Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám

Toàn bộ dạng PDF

Tiền Bạc Bạc Tiền

 Phần Tám 

    Bá Kỳ ngồi ăn xá lỵ nhớ tới phong thơ mình được hồi nãy, liền lấy ra rồi xé mà coi; vừa mới coi câu đầu thì đã thấy mặt biến sắc, tay run rẩy, song cũng gượng mà đọc cho đến cùng. Chừng coi rồi thì mắt ứa lụy, mặt buồn xo, đưa thơ cho Hiếu Liêm mà nói rằng:

-       Con em tôi nó đã cạo đầu mà đi tu rồi, anh coi đó thì rõ.

    Cao Thị nghe nói chưng hửng. Hiếu Liêm thất kinh không hiểu duyên cớ làm sao mà Thanh Kiều đã giàu rồi lại không chịu ở thế gian vui hưởng phú quý, nên lật đật thò tay tiếp lấy bức thơ. Cao Thị nói rằng:

-       Ðâu con đọc lớn cho má nghe thử coi tại sao mà cô Tư đi tu vậy con?

    Hiếu Liêm mở bức thơ ra mà đọc như vầy:

      "Chợ Lớn, le 20 Décembre 192...

      "Anh Ba ôi,

      "Anh tiếp đặng thơ nầy thì em đã vào chùa thí phát đặng tụng kinh niệm Phật rồi.

      "Tuy em chưa đầy hai mươi tuổi, song trong ba bốn năm nay em đã nếm đủ mùi đời cay đắng, em đã thấy rõ thói tục nhuốc nhơ. Người đời nầy từ sang chí hèn ai cũng tranh tiền bạc mà thôi, chớ không kể chi nhơn nghĩa. Em tuy là phận gái, song thấy vậy bắt ngán ngầm.

      "Anh nghĩ lại mà coi: khi nhà mình giàu có, anh muốn gả em lấy chồng chỗ chơn chánh quân tử, cha mẹ lại chê chỗ ấy nghèo hèn, để tìm nơi chức lớn tiền nhiều mà gả; đã mấy phen thân em chẳng khác nào một món hàng hoá để giữa chợ, chẳng khác nào một miếng mồi để câu sự giàu sang, may nhờ Phật trời che chở cho em, chớ không thì phận em đã trọn đời nhục nhã. Ðã vậy mà khi nhà mình suy sụp, người mà anh tưởng là chơn chánh quân tử đó lại chê em hết của nên ngoảnh mặt, không tính cưới em làm chi; nay em có tiền nhiều em nhớ lại việc xưa em càng thêm chua xót.

      "Nhơn tình tham lam giả dối như vậy, ngày nay cha mẹ khuất hết rồi, nợ trần em đã trả đủ, nên em chẳng còn tình quyến luyến với người thế gian chút nào.

      "Em vào cửa Phật đây là vì em chán ngán thói đời mà thôi, chớ không phải em có làm điều chi đại ác nên cần phải ăn năn sám hối.

      "Anh Ba ôi, em nhớ ngày trước anh có khuyên ba mẹ gả em cho kẻ phải chớ đừng ham giàu sang; em biết anh lấy lòng cao thượng mà thương em, chớ không phải thương như thiên hạ, bởi vậy trước khi xuất gia đầu Phật, em viết bức thơ nầy mà bái tạ anh và chúc anh ở dương trần được trùng trùng hạnh phúc.

      "Thôi, từ đây em quên hết thế sự, để lòng tri nh bạch mà cầu trời khẩn Phật đặng nhờ kiếp sau. Nếu anh có thương em thì xin biết giùm bụng em, bao nhiêu đó cũng đủ rồi, chẳng cần phải viếng thăm, làm nhọc công anh mà lại bận lòng em mộ đạo.

      Ngu muội: Trần Thanh Kiều

      bái thơ"

   Hiếu Liêm đọc thơ rồi thì nước mắt tuôn dầm dề. Bá Kỳ thương em nên thấy Hiếu Liêm khóc anh ta cũng khóc theo, chớ không nói tiếng chi được.

    Cao Thị vẫn đã biết con mình nặng tình với Thanh Kiều, song mấy năm nay bà tưởng Thanh Kiều ham giàu sang mà khinh bỉ mình cũng như vợ chồng Bá Vạn, bởi vậy bà cứ an ủi con hãy dui dụt[1] lửa lòng. Nay bà nghe đọc thơ mới hay Thanh Kiều tình ý thanh cao, mà cô có hơi trách Hiếu Liêm nữa, rồi bà lại thấy Hiếu Liêm ngồi khóc, bà dằn lòng không được nên nói rằng:

-       Má không dè cô Tư sanh trong nhà giàu sang mà biết trọng nhơn nghĩa hơn bạc tiền. Vậy thì con với ông Com-mi phải đi kiếm cô mà an ủi đặng rước cô về, chớ thương cô mà cứ ngồi đây khóc hoài, để cho cô đem thân vàng ngọc mà chôn nơi cửa Phật trọn đời hay sao?

Hiếu Liêm nghe mẹ nói mấy lời, vùng đứng dậy thưa rằng:

-       Má thương con má cho phép thì con mới dám.

Hiếu Liêm lại day qua mà nói với Bá Kỳ rằng:

-       Mấy năm nay vì em không rõ ý cô Tư nên thiệt em hờn cô, chẳng dè cô cũng vì em mà ngã lòng thất chí. Chẳng biết ngày nay anh còn thương em như ngày trước hay không?

Bá Kỳ ngó ngay Hiếu Liêm mà nói rằng:

-       Lòng tôi trước sau như một. Té ra mấy năm nay anh cũng nặng tình với con em tôi lắm hay sao?

-       Nếu tôi không nặng tình thì tôi đã kiếm chỗ xe tơ kết tóc rồi.

-       Nếu vậy thì duyên của anh với Thanh Kiều là duyên trời đã định trước rồi, dầu ai khuấy rối cũng không chia lìa được.

Cao Thị nóng nảy mới xen vô mà nói rằng:

-       Thôi chớ, đi kiếm em mà đem về rồi nói chuyện gì sẽ nói, chớ ở nhà mà nói hoài hay sao?

    Hiếu Liêm lật đật xếp bức thơ bỏ túi, rồi hai người thay áo đổi quần, tính mướn xe hơi vô Chợ Lớn hỏi thăm Thanh Huê coi Thanh Kiều đi tu chùa nào đặng tìm đến mà rước về.

    Ði dọc đường hai người nói chuyện với nhau, Hiếu Liêm mới tỏ thiệt rằng lúc Bá Vạn chết, tan hoang sự nghiệp, Ðỗ Thị bơ vơ, Thanh Kiều bị Thái Thường bội ước, anh muốn cầu hôn đặng bảo bọc kẻ thất thời, ngặt vì Bá Kỳ về mà không nói tới chuyện đó, anh ta sợ nói ra không đắt lời càng thêm hổ thẹn, nên phải ôm lòng ngậm thảm không dám hở môi. Bá Kỳ lại nói rằng lúc ấy anh ta cũng muốn bày lời, nhưng vì thấy em mới bị chúng hồi hôn, nhà đã bị suy sụp nên ngại ngùng không nỡ nói.

    Hai người vô Chợ Lớn hỏi thăm Thanh Kiều. Thanh Huê nói rằng Thanh Kiều nói ra Sài Gòn mua sắm mà đi từ hồi sớm mơi hôm qua đến giờ nầy chưa thấy về. Bá Kỳ tỏ sự mình mới tiếp được thơ của Thanh Kiều cho hay rằng cô đi tu thì vợ chồng Thanh Huê chưng hửng. Thanh Huê nói rằng:

-       Con đó ngu quá! Ði tu sao lúc nghèo khổ không đi tu, để bây giờ lãnh gia tài hai ba muôn rồi đi tu nỗi gì. Ðố khỏi thầy chùa ăn hết của nó.

    Hiếu Liêm nghe mấy lời thô lỗ ấy thì giận bấy gan, muốn đối đáp một đôi lời với Thanh Huê cho cô ta biết cao thấp nhưng vì thấy Bá Kỳ cười rồi bước ra cửa, nên phải đi theo không nói được.

    Bá Kỳ dắt Hiếu Liêm lên xe hơi rồi biểu sốp-phơ đi Chợ Gạo. Bá Kỳ nói rằng:

-       Cái óc của chị Hai tôi thấp thỏi lắm, chỉ ham tiền ham bạc rồi tưởng ai cũng như chỉ vậy, bởi vậy hồi nãy tôi không muốn phân phải quấy với chỉ làm chi.

Hiếu Liêm châu mầy nói rằng:

-       Chỉ tánh tình như vậy mà anh Như Bình chịu được thiệt là giỏi lắm.

Bá Kỳ cười mà đáp rằng:

-       Nồi nào úp vung nấy.

    Hai anh em tính đi lục hết các chùa mà kiếm Thanh Kiều. Vô tới Chợ Gạo ghé chùa Giác Hải hỏi thăm không có, qua chùa Từ Ân kiếm cũng không gặp, lần lần mới vô tới chùa Giác Viên.

    Hai người tới trước cửa chùa thì đã mười giờ rồi nên chùa không còn ai. Có một tên đạo nhỏ nghe tiếng kêu liền chạy ra. Hiếu Liêm hỏi thăm thì tên ấy nói rằng:

-       Hôm qua có một cô, chừng hai mươi tuổi, da trắng mà mặt rỗ, vào chùa xin thí phát đặng ở làm công quả mà tu thân. Tôi không biết cô tên chi. Hồi sớm mơi nầy cô năn nỉ quá, Huề thượng tôi can không được nên phải để cho cô thí phát. Vậy hai thầy bước vô chùa coi có phải cô ấy là em của hai thầy hay không?

    Hai anh em nghe nói Thanh Kiều đã thí phát rồi thì mồ hôi nhỏ giọt, lật đật theo tên đạo mà vô chùa. Vừa bước vô thì thấy chín mười bà vãi, kẻ già người trẻ, kẻ đương chế nước, người đang niệm hương. Trước bàn Phật Di Ðà, thấy có một cô còn nhỏ, đầu mới cạo trắng phếu, mình mặc áo vải nhuộm dà, đương quỳ chắp tay niệm Phật.

    Bá Kỳ với Hiếu Liêm nghi cô vãi ấy là Thanh Kiều, song thấy cô đương niệm Phật, không dám lại gần, phải dừng bước đứng dựa cột xa xa mà ngó. Cô niệm hơn mười phút đồng hồ rồi mới đứng dậy đi ra; cô xây mặt qua, hai người dòm thấy quả thật Thanh Kiều thì biến sắc, lật đật chạy lại.

    Bá Kỳ nói rằng:

-       Qua mới tiếp được thơ của em hồi tám giờ tối nầy, nên bây giờ mới tới đây. Em có việc sầu riêng đến nỗi thất chí, sao bấy nay em không bày tỏ với qua?

    Hiếu Liêm nước mắt tuôn dầm dề, thấy hình dạng y phục của cô như vậy càng động lòng đau đớn nên nói tiếp rằng:

-       Cô Tư ơi, lời cô trách tôi trong thơ ấy, nghĩ cũng phải lắm; nhưng mà xin cô xét lại, hai ta ai cũng vì danh dự nên không thấu hiểu bụng nhau; cô tưởng tôi lúc nọ chê cô suy sụp nên không ngó ngàng, chớ kỳ thực là tôi sợ cô khinh bỉ tôi nên tôi không dám bước tới chớ.

    Thanh Kiều ngó Hiếu Liêm rồi ngó Bá Kỳ, sắc mặt bình tĩnh lại như thường; khi Hiếu Liêm vừa nói dứt lời thì cô nói rằng:

-       Từ em bước chơn vào đây thì em đã quên hết thế sự rồi, vậy xin anh Ba với thầy Hai thương giùm thân em, đừng có đem chuyện thế gian mà nói với em.

    Hiếu Liêm muốn nói nữa, cô đưa tay lên cản rằng:

-       Chốn nầy là cửa Phật, xin thầy đừng nhắc những việc xưa, để cho em niệm Phật tụng kinh, đặng kiếp sau em khỏi trầm luân biển khổ như kiếp nầy nữa.

    Mấy bà vãi với mấy thầy chùa thấy ba người nói chuyện với nhau thì đứng mà ngó. Bá Kỳ với Hiếu Liêm ái ngại bèn dắt nhau ra mắt Huề thượng. Bá Kỳ nói thiệt rằng mình là anh ruột Thanh Kiều, vì Thanh Kiều não nề thế sự, lỡ dở nhân duyên, nên giận bỏ mà đi tu. Vã cha mẹ khuất hết, mình là anh phải lo bảo hộ Thanh Kiều, không nỡ để cô áo não đêm ngày, nên mới đến xin phép Huề thượng rước cô về đặng an ủi khuyên lơn cho cô bớt sầu bớt thảm.

    Huề thượng nói rằng:

-       Mô phật, hôm qua cô vào chùa xin thí phát mà đầu Phật. Tuy cô không nói chuyện nhà cửa của cô cho tôi biết, nhưng mà tôi nhắm hình dạng của cô thì tôi biết cô là con nhà sang trọng nên tôi có an ủi cô. Vì cô nằng nằng quyết một đi tu mà thôi, mà cửa Phật thì phải mở rộng cho mọi người, nên không lẽ tôi không cho cô vô làm công quả. Nay hai ông đến rước cô về, tôi không phép cầm cũng không phép xúi, vậy để tôi kêu cô lên đây cho hai ông liệu định với cô.

    Thanh Kiều nghe Huề thượng đòi thì thủng thẳng đi lên. Huề thượng thấy mặt cô liền nói rằng:

-       Vì cô não nề thế sự, chán ngán nhơn tình, nên vào chùa niệm Phật ăn chay, quyết phủi sạch hồng trần đặng siêu thăng tịnh độ. Nay có hai anh đến xin rước cô đem về mà nuôi, vậy về hay ở tự ý cô, chớ thầy không ép đường nào hết.

    Thanh Kiều thưa nhỏ nhỏ rằng:

-       Bạch Huề thượng, đã biết cũng vì con não lòng thế sự nên mới cạo đầu vô chùa mà đi tu; nhưng mà con nhờ có niệm Phật vái trời nên con mới khuây lãng mà sống được tới bây giờ. Vậy nay con chẳng còn vương vấn nợ trần chi nữa, nên con nguyện ở luôn trong chùa trọn đời mà làm tôi cho Phật, đặng hưởng phước đời sau.

    Bá Kỳ vừa muốn mở miệng khuyên lơn Thanh Kiều, thì Hiếu Liêm bâng khuâng trong lòng, không còn kiêng nể chùa chiền chi nữa nên đứng dậy khóc và nói bệu bạo rằng:

-       Nay cô quyết định như vậy thì cái tình của tôi mang nặng mấy năm nay chẳng là vô ích lắm...

    Hiếu Liêm trong lòng đau đớn lắm, nên nói có mấy lời, rồi khóc rống lên, muốn nói nữa mà không nói được.

    Thanh Kiều dòm thấy tình cảnh như vậy, cô bắt động lòng, nên cũng rưng rưng nước mắt. Cô đứng suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:

-       Kiếp nầy em với thầy không có duyên nợ với nhau, vậy xin thầy để cho em khẩn Phật cầu trời hoặc may kiếp sau hội hiệp.

-       Sao cô biết kiếp nầy không có duyên nợ? Nếu không có duyên nợ, vậy chớ tại cớ nào mà cha mẹ gả cô lấy chồng đôi ba phen, mà phen nào cũng gặp trắc trở làm cho hôm nay chúng ta còn gặp được nhau đây?

Thanh Kiều lau nước mắt rồi ngó Hiếu Liêm mà rằng:

-       Thân em đã đến nước nầy thầy còn tính cưới em làm chi?

-       Tình tôi mang nặng lắm, nếu tôi không kết duyên với cô được, thì tôi nguyện trọn đời chẳng thèm cưới nơi nào.

-       Tình thầy nặng, vậy chớ ngày Thái Thường gần đi lễ hỏi, em gặp thầy ngoài chợ Bến Thành cũ, em kêu thầy sao thầy lại làm lơ lảng bỏ đi?

-       Lúc ấy tôi tưởng cô cũng ỷ giàu sang mà khinh khi tôi, nên tôi hờn giận, muốn làm vậy cho đã ghét. Cô thấy tôi làm lơ lảng đó mà thôi, chớ lúc ban đêm tôi nằm một mình nước mắt tuôn rơi ướt gối, nào cô có thấy cho đâu.

-       Thầy có tình như vậy sao lúc ba em mất, sự nghiệp tan tành, Thái Thường hồi hôn, má em bơ vơ, thầy không cậy mai nói mà cưới.

-       Tôi có biết bụng cô thương tưởng đến tôi hay không, bởi vậy tôi tính thà âm thầm mơ ước còn ít buồn, chớ nói mà cô không ưng thì tôi sống sao được ở đời mà nuôi mẹ.

    Bá Kỳ nghe nói đến đó thì động lòng nên xốn xang khó chịu hết sức, còn Huề thượng thì cứ ngồi lóng tai mà nghe như Phật từ bi không biết động dung[2].

    Thanh Kiều suy nghĩ một hồi nữa rồi nói rằng:

-       Em đã cạo đầu đi tu rồi, nếu em về thế gian mà lấy chồng thì coi sao được?

-       Xin cô chớ ngại sự ấy. Tôi trọng cô vì tình lai láng, vì chí cao thượng, vì nghĩa nặng nề, chớ không phải tại dung nhan, bởi vậy dầu ngày nay cô mặt rỗ, đầu trọc mà tôi coi cô càng quý hơn hồi xưa thập bội, vì nhờ cô mặt rỗ nên mới giữ vẹn tiết tri nh, nhờ cô cạo đầu nên hôm nay mới hội hiệp.

-       Thầy đã nghèo mà bây giờ em không còn một đồng tiền nào hết, nếu thầy kết duyên với em thì thầy phải nuôi em, cực khổ thân thầy chớ có ích gì đâu?

-       Cưới vợ là kết nhơn nghĩa, chớ không phải cầu lợi ích. Tôi cưới vợ là tính nuôi vợ, chớ không phải tính vợ nuôi. Ngày nay mà cô còn nói chuyện bạc tiền thì chắc là cô còn tưởng bụng tôi thấp hèn như bụng thiên hạ vậy sao?

-       Em biết bụng thầy rồi. Song lời em nói đó là lời nói thiệt, chớ không phải em muốn phỉnh phờ.

Bá Kỳ nghe nói, lấy làm lạ, nên hỏi rằng:

-       Vậy chớ phần ăn của em đâu, mà em nói không còn một đồng tiền?

Thanh Kiều nói rằng cô đã đem cho Hội nuôi con gái mồ côi hết, rồi cô mới vào chùa tu.

Hiếu Liêm nghe nói thì vùng la lớn lên rằng:

-       Cô thiệt là nữ trung quân tử, nên mới làm được như vậy. Cô hết tiền thì phẩm giá cô càng cao thêm nhiều.

    Bá Kỳ cũng khen em làm phải, vì đồng tiền của bà Phủ là đồng tiền phi nghĩa nên không thọ hưởng làm chi. Anh ta sẵn dịp cũng cho em hay rằng phần ăn của anh ta thì anh ta cũng đã cho Khuyến học hội rồi. Thanh Kiều thấy anh đồng ý với mình thì mừng rỡ vô cùng, nên cũng khen anh làm phải.

    Bá Kỳ với Hiếu Liêm năn nỉ nói riết, Thanh Kiều phải xiêu lòng, nên ba người từ tạ Huề thượng rồi dắt nhau lên xe hơi mà về, đến Sài Gòn thì đồng hồ Chợ Mới đã chỉ hai giờ khuya.

    Cao Thị ở nhà chờ Hiếu Liêm với Bá Kỳ nên nằm thao thức hoài ngủ không đặng. Bà nghe tiếng xe hơi ngừng trước nhà, chắc là con về, bà liền hỏi:

-       Sao, kiếm được em hay không?

    Bá Kỳ chưa kịp trả lời, kế Thanh Kiều bước vô nữa, rồi Hiếu Liêm tiếp theo sau. Cao Thị thấy Thanh Kiều mặc áo quần bằng vải nhuộm dà[3], đầu trọc lóc mà lại bịt trùm một cái khăn cũng bằng vải nhuộm dà, thì bà thương xót hết sức, nên đứng chần ngần không nói được một lời.

    Hiếu Liêm mời Thanh Kiều ngồi trên ván, chừng ấy Cao Thị nguôi bớt nỗi buồn, nên lắc đầu chắc lưỡi và than rằng:

-       Thân ngàn vàng mà vì thất chí nên ra đến nỗi nầy.

    Bá Kỳ kéo ghế mà ngồi rồi nói rằng:

-       Mấy năm qua mắc đi học xa, việc nhà thế nào qua không hiểu rõ. Em có chỗ phiền muộn nên ngao ngán việc đời, sao từ ngày qua về đến nay em không tỏ thiệt với qua? Phận em ở nhà ngậm cay nuốt đắng thế nào đâu em nói hết cho qua nghe thử coi.

    Thanh Kiều mới thủng thẳng kể thiệt hết việc nhà lại cho anh nghe, nhứt là việc hôn nhơn mấy lần cô thuật kỹ lưỡng lắm. Cô nói khi Bá Kỳ khuyên cha mẹ gả cô cho Hiếu Liêm thì cô nằm trong phòng lóng tai nghe không sót một tiếng nói. Chừng nghe mẹ định gả cô cho Thái Thường, thì cô lấy làm bối rối, muốn bày tỏ ý tứ của cô cho Hiếu Liêm nghe, rồi hỏi Hiếu Liêm coi phải liệu thế nào cho khỏi mang tiếng phụ nghèo khó tham giàu sang, ngặt vì phận gái không lẽ đi tìm hoặc gởi thơ cho trai, nên cô phải niệm Phật vái trời phò hộ cho cô toàn danh mà cũng toàn tiết nữa. Lúc gần tới đám hỏi cô, cô gặp Hiếu Liêm cô có bụng mừng, tưởng là thừa dịp đó cô phân trần hắc bạch với Hiếu Liêm được, chẳng dè Hiếu Liêm làm lảng bỏ đi luôn. Cô tủi phận cô, nên từ ấy cô nhứt nguyện không thèm lấy chồng, ngày nào cha mẹ khuất hết rồi thì cô đi tu, còn cha mẹ gả cho ai hễ còn một ngày nữa tới đám cưới thì cô tự tử cho toàn danh tiết.

    Hiếu Liêm ngồi lóng tai mà nghe, nghe tới đó thì anh ta cảm nghĩa hết sức; mà chừng nghe tới chuyện gả cho Triệu Cố và tính gả cho Phú Thứ, thì Hiếu Liêm càng kính mến Thanh Kiều vô cùng.

    Cao Thị nghe rõ tâm sự của Thanh Kiều bà cũng cảm thương, bởi vậy Thanh Kiều nói dứt rồi, bà bước lại vịn vai Thanh Kiều và nói rằng:

-       Tôi được con dâu như vầy thì quý hơn bạc tri ệu, tôi không cần nhan sắc mà cũng không thèm tiền bạc chi hết.

    Hiếu Liêm với Bá Kỳ thấy Cao Thị yêu trọng Thanh Kiều thì mừng mà lại cảm, nên ngồi cười mà nước mắt chảy rưng rưng.

    Sáng bữa sau, Bá Kỳ mướn một căn phố gần đó mà dọn đặng ở với em.

    Cách vài tuần lễ, Thanh Kiều mua sắm áo quần xong rồi Bá Kỳ mới cho Hiếu Liêm định ngày làm lễ cưới.

    Ðến đám cưới, Bá Kỳ không mời ai hết, chỉ mời hai vợ chồng Thanh Huê mà thôi. Khi đưa dâu về nhà Hiếu Liêm rồi, Thanh Huê cứ ngồi xỉa thuốc sống, dảnh[4] bàn tay đặng khoe bộ cà rá hột xoàn và nói rằng:

-       Con thiệt ngu quá! Chia gia tài cho nó, nó không để dành mà ăn, lại đem cho thiên hạ hết, rồi bây giờ lấy chồng đây, mới làm sao nè!

Bá Kỳ giận quá dằn không được nên mới đáp rằng:

-       Nó không thèm ăn của phi nghĩa, sao chị lại gọi nó ngu? Không kể xấu hổ, miễn có tiền nhiều thì thôi, làm như chị vậy mới là khôn há? Chồng nó là người chơn chánh, vì thấy nó trọng nhơn nghĩa hơn tiền tài, mới chịu cưới nó đấy, chớ không phải người tham tiền tham bạc, không biết trọng phẩm giá, không biết sợ nhục nhã, tính cưới vợ đặng nhờ đồng tiền của vợ, như họ vậy đâu.

    Thanh Huê hổ thẹn nên nghẹn cổ, không biết lấy lời chi mà đối đáp.

    Còn Như Bình ngồi gục đầu, sắc mặt coi buồn xo.

      Sài Gòn, Décembre 1925


[1] dui=lắng xuống; dụt=dập tắt

[2] thay đổi nét mặt

[3] giống cây sắn, vỏ có nhiều chất tanin, dùng làm thuốc nhuộm màu nâu

[4] xoè, duỗi thẳng


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08