HÒA HIỆP
7.1 (19)
Cô Lý học bào chế đủ năm rồi nên cô thi đậu bằng Dược sư.
Hai nhà đều vui mừng như nhau. Bà Ngọc giành mở tiệc tại nhà bà đặng hai nhà chung nhau mà mừng cho con, bà nói cô Đào học Y Khoa nên lâu hơn, nhưng chừng Đào thi đậu Bác sĩ bà cũng xin đãi Đào nữa, có lẽ chừng đó Khánh đã về cuộc vui càng rình rang hơn.
Bà Hòa nói: ”Lý thi đậu cô giành đãi trước thì chừng cậu Trung úy về cô phải nhượng cho bên tôi đãi cậu trước mới chịu“. Bà Ngọc bằng lòng như vậy mới định chiều thứ bảy ăn tiệc và bà vô tiệm mời ông Thái với ông Giáo Hiệp bữa đó ra sớm đặng chung vui với nhau.
Chiều thứ bảy mới 5 giờ ông Thái đã về tới nhà, có ông Giáo Hiệp đi theo ông, Đào với Tòng còn đi học chưa về, Lý đã thôi học nhưng có theo bà Hòa qua nhà bà Ngọc mà chỉ cho bồi dọn tiệc, nên hai mẹ con đều không có ở nhà. Ông Thái liền dắt ông Giáo đi luôn qua nhà bà Ngọc đặng gặp vợ con.
Chủ khách nói chuyện vui cười một hồi, thì có nhơn viên sở Bưu Chánh vô phát thơ. Ông Thái đương đứng tại cửa, ông bước ra lấy thơ. Ông xem hai bề, cầm vô trao cho bà Ngọc.
Bà Ngọc vui mừng cực điểm, bà cười nói không ngớt, mừng con trai đã lên chức quan ba, lại sắp được về gần bà. Còn một việc khác bà cũng mừng nữa, nhưng bà không nói ra được; mà vợ chồng ông Thái biết nên cứ ngó nhau múm mím cười hoài, biết bà mừng con gái bà mới thi đậu bằng Dược Sư; có vài bữa mà bà được 2 sự vui mừng vào nhà bà hân hoan hanh hỉ là phải lắm.
Chủ khách đương vui cười thì cô Đào với cậu Tòng xăng xớm bước vô. Cô Đào có cầm một phong thơ trong tay, vừa thấy bà Ngọc thì cô nói: “Cậu Khánh được lên chức Đại Úy rồi, má Hai à! Con đi học về con gặp thơ của cậu cho hay đây”.
Cô Lý cười nói: “Hay rồi! bên nầy má Hai cũng có được thơ vậy “.
Cô Đào bớt vui, nên cô đi vô trong mà rửa mặt rửa tay. Cô Lý đi theo biểu Đào đưa thơ của Khánh cho cô đọc rồi cô nói: ”Thơ gởi cho chị em mình Khánh không có nói, chớ thơ của má Hai Khánh có gạnh thêm, trong ít tháng nữa Khánh được trở về Sài Gòn, bởi vậy nãy giờ má Hai mừng dữ quá“.
Đào nói: ”Vậy hả? Cha chả, Khánh về đây chắc má Hai làm tiệc lớn “.
Lý nói: “Cha với má có giao, tôi thi đậu má Hai giành đãi trước thì chừng Khánh về phải để bên mình đãi trước mà “.
Đào nói: “À! Phải. Tôi quên. Để ông thẹo về coi mặt ổng ra sao“.
Hai chị em trở ra phòng khách mà ngồi rồi kêu bồi biểu cho nước cam uống.
Cô Đào mới nói: “Hồi trưa con đi học. Con thấy nhà của người Pháp ở kế bên nhà má Hai có treo bản rao bán.
Bà Ngọc liền hỏi:
- Nhà trệt của hai vợ chồng người Pháp ở khít ranh bên nầy đây bán hay sao?
- Thưa, bán. Hồi nãy về con có ngừng xe con coi bảng. Rao bán nhà luôn đất và đồ đạc trong nhà hết thảy. Ai muốn coi đồ thì mỗi ngày từ 5 giờ tới 6 giờ chiều còn chúa nhựt từ 8 giờ sớm mơi tới 12 giờ trưa.
- Nhà nhỏ cất theo kiểu xưa nhưng còn chắc, đất không được rộng như đất bên nầy. Nhưng nếu bán rẻ thì tôi mua.
Ông Thái hỏi: “Cô có một người con trai, mà đã có sẵn nhà nầy rồi còn mua thêm làm chi nữa?“.
Bà Ngọc nói: ” Ế ẩm gì mà lo anh Hai. Mua cho luôn một vạt ba cái nhà của bà con mình hết, không có người ngoài chen vô “.
Bà Hòa cười mà hỏi: “Tôi hiểu ý cô rồi. Cô muốn tam hiệp nhứt phải hôn?”.
Bà Ngọc cũng cười mà đáp: “Biết chừng đâu. Nếu được vậy thì càng tốt chớ có hại gì. Nếu bán rẻ thì tôi mua để đó. Sau người quen của mình ai có muốn thì tôi bán lại có lời. Như con Lý nó muốn mở tiệm bán thuốc và bào chế thì tôi cho nó mượn. Chỗ nầy mở tiệm thuốc được lắm. Vùng nầy bây giờ dân cư đông đảo quá. Lập tiệm thuốc mình chận khách hàng các xóm Bàn Cờ, Vườn Chuối, Xóm Lách và chung quanh đây họ khỏi đi xuống Sài gòn. Họ mở tiệm thuốc tới trên Hòa Hưng, tới bên Khánh Hội cũng còn được thay huống hồ là ở đây. Mà qua sang năm Đào sẽ thi lấy bằng Y Khoa nữa. Đào dùng nhà đó hoặc cất thêm nữa để mở phòng coi mạch và làm bịnh viện cũng được. Thiếu gì việc dùng mà lo“.
Ông Giáo Hiệp nói: “Nước mình sắp được tự do, độc lập. Người Pháp họ lo tom góp tài sản đặng trở về xứ, họ kiếm người mà bán đất dữ quá. Nếu có tiền dư thì nên mua. Có lỗ lã gì đâu mà sợ “.
Bà Ngọc rủ bà Hòa sáng bữa sau nhằm chúa nhựt hai chị em qua xem đồ đạc và hỏi thăm giá cả. Đào với Lý theo thông ngôn, bà Hòa chịu đi.
Bà Ngọc đau khổ về đứa con gái mới lọt lòng bà phải chở đi bỏ dựa bên đường, đau khổ trót hai mươi năm trường, tưởng ngày chết bà cũng còn mang theo một bầu hối hận xuống chín suối, không dè ngày nay mẹ con được trùng phùng, được vui sống giữa thân yêu, lại được mừng thấy đứa con đó có bằng Dược Sư chớ không phải lang thang vất vả, bởi vậy bà đãi một tiệc hẳn hòi, cho ăn thực phẩm quý đủ ba nước Việt-Pháp-Hoa. Mới vô mỗi người ăn một chén yến Nha Trang cho bổ rồi mới tới cá Vượt Phước Hải nhúng giấm, măng hộp nấu cua Gò Công, vịt ta tiềm có nấm Đông Cô, có bột ngọt Nhựt Bổn, công Bình Thuận đút lò, sau chót còn cho ăn đồ Việt nấu theo điệu gọi là “đổ bát” nữa, bởi vậy ê hề ăn không hết. Rượu thì có rượu chát đỏ thượng hạng, rượu sâm banh, rượu ngũ gia bì để cho ông Thái với ông Giáo muốn dùng thứ nào tùy thích, để nước suối, nước cam với la ve cho hai bà với mấy cậu, có tráng miệng thì có đủ thứ trái cây theo mùa, còn có cà rem, bánh ngọt.
Đồ ăn ngon miệng, nói những chuyện vui, tình thành thiệt thân yêu tràn ngập khắp trong nhà, tiệc long trọng kéo dài đến 11 giờ khuya mới mãn.
Sáng bữa sau, gần 8 giờ rưỡi, bà Ngọc qua rủ bà Hòa đi coi nhà đặng bà mua. Đào với Lý liền thay đồ đi với hai mẹ.
Vợ chồng người Pháp, tuổi trên năm mươi, tiếp rước niềm nở. Bà Ngọc biểu Lý hỏi coi hai ông bà thuở nay ở đây yên ổn, tại sao lại bán nhà mà đi đâu. Bà đầm nói vợ chồng bà qua ở Sài gòn 25 năm rồi, vợ chồng đều yêu mến xứ nầy là quê hương thứ nhì. Chồng bà là công chức, nay được giấy cho hồi hưu. Nghĩ vì vợ chồng không có con, mà lại lớn tuổi rồi, ở đây mà không có việc làm chi thì chắc buồn nên mới tính bán hết nhà cửa đồ đạc lấy tiền trở về quê quán kiếm mua một cái nhà nhỏ, có một khoảnh đất, để trồng trọt đặng vui với cảnh an nhàn rồi chừng chết được mồ mả nằm trong cố thổ.
Lý với Đào đương hăng hái bước vào cảnh đời rộn rực mà nghe người lớn tuổi sửa soạn thoát ra khỏi cảnh ấy, lại nói với giọng chán nản không vui, bởi vậy hai cô xúc động hết sức. Đào thuật lại những lời ấy cho hai mẹ nghe. Bà Ngọc xin phép đi xem đồ đạc.
Xem nhà cất theo kiểu biệt thự hồi 20 năm về trước, ngoài cửa chừa một hành lang cho khỏi nắng dọi mưa tạt vào nhà. Trong cửa thì chính giữa là phòng tiếp khách, một bên là phòng đọc sách có bàn viết có tủ sách, còn một bên có ghế xích đu có đi-văn, có máy may, có ra-dô.
Phía trong chính giữa chừa một hành lang làm phòng ăn, một bên là phòng ngủ, còn một bên là phòng tắm, rửa mặt và thay đồ. Nhà có đủ chỗ và đủ tiện ghi cho một cặp vợ chồng sống thảnh thơi. Bàn ghế tủ giường đều đóng với cây thường sơn vẹc-ni chớ không phải danh mộc, song kiểu đẹp chớ không vụng về. Phía sau có ga-ra, có nhà bồi, nhà bếp. Nhà tuy cất đã 20 năm rồi, song mỗi năm đều có tu bổ, sơn phết nên không hư sụp chỗ nào. Sân với đất dư hai bên không rộng lắm, nhưng dọn dẹp sạch sẽ, chung quanh có tường, theo ranh có cây che mát.
Bà Ngọc biểu Đào hỏi coi có định giá bán bao nhiêu. Ông chủ nhà nói ông định 180 ngàn, tính nhà với đất 120 ngàn, còn đồ đạc 60 ngàn. Bà Ngọc chê mắc. Ông chủ nhà cười mà nói: “Tôi đem tráng lực trong đời tôi mà giúp sửa sang xứ sở của mấy bà cho xinh đẹp, nay tôi già yếu rồi, tôi tính trở về quê quán mà yên nghỉ, mấy bà mấy cô nên giúp cho vợ chồng tôi mới phải chớ nài mắc rẻ làm chi “.
Cô Lý muốn mua lắm, lại nghe mấy lời nhỏ nhoi như vậy cô càng thêm động lòng. Cô biết dầu có mua hay không bà Ngọc cũng dọ ý ông Thái, bởi vậy cô nói để cô hỏi lại ý cha cô, có lẽ cha cô sẽ coi rồi sẽ bàn về giá cả.
Vợ chồng chủ nhà nghe Lý nói như vậy thì hiểu ý cô muốn mua nhưng còn do lịnh của cha, nên bà chủ nhà vui vẻ nói sẵn lòng tiếp ông thân của cô, tuy ngoài tấm bảng biên như vậy song chiều chúa nhựt vô xem đồ đạc cũng được. Vì sẽ có ông hoặc bà ở nhà mà tiếp.
Hai bà với hai cô từ giã mà về. Ra ngoài đường bà Ngọc rủ đi hết vô Bà Chiểu mà nói cho ông Thái hay chuyện mua nhà và giá bán của chủ nhà định.
Chúa nhựt thường có khách kiếm mua bàn tủ, nên ông Thái không đi Bình Phước. Hai bà vô nói chuyện lăng xăng. Ông Giáo Hiệp nói: “Nhà đất ở chỗ đó mà định giá như vậy không mắc đâu. Mấy năm nay điền chủ dưới lục tỉnh tản cư lên Sài Gòn, họ kiếm nhà phố mà mua dữ lắm. tại không có rao trong nhựt báo nên họ không hay. Nếu có rao thì họ mua rồi “.
Bà Ngọc nghe nói như vậy bà càng thêm muốn mua. Bà cậy ông Thái đi coi thử rồi trả giá mua giùm cho bà. Đào với Lý cũng tiếp đốc cha đi coi một lát, hai cô sẽ theo thông ngôn cho.
Ông Thái thay đồ rồi lên xe đi với hai con để hai bà ở lại tiệm chơi mà chờ.
Đi gần một giờ đồng hồ ông Thái trở về nói nhà với đất định giá 120 ngàn thì không mắc. Nhưng đồ đạc trong nhà tầm thường, không có tủ lạnh, không có vật chi quý giá mà định 60 ngàn thì mắc. Ông nói hai đứa nhỏ muốn mua nên ông xin chủ nhà bớt giá đồ đạc. Ông chịu bớt còn 170 ngàn. Ông Thái hỏi bà Ngọc chịu mua giá đó hay không. Như muốn bớt thêm nữa thì biểu Đào với Lý đi nói cho.
Bà Ngọc suy nghĩ.
Cô Đào nói: “Người bán bớt một chút thì người mua cũng phải bớt một chút mới vừa. Má Hai để hai con trở lại xin vợ chồng ổng bớt 10 ngàn nữa, như không được thì bớt 5 ngàn nghe hôn má Hai “.
Bà Ngọc nói: ”Thôi, con. Mua hay là không mua, chớ bớt năm mười ngàn làm giống gì. Người ta làm thâm niên mệt mỏi lại già rồi không làm việc được mới bán hết đặng trở về xứ sở mà an nghỉ. Hồi nãy nghe ổng nói má cảm quá. Mình giúp cho vợ chồng ổng không được thì thôi, nỡ lòng nào còn làm ngặt với cặp vợ chồng già như vậy. Đời nay năm mười ngàn đồng bạc có nghĩa gì. Buổi chiều hai con qua trả lời cho vợ chồng ông hay. Má chịu mua 170 ngàn. Biểu ổng định ngày nào làm tờ giấy, ngày nào chồng tiền bạc. Đào mắc đi học, thì Lý đi với má đặng thông ngôn giùm“.
Giá cả định xong rồi, chủ nhà lãnh tiền cọc 50 ngàn, ông làm tờ giao mãi rồi, hai đàng trao giấy tờ cho Chưởng khế lập tờ mua bán theo phép.
Cậu Khánh hay Lý đậu Dược sư rồi cậu gởi thơ về chúc mừng, luôn dịp cậu cho hay chắc lối Tết tiểu đoàn của cậu sẽ được rút về Sài Gòn.
Lý thôi học nên rảnh rang. Bà Ngọc lên thăm vườn hay đi đâu bà cũng biểu Lý đi với bà, mẹ con càng ngày càng thêm khắn khít.
Trong 3 tuần lễ, Chưởng khế làm xong giấy tờ. Bà Ngọc chồng bạc thêm 120 ngàn nữa đủ số. Vợ chồng chủ bán xin bà cho phép ở luôn vài tuần nữa, đợi tới kỳ tàu chạy sẽ giao nhà, nói rằng không có việc chi gấp mà phải đi máy bay, đã tốn tiền nhiều mà lại lớn tuổi sợ mệt. Bà Ngọc sẵn lòng cho phép liền, bà nói ở thêm một tháng cũng được, bởi vì bà không cần dùng gấp.
Đến chừng vợ chồng người bán nhà sửa soạn bữa sau xuống tàu mà về Pháp nên qua thăm bà Ngọc mà từ giã và giao nhà, Đào với Lý khuyên mẹ nên mời hai ông bà đãi một bữa cơm. Bà Ngọc hiệp ý biểu hai con nói mà mời giùm. Vợ chồng người Pháp rất cảm ơn và nhận lời mời liền, lại xin cho ăn một bữa cơm hoàn toàn Việt Nam để kỷ niệm.
Bà Ngọc mời hết cả nhà ông Thái qua dự bữa cơm thân mật ấy cho vui, rồi vợ chồng người bán nhà mới giao nhà và xuống tàu về quê quán.
Sáng bữa sau bà Ngọc đưa chìa khóa cho anh làm vườn biểu qua mở cửa nhà mới mua và quét cho sạch sẽ. Bà với Lý qua rủ bà Hòa đi xem nhà mới. Ai nấy đều ngạc nhiên mà thấy trong ngoài đều sạch bót, bàn ghế chỗ nào cũng để có thứ tự, như nhà đương ở, mà chủ nhà đóng cửa đi chơi vậy thôi. Cửa lớn, cửa sổ, đều chắc chắn, gạch lót đều toàn hảo, không bể một tấm nào. Vách tường trong ngoài đều trắng tinh không cần phải sơn phết lại.
Bà Ngọc dặn anh làm vườn hễ sớm mai anh qua mở hết các cửa lớn, cửa sổ ra cho nắng gió thông vô nhà cho đồ đạc khỏi hư, anh ra ngoài nhổ cỏ mé cây chung quanh nhà, ở làm vườn trồng đồ, tới trưa sẽ đóng hết cửa lại, khóa chặt mà về bên nhà ăn cơm. Buổi chiều anh săn sóc vườn bển, chiều ăn cơm rồi anh sẽ ôm mền chiếu trở qua ngủ giữ nhà, mỗi bữa cứ làm như vậy, làm luôn hai nhà bà sẽ trả thêm tiền công.
Ở chơi tới quá mười giờ hai bà với Lý mới về. Lý đắc ý lắm, cứ khen cái nhà gọn, có đủ chỗ và đủ đồ dùng. Cả thảy chỉ có mua thêm cái máy lạnh nữa mà thôi.
Về nhà bà Ngọc biểu anh bồi buổi chiều anh kêu một người thợ cho bà đặt sửa hàng rào phía trước nhà mới lại cho chắc chắn và làm cửa rào vô ra có khóa hẳn hòi. Bà cũng đặt phá tường rào của bà bề dài chừng một thước rồi làm cửa có khóa để hai nhà qua lại với nhau cho tiện, khỏi đi vòng ngoài đường.
Bây giờ Lý ở bên bà Ngọc thường hơn ở bên nhà. Bữa nào không theo bà với bà Hòa lên thăm vườn thăm sở mía thì Lý đi mua đồ với bà hoặc theo bà qua nằm chơi bên nhà mới.
Một bữa có đủ hai bà mẹ, Lý tỏ ý muốn ra xin làm công cho một tiệm thuốc lớn, hoặc đứng coi một tiệm thuốc nhỏ nhỏ cho họ, đặng có lương tháng mà lại tập cho nó quen nghề, sau có vốn rồi cô mở tiệm thuốc riêng cô làm chủ, cô rành rẽ khỏi bợ ngợ.
Bà Ngọc cản: “Từ hồi nhỏ đến bây giờ con học mệt nhọc quá, con phải nghỉ chơi năm bảy tháng, hoặc một năm cho khỏe, cần gì phải gấp lo làm mà kiếm tiền. Con nghỉ mà đọc sách, đi chơi, khảo cứu tánh dược, coi xứ mình có thứ gì bào chế có thể làm thuốc mà chữa bịnh được. Má tưởng con lập tiệm thuốc đặng mua thuốc ngoại quốc mà trữ, mua rẻ bán mắc, đặng có lời cho nhiều. Con học cho cao đặng cứu đồng bào, làm như vậy mới có ích, chớ con học cao đặng kiếm tiền cho nhiều thì lợi cho con mà không có ích cho ai hết, cái lợi đó không quí gì đâu mà ham. Con kiếm cách mà bào chế thuốc của mình cho được để cứu giúp người ta thì má sẽ cho con mượn tiền mà làm vốn, chẳng cần phải lo kiếm tiền“.
Cô Lý nghe nói như vậy mới hết tính đi làm công cho người ta nữa, để thì giờ mà thí nghiệm thử coi rau tần và rau húng cây tánh chất nó có thể nào mà con nít nóng người mình thường đâm mà thoa cho mát; còn lá ngải có chất gì mà đâm rồi chế nước mưa với mật ong vô để cho uống mà trị bình kiết.
Lật bật đã tới rằm tháng 10 rồi. Trên vườn các thứ cây trồng năm ngoái nhờ mấy người làm vườn siêng săn sóc nên liếp nào cũng sởn sơ. Trà với cả chục nọc tiêu mới đặt thêm mùa nầy thảy đều lên mạnh mẽ. Ngoài sở mía đám nào cũng được tươi tốt lên cao. Mùa mưa gần dứt nên mấy đám mía đặt trước đã bắt đầu trổ cờ lác đác.
Ông Ba Lự với mấy người làm tháng đã sửa soạn lò đường, cho trâu bò ăn no đủ đặng có sức mà kéo xe mía và ép đường.
Ông Thái chắc mùa nầy mía trúng không thua mùa trước, lại nghe bà vợ nói đường còn cầm giá cao, có khi trồi chút đỉnh chớ không sụt, bởi vậy ông đắc chí nên vui vẻ vô cùng. Mà bà Ngọc còn vui vẻ hơn ông, vì bà đã xây dựng sự nghiệp của tổ phụ lại chắc được rồi, mà con gái của bà lại có bằng Dược sư, còn con trai có công trận với quốc gia nên có huy chương và lên chức Đại úy.
Một buổi sớm mơi bà Hòa qua chơi với bà Ngọc. Thấy Lý ngồi chăm chú đọc sách, hai bà mới đi ra vườn đếm mít coi được mấy trái, xem xoài trổ nụ, rồi xem hường đơm hoa. Đi lần lần tới cửa rào thông qua nhà mới, hai bà mở cửa mà đi luôn qua bển. Đứng coi anh làm vườn săn sóc bồn bông đặng Tết có bông đẹp mà rước xuân, hai bà nói chuyện với anh một chút rồi dắt nhau vô nhà ngồi chơi.
Bà Ngọc bèn nói với bà Hòa rằng hồi hôm Lý có tỏ ý muốn sắm cho đủ khí cụ để bào chế thuốc. Bà hỏi tốn chừng bao nhiêu thì Lý nói không biết chắc số được, nhưng sắm cho đủ đồ cần thiết sợ phải tốn tới 15 hoặc 20 ngàn. Bà biểu Lý nghỉ mà chơi, đợi ra giêng bán đường có lời, chắc mùa nầy lời nhiều, bà sẽ cho tiền mua đồ, muốn mua bao nhiêu cũng được. Bà lại nói bà mua thêm cái nhà nầy có ích lắm. Phía sau có hai cái phòng đủ cho Lý dọn chỗ bào chế hay thí nghiệm thuốc chi cũng rộng rãi. Còn phía trước để cô Đào chận làm vách đặng một bên dọn phòng coi mạch và một bên dọn chỗ tiếp bịnh nhơn.
Nghe bà Ngọc lo việc tương lai cho hai trẻ, bà Hòa cười nói:
- Hôm trước mình tưởng qua năm con Đào thi Đốc-tơ. Tôi hỏi lại, té ra nó còn học tới hai ba năm nữa cô à. Học bào chế thì mau chớ học làm Đốc-tơ thì lâu hơn nhiều.
- Chừng nào học rồi cũng được. Miễn là có chỗ sẵn cho nó trị bịnh mà thôi. Chị lo cho Tòng để hai đứa gái tôi lo cho.
- Hết niên khóa nầy Tòng sẽ thi bằng trung học đệ nhứt cấp. Hai chị nó có thử sức nó rồi nói nó học khá chắc sẽ thi đậu. Cha nó mắc lo làm ăn, ông cũng không ngó ngàng tới nó, dặn hai chị chỉ biểu giùm cho nó học vậy thôi.
Bà Ngọc ngồi trầm ngâm một chút rồi nói:
- Tôi nghĩ ra một chuyện ngộ ngộ. Hổm nay tôi muốn nói với chị, mà ái ngại quá, nên chưa dám nói.
- Chuyện chi? Chị em mình mà ngại nỗi gì?
- Khánh nói chắc lối Tết nầy nó sẽ được về Sài Gòn nghỉ ngơi, vì ở trót 4 năm mệt mỏi. Tôi muốn chừng Khánh về tôi xin với anh chị gả phứt Đào cho Khánh. Chị nghĩ coi được hôn?
- Cha chả! Chuyện lạ đa! Vợ chồng tôi không có nghĩ tới. Sợ hai đứa nhỏ không chịu.
- Sao mà không chịu? Hồi còn học chung với nhau hai đứa nó thân thiện với nhau lắm. Xa cách với nhau mấy năm nay hai đứa nó gởi thơ từ với nhau luôn luôn không ngớt. Có yêu nhau nên khi đi lên Thủ Đức cũng như khi đi Khánh mới gởi gắm tôi cho Đào. Mà chắc Đào cũng có ý gì nên Đào ở nhà chăm nom và lo lắng cho tôi cũng như dâu con trong nhà vậy. Bây giờ mình tính việc cưới gả, thì chắc hai đứa nhỏ bằng lòng chớ có lý gì mà không chịu.
- Khánh thân thiết với Đào mà cũng thân thiết với Lý vậy chớ. Khánh cậy hết hai chị em nó ai ủi cô, chăm nom cô, chớ không phải cậy riêng một mình Đào. Lại thuở nay Khánh kêu hai chị em nó bằng chị hết còn gởi thơ nào cũng gởi chung cho hai đứa, chớ không gởi riêng cho đứa nào và bỏ quên đứa nào.
- Chánh tại cái đó nên tôi lo ngại. Tôi muốn hễ Khánh về tới thì mình gây liền cuộc hôn nhơn của Khánh với Đào phứt cho rồi, chớ Lý đã thôi học ở nhà, sợ có chỗ bất tiện.
- Tôi đã hiểu ý cô rồi. Cô lo ngại chỗ đó thì phải lắm. Ngặt Khánh nhỏ hơn Đào một tuổi, lại thuở nay kêu Đào bằng chị, biết Khánh có chịu cưới Đào hay không?
- Vợ chồng lớn nhỏ xê xích nhau một tuổi có hại gì đâu. Người ta thường nói “kết hôn nhơn nhứt gái hơn hai nhì trai hơn một là hạp hơn hết “. Đào hơn Khánh có một tuổi, bất quá tốt được có nửa phần, không được hoàn hảo, chớ không phải tuổi xấu hay là kỵ hay sao mà sợ. Huống chi Đào học đã gần làm Đốc-tơ rồi. Khánh còn kiếm vợ ở đâu hơn Đào được mà chê. Tôi sợ Đào chê Khánh nó không ưng kìa chớ.
- Sao mà chê?
- Khánh năm trước nói mặt nó có thẹo lớn lắm. Sợ Đào chê chỗ đó.
Bà Hòa suy nghĩ một chút rồi nói: “Việc nầy tôi coi khó liệu. Sắp nhỏ bây giờ tánh tình đổi khác chớ không phãi dễ như hồi xưa, nên việc cưới gả chúng nó để cho cha mẹ định. Vậy chuyện chị em mình bàn với nhau nãy giờ, xin cô giữ kín đừng có nói cho Đào với Lý biết. Tôi cũng vậy, tôi cũng để êm như thường vì nói trước nếu việc không thành thì sợ mất vui vẻ mà còn sanh xích mích. Phải chờ Khánh về cô nói riêng với Khánh, dọ ý Khánh coi Khánh có chịu hay không. Như Khánh vì một lẽ gì mà Khánh không bằng lòng, thì chị em mình nín luôn đừng cho Đào biết, làm như vậy hai đứa nó giữ tình chị em như cũ, không đố kỵ chi hết. Còn nếu Khánh chịu thì tôi sẽ nói chuyện với Đào, nó là con gái, dễ cho hai vợ chồng tôi nói hơn“.
Bà Ngọc hỏi:
- Như anh chị nói mà Đào không chịu rồi làm sao?
- Vợ chồng tôi biết dạy con, cô đừng lo. Con gái dễ khiến, chớ không phải như con trai. Nói cho cùng mà nghe, nếu nói trước bây giờ mà nó không chịu thì biết làm sao? Phải chi có Khánh ở đây, mà Khánh xin cưới nó, dầu nó có dục dặc vợ chồng tôi mới dỗ nó được chớ.
- Chị nghĩ như vậy, thôi để Khánh về rồi sẽ hay.