Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám

Toàn bộ dạng PDF

Tiền Bạc Bạc Tiền

Phần Năm   

     Bà Phủ Khánh Long ở trong nhà hễ mở miệng nói với tôi tớ thì lời nào cũng đều đắng cay hỗn ẩu, bởi vậy từ con Lại ở hầu hạ tới chị Thìn ở nấu ăn, từ thằng sốp-phơ cho tới chú làm vườn, mỗi ngày chẳng có người nào mà khỏi bị bà chửi một hai lần.

     Ðỗ Thị và Thanh Kiều về ở với bà, thiệt bà không chửi bới như tôi tớ vậy, dọn chỗ ngủ tử tế, cho ăn chung một mâm, nhưng mà hễ nói lời chi, hoặc làm việc chi sai ý bà, thì bà rầy la om sòm, lấy làm khó chịu lắm. Thanh Kiều từ nhỏ chí lớn, cha mẹ tưng tiu, chưa từng nghe lời nặng nề giằn thúc, nay về ở nhà cô, đã bợ ngợ không vui, mà còn bị rầy rà nữa, nên cô sợ sệt trong lòng, từ sớm mơi cho tới chiều cứ ở trên lầu may áo thêu khăn hoài, cực chẳng đã đến bữa ăn phải xuống gặp mặt bà Phủ, chớ gặp bà thì cô hết hồn hết vía.

     Còn Ðỗ Thị thì thuở nay đã quen thói làm bà chủ nhà, sai khiến người, chớ chưa bị ai rầy rà; nay suy sụp phải chịu lòn cúi thì bầm gan tím ruột, hổ mặt chau mầy. Ðỗ Thị mà dằn lòng ở được đây là vì hễ cách năm ba bữa thì bà Phủ bàn tính chuyện gả Thanh Kiều lấy chồng một lần, mà lần nào bà cũng nói để bà lựa người thiệt giàu lớn mẹ con nhờ cho được bà mới gả, bởi vậy Ðỗ Thị vui lòng rồi quên hết giọng đắng cay, chỉ trông thấy sự sung sướng trong tương lai mà thôi, chớ không kể sự sỉ nhục hiện tại.

     Mẹ con Ðỗ Thị về ở với bà Phủ được bảy tám tháng. Bữa nọ bà Phủ ngồi xe hơi đi chơi trọn một buổi chiều. Ðến tối bà thấy Thanh Kiều đã đi ngủ rồi, bà mới nói với Ðỗ Thị rằng:

-       Hồi chiều tao đi thăm bà Chúa tàu Phị, đi chơi mà may quá. Bả có thằng con út tên là Triệu Cố, năm nay nó được hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi; bả đã cưới cho nó một con vợ xẩm rồi, song để ở bên Tàu, bây giờ bả muốn cưới cho nó một con vợ An Nam nữa đặng để ở bên nầy. Bả hỏi tao có biết con ai tử tế chỉ giùm cho bả, cuộc cưới hỏi tốn hao bao nhiêu bả không cần, miễn là con dâu cho biết lễ nghĩa và nhan sắc coi cho đẹp thì thôi. Tao nghe nói tao mừng hết sức, nên tao nói tao có một đứa cháu gái và tao hứa để mai tao dắt nó lại cho bả coi. Ở đất Chợ Lớn nầy ai mà giàu cho bằng bà Chúa tàu Phị. Bà có hai cái tàu khậu, con của bả đứa thì cất nhà máy xay lúa ngoài Rạch Cát, còn đứa thì sắm tàu đưa hành khách và chở hàng đường Nam Vang. Con Thanh Kiều may mà được vào nhà đó thì chẳng khác nào chuột rớt trong hủ nếp. Vậy mai mầy sửa soạn cho nó, đặng tao dắt nó đi lại cho bả coi; hễ bả đành bụng rồi mình đòi hột xoàn cho lớn, đòi tiền công cho nhiều, bả là người giàu có lớn, tốn hao bao nhiêu bả không cần đâu, nếu mình không đòi thì uổng. Mầy ráng dọn dẹp trau dồi con Thanh Kiều coi cho thiệt đẹp thì tự nhiên mầy có bạc muôn trong tay.

Ðỗ Thị nghe nói bạc muôn thì mừng, mà mừng rồi lại lưỡng lự một hồi và nói rằng:

-       Tôi sợ con Thanh Kiều nó chê con chệt khách nó không ưng.

-       Ủa! Chê là sao? Chệt khách mà người ta có tiền nhiều thì thôi chớ. Hứ! Cái thân đã gần đi ăn mày kia không lo, còn chê khen nỗi gì. Nếu nó có chê thì để đó mặc tao. Gả nó chỗ đó, nó sung sướng mãn đời, còn mẹ nó bây giờ có được bạc muôn, có lẽ nào nó ngu quá, đi chê chỗ như vậy.

Ðỗ Thị suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

-       Tôi tính như vầy thì xong: Ðừng cho nó biết việc gì hết. Sáng mai chị biểu nó đi chơi với chị rồi chị dắt nó lại nhà bà Chúa tàu cho bả coi. Hễ bả đành rồi thì tôi với chị gả đại. Chừng gần ngày cưới mình sẽ cho nó hay, việc đã lỡ rồi, dầu nó không chịu cũng không được.

-       Ừ! Tính như mầy vậy cũng xong. Ðừng thèm nói cho nó biết trước. Nói cùng mà nghe, nếu chừng nó hay nó làm bộ giục giặc thì tao đánh nó chết chớ.

-       Mình gả nó mình đòi chừng bao nhiêu chị?

-       Mầy cứ việc đòi đi, muốn bao nhiêu cũng được, có tao nói đốc vô, không sao đâu mà sợ.

-       Nếu có gả thì tôi đòi nữ trang: một bộ cà rá, ba sợi dây chuyền, một đôi bông, với một chiếc vòng, đều nhận hột xoàn hết thảy, còn tiền đồng thì đòi hai ngàn.

-       Sao tiền đồng lại đòi hai ngàn?

-       Vậy chớ đòi bao nhiêu?

-       Chớ đòi năm ngàn không được hay sao? Bộ mầy sợ bà Chúa tàu Phị không có đủ tiền mà đi cho mầy há?

-       Dạ, thưa năm ngàn thì năm.

-       Bả đã nói với tao rồi mà: miễn là con dâu bả coi vừa ý thì thôi, tốn bao nhiêu bả không cần, mầy sợ nỗi gì mà không dám đòi kia!

     Ðêm ấy, Ðỗ Thị ngủ không được, cứ nằm lo tính cứ như mình gả Thanh Kiều mà đòi được năm ngàn đồng bạc thì dùng làm vốn mà cho vay. Mà nghĩ bây giờ mình góa bụa cho vay cũng bất tiện, thôi để mình mua ít căn phố cho mướn, mỗi tháng góp tiền phố mà xài cho xong. Thiệt có phố cũng khó lắm, nay hư chỗ nầy, mai hư chỗ nọ, phải sửa hoài, mua ruộng mới chắc ăn hơn. Mà ruộng bây giờ mắc quá, mua ruộng không lời nhiều, lại số mình có năm ngàn mua ruộng có bao nhiêu đâu. Ðỗ Thị nằm tính đến khuya mòn mỏi rồi ngủ quên.

     Sáng bữa sau, bà Phủ kêu Thanh Kiều biểu thay áo đổi quần, gỡ đầu dồi phấn rồi đi chợ với bà. Ðỗ Thị mở rương lấy đưa cho Thanh Kiều một cái quần cẩm cúc trắng, một cái áo tố màu bông phấn, một đôi giày thêu cườm và một cái khăn lụa trắng, rồi bảo sửa soạn cho mau. Bà lại đưa một sợi dây chuyền với một đôi bông hột xoàn của bà còn giấu để cho Thanh Kiều đeo nữa.

     Thanh Kiều thấy đồ ấy thì chưng hửng hỏi mẹ rằng:

-       Con có tang mà bận áo màu, đeo hột xoàn coi sao được má?

-       Cô con mới biểu con phải ăn mặc cho tử tế chớ đừng bận đồ tang.

-       Ủa! Con có tang thì con mặc đồ tang; đi với cô mà con mặc đồ tang lại nhục gì cho cô hay sao?

-       Ậy! Tại cô con biểu như vậy thì con cứ việc làm theo, con cãi đây cô con rầy đa.

-       Thanh Kiều vưng lời mẹ thay y phục và đeo nữ trang, song sắc mặt không vui.

     Thanh Kiều trang điểm xong rồi mới cầm cái khăn đi xuống lầu. Bà Phủ ngồi dưới ngó lên, thấy cô da mặt trắng mà má ửng hồng, nước tóc đen mà bới lại khéo, miệng có duyên như hoa sen vừa mới nở, mắt chói thần mà tròng rịn rịn nước mùa thu, khi đi tay đánh dịu dàng, lúc nói mặt mày đằm thắm, nhắm trong đám con gái nhà giàu sang ở Sài Gòn, Chợ Lớn chưa từng thấy ai dung mạo được như Thanh Kiều vậy.

      Bà Phủ trong lòng mừng thầm. Bà biểu con Lại kêu sốp-phơ đem xe ra cho bà đi chợ. Khi bà sửa soạn ra đi, bà dòm thấy Thanh Kiều đeo có một sợi dây chuyền nhỏ, mà không nhận hột chi hết, thì bà châu mầy mà hỏi rằng:

-       Vậy chớ không có dây chuyền nào khác hay sao mà đeo sợi dây chuyền gì kỳ cục vậy?

Thanh Kiều cúi đầu đáp nhỏ rằng:

-       Thưa, không có.

Ðỗ Thị bước lại nói rằng:

-       Hồi trước tôi có sắm cho nó đủ một bộ, có nhận hột xoàn tốt quá. Bận đó ba nó lấy cầm rồi bỏ luôn, chớ có tiền đâu mà chuộc.

     Bà Phủ mở tủ sắt lấy ra ba sợi dây chuyền của quan Phủ Khánh Long sắm cho bà hồi trước mà đưa cho Thanh Kiều đeo. Thanh Kiều giục giặc không muốn đeo. Ðỗ Thị thúc rằng:

-       Ðeo riết rồi có đi, để cô con chờ kia, không thấy hay sao?

     Thanh Kiều phải ráng mà đeo rồi ra xe hơi đi với bà Phủ.

     Bà Phủ biểu xe chạy xuống đường mé sông, qua khỏi cầu Ông Lớn rồi ngưng trước cửa nhà bà Chúa tàu Phị. Bà biểu Thanh Kiều đi vô nhà với bà. Thanh Kiều không hiểu nhà ấy là nhà của ai, song nghe biểu thì ríu ríu đi theo chớ không dám cãi.

     Bà Chúa tàu Phị chào sơ bà Phủ rồi mời ngồi, mà mắt ngó Thanh Kiều không nháy. Bà Phủ cười mà nói rằng:

-       Con cháu tôi nói chuyện với bà hôm qua đó là con nầy đây. Nó là con của thằng em tôi, cha nó chết rồi, tôi thấy mẹ con nó tôi thương nên tôi mới đem hết về ở với tôi mấy tháng nay. Nó may vá thêu thùa đều khéo hết, lại biết chữ nghĩa rành nữa. Hồi cha nó còn sanh tiền, cha nó cưng nó quá; tôi không có con tôi muốn xin đem nó về mà nuôi, cha nó không chịu cho, bây giờ cha nó mất nên tôi mới nuôi được nó đó đa.

     Thanh Kiều không hiểu bà Phủ có ý chi mà thêu dệt nhiều lời như vậy, nên ngồi ghé tại đầu ghế trường kỷ, ngó bà Phủ với bà Chúa tàu hoài.

     Cách chẳng bao lâu Triệu Cố đi đâu về không biết, mà ở ngoài bước vô rồi nói tiếng Triều Châu với bà Chúa tàu Phị. Anh ta không chào bà Phủ mà mắt lại liếc ngó Thanh Kiều hoài. Bà Phủ thì ngó Triệu Cố mà cười. Còn Thanh Kiều không hiểu bà Chúa tàu nói chuyện chi, nên cứ ngó Triệu Cố, thấy anh ta chơn đi giày vàng vớ trắng, mình mặc quần trắng áo trắng, đầu đội nón nỉ xám, miệng rộng, mày ngang, hàm răng có hai cái bịt vàng, gò má phía tả có một cái thẹo lớn mà dài bằng ngón tay cái.

     Triệu Cố đi vô trong cất nón rồi trở ra kéo ghế mà ngồi ngang mặt Thanh Kiều. Bà Chúa tàu kiếm chuyện hỏi thăm Thanh Kiều mấy tuổi, có mấy anh em, bà hỏi đâu thì Thanh Kiều nói đó, không bợ ngợ chi hết.

     Bà Phủ ở chơi gần một giờ đồng hồ rồi mới từ và dắt Thanh Kiều ra xe mà về. Bà Chúa tàu đưa ra tới cửa và nói với bà Phủ rằng:

-       Ðể tôi tính rồi bữa nào tôi sẽ lên nhà nói chuyện.

     Xe về tới nhà, bà Phủ bước vô thấy Thanh Huê đương ngồi khóc mà nói với Ðỗ Thị, bà không hiểu có chuyện chi nên hỏi rằng:

-       Mầy vô trong nầy làm gì? Sao mà khóc đó?

Thanh Huê liền ngồi bẹp xuống đất mà lạy bà Phủ, rồi khóc và nói rằng:

-       Bẩm cô, chồng cháu khốn nạn lắm, bây giờ nó thấy cha cháu chết, mẹ cháu nghèo rồi nó ăn hiếp cháu; nó đánh đuổi không cho cháu ở với nó nữa, nên cháu phải vô đây lạy cô, xin cô làm phước cho cháu ở nhờ hột cơm rơi, chớ cháu có chồng thì nhờ chồng, mà bây giờ nó không thương cháu nữa nên đánh đuổi cháu thì cháu biết đâu mà nương dựa.

Thanh Huê lạy rồi đứng dựa ghế khóc rấm rứt. Bà Phủ châu mầy nói rằng:

-       Tao đã nói thằng cha mầy không làm việc gì nên thân hết. Tại gả con không biết lựa nên bây giờ mới ra cơ nỗi như vậy đó.

Thanh Huê nói rằng:

-       Bẩm cô, hồi trước tháng nào cháu cũng xin tiền của ba má cháu đem về cho nó ăn, bây giờ không có tiền nữa nên nó đánh cháu, chớ có chuyện chi đâu.

Bà Phủ ngồi lặng thinh têm trầu mà ăn rồi nói rằng:

-       Thôi, ở đây với tao, đừng thèm về với nó nữa. Nó có giỏi thì nó kiện mà xin để đi. Hễ nó để mầy rồi, tao gả chỗ khác xem có giàu sang bằng mười nó hay không?

     Lối chạng vạng tối, Lý Như Bình vô nhà bà Phủ mà mét với bà và Ðỗ Thị rằng Thanh Huê không lo làm ăn, không chịu coi sóc việc nhà, cứ đánh bài bạc hoài, anh ta la dứt nhiều phen mà không nghe nên hồi sớm mới giận phải đánh vài bốp tai mà trừng trị. Anh ta lại xin mẹ với cô rầy giùm đặng Thanh Huê bỏ tánh cũ, chớ bây giờ nhà nghèo rồi, nếu cứ xa xí bạc bài hoài, thì chắc chẳng khỏi mang hại.

    Thanh Huê núp trong buồng, lóng tai nghe chồng nói như vậy, liền bước ra cãi lẽ, nói nhiều lời hỗn hào, mà miệng lại tía lia. Như Bình nói không lại, nên Như Bình phải lẽ mà thành ra người quấy.

    Ðỗ Thị vẫn có tánh binh con, mà lại hồi sớm mơi nghe bà Phủ biểu Thanh Huê đừng thèm về ở với Như Bình nữa, nên bà nói giọng cay đắng rằng:

-       Thôi, mầy chẳng cần phải nói nhiều lời. Tao biết rồi hết: tại tao nghèo nên con tao mới mang tiếng hư, chớ hồi trước tao có tiền nhiều thì con tao nó tử tế, chớ chuyện chi đâu. Nó hư thôi mầy về vô Tòa mà để nó đi. Mầy để nó rồi coi nó có chết đói hay không?

     Như Bình tưởng vợ mình quấy, vô mét đặng mẹ vợ rầy la nó rồi đem nó về, chẳng dè mẹ vợ trở lại trách mình, còn cô vợ thì ngồi chừ bự, nên anh ta buồn quá, bèn đứng dậy cáo từ, không muốn phân phải quấy chi nữa hết.

     Ðêm ấy Thanh Huê nói chuyện với mẹ thì vui vẻ như thường; nếu người ngoài dòm vô thì không ai dè cô xích mích với chồng bao giờ. Còn Thanh Kiều ngồi dựa bên đó mà trí lại lo ra, cứ suy nghĩ hoài, không hiểu cô mình hồi sớm mơi dắt mình đi chơi đó có ý riêng chi chăng.

      Cách vài ngày có bà Chúa tàu Phị đến nhà thăm bà Phủ. Ðỗ Thị ngồi một bên bà Phủ mà nói chuyện với khách một hồi rồi lên lầu hối Thanh Kiều thay áo đổi quần đặng xuống chào bà Chúa tàu. Thanh Kiều giục giặc không muốn đi. Ðỗ Thị rầy và nói rằng tại ý bà Phủ muốn như vậy, không nên cãi, nên cực chẳng đã Thanh Kiều phải vưng lời.

     Thanh Kiều chào bà Chúa tàu thì thấy bà Chúa tàu vui lắm, mà bà lại cứ ngó cô trân trân. Thanh Kiều chào rồi thì rút lên lầu mà nằm; còn Thanh Huê thì xẩn bẩn gần chỗ khách ngồi, bề ngoài làm bộ lo trầu mà bề trong thiệt muốn nghe chuyện.

     Cô nghe bà Chúa tàu nói với bà Phủ và Ðỗ Thị rằng bà thấy Thanh Kiều dung nhan tuấn tú, đi đứng dịu dàng bà đem lòng thương, mà con bà là Triệu Cố thấy Thanh Kiều nó cũng chịu rồi, nên bà xin bà Phủ và Ðỗ Thị gả Thanh Kiều cho con bà, định cho cưới bữa nào bà cũng chịu hết, song cưới gấp chừng nào càng tốt chừng nấy.

     Bà Phủ bèn mở hơi hỏi coi bà Chúa tàu tính cho nữ trang những vật chi thì bà Chúa tàu suy nghĩ một hồi rồi bà nói rằng nhà bà không thiếu chi vòng chuyền, vậy bà tính cho hai chiếc vòng hột xoàn, ba sợi chuyền hột xoàn, một bộ cà rá, một đôi bông tai, một cây ghim cổ và một cây thẻ giắt đầu, đều nhận hột xoàn hết thảy, đặng cho đủ bộ vận con gái. Ðỗ Thị mừng quá chưa kịp nói tới chuyện đòi tiền đồng, thì bà Chúa tàu lại nói bà sẽ cho mười mớ áo với ba ngàn đồng bạc đặng cho con dâu vui lòng.

     Ðỗ Thị muốn đòi tiền đồng thêm cho đủ số năm ngàn, song ngó thấy bà Phủ gật đầu mà cười, tưởng bà đã chịu rồi, lại nghĩ người ta cho hột xoàn nhiều quá không lẽ mình còn đòi thêm nữa, nên bà lặng thinh cứ ngồi chúm chím cười hoài.

     Chừng bà Chúa tàu về rồi, bà Phủ mới hỏi Ðỗ Thị rằng:

-       Tao đã biểu mầy đòi năm ngàn tiền đồng, sao bả nói ba ngàn mà mầy lặng thinh không chịu đòi thêm?

-       Tôi thấy bả tử tế, tính cho nữ trang nhiều quá nên tôi không nỡ đòi nữa.

-       Mầy ngu quá! Mầy phải đòi tiền đồng nhiều mầy mới có lợi, chớ nữ trang dầu bả cho bao nhiêu con mầy nó cũng đem về nhà bả, mầy ăn được hay sao?

    Ðỗ Thị ngồi lặng thinh, sắc mặt không vui, chắc là trong trí thầm tiếc vì vị bụng mà mất tới hai ngàn đồng bạc. Cách một hồi lâu rồi Ðỗ Thị mới nói rằng:

-       Không hại gì, mình ở tử tế với người ta, có lẽ ngày sau mình còn nhờ nhiều lắm. Con Thanh Kiều vào được nhà đó không lẽ nó không đút nhét mà nuôi tôi.

    Trong lúc bà Phủ với Ðỗ Thị nói chuyện thì Thanh Huê thót lên lầu mà thuật hết đầu đuôi mọi việc cho Thanh Kiều nghe, kể đủ nữ trang của bà Chúa tàu muốn cho, rồi lại hớn hở khen Thanh Kiều có phước lớn. Thanh Kiều nghe nói chưng hửng rồi ngồi xụ mặt, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Thanh Huê thấy vậy mới hỏi tại sao mà có chồng giàu lại không vui. Thanh Kiều ngó chị trân trân và đáp rằng:

-       Em đã nhứt nguyện không lấy chồng, bởi vậy dầu ai đem một xe hơi hột xoàn mà cưới em cũng không vui nữa.

    Thanh Huê lật đật xuống mét với bà Phủ rằng Thanh Kiều nói không chịu lấy chồng. Ðỗ Thị rầy Thanh Huê sao lại tọc mạch nói cho Thanh Kiều biết trước làm chi, rồi bà Phủ biểu con Lại lên kêu Thanh Kiều xuống cho bà dạy việc.

      Thanh Kiều vừa bước xuống lầu thì bà Phủ hỏi rằng:

-       Tao với mẹ mầy tính kiếm chỗ giàu có mà gả mầy cho mầy nhờ, sao mầy lại nói với chị mầy rằng mầy không chịu lấy chồng? Ðừng có nói bậy như vậy nữa tao đánh chết đa. Phận mầy bây giờ côi cút, mẹ con không có cơm ăn; chỗ nầy người ta thương mầy nên tính cưới mầy mà đi đồ nữ trang với tiền đồng đến một hai muôn đồng bạc; mầy đã bị chồng bỏ, bây giờ được như vậy thì may lắm, còn nói nhõng nhẽo giống gì đó?

Thanh Kiều và khóc và nói rằng:

-       Bẩm cô, thân con là con gái, nếu phải lấy chồng thì chọn nơi nhơn nghĩa, chớ có phải bán thân hay sao mà lựa chỗ nhiều tiền.

Ðỗ Thị chận mà nói rằng:

-       Con chưa hiểu việc gì, đừng có nói bậy như vậy cô con đánh chết đa. Ðể má nói cho con nghe: Bà Chúa tàu Phị giàu lắm, bà nói mà cưới con cho con trai út của bà. Bà hứa cho đồ nữ trang đủ hết không thiếu món nào, mà thứ nào cũng nhận hột xoàn hết thảy. Bà lại đi tiền đồng cho má ba ngàn, con có chồng giàu sang sung sướng mà má lại có vốn làm ăn, ấy thiệt là phước đức của ông bà để lại nên mới được như vậy đó đa con. Thôi, con lên lầu mà chơi đi, đừng có nói bậy nói bạ không nên. Ði đi... Thanh Huê, dắt em lên lầu đi con.

    Thanh Huê vưng lời mẹ, liền nắm tay dắt Thanh Kiều lên lầu. Thanh Kiều chun vô mùng mà nằm, nhớ mấy lời mẹ khuyên thì hổ thẹn phận gái, đau đớn lòng ngay vô cùng. Làm con gái tưởng là được chọn chỗ nhơn nghĩa mà gởi phận trao thân, chớ nào dè phải làm như một món hàng, lựa chỗ nào cao giá mới bán, thân phận như vầy nếu sống càng thêm nhơ nhuốc chớ không ích gì. Trong lòng cô lấy làm đớn đau chịu không được, nhưng mà mẹ như vậy, cô như vậy, chị cũng như vậy nữa, thì biết than phiền với ai, bởi vậy cô có buồn thì lén khóc thầm mà thôi chớ không nói chi hết.

    Bà Chúa tàu định ngày rồi, bữa nọ bà dắt Triệu Cố đến mà cho đồ nữ trang và nạp tiền đồng. Ðồ nữ trang xếp đủ trên quả, món nào nhận hột xoàn cũng lớn, lại có để ba mươi tấm giấy xăng dựa bên đó nữa, song bà Chúa tàu xin cho Thanh Kiều ra chào rồi bà sẽ cho. Ðỗ Thị nói nhỏ với Thanh Huê, biểu lên kêu Thanh Kiều xuống mà chào mẹ chồng.

    Thanh Huê đi một hồi lâu rồi mà không thấy Thanh Kiều xuống. Ðỗ Thị nóng nảy mới đi lên lầu mà thúc. Bà lên tới đó, thấy Thanh Kiều đầu tóc rối nùi, áo quần chưa thay, bà giận quá mắng rằng:

-       Sao không gỡ đầu thay áo xuống mà chào người ta, đồ đĩ ngựa? Ðể người ta ngồi chờ hoài đó sao?

Thanh Huê tiếp nói rằng:

-       Từ nãy đến giờ tôi biểu hết sức mà không được, má làm sao đó má làm.

    Ðỗ Thị nắm tay kéo Thanh Kiều biểu đi gỡ đầu. Thanh Kiều ngồi trân trân như khúc cây, không thèm nói đi nói lại, mà cũng không chịu chải gỡ. Ðỗ Thị giận quá vả hai ba vả, Thanh Kiều không khóc mà cũng không nói. Ðỗ Thị làm dữ không được túng phải dỗ ngọt; mà nói êm Thanh Kiều cũng không thèm nghe, bà nổi giận muốn đánh chết cho rồi, ngặt có khách ngồi dưới, không lẽ hành hung náo động, cùng thế bà phải xuống nói dối rằng Thanh Kiều nóng lạnh nên không chào được.

    Bà Chúa tàu bèn nói:

-       Thôi, để bữa nào nó mạnh rồi tôi sẽ lại mà cho đồ và định ngày cưới luôn thể.

    Bà nói như vậy rồi tom góp nữ trang với ba mươi tấm giấy xăng mà bỏ vào quả và từ bà Phủ với Ðỗ Thị mà về.

    Khách vừa ra khỏi cửa thì Ðỗ Thị ngó bà Phủ mà nói rằng:

-       Nó ngồi trân trân ở trên lầu, mà tôi biểu xuống chào người ta nó không chịu xuống.

    Bà Phủ nghe nói thế thì cắn răng trợn mắt, xăm xăm đi lên lầu. Ðỗ Thị cũng bươn bả đi theo bà. Bà Phủ thấy Thanh Kiều đương ngồi trên ghế mà khóc, bà không thèm nói chi hết, với tay lấy cây chổi lông gà móc dựa cửa rồi trở cán quất bổ trên đầu Thanh Kiều hơn một chục và chửi rằng:

-       Ðu mẹ ông bà ông vải mầy, mầy cả gan dám trái ý tao há! Mầy có cứng đầu cứng cổ thì đi ra khỏi nhà tao cho mau, đi ra làm đĩ đi, đừng có ở đây nữa.

Bà đánh mệt rồi quăng chổi ngồi nghỉ mà cũng còn mắng thêm rằng:

-       Loài mầy là loài trâu loài chó, nên mới không biết tốt xấu, không biết phải quấy, chớ người ta thì không lẽ ngu dại như vậy bao giờ. Cha mẹ nghèo mạt rồi, bây giờ thình lình có được một hai muôn đồng, lại còn được vào nhà giàu lớn, ở trong thì có kẻ hầu hạ, sung sướng như tiên, ra ngoài thì ngồi xe hơi, hột xoàn chói cùng mình, mà lại không chịu, vậy chớ mầy đợi ông vua đi nói mầy mới ưng phải không?

    Ðỗ Thị nghe nhắc tới hột xoàn, bà tức quá, dằn không được, nên bà lượm cây chổi tiếp đánh Thanh Kiều nữa. Thanh Kiều từ trên mặt xuống tới dưới lưng, tay chưn đầu cổ bị roi đánh lằn ngang lằn dọc, cô đau quá nên khóc thút thít, song không than phiền chi hết.

    Hai bà đánh mỏi tay rồi theo cật hỏi coi tại cớ nào mà Thanh Kiều không ưng Triệu Cố. Thanh Kiều cứ lặng thinh hoài. Bà Phủ nói rằng:

-       Tao biết rồi, chắc là con nầy nó lấy trai rồi, nên mới kỳ khôi như vậy chớ gì!

     Thanh Kiều nghe mấy lời nhục nhã ấy thì giựt mình, nhướng mắt ngó bà Phủ trân trân.

    Ðỗ Thị bước lại vịn vai rồi hỏi rằng:

-       Vậy chớ tại sao mà mầy không ưng chỗ nầy, mầy nói cho tao nghe thử coi.

Thanh Kiều châu mầy suy nghĩ một hồi rồi nói nhỏ nhỏ rằng:

-       Con đã nguyện không lấy chồng, mà chỗ đó là con chệt nên con không chịu.

    Hai bà nghe nói thì ngó nhau rồi dắt nhau đi xuống. Thanh Huê ngó em, đã không có chút thương yêu mà lại có sắc giận, nên hứ một cái rồi cũng theo mẹ với cô mà đi xuống.

    Thanh Kiều leo lên giường nằm mà khóc. Trưa bữa ấy không ai kêu ăn cơm, mà Thanh Kiều cũng không biết đói. Ðến xế, Thanh Kiều mình mẩy nóng bực, nên nằm mê man, không biết chi hết.

    Bà Phủ với Ðỗ Thị bàn tính với nhau phải chậm chậm mà dỗ Thanh Kiều chớ không nên cưỡng bức, bởi vậy chừng đến bữa cơm chiều mới sai Thanh Huê lên kêu Thanh Kiều xuống ăn cơm. Thanh Huê nắm tay thì nóng hổi nên lật đật chạy xuống nói cho mẹ hay. Ðỗ Thị lên rờ cùng mình, thấy Thanh Kiều nóng mê, bèn lấy dầu gió mà thoa rồi đắp mền và đóng cửa sổ lại cho kín.

    Thanh Kiều nóng mê man luôn tới một ngày nữa, bà Phủ sợ mới sai đi rước quan thầy thuốc coi mạch mà điều trị. Quan thầy thuốc thấy Thanh Kiều có lằn roi đầy mặt đầy mình thì hỏi Ðỗ Thị với bà Phủ vậy chớ ai đánh mà có dấu roi đó. Hai bà ú ớ không biết sao mà trả lời, may nhờ quan thầy thuốc chẩn mạch biết Thanh Kiều bị bịnh trái giống nên lật đật viết giấy rồi hối trong nhà phải chở Thanh Kiều ra Nhà thương Chợ Quán lập tức, nên bỏ chuyện lằn roi không nói tới.

    Thanh Kiều bị trái giống nặng quá, nên trái mọc đầy mặt đầy mình. Ðỗ Thị và Thanh Huê đến thăm quan thầy thuốc không cho phép, nên không thấy mặt được.

    Cách chừng một tháng, trái xuống hết rồi, Thanh Kiều đã mạnh, quan thầy thuốc dời lên cho nằm theo phòng bịnh thường, rồi mới cho phép bà con đến thăm. Bà Phủ rủ bà Chúa tàu đi với Ðỗ Thị và Thanh Huê ra nhà thương Chợ Quán mà thăm. Khi bước vô phòng thấy Thanh Kiều mặt rỗ chằng, ai nấy ngơ ngẩn, chắt lưỡi lắc đầu, không nói chi được hết.

    Về dọc đường, bà Phủ dọ ý bà Chúa tàu thì biết rằng vì Thanh Kiều mặt rỗ rồi nên bà Chúa tàu không muốn cưới cho Triệu Cố nữa. Thiệt quả, chừng Thanh Kiều mạnh rồi về nhà, bà Chúa tàu nói rằng:

-       Triệu Cố nó ghét con gái mặt rỗ lắm, nghe nói Thanh Kiều đau trái giống thì nó không chịu cưới, nên tôi đã đi nói chỗ khác cho nó rồi.

    Ðỗ Thị nghe bà Phủ về thuật mấy lời ấy lại thì nghẹn cổ, tức ngực, nói không được. Bà Phủ nói rằng:

-       Có sao đâu mà lo! Dầu nó mặt rỗ, song cũng còn lịch sự lắm chớ. Thôi, như Triệu Cố có chê thì ta gả cho An Nam, hại gì.

    Ðỗ Thị ngó Thanh Huê, bộ muốn nói chuyện chi đó, mà rồi day lại lấy trầu têm mà ăn, không chịu nói, có lẽ bà tiếc Thanh Huê có chồng rồi, tuy bỏ chồng mà chưa để, nên không đem chị thế cho em được. Ghê gớm thay bụng tham lam!

 


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08