>

Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm

Toàn bộ dạng PDF

Từ Hôn

Chương III

MỘT NHÀ THÀNH THẬT

Nhà bà Huyện Hớn ở phía sau chợ Tân Ðịnh. Một cái nhà ngói ba căn, nền đúc, vách gạch, cửa lá sách, sơn màu xanh dương, nhà tuy nhỏ, song cao ráo sạch sẽ, nên người qua kẻ lại ai cũng khen: “chỗ ở phải thế”.

Miếng đất tuy không lớn, nhưng mà từ thềm nhà ra hàng rào xi măng dọc theo đường lộ cũng có một cái sân rộng được tám thước, hai bên hè cũng còn hai khoảng trống gần mười thước, phía bên tay mặt có trồng một đám trầu vàng[1] với vài cây nhãn, còn bên tay trái thì bà Huyện để trồng rau mà vì cô Bạch Yến có tánh ái hoa, nên cô choán gần hết mà trồng những cây bông huệ, bông hường, bông móng tay, bông cẩm nhung trên có làm giàn mà cho dây nho bò lên, dưới giàn cô lại để một cái băng đúc đá sạn đặng ngồi xem bông cho mát mẻ. Còn trước sân, chính giữa có một hòn non của ông Huyện xây hồi trước, hai bên có để mấy chậu cau đỏ với cau vàng, lại có ít chậu kiểng bùm sụm[2] với cần thăng[3] mà vì không ai muốn sửa nên nhánh nhảy tứ tung, lá ra bì bịt.

Gần năm giờ chiều, bà Ba Lung là chị em bạn của bà Huyện, mặc quần lãnh đen, áo lụa trắng còn mới tinh, tóc bạc hoa râm, răng rụng hết vài cái, bà thủng thẳng đi vô sân, tướng đi khoan thai, gương mặt thuần hậu. Bà Huyện vừa ngó thấy thì bước ra thềm mà chào. Hai bà còn đứng đó nói chuyện, kế hai vợ chồng ông Phán Quì cũng tới nữa, ông bịt khăn đen, mặc áo dài đàng hoàng, bà mặc một bộ đồ đen mà cũng sắc sảo.

Bà Huyện mời hết khách vô nhà.

Trong nhà thì bàn ghế lau chùi sạch sẽ mà thôi, chớ không chưng dọn chi lắm. Căn giữa mà ở phía trong, dọn một bàn thờ ông bà, có lư đồng đỏ, có lục bình[4] lớn. Còn phía ngoài thì có để một bộ ghế xa lông[5]  bằng cẩm lai, trên bàn có để một cái lục bình nhỏ cắm bốn bông cẩm nhung, và mỗi cái ghế đều có để gối dựa thêu rồng, thêu phụng.

Căn bên tay mặt thì có lót một bộ ván gõ lớn, đầu ván phía ngoài có để một cái bàn vuông mặt cẩm thạch làm ghế nghi[6]. Trên ván có trải chiếu bông mới, lại có để bốn cái gối mặt thêu cườm, còn trên ghế nghi thì để ô trầu, ô bằng đồng bạch chùi sáng giới.

Còn căn bên tay trái thì để một cái bàn ăn với tám cái ghế, bàn có trải nắp[7]  trắng chạy rìa đỏ, lại chính giữa có để một bình bông.

Cô Bạch Yến bữa nay uốn mái tóc hơi dợn sóng, đầu bới sát ót, mặt giồi phán thật khéo, môi lại có thoa son. Cô mặc một bộ đồ hàng “bom bay” màu xanh dợt may theo mốt mới, tai đeo một đôi bông xoàn thiệt lớn, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ với mặt trái tim có nhận ba hột xoàn, hai tay cô cũng có đeo hai chiếc vàng nhận hột xoàn nữa.

Cô đứng tại bàn ăn mà chỉ cho bồi đặt bàn. Cô thấy khách bước vô nhà thì cô lật đật chấp tay cúi đầu xá mỗi người. Ông Phán Quí ngồi tại xa lông, còn bà ba thì lại bộ ván gõ mà ngồi. Cô Bạch Yến hối gia đinh rót nước trà rồi cô bưng ra mà mời khách.

Ông Phán hỏi bà Huyện rằng:

-        Ðàn trai họ hẹn mấy giờ họ đến?

-        Tôi có mời lên sớm mai, mà cô Ðốc học nói cô đi sớm không đặng, thế nào gần sáu giờ cô lên mới tới.

-        Bây giờ mới năm giờ, còn lâu lắm.

-        Nghe bầy trẻ nói hôm nào đó ông Phán ể mình[8], bữa nay đã thiệt mạnh hay chưa?

-        Thưa, trời trở gió, nên bữa hổm nhức vai mỏi chưn ngủ không được. Bữa nay tôi ráng lại đây, chớ hai cái vai cũng còn hơi mỏi chút đỉnh.

-        Hễ trọng tuổi rồi thì hay đau mấy chứng đó. Ông uống thuốc tây hay thuốc bắc?

-        Thưa, tôi uống thuốc bắc. Thuở nay tôi uống thuốc ông Ðặng ở đường Lagrandière.

-        Ông thầy đó giỏi hôn?

-        Ý, ổng làm thuốc nghề lắm mà. Năm tôi mới hưu trí đó tôi đau nặng quá, tưởng không xong rồi chớ, may nhờ có ông cứu tôi mới còn đây.

-        Tôi ăn sao chậm tiêu quá, còn ban đêm có nhiều bữa tôi ngủ không được. Ðể bữa nào tôi rước ổng đặng coi mạch đặng uống thử ít thang thuốc coi.

Bà Phán nói rằng:

-        Bịnh bà đó phải làm thuốc tễ mà uống mới được chớ.

-        Vậy hay sao?

-        Năm ngoái ông Ðặng có cho tôi một tễ thuốc tôi uống, thiệt tôi ăn cơm nhiều, tôi ngủ ngon quá, không đầy một tháng mà tôi cân nặng tới ba ký lô.

-        Thôi, để lo chuyện con nhỏ xong rồi tôi bắt chước bà, tôi uống thử một tễ coi.

Bà Ba Lung nghe nói tới Bạch Yến thì bà hỏi bà Huyện rằng:

-        Còn bà tính gả cháu cho ông Bác Vật nào ở đâu vậy?

-        Ông Bác Vật Châu Tất Ðắc, em bà con với cô đốc Cẩm Hương trong cầu kho.

-        Thuở nay bà có biết ổng hay không?

-        Không. Tôi quen là quen với cô Cẩm Hương, năm ngoái con Bạch Yến có học bánh mứt với cô mấy tháng, nên cô tới lui chơi thường. Cô nói ông Bác Vật là con của ông Phủ Ðào hồi trước ngồi dưới Long Xuyên, có bà con với cô, nên cô đứng làm mai đó.

Ông Phán chận lại hỏi:

-        Té ra ông Bác Vật là con của ông Phủ Ðào hay sao? Tôi có nghe danh quan phủ đó hiền đức lắm. Bà làm sui như vậy là xứng đáng quá. Không biết năm nay ổng còn mạnh giỏi hay không?

-        Nghe nói hai ông bà đều khuất hết, mà ông Bác Vật cũng không có anh em. Cô Cẩm Hương thấy vậy cô đứng làm mai giùm cho.

Bà Lung nói:

-        Nếu vậy thì con Bạch Yến khỏi làm dâu.

-        Không làm dâu. Nhưng có một điều nầy khó quá. Theo lời cô Cẩm Hương nói, thì ông Bác Vật giỏi tìm mỏ vàng mỏ bạc. Có một hội bên Tây tính mướn ổng đi tìm trên Lào Thượng mà tìm mỏ cho hội, chịu lương cho ổng mỗi tháng tới sáu trăm đồng. Ổng còn nói hể chừng nào tìm được mỏ rồi hội khai khẩn, nếu có lời thì phải cho ổng tiền huê hồng 2 phần trăm trong trong số mỗi năm. Ông còn đợi trả lời. Nếu hội chịu theo lời ổng xin, thì ổng sẽ đi lên Lèo.

-        Ði làm chi lên trển! Xa quá! Bà có một mình con Bạch Yến nếu gả như vầy rồi nó xa bà còn gì?

-        Tôi dục dặc là tại cái đó. Tôi có nói với cô Cẩm Hương, hễ tôi gả thì vợ chồng nó phải ở với tôi, chớ dắt nhau đi rồi tôi làm sao.

-        Bà có đủ cơm mà nuôi con rể, cần gì phải cho đi xa làm chi.

-        Cô Cẩm Hương nói ông Bác Vật dục dặc không muốn ở với tôi, bởi vì sáu trăm đồng bạc lương nhiều quá, lại còn tiền huê hồng nữa, nếu bỏ không chịu làm thì uổng.

Ông Phán nói:

-        Ông Bác Vật dục dặc phải lắm đa bà Huyện. Hể học thì phải hành. Từ nhỏ chí lớn ổng học cái nghề ấy, bây giờ tới lúc hành, bà thương ổng bà cản, bà không cho ổng hành thì uổng cái tài của ổng chớ. Bà biểu ổng ở nhà rồi làm việc gì? Xứ mình có mỏ đâu mà tìm.

-        Chớ tôi cho con Bạch Yến đi theo rồi tôi ở nhà với ai?

-        Hể xuất giá thì phải tùng phu chớ. Có con gái khi nào nó lớn mình gả nó rồi, thì nó làm sao tự ý nó, mình còn ngăn trở đường tương lai của nó sao phải.

Bà Ba Lung xen vô nói tiếp rằng:

-        Ông Huyện khuất rồi, mà bà kiếm chỗ đặng xứng đáng như vậy bà gả cháu, thiệt là có phước lắm. Tôi chắc nếu ông Huyện ở dưới suối vàng mà ông hay, thì ông cũng vui lòng nữa. Mà bà bà nói ông Bác Vật ổng còn dục dặc, vậy bữa nay bà mời bà con tới đây làm gì?

-        Không có đám gì hết. Hôm đi chơi trong chợ đêm, tôi với Bạch Yến có gặp ông Bác Vật rồi, ổng cũng đã thấy con nhỏ chán chường, nên không cần gì coi nữa. Nhưng mà hễ muốn tính việc hôn nhơn thì trước hết ổng phải tới nhà chơi cho biết. Cô Cẩm Hương định chiều nay dắt ổng lên chơi. Tôi hay vậy, tôi mới mời lên ăn cơm. Ấy vậy bữa nay là bữa ăn cơm nói chuyện chơi, chớ chưa có đám gì hết.

-        Bà có dọ ý cháu nó ưng hay không?

-        Nó ưng.

-        Nó ưng mà nó cũng chịu bỏ bà để theo chồng mà lên Lèo hay sao?

-        Nó ưng mà không chịu đi.

-        Ưng mà không chịu đi sao được.

-        Nó tính để nó nói với ông Bác Vật bỏ việc đi Lèo, mà nó chắc nó sẽ nói được.

Chủ khách nói chuyện tới đó, kế thấy có một chiếc xe hơi ngừng ngoài cửa.

Một người bồi chạy vô thưa với bà Huyện hay rằng cô Ðốc học đã lên tới. Khách thôi nói chuyện, bà Huyện thủng thẳng đi lại cửa giữa chực rước khách, còn Bạch Yến thì núp ló trong cửa buồng.

Cô bước lên thềm, cô mặc một bộ đồ hàng „bom bay“ trắng may thiệt khéo, tay cứ cầm cái bóp da vàng hoài. Tất Ðắc đi theo sau, cậu mặc một bộ đồ nỉ đen, bâu cứng, nơ đen, giày da láng, tóc thoa „brillantine“ láng nhuốt, tay có mang găng[9] trắng, mà tay mặt thì cầm một bó bông hường trắng còn bán khai, tay trái cầm một gói nhỏ bao giấy lụa đỏ.

Cô Cẩm Hương vừa thấy bà Huyện thì nói rằng: „ Em lên trễ, để cho bà đợi thiệt em lỗi nhiều quá. Cậu Bác Vật lại rước em hồi 4 giờ, ngặt em phải chờ cho tan học rồi em đi mới được, nên mới trễ đó“.

Bà Huyện cười mà đáp rằng: „ Hôm trước cô có nói gần sáu giờ cô lên mới tới. Bây giờ chưa sáu giờ thì có trễ chi đâu. Thôi mời vô nhà“.

Bà Huyện trở vô. Cẩm Hương với Tất Ðắc theo sau. Tất Ðắc bước vô thấy ông Phán Quí thì đứng ngay mình rồi cúi đầu chào theo lễ phép bên Pháp. Ông Phán đứng dậy đáp lễ, rồi Tất Ðắc mới bước lại gần bộ ván mà chào bà Phán và bà Ba Lung.

Cô Cẩm Hương mời Tất Ðắc ngồi xa lông với ông Phán rồi nói rằng: „Ủa, con Bạch Yến đâu rồi? Học trò của tôi nó bạc như vậy đó! Tôi lên mà nó không thèm ra chào hỏi chớ“.

Bạch Yến trong cửa buồng bước ra, mặt sáng như trăng rằm, miệng chúm chím cười như hoa nở. Cô chấp tay cúi đầu chào cô Cẩm Hương. Cẩm Hương gặc đầu nói rằng: „Ờ, tưởng đâu em trốn, em không dám ra. Mình là gái tân thời mà mắc cỡ nỗi gì. Thôi lại chào ông Bác Vật đi“.

Bạch Yến bước lại đứng trước mặt Tất Ðắc và cúi đầu mà nói rằng: „Em chào ông“.

Tất Ðắc đứng dậy ngó ngay Bạch Yến mà cúi đầu, rồi lấy gói bông hường và cái gói đỏ đưa cho Bạch Yến và cười nói rằng: „Tôi cũng cung kính mà chào cô. Ðến thăm cô, tôi chẳng biết lấy vật chi làm lễ tân kiến cho xứng đáng, nên tôi tạm dưng cho cô một bó bông huờng, với một ve dầu thơm, bông trắng tặng cái tiết của cô, dầu thơm tặng cái danh của cô, nếu cô nhận chút lễ mọn của tôi, thì tôi lấy làm vinh hạnh lắm“.

Bạch Yến đưa tay lấy bó bông và ve dầu, hai người nhìn nhau sắc mặt đều hân hoan, miệng đều cười chúm chím.

Bạch Yến đem bông và dầu vô buồng. Cô Cẩm Hương lại ván ngồi với mấy bà. Tất Ðắc ngồi lại ghế xa lông, song khiêm nhượng nên ngồi dưới ông Phán, chớ không dám ngồi ngang.

Ông Phán hỏi Tất Ðắc:

-        Ông Bác Vật ở bên Tây về hồi nào?

-        Thưa, cháu mới về hôm tháng giêng.

-        Ông qua bển học mấy năm mà được bằng Bác Vật đó?

-        Thưa cháu ở bên Tây gần 7 năm.

-        Giỏi chớ, học được như vậy thiệt là giỏi. Nghe nói có hội nào bên Tây tính cậy ông lên Lèo Thượng mà tìm mỏ vàng mỏ bạc phải hôn?

-        Thưa, phải.

-        Ông chắc tìm có mỏ hay không?

-        Chắc phải có. Cái vùng núi từ ranh Vân Nam chạy dài xuống một bên thì sông Cửu Long, còn một bên là dãy núi Trung Kỳ, chắc phải có mỏ nhiều. Xưa nay người ta chưa khai khẩn là vì không có ai đi tìm, hoặc có đi tìm mà người tìm không đủ tài đủ lực, nên tìm không ra.

-        Ði tìm thì đi trên mặt đất, làm sao biết chỗ nào có mỏ mà đào?

-        Thưa việc đó khó với người không học, chớ nếu học cho tinh rồi thì không khó gì. Ði tìm mỏ mình phải nhắm địa thế, rồi lấy đất cát phân chất ra mà coi. Hễ phân chất rồi mình biết chỗ đó có mỏ hay không, như có mỏ mà mỏ gì, có khi mình cũng biết được mỏ ở cách mặt đất bao nhiêu thước nữa.

-        Giỏi quá! Nếu tìm được mỏ vàng thì quý lắm.

-        Mỏ vàng thì ít có. Mà dầu có đi nữa, vàng thường hay lộn với nhiều loại khác. Mình phải lập hãng xây lò mà nấu, tốn vốn, tốn nhơn công nhiều mới lấy vàng được. Tuy vàng giá cao hơn mấy loại kim khác song mình bị tổn phí nhiều quá, nên còn lời không bao nhiêu. Tôi ước mong tìm cho được mỏ bạc, hay mỏ sắt, có lợi nhiều hơn.

Bồi bưng một mâm rượu khai vị để trên bàn, rồi cô Bạch Yến lại mời ông Phán và Tất Ðắc dùng. Ông Phán nói ông có bịnh nhức mỏi nên ông cữ rượu và ông mời Tất Ðắc dùng rượu một mình.

Bạch Yến nói:

-        Nếu bác Phán cữ rượu, thôi để cháu rót „limonade“ cho bác uống.

-        Thôi cháu, răng của bác lung lay hết, uống „limonade“ có nước đá đây nó nhức chịu không nổi. Ðể bác uống nước trà. Cháu rót rượu mà mời ông Bác Vật đi.

Bạch Yến hỏi Tất Ðắc:

-        Thưa ông muốn dùng thứ rượu nào?

-        Tôi ít ưa rượu. Nhưng thứ nào cô mời thì chắc tôi uống cũng ngon hết. Vậy cô muốn cho thứ rượu nào tuỳ ý cô lựa.

-        La ve được hôn?

-        Thứ rượu đó hạp với cảnh ngộ hôm nay lắm. Nếu cô bằng lòng như vậy thì cứ rót cho tôi một ly.

Bạch Yến lấy một chai „la ve“ biểu bồi khui rồi rót một ly mời Tất Ðắc.

Cô Cẩm Hương dòm thấy thì nói lớn rằng: „Cậu Bác Vật ngỗ quá! Thấy Bạch Yến rồi cậu đòi „la ve“ chớ“.

-        Thưa chị, sự đó em không cố tâm. Cô Hai mời em dùng rượu, em cậy cô lựa giùm, cô lựa „la ve“ cho em đó chớ.

Mấy bà đều cười. Bà Ba Lung ngó bà Huyện mà nói nho nhỏ rằng: „Ông Bác Vật vui vẻ quá. Cặp đó xứng đôi dữ!“ Bà Huyện gật đầu. Cô Cẩm Hương nói: “Tôi tưởng cô Bạch Yến nhát chớ, té ra nó cũng dạn dĩ mà“. Bà Phán nói: „Con gái đời nay thấy đờn ông con trai nó biết mắc cỡ như chị em mình hồi trước vậy đâu“.

Cẩm Hương bước qua ghế xa lông lấy một cái gối dựa mà coi rồi hỏi Bạch Yến:

-        Phải em thêu đây hay không?

-        Thưa phải, em thêu đó đa.

Cẩm Hương hỏi Tất Ðắc:

-        Cậu coi học trò tôi thêu có khéo tay hay không?

-        Khéo lắm! Nhưng mà coi đẹp con mắt có một chút, còn người ngồi thêu phải mệt trí nhọc xác hết sức.

-        Cậu còn nói cái điệu trong hội chợ đêm hôm trước đó nữa chớ. Hôm trước là đi chơi, còn bữa nay đi coi vợ đa. Cậu còn pha lửng nữa thì hụt vợ, chớ không phải chơi đâu.

Bà Huyện tức cười, bà thuật những lời Tất Ðắc đối đáp với Bạch Yến hôm nọ trong hội chợ đêm cho mấy bà nghe, thì mấy bà cười ngất. Cô Bạch Yến thấy bàn ăn đã dọn xong rồi, cô mới bước lại nói nhỏ với mẹ, xin mẹ mời khách nhập tiệc.

Bà Huyện đứng dậy mời khách.

Cô Cẩm Hương lại bàn ăn thấy dọn có sáu chỗ thì cô hỏi rằng:

-        Ủa, sao dọn có sáu chỗ? Bạch Yến, em không chịu ngồi hay sao!

Bạch Yến đáp:

-        Thưa, để em thong thả đặng em coi cho bầy trẻ bưng dọn mới được.

Cô Cẩm Hương:

-        Ê, không được. Em phải ngồi chớ. Ở đời nay mà em làm theo thói người xưa thì trái mùa quá. Ngồi ăn rồi sai bầy trẻ không được hay sao, cần gì phải ở ngoài mà coi.

Cô kêu bồi mà biểu lấy thêm một bộ chén đũa và nhắc thêm một cái ghế để đầu hàng phía trên rồi mời ông Phán ngồi tại đầu bàn. Một bên cô sắp bà Huyện, bà Ba Lung rồi cô Bạch Yến, còn bên kia cô mời bà Phán ngồi trên, rồi tới cô, Tất Ðắc ngồi sau hết, ngang mặt với Bạch Yến. Ông Phán và mấy bà đều ngồi theo ý cô Cẩm Hương sắp, Bạch Yến cũng phải vâng lời, chớ từ chối không được.

Chủ khách vừa mới cầm đũa, thì cô Cẩm Hương nói rằng:

-        Cậu Bác Vật có tánh hay mắc cỡ. Bạch Yến em gắp đồ ăn mà mời cậu ăn nghe hôn.

Bạch Yến ngó Tất Ðắc mà cười và đáp rằng:

-        Hôm trong hội chợ, ông Bác Vật có ăn bánh với em, tại gian hàng cô. Ông ăn bánh như thường, có mắc cỡ chi đâu.

-        Hôm đó khác, còn bữa nay khác.

-        Hôm đó mới gặp lần đầu, mà ông không mắc cỡ, bữa nay quen rồi, em chắc ông không mắc cỡ đâu.

-        Nếu cậu không mắc cỡ thì cậu lo lập nghiêm, cậu ăn cũng không được, nên em là chủ nhà, em phải ép cậu.

-        Em xin vâng lời cô.

Bạch Yến gắp một miếng chả giò bỏ vào chén Tất Ðắc. Cậu cúi đầu tạ ơn, và liếc mắt ngó cô rất hữu tình. Cẩm Hương kiếm chuyện mà nói với mấy bà không dứt, để cho hai trẻ thong thả đưa tình với cặp mắt, gây nghĩa với những món ăn. Ăn cơm rồi mấy bà cũng lại ván mà ngồi ăn tráng miệng và uống nước. Ông Phán với Tất Ðắc cũng ngồi tại xa lông. Ông Phán vừa bưng chén trà vừa hỏi Tất Ðắc:

-        Ông tính cưới vợ, thoảng như giấy bên Tây gởi qua, ông phải đi lên Lèo rồi làm sao?

-        Cái đó thiệt khó. Ví như hội chẳng trả lời, để cháu cưới vợ xong rồi giấy sẽ qua tới, thì tiện lắm. Còn như cháu nói mà chưa kịp cưới vợ, rủi giấy gởi qua gấp, thì rối cho cháu quá.

-        Ông định dắt vợ lên Lèo hay sao?

-        Việc đó cháu chưa dám quyết định. Nếu vợ cháu vui lòng đi với cháu thì tốt lắm. Còn như sợ cực không chịu đi, thì cháu để ở dưới nầy lâu lâu cháu về thăm.

-        Việc đó hồi nãy mấy bà có bàn luận với nhau. Tôi coi ý bà Huyện nếu bà gả con Bạch Yến thì bà bắt rể phải ở với bà, chớ bà không cho đi xa. Mà nghe nói con Bạch Yến nó không chịu đi.

-        Cháu đã gởi thơ hứa lỡ với hội rồi, bây giờ làm sao?

-        Có hại gì. Bây giờ mình nói mình mắc việc nhà nên đi không được thì thôi, hội có phép nào ép mình, chớ phải làm việc nhà nước hay sao mà sợ.

-        Ði lên đó ăn lương lớn quá, mà việc thành rồi cháu còn được chia lời nữa. Ðó là một cơ hội cho trai lập nhiệp, bỏ cơ hội ấy thì uổng lắm.

-        Ông nói phải. Ði làm như vậy mà bỏ thì uổng thiệt. Nhưng mà tôi nghĩ, con người giàu hay nghèo đều tại số mạng. Nếu ông có cái mạng làm giàu, dầu nằm chơi ở nhà, ông cũng giàu. Còn nếu mạng của ông phải nghèo, dầu ông có sẵn bạc muôn bạc triệu đi nữa, cũng không còn. Huống chi lên xứ Lèo là chỗ non cao rừng rậm, nước độc, thú dữ. Ði lên đó có phải dễ gì đâu. Theo tôi tưởng nếu ông cưới vợ, như cưới chỗ nào khác thì tôi không dám nói, chớ cưới con bà Huyện đây, ông ở không đi chơi, đừng thèm làm việc chi hết, ông cũng không đói.

-        Ông thương cháu, ông dạy như vậy, thiệt cháu cám ơn lắm. Ngặt vì phận nam nhi thì phải bay nhảy với đời, phải làm cho có công danh, phải tạo cho thành sự nghiệp, chớ không lẽ nằm không mà ăn cơm mỗi ngày hai bữa. Huống chi công cháu học đã dày, may gặp dùng tài học của cháu, mà phải bỏ đi, thì đáng tiếc lắm.

-        Ðã biết như vậy, song ở đời có nhiều cái trặc trẹo lắm. Nhiều khi mình tính việc nầy mà mình phải làm việc khác. Vậy chớ ông không thấy hay sao? Có người học về chánh trị mà lại ra buôn bán. Có người học về y khoa, mà lại đi làm ruộng làm vườn. Tôi tưởng ở đời thế nào cũng được, miễn khoẻ thân yên trí là hơn.

-        Ông là người lớn tuổi, lịch lãm việc đời, ông khuyên cháu như vậy, thiệt cháu đội ơn ông lắm. Vậy để cháu suy nghĩ lại.

-        Ừ, ông nên suy nghĩ lại. Tôi coi ý bà Huyện thương ông lắm. Ðó cũng là cơ hội.

-        Cám ơn ông.

-        Tôi trọng tuổi, mà lại có bịnh nhức vai, hễ ngồi lâu rồi đau rang cả cái lưng, ngủ không được. Vây để tôi kiếu đặng tôi về nằm nghỉ.

Ông Phán ngó qua bộ ván, thì tấy bốn bà đã gầy sòng tứ sắc đánh xu nhỏ một lện mà chơi với nhau, ông cười mà nói rằng: „Mấy bà hễ gặp nhau thì vậy hoài. Thôi tôi cáo lỗi xin cho tôi về sớm“.

Bà Phán nói: „Ông có mệt thì về trước đi, để tôi đánh bài chơi một chút“.

Ông Phán từ giã mấy bà rồi bắt tay Tất Ðắc mà nói rằng: „Tôi xin lỗi ông Bác Vật“.

Tất Ðắc cúi đầu đáp rằng: „Cháu không dám“.

Tất Ðắc đưa ông Phán ra cửa ngõ rồi cậu mới vô nhà.

Cô Cẩm Hương nói rằng: „Ông Phán về thì về, chớ cậu Bác Vật đừng có bắt chước mà về không được đa. Làm rể, chừng nào người ta cho phép mới được về. Mấy bà bây giờ mắc đánh bài vậy Bạch Yến phải lãnh cầm khách, nghe hôn“.

Cô Bạch Yến dạ, rồi ngó Tất Ðắc mà cười. Cô rót nước trà mời cậu uống, lấy thuốc mời cậu hút.

Hai người ngồi ngang nhau tại xa lông, cứ liếc ngó nhau rồi chúm chím cười, chớ không biết chuyện chi mà nói.

Cách một lát cô Cẩm Hương nói rằng: „Ủa, Bạch Yến em cầm khách, mà sao em ngồi lặng thinh vậy? Còn cậu Bác Vật bình thường ham nói lắm mà sao bữa nay lại quên sách, quên vở hết rồi“.

Tất Ðắc đáp rằng:

- Ngồi chơi cũng vui, cần gì phải nói. Vậy chớ chị quên câu: ”Nói là bạc, còn nín là vàng” hay sao?

Cô Cẩm Hương ngó bà Huyện mà cười và nói rằng:

-        Trong trí cậu cứ tưởng việc tìm mỏ vàng mỏ bạc hoài, nên hễ mở miệng ra là nói vàng bạc. Nè, cậu Bác Vật, tôi nói cho cậu biết, hễ cậu vô làm rể nhà nầy, thì bà Huyện không chịu cho cậu đi lên Thượng Lèo, Hạ Lèo gì đâu, cậu đừng có chộn rộn.

Bà Huyện nói:

-        Thiệt tôi không cho đi đâu hết. Vợ chồng nó phải ở nhà với tôi chớ.

Bà Ba Lung nói:

-        Ông Bác Vật vui vẻ, dễ thương quá.

Bà Huyện cười và nói:

-        Không biết tại trời khiến hay sao, mà hôm trong hội chợ tôi gặp có một lát thì tôi thương quá.

Bà Phán nói:

-        Rể như vậy mà không thương sao được.

Cô Cẩm Hương nói:

-        Còn mới, nên cậu lập nghiêm đó. Ðể quen rồi đây cậu nói chuyện lộn ruột lộn gan cho mà nghe. Bà Huyện có thấy rồi bữa hổm.

Bà Huyện nói:

-        Ừ, nói chuyện nghe dễ thương lắm.

-        Tất Ðắc lóng tai nghe mấy bà khen cậu, thì cậu làm bộ mắc cỡ, nên ngồi ngó ra ngoài sân, không nói chi hết.

Cô Cẩm Hương nói:

-        Bạch Yến em không biết nói chuyện, thôi em dắt cậu Bác Vật ra sân chỉ bông của em trồng đó cho cậu coi chơi, đi em.

Bạch Yến đứng dậy, Tất Ðắc cũng đứng theo, rồi người không mời, kẻ không nài, mà hai người đồng bước ra cửa. Khi xuống thềm Tất Ðắc hỏi Bạch Yến rằng:

-        Cô ưa trồng bông lắm sao?

-        Em có tánh ái hoa, nên thích trồng hoa lắm. Ông yêu hoa hay không?

-        Cô thích thứ gì thì tôi yêu thứ đó.

Bạch Yến dừng lại, ngó ngay Tất Ðắc mà cười và hỏi rằng:

-        Mấy điều ông mới nói thiệt, hay ông nói theo điệu lãng mạn như trong hội chợ?

-        Ðây là nhà cô, chớ phải là hội chợ hay sao mà nói lãng mạn.

-        Té ra ông đã phế cái chủ nghĩa „Bất cần lao“ rồi hay sao?

-        Tôi phế đó là tại cô! Cô có biết sắc cô đẹp, tướng cô đi, miệng cô cười, mắt cô liếc thầy tu đều ngã mặn, chí sĩ đều lạt lòng hết hay không?

Bạch Yến ngó Tất Ðắc trân trân. Ðèn điện ngoài đường giọi vô sân lờ mờ, nhưng mà hai người nhìn nhau đều thấy rõ ràng mỗi người trên mặt có cái vẻ cảm tình ngấm ngầm; vừa vui vừa buồn pha lộn. Bạch Yến nói:

-        Nghe những câu ông nói đó thì em hết dám chê ông dốt về khoa ái tình nữa rồi. Vậy mà hổm nay em trông ông lên nhà, đặng em xin ông giảng giải cho rõ cái chủ nghĩa „bất cần lao“ cho em hiểu chớ.

-        Tôi lấy làm tiếc là không làm cho cô vừa lòng được, bởi vì hổm nay tôi quên hết cái chủ nghĩa đó rồi, bây giờ tôi mắc lo thờ cái chủ nghĩa khác.

-        Chủ nghĩa có thể đổi dễ như vậy hay sao?

-        Chủ nghĩa khó đổi lắm. Nhưng vì nhan sắc của cô mạnh hơn chủ nghĩa nhiều quá, nên nó xoay chủ nghĩa như chơi.

-        Bây giờ ông thờ chủ nghĩa nào đâu, xin ông cho biết một chút?

-        Từ bữa gặp cô đến nay sao tôi lại mê mẩn cái chủ nghĩa „gia đình“.

-        Cha chả, chủ nghĩa mới nó trái hẵn với chủ nghĩa cũ, đa ông.

-        Thiệt trái hẵn, mà người của tôi bây giờ cũng khác hẵn, chớ không phải là người hôm nọ.

-        Tại sao vậy?

-        Tại cô có cái tinh thần mờ mờ mà mạnh mẽ lắm, nó lôi kéo tôi, rồi nó đổi người tôi, nó đổi luôn chủ nghĩa của tôi nữa chớ sao.

Bạch Yến cười. Cô đứng ngó ra ngoài đường rồi hỏi rằng:

-        Hồi chiều em thấy ông với cô Ðốc đi lên bằng xe hơi sao cái xe đâu mất rồi?

-        Hồi chiều tôi mướn xe „location“[10] tôi lên cho mau, vì tôi nóng nảy muốn gặp cô, nếu đi xe kéo thì chậm lắm. Tôi biết hễ lên đây rồi thì không thể về mau được, nên tôi trả tiền cho xe về trước, chớ để nó đậu chờ sáng đêm tốn tiền vô ích.

-        Thôi, em mời ông bước lại đây mà xem hoa em trồng.

Bạch Yến dắt Tất Ðắc thủng thẳng đi lại vườn hoa.

Hai người đi lại tới giàn hoa thì ngừng lại. Nhờ đèn trong nhà giọi sáng ngang qua cửa sổ nên vườn hoa vườn hoa chỗ sáng chỗ mờ. Tất Ðắc ngó giàn hoa, ngó mấy chậu bông sắp hàng, rồi ngó cái bàn đá. Cậu gục gặc đầu mà nói rằng:

-        Tôi thường nghe người ta nói động tiên đẹp lắm. Tôi chưa được thấy lần nào, nhưng mà tôi chắc có đẹp thì đẹp như vầy, chớ không thế nào mà hơn được. Ban đêm trăng tỏ, mình tắt hết đèn trong nhà đừng cho giọi ra đây, mình ngồi lại cái băng nầy, mình mời người yêu của mình ngồi một bên, trên trời bóng trăng giọi giàn nho rồi tỏa ánh sáng dưới giàn chỗ tỏ  chỗ mờ, mình ngó trăng, ngó bông, rồi ngó người yêu, mình sẽ thơ thới trong lòng như mấy ông tiên vậy. Thiệt tôi không ngờ hôm nay tôi được lạc bước đến chỗ nầy, mà tới đây rồi chẳng biết còn hy vọng được trở lại đây nữa hay không!

Bạch Yến đứng ngó Tất Ðắc trân trân, chừng cậu nói dứt lời rồi, cô cười mà nói rằng:

-        Sành sõi về khoa ái tình quá, mà nói mới học chớ.

-        Ái tình không phải học mà biết đâu cô. Trái lại tim của mình nó đập thế nào đó rồi nó làm cho mình sanh ái tình chớ.

-        Nhờ ông cắt nghĩa em mới hiểu, chớ thiệt thuở nay em không biết.

-        Thuở nay cô chưa cảm về ái tình lần nào hay sao?

-        Chưa.

-        May cho cô lắm.

-        Tại sao mà ông nói may?

-        Vướng tơ tình khổ lắm cô ơi! Tôi mới vướng có mấy bữa nay mà tôi chịu không nổi.

-        Em khuyên ông phải ráng mà chịu, bởi vì có cực nhiều thì công càng lớn.

-        Tôi tình nguyện chịu cực.

Bạch Yến cười rồi bước lại chậu bông, tay vuốt ve bông mà nói rằng:

-        Em dắt ông đi xem bông mà nãy giờ cứ kiếm chuyện bậy bạ hỏi ông hoài, không chỉ bông cho ông xem chớ. Mấy chậu hường em trồng đây bông không được lớn lắm, là vì thiếu phân. Ðất nầy khó kiếm phân quá, phần thì nắng nhiều nên hường trồng không thể nào bằng trên Ðà Lạt được. Còn mấy chậu cẩm nhung thì khá. Cẩm nhung em trồng đủ màu, mắc ban đêm ông thấy không rõ, chớ ban ngày coi đẹp lắm.

Tất Ðắc nói:

-        Bông cô trồng coi đẹp thiệt, nhưng mà nhờ cô chỉ nên mới đẹp đó.

-        Nữa kìa! Thiệt ông nói người ông bữa nay với người ông hôm trong hội chợ khác hẵn nhau, thì là phải lắm.

-        Mà cô coi người bữa nay với người bữa hổm người nào hay người nào dở.

-        Hai người riêng ra thì dở hết. Hay là nhờ hai người nhập một đó.

Cẩm Hương ở trong nhà nói om sòm rằng:

-        Hai người đó dắt nhau đi coi bông xứ nào đâu, mà biệt mất vậy kia. Thế họ đi lên Ðà Lạt sao chớ.

Bạch Yến chỉ vô nhà mà cười, rồi mời Tất Ðắt vô.

Cẩm Hương thấy hai người bước vô thì nói rằng:

-        À, vô kia kìa. Vậy mà tưởng đi mất rồi chớ. Cậu Bác Vật ở chơi chờ tôi về với nghe hôn. Ðừng có bỏ tôi mà về trước đa.

Tất Ðắc nói: « Em đâu dám”, rồi bước lại đứng coi đánh bài. Bạch yến biểu bồi nhắc ghế đem lại cho cậu ngồi rồi cô đi làm cà phê mà đãi khách. Ðến 11 giờ, bà Ba Lung nói buồn ngủ nên xên bài[11] . Khách sửa soạn về, thì cô Cẩm Hương nói với bà Huyện rằng:

-        Bữa nay sẵn có hai bà đây là hai bà con trong nhà, tôi xin thưa thiệt với bà Huyện; cậu Bác Vật mồ côi cha mẹ mà nay cậu đã học nên danh rồi. Cậu về xứ mấy tháng nay, thiệt cậu quyết lập công danh chớ cậu không tính cưới vợ. Tại trời xui khiến cậu gặp Bạch Yến cậu thấy tánh nết nó cậu mến, nên cậu cậy tôi thưa với bà Huyện, nếu bà không chê cậu thì cậu xin cưới nó. Bà Huyện có vui lòng gả hay không, xin nói giùm cho cậu biết đặng cậu lo bề bước tới.

Ai nấy đều nín khe, lóng tai nghe bà Huyện nhứt định. Bà Huyện ngồi lặng thinh một hồi rồi bà nói chậm rãi rằng:

-        Gả thì tôi gả, nhưng mà tôi nói trước, hễ tôi gả thì tôi bắt ở với tôi, chớ tôi không cho đi đâu hết.

Cô Cẩm Hương cười mà đáp rằng:

-        Tôi xin thay mặt cho cậu Bác Vật mà cám ơn bà Huyện. Miễn là tôi được biết bà Huyện chịu gả thì đủ rồi vì việc đó là việc cần hơn hết. Còn việc bắt ở với bà là việc sau, để chừng cưới rồi mình sẽ tính, không muộn gì. Bây giờ tôi xin bà Huyện một điều nữa: cậu Bác Vật côi cút, như bà có thương thì xin bà dung chế đừng buộc đủ tục lễ mà tội nghiệp cậu. Xin bà kể bữa nay như là đám hỏi đi. Mình coi ngày coi tháng chừng nào được, thì cho làm lễ cưới khỏi phải làm đám hỏi nữa.

Bà Phán nói rằng:

-        Ðời nầy có ai làm nhiều lễ. Hễ nói xong thì chọn ngày đi cưới một lần cho tiện.

Bà Huyện nói tiếp rằng:

-        Tôi dễ lắm, tính sao cũng được hết. Tôi buộc gắt điều là hễ cưới rồi thì phải về ở với tôi.

Cô Cẩm Hương đứng dậy nói:

-        Ðược, được mà. Việc đó xin bà để tôi tính.

Cẩm Hương với Tất Ðắc từ giã mọi người, rồi kêu xe kéo mà về.

Bà Phán với bà Ba Lung cũng về theo. Khi bước ra cửa bà Ba Lung nói với bà Huyện rằng:

-        Thôi, tính vậy cũng xong. Ông Bác Vật xứng đáng mà tính dễ thương quá. Còn kén chọn chi nữa.

Bà Huyện cười và nói rằng:

Tôi thương nó nên tôi mới chịu gả đó chớ.


[1] giống trầu có lá xanh ửng màu vàng

[2] cây kiểng có lá tròn, nhỏ bằng đầu ngón tay, trái chín vàng có vị ngọt

[3] một loại kiểng giống như bùm sụm nhưng có gai

[4] bình dùng cắm hoa, lọ hoa

[5] (salon), bộ  bàn ghế phòng khách

[6] loại bàn nhỏ, dùng làm nơi để khai trầu, lúc có tiệc tùng để rượu hay món ăn

[7] khăn trải bàn

[8] bịnh

[9] (gant), bao tay

[10] xe cho mướn, xe lô

[11] kết thúc sòng bài


| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | 01 02 03 04 05