5.2 (14)
Tôi biết cha của tôi lo chăm chú làm giàu, có lợi thì mừng, thất lợi thì tức. Tôi không thể lấy lời mà cãi được nên tôi phải nói thiệt:
- Thưa cha, con thú thiệt với cha đứa nhỏ nầy là con của con. Con không thể bỏ nó mà ưng ông Phủ Cù được.
- Hả? Con nhỏ nầy là của con đẻ? Thiệt vậy hay sao?
- Thưa thiệt vậy.
Cha tôi nổi giận vỗ bàn đứng dậy, mắt ngó tôi lườm lườm mà nói: “Trời đất! Làm xấu làm hổ quá! Sanh con đặng nó phá nhà mà! “Cha tôi bỏ mà đi qua đi lại trong nhà. Tôi ngồi tôi khóc không dám nói gì nữa.
Cha tôi đi một hồi lâu rồi lại đứng trước mặt tôi, mắt nhìn tôi trân rân. Tôi chắc sẽ bị đòn, tôi biết tôi đáng phạt nên tôi sẵn sàng chịu cho cha tôi đánh chửi đặng cha tôi đã nư giận, tôi không thèm kể thân tôi nữa. Nào dè tôi liếc mắt thấy cha tôi đứng nhìn tôi mà không rầy la lại hai giọt nước mắt chảy xuống mặt. Tình cảnh ấy làm cho tôi xúc động cực điểm, tôi khóc ra tiếng. Tôi sụp xuống vừa lạy vừa nói: “Tội con lớn lắm dầu cha đập chết, con cũng ưng bụng chớ con không dám phiền cha. Nhưng con của con đẻ nó là máu thịt của con nên con thương nó quá. Nếu con bỏ nó thì con phải đau đớn trọn đời, biết chi vui sướng nữa mà lấy chồng“.
Cha tôi cúi xuống nắm cánh tay tôi đứng dậy, biểu tôi ngồi lại rồi cha tôi kéo ghế ngồi một bên tôi. Bây giờ nhắc lại cảnh nầy dường như tôi đương thấy trước mặt vậy mà tôi không quên chút nào hết. Cha tôi lấy vạt áo lau nước mắt rồi chậm rãi nói: “Tội con làm thiệt lớn lắm, con gái chỉ có trinh tiết là trọng hơn hết. Con không biết giữ gìn con lén cha mà lấy trai đến có chửa, rồi thừa lúc cha đương bối rối về cuộc làm ăn lớn lao của cha con nói gạt đặng lên Đà Lạt ở mà đẻ cho khuất mắt thiên hạ. Chớ chi con đẻ rồi con kiếm người ở trển con cho phứt đứa nhỏ cho họ nuôi, con về đây một mình, cha không dè, thiên hạ cũng không biết, thì cái hư của con một mình con chịu hổ thầm trọn đời con, cha khỏi xấu hổ với người tôi tớ trong nhà, mà ra đường cha cũng còn dám ngó ngay thiên hạ.
Con lại bồng dứa con nhỏ đem về nhan nhản! Xấu hổ quá! Con là con nhà giàu có, mà con lấy trai đến chửa hoang đẻ lạnh, đời con còn có giá trị gì nữa đâu. Giá của con bây giờ không bằng mấy đứa con gái nghèo trong xóm cha mướn đánh lá mía cho cha thuở nay đó, con có ra cái gì đâu. Người giàu sang tử tế ai thèm cưới thứ gái hư gái lấy trai mà mong gả. Mà chớ chi con làm quấy con mang xấu một mình con cho đáng tội. Con lại kéo luôn cha xuống vũng sình lầy hôi thúi nữa, con làm cho cả ông bà cha mẹ, cho cả tông môn họ Cao nữa mới khổ“.
Cha tôi nói tới đó rồi tức tửi nên khóc ngay, không nói được nữa. Tôi cũng khóc, lại khóc nhiều hơn hồi nãy nữa bởi vì cha tôi không đánh chửi, lấy lời dịu ngọt mà hài tội tôi, chỉ hậu quả tội ấy, làm cho tôi thêm cảm xúc, thêm hối hận.
Cha tôi biểu tôi nín rồi nói tiếp: “Cha nói việc con làm nó nhục cho con, mà nhục luôn đến cha, nhục cho cả tông môn nữa, nói như vậy không phải cha muốn đổ trút hết tội lỗi cho con chịu. Cha xét mình, cha thấy cha cũng có tội trong đó hết phân nửa, tội cha thương con, cha cưng con quá đỗi, nên mới ra cớ sự như vậy. Vì thương con quá, nên cha vùi đầu trong cuộc làm ăn, cứ lo hốt tiền bạc cho nhiều đặng để ngày sau con an hưởng cho sung sướng. Mẹ con mất sớm không người chăm nom dạy dỗ con. Vì thương con nên cha không chịu cưới vợ khác đặng người thế cho mẹ con mà chăm nom con. Cha lại cứ lo làm giàu chớ không lo dạy dỗ con. Chừng con trộng rồi cha không cho học nữa, cha lại cưng con thái qua, cha sắm xe hơi cho con đi chơi thong thả, cha cứ đút nhét tiển bạc cho con, muốn bao nhiêu cũng được hết. Tại cái thương mù quáng, cái cưng lỗi thời đó nên bây giờ con mới hư thân, có tiền bạc nhiều mà không bằng ai hết, thua tới sắp con gái nhà nghèo, tay lấm chưn bùn, áo quần rách rưới nữa.
Cha nghĩ đời con hư hỏng, cha cũng có tội một phần nhiều. Bởi vì lòng cha thương con minh mông không có giới hạn, để cho con tự do nên con mới làm xấu cho cha được. Bây giờ con có con, tự nhiên con thương nó, cha cản sao được, vậy nếu con không đành bồng nó đem cho người khác thì con để mà nuôi. Đời cha đã tới mức chót rồi ai khen ai chê cũng không đáng kể. Còn việc gả con lấy chồng nếu con chê ông Phủ Cù già, con kiếm coi có người nào xứng đôi vừa lứa với con, mà lại sang trọng hơn ông Phủ, nếu họ sẵn lòng cưới con làm vợ, thì con biểu họ tới đây mà nói, cha sẽ gả con cho họ liền. Ơn nghĩa của ông Phủ đối với cha thì cha năn nỉ với ông mà đền đáp cách khác. Dầu ông có phiền ông không thèm nâng đỡ cha nữa thì cha chịu, chớ biết làm sao “.
Cha tôi nói tới đó, con nhỏ tôi khóc óe lên, cha tôi biểu tôi vô dỗ nó, đừng để nó khóc, chòm xóm họ nghe rồi họ nói nhiều chuyện.
Bà Ngọc ngừng đặng rót trà mời khách uống với bà. Bà Hòa nói: “Ông cụ không rầy la ông nói xuôi xị mà tôi thấy cô khó xử lắm“.
Bà Ngọc nói: “Bởi vậy đến đó tôi muốn bạc đầu. Thà là đánh chửi dễ chịu hơn. Tôi vừa khuấy sữa cho con nhỏ bú, vừa suy nghĩ việc của tôi, bây giờ nó phân ra hai điều riêng biệt, thứ nhứt: phải rứt bỏ con nhỏ mà làm mặt trong sạch cho cha tôi gả lấy chồng; thứ nhì phải ưng ông Phủ Cù cho cha tôi khỏi thất ước được trọn ơn nghĩa lại sau có người khôn lanh thông thạo mà giữ gìn sự nghiệp. Tôi thương con tôi quá, bỏ làm sao được.
Còn ưng ông Phủ thì tình yêu của tôi đã khô héo, lại ông Phủ lớn đáng cha tôi, làm sao tôi yêu ổng được mà tôi ưng ổng. Nếu không chịu làm hai điều đó thì cha tôi mang tiếng xấu với thiên hạ, mà còn sợ ông Phủ Cù thất vọng rồi gây hoạ nữa. Khổ lắm chị ơi! Chớ chi ở cái chòi trên rừng sâu, hoặc ở cù lao ngoài biển cả, không gần gũi với ai hết, thì tôi âm thầm nuôi con nhỏ, hủ hỉ với cha già, tình hiếu vẹn toàn, đời sống có lẽ cũng còn vui vẻ được. Ngặt sống giữa thiên hạ, phải giữ danh giá phải lo liệu làm mặt trong sạch, phải giấu việc hư hèn, dầu gian cũng phải làm bộ ngay, dầu xấu xa cũng phải tô điểm cho ra tươi tốt, tại vậy nên mới khổ.
Con tôi ngủ êm rồi. Tôi lóng ngóng nghe trong nhà im lìm. Tôi lén bước lại cửa buồng mà ngó ra ngoài. Đèn lu lu, cha tôi nằm ngay trên ván hút thuốc, chớ chưa vô mùng mà ngủ. Tôi trở vô ngồi ngó ngọn đèn mà suy nghĩ. Tôi bình tâm định trí tính trót mấy giờ, quyết tìm cho được mối đường phải thoát thân, cho nhẹ bớt tội lỗi đối với cha tôi. Tôi nghĩ phải có cha tôi sanh tôi rồi tôi mới sanh con tôi được. Tuy trên thương cha, dưới thương con, hai gánh đều nặng, song tôi không được phép vì thương đứa nhỏ còn nằm ngo nghoe mà để ông cha già, tóc bạc hoa râm, răng đã rụng bộn, phải ôm lòng che mặt mà chịu buồn rầu nhục nhã. Còn thân tôi bây giờ là gái hư, còn tốt lành gì mà mong có chồng tử tế. Anh Chánh là người hứa hẹn với tôi ảnh đã giận bỏ đi mất rồi, đi mà ôm theo tấm lòng oán ghét, ảnh còn thương yêu gì mà trông. Gặp ảnh lại càng thêm hổ thẹn chớ vui vẻ gì mà chờ đợi. Vậy xuôi thuận theo ý cha tôi định: phải giấu biệt con tôi đẻ và ưng làm vợ ông Phủ Cù, đó là con đường duy nhứt cho tôi thóat khỏi vũng sình hôi thúi, lại còn được chữ hiếu với cha, mà có lẽ cũng còn được người chồng dầu không vừa lứa xứng đôi, song cũng an thân khỏi nhục.
Nghĩ tới con đường đó tôi cảm thấy trong lòng tôi được nhẹ nhàng, trí tôi bớt rối rắm. Tôi tính sẽ bước chưn vào đó mà tìm ngã ra. Tôi lén bước lại cửa buồng coi như cha tôi còn thức thì tôi thưa cho cha tôi hay đặng cha tôi bớt ưu phiền. Đèn vẫn còn lu lu, cha tôi vẫn còn nằm trên ván, nhưng nằm im lìm chắc đã ngủ. Tôi lẻn bước lại gần, thấy cha tôi ngủ mà một cánh tay gác qua trán, mái tóc điểm bạc, hàm râu le the tôi xúc động quá, lật đật chạy vô buồng ngồi suy nghĩ nữa. Bây giờ tôi quyết định rồi, tôi phải làm theo ý cha tôi cho cha tôi khỏi buồn, phận tôi may rủi tốt xấu lẽ nào tôi cũng vâng chịu, tôi không phép dụ dự nữa.
Mà giấu biệt con tôi với cách nào?
Cậy người quen nuôi giùm nó đặng lâu lâu lén tới mà thăm. Làm như vậy người ta biết, thì cha con tôi cũng không tránh tiếng xấu được.
Đem xuống Sài Gòn mà giao cho cha mẹ của anh Chánh nuôi. Cha mẹ với em gái ảnh đã khinh khi oán ghét tôi. Họ có thèm lãnh đâu mà giao.
Đem vô nhà nuôi mồ côi mà cho. Họ nuôi chung với trẻ nhỏ hoang đàng tội nghiệp thân con tôi lắm.
Đem đến chỗ xa lạ hỏi có ai chịu nuôi con nhỏ thì cho đứt họ đặng biệt tích. Nghĩ đến cách nầy tôi dụ dự. Đi hỏi từng nhà thì người ta nghi hoặc phải đến làng mà làm tờ giấy thì thêm khổ. Nếu cho người ta tiền đặng họ ham tiền mà nuôi. Nuôi như vậy họ có thương yêu gì, nhỏ thì bỏ bù lăn bù lóc, còn tiền thì nuôi, hết tiền thì thôi, lại lớn lên họ bắt làm tôi làm mọi cho họ, hoặc họ đợ đặng lấy tiền mà ăn. Đời con nhỏ phải chịu cực khổ, có lẽ bóp mũi cho chết phứt bây giờ mát thân nó hơn là để nó sống trong cảnh bùn than khổ não.
Tôi tính tới tính lui đến đồng hồ gõ 3 giờ, tôi mới quyết định: ban đêm lựa đường vắng vẻ lén đem để nó bên lề với một bức thơ tha thiết yêu cầu ai gặp con tôi thì làm phước đem về giấu mà nuôi giùm. Phải để theo con nhỏ một số tiền đặng có sẵn cho người ta nuôi. Tôi sẽ cậy nuôi nó thì xin thương yêu, dạy dỗ giùm đặng chừng nó lớn khôn thì nó biết làm ăn, khỏi vất vả cực khổ. Số tiền đó nếu để năm ba trăm, sợ tiền mau hết, rồi người ta hết thương yêu. Vậy phải đính theo một số tiền cho lớn, đặng người ta nhớ hoài, không nỡ hất hủi con tôi. Tôi nhứt định như vậy rồi dở mùng vô nằm với con,.. tôi yên trí nên tôi ngủ quên “.
Bà Hòa ngồi chăm chú nghe, khi nghe cô Ngọc có chửa mà cậu Khánh bỏ đi Tây thì bà phát nghi bà nầy là mẹ của cô Lý rồi; chừng nghe tới bà nọ nói sanh con gái đặt tên Lý thì 10 phần đã chắc trúng hết 9 phần. Nhưng cứ làm thinh ngồi nghe, không chịu nói chi hết. Đến khi bà Ngọc quyết định đem con mà bỏ trên lề đường với một bức thơ và một số bạc lớn cậy ai gặp thì làm phước nuôi giùm, chừng đó hết nghi ngờ gì nữa, song chúm chím cười mà thôi, chớ cũng không chịu nói ông Thái gặp đứa nhỏ đem về nuôi, nó là con Lý bây giờ đó; bà có ý phải nói chồng hay trước coi chồng liệu lẽ nào chớ bà không dám tự chuyên.
Bà Ngọc mới nói tiếp rằng sáng bữa sau bà thức dậy mắc làm sữa cho con bú. Chừng xong rồi bà ra ngoài thì ông già đã đi thăm sở mía. Đến trưa cha về ăn cơm. Bà to nhỏ nói cho cha hay bà sẽ làm y theo lời cha dạy, bà không dám cãi, bà xin cha cho 5 ngàn đồng đặng chiều nay bà chở con nhỏ đem đi mướn cho người ta nuôi. Ông già châu mày gặc đầu rồi đi vô buồng ông mà mở tủ sắt. Ông kêu bà vô, chỉ tiền bạc mà nói: ”Muốn lấy bao nhiêu tự ý con, miễn nội buổi chiều nay phải đem con nhỏ khỏi nhà đừng có để lâu thiên hạ hay biết“.
Bà đếm lấy 5 ngàn, rồi trở về buồng ngồi viết thơ. Bà đã cương quyết cắt chùm ruột mà quăng cho tròn đạo hiếu với cha và cho hạp với con mắt của thiên hạ, rồi kéo tấm màn che khuất dĩ vãng mà hát lớp khác cho người ta xem, dầu dở, dầu hay cũng phải hát, hát cho giống người ta mới gọi là hạp thời. Buổi chiều đó bà tom góp đồ của con nhỏ mà bỏ vào cái rương mua trên Đà Lạt đựng đồ đem về đó. Ăn cơm chiều rồi bà làm sữa cho con nhỏ bú no, làm thêm một ve nữa đặng đem theo. Bà thay đồ sửa soạn mà đi, bà đau đớn lắm nhưng bình tĩnh không buồn không khóc. Mặt trời chen lặn, bà mượn chị nấu ăn bưng cái rương ra để trên xe hơi rồi bồng con ra đặng thưa với cha mà đi. Té ra ông cha đã bỏ đi đâu rồi. Bà ra mở xe để con nhỏ nằm một bên rồi nắm tay lái cho xe đi ra lộ, cặp mắt đỏ au ruột gan bầm giập.
Bà lái xe xuống Bà Chiểu rồi qua Phú Nhuận không thấy chỗ nào tiện. Bà xuống Sài - Gòn thì đèn đường đã cháy đều hết rồi. Bà nhớ đường Thị Nghè vô Bà Chiểu hễ tối thì vắng vẻ. Bà mới đi qua đó, tới khúc quanh ra Bà Chiểu không có nhà cửa, bà mới ngừng xe sát đường bên lề, bồng con nhỏ mà khóc. Bà hun hít con một lần chót đặng mẹ con từ biệt. Bà lấy ve sữa cho con bú thêm cho no. Bà để con nằm trên xe, bà bước ra bưng rương đồ để trên lề đường. Bà dỡ ra để bao thơ với 5 ngàn đồng bạc trong cái mền lót ở dưới, soạn mấy gói áo khăn mền, tã, coi đủ hết, rồi bồng con khóc mà hun một lần cúi cùng. Bà để con nằm trong rương, lấy gói mền kê nắp rương cho con khỏi ngộp. Bà chắp tay xá bốn phía van vái trời phật phò hộ tánh mạng con bà, xui khiến cho người từ thiện gặp đem con bà về nuôi cho tử tế.
Bà bịn rịn đứng khóc rất lâu, không nỡ bỏ mà về. Chừng nhớ lại ông cha già ở nhà, bà phải đè lòng yêu con, dở rương dòm nó một lần nữa, rồi đứng dậy vội vã lên xe phựt đèn mở máy mà đi, xác thì lái xe về Bình Phước, mà hồn thì vởn vơ ở chung quanh cái rương bên lề đường Thị Nghè.
Bà Ngọc nói tới đó rồi khóc. Bà Hòa nghe bạn thuật tình cảnh thê thảm não nề quá, bà động lòng nên cũng khóc.
Cô Đào với cô Lý đi học về nghe người nhà nói mẹ đi qua chơi bên nầy, nghi mẹ qua nói chuyện cậu Khánh, nên hai cô liền đi qua đó đặng sẵn có mẹ mà xin lỗi với bà Ngọc cho rồi. Hai cô bước vô thấy hai bà đương khóc thì hai cô vội đứng lại không hiểu có việc chi.
Bà Hòa kêu mà nói: “Hai con vô đây. Má xin lỗi với má hai giùm cho con rồi. Má Hai không giận đâu mà sợ “.
Cô Đào hỏi: “Vậy chớ có việc chi mà hai má khóc hết? Cậu Khánh có nói việc chi buồn hay sao? “.
Bà Hòa liền nói: ”Vui cũng khóc được vậy. Có việc chi buồn đâu con”.
Bà Ngọc tưởng bà Hòa muốn khỏa lấp chuyện buồn bà thuật nãy giờ không cho hai trẻ biết nên bà tiếp nói: ”Thằng Khánh bị đạn nằm nhà thương mà hổm nay hai con giấu không cho má Hai biết. Má Hai thấy hai con thành thiệt yêu má Hai, sợ Má hai buồn lo rồi sanh bịnh. Má Hai cám ơn lắm, chớ kông có giận hai con đâu“.
Bà Hòa mượn cớ phải ăn cơm sớm đặng đi vô Bà Chiểu, nên bà đứng dậy từ giã mà về với hai con, hứa bữa sau sẽ qua nói chuyện chơi nữa.