Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15

dạng PDF

Ý và tình

(2) II

Đến chiều, mặt trời ló ra một chút rồi chen lặn lần lần vào một vùng mây đen kịt, giăng sừng sựng như một dãy núi cao bên hướng Tây.

Đi tới nhà Ông Từ Tệt, ở ngoài châu thành Bạc Liêu, dựa bên lề đường đi Cà Mau, xe của cậu Xuân mới quẹo vô sân rồi đậu ngay trước thềm. Cậu Xuân thủng thẳng mở cửa ra bước xuống, sốp-phơ rồ xăng, máy kêu ồ ồ, khói ra nghi ngút.

Ông Từ Tệt, đã gần 50 tuồi, đương ngồi trong nhà đọc truyện “Đông Châu liệt quốc”, bỗng nghe có tiếng xe hơi vô sân, thì ông lơn tơn bước ra cửa đứng ngó, mình mặc một cái quần lãnh đen mới tinh, với một cái áo lá lụa trắng, để trống hai cánh tay rất cứng cỏi mạnh mẽ.

Cậu Xuân vừa thấy chủ nhà thì vội vã cúi chào rất hiệp lễ, nhích miệng cười, đôi môi đỏ lòm như thoa son, hai hàm răng trắng trong và khít rịt.

Ông Từ Tệt mau mắn hỏi:

–        Cháu có việc gì hay sao mà đi tối như vầy?

–        Thưa, cháu đi Cà Mau nên ghé thăm chú thím với anh Triều.

–        Cháu đi thăm ruộng phải không?

–        Dạ. Thưa chú, không biết có anh Triều ở nhà hay không?

–        Không có. Nó đi chơi ngoài Đà Lạt.

–        Ủa? Ảnh tính lên Đà Lạt mà sao hôm lên đám ba cháu ảnh không nói cho cháu hay! Thưa, ảnh đi hồi nào?

–        Nó mới đi hôm qua. Lúc nầy bãi trường, có hai  thầy giáo muốn ra ngoài đó nghỉ chơi ít ngày, họ rủ nó, nên nó đi với họ. Nó nói nó đi chừng gần khai trường rồi nó sẽ về mà đi học.

–        Anh nầy thông thả quá! Còn gần một tháng nữa mới khai trường. Nếu vậy thì anh Triều sẽ ở lại Đà Lạt lâu lắm.

–        Phải. Nó nói nó ở vài mươi ngày. Cháu đi Cà Mau, mà bây giờ gần tối rồi, đi làm sao được?

–        Cháu thưa thiệt với chú, ở nhà cháu đi hồi 12 giờ trưa, tính chiều chắc xuống tới Cà Mau, không dè cái xe bất nhơn quá, máy thiếu lửa, nên từ Phú Lộc qua đây cứ giục giặc hoài, nên bây giờ cháu mới tới đây. Đường đi Cà Mau còn tới 60 cây số, mà trời đã tối rồi, nếu xe nằm đường thì cháu chắc sẽ nhịn đói, mà lại bị muỗi cắn nữa. Vậy cháu xin chú cho cháu nghỉ đây một đêm, cho sốp-phơ sửa máy cho tử tế rồi sáng mai cháu sẽ đi.

–        Được, được. Cháu vô nhà…Anh Hội đồng mới mất mà cháu đã biết đi thăm ruộng như vậy thì được lắm. Chú khen đa. Cháu phải nong nả[1], chớ đừng có bỏ phế như anh Hội đồng thì uổng lắm. Có đất mà không lo khai phá, thì làm sao thành điền cho có huê lợi được…Thôi, vô đây cháu, vô chơi một chút rồi thím cháu sẽ về ăn cơm.

–        Té ra cũng không có thím ở nhà?

–        Bả đi với con Quyên vô trong chợ, đi từ hồi 4 giờ, chắc cũng gần về.

Cậu Xuân vui vẻ day lại kêu sốp-phơ biểu kiếm chỗ để xe và dặn phải ráng sửa máy để sớm mai đi khỏi trục trặc nữa.

Ông Từ Tệt chỉ một cái nhà trống bên phía tay mặt mà biểu sốp-phơ đem xe vô đó, rồi ông mới dắt cậu Xuân vô nhà.

Ông Từ Tệt ở một toà nhà rộng lớn, nền đúc cao ráo, sau có nhà cặp, hai bên có hai lẫm lúa, coi rất đồ sộ. Tuy ông gốc con cháu khách, song ông cố lo làm giàu, chớ không chịu khoe khoang kiêu hãnh như mấy ông nhà giàu mới trong xứ, bởi vậy kiểu nhà ở ngoài trông không có vẻ mỹ thuật mà trong nhà bàn ghế cũng lôi thôi, không có vẻ thanh nhã.

Cậu Xuân vô nhà, vừa ngồi thì liền hỏi theo lệ thường của hạng người có giáo dục:

–        Thưa, chú thím ở dưới nầy mạnh giỏi?

–        Thím của cháu thì mạnh. Còn chú từ hôm đưa đám tang của anh Hội đồng về rồi hai cái vai nó nhức dữ quá, nhức gần 10 bữa ngồi không được, mới bớt vài bữa rày đây.

–        Chắc tại chú lên ở mấy bữa đó chú ngồi hoài nên mệt mỏi rồi nhức vai chớ gì?   

-         Có lẽ tại vậy đó. Một đời người có một lần chết mà thôi. Anh Hội đồng là anh em thuở nay yêu thương nhau, rủi ảnh từ trần, chú phải ở mà đưa ảnh lên đường cho bảo mãn, chớ lên thăm nhếu nháo[2] rồi bỏ về sao được. Vì mấy bữa đó khách khứa đông phải ngồi nói chuyện với người ta, nên có mỏi mệt chút đỉnh.

–        Chú trộng tuổi mà chú ráng ngồi luôn mấy bữa tự nhiên phải bịnh.

–        Không đến nỗi bịnh. Nhức mỏi hai vai chút ít vậy thôi. Anh Hội đồng mất rồi, bây giờ cháu còn có một mình, nhà cửa minh mông mới làm sao đây? Ai coi trong, ai lo ngoài? Chắc cháu phải thôi học và lo cưới vợ đặng có người giúp coi nhà cửa cho cháu, lo về ruộng  vườn mới được.

–        Thưa, cháu không thể thôi học được. Cháu cũng như anh Triều, thi Tú tài đã đậu một phần thứ nhứt rồi. Vậy phải ráng học thêm một năm nữa đặng thi phần thứ hai  cho xong rồi sẽ hay. Mà dầu thế nào thì cháu cũng không cưới vợ.

–        Sao vậy?

–        Cháu muốn thong thả đặng bay nhảy với đời. Có vợ con lòng thòng khó mà lo việc lớn cho được. Cháu chắc cái đời của cháu là đời cô lập, chẳng bao giờ cháu có vợ đâu.

–        Cháu nói kỳ cục quá! Người ở đời có ai mà không có vợ.

–        Thưa chú, có chớ. Cháu thấy có nhiều người họ ở một mình, không thèm cưới vợ, bởi vậy họ thong thả mà kinh dinh sự nghiệp được. Cháu muốn bắt chước làm theo những người ấy.

–        Cháu nói quấy. Không phải vậy đâu. Dầu ở đâu cũng vậy, ai cũng phải coi gia đình là một điều quan hệ, cần thiết hơn hết của con người. Phải có gia đình mới có Quốc gia. Nếu bỏ gia đình thì lấy chi mà duy trì chủng tộc. Mà nếu chủng tộc tiêu tuyệt thì còn chi mà lập thành Quốc gia. Ấy vậy dầu cháu học giỏi đến bực nào đi nữa, cháu cũng chẳng nên quên sự ấy. Cháu phải tôn trọng gia đình, cháu phải lo gầy dựng gia đình, rồi muốn làm việc chi sẽ làm. Muôn việc ở đời phải có gốc rồi mới có ngọn. Cháu muốn làm việc lớn mà cháu không lo bồi đắp cái gốc trước cho vững chắc, thì dầu làm việc gì cũng khó nên được.

Cậu Xuân không cãi mà lại chúm chím cười làm cho Ông Từ Tệt thấy rõ ý cậu không phục lời ông giảng dạy đó. Ông là một người nuôi chủ nghĩa thực tế, lại có tánh kiên nhẫn đầy đủ, bởi vậy ông không ngã lòng, cứ chậm rãi nói tiếp: ”Theo phận của cháu thì cháu cần phải lo lập gia đình hơn người khác. Anh Hội đồng sanh có một mình cháu. Cháu phải lo cưới vợ đặng có con mà phụng tự ông bà, nối nghiệp về sau chớ. Theo phong tục người mình, bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Cháu không nhớ câu đó hay sao? ”.

Cậu Xuân châu mày suy nghĩ một chút rồi đáp:

–        Bề nào thì cháu cũng phải lo học đặng lấy cái bằng cấp Tú tài phần thứ nhì rồi sẽ hay.

–        Cháu đi học nữa, rồi bỏ nhà cửa, ruộng vườn cho ai coi?

–        Cháu đã có cậy bà cô với ông dượng của cháu về ở coi nhà dùm cho cháu.

–        Cô ruột phải không?

–        Thưa, không. Cô bà con một họ, thuở nay ở gần một bên nhà cháu. Cháu hứa cho huê lợi trong vườn nên vợ chồng cô bằng lòng.

–        Nghe nói nhà cháu đó là nhà thờ phải hôn?

–        Thưa, phải.

–        Người ta nói mấy năm sau đây, anh Hội đồng có bán đất cũ của ảnh ở trên Bình Thủy. Vậy chớ bây giờ ảnh còn ruộng đất ở trển được bao nhiêu, cháu biết không?

–        Thưa, không còn chi hết. Ba cháu đã bán hết mà trả nợ, bây giờ còn một mẫu vườn là đất hương hoả chỗ nhà thờ đó với một ngàn mẫu đất mua của Nhà nước ở trong làng Tân Hưng, dưới Cà Mau mà thôi.

–        Sở đất dưới Tân Hưng thì chú biết, bởi vì chú cũng có một sở giáp ranh đó. Sở đất đó tốt lắm. Tại anh Hội đồng có bịnh, ảnh không xuống được để qui tụ tá điền mà khai phá, ảnh cho Hương thân Kiêm nó hoá[3], mỗi năm nó đóng cho ảnh vài ba ngàn giạ lúa, thiệt uổng hết sức.

–        Thưa chú, lúa ruộng của chú chắc là nhiều lắm?

–        Chút đỉnh, chú góp không  tới 50 ngàn giạ.

–        Trời ơi! Năm chục ngàn giạ mà chú nói là chút đỉnh.

–        Người ta góp tới một hai trăm ngàn giạ kia chớ.

–        Cháu cầu được như chú thì sung sướng lắm rồi, không cần nhiều hơn nữa.

–        Cháu muốn được số lúa gạo bằng của chú, thì cháu phải lo khai phá đất ở dưới Tân Hưng đó đi. Hễ cháu lo làm ăn thì tự nhiên cháu sẽ giàu, chắc chắn như vậy. Có đất sẵn, nếu biết cần mẫn, biết bền chí thì làm giàu dễ như chơi,

Cậu Xuân không muốn kéo dài câu chuyện ấy nữa, nên cậu trở mái mà hỏi:

-         Từ hồi bãi trường năm ngoái tới giờ, cháu không có xuống dưới nầy, nên không có gặp em Quyên, không biết năm nay em còn nhõng nhẽo hay không?

-         Vì má nó cưng nó quá, nên nó nhõng nhẽo lung lắm, làm sao mà hết được. Nó học trường con gái ở đây năm nay lên tới lớp nhứt rồi đó. Nó thấy con người ta đi học trên Sài Gòn, nó cứ đòi đi. Thím của cháu sợ nó đi xa rồi nhớ nó, nên không chịu cho nó đi. Nó làm giận làm hờn hổm nay.

-         Cho em lên Sài gòn học mau hơn chớ.

-         Chú cũng muốn như vậy, ngặt vì thím của cháu không chịu rời nó ra. Thôi, để nó học lớp nhứt dưới nầy cho có bằng Sơ học rồi sẽ hay.

-         Nước da của em còn đen không?

-         Nó là “Tiểu thơ mặt lọ” làm sao hết đen cho được.

-         Con gái mà đen quá, chừng em lớn làm sao mà gả lấy chồng.

-         Lo gì cháu! Nghèo kia mới sợ, chớ hễ có tiền thì nó bao phủ, rồi có thấy đen hay trắng gì đâu.

-         Chú nói đúng lắm. Đời nay thiên hạ họ coi tiền là hơn hết.

Ông Từ Tệt cười. Cậu Xuân cũng cười.

Trời đã tối. Gia dịch đốt đèn bưng ra. Sốp phơ xách va ly của cậu Xuân đem vô nhà cho cậu.

Bà Tệt với con gái là cô Quyên đi chợ về. Khi bước vô nhà thấy Xuân thì bà mừng rỡ, rồi bà day lại hỏi con:” Con có biết anh nào đó hay không?”

Cô Quyên nay đã 15 tuổi, nước da bánh ếch lại mặc đồ đen, nên coi gương mặt tối hù. Cô nghe mẹ hỏi thì cười và đáp: ”Anh Xuân là con bác Hội đồng trên Cần Thơ chớ ai.”    

Bà Tệt vui vẻ hỏi Xuân:

–        Cháu xuống hồi nào?

–        Thưa, cháu xuống hồi chiều.

–        Sao cháu không đi sớm mai? Cháu đi tối rồi bỏ nhà cửa ai coi cho cháu?

Ông Từ Tệt hớt mà đáp:

– Cháu nó nói có bà cô với ông dượng về coi nhà dùm. Nó đi Cà Mau, bị xe trục trặc lỡ tối nên ghé đây mà nghỉ rồi sớm mai sẽ đi. Má nó biểu bầy trẻ dọn cơm riết đi đặng cháu nó ăn với.

Bà Tệt nghe như vậy thì vội vã đi thẳng vô nhà sau.

Cô Quyên, tóc còn bỏ xoã sau lưng chớ chưa bới, cô ngó cậu Xuân mà cười rồi đi theo mẹ vô trong.

Cách chẳng bao lâu cô Quyên trở ra mời cha và cậu Xuân vô trong dùng cơm.

Bốn người ngồi chung quanh một cái bàn tròn, Quyên ngồi gần Xuân cứ ngó Xuân mà cười.

Bà Tệt hỏi Xuân:

–        Cháu đi Cà Mau thăm ruộng hay có việc chi?

Xuân dụ dự một chút rồi mới đáp:

–        Dạ thưa… cũng vì việc ruộng đất đó nên cháu mới đi.

–        Cháu muốn kiếm người khác mà cho hoá phải không? Bây giờ lỡ mùa rồi, muốn đổi người hoá thì phải chờ cho qua tháng giêng gặt rồi mới đổi được. Mà theo ý thím, thì cháu nên xuống đó cất nhà cất lẫm mà ở rồi qui tụ tá điền, bổn thân cháu khai phá thì tốt hơn. Họ hoá đất, họ lo kiếm cơm họ ăn, chớ họ có lo làm ruộng mình tốt đâu. Nếu cháu không cho Hương thân Kiêm hoá nữa, cháu đổi người khác thì cũng vậy. Đất của chú thím cũng mua một lượt với đất của anh Hội đồng. Nhờ chú thím ra công khai phá, nên bây giờ thành điền hết rồi. Thím mắc ở dưới gần một tháng, thím coi cấy xong, thím mới trở về ba bữa nay, chớ không thím đi theo cháu đặng thím chỉ cho cháu coi. Một ngàn mẫu của chú thím năm nay cấy giáp hết. Thím cho mướn tới hai giạ một công. Mấy chỗ tốt tới hai giạ rưỡi. Cháu ra công mà làm, trong ít năm nữa rồi đất của cháu cũng thành điền tốt như vậy.

–        Cháu không biết làm ruộng lại không có vốn, nên khó mà làm được.

–        Cháu không biết thì chú thím chỉ cho; còn như thiếu vốn thì chú thím giúp cho.

–        Cháu xin thưa thật với thím, không biết ngày sau như thế nào, chớ hiện giờ cháu không thích nghề làm ruộng chút nào hết, cháu muốn học cho có tài rồi làm những việc vĩ đại kìa.

–        Cháu không thích làm ruộng, là vì cháu chưa đặt chơn vào nghề ấy. Nghề làm ruộng vui lắm cháu. Lúc cấy rồi, lúa lên tươi tốt, sớm mai hoặc chiều mình ngó vô ruộng thì trong lòng khoẻ khoắn không biết chừng nào. Lúc lúa trổ đều rồi, hay là lúc lúa chín cũng vậy, nhà nông vui vẻ vô hồi. Lại ở ruộng, mình trồng cây trái chung quanh nhà, mình nuôi gà vịt, mình trồng cải rau, mình đào ao nuôi cá, mỗi ngày mình chăm sóc thú mình nuôi, mình vun phân tưới nước đồ mình trồng, vui biết bao nhiêu. Chốn điền viên có nhiều thú vui lắm cháu.

–        Cháu thưa thiệt, tâm hồn của cháu chưa biết thú vui ấy.

Ông Từ Tệt cười và nói:

–        Hồi chiều cháu nói cháu không thèm cưới vợ, nghĩa là cháu nói cháu không biết yêu thú gia đình. Bây giờ cháu lại nói cháu không thích thú điền viên. Thiệt chú không hiểu ý cháu muốn sự gì. Cháu không chịu làm ruộng, vậy chớ cháu xuống Cà Mau làm chi vậy?

Xuân lơ lửng một chút rồi thủng thẳng đáp:

–        Cháu xin tỏ thật với chú thím, có ông Cả Bình ở dưới Cà Mau lên hỏi cháu mà mua sở đất của ba cháu đó. Vì vậy cháu đi xuống đó đặng tính thử coi.

Ông Từ Tệt nghe mấy lới ấy thì ông chống đũa ngó Xuân trân trân và hỏi:

-         Cháu tính bán sở đất đó hay sao? 

-         Thưa, đất ở xa quá, lại nước mặn, phần thì cháu không thạo ruộng nương, bởi vậy cháu tính nếu họ mua phải giá thì bán cho rảnh.

-         Hứ! Anh Hội đồng mới mất mấy bữa rày, cháu làm giống gì mà gấp dữ vậy?

-         Cháu không biết làm ruộng, nếu để ruộng thì không có ích chi.

-         Ruộng mà cháu nói không có ích, thế thì còn thứ gì có ích nữa đâu! Anh Hội đồng mất, ảnh không có chút ít tiền bạc gì cho cháu hay sao, nên cháu phải bán đất mà xài?

-         Thưa, hôm ba cháu mất, cháu mở tủ sắt thì còn một ngàn bảy trăm đồng, tống táng ba cháu thì chỉ tốn có 900đ00, trong nhà còn dư lại được 800đ00.

-         Còn dư tiền sao lại lật đật bán đất? Người có chí cần kiệm, nếu hễ có vốn tám trăm đồng, thì họ làm rồi có thể gây dựng sự nghiệp lớn được. Hồi chú cưới vợ rồi ra ở riêng, chú chỉ có năm trăm đồng mà thôi, chớ nhiều nhỏi gì. Cháu bây giờ có tới tám trăm đồng, lại có một ngàn mẫu đất, có nhà cửa vườn tược sẵn sàng nữa. Cháu có đủ phương thế làm giàu, sao cháu không tính bồi đắp mà lại tính phá hoại?

Xuân thấy sắc ông Từ Tệt không vui, lại không kiếm được lời mà đáp với mấy câu hữu lý của ông, bởi vậy cậu không cãi nữa.

Ăm cơm rồi, bà Tệt biểu Xuân thay đồ mát và biểu người nhà trải chiếu giăng mùng sẵn tại bộ ván lớn để Xuân nghỉ.

Ông Từ Tệt ngồi tại bàn giữa mà ăn trầu, có cô Quyên cà rà ngồi một bên. Chừng ông thấy Xuân thay đồ mát rồi, ông mới kêu cậu lại ngồi ngay trước mà hỏi: “Hồi chiều cháu nói dầu thế nào cháu cũng đi học nữa, chớ cháu không chịu bỏ học để cưới vợ mà lo việc nhà. Nếu cháu đi học nữa, mà cháu bán đất rồi cháu lấy tiền bạc làm việc gì đâu, cháu nói chú nghe thử coi.”   

Xuân suy nghĩ một chút rồi đáp:

–        Cháu bán đất lấy bạc gởi hết vào ngân hàng, mỗi năm cháu rút số tiền lời mà ăn học. Chừng nào cháu học thành tài rồi, cháu sẽ dùng số bạc ấy để làm vốn mà làm ăn.

–        Vậy cháu giữ nguyên đất ấy, mỗi năm cháu lấy huê lợi mà ăn học không được sao?

–        Huê lợi ít quá, lại nếu để đất thì mỗi năm phải lo đóng thuế, phải lo cho mướn, phải lo thâu góp lúa ruộng, cực lòng mà lại tốn hao nữa.

–        Cháu cần dùng tiền mà ăn học mỗi năm chừng bao nhiêu?

–        Thưa, chừng vài ba ngàn.

–        Học gì mà lại tốn hao dữ vậy?

–        Cháu tính hễ lấy đủ hai bằng Tú tài rồi thì sẽ đi Tây mà học thêm nữa, học cho tới bực cao đẳng.

Ông Từ Tệt gãi đầu, châu mày rồi nhìn vợ nằm bên bộ ván ngang đó.

Bà Từ Tệt nói:

–        Cháu nói mỗi năm cháu cần dùng ba ngàn đồng bạc mà ăn học. Vậy thôi cháu đừng bán đất; cháu để thím mướn, mỗi năm thím trao cho cháu ba ngàn, thuế vụ thím đóng cho hết thảy.

Xuân ngồi lặng thinh suy nghĩ. Cô Quyên ngó cậu mà cười, song cậu cũng giữ một mực nghiêm nghị.

Ông Từ Tệt hỏi:

–        Anh Hội đồng mất, mà ảnh có để nợ nần gì hay không? Cháu nói thiệt cho chú biết.

–        Thưa, không. Ba cháu mắc nợ năm ngoái đã bán đất Bình Thuỷ mà trả dứt rồi, không còn thiếu ai đồng nào hết.

–        Nếu không có nợ sao lại lật đật bán đất? Nầy cháu, tuy anh Hội đồng với chú là anh em bạn, chớ không phải anh em ruột thịt, song thuở nay chú thương ảnh lung lắm. Vì thương nhau nên năm trước chú mới xúi ảnh đấu giá mua đất Cà Mau đó. Chú mua một ngàn mẫu, ảnh mua một ngàn mẫu, hai anh em tính hiệp lực mà khai phá. Vì bị họ giành mua nên mới mắc một chút.

–        Cháu có coi giấy tờ, mua sở đất đó tốn gần 30 ngàn.

–        Phải, tuy nói mắc, song theo giá bây giờ thì không mắc đâu. Tiếc vì mua mới có một năm kế ảnh có bịnh, rồi ảnh phải hút, nên không thể chịu cực xuống Cà Mau ở mà khai phá được. Nay ảnh theo ông, theo bà, cháu là con trai thôi đừng đi học nữa, cháu cưới vợ rồi xuống ở Cà Mau, lo qui tụ tá điền mà mở đất. Chú dám nói chắc, cháu khai kinh đắp đập, lên bờ, làm trong năm năm thì cháu sẽ trở nên một vị điền chủ lớn, có đôi ba chục ngàn huê lợi. Như cháu chịu làm thì chú sẽ bày bảo giùm cho, có cần dùng tiền mà đào kinh cất nhà, hoặc mua lúa mà nuôi tá điền, thì chú sẽ giúp cho. Chú thương cháu cũng như thằng Triều nên chú mới chỉ bảo như vậy; cháu phải nghe lời chú.

Xuân ngồi cạy móng tay mà suy nghĩ.

Cô Quyên mới lấy một cái vú cau mà liệng trúng cánh tay Xuân mà cười ra tiếng. Bà Tệt thấy vậy thì trách con: ”Đừng có vô phép như vậy con. Để anh con nói chuyện chớ.” 

Xuân lượm cái vú cau mà quăng lại cô Quyên rồi cười và đáp với ông Tệt:

–        Chú cứ xúi cháu cưới vợ hoài. Đời nầy bọn thanh niên như cháu đều muốn hưởng trọn quyền tự do của mình đặng hoạt động cho dễ. Cưới vợ rồi thì vợ con ràng buộc làm cho bước đường đời lúng túng, khó mà tính việc cao xa vĩ đại cho được.

–        Cháu không muốn cưới vợ thì thôi. Mà bề nào cháu cũng đừng bán sở đất đó, bán uổng lắm. Đất đến một ngàn mẫu, dễ gì kiếm hay sao cháu. Đó là cái cơ sở để giúp cháu làm giàu, lại làm giàu lớn nữa. Hột lúa quí lắm, cả bầu trời đâu đâu cũng cần dùng. Mình ở nhằm chỗ đất điền phì nhiêu, tự nhiên mình phải làm có lúa cho nhiều đặng mà lấy lợi. Nghề nông lợi lắm, lại thong thả nữa.

–        Cháu cũng biết nghề nông thì lợi lắm. Mà bây giờ cháu còn nhỏ nên cháu muốn đi học, chớ chưa muốn làm ruộng. Cháu phải học cho rộng trí thức tài nghề, đặng như có làm ruộng thì làm theo cách văn minh, dùng máy móc, làm cho có hột lúa nhiều, hột lúa nặng cân đặng bán cao giá.

–        Văn minh làm gì cháu. Cháu làm theo cách quê mùa thuở nay đó thì cũng có lúa được vậy.

–        Nghề gì cũng vậy, phải tấn hoá chớ.

Ông Từ Tệt có tánh ngủ sớm, nên ông không cãi nữa, đứng dậy đi uống nước, sửa soạn ngủ.

Cô Quyên liền hỏi Xuân:

–        Khai trường anh cũng lên Sài gòn mà học nữa như anh Hai tôi phải không?

–        Ừ, qua học nữa.

–        Tôi muốn lên trển tôi học quá, má tôi không chịu cho đi. Học dưới nầy cứ lù đù quá.

–        Phải, trường dưới nầy nhỏ tự nhiên bực học phải thấp. Như ý em muốn lên Sài Gòn thì em thưa thiệt cho má em nghe, chắc má em dầu thương nhớ em đến đâu đi nữa cũng không lẽ không cho em lên trển mà học.

–        Hay anh nói dùm với má tôi đi.

–        Em muốn thì em lên xin với thím, qua đâu dám nói.

Bà Tệt nghe hai trẻ nói chuyện, bà hỏi: “Con Quyên nó nói giống gì đó?”    

Xuân cười và đáp:

–        Em Quyên cậy cháu xin với thím cho em lên trường Sài Gòn em học.

–        Trời ơi! Đen thui mà đòi học trường Sài Gòn.

Cô Quyên cùn quằng nói:

-         Con đen mặc kệ con. Sao hồi đẻ con má không đẻ cho trắng, rồi bây giờ má trở lại má cười con.

Bà Tệt cười ngất và ngồi dậy mà đáp:

-         Ai biết làm sao mà đẻ cho trắng được. Ối! Má nói giễu chơi, chớ đen hay trắng cũng không cần, miễn là mình giỏi mà thôi. Khuya rồi, thôi đi ngủ con. Để cho anh con nghỉ sớm, vì ngày nay đi xa nó mệt.

Mẹ con bà Tệt dắt nhau đi vô buồng.

Xuân thấy dạng ông Tư Tệt còn thơ thẩn ngoài hàng ba, cậu sợ ông trở vô giảng luân lý nữa, nên cậu lật đật chun vô mùng mà nằm.



[1] hăm hở, quyết làm cho được

[2] lếu láo:qua loa

[3] cho mưón