Thường nghe người ta nói “vật hoán tinh di, tang điền thương hải”[1]: mấy lời ấy thiệt không sai.
Khúc đường từ chợ Thị Nghè sang chợ Bà Chiểu mới có mấy năm nay mà nó nổi danh xóm Hàng Sanh rộn rực tưng bừng. Quang cảnh đìu hiu ngày trước đã biến thành quang cảnh náo nhiệt không thua gì Phú Nhuận, Hòa Hưng, Vườn Lài hay Xóm Chiếu. Hai bên đường nhà phố cất liên tiếp giáp hết không còn chỗ trống mà chen vô ở được nữa. Tối ngày thiên hạ qua lại dập dìu, lại thêm đủ thứ xe tranh nhau chạy rần rần không ngớt.
Đến đây ai cũng nhớ cách lối ba mươi năm về trước những người giàu có với những khách tầm hoa, chiều chiều hay mướn xe cyclo đi hứng gió. Hễ đi vòng chợ Bà Chiểu mà qua khỏi chợ Thị Nghè, thì từ mũi tàu, là chỗ sở Trường Tiền dượt thi đặng phát giấy phép lái xe hơi, vòng qua tới Cầu Mới, là ranh Châu Thành Bà Chiểu, hai bên đường đều là ruộng rẫy sình lầy, quang cảnh vắng vẻ im lìm, giống như quang cảnh thôn quê đồng bái. Nếu ở Thị Nghè mà ngó thẳng xuồng cầu kinh Thanh Đa thì thấy mấy đám dừa nước xơ rơ, gió chiều thổi tàu lá xổng lên rồi oặt xuống như chào khách nhàn du, lại có mấy cây bần rạch đứng chần ngần theo mé xẻo[2], dưới gốc lác mọc bao chung quanh như lác trìu mến không nở bỏ bần, còn bần như tiếc nước ròng nên đứng ngóng trông nước mau lớn lại.
Xóm bây giờ người ta gọi là xóm Hàng Sanh đó thì ngày trước chỉ có vài ba cái chòi lá nhỏ, lại nằm cách xa nhau, có lẽ chủ cố ý giấu kín đời sống nghèo khổ của mình nên không chịu ở gần nhau, tránh cho khuất mắt dòm ngó của thiên hạ.
Cái chòi dựa bên đuờng; gần ngã ba quanh qua Bà Chiểu tuy có một căn lúm túm, song coi cao ráo sạch sẽ hơn mấy cái ngoài xa kia. Trước chòi có cái sân nhỏ trồng rau dừa[3] hai bên, trổ bông đủ bốn mùa, bông trắng chen với bông đỏ, coi có vẻ vui vui một chút. Bên hè có cây đu đủ ngọn lên cao gần ngang đầu song, cổ có tới vài chục trái, dưới lớn bằng cái chén ăn cơm, trên nhỏ như trái cau ăn trầu, chủ nhà bữa nào cũng thăm chừng, chồng trông mau chín mà ăn, vợ tính để dành mà bán.
Chòi nầy là chòi của anh Lê Văn Thái, cất với vợ là Nguyễn Thị Hòa hơn ba năm rồi, phía trong có lót cái chõng để vợ chồng ngủ, có bếp để nấu cơm ăn và có một cặp thúng một đôi gióng và một đôi quang gánh, để cho chị Hòa mỗi ngày đi kiếm mua thơm, mít, ổi, gánh ra chợ bán. Phía ngoài một bên có lót một bộ ván dầu[4] nhỏ để nằm chơi, còn một bên để bàn lóc nhóc, với hai cái ghế đẩu để có ai tới thì mời ngồi nói chuyện.
Cái chòi như vậy mà vợ chồng anh Thái hãnh diện, nói chuyện với ai anh cũng khoe “nhà của tôi“. Mà vợ chồng anh khoe cũng phải, chòi dầu lớn dầu nhỏ, dầu tốt dầu xấu, không phải cướp giựt của ai, cũng đủ cho vợ chồng ảnh đụt nắng đụt mưa mấy năm rồi, cũng là cái tổ êm ấm cho vợ chồng ảnh hẩm hút giữa thân yêu hòa thuận.
Anh Thái làm bên sở Ba Son. Vì anh không phải là thợ chuyên môn về nghề nào hết, nên không lãnh tiền công theo thầy hay thợ đuợc. Anh biết chữ Việt rành. Anh viết chữ tốt, lại biết nói tiếng Pháp cột quẹt. Người ta mới giao cho anh phát thẻ cho thợ thuyền, kiểm điểm số công nhân đi làm mỗi buổi đặng biên rồi giao cho xếp rồi xớ rớ coi dọn dẹp nhà giấy vậy thôi. Công việc của anh làm thì nhẹ nhàng, khoẻ khoắn, nhưng tại như vậy người ta cho anh lãnh tiền công có 9 cắc một ngày mà chúa nhựt nghỉ thì không được ăn tiền. Anh cực có một việc là mỗi buổi anh phải có mặt trước giờ sở mở cửa và mãn giờ anh phải chờ thợ thuyền ra hết rồi anh sẽ về sau. May anh là người biết lo, lại anh nhờ có chiếc xe máy cũ cỡi đi làm, bởi vậy không bao giờ anh đi trễ.
Còn chị Hòa là vợ anh thì chị bãi buôi nhậm lẹ, chị giỏi nghề mua bán, tay bằng miệng miệng bằng tay. Hễ xế chồng đi làm rồi thì chị khóa cửa quảy thúng đi mua trái cây gánh về để sáng đem ra chợ Thị Nghè ngồi bán, kiếm lời mỗi bữa 5-7 cắc hoặc 1 đồng phụ với chồng mà sống cho no ấm.
Vợ chồng đồng tâm hiệp ý sống với nhau trót ba năm trong cảnh đời tuy không phải trưởng giả song luôn no ấm an vui. Thời may chị Hòa có thai, vợ chồng đều mừng, mừng vì có dấu tích về tình yêu của vợ chồng khắng khít. Tuy nhiên mà rồi lại phải lo, lo dành cho có sẵn một số tiền để cho vợ ăn đẻ. Chị Hòa lại lo hễ có con thì chị mắc nuôi con, làm sao đi mua bán mà kiếm tiền thêm.
Thái lo tiện tặn đến nỗi khuya ăn cơm nguội hoặc mua xôi hay bắp ăn đi làm, chớ không dám ngồi quán ăn hủ tiếu uống cà phê như trước nữa. Chiều cũng vậy, hễ làm việc mãn giờ thì tuốt về nhà ăn cơm, chớ không dám ta bà ăn nhậu với chúng bạn.
Đến chừng chuyển bụng, may có anh Thái ở nhà anh đưa vợ vào nhà bảo sanh Thị Nghè mà nằm. Chị sanh một đứa con gái mạnh mẽ. Mới được một đứa con đầu lòng, dầu gái hay trai không cần, vợ chồng đều mừng rỡ, đặt cho con tên Đào, là tên một trái quí.
Nhờ vợ chồng lo trước, nên chị Hòa đi sanh trong túi có sẵn 40 đồng bạc, khỏi bối rối chi hết, nhà nghèo nếu sanh mạnh giỏi thì nằm ba bốn bữa rồi thường người ta bồng con về. Tuy Hòa khoẻ khoắn, ăn cơm biết ngon, đủ sữa cho em bú, Thái muốn vợ nằm lâu cho có người săn sóc lại cô mụ cũng nài ép nằm cho đủ tám bữa, em rụng rún rồi sẽ về lại càng tốt hơn, bởi vậy Hòa ráng nằm cho đủ 6 bữa đi đứng cứng cát rồi chị cứ đòi về nhà nằm cho thong thả và lo cơm nước cho chồng. Thái phải chiều theo ý vợ mà thiệt anh cũng muốn vợ con về nhà đặng sum hiệp cho vui. Anh mới đóng tiền nhà thương và đền ơn cô mụ rồi kêu xe kéo rước vợ con về, trong túi còn được 9, 10 đồng bạc lại còn 6 bữa nữa tới kỳ lãnh tiền nên không lo gì lắm.
Trót một tuần đầu vợ chồng vui vẻ cực điểm. Thái đi làm về hễ thấy con thức thì giành với vợ đặng bồng mà nựng nịu; còn nếu con ngủ thì đứng chống tay mà nhìn, thấy vợ còn non ngày anh không cho làm việc chi hết, mỗi bữa đi làm về anh ghé chợ mua thịt cá hoặc khô mắm đem về rồi phụ kho nấu đặng vợ chồng ăn với nhau. Mắc mừng vui với đứa con nằm ngoa ngoe, ngủ thì mụ bà dạy cười, thức thì huơi tay chòi cẳng, vợ chồng say sưa hạnh phúc, quên hết cảnh hẩm hiu, bần hàn.
Vui được chừng mươi bữa, rồi không hiểu tại sao mà chị Hoà ăn cơm không biết ngon, lại còn thêm chứng nóng lạnh. Thái mua thuốc hoàn thuốc tán cho vợ uống mấy bữa không thấy công hiệu chút nào. Anh biểu vợ phải bồng em ra tiệm thuốc cho thầy coi mạch đặng hốt thuốc thang mà uống. Chị Hòa nói sợ tốn tiền nên nói đau sơ sịa ít bữa rồi mạnh, cần gì phải uống thuốc.
Đã không có thuốc bổ để tiếp dưỡng sức khoẻ lại thêm nóng lạnh, miệng đắng nên mỗi bữa ráng lắm mới ăn được một chén cơm mà thôi, tự nhiên chị Hòa phải ốm, nước da phải mét. Mà đàn bà cho con bú hễ thiếu sức khoẻ thì sữa phải giảm. Sữa của Hòa lại giảm nhiều. Con nhỏ sanh tuy mới 20 ngày, nhưng không có đủ sữa cho nó bú nên ban đêm nó thức khóc hoài, làm cho Hòa phải bồng nó ngồi mà dỗ. Thái thấy vợ bịnh mà nghỉ không được nên mặc dầu không có tiền nhiều, đến chúa nhựt anh ép vợ bồng con đi với anh ra tiệm thuốc đặng thầy coi mạch hốt thuốc thang cho vợ uống.
Uống liên tiếp ba bốn thang mà bịnh vẫn còn bịnh. Anh Thái đem toa ra than phiền với ông thầy thuốc. Ông đổi toa mới và uống luôn ba thang nữa, bịnh cũng trơ trơ, trưa cũng en en lạnh trùm mền rồi nóng ăn cơm không biết ngon, không đủ sữa con bú.
Mỗi buổi đi làm về, Thái thấy vợ đau rề rề con khóc nhề nhệ, anh châu mày nhăn mặt, đi vo gạo nấu cơm, mà bận lòng rối trí muốn điên. Trong túi còn có mấy đồng bạc, nhưng ăn cơm rồi anh tuốt ra chợ mua một hộp sữa bò, một cái ve với cái núm vú rồi đem về khuấy sữa đổ vô ve cho con bú. Con nhỏ khát sữa nên nó chầm bú no bụng rồi nằm êm mà ngủ.
Thái khuấy luôn một chén nữa rồi bưng ra ép vợ uống, anh ta nói ăn cơm không được thì uống sữa nó bổ cũng như cơm.
Chị Hòa ngồi uống hết một chén sữa nóng rồi chỉ đổ mồ hôi mà thấy trong người có hơi khỏe nhiều. Thái nắm tay rờ trán vợ, thấy bớt nóng. Anh biểu nằm xuống mà nghỉ và dặn ở nhà nếu con có khóc thì khuấy sữa cho nó bú còn vợ có đói thì cũng cứ uống sữa, hết hộp đó thì mua hộp khác.
Chị Hòa thở dài mà nói:
- Cần có tiền mua sữa cho em bú. Bày cho uống với nó nữa, tốn hao chịu sao nổi.
- Ủa! Tốn thì tốn chớ em đau nên đắng miệng ăn cơm không được. Hôm nay em ốm nhiều quá, tại ốm nên mới thiếu sữa cho con nhỏ bú. Vậy em phải uống sữa bò đặng bổ sức lại chớ. Em phải mạnh đặng nuôi con, qua mới yên lòng mà đi làm. Qua thấy rõ rồi. Bịnh của em không nên để lây lất. Hơn mười bữa rồi cứ uống thuốc tán thuốc thang, đã tốn bạc chục mà không thấy hiệu quả gì hết. Em phải đi Đốc Tơ coi mạch rồi tiêm thuốc em mới mạnh được.
- Trời phật ơi! Tiền bạc đâu mà đi Đốc Tơ? Lớp tiền coi mạch, lớp tiền mua thuốc, tốn bạc trăm chớ phải ít hay sao. Mình nghèo thì mình chịu, hễ xin coi mạch thì phải đóng tiền, mua thuốc thì phải trả theo giá. Phận mình không tiền thì có đau thì uống đỡ thuốc
Nam
thuốc Bắc cũng mạnh được, đòi làm chi.
- Qua sẽ kiếm tiền.
- Tiền ai bỏ mà kiếm? Xin anh đừng có vay hỏi tiền của người ta. Em sợ mắc nợ lắm, vay rồi làm sao mà trả? Lại còn phải trả tiền lời nữa mới khổ. Hổm nay em lo quá. Bây giờ em có con nhỏ, em có đi mua bán gì nữa được mà phụ giúp với anh đặng sống thong thả ấm no như hồi trước nữa.
- Có con qua vui lắm. Sao em nói như ăn năn vậy?
- Không. Sanh được chút con, em cũng mừng lắm chớ. Ngặt mắc bận với con, em không chia sớt gánh nặng với anh được nữa. Em lo là lo một mình anh cực khổ nên em buồn đó thôi.
- Đàn ông hễ có vợ con thì phải lo nuôi vợ con ấm no. Dầu có cực bên nầy, thì có vui bên kia mà bù trừ, qua có sợ đâu. Em đừng buồn, đừng lo, ráng tiếp dưỡng cho mau mạnh đặng nuôi con. Qua sẽ lo hết cho. Thế nào qua cũng phải lo kiếm tiền cho em đi Đốc Tơ mới được.
- Thôi, anh. Em không muốn vay mượn của ai hết.
- Qua không vay tiền đâu mà sợ.
- Không vay thì làm sao có tiền. Anh tính ăn trộm, ăn cắp của người ta hay sao? Em xin anh đừng có sanh tâm làm quấy như vậy.
- Không mà. Vợ chồng ăn ở với nhau gần ba năm rồi, em chưa biết tánh ý của qua hay sao nên em nói vậy? Dầu không có tiền ăn cơm thì qua nằm đó mà chịu chết đói chớ không bao giờ mà qua chịu làm việc gian giảo đâu em.
- Không vay mượn, mà cũng không trộm cắp thì làm sao cho có tiền?
- Qua sẽ bán chiếc xe máy.
- Ý! Bán rồi xe đâu anh đi làm? Phải để làm chưn mà đi chớ.
- Không có xe thì đi bộ. Đây qua Ba Son có xa xắc gì. Trong sở ví như mười người thì có một người cỡi xe máy, còn 9 người đi bộ. Họ đi bộ được thì qua cũng đi được như họ vậy chớ. Bất quá phải đi sớm một chút, rồi mãn giờ thì về trễ một chút, có hại gì đâu mà lo. Xe qua bán giá mạt lắm cũng bốn năm chục, đủ tiền cho em đi Đốc Tơ tiêm thuốc và mua sữa để dành cho em nhỏ bú.
Chị Hòa lồm cồm ngồi dậy, chị nhìn đứa con nhỏ nằm ngủ với nét mặt vô tư vô lự, vô tội vô tình, chị kéo mí mền mà đắp hai chưn con và ứa nước mắt mà than: ”Sanh được một chút con, vui mừng chưa hết, rồi làm phát đau ốm, làm cho anh phải buồn rầu, lo lắng hết sức hổm nay. Mới may đó rồi lại rủi liền theo đó. Số mạng gì mà khổ như vậy không biết… Con ra đời cha mẹ vui mừng. Con phải ăn chơi cho cha mẹ an lòng khoẻ trí mà lo nuôi con, chớ sao con lại chứng kiến cho cha con một mình phải lo tảo lo tần như vậy hử?”.
Chị nói đến đó thì hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, chị phải lấy vạt áo mà lau.
Nghe lời than, anh Thái xúc động, khó chịu nên anh bước ra sân đứng ngó mông lung mà giải khuây. Người buồn cảnh có vui bao giờ, bởi vậy anh thấy một người đàn bà gánh một gánh nặng đương xung xăng đi trên lộ qua Bà Chiểu thì anh càng buồn thêm. Anh ngó mấy đám ruộng cỏ xanh xanh trước mặt, ngó qua giăng cây dài theo rạch Thị Nghè vô Đất Hộ, rồi anh vụt trở vô buồng lấy áo mà bận. Cách một lát anh mạnh dạn bước ra, cúi xuống nhẹ nhẹ hun tay em nhỏ rồi nói với vợ: ” Chiều nay chắc qua về trễ như em có khoẻ thì vo gạo nấu cơm giùm rồi tối qua về qua mua trứng vịt đem về ăn. Như qua có về trễ, em đói bụng, thì nấu nước sôi khuấy sữa mà uống nghe không ”.
Thái nói dứt lời liền lấy nón mà đội và đẩy xe máy ra đi.
Hòa ngó theo chồng, rồi ngó xuống con nằm trước mặt, thì rơi giọt lụy.
[1] vật đổi sao dời, biển xanh biến thành ruộng dâu: ý nói sự thay đổi to lớn
[2] hói, chỗ lõm trên bờ sông rạch
[3] loại rau mọc trầm thủy, thân có bọc một lớp trắng rất nhẹ để giữ cho rau khỏi chìm trong nước