Chương một
Chươnghai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Toàn bộ PDF [1] [2]

Nợ đời (1936)

XI

NẤC THANG THỨ NHÌ

Cô Hai Phục nhờ tiền bạc của Mái Chín Ngánh mà cô được nhập theo hạng người giàu sang. Chẳng những cô tới lui thăm ông Phủ Tăng, thì vợ chồng ông Phủ Tăng trọng đãi mà thôi, mà vợ chồng ông Phủ lại cũng thường dắt con lên nhà cô mà chơi, còn Liên Hoa năm nay đã lớn rồi thì thường đi chơi xe, hoặc đi coi hát với cô, kêu cô bằng “Chị hai” nghe ngọt xớt, chớ không phải khinh khi mắng chưởi cô như hồi trước vậy nữa.

Tới lui chơi vài năm, mà vợ chồng ông Phủ, vì hổ “cái cử chỉ” “phụ bần” của mình ngày trước, nên chẳng bao giờ dám hỏi thăm tới việc cô Phục chửa đẻ, cho biết coi hồi đó cô sanh trai hay là gái, và đứa nhỏ bây giờ ở đâu. Mà cô Hai Phục cũng y như lời của Ba Có dặn, cô chẳng hề nói tới chuyện ấy.

Một buổi chiều, cô Hai Phục đi xe hơi lại nhà ông Phủ rước cô Liên Hoa  đi chơi. Cô nghe tin cậu Hai Hùng học ở bên Pháp đã thi đậu bằng Cử nhơn Luật Khoa và cậu đã xuống tàu mà về, trong năm mười ngày nữa cậu sẽ tới Saigon.

Trót năm năm rồi cô đã quên cậu Hai Hùng, nay thình lình cô nghe cậu về gần tới thì trong lòng bồi hồi, nằm ngồi không an. Cô còn oán cái thói đen bạc của cậu chăng? Hay là bếp lửa tình len-lúc nhen-nhúm ngày xưa đến bây giờ mà nó cũng ngầm ngầm còn ngúng? Cô bồi hồi mà cô không biết trong hai lẽ ấy tại lẽ nào.

Đêm ấy là thứ năm, nhằm đêm cô đi coi hát bóng, mà ăn cơm tối rồi cô dã dượi, không chịu sửa soạn trang điểm gì đặng đi coi hát. Ba Có thấy đồng hồ treo trên vách đã chỉ 8 giờ rưởi, mà cô Hai Phục mãi còn bận đồ mát, nằm trên ghế xích-đu thì chị ta hỏi rằng:

- Bữa nay là đêm em đi coi hát bóng mà. Em quên hay sao?

- Em nhớ lắm chớ. Mà bữa nay sao em không muốn đi coi xem hát bóng.

- Sao vậy?

- Tại sao em không biết mà sao em không muốn đi coi hát.

Cô nằm lúc-lắc cái ghế, mắt ngó ngọn đèn khí trân trân một hồi, rồi vùng nói với Ba Có rằng:

- Em mới nghe nói cậu Hai ở bên Tây về gần tới đa, Chị Ba.

- Cậu Hai nào?

- Cậu Hai Hùng là người hồi trước lấy em có chửa rồi trốn bỏ đi qua Tây mà học đó.

- Ờ ợ! Thằng khốn nạn đó mà nhắc tới làm gì. Hồi trước mình nghèo, nên tính vớ nó đặng kiếm xu, chớ bây giờ mình cần gì nó. Nó về thây kệ nó chớ.

- Nghe nói cậu thi đậu cử-nhơn, chớ không phải chơi đâu.

- Cử-nhơn cử nhéo gì cũng vậy, hễ người có cái óc hèn hạ khiếp nhược, thì dù học cho nhiều, làm quan cho lớn, cử-chỉ cũng hèn hạ khiếp-nhược hoài, chớ gì. Đồ đó thấy gớm lắm.

- Không biết chừng hồi trước cậu còn nhỏ tuổi, lại học ít, nên cậu không biết phải quấy. Bây giờ cậu lớn rồi, cậu học giỏi, có lẽ cậu đổi tánh chớ.

- Thử gừng với quế, hễ già chừng nào càng cay chừng nấy. Con người cũng vậy, thái-độ hèn hạ lớn chừng nấy. Em có thấy thứ ngỗng mà nó thành con hạc được bao giờ? Dầu em bắt nó đem để đứng trước bàn thờ Thần ngỗng cũng là ngỗng, chớ thành hạc đâu được.

- Ngỗng hay là hạt cũng vậy, em sợ cậu về đây cậu kiếm em mà đòi con của cậu, rồi em không biết làm sao chớ.

- Khéo lo dữ hôn!

- Không lo sao được. Cậu thông thạo luật, cậu hỏi mình không biết đâu mà trả lời chớ.

- Cậu có hỏi thì em đừng nói gì hết. Em biểu cậu hỏi qua đây, đặng cậu lết tới đây qua nói luật với cậu cho cậu biết.

- Như cậu có hỏi em nói thằng nhỏ chết, được hay không?

- Được. Mà em để cậu hỏi qua, đặng qua nói chuyện với cậu cho vui mà.

Cô Hai Phục nằm suy nghĩ một hồi nữa, rồi hỏi rằng:

- Chị Ba, như cậu Hai về đây, cậu tới chịu lỗi rồi cậu xin cưới em mà chuộc cái quấy hồi trước, em phải trả lời làm sao?

- Em hỏi kỳ cục quá! Bao giờ mà có chuyện như vậy. Trông thế mà em còn thương thằng đó lắm hay sao mà em ước mơ nó cưới em?

Cô Hai Phục nằm nín khe, không trả lời.

Ba Có thuở ra mà nói rằng: “Qua sợ em còn phải nguy về cái tay thằng điếm đó nữa cho mà coi!”

Cô Hai Phục cũng không trả lời.

Cách chừng 10 ngày sau, cô vô nhà ông Phủ Tăng mà chơi, cô gặp cậu Hai Hùng, cậu biết cô nên cậu bợ-ngợ, nhưng mà cậu làm lơ, không dám hỏi.

Bà Phủ bây giờ bà yêu và trọng cô Hai Phục lắm, bà muốn khoe cô, mà cũng muốn phui-pha chuyện cũ cho rồi, nên bà hỏi cậu Hai Hùng rằng : “Đố thằng Hai biết cô nầy là ai.?”

Cậu Hai làm bộ lơ láo đáp rằng:

- Cháu đi lâu quá nên cháu quên.

- Cô Hai Phục đó đa. Hồi trước cô nuôi nó, lúc cháu ở đây mà đi học có nó. Cháu nhớ hôn?

- Thưa, cháu nhớ rồi. Bây giờ cô Hai lớn nên trông lạ.

Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Cậu thi đậu cử-nhơn rồi cậu làm lạ với em chơi, chớ em có quên cậu đâu”.

Mấy lời nói ấy gồm đủ các ý trách với cái ý còn dan-díu. Bà Phủ sợ kẻ nói qua, người đáp lại, rồi lòi tình tệ củ không tốt, nên bà hớt mà nói với cậu Hai rằng:

- Con Hai bây giờ có chồng giàu lắm, nó có xe hơi, có nhà tử tế, chớ không phải như hồi nhỏ vậy đâu.

- Được vậy thì tôi cũng mừng cho cô.

Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Cám ơn cậu. Tôi cũng mừng cho cậu học thành công”.

Câu chuyện chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, mà cũng đủ cho cậu Hai thấy cô Hai đã không oán hận mà ý lại không quên cậu.

Cô Hai Phục về nhà cô tỏ thiệt cho Ba Có nghe rằng cô có gặp cậu Hai Hùng. Cô nói rằng:

- Cậu gặp em mà cậu làm mặt lạ chớ.

- Sao em không nhắc chuyện xưa cho cậu nhớ?

- Có chú thím của em ở đó, em nhắc chuyện cũ coi sao được?

- Cậu có hỏi thăm con của cậu hôn?

- Không.

- Cậu đi Tây rồi cậu quên chuyện An Nam hết. Để khi nào qua gặp rồi qua sẻ nhắc cho cậu nhớ.

Hơn một tháng nay Mái Chín Ngành ít tới lui nữa. Hồi trước mỗi ngày mỗi ghé, bây giờ cả tuần lễ mới ghé một lần, mà ghé một lát rồi đi, không chà lết ở ăn cơm, không vui cười hớn-hở như xưa nữa. Tuy vậy mà tiền bạc cũng cho cô Hai Phục ăn xài như thường.

Một đêm cô Hai Phục đi chơi về, cô buồn trong bụng nên ngủ không được, cô bèn dở nhựt trình ra mà đọc. Cô thấy có một bài báo nói rằng: Một người khách trú tên Mai-Ngân kêu Mái Chín Ngành, làm nghề thầu khoán ở Cholon, gạt gẫm nhiều hãng mà mua chịu xi măng, mua chịu sắt, lại còn gạt nhà băng mà vay bạc cả thảy trên 200 ngàn. Vài tháng nay không trả nợ cho hảng và nhà băng nào hết. Mấy hãng vào đơn nơi Tòa Thương-mãi mà kiện. Tòa xét sổ sách thì thấy Mái chín Ngành làm nhiều việc gian lận, nên lên án buộc tội sang đoạt theo phép Thương-mãi. Tòa chưa kịp bắt mà giam thì Mái Chín Ngành sợ tội nên đã trốn đi đâu mất. Theo tin của sở Cảnh sát thì có lẽ Mái Chín Ngành trốn lên Cao miên, rồi lén qua Xiêm La đặng quá giang tàu mà về Trung Quốc. Nhà chuyên trách còn đương tập nã, mà chưa biết kẻ phạm bây giờ ở đâu.

Cô Hai Phục đọc chưa hết bài nhựt trình thì rồi cô đổ mồ hôi, cô kêu Ba Có mà nói lại cho chị ta hay. Ba Có chắc lưởi lắc đầu mà than rằng: “Xuôi xẻo quá! Làm việc gì mà mắc nợ đến nỗi phải trốn lận. Đây rồi chị em mình mới làm sao đây?”

Cô Hai châu mày nói rằng:

- Thẩy nguy mà thẩy không nói trước cho mình hay chớ. Vậy mà hôm đầu tháng thẩy còn phát đủ tiền cho em xài như thường. Ai mà dè.

- Bởi không phải tại minh mà nó nguy, nên nó có trách mình được đâu.

- Thẩy mắc nợ nần cũng tại em một mớ chớ.

- Tại sao? Mổi tháng nó tốn với mình chừng 500 đồng bạc chớ bao nhiêu. Mấy năm cộng lại nó nhiều lắm là 20 ngàn. Nó mua xe hơi, mua hột xoàn cho em chừng 10 ngàn nữa thì tốn hao tới 30 ngàn, có phải nhiều đâu.

- Ba chục ngàn còn gì nữa!

- Ối! Mà chuyện rồi thì thôi, hơi nào mà tính. Bây giờ mình phải lo phận mình đây.

- Em không lo.Mấy năm nay em để giành được 3 ngàn.

Ba ngàn nhiều lắm sao? Chớ chi được 30 ngàn thì khỏi lo, chớ ba ngàn mình xài lâu lắm là một năm, tiêu hết rồi làm sao?

- Tới đâu hay đó chớ biết làm sao!

Chị em cô Hai Phục đã mất vú sữa rồi, nên không dám xài phí hời hợt như trước nữa. Chiều chiều cô Hai ngồi xe hơi đi chơi một vòng rồi về, không ăn cơm nhà hàng, không coi hát nữa.

Một buỏi sớm mơi hai chị em thức dậy thấy một tốp thợ hồ thợ sơn xe đổ lại dậm sửa, sơn quét cái nhà bánh ếch ở bên phía tay mặt. Vả cái nhà nầy bỏ trống gần một năm rồi, không có ai mướn. Nay thấy người ta lăng-xăng sơn sửa, muốn biết coi ai mướn, nên Ba Có bước ra đứng dựa hàng rào mà hỏi thăm mấy người thợ. Cách một hồi chị ta trở vô nói với cô Hai rằng:

- Không phải mướn. Người ta mua cái nhà với đất 11 ngàn, nên người ta tu bổ lại đặng dọn mà ở.

- Nhà đó bán hay sao? Hễ em hay thì mấy tháng trước em nói với Mái Chín mua phứt cho chị em mình ở, tiện biết chừng nào.

- Nó gần chết rồi mà mua cái nỗi gì.

- Bề nào cũng chết, mắc nợ mấy trăm ngàn, dầu thêm 11 ngàn nữa cũng không hại gì. Nhà đó bây giờ người Tây hay là người An Nam mua vậy chị?

- An Nam. Mấy người thợ họ nói ông Đốc-Phủ Lê-như-Thần nào ở Lục-Tỉnh không biết, ổng hưu trí, nên mua nhà ấy ở với vợ con.

- Bộ ông đó giàu lắm hay sao mà mua nhà tới 11 ngàn.

- Làm quan lên tới chức Đốc-phủ mà không giàu sao được, em hỏi kỳ quá.

Cô Hai Phục ngồi buồn hiu, cô suy nghĩ thế nào không biết, mà cách một hồi cô lại than rằng: “Em nghĩ lại thiệt em dại quá, hồi đắc thời cứ ham chơi cho sung sướng cái thân, không thèm tính tới việc hậu nhựt, nên nay thất thời mới phải cực lo như vậy”

Ba Có ngó cô Hai mà hỏi rằng:

- Cái gì mà thất thời, em già rồi hay sao?

- Tuy chưa già, song người mình nương tựa nhờ cậy đã tiêu rồi, thì mình thất thời chớ sao.

- Mái Chín Ngành tiêu đó, chưa chắc là rủi hay là may cho mình. Ở đời em đừng có thối chí chớ. Vì năm trước chị em mình nghèo, em không có vi kiến, lại chưa có danh dự gì, nên qua để cho em gần Mái Chín Ngành đặng kiếm tiền. Em tưởng qua để cho em lấy Mái Chín Ngành đó qua vừa lòng đó hay sao? Có phải vậy đâu. Qua dạy dỗ em, qua muốn cho em làm bà nầy bà kia, qua mới vừa lòng, chớ làm “thím mái chín” mà nghĩa gì. Em đừng có buồn, thằng đó bất quá là một nấc thang thứ nhì chớ gì. Em còn phải leo cao hơn mới được.

- Leo lên nữa được hay không chưa biết, chớ bây giờ em thấy phải leo xuống rồi.

- Sao mà leo xuống?

- Đây rồi mình phải kiếm phố rẻ rẻ dọn mà ở, chớ ở nhà nầy rồi tiền đâu mà trả. Đó không phải là leo xuống hay sao?

- Chuyện gì mà phải lại dọn ra phố mà ở? Vậy chớ trước khi gặp Mái Chín Ngành em ở đâu?

- Hồi trước Ông Huyện Hàm ổng trả tiền nhà; bây giờ ai mà chịu trả?

- Em khéo lo dữ! Thứ trả tiền nhà, qua nói ra một tiếng thiếu gì người chịu. Em đừng có sợ mà lo tính trả nhà mướn phố. Tính như vậy thì quê lắm. Em muốn trèo cao thì em phải giữ phẩm giá cho cao mới được chớ. Em không thấy chệc bán trái bom hay sao? Nó muốn bán mắc, nó phải bao bằng giấy lụa, nó bán mắc mới được. Em phải giữ cách sang trọng luôn luôn, mỗi ngày phải bận đồ mới, phải đi chơi xe-hơi, như thường hoài, chớ đừng có làm hèn hạ mà mất phẩm giá.

Cô Hai Phục cười.

Chiều mát Ba Có xúi cô thay đồ mà đi chơi một vòng với chị ta. Cô Hai còn đương trang điểm; Ba Có sửa soạn rồi trước, nên chị ta ra trước sân mà coi sớp phơ lau xe hơi. Thình lình chị ta thấy một ông bịt khăn đen, bận áo dài, tay cầm ba-ton, râu hớt ngạnh trê, mái tóc bạc hoa râm, mắt đeo kính gọng vàng, ngừng xe kéo trước cái nhà đương sơn sửa đó. Ông ấy chống ba ton đi vô, thợ hồ thợ sơn đều bẩm và bẩm quan lớn.

Ba Có biết ông ấy là quan Đốc Phủ Lê như Thần, nên đứng ngó ngay trân trân. Quan Đốc phủ đi chung quanh mà coi nhà thợ làm, đi tới hàng rào, ngang chỗ Ba Có đứng với cái xe-hơi, thì ngài ngó chị ta, miệng cười ngỏn-ngoẻn.

Ba Có cúi đầu mà chào ngài và hỏi rằng:

                  - Bẩm quan lớn, quan lớn mua cái nhà nầy hay sao?

                  - Phải. Tôi mua rồi.

                  - Bất nhơn quá! Hai chị em tôi ở một bên đây, mà hãng bán cái nhà nầy hai chị em tôi không hay chút nào hết. Chớ phải hay bán thì con em tôi nó mua rồi.

                  -  Tôi có một thằng con trai làm việc ngoài Saigon, nó thấy trong nhựt-trình rao bán, nên nó chỉ cho tôi mua đó.

                  - Có rao trong nhựt trình hay sao? Nhà tôi có mua đủ thứ nhựt trình mà không để ý đến lời rao, nên có hay đâu. Bẩm, quan lớn mua giá bao nhiêu vậy?

                  - Tôi hưu trí, tôi cần dùng có chỗ ở gắp, nên tôi mua mắc quá. Tôi mua về nhà về đất tới 11 ngàn.

                 - Bẩm quan lớn, 11 ngàn có mắc đâu. Quan lớn mua đó rẻ lắm. Phải mà con em tôi nó hay bán giá đó, thì nó cũng mua. Bẩm quan lớn, xin mời quan lớn qua nhà tôi uống nuớc chơi.

                  Quan Đốc-Phủ Thần do dự một chút rồi chống ba-ton đi vòng ra cửa ngõ mà qua sân của Ba Có. Ngài thấy Ba Có y phục chỉnh tề, lại có cái xe-hơi trực sẵn, thì ngài nói rằng:

                  - Cô, sửa soạn đi, mà tôi qua làm khách cho cô vậy sao phải.

                  - Bẩm, không. Tôi không có đi đâu hết. Con em tôi nó biểu sớp-phơ đem xe ra chùi lau đặng chiều tối nó đi chợ, chớ bây giờ chưa đi. Mời quan lớn vô nhà.

                  Quan Đốc phủ đi theo Ba Có mà vô nhà. Ba Có mời ngài ngồi ghế giữa, nhấn chuông kêu bồi bếp biểu chế một bình trà mới, biểu lau chén cho sạch sẽ.

                  Quan Đốc Phủ thấy đồ đạc hực-hở, lại chưng dọn đẹp đẽ, thì khen thầm trong bụng và hỏi rằng:

                  - Ông chủ nhà đi đâu vắng?

                  - Bẩm quan lớn, nhà nầy là nhà của con em tôi, chớ không phải nhà của tôi. Nó có chồng Mái-Chín-Ngánh làm nghề thầu khoán. Chồng nó mua bán lộn xộn với mấy hãng sao đó không biết, mà bỏ đi về Tàu. Còn tôi có chồng An nam nhà ở trên Hoà Hưng. Chồng tôi nó mêm vợ bé, tôi phiền tôi giao nhà cửa hết, rồi tôi xuống ở chơi với con em tôi đây.

  Cô Hai Phục trang điểm rồi, cô ở trong cái phòng một bên, cô mở cửa bước ra. Quan Đốc Phủ thấy nhan sắc, tướng mạo của cô thì ngài chưng-hửng, nên đứng dậy chào cô.

Ba Có nói với ngài rằng: “Bẩm quan lớn, con em tôi đó. Nó là chủ nhà”. Chị ta day lại nói với cô Hai Phục rằng: “ Quan lớn là Quan Đốc Phủ mới mua cái nhà ở dựa bên mình đó”. Cô Hai Phục cúi đầu chào Quan Đốc Phủ rồi ngồi cái ghế gần một bên ngài đó, mùi dầu thơm bay ngạt ngào.

Thằng bồi bưng một mâm trà lên để trên bàn. Ba Có lấy bình trà mà rót ba tách. Cô Hai Phục bưng một tách mà mời Quan Đốc Phủ, tay bưng dịu-nhiễu, miệng cười hữu duyên.

Quan Đốc Phủ đắc ý, nên chúm chím cười mà nói rằng: “Tôi mua nhà về ở chỗ nầy coi bộ êm ái lại vui. Tôi chịu ở chỗ như vầy, chớ ở chỗ đông đảo lộn xộn quá”.

Cô Hai Phục cũng cười mà đáp rằng:

                  - Bẩm quan lớn. Ở chỗ nầy tốt lắm. Em ở đây hơn bốn năm rồi, không có việc chi hết. Quan lớn hưu trí về ở mấy chỗ nầy thì phải rồi. Em chắc bà lớn thấy chỗ nầy bà lớn muốn nên bà lớn mới đốc quan lớn mua chớ gì.

                  - Không. Bà bầy trẻ đã mất năm sáu năm nay rồi, còn đâu mà đốc.

                  - Té ra bà lớn mất rồi sao? Vậy thì quan lớn mua cái nhà rộng mênh-mông rồi ở sao hết.

                  - Tôi ở với mấy đứa con tôi.

                  - Quan lớn được mấy cô mấy cậu?

                  - Sáu đứa, 3 trai 3 gái.

                  - Quan lớnn có phước quá, đã giàu sang mà lại giàu con cháu đông nữa. Quan lớn năm nay được mấy mươi tuổi?

                  - Tôi được 57.

                  - Tới 57 tuổi mà quan lớn coi còn mạnh quá. Tôi tưởng đâu quan lớn chừng 45 tuổi, tóc có bạc chút đỉnh, mà răng con y nguyên.

                  - Phải. Răng tôi còn cứng lắm, ăn mía cũng được nữa.

                  Quan Đốc Phủ ngó quanh quất, thấy mấy cây đờn treo trên vách bèn nói rằng: “Nhà mấy coi phong lưu quá, có sắm đờn nữa chớ”.

                   Ba Có nói rằng: “Bẩm quan lớn, con em tôi nó sắm đặng khi nào nó buồn nó đờn chơi giải khuây”.

                  Quan Đốc Phủ ngó cô Hai Phục trân-trân mà hỏi rằng:

                  - Chà ! Cô biết đờn nữa sao?

                  - Dạ, em biết cọt- quẹt ít bản.

                  - Phong lưu quá!

                  Quan Đốc Phủ cứ ngồi nói chuyện chơi, uống tới 3 lần nước rồi mới từ mà về. Chị em Ba Có đưa ngài ra tới cửa ngõ. Ba Có hỏi rằng:

                  - Bẩm quan lớn, chừng nào quan lớn mới dọn về nhà mà ở?

                  - Để nó sửa xong rồi tôi dọn. Có lẽ chừng vài tuần nữa nó sửa rồi, sửa ít đỉnh rồi sơn phết nước vôi, chớ không có sửa chi lắm.

                  - Còn bây giờ quan lớn ở đâu?

                  - Tôi ở đỡ với thằng con tôi, dưới đường Testard.

                  Quan Đốc Phủ về, hai chị em Ba Có trở vô sân. Ba Có hỏi cô Hai Phục rằng: “Em muốn làm bà lớn hôn?”

                  Cô Hai Phục chúm-chím cười mà đáp rắng: “Ổng đáng cha em, coi kỳ quá”.


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | : 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20