốm-o xanh-xao vàng-vọt hết. Thình-lình nửa đêm nghe phía bắc môn trống đánh đùng-đùng, tiếng la inh ỏi, chắc là giặc công thành phía đó, nên áp nhau chạy lại đó mà chống giữ. Ở ngoài giặc la ó vang rân, đèn đuốc sáng quắc mà không có một tên quân sáp lại gần cửa thành. Tuy vậy mà ở trong không dám không phòng bị. Vương-Thể-Hùng tay cầm một cây siêu, Võ-Vĩnh-Lộc tay cầm búa, tay cầm khiên, hai người đốc suất quân lính giữ cửa thành.

Ðến đầu canh tư quân chạy lại báo cho Võ-vĩnh-Lộc hay rằng binh triều ở đâu không biết mà thình-lình leo vách thành tràn vào hai bên, chớ không phá cửa. Võ-vĩnh-Lộc nghe báo thì biến sắc, bèn kêu Vương-thể-Hùng mà dặn phải đốc binh gìn giữ bắc môn, để cho mình chạy qua bên kia mà xem hư thiệt. Võ-vĩnh-Lộc nói vừa dứt lời thì ở ngoài binh triều áp lại cửa mà công thành, còn phía bên kia binh triều tràn vào như nước chảy, đương rượt binh ở trong mà đánh. Võ-vĩnh-Lộc thấy thế đã nguy, dầu giữ bắc môn nữa cũng không ích gì nên lấy lưỡi búa cắt họng mà chết. Vương-thể-Hùng lấy làm bối-rối, vừa muốn bỏ bắc môn chạy qua bên kia liều chết mà đánh với tướng triều, thì cửa bắc môn bị phá, binh ở ngoài tràn vào nữa.

Binh lính ở trong kinh hãi, kiếm đường mà chạy, không dám chống cự. Thể-Hùng thấy vậy tức giận, nạt lên tiếng lớn rồi huơi siêu xốc lại cửa mà đánh với binh triều . Thể-Hùng đi tới đâu thì binh triều ngả rạp tới đó. Chàng đánh riết ra khỏi cửa thành, kế gặp một tướng triều, chẳng biết tên chi, chận lại mà đánh. Hai người đánh với nhau một hồi, Thể-Hùng bị một lưỡi mác, nhờ trớ lẹ nên khỏi đứt đầu, song còn bị sả một đường đứt tuốt cái tai bên tai mặt, lại cái vai cũng bị vít luôn nữa.

Thể-Hùng liệu thế cự không lại, nên lật-đật rút mà chạy. Nhờ trời tối, lại ở ngoài thành cây cối rậm rạp, bởi vậy Thể-Hùng qua khỏi vòng binh rồi vạch đường tẩu thoát. Chàng chạy được một đổi xa-xa thì bắp chưn trái ê-ê, chàng vén quần lên mà coi, mới hay mình bị thương tại bắp chưn nữa. Cái tai phía tay mặt với cái vai chảy máu dầm-dề. Phần thì mệt đuối, phần thì bị thương nặng, bởi vậy Thể-Hùng đi được một khúc nữa rồi hết sức nên té xỉu nằm dựa gốc cây, bất tỉnh nhơn sự.

Ðỗ-Cẩm đã ứng nghĩa theo Lê-văn-Khôi, sau lại trốn đi ra ngoài rồi bày mưu chỉ kế cho Nguyễn-Xuân; mà chừng Nguyễn-Xuân khắc kỳ hạ thành thì anh ta lại sợ đường tên mũi đạn, nên trốn đi ra ngoài xa kiếm nhà tá túc, chớ không dám ở trong vòng binh. Ðến lúc rựng sáng anh ta muốn thám dọ coi kế của mình chỉ có thành hay không, nên men-men đi lần vào vòng binh, trong bụng thầm tính nêu Nguyễn-Xuân hạ thành được thì chắc mình cũng có công.

Lúc mặt trời mọc, Ðỗ-Cẩm tới một cụm rừng nhỏ, bỗng thấy Vương-thể-Hùng đương ngồi dựa lưng vào một gốc cây mặt mày xanh dờn. Anh ta bước lại gần thì thấy máu chảy ướt dầm quần áo, mới cúi xuống hỏi rằng: “Cậu bị thương nặng lắm hay sao?”

Thể-Hùng nhướng mắt ngó Ðỗ-Cẩm và gặt đầu, rồi lần tay trong lưng lấy ra một chiếc vòng đồng-thòa cầm mà nhìn. Anh ta nhìn chiếc vòng mà nước mắt chảy ròng-ròng. Anh ta nhìn một hồi rồi đưa chiếc vòng cho Ðỗ-Cẩm. Ðỗ-Cẩm chưng hửng, không hiểu Thể-Hùng gởi hay là cho mình, nên thò tay lấy chiếc vòng, mà mắt ngó Thể-Hùng trân-trân. Thể-Hùng thở dài một cái bộ coi mệt lắm song ráng nói nhỏ từ tiếng rằng “Tôi chết … chú làm ơn …cõng tôi vô rừng … kiếm chỗ để tôi nằm …. đặng tôi chết cho yên thân …”. Nói có mấy lời mà đã mệt thở dốc, nói không được nữa.

Ðỗ-Cẩm đứng dậy ngó quanh-quất chẳng thấy ai, bèn lận chiếc vòng vào lưng, rồi cổi áo kề vai cõng Thế-Hùng, vạch đường đi vô rừng. Anh ta mới đi vài chục bước mà đã mệt, thấy có một cây lớn, dưới gốc lá khô rụng nằm sắp lớp, bèn để Thể-Hùng nằm ngửa tại đó. Anh ta vói tay rờ sau lưng thì có máu của Thể-Hùng dính ướt-rượt, lật-đật lấy lá khô mà chùi, rồi mới bận áo lại. Anh ta không thèm ngó Thể-Hùng, cứ bận áo riết rồi đi ra. Khi anh ta dợm muốn đi, thì Thể-Hùng đưa tay mà ngoắt, bộ muốn biểu bước lại gần đặng tỏ việc chi đó. Ðỗ-Cẩm làm lơ bỏ đi ra, bộ như lấy một chiếc vòng cõng một khúc đường đó là đủ rồi, không còn ơn nghĩa chi nữa.

Người thường nếu ngồi cái địa-vị của Ðỗ-Cẩm đó, thì hoặc là sợ, hoặc là hổ, không dám trở lại thấy thành Gia-Ðịnh nữa. Ðỗ-Cẩm sợ mà không hổ, lại có lễ cái lòng tham nó nặng hơn sự sợ chết nhiều lắm, nên anh ta mới men-men trở lại thành, rồi tìm đến ra mắt Nguyễn-Xuân mà kể công ơn mình bày đường chỉ nẻo cho quan triều hạ thành.

Nguyễn-Xuân vừa thấy mặt Ðỗ-Cẩm thì nạt lớn rằng: “Á! Thằng khốn kiếp hắn trở lại đây há! Có tên quân nào đó, bây bắt nó đem ra cửa mà chém quách cho ông. Thứ đồ phản để mà làm gì”.

Ðỗ-Cẩm khóc lạy và thưa rằng:

-         Bẩm cụ lớn, con bị thằng Khôi nó bắt con, chớ con đâu dám làm phản. Xin cụ lớn tha con, kẻo oan ức con lắm.

-         Mi còn dám kêu oan nữa à?

-         Bẩm cụ lớn, dầu con theo thằng Khôi con có tội đi nữa, mà con đã có công chỉ đường cho cụ lớn hạ thành đó, công của con chuộc tội được rồi. Trăm lạy ngàn lạy cụ lớn xuống phước xét giùm lại cho con nhờ.

-         Ông không bắt tội mi theo thằng nguỵ Khôi. Ông chém mi là chém về cái tội mi đã theo rồi mà còn phản nguỵ trở đầu ông. Mi biết hay chưa?

Ðỗ-Cẩm nghe nói thất sắc, song vì sợ chết nên phải ráng già hàm mà chữa mình. Anh ta lạy nữa và thưa rằng: “Bẩm cụ lớn, nếu cụ lớn phán như vậy thì từ rày còn ai dám cải tà qui chánh nữa”.

Nguyễn-Xuân châu mày, vuốt rau suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Mi lẻo mồm thiệt! Thôi ông lấy lòng nhơn tha mi mà làm phước. Quân bây, căng nọc đánh hắn 50 trượng rồi thả hắn về”.

Quân triều hạ thành rồi bắt thủ phạm 6 người bỏ vào củi mà giải về kinh cho vua định tội. Sáu người ấy là 1. Vợ của Lê-văn-Khôi, 2. con của Lê-văn-Khôi mới được 7 tuổi, 3. Nguyễn-văn-Bột, quản hậu quân, 4. Nguyễn-văn-Chơn, quản tượng quân, 5. một ông linh-mục tên Marchand, 6. một khách trú tên Mạch-tấn-Giai. Còn quân lính dân dã trong thành bắt được cả thảy 1831 người, thì đem chém hết rồi đào lổ lớn dựa bên trường đua ngựa bây giờ đó, mà bỏ chung một lỗ, đến nay người ta vẫn còn kêu là “mả ngụy”.

Việc triều đình xử lăng trì 6 người thủ phạm và nghe lời Phan …(mối cắn mật 2 chữ) ở Ðô-sát-viện, mà làm án truy tội quan Tả-quân Lê-văn-Duyệt chẳng nói ra đây làm chi. Bây giờ chỉ nói Ðỗ-Cẩm bị 50 trượng nát đít, văng thịt, song không chết, nên ráng la lết mà về nhà ở dưới Vũng-Gù được.

Thị-Phi thấy chồng thân thể như vậy thì mắng rằng: “Ỡ! thứ đồ ngu! Cãi ta nữa thôi? Chết đâu sao không chết phứt cho rồi, còn về mà báo ta nữa sao?”

Ðỗ-Cẩm lần lưng lấy chiếc vòng đưa cho vợ và nói rằng: “Ðừng có ào-ào. Ðể tao lành cái đít rồi đây tao đi kiếm tiền thiếu gì”.

Thị-Phi cầm chiếc vòng đồng mà coi, rồi đeo vào tay, mặt mày tươi tắn, không mắng nhiếc chồng nữa.


[1] nhai lại

[2] hai giống ngỗng trời, có khả năng bay cao và xa. Ý sánh với người có chí lớn

[3] tiếng lóng, dùng gọi con cọp

[4] thình lình

[5] đá màu vàng đậm, có nhiều lỗ như ổ ong